thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thực trạng thơ Việt Nam

Thiên niên kỷ thứ ba đang mở ra vậy mà con đường thơ của chúng ta đã vượt được bao xa so với thơ Đường cách đây hơn 1.300 năm? Trừ nhánh rẽ thời Thơ Mới sau vụ trái đầu mùa dường như nền thơ đương đại cũng chỉ làm thêm được theo lối ấn bút tô đậm những nét đã khai thông. Còn lại, rất đông và rất đông những nhà thơ vẫn đang xúm xít quanh lối thơ tứ tuyệt và những vần Lục-Bát thuộc họ thơ bình dân. Một lần trước nhiều nhà thơ và những người am tường thơ cổ, tôi có đặt một câu hỏi róng riết rằng: "Tập thơ tuyển 1.000 bài Tứ tuyệt vừa qua, có tác giả nào nổi lên thật xuất sắc để thành danh không?" Sau một lát suy ngẫm, mọi người trả lời rằng: "Không!" Tôi lại đặt tiếp câu hỏi: "Giả sử gộp cả một nghìn bài ấy chỉ cho một tác giả, thì liệu người ấy có thành danh không?" Mọi người im lặng bẽ bàng, dù vậy câu trả lời "Không!" vẫn nổi lên (Thơ là vấn đề vừa lớn - vừa nhạy cảm của chúng ta, vậy để đảm bảo cho luận chứng đối thoại của mình, tôi xin đặt câu hỏi đó cho tất cả mọi người. Và xin sẵn sàng thỉnh giáo). Còn Lục-Bát cũng vậy: sau Cách mạng Tháng Tám và phong trào Bình dân học vụ, dân ta từ 90% mù chữ trở thành hơn 90% biết chữ Quốc ngữ, tại sao không thể và không đòi hỏi Lục Bát là thứ ngâm nga truyền khẩu khi mù chữ phải trở nên một hình thức thơ bác học hơn - hàn lâm hơn?

Hơn ngàn năm qua văn minh nhân loại đã tiến những bước nhảy vọt diệu kỳ từ hệ thống tin học nối mạng toàn cầu đến các chương trình chinh phục vũ trụ và siêu điều hành vĩ mô... Chẳng lẽ thơ ta vẫn quanh quẩn bên vài câu tứ tuyệt và vài tích yêu đương kiểu Tầu? Đây là lúc, không thể chậm hơn được nữa, chúng ta cần nhận diện tầm vóc cũng như hành trang của văn học, để vừa sửa soạn vừa bước đi trên con đường thiên niên kỷ. Và với Thơ là đặc biệt quan trọng - bởi vì - Thơ là con đầu lòng của nền văn hoá chúng ta.

Người Việt chúng ta có hai câu cửa miệng đặc trưng: "Ra ngõ gặp anh hùng", và "Ra ngõ gặp nhà thơ". Ra ngõ gặp anh hùng, thì đúng rồi, vì đất nước ta chiến tranh liên miên, mà kẻ thù nào chúng ta cũng đánh thắng, vậy nếu không có những lớp lớp anh hùng ở đâu và lúc nào cũng gặp, thì làm sao chúng ta có thể giữ được quê hương như ngày nay. Còn, ra ngõ gặp nhà thơ, điều đó đáng tự hào hay không? Hẳn nhiên, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc! Nhưng chưa thể và chưa đến lúc tự hào về một đất nước đã phát triển hùng cường. Nếu thay vì ra ngõ gặp nhà thơ, mỗi lần ra ngõ chúng ta lại gặp một nhà bác học, thì văn hoá và kinh tế của chúng ta sẽ có diện mạo đáng khả kính bao nhiêu? (!) Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy căn cứ vào nền giáo dục của nước ta cũng như toàn thế giới. Có phải, các giờ học giành cho toán học, vật lý, hoá học, văn học nhận thức, đạo đức... tất cả gộp lại lớn hơn hẳn số giờ bình thơ - giảng thơ - dạy làm thơ... Nói như vậy không có nghĩa là các môn cộng lại làm gì chẳng lớn hơn môn thơ, mà để nói, đào tạo một con người mang văn hoá toàn diện lớn hơn hẳn một con người ươm mầm thơ. Ngay giữa văn xuôi và thơ cũng có sự chênh lệch rất xa. Giữa muôn vàn những bài thơ của dân tộc, hiếm hoi lắm mới đếm được áng văn xuôi "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Thì Chí... thật ra đó cũng là lẽ đương nhiên thôi, vì thơ là "đứa con truyền khẩu" đầu tiên của ngôn ngữ nhân loại, trong khi đó văn xuôi chỉ ra đời sau khi chữ viết hình thành. Nhưng tại sao, đến thế kỷ 21 rồi, chúng ta vẫn nhiều nhà thơ làm vậy? Nhà thơ nhiều, trong khi nhà văn cũng nhiều, nhà phê bình cũng lắm, và vẫn có những người dấn thân đến vong thân trong các phòng thí nghiệm để trở thành các nhà bác học, thì chẳng nói làm gì! Đằng này, nhà bác học tuyệt nhiên gần như "không", nhà phê bình thì đếm trên đầu ngón tay, nhà văn thì đếm đốt ngón tay, còn lại chỉ thấy những cây bút chưa kịp học gì nhiều, sẵn sàng dấn thân vào "Hoa - mỹ nhân - và rượu" để làm nhà thơ. Nếu ví văn học như một cái cây, thì nhà thơ nhiều hơn lá, nhà văn ít hơn cành, còn nhà phê bình dường như chỉ là nhánh gốc... Phê bình ít đến mức, chưa kể số đơn vị là nhà, mà Đại hội những cây bút trẻ gần đây nhất, trong 160 cây bút sáng tác - dường như không phát tiết nổi một ý kiến mang tính phê bình. Thực tế, trong cuốn Thi nhân Việt Nam chẳng hạn, chỉ có mình Hoài Thanh và Hoài Chân "đóng vai" tác giả phê bình cho hơn 40 thi nhân trong cuốn sách và cả nghìn nhà thơ ngoài cuốn sách. (Mới đây một bài báo có đếm được cả nước có 18 giáo sư thuộc ngành văn học, trong đó 11 vị đã nghỉ hưu) còn lại 7 vị không phải lúc nào cũng có thể ở trong tư thế cầm bút là viết được phê bình văn học. Đời sống phê bình nghèo đến mức, đã qua sáu khoá đào tạo viết văn ở trường Nguyễn Du, vậy mà dường như chẳng đếm nổi một khuôn mặt nào tích trữ đủ vốn kiến thức cũng như tràn đầy nhận thức trong mình "ngứa ngáy" trào ra thành dăm ba bài " phê bình...

Con đường lớn nhất của cuộc đời cũng như văn học là nhận thức. Đó là con đường vừa đem lại vinh quang và hạnh phúc xứng đáng cho mọi cá nhân và xã hội theo đuổi đó. Thơ muốn vinh quang cũng chẳng thoát khỏi con đường nhận thức. Nhưng trái lại, thơ ở ta được ồ ạt theo đuổi bởi vì chưa chuẩn bị - hoặc bỏ qua giai đoạn nhận thức. Kết quả cây nào sinh trái ấy, thơ được đón nhận ra sao? Vì thơ quá thiếu dinh dưỡng trí tuệ, nên bạn đọc gọi thơ - là "thơ thẩn", thư viện các trường cao đẳng và đại học mỗi năm thừa hàng trăm triệu đồng chỉ tiêu mua sách vì không tìm được những đầu sách chứa hàm lượng nhận thức dù nhỏ, thơ bị khước từ ngay ngoài cổng, các cửa hàng bán sách chối đây đẩy thơ, các đầu nậu sách giật mình như chạm nọc nếu phải nhìn thấy một tập thơ đề nghị cho xuất bản... Cuối cùng hầu hết các tác giả đều tự bỏ tiền in thơ - và phát hành bằng cách đem cho - đem biếu - đem rải. Nếu có một vài ngoài lệ nào đó được ưu ái hơn, thì cũng chỉ đủ sức chứng minh rõ ràng hơn cho sự thật đại trà trên mà thôi. Cụ thể, Hội Nhà Văn Việt Nam từ lâu có ý định ra một chuyên san thơ mà vẫn chưa ra nổi, lý do chính yếu chỉ vì sợ chẳng tìm được những bạn đọc đủ lãng mạn móc ví ra mua báo thơ. Tại Đại hội toàn thể Hội Nhà Văn lần thứ V vừa qua, có tác giả thơ đề xuất: muốn có bạn đọc thơ - để ra chuyên san thơ - thì đề nghị mỗi nhà thơ phải bó buộc mua ít nhất một chuyên san mỗi kỳ phát hành. Nhưng tiếc thay, đề xuất này nhanh chóng bị vượt qua, không khả thi nổi, vì chính những nhà thơ cũng tiếc tiền bỏ ra để mua chuyên san thơ. Tại sao vậy? Bởi họ thừa hiểu biết chuyên san thơ ấy không thể có nội dung nhận thức nổi lên từ giữa lòng những nhà thơ đang bỏ qua - lảng tránh - hay chưa kịp chuẩn bị vấn đề nhận thức! (?) Thứ hai, bằng kinh nghiệm họ biết chắc một điều: Thơ không thể sống được nếu không bám dây leo vào đất sống văn xuôi hay báo chí.

Thơ phải sống ăn bám vào các nội dung văn nghệ và xã hội khác đó hẳn nhiên, thật khó chối bỏ sự thật này, đã nổi lên như một nguyên lý sống còn của nền thơ đương đại. Hầu hết các nhà thơ đều chỉ có thể tồn tại "nghệ thuật câu vần" của mình trên con đường rút về các cứ điểm báo và nhà xuất bản. Không thấy nổi một khuôn mặt nhà thơ chuyên nghiệp tức - sáng tác thơ - dịch thơ - bàn về thơ - thẩm định thơ. Hầu hết các nhà thơ đều đi giật lùi về vai nhà báo. Nhưng các nhà thơ viết báo thế nào? Có khi viết cả đời vẫn dừng ở mức đưa tin cấp một thật khó mà thấy một bài báo của các nhà thơ có tầm vóc đánh giá chiến lược về thông tin xã hội, quân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế... ở các nước những nhà thơ chỉ có thể trở thành chuyên nghiệp khi giành toàn tâm toàn sức đem đời sống mình viết lên những vần thơ. Sống để viết - đó là văn thơ hạng một. Trái lại, chúng ta chỉ có nổi những cây bút vừa kịp có chút danh - đã viết để sống. Cho nên mới chỉ có văn loại hai. Như Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc nhìn nhận: Chúng ta mới chỉ có tác phầm "bé và vừa".

Thơ bị từ chối ở khắp nơi! Lạm phát thơ! Tồn đọng vấn đề thơ! Dư thừa thơ đến mức, tạp chí Sông Hương mới đây có dẫn: Có tháng tạp chí nhận được 200 bài thơ, trong khi đó, chỉ có vài truyện ngắn, còn bài phê bình thì thậm chí không có... Nhưng tại sao thơ vẫn rôm rả sống, nườm nượp những câu lạc bộ thơ - hưu trí có - thanh xuân có - "giám đốc" có - " xin quảng cáo" có, mọc lên? Câu trả lời rõ ràng như phơi sờ sờ trước mắt, viết một cuốn tiểu thuyết cần nhiều công sức lắm, nếu thiếu trí tuệ - thiếu nỗ lực - thiếu ý chí thì cuốn sách ở trong đầu không thể nào "xuất cảnh" ra giấy được. Một bài tiểu luận thôi nếu thiếu khả năng học vấn sẽ bị săm soi tứ bề. Còn một bài thơ, nếu chỉ vài câu hoặc vài chục câu, từ lúc nảy sinh trong óc đến lúc tràn ra giấy - khả thi như trở bàn tay. Rồi đăng báo cả vạn bản, đem khoe cả triệu người... Trời ơi, ước đâu ra một con đường danh vọng nhanh và gọn gàng đến vậy? (!) Và còn có một lý do Nhân - Quả tất yếu rằng: Thơ là đứa con đầu lòng hồn nhiên của lịch sử, trong một qúa trình phát triển, đặc biệt với lịch sử chữ viết của chúng ta mới khai sinh - còn rất ngắn ngủi, dân trí chưa cao, những cây bút chưa có truyền thống đào tạo bản lĩnh và trình độ nhận thức, bởi vậy dù muốn hay không, dù thích hay không thích, dù thoả mãn hay bất mãn ... chúng ta mới chỉ làm được thơ là chính mà thôi. Thử hình dung xem, nếu nền văn học của chúng ta muốn có được một cuốn tiểu thuyết như Tây Du Ký thì tác giả của nó phải thông hiểu Đạo Phật, thông tường Kinh Dịch, và chất chứa một bút lực dồi dào... Chưa nói đến những phẩm chất triết học, thần học, hay bút pháp, thử hỏi chúng ta có bao nhiêu tác giả tự giác gây men những hiểu biết đó cho mình?

Văn học của chúng ta còn yếu, như nhà thơ thành danh từ tấm bé Trần Đăng Khoa đã thú nhận: Chưa thể lớn được nếu chưa có ai bắt tay vào viết đại tác phẩm. Một dịp, đông đảo nhà văn, nhà thơ gặp mặt nhau, một nhà văn nói: "Nghịch lý thay, nền văn học chúng ta, số nhà thơ đông lấn át hơn hẳn số nhà văn, vậy mà chúng ta lại lấy tên là Hội Nhà Văn, đáng lẽ phải lấy tên là Hội Nhà Thơ". Câu nói làm tất cả bàng hoàng, mọi người im lặng, và cũng hiểu rằng: Hội Nhà Văn là cách đặt tên nhân danh cái cao hơn, chứ không phải nhân danh cái đông hơn. Câu nói đó cũng thể hiện cùng lúc khát vọng của những người cầm bút: Nền văn học của chúng ta, các nhà văn và các bài thơ thì tràn ngập nhưng còn chưa xuất hiện các đại tác phẩm văn xuôi và các đại tác giả văn xuôi. Câu chuyện này thật cần thiết để quy chiếu tầm nhìn của chúng ta. Bởi lẽ, không ít nhà thơ cho rằng: Thơ đã và đang thực hiện được những cách tân bút pháp đáng kể; trong khi đó văn xuôi còn còi cọc ốm yếu quá. Nhận xét đó có đúng không? Có phần đúng của nó. Nhưng xét toàn thể thì, cách tân một bài thơ nằm trên khuôn khổ một trang giấy so với cách tân vài trăm trang tiểu thuyết khác nhau một trời một vực. Và cụ thể, các cây bút văn xuôi đã họp mặt tại trụ sở báo Văn Nghệ, thành thật thảo luận và thú nhận: Tiểu thuyết còn mòn sáo, thiếu tầm cao triết học, sa đà khai thác tình dục, và bất cập trên hành trình hoàn thiện nhân cách con người... Văn xuôi là cậu bé mới khai sinh của nền văn Việt Nam, mà đã làm được một cuộc phản tỉnh mình như vậy, thật chí lý lắm thay! Trong khi đó, thơ với bao nhiêu thế kỷ tuổi tác của mình, không những chưa có được một cuộc kiểm thảo như vậy, mà còn luôn luôn chỉ lo tự khen mình. Có một cây bút già đời trong làng văn học Việt Nam từng viết: Tôi chưa từng thấy ai hiểu biết ít mà có thể viết phê bình, chưa thấy ai đọc ít - thiếu tư duy lô gic mà có thể viết tiểu thuyết, nhưng thấy rất nhiều cô - cậu trẻ tuổi thiếu rất nhiều thứ có thể làm được thơ... Câu chuyện trên là một hiện thực chứng tỏ, chưa nói đến việc cách tân bút pháp, trên mặt bằng chung, sinh hoạt nhận thức, sinh hoạt bút pháp, sinh hoạt nhân cách của các nhà thơ thấp hơn hẳn những nhà văn. Và có thể lấy câu phương ngôn của ông cha ta "Yếu trâu còn hơn khoẻ bò" để vận dụng cho trình độ Văn - Thơ hiện nay. Có một câu chuyện thật rằng, anh chàng đầu nậu sách quen rất nhiều cây bút, họ mang đến chỗ anh nhiều tập bản thảo thơ đọc rất mùi mẫn từ thập niên này qua thập niên kia, từ lúc đôi mươi đến giờ đã ngót 30 năm. Chàng đầu nậu bảo: "Văn học Việt Nam muốn lớn phải có tiểu thuyết, các ông hãy bắt tay vào viết đi, dở tôi cũng in cho. Chứ đừng bắt tôi in thơ". Thế là, những cây bút đã lao vào viết, nhưng ngày tháng qua đi chưa một lần họ gắng sức hoàn thành nổi sự dang dở của mình. Tuổi càng cao thì càng đuối sức, rút cục họ đành quay lại những vần thơ - viết - ngâm - và vịnh.

Tại sao thơ lạm phát, bị từ chối ở khắp nơi, và yếu ớt làm vậy mà vẫn còn lý do để sống? Đó là vì ba nguyên nhân chính sau:

1. Thơ sống nhờ báo

Hiện nay, nhờ đổi mới nền kinh tế bao cấp của chúng ta đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Tự do tranh tài, tranh sức, tranh làm giàu... ai có sức thì tranh. Và ai hơn người thì sẽ được hơn người. Nhưng báo chí là cơ quan ngôn luận - một thể chế đặc thù - chưa thể áp dụng kinh tế thị trường toàn diện được mà chỉ áp dụng phần nào thôi. Chính vậy mà còn một mảnh đất bao cấp khá rộng để các nhà thơ dụng võ. Người có chút tài thì được nhấc cao hơn. Kẻ hãm tài thì lạm dụng sự bao cấp này làm nguồn dinh dưỡng đường sữa không bao giờ cạn cho khả năng thơ ốm yếu của mình.

2. Thơ sống nhờ đặc điểm ham vui của một bộ phận dân chúng.

"Vui đâu chầu đấy", "ăn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng" ngại suy nghĩ, lười nhận thức, né tránh những thách thức cam go của cuộc sống, "tỷ phú về thời gian, vô sản về sáng kiến" là những thói xấu của một bộ phận dân chúng không nhỏ... trong khi đó thơ lại tỷ tê, ngậm ngùi, đem ngâm cũng tiện, đem hát cũng hay, vỗ tay hùa theo cũng dễ... nên dễ thành một hình thức sinh hoạt tiện lợi ưa dùng. Chúng ta thử hình dung, nếu mở một buổi hội thảo bàn về đề tài triết luận nào đó trong một cuốn sách thì khán giả có học thức hay quan tâm nghiêm túc đến nó có mấy người? Trái lại, nếu mở một cuộc thi ngâm - thi thuộc mấy vần thơ nào đó thì sẽ quyến rũ được mọi tầng lớp khán giả. Nhưng số đông khán giả đó chỉ làm nên một thứ thơ dân dã chứ chẳng thể làm nên một thứ thơ bác học. Có không ít nhà thơ đã biện hộ cho thứ thơ làng nhàng chỉ sống nổi trên những ngón tay vỗ nhịp rằng: Đó là họ làm thơ vì quần chúng và cho đại chúng. Họ đã lầm, quần chúng đến với thơ không chỉ mong sinh hoạt vui vẻ mà còn mong được ngước tìm một giá trị sống cao cả hơn. Dân tộc Ấn Độ nói "kẻ không đền trả những gì mình nhận được đó là tên ăn cắp". Một nhà thơ dân tộc, không thể chỉ là người gom nhặt những tứ thơ dân dã lại rồi ngâm nga lại cho mọi người nghe. Trái lại, nhà thơ ấy phải biết vàng son hoá nguyên liệu thơ của dân tộc trên những tầm cao mới. Đó mới là cách đền trả của những đứa con có hiếu có tài.

3. Thơ sống nhờ vào ảo tưởng về giá trị vĩ đại của thi ca

Hiển nhiên, nhiều nhà thơ do trình độ mỹ học hạn chế đã ảo tưởng rằng, ta đang đi trên con đường của "cụ tổ" Homère với những trường ca IliadOdysée bất hủ. Nhưng xin hãy nhớ cho rằng, hai trường ca ấy không chỉ thuộc ngành thơ mà còn thuộc ngành văn xuôi và kịch nữa. Vả lại, kể từ thời Aristotle đến nay, các nhà mỹ học đều chú trọng đến một loại hình thi ca chở mang thực tại nghiêm trọng của cuộc đời, ở đó chứa những nhân vật cưu mang những thách thức của cuộc đời, họ lăn xả vào đối thoại, giải quyết, tháo gỡ những vấn nạn hằng bế tắc của danh dự, vinh quang, lòng kiêu hãnh, và đời sống thiêng liêng của tâm hồn. Chẳng một ai bỏ nổi sự thật: bi kịch vĩ đại hơn hài kịch.

Tất nhiên có một ít nhà thơ của chúng ta còn bám vào lòng tự tin: Ta đã viết được trường ca. Nhưng trường ca mà không chứa nhân vật, xung đột kịch, mâu thuẫn, thân phận, và cuộc hành trình bi tráng của nghệ thuật... thì liệu có được gọi là trường ca không? Hay đó chỉ là những tập hợp (collection ) những chùm thơ dài? (!)

Kể từ Homère, sau Aristotle thi ca nhân loại đã phân biệt rất rõ nghệ thuật mua vui và nghệ thuật nghiêm trọng. Hội hoạ chẳng hạn, những bức tranh không chứa tư tưởng thì chỉ có chức năng trang trí thôi. Mà, nghệ thuật trang trí là nghệ thuật dịch vụ. Trong khi đó, nhiều bài thơ mua vui của chúng ta còn chưa đạt đến tầm dịch vụ, vì nhà thơ viết tặng bạn mình, con mình, vợ mình... thì không biết sẽ phục vụ ai. Tất nhiên, "nghệ thuật là của tôi, khoa học là của chúng ta" nhà thơ có quyền bắt đầu mở đường từ mình, gia đình mình, nhưng con đường đó phải đi tới hoà nhập vào con đường lớn của nhân loại. Nhưng khá đáng tiếc, nhiều con đường của các nhà thơ chúng ta chưa kịp chạy từ cửa nhà mình ra ngõ đã hụt hơi...

Không cứ Phương Tây, người Trung Hoa cũng sắp đặt một địa vị rất chắc chắn cho những tài thơ. Theo nhiều học giả, thì người Trung Hoa coi người quân tử khả kính phải thạo: Nho - Y - Lý - Số rồi mới đến Cầm - Kỳ - Thi - Họa.

Như vậy họ cũng xếp nhận thức lên trên và thơ xuống dưới. Trong thực tế, dù Lý Bạch, Đỗ Phủ có nổi tiếng đến đâu đi nữa, thì cũng chẳng người Trung Quốc nào ngây dại đến mức xếp hai ông cạnh hàng của những Lão Tử, Trang Tử... Khổng Tử được gọi là bậc Thánh hiền, trong khi đó Lý Bạch, Đỗ Phủ bao giờ mới đủ sức hành hương về quê hương thánh. Với nhiều học giả phương Tây, thì có lẽ, gộp tất cả các nhà thơ Đường Trung Quốc lại không tạo ra nổi sức quyến rũ - nội lực trí tuệ - và bút lực dồi dào như một mình tác giả Ngô Thừa Ân viết cuốn Tây Du Ký.

Để chuẩn bị cho đoạn kết của bài viết, tôi xin kể lại một cuộc chuyện trò. Một lần dăm nhà thơ ngồi bên nhau, một nhà thơ bảo: "Tôi đọc và nhớ có không ít nhà thơ Nga sau thời vàng son ngây ngất tột đỉnh của thơ, đã tìm cách tự vẫn để khỏi phải thất vọng về chính bản thân mình, cũng như sự xuống dốc của lý tưởng thơ. Trong khi đó, ở Việt Nam hình như chưa có một nhà thơ dằn vặt đến mức đó..."

Câu chuyện từ nghĩa đen chuyển sang nghĩa bóng, mọi người đều nhận ra: Kiểu nhà thơ xưa - hót như chim sơn ca - đến vỡ cả cuống họng mình - mong dâng những khúc hát cho đời đã không còn nữa. Bởi lẽ, nhà thơ ngày nay không chỉ là nhà thơ đơn thuần, mà còn là nhà văn hoá... Họ vừa viết thơ giỏi, vừa viết văn xuôi hay vừa thông thạo lý luận. Nghĩa là sau khi hoàn thành thiên chức thơ, họ còn đi tiếp sứ mệnh văn hoá của mình, bởi thế mới không phải tìm cách tự chấm hết mình như một "lý tưởng thơ" đã đạt đến tột cùng.

Thơ cũng giống mọi nghệ thuật khác, hơn thế theo các nhà mỹ học còn bình đẳng với triết học, nếu thơ cũng là một con đường đi tìm và tiến hành nhận thức nhân loại. Thơ là đôi cánh để nâng bổng nhân loại lên tới những tầng trời siêu việt. Nhưng không có nhận thức, nhân loại không được xem như là nhân loại. Vậy chẳng có cách nào khác, thơ hãy gặt hái nhận thức trên đường bay đập cánh của mình. Để tiến về một miền đất hứa khả kính - đáng trọng thị - đáng tôn vinh của con người.

Tôi viết bài này hoàn toàn vì mục đích muốn được ngước mắt dõi trông đường bay siêu việt đó của thơ. Bởi thế, nếu phải nêu lên những "thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng" nào đó, xin các nhà thơ hãy thông cảm cho .

Xin đa tạ!

Hà Nội 16/9/2000


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021