thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ai mà định nghĩa được tình yêu

Tình yêu chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

Chúng ta thường nghĩ nếu không có tình yêu các thi sĩ và nhạc sĩ chắc sẽ khốn đốn. Nếu không có tình yêu thì mọi chuyện trên đời này chắc chẳng có gì sinh động, chắc vũ trụ cũng khó mà tuần hoàn được. Nhưng các nhà khoa học thì lại cho tình yêu, đặc biệt là tình yêu lãng mạn, thật ra chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người mà thôi. Theo họ, tình yêu chỉ xuất hiện cách đây năm sáu thế kỷ, khi trong dăm ba xã hội văn minh nào đó có người rảnh rỗi thì giờ, bèn nhả ngọc phun châu, múa bút lông viết lên những lời văn hoa mỹ, sau đó các nhà soạn kịch, các thi sĩ và tiểu thuyết gia mới biến thành những áng văn diễm lệ. Loại tình yêu như thế xuất hiện trước tiên ở châu Âu và chủ yếu trong giai cấp trưởng giả. Có thể nói người nhà quê thì động đực, còn giới quý tộc thì động tình.

Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tình ái là sự xuất hiện của tình yêu cung đình (courtly love) do các nghệ sĩ hát rong ở Provence khởi xướng vào thế kỷ 12. Những bài thơ và những bài hát của các nghệ sĩ này nhằm hướng dẫn các phụ nữ quý tộc vốn nhàn nhã, ăn không ngồi rồi cùng những người tình tương lai của họ về nghệ thuật ái tình, chứ tuyệt nhiên không đả động gì đến tình dục. Không ai muốn nghe chuyện "dục" vì 'dục' là xấu, là đê tiện mà chỉ thích nghe chuyện ‘tình' vì 'tình' mới đẹp, mới là nghệ thuật.

Kể từ ngày đó, nhu cầu để yêu và để được yêu thể hiện mạnh mẽ không dứt qua các hình thức văn hoá bình dân phương Tây. Nó là chủ đề chính trong âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết và báo chí. Chủ đề tình yêu thật là đáng nể và nó đã chứng minh hai năm rõ mười là có sức mạnh, đầu mối cho mọi chuyện làm ăn, thương mại. Người ta sẽ chịu mua, chịu làm hầu như bất cứ cái gì mà người ta thấy có triển vọng mang lại niềm vui thú khi họ dính líu với tình.

Nhưng có phải tất cả những điều này chứng minh rằng tình yêu chỉ là cảm xúc giả tạo lượm lặt từ văn hoá mà ra không? Nhà tâm lý học Lawrence Casler, tác giả cuốn Is Marriage Necessary? (Hôn nhân có cần thiết hay không?) đã khẳng định là có: "Tôi không nghĩ tình yêu là một phần của bản chất của con người, nhất định là không. Phải có áp lực của đời sống xã hội trong đó." Thoạt đầu thì nói mạnh thế, sau đó ông lại dịu giọng xuống: "Cho dù nó có thuộc bản chất con người đi nữa, như tội phạm hay bạo động chẳng hạn, thì nó đâu có thực sự là cần thiết."

Khi tình yêu trở thành đề tài nghiên cứu của khoa học

Gần đây, sau nhiều thế kỷ ngoảnh mặt làm lơ, các nhà khoa học đã nhảy vào tìm hiểu về chuyện yêu đương.

Lý do khiến trước đây họ né tránh không muốn nghiên cứu tình yêu là vì họ cho tình yêu thì uỷ mị, yếu mềm, còn khoa học thì cứng rắn, mạnh dạn. Người ta đã nghiên cứu những cảm xúc như giận dữ và sợ sệt nhiều rồi, ở cả ngoài đời cũng như trong các phòng thí nghiệm. Người ta có thể định lượng được những cảm xúc ấy qua việc đo đạc, như đo nhịp tim, nhịp thở, đo sự co giãn của cơ bắp, đo được toàn bộ mạng lưới phản xạ tự động của con người. Riêng cảm xúc của tình yêu thì không ghi nhận được rõ ràng như thế trên các dụng cụ khoa học.

Trong cuộc sinh tồn của con người, cảm giác giận dữ, sợ sệt kéo dài theo hành động trực tiếp - giận thì đánh, sợ thì chạy. Vì con người có thể động dục rồi sinh con đẻ cái mà không cần tình yêu nên tất cả những cái thở dài thườn thượt, hít hà xuýt xoa và những vần thơ lãng mạn tiếp theo đó đối với nhiều nhà nghiên cứu, chẳng có ý nghĩa gì ngoài chuyện tiến hoá của con người. Chính vì thế, các nhà sinh vật và nhân chủng học cho rằng nghiên cứu về nguồn gốc của tình yêu sẽ là chuyện làm vô bổ, thậm chí bá láp cũng không chừng.

Elaine Hatfield, tác giả cuốn Love, Sex and Intimacy: Their Psychology, Biology and History (Tình yêu, tình dục và tình thân: tâm lý, sinh lý và lịch sử) kể: "Khi tôi trở lại Đại học Stanford vào thập niên 60, tôi được cho biết là nghiên cứu về tình yêu và quan hệ nam nữ là phương cách nhanh nhất để làm tiêu ma sự nghiệp của mình. Tại sao lại không đi nghiên cứu công trình trước mắt đang thực hiện: chuột có thể chạy nhanh được đến mức nào?"

Điều Elaine Hatfield kể đã không còn nữa. Trong suốt thập niên vừa qua, khoa học gia trong nhiều ngành khác nhau đã thay đổi quan niệm của họ về tình yêu. Số lượng công trình khảo cứu về tình yêu xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Có nhiều cách giải thích cho sự nở rộ này. Người thì cho nó xuất phát từ mối đe doạ lan truyền của bệnh AIDS. Trước chuyện dục tình bừa bãi gây ra hoạ tử vong, người ta đâm tò mò muốn tìm hiểu xem cái sức mạnh gì đã gắn bó con người lại với nhau. Kẻ thì nêu ra con số khoa học gia phái nữ ngày càng đông và rồi gợi ý là những phụ nữ này không chừng có thiện chí hơn các đồng nghiệp phái nam của họ trong việc nghiên cứu nghiêm túc đề tài tình yêu.

Tình yêu có thực

Giữa tình yêu và tình dục, cái nào có trước? Nếu vấn đề sinh con đẻ cái là điều tối ư hệ trọng như những người theo thuyết tiến hoá mà Darwin chủ trương thì tình dục có trước. Nhưng tại sao lại phải có "tình" nẩy nở trong tiến trình ấy, bởi lẽ xem ra đâu có cần đến "tình" để khơi "dục" ngay từ đầu. Lại nữa, cái gì đã giữ cho ngọn lửa tình cháy qua nhiều thế kỷ nay? Phần lớn ảo giác của quần chúng, chẳng hạn như lòng say mê cuồng si hoa tuy-líp vào thế kỷ 17 ở Hoà Lan, đùng một cái tắt ngủm khi người ta nhận ra những gì họ làm thật là ngớ ngẩn. Trong tình yêu thì ngược lại. Khi hai người yêu nhau một khi đã tỉnh ngộ, không còn hồn vía trên mây nữa, thì họ có khuynh hướng quấn quít bên nhau chặt chẽ hơn và mê nhau điên dại, cuồng si hơn nữa. Nếu yêu đương chỉ thuần tuý là sản phẩm tưởng ượng, không có bất cứ bằng chứng hợp lý hợp lẽ nào bảo vệ và bênh vực thì chắc chắn nhiều người nay đã không bị ái tình nó quấn nó quật đến thê thảm. Nhưng hãy thử nhìn lại đi. Đâu có phải vậy. Ái tình vẫn quanh quẩn khắp nơi.

Cách đây vài ba năm, hai nhà nhân chủng học William Jankowiak thuộc đại học Nevada - Las Vegas và Edward Fischer thuộc Đại học Tulane ở New Orleans đưa ra nhiều bằng cớ chứng minh là tình yêu lãng mạn có mặt trong ít nhất 147 trong số 166 nền văn hoá mà họ khảo sát. Nếu khám phá này được chứng minh là đúng, chúng ta có thể có nhiều hy vọng gạt bỏ quan điểm cho rằng tình yêu chỉ là sản phẩm tưởng tượng của phương Tây. Jankowiak nói:"Tình yêu là biểu hiện ở mọi nơi mọi chốn, nó là nét đặc trưng của con người thuộc mọi nền văn hoá. Trong các xã hội phương Tây, họ có phương tiện là bày tỏ tình yêu bằng kẹo bằng hoa, nhưng điều đó không có nghĩa là một khi không có kẹo không có hoa thì tình yêu cũng vắng mặt trong các nền văn hoá khác."

Nhận định ấy được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà nhân chủng học Helen Fiser, nghiên cứu sinh tại Viện Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Hoa Kỳ và là tác giả cuốn Anatomy of Love: the Natural History of Monogamy, Adultery and Divorce (Phân tích ái tình: Lịch sử phát triển của chế độ một vợ một chồng, ngoại tình và ly dị), một cuốn sách đang tạo được nhiều ấn tượng tốt đối với các khoa học gia và quần chúng. Cô Fisher viết: "Tôi không bao giờ không nghĩ rằng tình yêu là một cảm xúc có từ khởi thuỷ, đó là cảm xúc cơ bản của con người, cơ bản giống như cảm giác giận dữ, sợ sệt hay vui mừng vậy. Sự thật đã quá rõ. Tôi nghĩ là các nhà nhân chủng học mới đây đã quá bận rộn làm những chuyện khác nên không để ý đấy thôi."

Trong số những chuyện "khác’ mà các nhà nhân chủng học đã làm trong quá khứ có chuyện tìm hiểu diễn tiến của hôn nhân và giai đoạn trai gái ve vãn nhau. Đó là cách tìm kiếm tình yêu sai chỗ. Đâu có phải trong nền văn hoá nào, tình yêu và hôn nhân cũng đi liền với nhau, cũng phải như chim liền cánh, như cây liền cành đâu. Cưới hỏi nhau có khi đâu phải vì tình mà có thể chỉ vì lợi. Lợi về làm ăn, lợi về gia đình, đất đai, lãnh thổ. Nói theo Jankowiak, trong các nền văn hoá đó tình yêu không lộ diện, không ló dạng, mà nó ẩn hiện dưới các hình thức bí mật khác.

Tình yêu: một bí ẩn

Những hình thức bí mật mà Jankowiak nói ấy là gì? Đó lại là một câu hỏi vô cùng hóc búa. Bởi vì biểu hiện của tình yêu quá sức đa dạng, làm sao có thể tìm ra một điểm chung để có thể đưa ra một định nghĩa về tình yêu để tránh cảnh ông nói thế này bà nói thế khác? Hình ảnh trong các tranh biếm hoạ cho thấy cảnh những người đàn ông ăn lông ở lỗ lấy gậy đập lên đầu những người đàn bà tiền sử, rồi lấy tay túm tóc họ, kéo sềnh sệch về nhà; thế là tình yêu à? Nàng Helen chịu ở chịt trong thành Troy với người yêu trong khi bị chồng nàng đem quân công hãm, tàn phá đến nát bấy cả thành phố suốt cả mười năm trời; thế là tình yêu sao? Romeo và Juliet, tự tiêu tự diệt mình, cũng là tình yêu chăng? Anh Mỗ, anh Tèo ngày nào cũng lảng vảng thả bộ vài lần qua nhà cô Chín, cô Mười để nhăn mặt nhoẻn mép cười duyên; tình yêu đấy ư?

Cuộc hành trình đi tìm hiểu về tình yêu chẳng khác gì cuộc hành trình tìm hiểu vũ trụ. Càng tìm hiểu càng thấy mờ mịt. Biết về tình yêu càng nhiều chừng nào thì lại càng thấy nó vô lý và huyền bí chừng ấy.

(Viết phỏng theo bài "What is Love" của Paul Cray trên Time,

số ra ngày 15 tháng 2.1993)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021