thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phụ nữ và văn chương

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, trong tổng số 46 nhà thơ được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu, chỉ có 7 người là phụ nữ. Con số ít ỏi các nhà thơ nữ ấy sau đó bị Vũ Ngọc Phan loại bỏ hoàn toàn trong bộ Nhà văn hiện đại xuất bản đầu thập niên 40 của ông. Trong suốt giai đoạn văn học thời 1930-40, Vũ Ngọc Phan chỉ chọn được một nhà văn nữ: Thuỵ An. Còn giai đoạn trước đó, ông chỉ chọn một nhà thơ nữ duy nhất: Tương Phố. Như vậy, trong danh sách 79 tác giả chọn lọc từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng năm 1940 của Vũ Ngọc Phan, vỏn vẹn chỉ có hai tác giả nữ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, người ta ghi nhận hiện tượng là càng ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào sinh hoạt văn học. Sau năm 1945, ở miền Bắc, số lượng các cây bút nữ tăng lên khá nhiều. Trong cả thảy hơn 750 hội viên chính thức của Hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1957 cho đến năm 1997, có hơn 70 tác giả nữ, chiếm tỉ lệ chưa tới 10% nhưng dù sao cũng đã cao hơn trước.[1] Tương tự như vậy, ở miền Nam, từ năm 1954 đến năm 1975, theo nhà văn Võ Phiến trong cuốn Văn học miền Nam, tổng quan, trong số khoảng 60 tác giả tương đối có tiếng tăm, các cây bút nữ chiếm tỉ lệ 17%.[2] Mới đây, trong ba tập Văn học Miền Nam, Truyện 1, Truyện 2Truyện 3 do nhà Văn Nghệ xuất bản, trong số 40 tác giả được nhà văn Võ Phiến tuyển và bình, có đến 9 tác giả nữ, tỉ lệ 22%. Tỉ lệ này thật ra chưa có gì đáng kể nhưng cũng đủ làm cho dư luận miền Nam trước năm 1975 ồn ào về cái điều mà họ gọi là "âm thịnh dương suy". Trong cuốn Văn học miền Nam, tổng quan, chính nhà văn Võ Phiến đã nhận định: "về phương diện phái tính, văn học miền Nam thời kỳ 1954-75 càng ngày càng nghiêng về nữ phái. Thời gian ủng hộ hồng quần. Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo".[3]

Theo dõi nền văn học Việt Nam ở hải ngoại từ sau năm 1975 cho đến nay, chúng ta cũng thấy phụ nữ dần dần có mặt nhiều hơn bên cạnh các đồng nghiệp nam giới. Trong cuốn Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995 do Đại Nam xuất bản, có 28 phụ nữ trong tổng số 167 tác giả.[4] Nếu chúng ta bắt chước nhà văn Võ Phiến, chỉ tính trên một danh sách giới hạn gồm những tác giả nổi tiếng và tương đối nổi tiếng thôi thì tỉ lệ các tác giả nữ ở hải ngoại chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.

Hiện tượng các cây bút nữ đã được một số nhà văn chú ý và tìm cách giải thích. Trong cuốn Văn học miền Nam, tổng quan, nhà văn Võ Phiến cho rằng hiện tượng nở rộ của các cây bút nữ ở miền Nam là do chiến tranh. Theo ông, vì chế độ quân dịch buộc tất cả nam thanh niên đến một độ tuổi nào đó đều phải đi lính nếu họ không được hoãn dịch vì lý do học vấn, cho nên hầu hết nam sinh buộc lòng phải chú tâm vào việc học. Họ rất sợ thi rớt vì thi rớt có nghĩa là phải đi lính. Chính vì vậy họ ít có thì giờ dành cho sách báo thơ văn hay tham gia vào sinh hoạt văn học. Trong khi đó nữ sinh lại ung dung hơn; họ có thể đọc báo, đọc sách, làm thơ, viết văn một cách thoải mái nếu thích. Có lẽ chính vì lý do đó mà cũng theo nhà văn Võ Phiến, phần lớn các giải thưởng văn học dành cho học sinh hàng năm lúc ấy đều lọt vào tay các trường nữ.

Nhưng tại sao ở miền Bắc sau này, khi chiến tranh chấm dứt đã lâu, các tác giả nữ mới bắt đầu xuất hiện rầm rộ? Trong một cuộc bàn luận về đề tài "Phụ nữ và sáng tác văn chương", đăng trên Tạp chí Văn Học số 6.1996 ở Hà Nội, nhà thơ Ngô Thế Oanh giải thích rằng: "trước tiên là [do] cái hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh. Phụ nữ vốn là những người hiểu một cách sâu sắc, hiểu bằng tâm hồn mình, cái sức ép trước đây của hoàn cảnh. Nỗi đau hôm qua ở họ thấm thía, nên sự hồi sinh của dân tộc những năm này họ cũng cảm thấy đầy đủ hơn." Nghe Ngô Thế Oanh phân tích như vậy, người ta không thể không thắc mắc là tại sao trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù hiểu thực tế một cách sâu sắc "bằng cả tâm hồn mình", phụ nữ lại không chịu động bút mà phải đợi đến lúc hoà bình? Có lẽ tự thấy lý do mình nêu ra không có sức thuyết phục nên Ngô Thế Oanh thêm một lý do khác nữa, đó là do "hoàn cảnh bây giờ có nhiều cái kích thích đời sống của mỗi con người. Từ sách của Freud đến những lời quảng cáo trong các chương trình TV hàng ngày, những cái đó cũng tạo thêm cơ may để 'nền văn học của các cây bút nữ ' (xin tạm gọi như thế) có dịp phát triển."[5] Nghe lý do thứ hai này, chúng ta không thể không liên tưởng đến những lời bình luận của báo chí về tác hại của phim ảnh bạo động hay dâm ô đối với... thiếu nhi.

Ngoài sự kiện càng ngày càng gia tăng về mặt số lượng, còn có hiện tượng các cây bút nữ Việt Nam trong khoảng mấy chục năm trở lại đây hầu như chỉ tập trung vào một thể loại sáng tác. Nhà văn Võ Phiến đã lên tiếng tổng kết: "Hồi tiền chiến chỉ có dăm ba nữ thi sĩ, và một tiểu thuyết gia; thời 1954-75 ở miền Nam nữ giới viết tiểu thuyết mỗi lúc mỗi nhiều."[6] Nếu chúng ta lập danh sách vài cây bút nữ nổi tiếng cũng như tài hoa nhất ở miền Nam trước 1975, chúng ta sẽ thấy là hầu hết đều viết văn xuôi, như Tuý Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trần Thị NgH., v.v... Những cây bút nữ xuất sắc nhất ở trong nước trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm trở lại đây cũng đều viết văn xuôi, đó là Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, v.v... Ở hải ngoại, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng ghi nhận hiện tượng tương tự. Từ kinh nghiệm làm chủ bút tạp chí Văn Học, ông cho biết: "đa số truyện ngắn gửi đến cho toà soạn đều do các cây bút nữ viết, và đa số thơ gửi đến đều từ phái nam".[7]

Tại sao các cây bút nữ sau này lại chuyên về văn xuôi hơn thơ? Ở trong nước, nhà phê bình Vương Trí Nhàn trả lời câu hỏi ấy như sau: "Hình như do sự nhạy cảm riêng của mình, phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới. Họ luôn gần với cái lỉnh kỉnh dở dang của đời sống. Mặt khác, với cái cực đoan sẵn có - tốt, dịu dàng, rộng lượng thì không ai bằng, mà nhỏ nhen, chấp nhặt, dữ dằn cũng không ai bằng - từng cây bút phụ nữ tìm ra mặt mạnh của mình khá sớm, định hình khá sớm."[8] Trước đó, trong bài "Nghĩ về một số nhà văn nữ hải ngoại hiện nay" đăng trên tạp chí Văn Học tại California, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng giải thích hiện tượng khởi sắc của dòng văn học nữ ở hải ngoại bằng yếu tố tâm lý. Theo ông, các nhà văn nam ở hải ngoại

"... ngoài thì giờ dành cho cơm áo, bên trong mỗi người... đều có một niềm kiêu hãnh không cùng. Hoặc kiêu hãnh vì địa vị chức tước họ có trong quá khứ. Hoặc kiêu hãnh vì có kinh nghiệm sống phong phú. Hoặc kiêu hãnh vì dự phóng phục quốc... Kết quả: là họ không thể cảm nhận bình thường được cuộc sống hiện tại. Đây là tâm cảm của hầu hết những người cầm bút phái nam, nhất là những người cầm bút ở vào lứa tuổi ba mươi trở lên.
Trong khi đó thì phái nữ cũng như giới trẻ hội nhập vào đời sống mới dễ dàng hơn. Họ không bị phân thân nặng nề như các bạn văn bên phái nam. Họ cũng có ít thì giờ, ít được nhàn nhã mơ mộng. Nhưng nếu có chút thi giờ nào đó dành cho văn chương, thì nguồn cảm hứng tới thẳng từ cuộc sống hôi hổi trước mắt. Với sự nhạy bén mẫn cảm cố hữu, cộng thêm với cái nhìn trực diện vào cuộc đời lưu vong, các nhà văn nữ nhờ đó đã viết được những truyện ngắn hết sức phong phú về nội dung, và uyển chuyển tài tình về hình thức."[9]

Một vấn đề khác quan trọng và có ý nghĩa hơn là: Cách viết của phụ nữ so với nam giới có gì khác? Trong cuộc trao đổi ý kiến đăng trên Tạp chí Văn học tại Hà Nội, chỉ có nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào là chú ý đến khía cạnh này. Theo bà,

"... phụ nữ thường mạnh ở cái chỗ là họ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách hoặc nói như phương Tây người ta vẫn nói, họ tự ăn mình. Trước đây, ở thế kỷ 19, Flaubert coi đó là một nhược điểm. Tác giả Bà Bovary cho rằng phụ nữ không viết được cái gì khác mình, điều này khiến tiểu thuyết của họ đọc không hay. Nhưng rồi bất chấp nhận xét của Flaubert, phụ nữ vẫn cứ viết tiểu thuyết và người ta cứ đọc của họ. (Trong văn học Pháp đương đại chỉ có M. Yourcenar là người phụ nữ duy nhất có lối viết không phụ nữ chút nào hết, một là, tách ra khỏi mình, hoá thành người khác, hai là rất thông thái, và hơi ác)."[10]

Cách nói của Đặng Anh Đào đầy vẻ xác quyết, làm như bà biết rõ ràng thế nào là lối viết của phụ nữ và thế nào là lối viết không phải của phụ nữ. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời khẳng định rất dễ bị phản bác. Nếu lối viết "tách ra khỏi mình, hoá thành người khác" mới là lối viết của phái nam thì Nguyễn Tuân, người hầu như lúc nào cũng chỉ viết về mình, nhất định không phải thuộc... phái nam. Thạch Lam, người từng bị Vũ Ngọc Phan chê là hay đem tính tình của mình áp đặt lên các nhân vật cũng không phải là nhà văn... nam. Gần đây, Mai Thảo, tác giả mà nhân vật nào cũng thấp thoáng hình bóng của chính ông, hẳn phải là nhà văn... nữ. Hơn nữa, cho lối viết "thông thái và hơi ác" là một ngoại lệ đối với nữ giới thì có vẻ như hàm ý rằng phụ nữ hiền lành nhưng lại... ít học. Như vậy, trí thức như bà huyện Thanh Quan trước đây hay Phạm Thị Hoài hiện nay thì không phải nữ và viết táo bạo như nhiều nhà văn nữ ở miền Nam trước năm 1975 như Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Nhã Ca... thì cũng không phải là nữ. Xa hơn nữa, Hồ Xuân Hương cũng có vẻ như là... đàn ông.

Quan niệm của Đặng Anh Đào cũng như quan niệm của Vương Trí Nhàn đều có tính chất thành kiến hơn là phán đoán khoa học. Về phương diện trí thức, chúng ta khó có thể nói được tính chất "uyên bác" là đặc quyền của nam giới. Về phương diện đạo đức, cho rằng phụ nữ đi từ thái cực này sang thái cực khác với hàm ý rằng phụ nữ hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn nam giới cũng là một cách nhìn mang tính chất kỳ thị phái tính.

Thông thường, bằng kinh nghiệm, ai cũng biết nam giới và nữ giới khác nhau trong rất nhiều phương diện, từ cách ăn, cách mặc, cách giải trí đến cách cảm xúc, cách suy nghĩ và cách ứng xử trong cuộc sống... Nếu giữa hai phái tính có một sự khác biệt sâu rộng như vậy thì trong lãnh vực văn chương chắc chắn họ cũng rất khác nhau. Mọi người đều có thể đồng ý một cách dễ dàng là một cây bút nữ hẳn phải viết khác một cây bút nam. Thế nhưng, chỉ đồng ý điều này không chưa đủ, vấn đề là chúng ta phải tìm ra những điểm khác biệt cụ thể giữa hai phái tính trong khía cạnh sáng tác văn học. Đây có lẽ không phải là một công việc dễ dàng.

_________________________

[1]Hội Nhà Văn Việt Nam (1997), Nhà văn Việt Nam hiện đại, nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

[2]Võ Phiến (1988), Văn học miền Nam, tổng quan, nxb Văn Nghệ, California, tr. 47.

[3]Như trên

[4]Khánh Trường, Cao Xuân Huy và Trần Đình Luân (biên tập), Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995, nxb Đại Nam, 1995

[5]Vương Trí Nhàn (ghi chép), "Phụ nữ và sáng tác văn chương", Tạp chí Văn Học (Hà Nội) số 6.1996, tr. 64.

[6]Võ Phiến (1988), sđd, tr. 45.

[7]Nguyễn Mộng Giác, "Nghĩ về một số nhà văn nữ hải ngoại hiện nay", tạp chí Văn Học (California) số 2, 1986.

[8]Vương Trí Nhàn, bđd, tr. 63.

[9]Vương Trí Nhàn, bđd, tr. 63.

[10]Vương Trí Nhàn, bđd, tr. 63-4.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021