thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
«và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng...»

 

và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng... là một câu thơ của Mahmoud Darwich, được dùng làm tựa nhỏ cho toàn bộ tuyển tập Thơ Palestine hiện đại,[1] một tuyển tập gồm trên 60 bài thơ của hai mươi tác giả mà Thủy Trúc đã dịch từ bản Pháp văn của Abdellatif Laâbi (Poésie palestinienne contemporaine, anthologie, Messidor, Paris 1990).[2]

Dịch giả Abdellatif Laâbi, còn là một nhà thơ nổi tiếng, sinh năm 1942. Ông từng điều khiển tạp chí Souffles và cộng tác với Anfas, «thành trì» của Tân Tả phái Maroc. Ông cũng đã từng bị lên án là «vi phạm an ninh quốc gia» ở nước ông năm 1973 (theo nhật báo Libération, Paris). Tuyển tập của Abdellatif Laâbi gồm có 38 thi sĩ và 125 bài thơ cộng với một bài tựa dài 16 trang. Thủy Trúc đã không thể dịch hết được các tác giả và các bài của họ trong tuyển tập, vì không đủ sức và nhất là vì một số bài (còn lại) quá dài.

Trong bài tựa nói trên, Abdellatif Laâbi đã phân tích tỉ mỉ nguồn gốc và sự phát triển của Thơ Palestine hiện đại về tình tự, hình thức cũng như các thế hệ nhà thơ... Theo ông, một truyền thống thi ca «truyền miệng» đã có từ lâu đời ở Palestine cũng như ở các miền khác của thế giới Ả-rập. Nền thi ca «vô danh» này có đủ các tính cách: hùng ca hay tâm tình, yêu đương hay châm biếm, tôn giáo hay thế tục.., ghi nhận những vui buồn, sự khôn ngoan và công việc thường ngày của người dân. Nền văn chương «chữ viết» đã có không «ràng buộc với đất và những thực tại riêng biệt của Palestine» cho bằng.

Abdellatif Laâbi cũng đã đưa ra một nhận định đặc biệt: Chính những cuộc thực dân liên tiếp, khi dựng những ranh giới ở vùng này, đã dần dà khiến «kết tinh» một ý thức quốc gia, dân tộc nơi những người Ả-rập sinh sống tại đây.

Và như thế, người ta đã có thể khám phá «những khởi đầu của một dự phóng văn chương riêng biệt Palestine» vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX.

Trong thi ca Palestine hiện đại, Abdellatif Laâbi đã phân chia các nhà thơ theo các thế hệ, như Thế hệ 1936, Thế hệ 1948, Thế hệ 1967 và sau đó... Đây cũng là những dấu mốc lịch sử quan trọng trong những giai đoạn khác nhau của ý thức quốc gia, dân tộc nơi người Ả-rập ở Palestine: 1936 đánh dấu cao trào nổi dậy rộng khắp; 1948, Palestine «rơi» vào tay người Israël, khởi sự cuộc di cư khổng lồ của 4/5 dân chúng Ả-rập (khoảng 250.000 người còn lại đã trở thành «những kẻ di cư ở chính xứ mình»); và 1967 với «cuộc chiến tháng Sáu»... Các thế hệ nhà thơ được phân chia có những tính cách khác nhau về tình tự (ý thức Ả-rập nói chung chuyển qua ý thức dân tộc Palestine), về hình thức thi ca (từ truyền thống qua hiện đại...)

Thế hệ đầu tiên được nói tới là của những người tiền phong, như Ibrahim Touqane, Abderrahim Mahmoud và Abdelkarim al-Karmi. Thế hệ «tiếp nối thi ca đại chúng» này có một nét tiêu biểu: tuyệt đối tôn trọng các hình thức cố định của thi ca cổ điển Ả-rập. Nhưng các nhà thơ thuộc thế hệ này lại mang một ý thức dân tộc hết sức mãnh liệt khiến họ còn trực tiếp dấn thân vào cuộc đấu tranh chính trị. Thơ của thế hệ này vắng bóng những yếu tố chủ quan, cái tôi nhường bước cho chúng ta. Đối với quần chúng, thơ của họ cũng thường được truyền miệng như thơ ngày trước.

Trong số các nhà thơ thuộc Thế hệ 1948, Abdellatif Laâbi nhắc tới Fadwa Touqane, Yousouf al-Khatif, Tawfiq as Sayigh, Kamal Nasser, Haroun Hachim Rachid, Jabra Ibrahim Jabra, Salma Khadra al-Jayyoussi, Michel Haddad và Mou'in Bsissou. Chính thế hệ này đã đặt lại vấn đề hình thức cố định của thi ca cổ điển; và, trên bình diện nội dung, cái bi đát và dao động của thời đại đã khiến trào vọt những nét chủ quan và tâm tình trong thi ca của họ.

«Thế hệ 1967» được sử dụng để chỉ các nhà thơ như Rachid Housaïn, Salim Jahane, Tawfiq Jayyad, Fawwaz 'Id, Mohammed al-Qissi, Mahmoud Darwich và Samih al-Qassim, mặc dù những nét tiêu biểu của những người này có thể đã có từ trước niên hiệu được ghép cho họ. Chọn năm 1967, Abdelltatif Laâbi cho rằng ấy là vì chỉ sau cuộc chiến năm 1967, thế hệ này mới được đại chúng ở thế giới Ả-rập thật sự phát hiện.

Thế hệ 1967 được coi như «thế hệ chín mùi về phương diện trí thức». Thơ của thế hệ này chất chứa «sự phân tích thực tại Palestine sâu sắc nhất và trên bình diện kỹ thuật, bắt kịp những khuynh hướng hiện đại đã phát triển trước đó trong các nền văn chương Ả-rập khác». Tóm lại, thế hệ này «đã xây dựng một cách có phương pháp một vũ trụ thi ca đích thực Palestine». Hai nhà thơ nổi tiếng của thế hệ này là Mahmoud Darwich và Samih al-Qassim.

Thế hệ kế tiếp (từ sau đó tới «Intifada») được ghi nhận với những người như Azeddine al-Manacirah, Ahmad Dahbour, Khalid Abou Khalid, Mourid al-Barghouti, Walid Khaznadar, Ghassane Zaqtane, Zakaria Mohammed, Khayri Mansour, Mohammed Hamza Ghanaïm,... Thật ra con số của họ là hết sức đông đảo. Nói theo Abdellatif Laâbi, ấy là «một chòm sao đang chuyển động», gồm những người trẻ hơn hoặc không trẻ hơn thế hệ 1967, đang «tách rời» những người đi trước, mặc dù không chối bỏ, và, nhờ thừa hưởng sự khai phóng manh nha từ các thế hệ đi trước, đang «lay chuyển mọi thứ tín điều»...

Cuộc chiến đấu vũ trang của Palestine liệu có cơ kết thúc hoàn toàn với những thỏa thuận «ngồi lại» giữa những người cầm đầu nhà nước Israël và những người trong Tổ chức Giải phóng Palestine hiện nay hay không? Người Palestine có sẽ «trở về» đất nước mình trong một vận hội tươi đẹp hay không? Nền thi ca mới của Palestine sẽ ra sao?... Ấy là những câu hỏi «bức thiết» nhưng có lẽ cần một thời gian nữa mới có thể có những lời giải đáp thỏa đáng.

Dù sao, ngay từ lúc này, chúng ta vẫn có thể chia sẻ những đau thương và khát vọng của người Palestine qua một số các thi nhân hiện đại của họ. Cầu chúc dân tộc và các nhà thơ Palestine gặt hái được những thành quả mơ ước.

 

(21-4-1995)

----------------

Lời toà soạn:

Mời quý bạn đọc xem tuyển tập THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI: và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng (bản dịch của Thủy Trúc), đăng song song trên Tiền Vệ.

_________________________

[1]Bài viết trên đây nguyên là bài mở đầu cho tuyển tập Thơ Palestine hiện đại: và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng, do Thủy Trúc dịch, tủ sách “tư liệu thơ”, Trình bầy, Lộ-trấn, 1999.

[2]Ngoại trừ một bài của Mahmoud Darwich mà Thủy Trúc dịch theo một bản Pháp văn đã có từ trước (của Olivier Carré) và có tham chiếu một bản Anh văn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021