thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn tự và phái tính

Du khách đến thăm các di chỉ khảo cổ học ở Hy Lạp sẽ thường xuyên được nhắc nhở là ngày xưa các thần linh được tôn thờ phần lớn là các nữ thần, rồi sau đó, không hiểu vì lý do gì, các nữ thần ấy lần lượt biến thành nam thần cả.

Trong khi có vô số các bằng chứng lịch sử cũng như khảo cổ học cho thấy trong nền văn minh phương Tây cổ đại, cả đàn ông lẫn đàn bà đều thờ cúng nữ thần, nhưng không ai cắt nghĩa được lý do tại sao sau đó các nữ thần đều đồng loạt biến mất. Chúng ta không thể không thắc mắc tự hỏi là yếu tố văn hoá nào đã làm đổi giống các vị thần linh ấy? Đổi giống một cách triệt để.

Leonard Shlain, một bác sĩ hiện đang làm việc tại California-Pacific Medical Centre ở Hoa Kỳ, trong cuốn The Alphabet Versus the Goddess: Male Words and Female Images do Penguin mới xuất bản, đã đưa ra một cách giải thích táo bạo và rất thú vị về hiện tượng đổi giống ấy. Cách giải thích của ông có thể tóm gọn vào một điểm: sự xuất hiện của văn tự.

Theo Leonard Shlain, nam tính đã trở thành một đặc trưng của xã hội kể từ ngày một phần đông dân số học đọc và học viết. Chữ viết vốn gắn liền với tư duy phân tích và tư duy phân tích lại gắn liền với bán cầu bên trái của não bộ. Trong khi đó nữ tính lại gắn liền với bán cầu bên phải. Sự mất quân bình giữa bán cầu trái và phải này có nhiều biểu hiện, trong đó có việc giảm sút lòng sùng kính đối với các nữ thần và vai trò của nữ giới nói chung. Một biểu hiện khác nữa là vai trò của các hình ảnh tạo hình vốn gắn liền với bán cầu phải dần dần bị lu mờ.

Nói một cách vắn tắt, theo Leonard Shlain, hai bán cầu não của con người có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Bán cầu bên phải phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức âm nhạc. Nó giúp tâm trí nắm bắt các dữ kiện do giác quan mang lại. Nó cũng góp phần làm nảy sinh những cảm xúc như tình yêu, óc hài hước, khả năng thưởng thức thẩm mỹ dù những điều này có thể đi ngược lại một số quy ước thuận lý thông thường. Bán cầu bên trái, ngược lại, nhận thức thế giới qua lời nói, một hình thức biểu tượng hoá. Nó dùng lời nói để khu biệt, phân tích và mổ xẻ thế giới thành từng mảnh, từng đối tượng và từng phạm trù. Phân tích, tức rút giảm các thành tố trong câu thành từng phần riêng biệt, là công việc thiết yếu để hiểu rõ lời nói. Công việc quan trọng này của bán cầu bên trái của não bộ tuỳ thuộc vào sự phát triển tuyến tính (linear), trái hẳn với lối suy nghĩ tổng quát (holistic thinking) của bán cầu bên phải.

Một điều cần biết là giữa hai bán cầu bên phải và bên trái có một cầu nối gồm những sợi thần kinh gọi là "corpus callosum" với nhiệm vụ giúp hai phần não bộ liên lạc được với nhau để bán cầu này biết bán cầu kia đang làm việc gì. Điều thú vị là các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng số lượng dây thần kinh trong "corpus callosum" ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới từ 10 đến 30%. Sự vượt trội này giúp hai bán cầu não ở phụ nữ phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, giúp họ cảm nhận tốt hơn mọi cảm giác và mở rộng ý thức về ngoại giới. Trong khi đó, do cầu nối giữa hai bán cầu não hơi nhỏ, bán cầu não bên phải của nam giới tương đối bị cô lập, tuy nhiên, bù lại, nhờ thế, họ có thể gạt bỏ sự chi phối của tình cảm khi lao vào một số công việc nguy hiểm, như săn bắn, chẳng hạn.

Nói chung, cách cấu tạo của bộ não chúng ta vẫn còn mang đậm dấu ấn của lối sống thời du mục nguyên thuỷ. Theo đó, não bộ của nam giới được cấu tạo theo một cách thức làm sao để họ có thể xoay xở trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, phần lớn phải lệ thuộc vào khả năng săn bắn để sinh tồn; trong khi đó, não bộ người nữ được thiết kế sao cho họ có thể thi hành trách nhiệm thu vén, hái trái cây một cách hữu hiệu nhất. Sự cấu tạo não bộ như thế làm cho phụ nữ có cái nhìn tổng thể về mọi sự việc, có thể xử lý các dữ kiện một cách đồng loạt và cụ thể trong khi đàn ông có lối nhìn thế giới theo trật tự tuyến tính, mọi sự đều tuần tự nhi tiến, có khuynh hướng chia cắt vấn đề ra thành từng phần nhỏ để dễ phân tích bằng các khái niệm trừu tượng.

Bình thường, đứa trẻ sơ sinh nào cũng được ban bố cho một bộ não với hai cách suy nghĩ có vẻ trái ngược nhau đó. Nhưng trong quá trình phát triển, bộ não con người không còn như lúc sơ sinh nữa. Có thể ví một đứa trẻ khi ra đời như một tác phẩm nghệ thuật còn dang dở, như một bức tranh còn chờ những nét chấm phá cuối cùng của người nghệ sĩ, đứa trẻ cần được gia đình và xã hội tô điểm thêm với những nét giá trị của nền văn hoá trong đó chúng sống để trở thành một bức hoạ sẵn sàng cho cuộc triển lãm.

Ngoài gia đình và xã hội, yếu tố thứ ba có ảnh hưởng quan trọng không kém đến tiến trình phát triển của đứa trẻ là những phương tiện chính qua đó chúng tiếp nhận các nguồn thông tin của nền văn hoá trong xã hội. Phương tiện này, dưới hình thức hình vẽ hay chữ viết, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của các tiểu hệ thần kinh trong não bộ, qua đó giữa tiểu hệ dựa trên hình ảnh và tiểu hệ dựa trên chữ viết sẽ có một tiểu hệ được củng cố mạnh hơn.

Trước khi chữ viết xuất hiện, người nguyên thuỷ đã dùng hình vẽ để thông tin, và cách thức thông tin này, giống như các hình thức nghệ thuật tạo hình khác, chủ yếu thuộc trách nhiệm của bán cầu bện phải của não bộ. Bộ chữ cái, ngược lại, vốn chỉ là một dãy những ký hiệu trừu tượng được sắp xếp theo một trật tự tuyến tính để thay thế cho các âm thanh căn bản trong lời nói. Khả năng đọc và viết hệ thống văn tự dựa trên chữ cái ấy đã có những tác động sinh học dẫn đến một sự thay đổi nền tảng trong cách thức các nền văn hoá diễn giải hiện thực chung quanh. Tục thờ nữ thần, các giá trị mang nữ tính và quyền lực của phụ nữ nảy nở tương ứng với sự tràn ngập của các hình ảnh. Tục thờ nam thần, các giá trị nam tính cũng như chế độ phụ hệ nổi lên cùng lúc với chữ viết. Đây chính là cái giá mà nhân loại phải trả cho sự tiến bộ trong khả năng đọc và viết của mình.

Chúng ta nên để ý là cả ba tôn giáo chính của thế giới Tây phương là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đều bắt nguồn từ những lời truyền giảng ghi trong kinh sách. Có lẽ vì thế mà cả ba tôn giáo đó đều bác bỏ sự hiện diện của các nữ thần, đều đặt phụ nữ vào vị thế phải phụ thuộc vào đàn ông, đều xem thường hình ảnh và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chữ viết. Ở những thời kỳ dân chúng ít biết chữ, như trong thời Trung cổ chẳng hạn, vị thế của phụ nữ trong xã hội thường khá cao. Có lẽ vì thế mà chính trong thời Trung cổ ở châu Âu, Đức Mẹ Đồng Trinh đã được tôn vinh. Nhưng vào thời kỳ Phục Hưng, sau khi Gutenberg chế tạo ra chiếc máy in đầu tiên, trình độ đọc và viết khá phổ cập thì cũng là lúc người ta săn đuổi những phụ nữ bị quy tội là phù thuỷ một cách nhiệt thành nhất. Ở các nước tỉ lệ dân chúng biết chữ càng nhiều, như Đức, Thuỵ Sĩ và Pháp, phong trào tiêu trừ phù thuỷ càng lên cao điểm. Trong khi đó, ở Nga, nơi nạn mù chữ còn phổ biến, người ta lại không thấy có hiện tượng này.

Thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại bị thống trị bởi hình ảnh trình chiếu trên các kỹ thuật tạo hình như nhiếp ảnh, phim, truyền hình và máy điện toán. Đây cũng chính là thời đại mà phụ nữ đang tái khẳng định những quyền căn bản của họ. Nhiều người đàn ông cũng đang dần dần chấp nhận và theo đuổi các giá trị được quy cho nữ giới, chẳng hạn như coi trọng và bảo vệ thiên nhiên thay vì tìm cách chế ngự nó như khuynh hướng cố hữu của nam giới.

Cuối cùng, bác sĩ Leonard Shlain nhận xét là, trong thời đại hiện nay, với các tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật, văn hoá nhân loại đang chuyển hướng từ giấy viết sang màn ảnh. Sự kiện này, theo ông, đang giúp điều chỉnh hướng đi của văn hoá thế giới qua việc cân bằng hai bán cầu não của con người.

(Viết theo bài "Good Goddess" - trích từ cuốn The Alphabet Versus the Goddess: Male Words and Female Images - của Leonard Shlain, đăng trên báo The Australian số ra ngày Thứ Tư 26.5.1999)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021