thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôn ngữ thơ
(Diễm Châu dịch)

 

[trích đoạn]

 

Tôi ưa cái giây lát khi lý trí dường như rời xa con người, và chỉ còn ngôn ngữ là mối liên hệ độc nhất giữa con người với một lục địa mà ta quen biết. Điều đó hẳn là do việc lúc nào cũng có trước mặt hình ảnh của đại dương mà tiếng động xa xăm, được gió đem lại vào những đêm bão tố, dội tới thôn làng. Tôi vẫn thường tìm kiếm làn hơi này trong lúc làm thơ, ngay như tôi không còn tham vọng tìm lại được nó. Một lần nữa, sự lười biếng của người làm thơ lại khiến cho ý hướng quan trọng hơn là chuyện thực hiện. Những người lãng mạn đã tìm cách kết hợp chúng, và họ đã biến thơ thành một sự nối dài của tiểu sử. Với Fernando Pessoa, tôi đã học biết rằng đây chỉ là bước vào những cuộc chơi của mê lộ; và tôi đã để «nhà thơ» nói lên, một cách tỏ lòng tôn kính đối với sự «dị danh» của Pessoa:

«Tuy nhiên, tôi có đó. Giữa tôi và bài thơ,
đôi bên đều mịt mờ, chẳng có gì để nói hết.»

Một trong những vấn đề tôi quan tâm, trong địa hạt lý thuyết văn nghệ, là vấn đề không gian của văn chương. Đối với tôi, trong thơ, không gian này là ngôn ngữ, trước khi là một điều gì khác, như trang cảnh, tính chủ quan, thế giới... Tôi đã ra sức xác định sự phát sinh của thơ trong khoảnh khắc khám phá ra ngôn ngữ thơ — mà người ta không thể giản lược vào duy một chiều kích văn bản. Đây còn là những hoàn cảnh ở lúc khởi thủy của nó, giải thích nó, giúp vào việc tạo dựng cái «toàn thể» là bài thơ. Chắc chắn là người đọc không thể biết hết những gì, trong chung thẩm, liên hệ tới tiểu sử của tác giả, hoặc thuộc về phạm vi của vô thức. Nhưng bài thơ nói tất cả những chuyện đó và, vô hình hay không, đây là thực tại sâu xa nhất, thực tại còn lại là vì nó sẽ tiếp tục hiện hữu mỗi lần người ta đọc bài thơ.

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, đã dự một bữa ăn mừng Jorge Luis Borges, người lúc đó mới nhận được một huy chương. Có một lúc, tôi lại gần ông, khi ông mở cái hộp đựng tấm huy chương và, mặc dù mù lòa, ông đã hỏi mượn đôi kính. Có ai đó đã cho ông mượn một cặp kính mà ông đặt lên mắt. Tôi đã tự đặt câu hỏi, vào dịp này: ông đã có thể thấy được gì? Ngày nay, sự hỏi han này đối với tôi có vẻ phù phiếm. Sự thấy được, có thể nói, là một tính chất của sự vật: đôi kính, cũng như bài thơ; và ngay khi sự vật này, trong những phẩm cách về vật chất của nó — pha lê, cũng như từ ngữ — được tạo dựng một cách hoàn hảo, thì bao giờ nó cũng cho phép chúng ta thấy được một điều gì đó, dẫu như ta thiếu con mắt, dẫu như ta không cảm được ngôn ngữ của bài thơ.

Lúc này tôi tự hỏi liệu có thể giải thích tại sao một bài thơ là một bài thơ chăng. Chắc chắn là cần phải có thêm một điều gì nữa hơn là địa hạt nghệ thuật về ngôn từ — việc giải quyết những vấn đề về kỹ thuật, tiết điệu, âm vận, tu từ học — để tới được kết luận là bài thơ. Trong công việc phê bình của tôi, tôi thường để ý tới những người «đi theo», những kẻ không sao vượt được giai đoạn thủ công nghệ của thơ: tôi muốn nói tới các nhà thơ vị-lai Bồ-đào-nha, chẳng hạn. Cố nhiên là họ biết tất cả những gì cần phải biết để thành tựu một bài thơ — nhưng kết quả lại không bao giờ ngang tầm với những gì người ta có thể tìm được trong bài thơ ít thành công nhất của Fernando Pessoa, và cả đến của Mário de Sá-Carneiro nữa.

Có chăng một câu trả lời cho vấn nạn này?

Cố nhiên, nhưng không cần phải đặt tất cả vào chỗ của nó, phải làm tất cả theo những luật tắc. Jorge de Sena, khi bình luận một bài thơ của Almada-Negreiros, nói rằng «điều quan hệ thực sự không phải là tới mức độ mọi sự phải được đặt vào chỗ của chúng, bởi lẽ đây cũng chỉ là một quy ước như một quy ước khác, mà là chúng phải được đặt sao cho hết mọi thành phần mà thực tại bao gồm phải hiện diện y nguyên như trong sự tạo lập trọn vẹn là thế giới [...]». Trật tự cuối cùng, ấy chính người đọc sẽ phải tìm kiếm — và chính là trong việc tìm kiếm này, một việc không bao giờ đạt tới kết quả ở một điều gì khác hơn là một khởi sự mới, mà cái thơ sẽ tìm được vị trí của mình. (...) Mỗi bài thơ, quả thật, là thêm một mẩu nhỏ cho phép ta tìm lại được một cái toàn thể mà thời gian đã phủ trùm bằng những lớp sóng đen tối. Ấy là một cảm giác rất vắn vỏi, chỉ tồn tại khoảng thời gian khi phải tìm lại tiếng nói quê hương — tiếng nói của bài thơ —, và trong thời gian ấy cái cảm tưởng khám phá ra từng chữ, sáng tạo nó từ một sự thơ ngây trong trắng nguyên thủy trở thành khả hữu. (...)

 

(XI.1994)

 

 

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

NUNO JÚDICE sinh ngày 29. 04. 1949 tại Mexilhoeira Grande (Algarve). Học ngữ ngôn học «la tinh» ở Lisboa, tốt nghiệp năm 1974, là một trong những nhà thơ sung mãn nhất của Bồ-đào-nha hiện nay.

Tác phẩm của ông gồm thơ, truyện, kịch và tùy bút. Riêng các thi phẩm (1972-1996), đã lên tới 15 cuốn, nhận được nhiều giải thưởng văn chương ở Bồ; và nhiều tập đã được dịch ở Pháp, Tây-ban-nha và Ý... Từ 1996, ông thành lập và điều khiển tạp chí thơ Tabacaria, do Casa Fernando Pessoa xuất bản ở Lisboa. Ông còn là tùy viên văn hóa tại sứ quán Bồ-đào-nha ở Paris.

Trích đoạn trên nằm trong bài “Le langage poétique” in lần đầu trong Les Cahiers n° 1 de la Villa Gillet, Lyon, 11-1994. Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của Michel Chandeigne trong Nuno Júdice, Un Chant dans l’épaisseur du temps… (Poésie/ Gallimard, 1996).

Kính mời bạn đọc xem thêm Tuyển tập thơ Nuno Júdice đăng song song hai kỳ trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021