thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chín nẻo thuyền quyên

Với văn chương, bình dân hay bác học, nàng thường là cái gì đó yếu đuối, nhỏ nhoi. Chốn mom sông quãng vắng nàng lặn lội thân cò. Nơi đồng không mông quạnh nàng chơ vơ, đơn độc: Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về... Trong ly biệt mất mát là hết thôi rồi, nàng nhẹ nhàng dáng liễu: Em đi áo mỏng buông hờn tủi...

Nhưng với tấm thân yếu đuối, nàng còn trần ải những đoạn trường. Văn chương, như mắc chứng khổ dâm, ưa chuộng cái sự hành hạ nữ giới. Ông ơi ông vớt tôi nao..., biết bao là những thân cò long đong ‘đậu phải cành mềm’ trong "Tấm Cám", Truyện Kiều, Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân... Mười lăm năm đoạn trường của Kiều. Những mất mát cay đắng ở những phận đời Loan, Mai...

Đại khái, đó là nữ tính. Như vật tế thần cho đạo hạnh, thế gian - qua văn chương - muốn nàng phải lăn lộn trong bùn dơ sao cho ‘chẳng hôi tanh mùi bùn’. Nàng phải lăn lộn với thử thách để sáng lên tâm trinh tiết liệt. Thế gian ấy không yên tâm để nàng bằng phẳng đường đời. Nó muốn đòi dập tắt những nguồn cơn tội lỗi tưởng rằng lúc nào cũng mai phục trong nàng.

Văn chương ấy, dù không có những cội rễ văn hoá của bộ thánh thư vốn đổ tiệt tội lỗi đầu tiên lên đôi vai người phụ nữ, mà sao cứ như là văn chương của riêng nam giới? Có gì khúc mắc ở thân phận nàng chăng?

Bản ngã của nàng là cái gì không thực. Đó là sản phẩm của thế giới nam tính: mỏng manh, yếu đuối, chịu đựng... chỉ là hệ thống những đặc điểm so với nam tính. Nếu phải tách rời, làm sao có thể thể hiện bản ngã ấy một cách trọn vẹn? Đó chỉ là chiếc bóng vẽ nên sao cho đối lập (và cả cho phù hợp) với cái tôi nam tính. Chào đời, cơ thể sinh học chỉ cho nàng những gì là giống; và, từ từ, xã hội thêm vào phái. Nói theo bà Simone de Beauvoir, nàng không được sinh ra: Nàng trở thành. Trở thành vì phải hít thở không khí của nền văn minh phụ quyền, vì phải lặn lội để thích nghi với những khuôn khổ vô hình nhào nặn từ bàn tay của những chủ nhân văn minh.[1]

Thế giới từng thuộc về nàng trong thời đại mẫu quyền. Nàng thực hiện những điều ví như sáng tạo: lưu truyền sự sống, tiết dòng sữa ngọt gìn giữ sự sống nên thượng đế thuộc về nàng. Nàng lấn lướt nam giới, nàng đóng vai chủ nhân. Nhưng ấy chỉ là cái thuở hồng hoang: ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật chưa hề trăm hoa đua nở.

Đến khi Thượng Đế lấy đi cánh xương sườn của Adam tạo nên Eva cốt chỉ giúp chàng khuây khoả, văn minh nhân loại đã thuộc về nam giới mất rồi. Lật ngược trật tự, họ siêu việt hoá lấy mình và chà đạp kẻ bị hất ngã. Họ vây chặt nàng bằng những rộ nở của văn minh. Ngôn ngữ. Văn hoá. Văn chương nghệ thuật. Bằng cả luật pháp và kinh tế nữa. Thưa em chín nẻo thuyền quyên, chín nẻo ấy nàng không có lấy một; và rồi bóng dáng khép nép của nàng, một cách áp đặt, trở thành thiên hướng tự nhiên.

Khi lần giở những trang thánh thư: Testament; khi đặt tay lên con tim phát thệ: testament; hẳn nàng trang trọng nghĩ đến những gì thiêng liêng. Ngờ đâu đó lại là dấu vết để lại của cái thời con người còn đắm chìm trong tín ngưỡng phồn thực: Người đàn ông xưa - với xác tín thiêng liêng - long trọng đặt tay lên gần testes, phần cơ thể đặc trưng nhất của giống khi thề thốt, hứa hẹn... Sự thiêng-liêng-phàm-trần thời hoang dã đã bắt rễ vào những ý niệm thiêng liêng đương đại.[2] Và nàng, hoà giọng với những nhà feminist, ta thán về không khí áp bức của nền độc tài dương vật chế.[3]

Thế giới đó ngột ngạt quá. Vô tư như khoa học mà cũng góp tay chèn ép. Christine Delphy, cũng một feminist, gọi nàng tẩy chay sinh vật học bởi sự nhục mạ ở giả thuyết ‘Man, the hunter’: Văn minh nhân loại chỉ thực sự hình thành khi nữ giới biết dùng thân xác để đổi lấy cái ăn.4 Ngôn ngữ, tu từ học v.v... cũng thế. Người Anh nói về nhân loại mà làm như thế giới chỉ có đàn ông: "mankind". Người Pháp vùng lên cách mạng như chỉ để đem lại bình đẳng cho nam giới: "Men are born and remain free and equal..." Họ bảo đó là nền văn hoá duy dương vật3; nó điều kiện hoá nàng, biến nàng là một thứ đầu tằm để tùy thích đổ lên những trăm dâu tội lỗi.

Tôi từ cái bóng của anh... Cái tôi của nàng chỉ là lớp vỏ bên ngoài, hình thành như những phản xạ bồi đắp trong một quan hệ áp chế. Nàng phụ thuộc, khép nép. Nàng mờ nhạt, nhỏ nhoi. Cái tôi của nàng chỉ được tô vẽ bởi và cho hệ quy chiếu bên ngoài. Tách khỏi hệ quy chiếu, nàng sẽ chơ vơ bởi bản thể ấy đâu đã có được một nền móng đích thực? Cả bản năng tính dục, Freud bảo nàng chỉ sở hữu những hình thức biến dạng của nam giới, phải hướng về nam giới...[4] Thế giới ấy chỉ nhắc đến nàng như một đầu mối mà nó quan hệ với...

Thế, nàng là những dáng liễu, thân cò. Rất mực trữ tình, nàng vui vẻ làm cô công chúa ngủ trong rừng sâu chờ người hiệp sĩ. Rất mực đạo hạnh, nàng trung trinh tiết liệt dù đường trần chông gai mấy nẻo. Cứ thế, yên tâm và hãnh diện. Cho đến khi những bà feminist lên tiếng, đòi hỏi phải tô đậm chiếc bóng của nàng.

Và khi chiếc bóng mờ nhạt ấy đậm dần, đậm dần, cũng các bà feminist, mới chứng ngộ về sự thiếu vắng ở bản ngã của mình. Chán trò ú tim với những ‘bình đẳng’, nàng cũng hoà giọng băn khoăn tìm kiếm cái sâu thẳm nhất chưa bao giờ nhận diện. Nỗ lực bình đẳng chỉ có công dụng tô đậm những tạo dựng của thế giới duy dương vật. Bình đẳng, luật pháp hay xã hội, hấp dẫn đấy, đáng theo đuổi đấy; nhưng chỉ là những tìm kiếm trên một quê hương lưu đày; sự truy đuổi mà, nghĩ cho đến kỳ cùng, hết sức vô nghĩa. Xoá bỏ cái vô nghĩa của sự tồn tại phải là tìm kiếm một bản sắc đích thực.

Nhưng biết tìm nơi đâu?

Người ta nói đến văn chương nữ.

Nữ viết khác nam. Nhưng bà Virginia Woolf còn đòi hỏi họ phải thật nữ, và phải quên mình là nữ. Không chỉ là nữ ở cái tên, làn tóc, màu son. Nữ từ sâu vô thức. Có thế, phải là nữ trong văn chương thực nữ, may ra những Huệ, Hương, Rose hay Kate ấy còn phảng phất chút gì đích thực là nàng!

Nhưng vẫn còn mờ nhạt. Chưa ai mạo hiểm rời bỏ hấp lực của hệ quy chiếu truyền thống nên nàng vẫn mãi là hình tượng xây đắp trên một nền tảng những quan hệ mà ngay từ đầu đã che khuất bóng mình. Cái toàn thể bao giờ cũng chỉ chú trọng đến quan hệ và cấu trúc; nó không tha thiết đến nàng, đầu mối của cấu trúc và quan hệ. Còn dây dưa với những ràng buộc xưa cũ, nàng còn tiếp tục thân phận tù đày.

Nam-nữ chung đụng, cũng bà Beauvoir, bên nào cũng muốn kéo lệch trật tự về phía mình. Một bên supremacy. Một bên yên phận, hay thách thức. Và rồi nàng ‘khẳng định mình’ để thay vai anh hùng. Vai chính đã đảo ngược, nam giới bị hạ bệ và cái tôi - một cách chung chung - được giải phóng để nàng, như thể đã hết rồi những gì từng ràng buộc nàng bấy lâu, lên ngôi.

Nhưng đâu đã là nàng? Nàng chiếm lấy địa vị anh hùng của nam giới, nghĩa là nàng vẫn bám vào cái trường dualistic tạo nên từ bàn tay của họ. Vẫn ngây ngất với những giá trị trong hệ quy chiếu của họ. Vẫn là nàng của cái tôi phổ quát và đồng nhất ở thế giới đàn ông. Vẫn chưa tìm được bản ngã thực của mình.

Trường văn minh duy dương vật ấy vây chặt tứ bề. Cả những ẩn ức nhục cảm của nàng cũng bị đè nén bởi những kinh nghiệm nhục dục của thế giới nam tính. Họ viết như là họ yêu. Và họ cũng bắt nàng viết theo cách yêu đó. Họ, vì đạt đến đỉnh cao của lạc phúc nhục dục trong khoảng khắc cuối cùng khi những ẩn ức dồn nén vỡ oà nên đã tiếp nối nhau, suốt mấy ngàn năm, lưu truyền thể cách kết cấu mà Aristotle, cũng một kẻ khinh miệt nữ giới, khởi xướng. Họ khai, mở, kết. Họ dồn nén những chi tiết đầy kịch tính để từng phút từng phút hồi hộp chờ đợi một đoạn kết thúc thơ thới và hoan lạc, như thể chờ đợi phút cuối của sự yêu nhau. Với nàng thì khác. Lạc phúc ấy không ào ạt và dồn dập ở đoạn kết. Nó tỉ tê, tỉ tê như thủ thỉ tâm tình. Nó đều đặn, khoan hoà và lan man không chương đoạn. Nó dặt dìu, không kịch tính, không gay cấn trong nín lặng chờ đợi phút hoan lạc cuối cùng. Lối viết mẫu mực với bố cục Aristotle ấy chính là một sản phẩm văn hoá cực kỳ duy dương vật.[5]

Thể hiện cái bản ngã đích thực sao mà khó! Nàng, rất mực cổ điển, ngủ say nơi rừng sâu chờ đợi. Nàng khắc khoải mơ ước trong văn chương lãng mạn. Nàng đầu trần chân đất trong văn chương hiện thực. Nàng trong những dòng chữ tự sự của tiểu thuyết truyền thống cho đến những bố cục phá thể của tân tiểu thuyết. Nàng câm lặng như những bóng mờ, e thẹn khép nép sau những rèm che; nàng hùng dũng vươn lên hay nàng trăn trở khám phá mình; nhưng ở đâu cũng vậy, nàng vẫn là nàng trong hệ quy chiếu truyền thống.

Văn chương cũng trăn trở thay đổi để tìm kiếm bản thể đích thực của đời sống và của cái đẹp. Và, chừng 30 năm trước, người ta than thở về sự hấp hối của tiểu thuyết. Bây giờ, với trào lưu hậu hiện đại, đã đến lúc cái tôi, của con người chung chung, cũng đang hấp hối. Đến cái thời đập phá cái tôi, đập phá và triệt bỏ nhân vật của thời hậu hiện đại, nàng rồi sẽ ra sao?[6]

Giữa những đập phá của lớp sóng postmodernism ấy, nàng có quan hoài, có nặng trĩu một tâm trạng nostalgia không nhỉ? Chẳng lẽ nàng cũng phải khóc mướn thương vay cho một bản ngã chưa bao giờ đích thực là mình? Hay là nàng sẽ, như con chim phượng hoàng thần kỳ, hồi sinh từ đống tro tàn tê tái: Cái tôi chung chung bị đổ vỡ, hệ quy chiếu đổ vỡ, nàng sẽ tìm lại bản sắc đích thực của mình chăng?

Tìm nàng, của văn chương, cả là văn chương nữ, đã khó; nói gì đến một nàng bằng xương bằng thịt! Thì thôi. Cần cóc gì cái thực ấy nhỉ? Có ai lẩn thẩn đập nát hạt kim cương để khám phá cái thực bên trong đâu? Thây kệ những băn khoăn về cái ngã siêu hình và lẩm cẩm ấy miễn nàng vẫn là nàng như tự bao giờ. Nàng nóng bỏng dâng hiến hay nàng e ấp thần tiên. Nàng ngọt ngào, sầu bi hay nàng tinh ranh, bướng bỉnh. Nàng trong chín nẻo thuyền quyên.

Thì mặc mấy bà feminist nôn nao và cáu bẳn với cái thực chưa bao giờ thấy được. Những Huệ, những Hương, những Rose, những Kate, hãy gìn giữ những facet phản quang lấp lánh đời ban cho mình, cứ thanh thản nhẹ bước trên mấy nẻo thuyền quyên đời đã vạch lối...

Melbourne 5.4.99

_________________________

[1]Simone de Beauvoir, (1972), The Second Sex, Penguin Book, tr. 295. (Nguyên tác tiếng Pháp Le Deuxième Sexe xuất bản lần đầu năm 1949)

[2]Miles, R. (1989), The Women’s History of the World, London: Paladin Grafton Books (tr.62-63) (Testes là số nhiều của testis, hay testicle. Trong tín ngữơng phồn thực, khi hệ thống mẫu hệ bước đầu chuyển sang phụ hệ; nam giới không những thiêng liêng hoá bằng cách thờ phượng bộ phận sinh dục mình mà còn viện dẫn hay đặt tay lên trong những lời thề thốt để nâng cao tính cách trang trọng và xác tín.)

[3]Tạm dịch hai chữ phallocratic và phallocentric.

[4]Ehrenreich, B.(1999), ‘The real truth about the female body’, Time, March (tr.16-17).

[5]Power, J. (1999), ‘Who has the last word in the sex war?’, Australian - The Weekend Review, số ra ngày 1 và 2. 10.1999.

[6]Waugh, P. (1989), Feminine Fictions - Revisiting the Postmodern, Routledge, New York. (chương 1&2)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021