thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đôi dòng về Miroslav Holub
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch,
để đánh nhịp với những bài thơ của Miroslav Holub
qua bản dịch của Đinh Linh.

 

 

Miroslav Holub không chỉ là một nhà thơ và một nhà văn mà còn là một nhà khoa học trong lĩnh vực miễn dịch học. Thơ của ông giàu trí tuệ, đập mạnh vào cảm thức, và ngắn gọn. Ông ra đời tại Plzen, miền tây Bohemia. Thân phụ của ông là một luật sư làm việc cho bộ hoả xa. Thân mẫu của ông là một giáo viên trung học, dạy tiếng Pháp và Đức, và có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến ông.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Miroslav Holub không thể vào trường đại học (vì trong thời gian Nazi xâm chiếm Tiệp Khắc, người Đức đóng cửa tất cả các trường đại học ở nước này), và ông làm lao công tại một kho hàng và một trạm xe lửa. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Holub vào trường đại học Charles tại Prague; trước tiên ông theo ngành khoa học tự nhiên, rồi từ năm 1946 ông chuyển sang y khoa.

Miroslav Holub bắt đầu làm thơ lúc chiến tranh chấm dứt, dưới ảnh hưởng của Vítezslav Nezval và phong trào tiền vệ Tiệp Khắc. Những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên nhật báo Svobodné slovo (Thế Giới Tự Do), trên tạp chí Kytice (Vòng Hoa) do Jaroslav Seifert biên tập, và trong tuyển tập văn chương Ohnice (Bông Cải Hoang) của những cây bút tìm cảm hứng từ những giá trị tâm linh dưới ảnh hưởng của Jirí Orten. Sau khi Cộng Sản cướp chính quyền vào tháng Hai 1948, Holub ngưng xuất bản tác phẩm của mình.

Thời còn là sinh viên, ông đã bắt đầu theo đuổi việc nghiên cứu với tư cách thành viên của một hội nghiên cứu khoa học tự nhiên tại trường đại học Charles và tại Viện Triết Lý và Lịch Sử Khoa Học Tự Nhiên. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1953, trước hết ông làm việc như một nhà bệnh lý học của một bệnh viện tại Prague. Năm 1954, ông được bổ nhiệm vào Viện Sinh Học (sau này đổi thành Viện Vi Sinh Học) thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Tiệp Khắc. Từ 1951 đến 1965, ông là thành viên của ban chủ biên tạp chí khoa học phổ thông Vesmír (Vũ Trụ). Như một khoa học gia, từ những năm 1950, ông chủ yếu làm việc trong ngành miễn dịch học.

Trong thời gian "cởi trói" văn hoá, khi chủ nghĩa cộng sản sắt thép có vẻ nới tay vào cuối những năm 1950, Miroslav Holub lại bắt đầu xuất bản thơ. Cùng với một số nhà thơ khác như Jirí Šotola, Miroslav Florian và Karel Šiktanc (Milan Kundera cũng gần gũi với nhóm này) ông cộng tác với tạp chí Kveten (Tháng Năm) (tạp chí này xuất hiện từ năm 1955 đến năm 1959). Chương trình của nhóm này là "thơ của đời sống hàng ngày". Họ lấy cảm hứng từ thơ của Jacques Prévert và từ khuynh hướng tân hiện thực của điện ảnh Ý-đại-lợi. Holub đề ra chương trình này trong tiểu luận "Náš všední den je pevnina" ("Đời sống thường nhật của chúng ta là mảnh đất vững chải"), đăng trên tạp chí Kveten vào tháng Chín 1956. Holub và các bạn đồng hành của ông khao khát thoát khỏi những tuyên ngôn trừu tượng về ý thức hệ trước đó đã lan tràn trong thơ dưới thời Stalin, và muốn viết về những góc cạnh bị lãng quên, khuất lấp trong cuộc sống bình thường hàng ngày. "Chỉ khi nào nắm bắt được cuộc sống quanh ta, thì ta mới có thể diễn tả được tính năng động của nó, những diễn biến vô hạn của nó, xoay vần quanh ta và ngay trong ta," Holub phát biểu như thế trong tiểu luận ấy. Điều này cũng có nghĩa là phải nhất thiết từ bỏ loại thơ theo quy tắc, có vần điệu và nghe du dương, để sáng tác loại thơ bất quy tắc và tự do. Đây là thi pháp của Holub trong những tập thơ đầu tiên của ông, đặc biệt trong Denní sluzba (Trách vụ hàng ngày, 1958) và Achilees a zelva (Achilles và con rùa, 1960). Những tập thơ sau này của ông còn khai triển thi pháp này xa hơn nữa.

Miroslav Holub đã mang những đề tài mới lạ đến với thơ Tiệp Khắc. Đó là những đề tài về con người làm việc trong các phòng thí nghiệm và các phòng giải phẫu (ông đã biết môi trường này qua chính kinh nghiệm của bản thân). Những y sĩ, những nhà nghiên cứu và những nhân vật chính khác trong thơ của ông là những con người vị tha và hầu như là những kẻ vô danh đầy nhiệt tình, nhưng không được xem như những anh hùng, mà chỉ là "những con tốt của lịch sử", giúp cho nhân loại đi tới. Những đề tài này được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ cực kỳ tỉnh táo: ông sử dụng lối thơ tự do gần như văn xuôi. Lối thơ này hữu hiệu vì nó ngắn gọn và chính xác về ngữ nghĩa. Holub cố tình tránh lối thơ trữ tình truyền thống. Ông nói:

"Tôi thích viết cho những người không bị thi ca gây xúc động... Tôi muốn họ đọc thơ một cách thực tế như khi họ đọc báo hay xem bóng đá. Tôi muốn người ta đừng xem thơ là cái gì khó khăn hơn, ẻo lả hơn hoặc đáng ca ngợi hơn." [Vecerní Praha (Đêm Prague), 1963].

Mặc dù thơ Holub giàu tính trí tuệ, và ngôn từ có vẻ được tác giả kiểm soát chặt chẽ, vẫn có những yếu tố siêu thực và tính khôi hài:

 
Hãy đến mở cánh cửa kia ra mà xem.
Có lẽ có một con chó đang sục sạo.
Có lẽ bạn sẽ thấy một khuôn mặt,
hay một con mắt
hay một bức tranh
của một bức tranh.
[...]
Hãy đến mở cánh cửa kia ra mà xem.
Ngay cả nếu chỉ có
bóng tối đang chuyển mình
ngay cả nếu chỉ có
một ngọn gió nhạt nhẽo
ngay cả nếu
chẳng có gì
ở đó
thì hãy cứ đến mở cánh cửa kia ra mà xem.
Ít nhất
cũng sẽ có
một chút thoáng khí.
 
"Cánh cửa", trong Jdi a otevri dvere (Hãy đến mở cánh cửa kia ra mà xem, 1962)
 

Ngay những tập thơ đầu tay này đã có những bài cho thấy Miroslav Holub dường như kín đáo phê phán những sự trói buộc của cơ chế toàn trị và, ở một cấp độ khác, những sự bất ưng của điều kiện nhân sinh nói chung. Những bài thơ xuất phát từ ý thức chính trị này là một phần nỗ lực của những nghệ sĩ và trí thức Tiệp Khắc mang ý định giải phóng cái cơ chế cộng sản từ bên trong, bằng những hành động văn hoá tự do, vào bất cứ lúc nào có cơ hội thực hiện. Động lực tiên khởi của phong trào giải phóng này xuất phát từ cuối những năm 1950, và ngay ở bước khởi sự, nó đã phải chịu đựng những sự phản kích. Sau đó, khát vọng tự do bắt được cái trớn mạnh mẽ vào những năm 1960, lên đến cao trào trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Prague 1968, và bị kết liễu bởi Hiệp Ước Warsaw vào tháng Tám 1968 khi Liên-Xô xua hồng quân vào thủ đô Tiệp Khắc.

Chẳng hạn, trong bài "Cinderella" (tập thơ Denní sluzba), Holub đã gửi đến độc giả một văn bản "hiện đại" của câu chuyện cổ tích truyền thống. Cô bé lọ lem trong thơ ông chăm chỉ hoàn thành công việc được giao phó, rồi lui về chỗ của mình, chẳng hề được hưởng một điều gì cả. Cuộc sống đúng nghĩa chỉ có ở một nơi nào khác.

 
Cinderella đang lựa đậu:
hạt xấu để chỗ kia, hạt tốt để chỗ này,
được hay không, không hay được. Không gian lận. Không dối lừa.
[...]
Không nghe máu chảy trong thân. Chỉ có những con chim đỏ
từ những góc sân xa với tiếng hót vẳng đến rõ mồn một
lúc chúng xù lông ra, đáp xuống đất.
[...]
Không có những hạt đậu bé nhỏ cho chim, không có hoàng tử nào cám dỗ
và tất cả chúng ta đều khát khao đôi cánh tay của mẹ
nhưng chỉ còn có một niềm hy vọng.
[...]
Nàng biết nàng chỉ có một mình.
Chẳng có bấy bồ câu nào đến giúp: chỉ một mình nàng.
Nhưng những hạt đậu cần phải được lựa cho xong.
 

Thơ của Holub thường được xây dựng trên những nghịch lý. Bài thơ Napoleon (trong tập Achilles a zelva) có thể được xem như một bài xiển dương kinh nghiệm cá nhân (và vì thế, xiển dương hiện thực tự nhiên), mà kinh nghiệm cá nhân thì luôn luôn mạnh mẽ hơn lý thuyết, ý thức hệ hay những diễn dịch về lịch sử. "Này các em, Napoléon Bonaparte ra đời lúc nào?", thầy giáo hỏi. Chẳng đứa nào biết, và sau nhiều cố gắng trả lời đã thất bại, bài thơ kết luận:

 
Ông hàng thịt của chúng tôi có một con chó
tên là Napoléon,
học sinh František nói.
Ông hàng thịt thường đánh con chó và nó đã chết
vì đói
cách đây một năm.
Và tất cả trẻ em trong lớp nghe thế đều cảm thấy tội nghiệp
cho Napoléon.
 

Được phép đi nước ngoài là điều rất quan trọng đối với Holub. Vì không phải là đảng viên của Đảng Cộng Sản, ông bị xem như một công dân hạng hai, và không được phép đi nước ngoài để tham dự những chuyến du khảo hay góp mặt trong những hội thảo khoa học, cho đến đầu những năm 1960. Sau đó, ông bắt đầu được phép đi thăm một số nước, trong đó có các nước Anh, Đức, Ái-nhĩ-lan, Trung Hoa, Ấn Độ, Úc và Mễ-tây-cơ. Nước Mỹ là nơi ông thường đến nhất (1962, 1963, 1965 và 1967, và từ cuối những năm 1970, cứ ba năm thì ông được đi Mỹ một lần). Những chuyến đi Mỹ đã gây cảm hứng cho hai cuốn tiểu luận dưới hình thức bút ký du hành: Andel na koleckách (Thiên thần trên bánh xe, 1963) and Zít v New Yorku (Để sống tại New York, 1969); và một tập thơ dưới nhan đề Beton (Bê-tông, 1970). Nước Mỹ làm Holub vừa cảm thấy say mê vừa cảm thấy lo ngại. Trong mắt ông, đó là một xứ sở của những tương phản sắc nét. Một cách đặc thù, Mỹ là một hợp chất nghịch lý của cái phàm tục và cái thiêng liêng; điều này được diễn tả qua hình tượng "thiên thần trên bánh xe": đó là một bức tượng thiên thần kiểu Baroque đang đứng trên những bánh xe trượt patin mà ông đã thấy tại phi trường New York. Trong những tiểu luận du hành, Holub đem vào những câu trích từ báo chí, cũng như những câu viết bậy trong hầm xe điện hay trên những bức tường ở New York (chẳng hạn, "Thượng Đế chưa chết, ông ấy chỉ kiếm không ra chỗ đậu xe").

Từ ảnh hưởng của những lần đi Mỹ, đồng thời với những diễn biến chính trị tồi tệ ở Tiệp Khắc vào cuối những năm 1960, lúc cuộc xâm lăng của Nga vào tháng Tám 1968 làm những nỗ lực cải cách tự do phải dừng lại, Holub trở nên hoài nghi hơn và tự tra vấn mình nhiều hơn với những câu hỏi mang tính siêu hình. Niềm tin trước kia của ông, rằng con người là kẻ làm nên lịch sử và sự tiến bộ của văn minh, giờ đây không còn nữa. Điều này biểu hiện rõ rệt trong tập sách hay nhất của ông Ackoli (Mặc dù, 1969) -- một tập sách không chỉ có thơ, mà còn có những tiểu luận cực ngắn và những câu cách ngôn:

 
Mặc dù một bài thơ sinh ra khi chẳng còn gì khác để làm,
 
mặc dù một bài thơ là một nỗ lực cuối cùng để chỉnh đốn mọi sự khi ta không thể chịu đựng sự bừa bãi lâu hơn nữa,
 
mặc dù ta cần các nhà thơ hơn hết trong lúc sự tự do, sinh tố C, thông tin, luật pháp và thuốc chữa áp huyến cao cũng cần thiết hơn hết
 
mặc dù làm một nghệ sĩ là để thất bại và nghệ thuật luôn luôn trung thành với sự thất bại, như Samuel Beckett nói,
 
một bài thơ là một trong những điều cuối cùng nhưng lại là một trong những điều đầu tiên của con người.
 

Một bài thơ khác, "Một chuyến xe điện lúc năm giờ rưỡi chiều" -- một đối trọng nghịch phương với bài thơ lạc quan "Một chuyến xe điện lúc năm giờ rưỡi sáng" trong tập thơ đầu tay của ông -- là điển hình cho trạng huống này. Bài thơ có những hình ảnh tối ám, đau buồn, mô tả sự đánh mất ý nghĩa của thế giới con người.

Miroslav Holub đã góp phần tích cực trong phong trào cải cách ở Tiệp Khắc vào những năm 1960 (ông cho đăng các tiểu luận trên những tạp chí chính yếu về văn hoá và văn học có chủ trương cởi mở bằng tiếng Tiệp như Literární noviny (Văn Học Công Báo), Plamen (Ngọn Lửa), Orientace (Định Hướng). Hậu quả là ông bị đuổi ra khỏi Viện Vi Sinh Học vào năm 1970. Từ năm 1971 -- cũng đồng cảnh ngộ với những nhà văn khác vào lúc ấy -- ông bị cầm xuất bản, cấm đi nước ngoài và cấm xuất hiện trước công chúng. Sách của ông bị cầm phát hành và bị lấy ra khỏi những thư viện. Một tập thơ mới, Strucné úvahy (Những khúc trầm tưởng ngắn), bị thiêu huỷ, mặc dù đã được sắp chữ xong. Một cuốn sưu tuyển tác phẩm của Edgar Allan Poe, Poe cili Údolí neklidu (Poe, hay Thung Lũng Bất An), do ông thực hiện, chỉ được xuất bản vô danh vào năm 1972.

Thế rồi Holub đã bị buộc phải tự phê bình nặng nề trước công chúng để sau đó ông mới được giao cho một chức vụ phụ tá tại Viện Điều Chế và Thí Nghiệm Dược Phẩm (mãi đến năm 1995, ông mới được trở về Viện Vi Sinh Học). Tác phẩm văn chương của ông không được xuất bản chính thức cho đến năm 1982.

Mặc dù Holub bị loại trừ ngay trên quê hương ông, tác phẩm văn chương và khoa học của ông lại trở nên rất nổi tiếng ở nước ngoài. Rất nhiều sách của ông được dịch ra ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Đức, bên cạnh hơn 30 ngôn ngữ khác) và ông nhận được nhiều sự khen thưởng, chẳng hạn, ông được bầu làm viện sĩ của Bayerische Akademie der schönen Künste (Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Bayer) và New York Academy of Science (Viện Hàn Lâm Khoa Học New York); ông nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Oberlin College, Mỹ.

Tại quê hương Tiệp Khắc của ông, ông đã không được nhiều người đón nhận, ngay cả sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Một số người Tiệp không thể chấp nhận việc Holub đã tự phê bình, thậm chí có người còn tung tin đồn vô căn cứ rằng ông đã hợp tác với công an chìm của cộng sản (bởi ông được cho đi nước ngoài vào những năm 1980, trong khi những nhà văn Tiệp khác đang mỏi mòn như những kẻ vô danh trong cái ghetto của giới chống đối). Một số người khác không thể quên rằng Holub chưa bao giờ công khai chống lại chủ nghĩa cộng sản trong những năm 1970 và 1980 dù chính ông thuộc về thành phần chống đối, và do đó họ suy ra rằng có lẽ ông đã phản bội những thành tích kêu đòi tự do của ông từ những năm 1950 và 1960. Những người khác thì không thể chấp nhận phong cách thơ tỉnh táo và ngắn gọn của ông -- một phong cách gạt bỏ những nét hoa mỹ trong ngôn từ và chủ yếu dựa vào những tác động vi tế trong ngữ nghĩa. Thế nhưng phong cách này lại cực kỳ thích hợp cho Anh ngữ, và những bản dịch Anh ngữ đã làm Miroslav Holub thành một tác giả lừng danh thế giới.

Tác phẩm của Holub trong những năm 1980 và 1990 chủ yếu gồm những tiểu luận và những cách ngôn đầy trí tuệ, bắt nguồn từ sự uyên bác về khoa học của tác giả trong việc quan sát những khả tính của nền văn minh kỹ thuật đương đại cũng như vị thế của thi ca trong thế giới hôm nay: K principu rolnicky (Nguyên tắc của cái lục lặc, 1987), Maxwelluv démon cili O tvorivosti (Con quỷ của Maxwell, hay Về sự Sáng Tạo, 1988), O prícinách porušení a zkázy tel lidských (Về những nguyên nhân của sự tiêu hao và huỷ hoại của thân xác con người, 1992), vân vân.

Những thi phẩm sau này của Holub -- mang một phần ảnh hưởng của Samuel Beckett như đã nói trên, và cũng chịu ảnh hưởng của T.S Eliot và thi sĩ Tiệp Vladimír Holan -- tiếp tục khai triển đường lối sáng tác của ông từ cuối những năm 1960. Trong đó, hiện thực được nhìn thấy như những gì mờ đục, vô lý và đầy những nghịch lý. Ý nghĩa của những bài thơ này đôi khi tiềm ẩn và có vẻ như mơ hồ. Bút pháp của Holub vẫn gần với văn xuôi, tránh tính cách trữ tình hoa mỹ truyền thống và những ấn tượng chủ quan. Ngôn ngữ của ông súc tích và trực đạt, đặt cơ sở trên những nghĩa bóng (rút ra từ Thánh Kinh, huyền thoại, và văn hoá đương đại), trên cách chia chữ thành dòng rất hiệu dụng, trên những trò đùa thông thái mang tính khiêu khích, và trên những điểm gút:

 
Nhiều người hành động
như thể họ chưa từng được sinh ra. Trong lúc đó, tuy vậy,
William Burroughs, bị một sinh  viên hỏi,
ông tin có đời sống sau khi chết không,
trả lời:
- Chứ bằng cách nào anh biết anh chưa chết?
 
"Suy tưởng ngắn gọn về cái chết", trong Naopak (Ngược lại, 1982)
 

Tập thơ cuối cùng của Miroslav Holub, Syndrom mizející plíce (Triệu chứng phổi biến mất) được xuất bản năm 1990, sau cuộc cách mạng dân chủ tháng Mười Một 1989 ở Tiệp Khắc. Những bài thơ trong tập này có phần quay lại với giọng thơ truyền đạt trước kia của Holub -- giọng thơ phản ứng trực tiếp với những vấn đề xã hội. Tuy nhiên, giọng truyền đạt vẫn luôn luôn giữ thái độ đặc thù của Holub như một người trí thức, tra vấn mọi thứ mà thông thường người ta xem là đương nhiên. Chẳng hạn, trong bài "Phong cảnh với những thi sĩ", Holub khai triển ý tưởng về lối hát của một chàng Orpheus thời nay:

 
từ dưới lòng đất sẽ ngân lên
những quãng bồi âm tuyệt cao
và những từ ngữ sẽ trôi như những đám mây,
xuyên qua ngưỡng thông tin,
lên đến bầu trời thấp
[...]
và sẽ làm sinh ra
một dạng thức mới của cuộc sống
hay, có lẽ,
chẳng có gì cả.
 
 
---------------------------
Nguyên tác: "Miroslav Holub (13 September 1923 - 14 July 1998)", do Jirí Holý (giảng viên của trường đại học Charles, Prague) và Jan Culík (giảng viên của trường đại học Glasgow University, Tô-cách-lan) viết chung, đăng trên website của trường đại học Glasgow, khoa Ngôn Ngữ và Văn Hoá Hiện Đại. <http://www2.arts.gla.ac.uk/Slavonic/>

 

----------------

Những bài thơ của Miroslav Holub qua bản dịch của Đinh Linh:

Những thiên thần đầu tiên | Dưới kính hiển vi | Cổ tích | Con ruồi | Con bướm đêm

Người chửi biển | Thủy tinh | Những suy tư ngắn ngủi về bản đồ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021