thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khi Tristram gặp Isolde
Tình yêu thật sự có thể tồn tại vĩnh viễn, nhưng nó chỉ mới hiện diện
cách đây chẳng bao lâu.

Tình yêu ở Tây phương - xin mượn cách nói tiện dụng của Denis de Rougemont - hầu như chủ yếu còn có nghĩa là tình yêu lãng mạn trong sự tưởng tượng của nhiều người. Nó là thứ cảm xúc thuần túy, là niềm say đắm, là "tiếng sét ái tình" - chúng ta dễ dàng chấp nhận tình yêu lãng mạn có nghĩa là thế, và chúng ta hẳn ngạc nhiên khi biết rằng chính cái khái niệm "tình yêu" được xem là xuất phát trên cơ sở cảm xúc đáng tôn trọng, chứ không phải trên một thứ đam mê bất hợp pháp, là một khái niệm tương đối mới trong lịch sử của nhân loại.

Tình yêu lãng mạn thật ra chẳng phải là một thứ tình yêu vượt ra ngoài những ý nghĩ thông thường, vì trong tất cả các loại tình yêu thì tình yêu lãng mạn là cái quen thuộc với con người nhất, ai cũng đồng ý với nhau rằng nó là một thứ tình yêu có vẻ như tự phát nhen lên: không do ý chí, không được chỉ đạo bởi những đề nghị hoặc khuyên bảo của người khác, nó nguyên sơ, không suy tính và đến từ trái tim; chứ không phải từ não bộ hoặc từ bộ phận sinh dục. Tình yêu lãng mạn mãi mãi là sự đối kháng với những quy tắc hành vi mang tính hình thức, văn hóa và bộ lạc: những cuộc hôn nhân sắp sẵn chẳng hạn, trong đó cô dâu và của hồi môn là tài sản sẽ được trao cho chú rể và gia đình của anh ta, hoặc trong đó các giòng họ môn đăng hộ đối cưới gả nhau theo sự sắp xếp như chuyện làm ăn chẳng dính líu gì với cảm xúc của các cá nhân trong cuộc.

Trường hợp nổi tiếng nhất trong số các nhân vật của công chúng ở cuối thế kỷ 20, Công nương Diana, hẳn sẽ được coi như là một kẻ tuẫn đạo cho một sự sắp xếp như vậy; cuộc hôn nhân chính trị của nàng với Thái tử Charles chấm dứt trong tan vỡ và ly dị, và "sự gắng công tìm kiếm hạnh phúc cá nhân" của nàng (nói cách khác, tình yêu lãng mạn) kết thúc bằng cái chết bị khua náo lố bịch trên một đại lộ Paris.

Trong thế giới cổ đại, tình yêu lãng mạn dường như chẳng ai biết, và hiếm khi được tuyên dương. Thuật ngữ "tình yêu", trong ý nghĩa loại tụ (generic) như chúng ta hiểu giờ đây, lúc đó chưa hiện diện. Cảm xúc về tình yêu lãng mạn, như ngày nay chúng ta biết, lúc đó chỉ là một thứ tình yêu dục tính đồng phái của những người đàn ông Hy Lạp lớn tuổi đối với các cậu trai; tình yêu trong hôn phối, chắc chắn là có, lạ lùng thay dường như lại chẳng mấy khi được tôn vinh, ít nhất là trong những tác phẩm văn học còn tồn tại đến bây giờ. Cái ẩn dụ được Plato khai triển tỉ mỉ về nền cộng hòa, hoặc về hệ thống nhà nước quân bình hoàn hảo, chỉ đề cập đến hôn nhân như một sự giao phối; ngược lại, cuốn Symposium của Plato ca ngợi tình yêu dục tính đồng phái với những ngôn từ lãng mạn đến đỏ mặt.(2) Điều này khác biệt biết chừng nào với cám dỗ dâm tình ngoại hôn trong quan hệ tình dục nam nữ, thứ cám dỗ đưa đến sự tàn hủy và cái chết thảm khốc. Trong Hippolytus của Euripides chẳng hạn, Hoàng hậu trẻ Phaedra phải lòng cậu con rơi của chồng, và cậu cự tuyệt tình yêu của bà, khiến bà phải quyên sinh; Phaedra không phải là một người lãng mạn, nhưng đúng hơn là nạn nhân của một nỗi đam mê bất khả chế và ngoài ý muốn mà Aphrodite đã phủ trùm lên bà. Dục vọng như thế chẳng khác gì một lời nguyền.

Trong khi đối với tư tưởng cổ điển, sự xen lấn của dâm tính vào quan hệ con người là biểu thị của những hỗn loạn, tai hoạ và trừng phạt, thì trong cảm tính thiên về lãng mạn của thời hiện đại, dâm tính chính là động cơ của chuyện đời, một nguồn mơ tưởng dường như bất tận của dục vọng (hầu hết là giữa những người khác phái). Chuyện ngoại tình của Sir Launcelot và Hoàng hậu Guinevere, vợ của Vua Arthur, trong quyển Morte d’Arthur của Sir Thomas Malory đã mang một âm hưởng giống thời hôm nay một cách đáng kinh ngạc, mặc dù được viết năm 1469; những cuộc tình vụng trộm của Helose và Abelard, Tristram và Isolde và những tình nhân thời trung cổ khác tập trung vào cường độ của cảm giác thật mà người ta không hề thấy trong văn chương trước đó. Đến thế kỷ thứ 14 và 15, ít nhất trong những xã hội quý tộc Âu châu, dâm tính đã trở thành một nghệ thuật, đáng để một quan chức cung đình thật sự chú ý đến. Không phải dục tính thô tục, mà sự "tao nhã" thanh lịch mới là lý tưởng của những cuộc tình lãng mạn này; tình yêu của quan đại thần với một phu nhân, thường là vợ của một người đàn ông khác, được diễn dịch như là thái độ thế tục hóa nghi thức sùng bái thời trung cổ đối với đức Mẹ đồng trinh Mary, một hình thức "nữ tính hóa" tính chất phụ hệ của Giáo hội Công Giáo La Mã. Những chuyện này tất nhiên là xuất phát từ cái nhìn của nam giới: phu nhân thường thánh thiện, và có vẻ đẹp tuyệt trần; hoặc, trong những tác phẩm được gọt dũa về sau, phu nhân là người tàn nhẫn, thậm chí xảo quyệt như ma quỷ, và nỗi đam mê của viên quan trở thành hình phạt của chính ông ta.

Trong những thế kỷ kế tiếp ở Tây phương, tình yêu lãng mạn đã ca khúc khải hoàn như là một sự huyền nhiệm riêng tư có liên quan với một giá trị văn hóa cao.

Anh thư tuyệt sắc có tâm hồn lãng mạn là Emma Bovary của Flaubert, một chân dung trau chuốt của một người đàn bà mang số phận bất hạnh trong tình yêu. Emma bị suy đồi nhục dục không phải vì một người đàn ông nào cả mà chính vì những gì bà đọc; bà khao khát tìm kiếm, trong thế giới trần trụi, cái ảo ảnh của nỗi đam mê lãng mạn. Vấn đề là, như Flaubert lý giải, một sự tìm kiếm như vậy tất yếu dẫn đến sự thất vọng.

Ít nhất một tiểu thuyết gia lớn của Hoa Kỳ, F. Scott Fitzgerald, đã chẳng viết gì cả ngoài tình yêu lãng mạn (và những hậu quả khôn lường của nó), và người ta có thể lập luận rằng những nhà văn hoàn toàn dị biệt nhau như Carson McCullers và Jack Kerouac cũng chỉ chủ yếu là những người tôn vinh sự lãng mạn dâm tính đồng phái. John Updike, nhà thám hiểm dũng cảm của chúng ta về những ảo tưởng ngoan cố của tình yêu, dường như là hậu duệ người Mỹ của Proust trong cả bút pháp sắc bén đầy thi tính và sự hấp dẫn của niềm say đắm dâm tình. Những ám ảnh của Updike làm nẩy lên trong óc câu hỏi của de Rougemont: "Nếu không có sự ngoại tình, điều gì sẽ xảy ra cho văn chương hư cấu?"

Thời gian đến tuổi thành niên trong đời sống Mỹ là thời gian hầu hết chúng ta bị bỏ bùa bởi những lời hứa hẹn hấp dẫn về tình yêu của nền văn hoá đó: lớn lên trong những năm 50, như tôi, nghĩa là bị nhồi nhét tới tấp với những hình ảnh của mọi thứ tư tưởng về tình yêu lãng mạn. Những mẫu quảng cáo luôn trình bày hình ảnh đàn bà con gái yểu điệu và xinh đẹp lồ lộ trong những trạng thái hoan lạc khác nhau, và trạng thái nào cũng mang hơi hướm đàn ông; phim ảnh Hollywood cũng cố tình kịch hoá tầm quan trọng của câu chuyện đáng lưu ý nhất - có lẽ đối với đàn bà là "duy nhất" - đó là chuyện tình. Ngoài những hình ảnh của những cá nhân ngập ngụa tình yêu lãng mạn, chỉ còn lại vài hình ảnh khác, và chẳng có cái nào quyến rũ như thế cả. (Chẳng hạn, hình ảnh gì về đời sống tri thức? Đời sống nghệ thuật?) Dĩ nhiên, những hình ảnh tình yêu lãng mạn đó là những thứ khuôn sáo, tuy vậy - những khuôn sáo đó có quyền lực biết chừng nào khi chúng ta còn trẻ và ngơ ngáo. "Lãng mạn", đối với tôi, một cách nào đó đã ly thân khỏi bất cứ một nhân vật hoặc thần tượng nào và nhập thân chính nó với khát vọng phiêu lưu, tự bản chất là một cuộc thám hiểm hoang dại. May cho tôi, tôi không thể bị thất vọng trong vụ "lãng mạn" này chính vì nó chỉ thuần là trừu tượng và hư cấu.

Tình yêu lãng mạn, thứ cảm xúc bấp bênh và mong manh nhất trong những cảm xúc, chắc chắn sẽ sống sót hết những thiên niên kỷ đã sinh ra nó miễn là một nền văn minh vật chất tương đối dư dật còn tồn tại, vì bí mật của tình yêu lãng mạn là kinh tế: nó là một thứ xa xỉ mà chỉ có một số người kham nổi, cũng như sự sành ăn là kết quả của nguồn cung cấp thực phẩm ê hề. Có phải tình yêu lãng mạn là một ảo tưởng? Một ảo ảnh? Một giấc mơ lý tưởng? Cũng như đa số nhân loại sẽ tiếp tục tin vào thượng đế của họ khi không ai thật sự trông thấy thượng đế bao giờ cả, vì vậy những người đàn ông và đàn bà sẽ tiếp tục bị hớp hồn bởi bùa mê của tình yêu lãng mạn để định dạng, hoặc phá dạng cuộc đời của họ cho mục đích đó. Các nhà sinh học có thể mô tả một cách nghiêm túc cho chúng ta biết những chứng nghiệm về sự ve vãn, giao phối, ràng buộc, thủy chung (những trường hợp thật sự có sự thủy chung) của loài động vật có vú - nhưng, là con người, biết quá rành như lời một bài hát nhắc nhở chúng ta rằng "yêu bằng tình yêu là sa vào ngụy tín", chúng ta là một chủng loại cần được nghe nói dối, trong những cách dễ thương nhất.

Chú giải:

Joyce Carol Oates là nhà văn nữ hàng đầu của Hoa Kỳ. Từ năm 1969 đến nay, bà đoạt 16 giải thưởng văn học, gần đây nhất là giải thưởng 1998 F. Scott Fitzgerald Award for Lifetime Achievement in American Literature. Nhà văn tiền phong John Barth nhận định rằng "Joyce Carol Oates đã viết nát cả bản đồ mỹ học." Bà từng là giáo sư văn chương tại University of Windsor ở Canada, và hiện là giáo sư văn chương tại Princeton University, Hoa Kỳ. Bà đã được trao 2 bằng Tiến Sĩ Danh Dự về văn chương tại Rutgers University và University of Michigan.

(1) Tristram và Isolde còn gọi là Tristan và Iseult (hay Isolt), là hai nhân vật chính trong một chuyện tình lãng mạn lừng danh thời trung cổ, dựa trên một huyền thoại của người Celt. Chuyện kể rằng Tristram lãnh sứ mạng tìm qua Ái Nhĩ Lan để ngỏ lời cầu hôn công chúa Isolde cho chú của chàng là vua Mark của xứ Cornwall. Đến Ái Nhĩ Lan, Tristram giết được con rồng độc ác đang hoành hành ở đó, nên hoàng gia đồng ý gả Isolde cho vua Mark. Tuy nhiên, hoàng hậu Ái Nhĩ Lan sợ rằng con gái mình không yêu vua Mark nên làm một thứ rượu bùa để họ uống trong hôn lễ. Thế nhưng, trên đường về lại xứ Cornwall, Tristram và Isolde uống nhằm rượu ấy nên phải lòng nhau. Vì mắc bùa, họ yêu nhau bất chấp tất cả, nhưng lòng trung tín đối với vua Mark vẫn còn trong họ, nên họ không làm tình với nhau. Thấy Tristram và người vợ tương lai của mình yêu nhau say đắm, vua Mark nổi giận bắt nhốt Isolde chung với người cùi, và ra lệnh xử tử Tristram. Tuy nhiên, Tristram thoát được một cách kỳ diệu và cứu được Isolde. Sau đó, hai người chạy trốn vào rừng của xứ Morrois. Một ngày nọ, vua Mark vào rừng và bắt gặp đôi trẻ đang nằm ngủ với một chiếc gươm tuốt trần để giữa hai người. Hiểu được tình yêu lãng mạn nhưng trong trắng của họ, vua Mark thôi giận, và tha thứ cho họ. Tristram cảm kích hành động của vua Mark nên quyết định trả Isolde lại cho ông, rồi chàng đi xứ khác. Khi đến xứ Britanny, Tristram cưới quận chúa Isolde of the White Hands, vì "tên của nàng và nhan sắc của nàng", nhưng sau đám cưới, Tristram không bao giờ ngủ với vợ, vì còn tha thiết yêu người tình cũ. Trong một lần rủi ro bị trọng thương vì mũi kiếm của địch thủ có tẩm thuốc độc, chàng ngầm sai gia nhân đem thuyền đi rước người tình, vì chỉ có sự hiện diện của nàng mới làm chàng phục hồi sự sống. Chàng dặn gia nhân rằng nếu nàng còn yêu chàng và đồng ý đến, thì khi thuyền vào cửa bể, hãy kéo cờ trắng; nếu không, thì kéo cờ đen. Rủi thay, vợ chàng biết được bí mật ấy, lòng ghen tuông nổi lên, và âm mưu phá vỡ kế hoạch. Khi thuyền vào cửa biển, cô đã giả vờ đến bên giường để săn sóc cho chồng; và khi Tristram, nằm trên giường bệnh, muốn biết chiếc thuyền mang buồm màu gì, người vợ nói màu đen. Nghe thế, Tristram tuyệt vọng, quay mặt vào tường và tức tưởi lìa đời. Khi Isolde đến, thấy chàng đả chết, nàng đau đớn lao đến ôm chàng và tắt thở. Sau khi hai người được chôn cất, trên mộ của họ mọc lên hai thân cây cành đan chặt vào nhau không thể tách rời ra được nữa.

Từ thế kỷ 12 đến 19, nhiều nhà văn Âu châu đã dựa trên chuyện này để sáng tác. Nổi tiếng nhất là các tác phẩm của Gottfried von Strassburg (cuối thế kỷ 12), Thomas Malory (cuối thế kỷ 15), Alfred Lord Tennyson, Algernon Swinburne, và Matthew Arnold (thế kỷ 19). Năm 1865, khúc tác gia vĩ đại người Đức Richard Wagner dựng vở Tristan und Isolde dựa trên tác phẩm thi ca của Gottfried von Strassburg.

(2) Trong Symposium, Plato ghi lại cuộc hội luận về đề tài tình yêu. Các nhân vật trong cuộc hội luận gồm có Apollodorus, Phaedrus, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes, Agathon, Socrates và Alcibiades. Cuộc hội luận có nhiều đoạn ca ngợi đồng tính ái. Ví dụ: ở đoạn 209, Socrates cho rằng một người đàn ông đi tìm tình yêu tức là đi tìm cái đẹp để hoà làm một với người đó hầu giảm đi cái xấu của mình, và nhờ đó có thể tạo nên những con cái xinh đẹp; nhưng cái đẹp không nhất thiết phải có ở thể xác người đàn bà; cái đẹp có thể có ở tâm hồn một người đàn ông khác. Và Socrates nói: "Họ cưới nhau bằng một sợi giây ràng buộc gần gũi hơn và một tình thân lân mẫn hơn là những người cưới nhau để sinh đẻ những đứa con khả tử, bởi vì những đứa con [ý nói những đứa con tinh thần] mà họ [hai người đàn ông] cùng đẻ ra sẽ đẹp đẽ hơn và bất tử hơn. Người đàn ông nào, khi nghĩ đến Homer và Hesiod và những nhà thơ vĩ đại khác, mà không muốn có con với họ thay vì có con với những con người bình thường."

Sau đó, ở đoạn 218-219, Alcibiades thú nhận trước hội luận mối quan hệ giữa mình và Socrates. Alcibiades kể: "Khi đèn đã tắt và gia nhân đã đi khỏi, tôi nghĩ tôi phải nói thẳng với chàng và không còn mơ hồ gì nữa. Vậy nên tôi lay chàng, và tôi nói: ‘Socrates, anh ngủ đấy à?’ ‘Không,’ chàng nói. ‘Anh có biết tôi đang nghĩ gì không?’ ‘Anh đang nghĩ gì?’ chàng nói. ‘Tôi nghĩ,’ tôi trả lời, ‘rằng trong tất cả những người tình mà tôi từng có, anh là người duy nhất xứng đáng với tôi, và anh có vẻ quá rụt rè không dám nói. Giờ đây tôi cảm thấy rằng tôi phải là kẻ đần độn nếu tôi từ chối không trao cho anh ân huệ này hay bất cứ ân huệ nào khác, và do đó tôi đến đây để nằm dưới chân anh..." Và cuối cùng, Alcibiades kể tiếp: "Không còn đợi nghe thêm nữa, tôi nhổm dậy, vất cái áo khoác lên chàng và chui xuống dưới tấm áo choàng xơ xác của chàng, lúc ấy là mùa đông, và tôi nằm đó suốt đêm ôm choàng con quái vật tuyệt vời trong đôi tay. Socrates ơi, đừng có chối điều này đấy nhé."

(Lưu Dân chuyển ngữ; Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc và chú giải)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021