thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nicanor Parra: phản thơ để cứu thơ

 

Giữa vô số nhả thơ viết tiếng Tây-ban-nha trong thế kỷ 20, Nicanor Parra nổi lên như một trong vài khuôn mặt lừng lẫy nhất nhưng, không giống như phần đông những nhà thơ lớn, sự lừng lẫy của ông không phải được nhìn thấy trên số lượng tác phẩm đồ sộ của cả một sự nghiệp sáng tác hay trên những giải thưởng lớn đã đoạt được, mà đã được nhìn thấy ngay từ bước đầu sự nghiệp văn chương của ông, trên một tác phẩm xuất hiện vào năm 1954, có nhan đề rất "khiêu khích": Poemas y antipoemas [Những bài thơ và những bài phản-thơ]. Đây chỉ mới là tác phẩm thứ nhì của Parra nhưng tên tuổi ông trở nên vang dội. Dù thích tập thơ ấy hay không, người ta đã phải công nhận nó như một lằn ranh lịch sử trong thi ca tiếng Tây-ban-nha: nó phân cách những gì có trước nó và những gì đến sau nó thành hai thế giới khác nhau — "thơ" và "phản-thơ".

Thật ra, ý niệm mỹ học “phản-thơ” đã mơ hồ thành hình trong tâm thức Nicanor Parra từ nhiều năm trước, sau khi ông cảm thấy không hài lòng với tập thơ đầu tay — Cancionero sin nombre [Sách bài hát không tên] (Santiago: Nascimento, 1937). Tập thơ ấy đã đem đến cho ông giải thưởng Premio Municipal de Poesía de Santiago năm 1938, và ngay sau đó, Hội Nhà Văn Chile đã đưa tác phẩm ông vào tuyển tập 8 Nuevos Poetas Chilenos [8 nhà thơ mới của Chile] do Tomas Lago chủ biên (Santiago: Universidad de Chile, 1939), nhưng chính ông thấy nó chỉ là sự tiếp nối truyền thống thơ của những thế hệ trước, nên ông từ bỏ nó, và quyết định thí nghiệm những lối viết mới. Ông viết rất nhiều nhưng không muốn in thành tập, và chỉ thỉnh thoảng gửi đăng một hai bài vào các tuyển tập để chiều ý bạn bè. Trong thời gian ông im lặng theo đuổi những thí nghiệm bút pháp, văn giới Chile vẫn luôn luôn lưu tâm đến ông. Dường như không tuyển tập thi ca quan trọng nào không gồm thơ của ông. Chẳng hạn, Tres Poetas Chilenos [Ba nhà thơ Chile] do Tomás Lago chủ biên (Santiago: Cruz del Sur, 1942); Cuarenta y un Poetas Jovenes de Chile [Bốn mươi mốt nhà thơ trẻ Chile] do Pablo de Rokha chủ biên (Santiago: Ediciones Multitud, 1943); 13 Poetas Chilenos [Mười ba nhà thơ Chile] do Hugo Zambelli chủ biên (Valaparaíso: Imprenta Roma, 1948); và Poesía nueva de Chile [Thơ mới Chile] do Victor Castro chủ biên (Santiago: Zig Zag, 1953).

Bài thơ "La víbora" ("Con rắn độc"), một trong ba bài của Parra trong tuyển tập 13 Poetas Chilenos (1948), lần đầu tiên cho thấy sự thay đổi trong bút pháp của ông. Trong bài ấy, chúng ta thấy có sự tương phản giữa thứ ngôn ngữ tự nhiên của đời sống bình thường hàng ngày và thứ ngôn ngữ đã đã được “thi hoá”. Hãy thử đọc đoạn đầu tiên:

LA VÍBORA
 
Durante largos años estuve condenado a adorar a una mujer despreciable,
sacrificarme por ella, sufrir humillaciones y burlas sin cuento,
trabajar día y noche para alimentarla y vestirla,
llevar a cabo algunos delitos, cometer algunas faltas,
a la luz de la luna realizar pequeños robos,
falsificaciones de documentos comprometedores,
so pena de caer en descrédito ante sus ojos fascinantes...

Tạm dịch:

CON RẮN ĐỘC
 
Đã nhiều năm tôi bạc phước phải tôn thờ một mụ đàn bà ti tiện,
hy sinh bản thân cho mụ, chịu đựng những sự nhục nhã và chế giễu không kể xiết,
làm việc ngày đêm để lo cho mụ ăn mặc,
phạm một vài tội hình sự, gạt gẫm một vài người,
tôi trộm cướp vặt vãnh dưới ánh sáng của vầng trăng
xài những giấy tờ giả mạo,
đau đớn bị khinh bỉ trước những con mắt kinh ngạc...

Và một đoạn khác:

[...]
Entonces hube de salir a la calle a vivir de la caridad pública,
dormir en los bancos de las plazas,
donde fui encontrado muchas veces moribundo por la policía
entre las primeras hojas del otoño...

Tạm dịch:

[...]
Thế rồi tôi đã bị đuổi ra ngoài đường và sống nhờ của bố thí,
ngủ trên những băng ghế công viên,
nơi nhiều lần cảnh sát tìm thấy tôi đang chết dở
giữa những chiếc lá đầu tiên của mùa thu...

Những câu "a la luz de la luna" (dưới ánh sáng của vầng trăng) và "entre las primeras hojas del otoño" (giữa những chiếc lá đầu tiên của mùa thu) thuộc về thứ ngôn ngữ đã được "thi hoá" bởi những thế hệ trước, chúng là những cái bảng kẽm cũ kỹ của mỹ học lãng mạn chủ nghĩa. Chúng vốn luôn luôn được xem là mang nhiều chất "thơ". Những độc giả thơ vào thời ấy (thật ra, cho đến thời bây giờ họ vẫn còn tồn tại) cứ thấy ở đâu có "ánh sáng của vầng trăng" và "những chiếc lá đầu tiên của mùa thu" là tê mê thưởng thức. Dường như để làm rõ cái tính cách sáo mòn của những câu đầy chất "thơ" ấy, Parra khéo léo đặt chúng vào trong một văn mạch mang tính bạch thoại bình dân — lời kể lể dông dài vớ vẩn của một gã cầu bơ cầu bất. Trong một văn mạch như vậy, những hình ảnh nhiều chất "thơ" đột nhiên trở thành trò làm dáng giả tạo rẻ tiền. Ngược lại, thứ ngôn ngữ cầu bơ cầu bất, "phản-thơ", lại trở nên sinh động, nóng hổi hơi thở của đời sống, và có sức lôi cuốn mới lạ.

Năm 1949, từ viện đại học Oxford ở Anh quốc, Parra viết một lá thư gửi về Chile cho Tomás Lago, nhà phê bình văn học (và là bạn thân của ông). Trong lá thư ấy, ông khuyên Lago đọc bài thơ "Con rắn độc" và kêu gọi Lago cùng hợp tác để chống lại lối thơ cũ mà ông cho là lạc hậu và sai lầm:

Nền thi ca vị kỷ trung tâm của tiền nhân chúng ta — trong đó họ cố gắng trình bày cùng độc giả rằng con người tuyệt vời làm sao, con người thông minh và nhạy cảm thế nào, những sự vật của thế giới này thì đáng yêu biết mấy — phải dời đi để nhường chỗ cho một lối viết khách quan hơn. [...] Những nhà lãng mạn này giống như những ca sĩ nhạc kịch, có lúc hay, có lúc dở, có lúc xuất sắc, thậm chí có lúc sáng chói như ông bạn Neruda của chúng ta, nhưng họ đều thủ đắc một ý tưởng hẹp hòi và lỗi thời về định nghĩa của nghệ thuật. Cái chất nghiêm trang và nặng nề mang tính giáo điều của thế kỷ mười chín vẫn còn sống trong họ. [...] Một bài thơ nên là một loại hình bổ dọc của con người (sección representativa del hombre), trong đó chúng ta có thể thấy tất cả những sợi thần kinh và thớ thịt, những cái xương và những ống dẫn máu, những ý nghĩ và những sự liên tưởng, vv. vv. vv. Đây không phải là vấn đề phát động thực hiện một cái gì dễ nuốt...[1]

Nói cho đúng, không phải Parra là người đầu tiên trong thi ca tiếng Tây-ban-nha nghĩ đến đường lối này, mà là người đầu tiên vạch rõ ra và thực hiện được. Trong những năm 1920, nhà thơ Vicente Huidobro đã cảm thấy chán ngán với thơ lãng mạn, và đã nỗ lực cấy trồng những ý tưởng mỹ học của thơ tiền vệ Paris vào văn chương Tây-ban-nha và Mỹ La-tinh; và đầu những năm 1940, Vicente Huidobro đã lên tiếng kêu gọi một ngôn ngữ thơ mới cho một thời đại mới. Trong một bức thư gửi nhà thơ Tây-ban-nha Juan Larrea, Huidobro nêu lên sự cần thiết phải có "một lối viết mới, không có giọng văn chương, một lối viết sử dụng ngôn ngữ đàm thoại, không phải ngôn ngữ của ca khúc, mà ngôn ngữ của diễn văn."[2] Chính Huidobro là người đã đẻ ra những chữ "antipoema" (phản thơ) và "antipoeta" (nhà phản-thơ), tuy nhiên ông đã không ứng dụng được ý niệm "phản thơ" vào tác phẩm của mình. Trong một bài viết trên tờ Camp de l'arpa, vào năm 1980, Octavio Paz có hồi tưởng rằng vào những năm 1940 chính ông cũng cảm thấy có nhu cầu đem vào thơ "một ngôn ngữ đàm thoại, một ngôn ngữ thông tục" (una lengua conversacional, una lengua familiar).[3] Thế nhưng, chính Parra mới là người đầu tiên đáp ứng được nhu cầu này và đem ý niệm "phản thơ" vào tác phẩm.

Từ 1949 đến năm 1954, Parra hoàn tất nhiều bài thơ theo đường lối mới của ông, và cho ra đời tập thơ thứ nhì của ông, Poemas y antipoemas [Những bài thơ và những bài phản-thơ] (Santiago: Nascimento, 1954). Tập thơ này chia làm ba phần: phần I (gồm bảy bài) và phần II (gồm ba bài) có thể được xem là "thơ", dù ngôn ngữ đã thoát khỏi quán tính của tập thơ đầu tay; phần III (gồm mười ba bài) chính là những bài "phản thơ".

Mở đầu phần III là bài "Advertencia al lector" ("Lời cảnh cáo độc giả"). Chúng ta hãy thử đọc vài đoạn:

ADVERTENCIA AL LECTOR
 
El autor no responde de las molestias que puedan ocasionar sus escritos:
Aunque le pese.
El lector tendrá que darse siempre por satisfecho.
[...]
Según los doctores de la ley este libro no debiera publicarse:
La palabra arco iris no aparece en él en ninguna parte,
Menos aún la palabra dolor,
La palabra torcuato.
Sillas y mesas sí que figuran a granel,
¡Ataúdes!, ¡útiles de escritorio!
Lo que me llena de orgullo
Porque, a mi modo de ver, el cielo se está cayendo a pedazos.
[...]
Mi poesía puede perfectamente no conducir a ninguna parte:
"¡Las risas de este libro son falsas!", argumentarán mis detractores
"Sus lágrimas, ¡artificiales!"
"En vez de suspirar, en estas páginas se bosteza"
"Se patalea como un niño de pecho"
"El autor se da a entender a estornudos"
[...]
"¿A qué molestar al público entonces?", se preguntarán los amigos lectores:
"Si el propio autor empieza por desprestigiar sus escritos,
¡Qué podrá esperarse de ellos!"
Cuidado, yo no desprestigio nada
O, mejor dicho, yo exalto mi punto de vista,
Me vanaglorio de mis limitaciones
Pongo por las nubes mis creaciones.
 
Los pájaros de Aristófanes
Enterraban en sus propias cabezas
Los cadáveres de sus padres.
(Cada pájaro era un verdadero cementerio volante)
A mi modo de ver
Ha llegado la hora de modernizar esta ceremonia
¡Y yo entierro mis plumas en la cabeza de los señores lectores!
 

Tạm dịch:

LỜI CẢNH CÁO ĐỘC GIẢ
 
Tác giả không chịu trách nhiệm về những sự khó chịu mà văn bản của mình có thể gây ra:
Dù độc giả có thể không ưa nó
Y sẽ đành phải chấp nhận bất cứ thứ gì bày ra đó.
[...]
Những ông tiến sĩ luật bảo cuốn sách này không nên xuất bản:
Chẳng thấy nó có chữ cầu vồng ở chỗ nào cả,
Còn hiếm hoi hơn nữa là chữ muộn phiền,
Chữ vòng khoang cổ.
Ghế bàn thì lổn ngổn cả đống,
Những cái hòm! những dụng cụ văn phòng!
Tất cả những thứ đó làm tôi tràn ngập hãnh diện
Bởi, theo như tôi thấy, bầu trời đang sụp đổ nát vụn.
[...]
Thơ của tôi có thể chẳng dẫn đến đâu cả:
"Tiếng cười của cuốn sách này thì dối trá!", những kẻ chống đối tôi sẽ lý sự
"Những giọt nước mắt thì giả tạo!"
"Những trang sách này làm người ta ngáp chứ không thở dài"
"Tác giả càu nhàu giãy giụa như con nít đòi sữa"
[...]
"Thế thì tại sao lại làm phiền thiên hạ?" những độc giả thân thiết sẽ hỏi:
"Nếu tác giả tự hạ thấp tác phẩm mình xuống,
Thì còn gì để mong đợi nữa?"
Coi chừng, tôi không hạ thấp cái gì xuống cả
Đúng ra, tôi nâng cao quan điểm của tôi,
Tôi hãnh diện về những hạn chế của tôi
Tôi ca tụng những sáng tạo của tôi lên tới mây xanh.
 
Những con chim của Aristófanes
Chôn xác chết của cha mẹ chúng
Trong đầu chúng.
(Mỗi con chim thật sự là một nghĩa địa bay)
Theo như tôi thấy
Đã đến lúc để hiện đại hoá cái nghi thức này
và tôi chôn những ngòi bút của tôi trong đầu của độc giả!

Sử dụng ngôn ngữ như thế trong thơ là điều quá khác thường vào thời ấy. Parra dùng lại chữ "antipoemas" của Vicente Huidobro hết sức đắc địa ở đây. Nó định danh chính xác điều mà độc giả sẽ nghĩ về những bài như thế: chúng không còn là thơ, mà chúng chống lại thơ. Và đồng thời với điều đó, Parra không còn là nhà thơ, mà trở thành nhà phản-thơ.

Tập thơ gây nên một cơn bão. Chỉ một tuần lễ sau ngày phát hành, nó trở thành một tác phẩm best-seller! Quả là một hiện tượng cực kỳ hiếm khi xảy ra đối với một tập thơ, nhưng điều ấy đã xảy ra vì đa số độc giả tò mò muốn tận mắt xem một quái vật. Từ địa vị một nhà thơ được nhiều người yêu thích, Parra đột nhiên bị xem như một kẻ phản bội. Tập thơ của ông trở thành đề tài cho những cuộc tranh cãi dữ dội. Đứng ở trung tâm cơn bão, tiếng tăm Parra nổi lên như cồn khiến không ít người trong văn giới cảm thấy ghen tức. Nhà thơ Pablo de Rokha, bạn của Parra, sợ rằng sau khi những lời chê trách nóng nảy đã tàn lụi thì tên tuổi của Parra sẽ còn lại như một cái mốc trong lịch sử, nên đã quay lưng lại với Parra, và cho rằng Parra chỉ như là "một miếng nhựa trên gót giày của Vallejo".[4] Cuộc tranh cãi về những bài "phản thơ" của Parra không chỉ xảy ra trong lĩnh vực thi ca, mà còn lan đến cả lĩnh vực đạo đức, không chỉ gây ồn ào ở Chile, mà còn lan đến cả Tây-ban-nha. Nhiều người cho rằng Parra nhà thơ vô đạo đức, một tên phá hoại. Linh mục Salvatierra, một nhà truyền giáo dân tuý Tây-ban-nha, kết án cả nhà phản-thơ lẫn những bài phản-thơ là "một thùng đựng rác", là còn tệ hại hơn cả thành phần vô đạo đức, là "quá bẩn thỉu để được gọi là vô đạo đức."[5] Nhiều người khác nhao nhao cảnh cáo những nhà thơ trẻ đừng chạy theo Parra...

Trước cơn thịnh nộ ấy, Nicanor Parra thản nhiên sống và viết như một nhà phản-thơ, vì ông biết ông đang cứu thơ. Thật vậy, chẳng bao lâu sau đó, hàng loạt nhà thơ, đặc biệt là những người trẻ, dần dần nghiệm ra rằng chính Nicanor Parra là người mở đường máu cho thơ chuyển hướng để tìm sinh khí mới. Họ bắt đầu học hỏi và thực hiện đường lối "phản thơ" theo cách của cá nhân họ. Trong Ejercicios respiratorios [Những bài tập thở], (1960-1964) Parra khuyến khích họ:

Jóvenes:
Escriban lo que quieran
en el estilo que les parezca mejor.
Ha pasado demasiada sangre bajo los puentes
para seguir creyendo
que solo se puede seguir un camino.
En poesía se permite todo.
A condición expresa
por cierto
de superar la página en blanco.

Tạm dịch:

Những nhà thơ trẻ:
Hãy viết bất cứ cách nào bạn thích
Quá nhiều máu đã chảy dưới cầu
để còn tiếp tục tin
rằng chỉ có một con đường là đúng.
Trong thơ mọi sự đều được phép.
Tất nhiên chỉ với điều kiện này:
bạn phải cải tiến trang giấy trắng.

Tám năm sau cơn bão, khi sinh khí thi ca mới bắt đầu lan toả trong thơ tiếng Tây-ban-nha, Nicanor Parra cho xuất bản tập Versos de salón [Thơ phòng khách] (Santiago: Nascimento, 1962), trong đó có bài "La montaña rusa" (Guồng xe quay) như một lời khẳng định kiêu ngạo về đường lối mỹ học phản-thơ của ông, và thách thức những người bất mãn:

LA MONTAÑA RUSA
 
Durante medio siglo
la poesía fue
el paraíso del tonto solemne.
Hasta que vine yo
y me instalé con mi montaña rusa.
Suban, si les parece.
Claro que yo no respondo si bajan
echando sangre por boca y narices.

Tạm dịch:

GUỒNG XE QUAY
 
Suốt nửa thế kỷ
thơ đã là
thiên đường cho bọn đần độn nghiêm trang.
Cho đến khi tôi xuất hiện
và dựng lên một guồng xe quay.
Bước lên đây chơi, nếu bạn muốn.
Chẳng phải lỗi của tôi nếu bạn nhảy ra
té sặc máu mũi máu mồm.

Rồi vài năm sau, khoảng 1964-66, ông viết bài thơ "Test" [Trắc nghiệm],[6] như một sự chế giễu những gì người ta đã gán cho thơ ông và bản thân ông, đồng thời như một gợi ý để độc giả và văn giới tự xét sự hiểu biết của họ về cái gì là "phản thơ" và cái gì là một "nhà phản-thơ":

TEST
 
Qué es un antipoeta:
Un comerciante en urnas y atáudes?
Un sacerdote que no cree en nada?
Un general que duda de sí mismo?
Un vagabundo que se ríe de todo
       hasta de la vejez y de la muerte?
Un interlocutor de mal carácter?
Un bailarín al borde del abismo?
Un narciso que ama a todo el mundo?
Un bromista sangriento
        deliberadamente miserable?
Un poeta que duerme en una silla?
Un alquimista de los tiempos modernos?
Un revolucionario de bolsillo?
Un pequeño burgués?
Un charlatán?
                      un dios?
                             un inocente?
Un aldeano de Santiago de Chile?
Subraye la frase que considere correcta.
 
Qué es la antipoesía:
Un temporal en una taza de té?
Una mancha de nieve en una roca?
Un azafate lleno de excrementos humanos
               Como lo cree el padre Salvatierra?
Un espejo que dice la verdad?
Una mujer se abre de piernas?
Un bofetón al rostro
               Del Presidente de la Sociedad de Escritores?
(Dios lo tenga en su santo reino)
Una advertencia a los poetas jóvenes?
Un ataúd a chorro?
Un ataúd a fuerza centrífuga?
Un ataúd a gas de parafina?
Una capilla ardiente sin difunto?
Marque con una cruz
La definición que considere correcta.

Tạm dịch:

TRẮC NGHIỆM
 
Nhà phản-thơ là gì:
Một tên buôn lọ đựng tro hài cốt và hòm?
Một ông tướng tự hoài nghi về mình?
Một linh mục không tin vào cái gì cả?
Một thằng bụi đời cười vào mọi sư
        ngay cả tuổi già và cái chết?
Một diễn giả xấu tính?
Một vũ công trên bờ vực thẳm?
Một gã Narcissus yêu cả thế giới?
Một kẻ chuyên pha trò độc địa
                       cố tình ra vẻ thảm hại?
Một nhà thơ ngủ trên một chiếc ghế?
Một nhà giả kim thời nay?
Một nhà cách mạng xa-lông?
Một tên tiểu tư sản?
Một thằng bịp?
               Một ông thần?
                             Một kẻ ngây thơ?
Một nông dân ở Santiago, Chile?
Gạch dưới câu nào bạn xét là đúng.
 
Phản thơ là gì?
Một trận bão trong một tách trà?
Một điểm tuyết trên một tảng đá?
Một khay đựng đầy cứt người
               như linh mục Salvatierra tin tưởng?
Một tấm gương nói lên sự thật?
Một phụ nữ giạng hai chân ra?
Một cái tát vào mặt
               ông Chủ tịch Hội Nhà Văn?
(Chúa cứu rỗi linh hồn ông ấy)
Một lời cảnh cáo cho những nhà thơ trẻ?
Một cái hòm có gắn ống phản lực?
Một cái hòm chạy bằng lực ly tâm?
Một cái hòm chạy bằng dầu hoả?
Một nhà mai táng không có một xác chết?
Đánh dấu chữ thập
định nghĩa nào bạn xét là đúng.

*

 

Qua việc thực hiện ý niệm "phản thơ", Nicanor Parra đã thách thức cả dòng thơ tiếng Tây-ban-nha hiện đại tìm kiếm những lối thoát để chuyển hướng và cách tân. Sau những chấn động do Parra gây nên trong những năm 1950, ngôn ngữ và phong thái thi ca Chile và Mỹ Latinh, cũng như Tây-ban-nha, đã dần dần từ modernismo (chủ nghĩa hiện đại) hướng sang postmodernismo (chủ nghĩa hậu hiện đại). Hai thập niên sau đó, thơ tiếng Tây-ban-nha đã hoàn toàn thay đổi.

Để phân tích sâu sắc ý niệm "phản thơ" trong tác phẩm của Nicanor Parra, chúng ta cần một bài nghiên cứu có quy mô lớn hơn. Ở đây, tôi chỉ xin cống hiến một dẫn nhập rất khái quát về nỗ lực của Parra, xuất phát từ ý tưởng rằng ông đã phản thơ để cứu thơ. Một điều đơn giản tôi muốn nói như kết luận của bài viết ngắn này là: không phải chỉ riêng hoàn cảnh thi ca tiếng Tây-ban-nha vào thời ấy mới cần có một nhà thơ như Nicanor Parra. Tôi tin rằng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, để có thể cứu thơ, ta phải không ngừng chống lại nó.

_________________________

[1]Thư đề ngày 30.11.1949, bản facsimili được in lại trong Poemas y antipoemas (Madrid: Cátedra, 1988), tr.91, ấn bản do René de Costa biên tập và chú giải.

[2]Thư viết từ Santiago, đề ngày 8.8.1941, được in lại trong tạp chí Poesía, số đặc biệt tưởng niệm Huidobro (Madrid, 1989), tr.30-32.

[3]Octavio Paz, "Los pasos contados", Camp de l'arpa, IV (Barcelona, 4/1980), tr.55.

[4]In lại trong Poemas y antipoemas (Madrid: Cátedra, 1988), ấn bản do René de Costa biên tập và chú giải.

[5]Như trên.

[6]Đăng trong Nicanor Parra, Obra gruesa: Antologia (Santiago: Nascimento, 1969).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021