thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhìn lại những trang viết cũ

Có một truyện khôi hài miền Viễn Tây nước Mỹ tôi rất thích: Một tay súng nổi tiếng thiện xạ cưỡi ngựa đến một thị trấn hẻo lánh cũng nổi tiếng là nơi tụ tập của bọn đầu trộm đuôi cướp. Chàng cao bồi sững sờ sợ hãi khi thấy một tay thiện xạ còn lão luyện hơn mình đang ở đây. Bằng chứng là trên khắp các vách ván, có dấu đạn nằm đúng vào giữa những vòng tròn vẽ bằng than làm đích. Về sau, chàng cao bồi mới vỡ lẽ: một cậu bé rắn mắt đã tìm các dấu đạn có sẵn trên vách để vẽ các vòng tròn.

Khi anh Nguyễn Hưng Quốc đề nghị tôi viết một bài về quá trình viết hai bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa LũMùa Biển Động, tôi nghĩ ngay đến câu chuyện khôi hài trên đây. Vì đọc trở lại những trang viết cũ rồi vẽ vời những kế hoạch, sơ đồ qui mô... chứng minh cho sự thành hình của những trang viết ấy, tôi thấy có cái gì thiếu lương thiện. Cái gì đi ngược với luật nhân quả. Tuy những nhà nghiên cứu sử học, văn học, xã hội học... cũng làm những việc tương tự, nhưng chính mình viết về công việc của mình, thú thực có cái gì bất tiện. Huống chi những trang viết của tôi đã “trúng đích” hay chưa?

Cho nên từ đề nghị của tạp chí Việt, tôi muốn thu nhỏ công việc lại. Thay vì nói về quá trình hình thành của hai bộ trường thiên, hoặc cách viết tiểu thuyết trường thiên, tôi chỉ “tường thuật” diễn tiến hình thành của một đoạn trong bộ trường thiên lịch sử Sông Côn Mùa Lũ, chương 90 thuộc tập IV.

Xin bạn đọc đọc chậm chương sách dưới đây:

CHƯƠNG CHÍN MƯƠI

Trước hôm nhận được tin quan đại tư mã triệu gấp các quan văn võ cựu triều lên kinh đô, ông nghè chế khoa (khoa Đinh Mùi 1787) Trần Bá Lãm ở Vân Canh có nhận được một bức thư của quan thị lang Ngô Thì Nhậm. Thư như sau:

“Thư gửi chế khoa Trần hầu ở Vân Canh.

Đạo chỉ có một mà thôi, khi nên làm quan thì làm quan, khi nên nghỉ thì nghỉ. Người quân tử phải tìm cái chỗ đúng nhất của nghĩa này. Hiền hầu là người trong khoa bảng, tất nhiên tự mình có chủ kiến. Người sĩ quân tử ở vào thời kỳ đại quá nên cân nhắc cho đúng về mặt nghĩa lý. Có người có thể đứng một mình không sợ; trốn đời không buồn, được thua còn mất, gian dối dữ lành không mảy may để bụng, sống chết bằng cái đó cũng là một lý. Còn như kẻ tự cho mình là làm theo việc nghĩa nhưng lại còn muốn lưu tấm thân này để mưu cái lợi về sau, thì tất nhiên đứng một mình mà có lòng lo sợ, trốn đời mà có lòng buồn, kẻ sĩ cao minh há không thấy điều đó sao? Xét ở bậc tiền bối trốn đời như tiến sĩ họ Cao ở Phú Thị, coi khinh giàu sang mà tiêu dao tự tại, đó là trốn đời mà không buồn; đứng một mình như đại vương họ Trần ở Vân Canh, có con đường có thể sống mà ung dung đi con đường chết vì nghĩa; như thế là đứng một mình mà không sợ. Những bậc khoa bảng triều trước, hai vị này là những người không thể sánh kịp. Nếu không được như vậy mà còn muốn lưu tấm thân ở đời, gửi dấu ở suối rừng, làm thầy thuốc, thầy bói, đó cũng chỉ là lấy cái ở ẩn để làm cái cơ may xuất hiện. Phàm đã ôm cái cơ may trong lòng thì thường ngay ngáy với cơ may, cơ may đó là cửa quan ải của lợi hại, khe hở không lọt sợi tóc.

Đại phàm kẻ đứng một mình, điều đáng sợ là hiềm nghi, kẻ trốn đời điều đáng buồn là gian khổ. Náu mình giấu họ nương tựa người, tình cảnh này tôi từng chịu đựng. Nhưng, thời thế lúc ấy sự thể của tôi không cho phép tự đứng vào danh nghĩa gì. Ở vào thời tiểu quá, cố nhiên không khác gì con chim bay trốn tránh.

Ngày nay, cái mà hiền hầu bảo là "độc lập", "trốn đời", thì lại khác hẳn thế. Hiền hầu nói rằng "nghĩa phải bảo tồn nước cũ", rằng "không thờ hai họ", rồi đem cái đó khích động lòng người mà mình nương tựa để làm cái vốn liếng nhờ cậy trong khi buồn bã sợ sệt. Thực là khó biết con người mà hiền hầu nương tựa có quả thực không cho hiền hầu là món hàng quí lạ đem bán rao ở chợ, cá lưới, chim cung hay không? Nếu vậy thì sợ lại càng sợ, buồn lại càng buồn, tôi e rằng sự tính toán của hiền hầu có phần lầm lỡ.

Tôi cùng hiền hầu đã từng có lúc bàn thơ ở trước lầu Ngũ Long. Tôi thấy hiền hầu là người cao minh lanh lợi, cho nên việc sứ mệnh năm trước mời hiền hầu cùng đi một thể. Bản ý hiền hầu là người ra ứng dụng với đời, chứ không đem cái cục diện của hai vị hiền giả ở Phú Thị và Vân Canh làm kim chỉ nam cho mình. Nay hiền hầu còn đó, thì kim chỉ nam lấy lưu tấm thân mình làm phương Tý Ngọ. Vì sao không dốc hết tâm lực của mình đối với sự biến hoá của khí vận là nơi bền vững nhất của việc tàng thân? Ôi! dời giường để xa khách, khách có thiệt thòi gì đâu, nhưng chân giường bị xước. Nếu quả lấy việc ngoảnh lưng lại với đời làm cái lợi lưu lại tấm thân, thì so với cái hại tránh khách xước chân giường cũng không xa là mấy. Kẻ hiền đạt ăn ở với nhau, nên bảo cho nhau bằng điều tâm huyết, đâu phải là đem chuyện hình hài mà trói buộc lẫn nhau? Mặc dù vụ án năm trước, hiền hầu có lúc dùng lời không đẹp gán cho bản chức, việc đó nếu đặt mình vào địa vị ấy, thì từ xưa vẫn có. Bảo tử há cho Quản tử là người tham và nhát mà thay đổi cái nghĩa tương tri? Riêng nghe quan bộ Hình gửi thư kính mời, rốt cuộc hiền hầu vẫn chưa dám tới.

Hoặc có người cho rằng: Hiền hầu và bản chức có chỗ nghi ngại, đủ làm cho hiền hầu sắp đi tới mà lại chần chừ. Ý tôi cho rằng không phải như vậy. Đó ắt là hiều hầu đã có chủ kiến đối với thời cơ tiến lui xuất xử, cho nên thác ra như vậy để làm điều từ chối.

Xa nhau lâu ngày, nghe nói chỗ hiền hầu lui tới có nhiều bậc hiền nhân quân tử, tôi tạm thổ lộ tâm can, xin hiền hầu nên đem điều đó trao đổi với các bận hiền đạt mới được. Quan Hình bộ là người hiền hòa độ lượng, ông đối với bọn ta mọi việc đều làm chu đáo lắm. Nếu như gặp mặt, hẳn hiền hầu không cho thiên nghị luận này của bản chức là điều vu khoát. Mong hiền hầu mau ứng nhận mệnh vua, sớm tới thềm hòe, tay bắt mặt mừng, dù bao nhiêu tặng vật cũng chưa đẹp bằng.

Nhắn nhủ tha thiết, trông đợi ân cần. Nay kính thư.”

(Mai Quốc Liên dịch, Tuyển tập thơ văn Ngô Thời Nhậm, tập 2, trang 214, 215, 216)

Trần Bá Lãm nhận được thư, đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng giấu không cho các bạn bè biết. Đọc lần đầu, ông giận đến nỗi lá thư run rẩy trên tay. Lòng tự ái của ông bị tổn thương trầm trọng, vì chưa, phải, chưa có ai dám nói những điều trắng trợn như vậy về ông: "... khích động lòng người mà mình nương tựa để làm cái vốn liếng nhờ cậy trong khi buồn bã sợ sệt", "món hàng quí lạ đem bán rao ở chợ". Ông định xé ngay lá thư, nhưng kịp nghĩ lại, ông xếp thư cẩn thận cất riêng một chỗ. Ông nghĩ: "Phải cho các bạn ta xem, để họ biết miệng lưỡi độc địa của tên "sát tứ phụ nhi thị lang". Xấc láo, tự cao, tự đại đến thế là cùng". Ở thi xã bạn bè ông tụ họp để ngâm thơ vịnh nguyệt, để nhớ tiếc "cố quốc", để so sánh trước kia và bây giờ, để mỉa mai các quan Tây Sơn méo miệng mím môi mỗi khi cầm cái quản bút, để kể đủ thứ chuyện tiếu lâm bù khú về chế độ mới, Trần Bá Lãm đã nhiều lần định rút lá thư ra, lại do dự, rồi lẳng lặng ấn vào đáy túi. Ông tự giận mình, đêm khuya, đem lá thư ra đọc lại. Ông đối diện với chính ông, bình tĩnh, khách quan phán xét chính ông. Càng đọc ông càng thấm. Những điều chính ông sợ phải nghĩ đến vì nó quá thực, lạ lùng thay, Ngô Thì Nhậm đã nói đúng và gọn trong một vài câu. Bảo tồn nước cũ? Không thờ hai họ? Thử ngẫm cho cùng xem có thực ông tin còn có thể vực dậy một triều đại lão nhược mục nát như triều Lê Trịnh hay không? Ông vác lều chõng đi thi vào chế khoa Đinh Mùi (1787), tận mắt chứng kiến cảnh xô bồ chen lấn của vài trăm sĩ tử trong sân điện chật hẹp để vớt vát chút danh cho đạo học ở buổi chợ chiều. Ông bóp trán chau mày trả lời các đối sách để làm gì, nếu không phải là để bôi phấn cho Nguyễn Hữu Chỉnh! Mà Bằng quận công (Nguyễn Hữu Chỉnh) có thực bụng phù Lê không? Ngô Thì Nhậm đã nói những điều mà nếu ông, Trần Bá Lãm, can đảm soi gương thật gần để nhìn cho rõ gương mặt mình, ông cũng phải nói. Sự liêm khiết trí thức buộc ông phải công nhận cái sự thực phũ phàng ấy. Vâng, quả thực ông đã mượn tiếng phù Lê làm vốn liếng nhờ cậy, lừa mình và lừa người. Ông và bạn bè trong cái thi xã đã gian dối nhau để sống, thảnh thơi trong giai đoạn khó khăn kham khổ chung. Từ đó, ông không thể sống tự nhiên như trước được nữa. Ông thấy các bạn ông cười nói, than thở, thất vọng, hy vọng, mỉa mai, mừng rỡ, một cách giả tạo đến kệch cỡm.

Ông càng tin ở nhận xét của mình hơn, khi từ Thăng Long, đưa tin về: đại tư mã Ngô Văn Sở triệu gấp các quan văn võ cựu triều lên kinh. Các tao nhân mặc khách trong cái thi xã hoài Lê ấy đột nhiên mất hết vẻ khí khái cao ngạo hoặc nét trầm tư ưu thời. Mọi người cuống quít lên, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc dùng miệng lưỡi đùn cho kẻ khác các việc khó khăn. Một ông nghè, một ông làm chức viên ngoại lang, một tri phủ và một ông cử nhân thất chí hoá gàn vội vã ra bến tìm thuyền. Không có thuyền đi thẳng lên kinh, họ phải đi đò dọc, rồi đi bộ, rồi lại thêm một chặng đò dọc. Chạng vạng hôm đó, họ chờ đò dọc mãi không thấy, phải vào trú đêm tạm trong cái quán tranh cất gần bến đò. Trần Bá Lãm cũng ở trong số đó. Trong túi áo trong của ông, lá thư Ngô Thì Nhậm vẫn nằm yên dưới đáy túi.

Cái lều thấp lợp tranh, chung quanh dừng phên tre, mỗi bề gần bằng một con sào. Quầy hàng nước và vài thứ hoa quả vặt vãnh chiếm gần nửa căn lều hẹp. Phía sau chủ quán dựng tạm một cái nong rách làm bình phong, che lấy khoảng hẹp riêng tư làm chỗ nấu bếp và chỗ ngủ cho hai mẹ con. Đêm phủ xuống, buồn bã theo từng giọt mưa rả rích. Khách lỡ đò khá đông. Ngoài Trần Bá Lãm và ba người bạn, còn có ông đồ (hoặc thầy lang) lạ mặt vận áo the thâm, cắp tráp sơn then, bốn người đàn ông làm ruộng lên kinh tìm mua lưỡi cày ở phường đúc, và hai người đàn bà ăn mặc khá tươm tất, mang tay nải ăn nói nhanh nhẹn đốp chát ra dáng con buôn. Hơn mười người phải ngồi qua đêm trong khoảng quán hẹp, bên ngọn đèn dầu lạc lù mù.

Người đàn bà chủ quán mừng rỡ được một món lời bất ngờ, vừa bưng đĩa cơm đến bán cho từng người, vừa suýt soa xin lỗi. Chỉ có năm người mua cơm của hàng quán, số còn lại hoặc nói dối đã ăn ở nhà, hoặc mua lấy một quả chuối cho phải phép. Chị hàng không lấy thế làm buồn. Thực ra, chị không có gạo để nấu đủ cho chừng ấy người. Thức ăn thì chỉ có dưa khú và tương. Để khách hàng khỏi xót xa về giá cả, chị chủ quán mau mắn nói:

"Các ông các bà hiểu cho. Độ này gạo thóc kém lắm. Mua đến khó quá đi mất. Không mấy khi các ông các bà ghé đêm ở đây. Thôi thì tàm tạm cho qua bữa. Vâng, thêm chút dưa khú. Có ngay đấy ạ. Cả đến rau quả cũng đắt như vàng. Chừng này cũng khá tiền đấy ạ. Chị dịch vào đây, kẻo mưa tạt. Cái Tẹo, đưa cho bu cái que khêu tim đèn nào!"

Hai chị con buôn ăn hết hai dĩa cơm đầy, uống cạn hai bát chè vối, rồi lấy trầu ra nhai ngon lành. Một chị nhổ toẹt cổ trầu qua tấm phên thưa, suýt chút nữa văng lên áo ông nghè Lãm. Ông nghè thu vạt áo lại, nhăn mặt khó chịu. Chị con buôn không thèm để ý thái độ ông nghè, quay sang phía bạn hỏi:

"Đi đò dọc chuyến sớm có lên kịp chợ không?"

Người kia đáp, sau một cái ngáp dài:

"Kịp chán. Định bê cả chợ kinh về hay sao mà lo thế!"

"Mai hẹn nhau về một lượt nhé."

"Để xem đã, giá có các ông ở đây cùng về thì tiện nhỉ!"

Chị con buôn kia phá lên cười, giả vờ trách:

"Ăn nói ý tứ nào! Các bác, các cụ đây toàn là nhà nho. Không được hỗn."

Chị kia nói giọng chán nản, khinh thị:

"Ối dào! Chỉ tổ dài lưng tốn vải."

Cụ cử gàn, bạn ông nghè Lãm bực tức gắt:

"Chị kia! Chị nói gì thử nhắc lại xem!"

Hai chị con buôn tự cảm thấy đùa nghịch quá lố, không dám nói gì, chụm đầu vào nhau cười rích rích.

Ông cựu tri phủ buột miệng than:

"Đúng như cổ nhân nói: "phụ nhân nan hoá"."

Ông đồ lạ mặt ngồi gần Trần Bá Lãm quay về phía ông nghè tìm nụ cười đồng tình. Ông nghè lắc đầu chán nản. Người kia được dịp nói nhỏ:

"Trước kia, phong hoá đâu có suy đồi như vậy, bác nhỉ!"

Trần Bá Lãm gật đầu thay câu trả lời. Bác nông dân liếc thấy hai chị con buôn đã dựa lưng nhau bắt đầu ngủ gật, nên mạnh dạn nói đủ cho cả quán nghe:

"Hạng mua già bán non ấy thì lúc nào chả thế. Chỉ khác là bây giờ họ kiếm ra khối tiền."

Ông đồ lúc nãy nói:

"Ấy đấy, bọn lường đảo giàu có trong khi con nhà thư hương chúng ta đói dài mặt ra. Như thế là phong hoá suy đồi rồi. Cái thời kỳ cục chưa từng thấy, bác nhỉ!"

Trần Bá Lãm gật đầu:

"Vâng. Kể cũng kỳ cục!"

Ông đồ lạ mặt hớn hở hỏi:

"Bác có đọc các tờ cáo của... của họ không?"

Trần Bá Lãm kinh ngạc hỏi:

"Có điều gì mới à?"

"Có... à... à không. Tôi chỉ muốn nói đến cách viết nửa nôm nửa chữ của họ. Giống y như gà què. Thà viết toàn nôm cho đỡ tức. Đằng này cứ pha phách phừa phứa, như trẻ con nói ngọng. Chúng nó dốt nát mà cứ tưởng..."

Trần Bá Lãm lo sợ hỏi:

"Ông nói gì thế?"

Người kia liếc quanh, thấy phần lớn đã thiu thiu ngủ, nên kề sát mặt ông nghè Lãm nói:

"Tôi trông qua, biết bác không ông nghè cũng là ông cống. Bác đừng nhún. Tôi cũng là người đồng hội đồng thuyền của bác, xin chớ ngại. Bác đã biết tin gì chưa?"

Trần Bá Lãm giật mình hỏi:

"Tin gì vậy?"

Người lạ mặt kề sát tai ông nghè thì thào:

"Sắp đổi đời rồi."

"Ai bảo bác thế?"

"Thế bác chưa biết gì sao?"

"Chưa biết gì cả. Chỉ biết phải lên kinh gấp, thế thôi."

"Sao lại lên kinh? À phải, lên kinh là phải. Ai cho người liên lạc với bác đấy? Nhóm của bác được mấy người?"

Trần Bá Lãm bắt đầu thấy có gì bất thường. Ông còn đang băn khoăn thì ông đồ bên cạnh đã kéo vạt áo the rút ra một tờ giấy:

"Bác đọc cái này chưa?"

Ông nghè e dè hỏi nhỏ:

"Cái gì thế?"

Người kia cười, bí mật:

"Cứ đọc đi đã. Thế mà tôi cứ tưởng bác đọc rồi mới rủ nhau lên đón ở kinh thành. Để tôi ngồi tránh ra một chút cho sáng nhé. Phen này chúng nó lại trở về xứ mán mọi thôi!"

Trần Bá Lãm cố nheo mắt đọc thầm: (dịch nôm)

"Dấy nước đã liệt, nối giòng đã tuyệt, việc đáng làm chi kể mang hoang. Vớt người bị chìm cứu kẻ bị cháy, dừng chẳng được mới dùng binh cách.

Nay nghĩ họ Lê nước An Nam, vốn là cống thần của thiên triều, ba trăm năm vật phẩm tiến dâng tính theo chức phận; Mười lăm lộ đất phân chia cắt, gồm có nước nhà.

Thế mà khoảng năm Càn Long, tù trưởng trong nước là bọn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cất quân làm loạn, đánh úp La Thành, vua Lê trước vì lo sợ mà phải qua đời, tự tôn là Lê Duy Kỳ đến nỗi phải xiêu bạt ra ngoài. Bề tôi cũ là Nguyễn Huy Túc đem mẹ và vợ tự tôn chạy sang nội địa khẩn cấp cứu xin. Đã hỏi bọn Túc, Tự tôn hiện nay ở vùng Kinh Bắc, Lạng Sơn, tôi dân vẫn nhớ chúa cũ. Nguyễn Nhạc là dân mọi rợ như giống chó dê, quen thói hung tợn của loài chồn sói, đến đâu cướp đấy, trăm họ oán đến xương tủy. Tội một tên dân ở biên thuỳ đùng đùng nổi lên, phạm vào luân thường, làm trái nghĩa lý, đạo trời đã không thể tha, lại dám hoành hành ở nơi nội địa tàn hại nhân dân, bạo ngược chúng thứ, phép vua cũng cần phải đánh. Hiện đã đệ tâu và được Đại hoàng đế thương xót họ Lê tan nát, không nỡ để cho châu gieo lầm than. Ngài đã sai quan đốc phủ đeo ấn Chinh Nam đại tướng quân, đem 50 vạn binh mã thẳng tới La Thành, trừng trị tội ác bọn Nhạc, không cho lũ chúng trốn thoát hình phạt của Trời. Nước Nam đời đời tôn đội vua Lê, nhờ ơn quyến luyến nuôi nấng đã lâu, trí năng còn chưa mất, cảm kích bởi trong lòng, không thể tự mình bỏ mất thiên lương của mình, đến nỗi quên vua theo giặc. Kẻ nào trước xướng tín nghĩa, tựa sức cứu giúp của thiên triều, tập họp người đồng chí, ra sức trừ diệt quân thù, thì khi ải tía hát khúc khải hoàn, màn soái tính sổ quân công, sẽ được cắt đất chia phong, hưởng chung phúc lộc với họ Lê như Trịnh đại gia ngày trước.

Hịch này đưa tới, đâu đó đều phải hăng hái, mài dũa gươm đao, chống lại kẻ thù nhà vua. Ai nấy một lòng giốc sức thì mới có công, mới được lĩnh thưởng ở trong quân, hưởng phúc ở trong nước. Hãy cố gắng lên" (Hoàng Lê, trang 284-285).

Trần Bá Lãm đọc xong, phẫn nộ trộn lẫn với lo sợ, hỏi vội:

"Ông nhặt thứ này ở đâu vậy?"

Người đưa hịch không chú ý vẻ khó chịu của ông nghè Lãm, trả lời bằng giọng khoe khoang:

"Chính tôi chép lại đấy. Nhận được tờ hịch, mỗi người chép lại mười bản để phân phát cho bè bạn, cứ thế mà loang rộng ra."

Thấy Trần Bá Lãm định trả lại tờ hịch, ông đồ lạ mặt vội xua tay:

"Không. Bác giữ lấy bản đó."

Rồi hãnh diện vỗ tay vào túi áo trong, ông ta nói:

"Tôi còn những bảy tờ. Vì tôi hứng chí chép ra đến hai chục bản. Bác lấy thêm ít bản nữa, ngộ nhỡ..."

Trần Bá Lãm cương quyết trả tờ hịch lại:

"Ông giữ lấy!"

Người kia ngơ ngác hỏi:

"Bác sợ à?"

Trần Bá Lãm nghiêm mặt đáp:

"Không. Cõng rắn cắn gà nhà..."

Ông đồ đưa hịch cướp lời ông nghè:

"Bác nói gì thế! Bọn mán mọi ở cái xó rừng Tây Sơn đem quân xâm lấn nước ta, thì ta phải nhờ thiên triều xua đuổi chúng đi. Đó chỉ là vạn bất đắc dĩ. Cũng là người ngoài, nhưng phía bắc còn có văn hiến, lễ nghĩa..."

Trần Bá Lãm cương quyết nhét tờ hịch vào tận tay ông đồ lạ, nói nhỏ nhưng dằn từng tiếng:

"Ông giữ tờ hịch này để sau này có bằng cớ xin làm quan với bọn Tàu. Chép những hai mươi bản, ông xứng đáng lắm."

Từ đó hai người không nói với nhau gì nữa. Họ giả vờ ngủ. Lâu lâu hé mắt liếc về phía ông đồ lạ, Trần Bá Lãm bắt gặp ông ta cũng hé mắt dò xét ông nghè. Bị bắt gặp đang giả vờ ngủ, ông đồ lạ giơ tay đập muỗi, rồi thu vạt áo về, xoay lưng về phía ông nghè Lãm. Gió bên ngoài thổi lạnh buốt, lọt qua khe phên liếp tạo tiếng vi vu át mất tiếng ngáy của khách lỡ đường.

Tinh sương, hai chị con buôn dậy sớm nhất. Họ sửa soạn quang gánh lịch kịch bất chấp giấc ngủ của kẻ khác, nên mọi người phải thức dậy với họ. Trần Bá Lãm không thấy người đưa hịch tối hôm trước bên cạnh mình, đoán có lẽ ông ta ra phía sau đi giải. Đến lúc chị chủ quán tìm thấy một tờ hịch đặt dưới dĩa đèn và ông cử gàn tìm ra một tờ khác gài trên tấm phên trúc, ông nghè mới quyết là hắn đã trốn rồi. Chị chủ quán thấy tờ giấy nhăng nhít những chữ, lo lắng hỏi:

"Có thầy nào quên tờ giấy ở đây?"

Viên tri phủ lấy tờ hịch đem sát đèn để đọc. Ông cử cũng đã gỡ được tờ hịch gài trên phên cửa. Ông cử đến gần ông tri phủ hỏi:

"Có phải cùng một nội dung không?"

Họ đọc vội vàng dòng đầu, rồi nói:

"Giống nhau mà!"

Mọi người dù biết chữ hay không, đều đoán ngay hai tờ giấy kia nói những điều rất quan trọng, rất nguy hiểm, và tốt hơn hết là nên dè dặt. Do đó không ai bảo ai, những kẻ sốc nổi hiếu kỳ lần lượt tản xa chỗ đặt dĩa đèn. Ông nghè Lãm tự thấy phải có trách nhiệm trấn an mọi người. Ông nói:

"Có lẽ của cái ông khách khi hôm ngồi cạnh tôi. Sáng nay, ông ấy trốn đâu mất rồi."

Nhiều tiếng lao xao mừng rỡ, vì đã tìm ra kẻ chịu trách nhiệm về hai tờ giấy bí hiểm kia. Một bác nông dân mạnh dạn nói:

"Các thầy hay chữ, thử đọc xem chúng nó nói những gì. Đi đứng mờ ám như vậy, tôi biết trước không phải dân lương thiện."

Viên cựu tri phủ rụt rè tiến thoái lưỡng nan, nửa muốn trở về chỗ, nửa muốn đọc tiếp vì tò mò. Cuối cùng, ông cử gàn đọc khá to cả tờ hịch. Mấy bác nông dân và hai chị con buôn đề nghị ông cử dịch lại sang tiếng nôm cho họ hiểu. Ông cử hỏi Trần Bá Lãm:

"Có nên không bác?"

Trần Bá Lãm nói:

"Ông cứ dịch. Chuyện quốc sự đâu có dành riêng cho người biết chữ nho."

Ông cử vừa đọc vừa dịch cả bài hịch của triều Thanh. Ông đọc xong, cả quán đều lặng yên, như sững sờ. Chị chủ quán hỏi trước:

"Lại sắp có giặc phải không các thầy?"

Một chị con buôn hốt hoảng kêu:

"Chết! Hay là ta quay về?"

Chị kia bĩu môi nói:

"Sao lại quay về? Hồi tháng chạp năm ngoái, có khối người mua được nhiều thứ rẻ. Của ăn trộm ở các nhà quan ấy mà. Các thầy, các bác tính, một cái tủ cẩn xa cừ mà giá chỉ bằng nửa thúng gạo. Lúc lên vác có một bao, lúc về phải thuê cả thuyền."

Chị chủ quán lại hỏi:

"Có sắp phải cấm sông không các thầy?"

Ông cử cười đáp:

"Chị khỏi lo. Cấm sao nổi! Cấm sông thì hai chị này lấy gì chở tủ chè, phản gỗ về quê."

Một bác nông dân bực dọc nói:

"Nông nỗi này mà thầy còn đùa cợt! Giặc Tàu qua đây, thì thầy tính sao?"

Ông cử gàn không chịu lép, quay sang phía bác nông dân cật vấn:

"Ấy chết! Sao bác dám gọi là "giặc Tàu". Thiên triều chứ! Bác không muốn "hưởng chung phúc lộc với họ Lê như Trịnh đại gia ngày trước" hay sao?"

Khi nhại y nguyên lời hịch, ông cử cố ý nói ngọng như cách nói của các khách trú Phố Hiến, khiến cả quán bật cười. Bác nông dân hiểu lập trường của ông cử, vui vẻ đáp:

"Vâng. Thì quân thiên triều. Các ngài ấy kéo những 50 vạn sang ta thì lúa thóc đâu cho đủ cung phụng? Mùa màng cứ thế này, bọn nhà nông chúng tôi chỉ còn nước gặm đất cầm hơi!"

Vẫn ông cử tiếp tục đùa nghịch:

"À ra thế! Bác sợ thiên triều giành mất bát cơm hẩm. Đừng lo. Họ dằn mất bát cơm của bác, nhưng trả lại một ông vua. Vua thật chứ không phải vua phường chèo đâu nhé."

Viên ngoại lang từ nãy đến giờ giữ vẻ lầm lì, lúc đó mới nhắc khéo ông cử:

"Ông nên giữ mồm giữ miệng. Dù sao chúng ta cũng là con dân Bắc hà."

Trần Bá Lãm thấy cuộc bàn luận lan man trở nên nguy hiểm, nhất là bên ngoài trời đã sáng tỏ, trên đường đã có nhiều người qua lại, ông bảo các bạn:

"Chúng ta sắp sửa đi thôi."

Ông cử gàn không chịu nghe lời ông nghè Lãm, quay hỏi cả bốn bác nông dân:

"Các bác vẫn giữ ý định lên phường đúc đấy chứ?"

Một người đáp:

"Vâng. Dù gì chăng nữa, việc cày bừa không thể bỏ được."

Ông cử lại hỏi:

"Nhỡ giặc... "giặc thiên triều" đến thật thì các bác tính sao?"

Mấy bác nông dân đáp:

"Thì đánh cho chết!"

"Thì dần cho chúng một trận nên thân!"

"Thì đem dao, rựa, gậy gộc ra đuổi chúng nó về."

Ông cử cười hể hả, nói thêm trước khi chạy theo các bạn:

"Nhớ rủ chúng tôi với nhé. Phải. Đánh cho chúng nó chừa cái thói tham. Giặc Tàu! Đúng là giặc Tàu."

Ra đến đường cái, ông nghè Lãm trách ông cử:

"Tôi xem tờ hịch thấy cũng có nhiều điều khả tín. Như việc quân Tàu đem vua Chiêu Thống về phục quốc chắc là có thật. Những người còn nhớ tiếc triều cũ còn đông lắm. Ông nên giữ gìn một chút."

Ông cử cự lại:

"Chúng nó rước voi về dày mả tổ mà các bác buộc tôi lễ phép!"

Viên ngoại lang nói:

"Ông chỉ được cái gàn. Hơi đâu ăn cơm nhà vác ngà voi. Thiên triều dùng đến binh cách, thì đã có các ông nhà võ họ lo đối phó. Việc gì đến ông?"

Viên cựu tri phủ thì bảo:

"Vả lại họ có giao việc cho mình lo đâu!"

Ông nghè Lãm thọc tay vào bọc áo suýt soa cho đỡ lạnh. Ông cử hỏi:

"Bác nghè nghĩ thế nào? Ta phải làm gì đây?"

Trần Bá Lãm bối rối:

"Hãy cứ lên kinh đã. Chắc gì thời thế đã đúng như lời hịch. Ối giời, rét! Đò dọc xuống chậm quá nhỉ!"

Ông thọc tay sâu vào túi áo. Mấy ngón tay phải chạm lá thư của Ngô Thì Nhậm. Trần Bá Lãm dớn dác nhìn quanh, nhột nhạt như có đôi mắt vô hình nào đó đang chăm chăm nhìn vào gáy mình.

Sau khi Chính Bình Vương về nam, bộ Lễ được chuyển tới một ngôi nhà rộng rãi khang trang hơn, nhà khách có chỗ chứa gần bốn mươi quan văn võ cựu triều đến trình diện theo lệnh triệu của Ngô Văn Sở. Sắc mặt người nào cũng lo âu. Có thể nói là lo âu gấp mấy lần trước. Đa số các quan đều đã đọc bài hịch của triều Thanh, nên cả quyết đây là biện pháp tập trung giới sĩ phu Bắc hà quản thúc một chỗ, đề phòng việc thành hình các nhóm nội ứng do nhà nho chủ xướng.

Có lẽ trước lúc ra đi đã có cảnh khóc lóc, dặn dò, trăn trối, y như mọi cảnh tử biệt, sinh ly. Trên trán từng người có thêm nếp nhăn. Tóc bạc thêm dưới vành khăn xếp lệch. Áo quần vì vậy cũng nhếch nhác, thiếu vẻ tề chỉnh đáng lẽ phải có. Trước cổng bộ Lễ, sau khi các ông nghè, ông cống vào rồi, đám đông thân nhân lóng ngóng chờ tin dữ cũng đông đảo hơn lần trước. Đến mấy cậu lính lệ lo việc canh gác cũng trở thành quan trọng. Người ta nịnh bợ, tâng bốc, săn đón, mời trầu các cậu, để moi vài cái tin mừng. Các cậu không biết quan đại tư mã mời các quan cựu triều đến làm gì, ai hỏi thế nào cũng gật dù ý trước mâu thuẫn ý sau. Đám thân nhân càng hoang mang, khoé mắt rớm đỏ.

Phần các quan khi vào nhà khách bộ Lễ mới tin được rằng người ta không triệu mình đến đây để bỏ tù. Nhà khách được trang hoàng uy nghiêm. Ngoài chiếc sập chạm dành cho quan chủ toạ, người ta đã trải chiếu trên sàn nhà, mỗi chiếu đặt sẵn khay nước trà và ống điếu thuốc lào. Tuỳ theo phẩm trật mà quan phụ trách Lễ bộ lễ phép mời quan khách lên ngồi ở chiếu trên hay chiếu dưới. Nói chung, cách tổ chức đón tiếp cực kỳ trân trọng, không có vẻ nào đe doạ hoặc khinh thường.

Trần Bá Lãm và mấy người bạn đến khá sớm và tuy phẩm trật của họ khác nhau, cũng được lễ quan trân trọng mời ngồi chung ở hàng chiếu đầu. Họ khiêm nhường xuống ngồi ở hàng chiếu thứ hai.

Viên tri phủ thấy nét mặt ủ rũ hoang mang của các quan khác, nói thầm với ông nghè Lãm:

"Sao họ rũ ra như chiếc lá úa thế ? Đằng nào cũng phải giữ chút khí hạo nhiên chứ!"

Ông cử nói khá lớn:

"Họ sợ bị đóng gông cả đấy."

Viên ngoại lang ngây thơ hỏi:

"Có tội gì mà đóng gông?"

Ông cử cười, hỏi lại:

"Không có gì sao lại triệu đến đây? Cả nước này không triệu ai, chỉ triệu có chúng mình."

Ông cựu tri phủ thì thào:

"Lúc nãy, tôi nghe hình như... hình như Lạng Sơn đã vỡ rồi. Trấn thủ phải chạy về ghé tạm ở Kinh Bắc. Không biết đúng như thế hay là phao ngôn. Gớm, thiên hạ bịa ra không biết bao nhiêu tin đồn nhảm. Nhiều khi vô lý không chịu được, nhưng nhiều kẻ có học vẫn sáng cả hai mắt hỏi dồn: "Thế à? Thế à?" Chỉ vì hợp với tì vị của họ mà!"

Họ lục tục kéo vào khá đông, và không ai chịu ngồi vào các hàng chiếu đầu, dù những người đến muộn phải đứng, hoặc chen chúc tám, chín người trên các chiếu cuối. Quan Lễ bộ đi đến từng nhóm, từng người mời họ lên trước. Ai cũng lễ phép gật đầu. Nhưng hàng chiếu đầu vẫn trống. Có lẽ đã quen với hiện tượng ấy, quan Lễ bộ không thèm mời mọc thêm, sai lính đến cuốn bớt những chiếc chiếu trống ấy đi. Nhóm Trần Bá Lãm bất đắc dĩ trở thành hàng đầu, đối diện với sập chủ toạ.

Tiếng rì rầm trong nhà khách chỉ chấm dứt khi lễ quan lớn giọng báo có quan đại tư mã đến. Ngô văn Sở mặc triều phục, chậm rãi đi vào, theo sau là nội hầu Phan Văn Lân và thị lang Ngô Thì Nhậm. Phan Văn Lân mặc nhung phục, còn Nhậm chỉ mặc cái áo tú tài đơn sơ. Sau khi chủ khách vái chào với nhau theo lối thông tục, Ngô Văn Sở cau mày hỏi viên lễ quan:

"Sao không có trầu cho các cụ?"

Bị hỏi bất ngờ, viên lễ quan lúng túng đáp bừa:

"Bẩm... vì trầu-không độ này khó mua quá ạ!"

Ngô Văn Sở tươi cười nói với mọi người.

"Thôi, các cụ chịu khó nhịn trầu cho một buổi sáng. Không, chỉ độ nửa buổi sáng mà thôi, vì tôi xuất thân ít học, cầm gươm thì thạo nhưng ăn nói thì dở lắm. Nói vài câu đã hết chuyện rồi. Do đó tôi phải nài cho được quan thị lang Ngô Thì Nhậm đi theo, để ngộ nhỡ tôi nói cộc lốc trần trụi thì có ông nghè Nhậm gia giảm thêm bớt gia vị. Nếu tôi có lỡ lời, hoặc dùng chữ không đúng phép tắc, các cụ các bác tha thứ cho nhé."

Trong nhà khách nổi lên nhiều tiếng cười nhỏ. Cử toạ chờ đón một thứ không khí nghiêm túc, căng thẳng, chứ không chờ đón cái giọng mộc mạc thân tình đó. Ngay các cụ khoa bảng ngồi ở hàng chiếu trước cũng thôi không thẳng lưng chắp tay ngay ngắn nữa. Vài người mạnh dạn rót nước trà ra chén. Ngô Văn Sở tiếp:

"Vâng. Quí cụ cứ dùng nước cho đỡ khát. Lúc chúng tôi đến đây, chúng tôi thấy các thân nhân của quí cụ, quí bác vẫn còn tụ họp lóng ngóng trước bộ Lễ. Hình như họ quá lo lắng cho quí cụ. Và tôi biết hiện quí cụ cũng băn khoăn tự hỏi: "Không biết ông Sở gọi mình lên đây làm gì?" Xin đáp ngay để các cụ rõ: đây là một cuộc hội nghị Diên Hồng thứ hai. Các cụ đã từng dự việc quan, lâu nay về ẩn cư gần gũi dân chúng, thế nào cũng hiểu rõ những điều phải làm khi nước gặp biến. Phải. Chúng ta đang gặp cơn biến nguy hiểm chưa từng thấy, lớn lao chưa từng thấy. Quân Thanh sắp tràn qua đây, các cụ biết rồi. Quân số của chúng, theo như lời phô trương, lên đến năm mươi vạn. Mấy trăm năm nay nước ta độc lập, tự dưng chúng tràn qua đây chiếm nước người, đốt phá làng xóm, vơ vét tài vật, chẳng lẽ không tìm cái cớ gì để vin hay sao? Thưa có đấy. Bọn tôn thất, cựu thần nhà Lê, trước đây đã từng là bạn đồng khoa, đồng liêu của quí cụ, chính bọn cõng rắn cắn gà nhà đó đã dắt díu nhau qua Tàu gào khóc, van xin để các quan lớn thiên triều rũ lòng thương, cất công đem quân và phu qua đây vơ vét của cải, xâm chiếm làng xóm, quê hương mình. Tôi nghe ông nghè Nhậm đây thường nhắc đến hai chữ "danh giáo", tôi còn nghe nói rằng đối với nhà nho, lẽ sống của mình là không làm nhơ danh giáo. Bọn chúng làm như vậy là đúng với danh giáo chăng, thưa quí cụ?"

Cả nhà khách im lặng phăng phắc. Ngô Văn Sở nhìn khắp lượt, rồi nói tiếp bằng giọng ít gay gắt hơn:

"Đây không phải là lần đầu tiên Trung quốc có tham vọng nhòm ngó, xâm lăng nước ta. Tôi không thuộc sử Nam, nhưng cũng nhớ lõm bõm được tên bọn cướp nước phương Bắc: bọn Tống đời Lý, bọn Nguyên Mông đời Trần, bọn Minh đời Hồ. Thời nào chúng cũng bị dân ta muôn người như một đứng lên cầm đao, cầm rựa, cầm cuốc, cầm cả guốc dép nữa, xua đuổi chúng đi. Thời trước oai dũng như thế, chẳng lẽ bây giờ gặp biến chúng ta lại hèn nhát? Quí cụ chịu khó đến đây, tức là đã trải nhiều đêm ngày suy nghĩ chín chắn và dứt khoát không theo bọn Lê Duy Án, Nguyễn Huy Túc, Nguyễn Đình Giản làm nhơ danh giáo rồi. Các cụ đứng về phía Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi. Các cụ không quen cầm gươm, nhưng các cụ có một vũ khí còn sắc bén hơn cả gươm giáo của bọn nhà võ chúng tôi, là trí óc và uy tín của các cụ. Các cụ nghĩ một khắc, bằng con nhà võ chúng tôi khổ nhọc múa kiếm một năm (có nhiều tiếng cười). Quí cụ đừng cười nhũn. Thật vậy. Có những điều tưởng là khó nhưng thật dễ. Giặc đến ta làm gì đây? Câu hỏi đó ta tưởng khó nhưng dễ trả lời lắm. Con nhà võ chúng tôi đáp liền: Đánh. Chúng đến thì đánh đuổi chúng về. Vài người nhẹ dạ không tin ta mà tin địch; nên vài hôm nữa, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh vĩ đại ở bãi sông, có đủ quân sĩ các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn Tây, Hải Dương, vừa để phô trương lực lượng khiến bọn hay khóc nhè thôi làm ồn phố phường (có tiếng cười lớn), vừa để họp lực đắp luỹ đất ở sông Như Nguyệt. Còn một việc khác tưởng dễ mà thực ra quá khó, bọn võ biền chúng tôi không làm nổi."

Ngô Văn Sở quay về phía Ngô Thì Nhậm nói đùa:

"Tôi đem hỏi ông nghè Nhậm. Ông Nhậm bóp trán cũng không nghĩ ra cách nào thích hợp, mới gợi ý cho tôi mời các cụ đến hỏi. Câu hỏi thế này. Quan nội hầu, cho tôi mượn tờ hịch của 'thiên triều'."

Phan Văn Lân cầm một tờ giấy đặt sẵn trên sập đưa đến cho quan đại tư mã. Ngô Văn Sở nói:

"Câu hỏi thế này: Theo bài hịch thì "Đại hoàng đế thương xót họ Lê tan nát, không nỡ để cho châu gieo lầm than" nên mới phải chinh nam. Tự hoàng yếu đuối, hèn nhát đã trốn đi, nhưng họ Lê còn có Sùng nhượng công làm giám quốc. Chúng ta không sợ dùng binh cách, nhưng nếu có thể dùng lý để khỏi động đến gươm đao thì vẫn hơn. Việc này thì con nhà võ chúng tôi phải khép nép rút lui để nhường cho quí cụ. Sĩ dân Bắc hà tránh được cảnh khói lửa hay không là nhờ cuộc họp mặt hôm nay. Các cụ có thể dùng tài lý luận để cản bước giặc hay không? Xin quí cụ bàn giúp cho."

Ngô Văn Sở dứt lời. Mọi người hoàn toàn im lặng. Các quan cựu triều hầu hết đều cúi mặt xuống như sợ phải thấy gánh nặng đột ngột của trách nhiệm đặt lên đôi vai hẹp của mình. Quan đại tư mã mỉm cười nhìn khắp cử toạ, nắm tay đặt chắc nịch trên mặt sập. Chờ một lúc lâu như gắng thừa hưởng niềm khiếp phục sợ hãi của bọn nhà nho thất thế, Ngô Văn Sở mới nói:

"Bây giờ tôi có chút việc cần phải đi. Vả lại, tôi nán lại đây cũng bằng thừa vì có ích gì đâu. Quí cụ bàn thảo cho kỹ với ông nghè Nhậm. Tình thế gấp lắm, không cho phép chúng ta chần chừ nữa. Kính chúc các cụ khỏe để tận mắt chứng kiến ngày tàn của bọn cướp nước."

Không ai bảo ai, mọi người cùng đứng dậy chào từ biệt Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Hai võ quan đi khỏi, đột nhiên căn nhà khách bộ lễ ồn rộ lên. Mạnh ai nấy nói, quên mất quan thị lang Ngô Thì Nhậm.

Ngồi một mình ở góc sập chạm, nhìn cảnh xô bồ ồn ào trước mắt, Ngô Thì Nhậm cảm thấy chua chát, ngao ngán. Ông nghĩ: "Chẳng lẽ sĩ phu Bắc hà sa sút đến như thế này ư!" Ý nghĩ ấy ám ảnh ông suốt cuộc họp sau đó.

Ông không cố lấy lại uy quyền của người điều khiển, nên sau khi viên lễ quan lớn tiếng nhắc nhở mọi người giữ trật tự, dù nhiều người thiếu tự trọng tiếp tục cười đùa, Nhậm vẫn ăn nói nhỏ nhẹ chậm rãi. Ông kinh ngạc thấy trước mắt ông, các quan lại cựu triều, các nhà nho ẩn dật được nhiều tăm tiếng trong văn giới đột nhiên biến dạng. Họ trở thành những cái hình nộm múa may vụng về, nhiều khi lố lăng, kệch cỡm. Ông nhìn họ khinh thị như đang xem một màn múa rối. Có người rụt rè mở lời, nhưng càng nói càng mê chính âm vang lời mình, hứng chí phát biểu quá đà, cưỡng từ đoạt lý để thành trò cười cho cử toạ. Có người nói xong thì bẽn lẽn như vừa phạm tội, mặt cúi gằm, hai tay cuống quít giấu sau vạt áo the cũ. Chung quanh Ngô Thì Nhậm, người ta đua nhau tranh khéo tranh khôn. Người ta dốc hết điển tích meo mốc trong cái trí nhớ mù mờ để đắp bồi thêm cho lập luận. Ông thấy rõ các lời lẽ om sòm ấy đều vô ích. Đều giả dối. Phí thì giờ. Ông chịu đựng hội nghị như là một thứ phiền nhiễu không tránh được trong công việc. Càng về sau, số người quay ra nói chuyện riêng càng nhiều. Cuộc bàn luận nhì nhằng trở nên trò chơi chữ nghĩa giữa những tay bạo mồm và những người thích tẩn mẩn chẻ sợi tóc làm tư. Lâu lâu ông cử gàn trong nhóm Trần Bá Lãm nói được một câu dí dỏm nghịch lý, thế là cả nhà khách cười ầm, thoải mái.

Cuộc bàn luận hỗn độn cuối cùng cũng đến được một điểm cuối: tất cả các nhà nho hiện diện đều đồng ý nên soạn thảo một lá thư chung, xác nhận với nhà Thanh là sĩ dân Bắc hà đã tôn Sùng nhượng công lên làm giám quốc. Công việc nhỏ mọn còn lại là đề cử người soạn lá thư ấy. Chưa kịp nhìn quanh để tìm người đáng tín nhiệm, thì có người hỏi bấy nhiêu nhà nho có mặt đã đủ túc số đại diện tất cả sĩ dân hay không? Bắt đầu một cuộc bàn luận mới với đầy đủ các trò chơi chữ, chơi ý đốp chát hoặc ranh mãnh. Giải quyết xong vấn đề đại diện, lại có người thắc mắc về nghi thức bang giao với nước ngoài, e rằng ngoài Sùng nhượng công ra, không ai đủ chính danh để gửi thư cho triều đình Trung quốc. Danh không chính thì ngôn không thuận v.v... và v.v... Lại tranh khéo tranh khôn om sòm về thuyết chính danh của Đức Khổng phu tử.

Gần giờ ngọ, nhờ những tay hùng biện đều mệt lả và ruột bắt đầu cồn cào, nhờ các chuyện đầu cua tai nheo cạn dần, họ mới để cho cuộc hội họp đi đến một kết quả: các văn thần Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm và văn thuộc Vũ Huy Tấn được ủy nhiệm thảo thư. Phái bộ mang lên cửa ải trao cho nhà Thanh gồm ba nhà nho nói trên, cộng thêm võ thần Nguyễn Đình Khoảng, Lê Duy Chữ, và võ thuộc Nguyễn Đăng Đàn.

Chưa bao giờ Ngô Thì Nhậm xấu hổ cho nghiệp nho bằng buổi họp hôm ấy.

Bản thảo chương sách trên đây (hiện tôi còn giữ đầy đủ) gồm 24 trang viết tay trên loại giấy thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn dùng để phát cho học sinh trong các kỳ thi lục cá nguyệt hay trung học phổ thông, tú tài. Ngày tháng ghi bên lề cho thấy tôi viết chương này vào hai ngày 12 và 13 tháng 8 năm 1980. Tôi đã lục lại toàn tập bản thảo tập IV Sông Côn Mùa Lũ, và nhớ lại hoàn cảnh bất thường trong đời sống gia đình chúng tôi năm 1980. Chương 78 chẳng hạn, viết ngày 27/1/80 nhưng đến nửa chừng thì bỏ dở dang, mãi đến 2/7/80 mới tiếp tục hoàn tất chương sách đó. Nguyên nhân: tôi bị bắt giam ở trại giam Cầu Tre Quận 11 Sài Gòn khi đang làm cho Tổ hợp sản xuất mì sợi Dân Sinh, thời gian mất tự do ghi dấu tích ở chương 78. Chương 96 tôi viết ngày 1/9/80 nhưng chương 97 của Phần Kết từ viết ngày 20/2/81, trùng hợp với thời gian bị giam tại trại Cựu Chiến binh Vũng Tàu, sau một vụ toan tính vượt biên thất bại. Như vậy trong năm 1980 tôi bị ở tù hai lần, và 19 chương của Sông Côn Mùa Lũ tập IV được viết trong hai tháng Bảy và Tám giữa hai lần ở tù. Chương 90 các bạn vừa đọc thành hình trong hoàn cảnh đặc biệt ấy.

Hai năm 1979 và 1980 thời ấy là hai năm đầy xáo trộn bi đát của xã hội Việt Nam. Cả nước không đủ gạo ăn, do ảnh hưởng của chính sách tập thể hoá nông nghiệp. Cảnh ở thành phố tiêu điều xơ xác do chiến dịch cải tạo công thương nghiệp. Thiếu lương thực, dân Sài Gòn phải ăn bo bo và mì sợi. Bột mì Canada, Ấn Độ mua về, Nhà nước giao cho các tổ hợp sản xuất mì sợi để các tổ hợp này chế biến thành mì khô, rồi giao lại cho các cửa hàng lương thực quốc doanh để bán theo tiêu chuẩn nhân khẩu cho từng gia đình. Tổ hợp Dân Sinh thành hình theo nhu cầu lúc đó. Đây là một tổ hợp chế biến thực phẩm do người Hoa thành lập, người khởi xướng là một cán bộ Hoa kiều vận nghe nói được Trung Cộng gửi qua từ lâu để giúp cho chính quyền cộng sản vận động sự hỗ trợ của người Hoa ở Miền Nam. Dĩ nhiên vì là cán bộ dân vận kỳ cựu, ông Bảy Khôn quen biết với hầu hết cán bộ đang nắm quyền thời đó ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Tổ hợp Dân Sinh nhờ thế rất có thế lực, lại góp được nhiều vốn của những gia đình người Hoa muốn con cái có chỗ làm việc, khỏi bị đẩy đi kinh tế mới. Tổ hợp có riêng một đội ca múa do một vũ sư chuyên nghiệp phụ trách, tiết mục “Tiếng chày trên sóc Băm Bo” luôn luôn được hoan nghênh trong các cuộc hội diễn lớn nhỏ. Sau một thời gian thất nghiệp, tôi nộp tiền xin làm tổ viên cho tổ hợp, và vừa lao động vừa giữ sổ sách cho tổ hợp. Theo hợp đồng ký với Phòng Lương thực Quận 11, tổ hợp nhận bột và chất đốt của Nhà nước để chế biến thành mì sợi, rồi giao mì cho Phòng Lương thực để lãnh tiền công. Nhưng vì số tiền công quá ít mà thủ tục thanh toán ngân hàng lại phức tạp và phi lý, nên thật sự các tổ hợp mì sợi sống được là nhờ số bột dư sau khi chế biến. Đến đây, có một cái bẫy chờ sẵn do Nhà nước giăng ra. Vì dù biết rõ các tổ hợp mì sợi sống bằng số tiền bán bột dư, Nhà nước vẫn có thể khép tội các tổ hợp vì trên nguyên tắc, bột ấy là tài sản Nhà nước, buôn bán bột dư là trái phép.

Khi Việt Nam tấn công lên Nam Vang chấm dứt chế độ Pol Pot và Trung quốc tấn công qua biên giới để “dạy cho Việt Nam một bài học”, những cán bộ Hoa vận như Bảy Khôn đột nhiên ở vào thế khó xử. Đề phòng nội ứng, Công an thành phố bắt giam Bảy Khôn, những cai tù chẳng ai khác hơn là bạn chiến đấu cũ. Nghe những người Hoa trong tổ hợp Dân Sinh thuật lại là khi vào tù, những công an chấp pháp đòi Bảy Khôn phải xác định rõ mình đứng vào phe nào. Bảy Khôn trả lời: “Trung quốc là cha tôi, Việt Nam là mẹ tôi. Các anh bắt tôi chọn cha hay chọn mẹ là làm chuyện phi lý.” Không biết những lời kể ấy đúng được bao nhiêu phần trăm sự thực, nhưng từ khi người sáng lập và đỡ đầu cho tổ hợp bị bắt, Dân Sinh dần dần tan rã. Người Hoa trong tổ hợp tìm đường thoát thân. Liên lạc giữa Phòng Lương thực và Ban điều hành tổ hợp không còn thân tình, ai ai cũng cảm thấy có cái gì đó nguy hiểm lắm đang chờn vờn rình rập chung quanh. Tôi là một trong ba người Việt Nam lạc vào trong một tổ hợp toàn người Hoa, tưởng là tạm yên thân bằng một nghề lao động cực nhọc, không ngờ lại sa vào cảnh tù tội khi chính quyền bắt giam toàn bộ ban điều hành của Dân Sinh để trừ bỏ một tập hợp đáng ngờ.

Sống và làm việc giữa những người Hoa đúng vào thời gian Trung quốc tấn công qua biên giới giúp cho tôi thấy tâm trạng và phản ứng phức tạp của người Hoa trước biến cố lớn lao này. Có thể nói là họ mừng rỡ. Sự mừng rỡ, có thể là phản ứng tự cao Hán tộc. Có thể là cái mừng thấy kẻ gieo hoạn nạn cho mình cũng gặp hoạn nạn. Có thể là hy vọng Nhà nước khi phải đối phó với kẻ thù phương Bắc, bắt buộc phải nới lỏng các biện pháp kinh tế khắc nghiệt đang áp dụng. Cũng có thể là tình hình mới sẽ mở ra những lối thoát thân, như phong trào lũ lượt kéo nhau về Hoa lục hay cao trào ra đi bán chính thức sau đó. Ý thức hệ, tinh thần quốc gia... trong những hoàn cảnh đặc biệt như vậy không hề chi phối lên cách ứng xử của người ta. Sau hai mươi năm nhìn lại, tôi nghĩ có lẽ kinh nghiệm ấy đã ảnh hưởng rất lớn lên cách suy nghĩ của tôi, khi viết chương 90, một chương cũng đề cập tới phản ứng của nhiều tầng lớp dân Việt trước tin nhà Thanh sắp xâm lược nước ta.

Nếu nhà Tây Sơn tồn tại lâu dài, thế nào Sử quán của triều đình cũng mô tả cuộc họp các quan văn võ cựu triều do Ngô Văn Sở triệu tập hồi ấy như là một hội nghị Diên Hồng thứ hai. Ngày nay, nếu cần tuyên xưng tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, những nhà tuyên truyền chính trị cũng khai thác biến cố lịch sử này theo chiều hướng đó. Những nhu cầu chính trị xưa cũng như nay không khác nhau bao nhiêu. Nhưng khi viết chương 90, tôi viết như một tiểu thuyết gia, cố gắng tái dựng tất cả sự đa dạng, phức tạp của thời thế và con người trong thời thế. Kinh nghiệm quan sát phản ứng của người Hoa cũng như người Việt Miền Nam trước tin Trung Cộng xua quân qua biên giới cho phép tôi tin rằng lối giải thích lịch sử của mình gần với sự thực hơn lối của những nhà tuyên truyền và sử quan.

Vả lại, dù không có kinh nghiệm về người Hoa năm 1979, có lẽ tôi cũng không dùng chương 90 để tuyên xưng một thứ hội nghị Diên Hồng. Nguyên nhân sâu xa, là từ bản tính của tôi. Nhìn lại gần trọn đời mình, tôi xếp tôi vào loại “thường thường bậc trung” như đại đa số những người quanh tôi. Gia cảnh trung bình đủ ăn, kiến thức vừa đủ để hiểu những vấn đề thông thường, tính tình thì cũng nhàn nhạt không có gì độc đáo, nổi bật giữa đám đông. Trong Mùa Biển Động tập III, tôi đã tự vẽ chân dung mình khi cho Ngữ quan sát ông Văn bằng những dòng như sau:

Ngữ nhớ ông Văn qua hình ảnh một ông thầy cung cách chững chạc, mặc áo sơ mi trắng thắt cà-vạt, đứng trên bục gỗ giảng giải say sưa lời hay ý đẹp của cổ nhân. Lời ông trầm bổng theo vui buồn của văn chương, từ cảnh bịn rịn tiễn đưa chồng ra trận trong Chinh Phụ Ngâm cho đến cảnh chết đứng của Từ Hải... Ông Văn trở thành mẫu mực của sự lựa chọn trầm tĩnh, của sự chịu đựng hiên ngang, của sự lặng lẽ đạt đạo. Ngữ vô tình thêm thắt cho cha nhiều nét cao cả để làm cái mộc che mình, suy diễn những yếu đuối của cha thành sức mạnh tinh thần, nên chàng không khỏi hụt hẫng khi nhận ra rằng ông Văn cũng chỉ là một người bình thường như mọi người bình thường trên đời. Ông chậm chạp hơn là chững chạc. Ông rụt rè hơn là trầm tĩnh. Cách nói, ngay cả nói chuyện với con, vẫn dè dặt giữ kẻ hơn là hùng hồn thuyết phục.

Một người “thường thường bậc trung” như thế, khó lòng sáng tạo ra những mẫu đời phi thường. Thay vì rán rướn lên tầm cao của những anh hùng liệt nữ, tôi lại kéo họ xuống thấp ngang tầm của tôi. Điều đó không tránh được. Dù tác giả có nguỵ trang khéo léo cách nào, nhân vật tiểu thuyết vẫn luôn luôn là bản sao của chính người viết. Thế giới tiểu thuyết là bản ngã tác giả phóng chiếu ra ngoại giới, tạo thành một thế giới mang trọn bản ngã ấy. Giới phê bình vẫn xưng tụng lối viết khách quan như một mẫu mực của tiểu thuyết. Đó là luật lệ dành cho đa số. Những tiểu thuyết gia bậc thầy như Feodor Dostoievsky hay Milan Kundera xem thường luật tắc đó, nói thẳng với độc giả đây là những hình nộm tôi nặn ra để chúng thay nhau nói hộ tôi, sống hộ tôi. Trong khi nhiều nhà văn khác thích chọn những mẫu người phi thường, khác thường, dị thường, bản tính khiến tôi thích chọn những mẫu người, mẫu đời bình thường, tầm thường. Suy từ mình, tôi định nghĩa con người bình thường là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về với lối sống tầm thường cố hữu. Trong hai bộ trường thiên của tôi, ngay cả trong Sông Côn Mùa Lũ mà một trong những nhân vật chính - Nguyễn Huệ - là anh hùng dân tộc, nhân vật tiểu thuyết tôi dựng nên đều nói năng, hành xử, suy nghĩ, vui buồn theo tâm lý thường tình. Nguyễn Huệ của tôi không giống Nguyễn Huệ trong sách báo Miền Bắc, cũng không giống Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp. Có độc giả bảo đọc Sông Côn Mùa Lũ sao thấy Nguyễn Huệ thân quen gần gũi quá, không cách biệt oai vệ như trong sử sách. Tôi trả lời chỉ vì quí vị cũng thường thường bậc trung như tác giả Sông Côn Mùa Lũ, và chúng ta xài chung một món hàng thích hợp với khẩu vị. Đơn giản thế thôi.

Hôm 12/8/1980, lúc khởi sự viết chương 90, trên bàn viết của tôi chỉ có hai cuốn sách làm chất liệu gốc để sáng tác là Tuyển Tập Thơ Văn Ngô Thì Nhậm tập II, và Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch. Chương 89 kế trước tôi đã viết về cuộc tái ngộ giữa Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm ở Thăng Long, nên dư âm của chương trước vẫn là tâm trạng phức tạp của sĩ phu Bắc hà đối với chế độ mới.

Đọc những lá thư của Ngô Thì Nhậm gửi cho bạn bè Bắc hà in lại trong Tuyển tập, tôi chú ý tới lời lẽ nặng nề của Ngô Thì Nhậm trong thư gửi Trần Bá Lãm. Đọc Hoàng Lê, tôi lại thấy Trần Bá Lãm có tên trong nhóm ba người được hội nghị uỷ nhiệm thảo lá thư gửi triều Thanh. Một người tìm mọi cách không hợp tác với Tây Sơn bị đẩy tới chỗ đại diện toàn giới sĩ phu Bắc hà thảo thư gửi triều Thanh biện hộ cho Tây Sơn, trường hợp này éo le phức tạp lắm. Chắc chắn những người như Trần Bá Lãm trước đây hai thế kỷ cũng cùng tâm trạng “hàng thần lơ láo” như giới trí thức văn nghệ Miền Nam sau 1975 mà thôi. Tôi nghĩ tới nỗi sợ hãi bàng bạc, và thái độ lúng túng rụt rè của một tầng lớp bị thất thế. Trần Bá Lãm đáng được chọn làm mẫu điển hình cho chương 90, tôi nghĩ vậy. Tôi chọn ông làm nhân vật chính cho chương 90.

Trần Bá Lãm không ưa Tây Sơn, điều ấy rõ ràng qua lá thư Ngô Thì Nhậm. Trong thư Trần Bá Lãm gửi cho Ngô Thì Nhậm, ông không hề giấu giếm lập trường chính trị của mình (Hiền hầu nói rằng nghĩa phải bảo tồn nước cũ, rằng không thờ hai họ...) Chẳng những thế, ông cũng không che giấu ác cảm của mình đối với một người đang có quyền lực lớn trong chế độ mới như Ngô Thì Nhậm (Mặc dù vụ án năm trước, hiền hầu có lúc dùng lời không đẹp gán cho bản chức). Ông không trùm chăn, mà đi lại hội họp với những người chống đối Tây Sơn như ông. Như thế Trần Bá Lãm là một người có “lập trường kiên định”, có “hành động dứt khoát”. Nhưng cái uy vũ của Tây Sơn, cộng thêm sự thất vọng của ông đối với Lê triều đã khiến ông không dám sống tới cùng với lập trường của mình. Nghe lệnh triệu tập của Ngô Văn Sở, ông vội vàng lên Thăng Long, và tôi suy rộng thêm là trên đường đi, thế nào ông cũng dè dặt không để lộ lập trường của mình để tránh những cái hoạ bất ngờ của thời loạn.

Đằng sau nhân vật chính là Trần Bá Lãm, tôi muốn tạo thêm một số nhân vật phụ thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau: có người mừng rỡ đón chào quân Thanh, có người chống đối. Trong những người mừng rỡ, có các nhà nho tận trung với Lê triều, xem Tây Sơn là người ngoài và trong hai cuộc xâm lược từ phía Nam ra và từ phía Bắc xuống, cuộc xâm lược của Thanh triều đáng được đón chào hơn vì dù sao nước Trung Hoa vẫn có “văn hiến” cao hơn nước Tây Sơn. Ngoài ra còn có các con buôn, họ không lý luận lôi thôi, chỉ có óc thực tiễn rút kinh nghiệm thời thế càng loạn thì việc mua bán càng nhiều lãi. Trong những người chống đối, có những nhà nho chống Thanh triều vì lòng yêu nước, có người chống vì sợ sệt. Nông dân chống xâm lăng theo suy nghĩ đơn giản là sắp phải cung đốn lúa gạo cho mấy mươi vạn quân Thanh sắp sang ăn vạ trên đầu trên cổ đám dân nghèo vốn đã kham khổ đói rách sau bao nhiêu năm loạn lạc.

Phần tường thuật cuộc họp giới sĩ phu Bắc hà do Ngô Văn Sở tổ chức, những gì tôi tưởng tượng ra đều dựa trên kinh nghiệm trải qua trong mấy năm sống dưới chế độ cộng sản sau tháng Tư 1975. Quang cảnh bên ngoài Bộ Lễ là quang cảnh bên ngoài những trung tâm qui định cho sĩ quan và công chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa đến trình diện đi học tập cải tạo. Diễn tiến cuộc họp cũng có phần na ná như những cuộc “học tập chính trị” Ủy ban Quân quản Sài Gòn tổ chức cho giới trí thức văn nghệ chế độ cũ. Nhờ sống qua một cuộc đổi đời lớn lao, tôi chứng kiến được chẳng những thế thái nhân tình, mà còn cả ảnh hưởng sâu đậm của quyền lực lên phong cách, dung mạo, tính tình và cả khả năng của con người. Hình như quyền lực là kích thích tố mạnh khủng khiếp, đến nỗi có thể biến một người nhút nhát vụng về thành người tự tín, ăn nói đĩnh đạc, nét mặt rạng rỡ, cái uy có sẵn được bồi đắp thêm bằng cái uy tự phát qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói. Tôi đã chứng kiến hiện tượng đó trong thời kháng chiến ở Liên khu Năm, khi chính quyền loại bỏ tất cả cán bộ thuộc thành phần tiểu tư sản, địa chủ... và đưa thành phần bần cố nông lên nắm chính quyền. Sau 1975, tôi chứng kiến một lần nữa sức mạnh của quyền lực. Trong chương 90, tôi đưa kinh nghiệm này vào truyện qua uy lực của Ngô Văn Sở trước đám sĩ phu thất thế của Bắc hà.

Ngược lại, mất quyền lực mang theo nguy cơ mất nhân cách, và vì biết mình đang mất nhân cách nên dồn hết sự khinh mạn, giận dữ lên - không phải kẻ thù đang nắm quyền lực - mà lên những người cùng cảnh ngộ với mình. Thái độ ngoan ngoãn vâng phục của sĩ phu Bắc hà trước Ngô Văn Sở, và khung cảnh xô bồ mất trật tự của hội nghị khi Ngô Văn Sở trao quyền chủ toạ cho Ngô Thì Nhậm minh chứng tâm lý thông thường đó.

Ngoài chất liệu gốc là hai đoạn trong Tuyển Tập Thơ Văn Ngô Thì NhậmHoàng Lê Nhất Thống Chí, những kinh nghiệm, suy nghĩ tôi vừa kể không hiển hiện cụ thể bằng những ghi chép hay dàn bài chi tiết trước khi tôi đặt bút viết chương 90. Tôi cũng không bố trí trước những diễn tiến, không nghĩ trước những câu đối thoại của các nhân vật. Khởi đầu bằng lá thư của Ngô Thì Nhậm gửi Trần Bá Lãm, tôi viết một mạch theo đưa đẩy của ngòi bút, trong bản thảo không sửa chữ nào, khi xuất bản cũng không sửa những gì đã viết trên bản thảo. Ngày 12/8 tôi viết được hơn 8 trang bản thảo, chấm dứt ở cuối của tờ hịch nhà Thanh. Hôm sau 13/8, viết tiếp 17 trang còn lại. Sở dĩ viết được nhiều như vậy, là nhờ sau khi được ra khỏi nhà giam Cầu Tre, tổ hợp Dân Sinh bị giải tán, tôi hoàn toàn thất nghiệp, hằng ngày không có việc gì làm ngoài chuyện nấu cơm, quét nhà, chở con đi học, việc mưu sinh đành giao trọn cho nhà tôi gánh. Theo lẽ thường, trong cảnh sống khốn khổ bấp bênh như gia cảnh chúng tôi hồi ấy, không ai còn tâm trí đâu ngồi viết những chuyện xưa đến hai trăm năm. Nhưng nhà tôi hiểu tôi, biết tôi đang ở vào tuyệt lộ. Không có con đường thoát thực tiễn nào trước mắt, tôi phải tìm đường thoát trong thế giới tưởng tượng do tôi chủ động tạo ra. Tôi sống trong thế giới đó tận tình hơn với thế giới thực. Sau chừng một trăm trang bản thảo mở đầu trong tập I, các nhân vật của Sông Côn Mùa Lũ dần dần định hình, mỗi nhân vật tự mình có một đời sống riêng. Mỗi khi nhân vật hiện ra trên trang giấy, hình như tôi chỉ giữ vai trò dẫn họ ra trình diện, sau đó nhân vật sống, ăn nói, vui buồn hờn giận theo ý riêng của mình, tôi không can thiệp vào được. Tôi không ý thức được rõ ràng diện mạo của những chương mình sắp viết, nói gì đến nội dung từng câu đối thoại. Theo tiêu chuẩn nghiệp vụ thông thường, tôi là một người viết cẩu thả, không có sổ ghi chép các ý tưởng hay quan sát bắt gặp thường ngày, không có bố cục tỉ mỉ, không sửa chữa câu chữ trên bản thảo nhiều lần. Tất cả các truyện ngắn truyện dài tôi viết ra, đều viết một lần, và không sửa chữa khi đem in. Tôi rất ngại đọc lại những gì đã viết ra, trừ trường hợp bắt buộc phải đọc bản in thử trước khi nhà in cho chạy máy. Tôi biết đây là một thói quen xấu, nhưng “âu cũng tính trời, biết sao!”

Gần hai mươi năm sau ngày viết ra chương 90 Sông Côn Mùa Lũ, đọc lại những gì tôi viết trước đây, thú thực nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi: Tác phẩm của mình có chút giá trị nào không? Có ích lợi gì không?

Băn khoăn về giá trị, vì tôi không dám tin mức độ chính xác của cách tự định giá mình. Tôi nuôi dưỡng lâu dài và nhọc nhằn những dự tính cho tác phẩm, nhưng khi viết thì viết nhanh và dễ dàng, bỏ không nhiều công phu như lúc âm thầm chuẩn bị. Đọc lại, có lúc thấy hay, có lúc thấy dở. Nghe ai khen thì đọc tác phẩm mình thấy họ có lý, văn mình tuyệt vời! Nghe ai chê, quả nhiên thấy họ chê đúng, viết thế này mà cũng bày đặt trường thiên với trường giang! Hai bộ trường thiên đều dài, đòi hỏi người đọc quá nhiều, nên số người chịu khó đọc sách của tôi không thể cao như số người xem sách trinh thám và ái tình lâm ly. May mắn là cả hai bộ sách khi in ra đều gây được chú ý của dư luận, nhờ đó số người đọc tăng lên. Tôi vui, nhưng không mừng, vì nguyên nhân gây ra tranh luận chung quanh hai bộ sách “không văn chương” chút nào: người ta công kích Mùa Biển Động chỉ vì một chi tiết nhỏ trong hành động ngông cuồng của nhân vật Lãng lúc đó là lính binh chủng Nhảy dù; còn Sông Côn Mùa Lũ được chú ý trở lại sau gần mười năm xuất bản chỉ vì bộ sách được tái bản trong nước. Dư luận, những lời khen chê bắt nguồn từ những động cơ ấu trĩ như vậy có phải là thước đo giá trị văn chương hay không?

Tôi chờ đợi những lời khen chê chân thành, nghiêm chỉnh (chứ không cần khách quan) từ phía văn hữu và bạn đọc. Sách in ra, tôi ký tặng các bạn văn để “nếu rảnh, anh (chị) đọc cho vui”. Tôi đỏ mặt ngượng nghịu mỗi lần thốt lên câu ấy, như mình là người bị bắt quả tang phạm tội. Tội gì? Cái tội bắt người ta phải nhận sách, phải đọc. Như nhân vật Ngữ trong Mùa Biển Động sau khi tặng sách cho các văn hữu, ít lâu sau tôi cũng có tìm cớ lân la đến gần những người được tặng sách để may ra, biết họ đã chịu khó đọc sách của tôi, và may hơn nữa, họ có những ý kiến giúp mình nhận ra ưu khuyết của mình. Nhiều người chưa hề xem qua cuốn sách được tặng, tới nhà họ tôi thấy sách còn mới tinh. Ngẫu nhiên gặp một nhà văn ở nhà một nhà văn khác, tôi tặng ông bộ sách. Vài tháng sau, tới thăm người bạn chung, thấy người được tặng sách vứt bộ sách lại không thèm mang về. Nhiều người có đọc nhưng chỉ có những ý kiến xã giao lấy lệ, vô thưởng vô phạt. Bộ Mùa Biển Động gây tranh luận gay gắt như thế, nhưng đọc hết những lời phê bình chỉ trích, tôi không học hỏi được gì nhiều. Bị chỉ trích, dĩ nhiên không ai vui. Chỉ trích đúng, tác giả không vui nhưng như được cho uống thuốc đắng, những căn bệnh mắc phải trong nhận định, văn phong có thể chữa trị, làm lợi chung cho văn học. Đằng này, những lời chỉ trích Mùa Biển Động đăng trên báo chỉ khiến tôi tội nghiệp cho trình độ của người viết.

Qua số sách bán được, qua những phiếu mượn sách ở các thư viện, tôi biết số người chịu khó đọc hai bộ trường thiên của tôi khá nhiều, và nếu đã đọc, họ đọc kỹ chứ không lật qua để giải trí cho qua thì giờ. Nhiều độc giả ngẫu nhiên gặp tôi ở các cuộc họp mặt, biết tôi là tác giả, liền hào hứng vồn vã bàn luận với tôi về nội dung sách. Những cuộc gặp gỡ thú vị ấy không nhiều. Sách in ra, sau mười năm chờ đợi, tôi vẫn chưa nghe được những lời phê bình đáng tin cậy. Tôi cô đơn khi viết vì thực sự lúc đó không ai có thể phụ lực giúp tôi. Sách in ra, sản phẩm đã có để người sản xuất và người tiêu thụ có căn cứ mà bàn luận xem sản phẩm ấy thế nào, chất lượng tốt xấu, bao bì có hấp dẫn hay không. Hàng không đến nỗi ế ẩm. Cũng có người mua đấy! Có người được tặng như hàng mẫu. Người ta mang về dùng, và không có hồi âm nào cả. Tôi băn khoăn không biết mình viết hay hay viết dở, viết đúng hay viết sai. Hỏi ai đây?

Tôi cũng băn khoăn về lợi ích của những bộ sách tôi viết.

Nếu tôi viết chương 90 Sông Côn Mùa Lũ như một cuộc biểu dương vĩ đại của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, ở đó lão văn thần Phan Lê Phiên nói giọng Thăng Long ôm chầm lấy Đại tư mã Ngô Văn Sở nói giọng Nam để tỏ tình đoàn kết, không kỳ thị địa phương, văn võ, trước nguy cơ bị xâm lăng của dân tộc, còn Ngô Thì Nhậm thì nắm tay Trần Bá Lãm rù rì tâm sự xin bỏ những ngộ nhận đau lòng trong quá khứ để cùng đồng tâm diệt giặc, cuối cuộc họp các bô lão cựu triều một tay chống gậy một tay đưa lên cao hô to “Trước vận nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến!” như trong hội nghị Diên Hồng, may ra chương sách ấy còn được trích giảng trong sách giáo khoa đời sau, làm tài liệu dạy cho con cháu niềm tự hào dân tộc. Đằng này, tôi kéo lịch sử xuống cái tầm thấp lè tè của tôi, các bô lão sản phẩm của tôi lên Thăng Long dự hội mà ruột rối như tơ vò, lập trường chao đảo, thái độ rụt rè, yêu nước không ra yêu nước, bán nước không ra bán nước, yêu thương không da diết, căm thù không sâu đậm... thì còn biết dùng họ làm gì đây? Đời cần những chiến sĩ suy nghĩ đơn giản, tôi lại cung cấp những anh lừng khừng. Thật hỏng kiểu!

Cuối cùng, tôi chỉ còn biết tự an ủi: nhiệm vụ của tiểu thuyết gia (nếu thực sự xã hội có giao cho chúng tôi nhiệm vụ nào đó) khác với nhiệm vụ những cán bộ tuyên truyền. Người tuyên truyền có phận sự đơn giản hoá sự phức tạp của đời sống để hướng dẫn đám đông đi theo một mục tiêu chính trị nào đó. Người viết tiểu thuyết có phận sự phức tạp hoá những điều tưởng là đơn giản, để người ta nhớ rằng con người, đời sống là cái gì mong manh dễ vỡ, phải cố gắng thông cảm với những tế vi phức tạp của nó, nhẹ tay với đồng loại những lúc bất đồng, kiên nhẫn với những yếu đuối khó hiểu. Người tuyên truyền cần những nắm tay giơ lên hô to khẩu hiệu. Người viết tiểu thuyết cần những lời tâm sự, nhẹ như lời ca ru con. Không biết cách tự an ủi như thế có đúng không?

California 7 tháng 11.1999


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021