thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Murakami Haruki: tiểu thuyết gia Nhật Bản đương đại

 

Từ Điển Bách Khoa Columbia, ấn bản năm 2001, ghi rằng Murakami Haruki "được công nhận một cách phổ biến là một trong những tiểu-thuyết-gia-thế-kỷ-20 quan trọng nhất của Nhật Bản". Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay ở Nhật, Matsuda Tetsuo của báo Yomiuri Shimbun, tờ nhật báo có số in lớn nhất Nhật Bản, viết: "Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó". Báo The Guardian ở nước Anh viết: "Không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới".

Murakami Haruki sinh năm 1949 ở cố đô Kyoto, nhưng lớn lên ở Kobe. Thân phụ có thời là nhà sư, dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và đã gặp thân mẫu ông trong lúc cùng dạy môn ấy. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Thay vì chia sẻ với song thân quan tâm về văn học Nhật, ông tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả Âu Châu thế kỷ 19 - Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học giả tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Richard Brautigan… Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz… Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yôko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseda, cùng vợ mở một quán rượu nhạc Jazz ở Tokyo. Ở quán Jazz đó, tên đặt theo con mèo ông nuôi là Peter Cat, ông hầu bàn, rửa chén đĩa, thay đĩa nhạc, bố trí nhạc công, và khi rảnh thì đọc rất nhiều sách và học tiếp khoá trình Đại học. Song thân ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời công tư chức vẫn được xem là an toàn, an định, thậm chí lý tưởng trong xã hội Nhật lúc bấy giờ đang phát triển mạnh. Quán Jazz sống được bảy năm, ông và vợ ông cũng đã tốt nghiệp Đại học trong khoảng thời gian đó.

Ông chỉ bắt đầu viết từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày-baseball, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, KazeNo UtaO Kike [Lắng Nghe Gió Hát / Hear the Wind Sing] xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi. Tác phẩm đầu tay nầy được giải thưởng "Tác giả Mới - Gunzô" ngay năm đó.

Tiếp tục thành công với hai tác phẩm sau đó và một số các truyện ngắn, ông bán quán Jazz, và trở thành một tác giả toàn thời. Ông bắt đầu dậy sớm và để ý ăn uống dưỡng sinh. Ông cũng bắt đầu việc dịch sách tiếng Anh, thường là cộng tác với một giáo sư về văn học Mỹ ở Đại học Tokyo. Nương theo tiếng tăm đang lên của ông trong lãnh vực sáng tác, số người ham chuộng những tác phẩm dịch thuật của ông từ Raymond Carver, Truman Capote, F. Scott Fitzerald… cũng tăng nhanh.

Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ ba là Hitsujio Meguru Bôken [Cuộc Phiêu Lưu Theo Con Cừu / A Wild Sheep Chase] xuất bản năm 1982, giải "Tác giả Mới - Noma" trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông chủ trương những giá trị quan khác lạ với truyền thống xã hội Nhật, và ham mê Âm nhạc mới, Phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hoá truyền thống Nhật Bản. Lúc nầy, số in mỗi tác phẩm của ông đã đạt mức 100 ngàn.

Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, và do chưa có con, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết NoruueiNo Mori [Rừng Na Uy / Norwegian Wood], tác phẩm đã đưa ông lên địa vị "siêu sao" trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi đang lớn chen lẫn với ý thức về tính cách nhất thời của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tính dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Độc giả cùng lứa tuổi chia sẻ được với ông những hoài niệm, đã đành, mà giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ ở lứa tuổi mười mấy, đôi mươi, cũng cộng cảm với ông về những trầm tư về tình yêu và đau khổ của thời mới lớn, cùng tâm trạng bơ vơ trong cuộc sống. Rừng Na Uy trở thành một phong trào, được tận dụng trong giới quảng cáo, từ bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; Murakami Haruki được mời làm quảng cáo truyền hình; nhạc phẩm dựa trên cuốn sách leo lên hạng bán chạy nhất; người hâm mộ hành hương về hộp đêm ở Shinjuku được nhắc đến trong sách, … Ngay trong năm đầu tiên, Rừng Na Uy đã bán được một triệu bộ (mỗi bộ gồm hai cuốn, Thượng và Hạ, vị chi hai triệu cuốn).

Sống ở Âu Châu, ông vẫn băn khoăn về mục đích của đời sống của ông, một người Nhật, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt, mọi người giàu lên và không ngừng nói về tiền. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần nầy sang Mỹ làm giáo sư khách của Đại học Princeton hai năm, rồi hai năm tiếp theo làm Tác giả Thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tuft, Massachusetts. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian nầy.

Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe, trên 6000 người chết, 300 ngàn người trở thành không nhà không cửa, trong số đó có song thân của ông. Hai tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân Lý Giáo Aum thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo làm 12 người chết và trên 2000 người bị thương. Ông nghĩ rằng hai thảm kịch nầy đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật: Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng một sớm một chiều đã bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những toà nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan.

Hai cơn sốc liên tiếp nầy đã đưa ông trở về Nhật và là nhân tố chính của các tác phẩm gần đây của ông. Tuyển tập truyện ngắn JishinNo AtoDe [Sau Cơn Động Đất / After The Quake] có những nhân vật chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa xôi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình, bơ vơ đi tìm những chỗ nương tựa siêu hình. Tập Andaguraundo [Mạch Ngầm / Underground] thoát ra khỏi thể loại tiểu thuyết, ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp những tín đồ Chân Lý Giáo Aum cùng những nạn nhân, những chi tiết thực tế của thảm kịch hơi độc, cho thấy tâm tình phản kháng đối với những giá trị quan tôn thờ vật chất của xã hội hiện đại, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ những giải thuyết siêu hình, có khi cực đoan đến nỗi trở thành tội ác. Chưa đến nỗi cực đoan, nhưng những nhân vật chính của Murakami Haruki cũng chia sẻ tâm tình đó.

Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc văn hoá truyền thống Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, lối suy nghĩ, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến bộ hơn Âu Mỹ lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và có nhiều người hâm mộ ở các nước Mỹ, Anh, Nga, Đức, Hàn, Pháp, Ý, Spain, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Do Thái, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị "siêu sao" trong nước Nhật, đã làm tăng thêm khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tạo loạn của ông. Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 1994, Oe Kenzaburo, công kích Murakami Haruki là đã "thất bại trong việc lôi cuốn giới độc giả trí thức bằng những kiểu mẫu cho tương lai Nhật Bản" và chê ông là "hôi mùi bơ" (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ. Điều đó dễ hiểu. Chính Murakami Haruki từ lâu vẫn tự nhận là "người dưng" (outsider) đối với xã hội Nhật Bản nói chung, vốn cứng ngắc vì những trật tự quá gò bó, phân định trong ngoài, thân sơ quá rõ rệt.

Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động tăng tiến thể lực, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua: Athens, New York (3 lần), Boston (6 lần)… Ngày nay, ở tuổi 54, ông vẫn còn chạy 10 km mỗi ngày, ngủ sớm, dậy sớm, và chuyên niệm vào việc viết sách. Koyama Tetsurô của hãng thông tấn Kyodo News nhận xét : "Hiện nay, Murakami Haruki là tác giả văn-học-thuần-túy (pure literature) duy nhất cứ mỗi lần tác phẩm mới phát hành là đạt ngôi vị sách bán chạy nhất (Nhật Bản). Tác phẩm mới nhất của ông là UmibeNo Kafuka [Kafka Bên Bờ Biển] ngay trong tháng đầu tiên (tháng 9, 2002) đã bán được 600 ngàn cuốn".

 

---------------
Tham khảo:
[1] Richard Williams: "Marathon man", The Guardian, 17/05/2003.
[2] Mick Brown: "Tales of the unexpected", The Daily Telegraph, 15/08/2003.
[3] Mục "Murakami Haruki", The Columbia Encyclopedia, 6th Edition, 2001.
[4] Velisarios Kattoulas: "Pop Master", Times Asia, 25/11/2002.
[5] Laura Miller: "The Outsider", The Salon Interview, 16/12/1997.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021