thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lập lại cuộc tranh luận cũ?

 

Giữa thập niên 30 của thế kỷ 20, trước chiến dịch phản đối ồn ào trong đó không thiếu những lời lẽ hay thái độ khá tục tằn nhắm vào những tác phẩm bị gán nhãn hiệu “dâm uế và tục tĩu” của mình, Vũ Trọng Phụng đã, một cách tự tại, khẳng định tư thế của một nhà văn “tả chân”:

... tôi cần xin một đôi dấu ngoặc thuyết minh về cái điều dâm. Cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Cái dâm của cặp vợ chồng chẳng hạn thì là sự thường như sự ăn uống,không có gì là uế tạp nhơ bẩn mà lại còn là điều thanh tao, cao thượng nữa, song người ta không cần tả đến, vì nếu nói đến nốt tất nhiên là khiêu dâm. Song còn những thứ dâm đáng gọi là uế, thí dụ hiếp dâm, gian dâm, loạn luân, nghĩa là thứ dâm của hạng nam nữ mà không là vợ chồng. Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn, khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật rồi, chứ ông Thái Phỉ còn bắt bẻ thế nào nữa.[1]

Bây giờ câu chuyện “dâm uế” ngày nào đã được hâm nóng trở lại cho dù cái nhìn về những tác phẩm “dâm uế” của 70 năm trước đã khác đi rất nhiều sau một thời gian dài bị bôi đen và bị loại trừ vì những yếu tố chính trị hơn là văn học. Bây giờ, khi Vũ Trọng Phụng đã được mặc nhiên thừa nhận như là một trong của những tài năng văn học sáng chói nhất của thời đại mình, khi chẳng còn ai nhân danh đạo đức để “bắt bẻ” tính chất dâm uế và tục tĩu trong những Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Làm đĩ thì, cơ hồ, những lời la ó cũ, rất cao đạo hay rất tục, vẫn lập lại y chang.

Hồi ấy, những kẻ đạo đức cùng mình như Thái Phỉ hay Nhất Chi Mai, một nhà văn nấp bóng độc giả [2] hay nhiều “độc giả bình thường” khác đã không thấy hay cố tình không thấy yếu tố văn chương trong những trang “dâm” của Vũ Trọng Phụng. Và hồi ấy, bất chấp sự la ó ấy, Vũ Trọng Phụng đã điềm tĩnh lao vào cuộc phiên lưu văn chương mệnh danh “tả chân”, một cuộc chơi rất mới của một nền văn học đang trăn trở đổi mới, trong bối cảnh cả dân tộc trăn trở cho một vận mệnh mới: mới về văn hoá, mới về kinh tế và mới về chính trị. Ngày hôm nay, cũng giữa những tiếng hô đổi mới toàn diện tương tự như thế thì, có nhân danh đạo đức để la ó về cái gọi “văn chương dâm uế”, những “Thái Phỉ” hay “độc giả bình thường” thời đương đại cũng chỉ có thể la ó vào những những tên tuổi mới hơn và những cuộc chơi mới hơn so với thời của mình. Những nhà đạo đức hôm nay không thể nào công kích cái tên Vũ Trọng Phụng đã trải nghiệm qua thời gian mà chỉ có thể công kích những tên tuổi chưa từng trải qua thử thách như chính một Vũ Trọng Phụng hãy còn chân ướt chân ráo trong cuộc phiên lưu gọi của gần 70 năm trước. Ngày trước Vũ Trọng Phụng tả chân. Ngày hôm nay, những tân Vũ Trọng Phụng khao khát cái hiện đại nhưng hiện đại hơn cả cái hiện đại đã định hình và đã được chấp nhận. Mà không chỉ là Vũ Trọng Phụng hay thời của Vũ Trọng Phụng. Đàn ông chớ đọc Phan Trần / Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều: Nguyễn Du chẳng đã bị chê bai là viết điều dâm tà hay sao? Hồ Xuân Hương, bà chúa của thơ Nôm, chẳng đã từng bị công kích là khiêu dâm hay sao? Ngày nay, không ai còn ai chê bai họ như thế nữa mà, thậm chí, còn đưa trân trọng đưa vào chương trình giáo dục như là niềm tự hào của nền thi ca cổ điển Việt Nam.

Sự lập đi lập lại của lịch sử như thế đã nói lên cái tính ì của từng thời đại trước những nỗ lực cách tân. Mà không chỉ là tính ì hay tính bảo thủ hay tính sợ phiêu lưu, sự la ó ấy, có khi, là một hành động cưỡng hiếp văn hoá.

Nếu tính ì, trong vật lý, là xu hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động hay đứng yên của vật thể thì, trong văn học, tính ì này chính là xu hướng bám víu vào hệ thẩm mỹ đã cũ, chính là xu hướng ăn sẵn và bảo thủ, cái xu hướng sợ hãi những cái mới. Tưởng tượng một nền văn học hoàn toàn không có sự đổi mới? Tưởng tượng một nền văn học Việt Nam không có Hồ Xuân Hương, không có Nguyễn Du, không có Vũ Trọng Phụng và không có Thơ Mới? Tưởng tượng một nền văn học thế giới không có Walt Whitman với Leaves of Grass, không có D.H. Lawrence với Lady Chatterley's Lover, không có Vladimir Nabokov với Lolita, không có Henry Miller với Tropic of Cancer — những tác giả và tác phẩm từng bị la ó là dâm loạn, bi cấm chỉ và thậm chí còn bị đưa ra toà này? Và nếu sự khiêu dâm là một tiến trình tâm/sinh lý diễn ra trong tâm trí người đọc thì, suy diễn rộng hơn, đấy cũng chính là sự tương tác giữa vốn liếng hay bản lĩnh văn hoá của người đọc với văn bản tiếp nhận. Nói như Kim Thánh Thán thì đó là sự cách biệt giữa người “biết văn” và kẻ “hiếu dâm”: đọc Tây Sương Ký , kẻ biết văn sẽ thấy được văn còn kẻ hiếu dâm chỉ thấy toàn cái sự dâm.[3] Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ xẵng giọng “đáng kiếp tà dâm” thế nhưng, cứ theo những tài liệu để lại, giữa ông quan cả đời làm quan nhưng dàu dàu niềm u hoài cố quốc và ông quan nổi tiếng trong giới tài tử giai nhân, ai đã dạn dày chỗ chơi bời hơn ai? Vũ Trọng Phụng, một thời là mắt bão của cuộc tranh luận văn chương dâm tục, thế nhưng, theo những bằng chứng xác thực để lại, lại là con người có nếp sống mực thước và tử tế hơn bất cứ nhà văn cùng thời nào.

Khi lớn tiếng thoá mạ những nỗ lực thử nghiệm ấy một cách không suy xét, những Thái Phỉ hiện đại đã thô bạo áp đặt vốn liếng văn hoá của mình vào những tác phẩm mà mình chưa thực sự chuẩn bị cho cái sự đọc.

Một tác phẩm viết về cái dâm phải khác với một tác phẩm khiêu dâm. Và cách thưởng thức một tác phẩm văn chương phải khác với việc tiêu thụ một sản phẩm khiêu dâm, bằng chữ hay bằng hình. Hơn thế nữa, ngôn ngữ văn chương phải khác với ngôn ngữ của truyền thông đại chúng và giáo dục phổ thông. Nếu sự viết về cái dâm đòi hỏi những nguyên liệu của sự dâm — từ những danh từ hay tính từ chỉ bộ phận của cơ thể đảm nhiệm sự dâm hay những động từ thể hiện động tác của cái sự ấy — thì việc viết để khiêu dâm, có khi, không nhất thiết đòi hỏi phải như thế. Mà điều này thì, những gần 70 năm trước, Vũ Trọng Phụng đã giảng giải rất rõ, như thể là giảng một bài học giáo khoa:

Thưa không! Cái gì đã bẩn thỉu đến chỗ làm ta nôn oẹ như thế thì nó không có tính chất khiêu dâm đâu, ngài ạ. Khiêu dâm là những danh từ bóng bẩy văn hoa, là sự nói đến cái dâm bằng những danh từ điêu trá của văn chương nó không chướng lỗ tai của ngài, nhưng quả thật nó có hại cho cô gái nhỏ vô cùng! [...] Cái nhơ bẩn không khiêu dâm. Khiêu dâm là sự nửa kín nửa hở, là cuốn phim trưởng giả về Music Hall,những ám ảnh của báo Beauté magazine, báo Sex appeal, cô gái nhảy mặc áo tân thời bằng voan mỏng, những chuyện tình “cao thượng” nó làm hại cô gái nhỏ, cậu con trai của ngài hay là nó khiêu dâm cả chính ngài![4]

Một bài học “giáo khoa” như thế thì, kể ra, cũng khá đơn giản và không phải là thời đó không có ai nhận thấy. Câu chuyện chỉ trở nên ồn ào hơn khi nguời ta cố tình không thấy để đầu cơ cái đề tài “văn chương dâm uế” đang ồn ào cho những mục đích hay những ẩn ức hoàn toàn nằm ngoài vấn đề văn chương hay đạo đức. Và như thế, câu chuyện đã trở nên... tục hơn cả tự thân sự dâm tục khi văn chương và đạo đức đã trở thành cái cơ hội những kẻ cơ hội chủ nghĩa, trở thành chiêu bài cho những mục tiêu hoàn toàn phản văn chương và phản đạo đức, như chính lời của Vũ Trọng Phụng, cũng đầy tính giáo khoa:

Tiện đây, xin nhắc Tự lực văn đoàn rằng khi người ta viết Hà Nội ban đêm và Hà Nội lầm than, thì người ta đừng nên chửi tác giả Lục sì. Hoặc có mạt sát xin khôn khéo hơn nữa.
       Xưa kia muốn cho Thế Lữ nổi tiếng về thơ mới, Tự lực văn đoàn đã phải dùng đến cách làm cho thiên hạ tưởng Nguyễn Khắc Hiếu là một kẻ không có tư cách nhân phẩm gì nữa, khốn nạn vô cùng.
       Bây giờ,nếu cần quảng cáo cho một nhà phóng sự chưa nổi tiếng nào trong Tự lực văn đoàn, nếu cuốn Cạm bẫy người mà các ông xuất bản lại hại cho báo Ngày nay, nếu cần phải chửi Vũ Trọng Phụng cho “tiêu” xin các công cứ tự tiện. [5]

Cuộc tranh luận về văn chương dâm uế ngày trước kéo dài những ba năm,khép lại sau đám tang của Vũ Trọng Phụng vào tháng 10 năm 1939 với phần thắng nghiêng hẳn về phía Vũ Trọng Phụng. Bây giờ, sau gần bảy mươi năm, phần thắng ấy còn rực rỡ hơn nữa khi chính những trang văn chương “dâm uế” ấy được thừa nhận như là những thành tựu văn học sáng chói của thời đại và ai cũng tỏ ra bùi ngùi tiếc thương cho sự số phận hẩm hiu của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Điểm đáng buồn là, trong khi nghiêng mình và áy náy trước vong hồn của một tài năng đi trước thời đại mình như thế, chúng ta lại có thể thoải mái đi lùi thời gian để thô bạo và tục tĩu áp dụng thứ ngôn ngữ và những thủ đoạn mà những đầu óc bảo thủ hay cơ hội chủ nghĩa của gần 70 năm trước từng áp dụng với tài năng ấy chỉ để giải toả những ẩn ức, đố kỵ đầy tính mặc cảm hay chỉ để quảng cáo và tiếp thị cho cái tên của mình [6].

Chẳng lẽ đến bây giờ mà chúng ta vẫn chưa thấm mấy bài học giáo khoa của Vũ Trọng Phụng? Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi tốn kém thì giờ cho những trò lăng nhăng và láu cá vặt này mãi như thế?

 

_________________________

[1]Vũ Trọng Phụng, 1936, “Thư ngỏ ông Thái Phỉ, Chủ báo Tin Văn về bài 'Văn chương dâm uế'”, Hà Nội Báo số 38, 23.9.1936. Dẫn theo Tranh Luận Văn Nghê Thế kỷ XX, tập II, Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nhà Xuất bản Lao Động, Hà Nội 2002, tr. 1105-1106

[2]Nhất Chi Mai là Nhất Linh. Công kích Vũ Trọng Phụng nhưng Nhất Linh không ra mặt mà phải nấp dưới tên này, nhân danh “độc giả” của Ngày Nay qua bài viết “Ý kiến một người đọc: Dâm hay không dâm”, Ngày Nay số 15, 14.3.1937, sđd, tr. 1121-1124.

[3]Dẫn theo Trần Đình Sử, 2002, Văn Học và Thời Gian, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 107.

[4]Vũ Trọng Phụng, 1937, “Chung quanh thiên phóng sự Lục Sì – Bức thư ngỏ gởi cho một độc giả”, Tương Lai, số 11, Mars 1937. Dẫn theo Tranh Luận Văn Nghê Thế kỷ XX, tập II, Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nhà Xuất bản Lao Động, Hà Nội 2002. tr. 1118–1120.

[5]Vũ Trọng Phụng, 1937, “Báo Tương Lai cũng công nhận cái thói dèm pha của bọn Phong Hoá, Ngày Nay”, Tương Lai số 9, 25.3. và Ích Hữu số 58, 30.3. Sđd., tr. 1134

[6]Nghĩ cho cùng, cũng nhờ có bài viết của Kiệt Tấn (talawas, 21.3.2005) nên một số tên tuổi mới trở nên “bóng” hơn một chút trên “văn đàn”, dù là bóng theo nghĩa nào đi nữa. Và, nghĩ cho cùng, dựa trên tiêu chí ngôn ngữ văn chương thì bài viết của Hà Minh (talawas, 25.3.2005) chống văn chương "tục tĩu" nhưng còn tục tĩu hơn cả bài viết của Kiệt Tấn. Tiêu chí đạo đức hay tiêu chí của sự “thanh nhã” nào cho phép người ta phản đối sự “sụt cặc” trong văn chương của Kiệt Tấn đến độ thản nhiên tuyên bố “không cần bịt lỗ đít” lại khi đọc Kiệt Tấn?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021