thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hậu... từ

1. Rất nhiều thế hệ đua nhau khen Tào Thực về tài "xuất khẩu thành thi". Và người ta kháo nhau mãi chung quanh giai thoại "đi một bước làm một câu thơ" của Tào. Đó là một lời khen có hại. Nó chỉ khiến người nhẹ dạ hiểu nhầm rằng tài năng thơ tỉ lệ thuận với tốc độ thi công. Cứ đà này thì việc sáng tác thơ có nguy cơ trở thành một cuộc thi tốc độ trong một Olympic chữ.

Thời Đường vô số những thần đồng có tài nhả ngọc phun châu? Những bậc thần đồng ấy nay còn được mấy tên tuổi lưu lại với hậu thế?

2. Tôi nghĩ người làm thơ phải thường xuyên tạo cho mình một trạng thái thơ. Nghĩa là một thói quen sẵn sàng tiếp nhận chữ vào mọi lúc, chứ không phải chỉ mở cửa cho chữ khi ngồi vào bàn làm việc.

Tôi đã hành cước quanh Hồ Gươm, Hà Nội gần như suốt nửa thế kỷ đày đoạ của đời chữ. Mặc dù tôi đã cố tình chọn đi vào những giờ thanh vắng, tôi vẫn bị nhiều người quen mắng mỏ là "kiêu ngạo", là "khinh đời", là "khó giao tiếp". Tôi đành cười nhận khuyết điểm để không thể sửa chữa. Hãy thông cảm cho tôi.

Hình như người làm thơ gặp một khó khăn bẩm sinh trong việc giao tiếp với mọi người, vì họ mải giao tiếp với chữ; họ mắc bệnh từ ám. Ngày mà tôi được tuyên dương là hoàn toàn hoà nhập với mọi người có lẽ cũng là ngày tôi hết khả năng làm thơ.

Tôi rất trọng nhà thơ Hoa Kỳ đầu bảng Emily Dickinson. Những năm cuối đời, nhà thơ này đã đóng cửa lại, chỉ tiếp xúc với bạn bè, với ngoại giới thông qua chữ, đó là hàng nghìn thư/thơ của bà.

3. Vũ Hoàng Chương có mấy câu thơ rất nổi tiếng:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.

Và các nhà lãng mạn chủ nghĩa thi nhau rơi lệ khóc cho cảnh "sinh bất phùng thời" của người làm thơ cũng như khắc khoải cầu mong sự trở lại của một thời Nghiêu Thuấn đã mất.

Họ không hiểu rằng chẳng có thời Nghiêu Thuấn nào cả đối với nghiệp làm chữ.

Làm chữ là cầm bằng thân phận lỗi thời. Vấn đề là lỗi thời ở phía trước hay ở phía sau. Thế thôi.

Tôi dị ứng với các nhà thơ thời trang.

4. Nói rằng nhà thơ không thích danh vọng là nói dối. Nhưng một nghệ sĩ tự trọng phải cẩn thận lắm với danh vọng. Nó dễ tác động đến ta như một thứ ma tuý nguy hiểm.

Theo A.E. Hotchner, tác giả cuốn Bố Hemingway, nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng này không ưa Sartre về tội dài dòng, nhưng lại phục nhà triết học hiện sinh vì đã khước từ giải thưởng Nobel.

Với thói quen phũ mồm, Hemingway tâm sự: "Tôi đồ chừng Sartre đã biết giải thưởng này là một con điếm nó có khả năng quyến rũ và đỗ bệnh sida [aids] cho anh. Đã có một thời chính tôi cũng biết điều này, nhưng giờ đây con điếm mà người ta gọi là 'danh vọng' ấy đã tóm cổ được tôi và anh có hiểu nó là ai không? - Nó là em gái của thần chết!"

Nhà văn Mỹ Jerome Charyn mà nhiều người coi như học trò của Hemingway đã viết về 'thầy' như sau: "Sự nổi tiếng ập đến như sét đánh. Rõ ràng là ông đã lạm dụng nó khá nhiều... Bất cứ lúc nào ông cũng đứng cho thiên hạ chụp ảnh trên boong tàu hay hiên ngôi biệt thự tại Cuba..."

Trong lịch sử văn học, không ít nhà văn nhà thơ có tài năng hẳn hoi đã phung phí đời mình vì bận 'diễn' vai mà vinh quang đã khoác lên người họ, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng vì mải chạy 'sô' (show). Ai bảo cái gánh mũ mãng râu ria và cờ đèn kèn trống kia không nặng nợ?

5. Văn học dân gian Việt Nam có một truyện rất hay về thân phận người nghệ sĩ – Truyện Trương Chi:

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay...

Nhiều thế hệ đã thở than về cái nghiệp này:

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Thậm chí đã có nhà đạo diễn đưa lên sân khấu ca kịch một Trương Chi xấu ơi là xấu đến độ mất vệ sinh thẩm mỹ.

Kể trên đời thiếu gì nạn nhân của bà mụ và việc cái anh thuyền chài tài hoa kia có xấu trai chút ít cũng là việc bình thường.

Nhưng theo tôi dầu Trương Chi có "đẹp trai" đến đâu chăng nữa anh vẫn hơi bị "xấu" ở thân phận một nghệ sĩ.

Một nghệ sĩ thứ thiệt bao giờ cũng "xấu trai" so với tác phẩm của anh.

Một nghệ sĩ 'đẹp trai" hơn tác phẩm là một nghệ sĩ bất hạnh.

Người nghệ sĩ hy sinh đời mình cho tác phẩm, nấp mình sau tác phẩm chứ không lấy tác phẩm trang trí cho mình như một công tử bột. Nói như nhà thơ Edmond Jabes: "Tôi khuyết diện vì tôi là người kể chuyện. Chỉ câu chuyện là thực."

Cái bi kịch của Hemingway là trót ăn ảnh quá!

6. Một trong những nhược điểm cố hữu của nền văn học Pháp có lẽ là bệnh ưa sản xuất những tuyên ngôn.

Các trường phái đua nhau đưa ra những tuyên ngôn sặc sỡ như bướm đầu mùa.

Kể cũng có cái hay: hoạt động trên buộc các trường phái phải nỗ lực đưa ra những điểm mới, những màu sắc khác lạ. Nhưng quá say sưa với những tuyên ngôn là một điều có hại.

Thứ nhất, chúng làm ta phí tổn quá nhiều thì giờ và năng lượng.

Một tài năng lớn như giáo chủ trường phái siêu thực André Breton mà cũng chỉ được hậu thế nhắc đến chủ yếu nhờ những tuyên ngôn hơn là thơ của ông.

Nhưng điều tác hại nhất là những tuyên ngôn có nguy cơ trói buộc người làm chữ trong những con đường đã định sẵn, khuôn các nhà sáng tạo tự do thành những viên chức chữ "mẫn cán".

Nhà thơ có thể viết nhiều lý luận, có thể công bố nhiều tuyên ngôn nhưng khi làm chữ phải bỏ chúng lại đằng sau như những tín đồ trà đạo Nhật Bản bỏ dép khi bước vào trà thất.

Một nhà phê bình hảo tâm có đưa tôi một cuốn thơ Thiền và khẳng định: "Anh ưa đọc Thiền, chắc phải thích thơ Thiền."

Không. Tôi không thích thơ Thiền. Tôi không thích tất cả các chủng loại thơ có một cái đuôi tính từ. Tôi không thích thơ bị tha hoá bởi bất cứ thế lực ngoại lai nào. Những thơ dán "mác" kể cả mác tâm phân học.

Nói như nhà triết học kiêm nhà thơ Tây Ban Nha Miguel de Unamuno:

Mọi nhà thơ chân chính đều là một kẻ tà giáo, và kẻ tà giáo là người tuân theo những hậu đề (postceptes) không phải những tiền đề (preceptes)... Thơ không phải những nghị định, những giáo điều. Thơ là việc của những quy định sau và giáo điều là việc của những quy định trước.

Với mọi lý thuyết, mọi tuyên ngôn, mọi giáo huấn, người làm chữ xin được phép hạ hồi phân giải:

Vườn chôm chôm
        mùa khem thèm thòm trái cấm
Vui mồm lắp lẫn
        nhiều kinh kệ không quen
                A men
                                        (Bóng chữ)

7. Tôi ơn Freud và Lacan.

Một người đã hé cho tôi thấy tân thế giới của vô thức.

Một người đã mở lối cho tôi đi vào bóng chữ với gợi ý nổi tiếng của ông: "Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ."

Trước tôi nhiều người đã đi tìm đường vào vô thức thông qua đàn bà, rượu và các thứ ma tuý.

Tạng tôi không hợp các thứ này. Tôi đã học được rất nhiều trong liệu pháp tâm phân học mà người ta thường gọi là liệu pháp trên đi-văng. Để vượt qua hàng rào kiểm duyệt khắt khe của siêu ngã, nhà tâm phân học đã cùng con bệnh tâm thần sử dụng liều cao phương pháp tự do liên tưởng.

Vừa là thầy thuốc vừa là con bệnh, tôi đã sử dụng tối đa phương pháp này lang thang dò tìm vô thức. Tôi đã dốc lòng thiết lập quan hệ, bắc những nhịp cầu hết sức bất định giữa các từ, triệt để tự do liên tưởng bất chấp lý tính, như một kẻ trời đầy bỗng lên cơn rồ dại.

Trường phái siêu thực ngày trước cũng áp dụng phương pháp này mà André Breton gọi là cách viết tự động.

Cái lầm lẫn của trường phái siêu thực không phải ở cách viết tự động. Lầm lẫn của họ là cho rằng tất cả chỉ có thế: Viết tự động chỉ là một chặng chứ không phải là toàn bộ quá trình chữ. Làm thơ không phải là một hành vi tự động mà bao giờ cũng là một hành vi có ý thức, mặc dù ý thức ở trạng thái đặc biệt mà trong những lý thuyết về những cấu trúc phá tán (structures dissipatives), người ta gọi là trạng thái khủng hoảng. Ở trạng thái này những hạt chữ sẽ tạo ra những nhánh rẽ (bifurcations) có cơ may dẫn tới những cấu trúc mới từ hỗn độn. Người làm thơ lặn lội biên thuỳ vô nghĩa lo toan mở mang bờ cõi của nghĩa.

Còn người điên thì không biết dừng lại mà vượt biên rơi hẳn vào cõi vô nghĩa.

Lẽ dĩ nhiên lặn lội ở bờ vô nghĩa là một công việc nguy hiểm. Và không ai bảo đảm cho anh ta một quy chế tuyệt đối an toàn.

Người làm thơ là một người điên trong tiềm thể và nếu trời phù hộ có thể đạt tới những điểm ngộ. Trong ngôn ngữ đường phố từ "ngộ" hình như có họ hàng với từ "chập mạch"

Chập mạch chấn động tình quên tiểu sử
Lang thang trong lần quê chữ tìm mình
                                                        (Ngó lời)

Những thế kỷ đã qua đều ít nhiều bị chi phối bởi nguyên lý loại trừ (principe d'exclusion).

Người chủ trương ý thức thì loại trừ vô thức. Người chủ trương vô thức thì loại trừ ý thức. Con người trong thế kỷ tới phải tập làm quen với nguyên lý bổ sung (principe de complémentarité)

Ánh sáng vừa hạt vừa sóng
Con người vừa ý thức vừa vô thức
Ý - vô thức thì được
Chứ vô - ý thức thì chắc là không nên

Một anh bạn Paris trách tôi: "Làm sao anh ở chơi Paris lâu vậy mà vẫn không thuộc đường." Anh bạn không biết rằng đó là ưu điểm lớn nhất của tôi ở tư cách một người làm chữ.

Tuổi lú lẫn
        ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngơ không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba
                                                (Bóng chữ)

Người ta thường ví nhà thơ với một kẻ hành hương. Đúng với điều kiện phải bổ sung một chi tiết: một kẻ hành hương quên địa chỉ của Đất Thánh. Một kẻ hành hương đãng trí.

Anh ta mang máng như mình đã gặp Đất Thánh đâu đó trong một câu thơ. Và chung thân đi tìm. Có nhà lý luận nào thạo đường mách bảo nhau chăng?

(Trích Chuyện với Mimơza – chưa in -)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021