thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Primo Levi và sự trong sáng trong thơ
(Thủy Trúc dịch)

 

«Theo ý tôi có lẽ người ta không nên viết cách tối tăm,» Primo Levi đã tuyên bố như vậy trong một bài báo từng gây một số tiếng vang.

Trong công việc viết văn, ông đã trung thành với quy tắc phủ định này: trung thành một cách quyết liệt.

Nói thật, theo ông, là kẻ nói sáng sủa, rõ ràng, minh bạch, đưa ra ánh sáng hay giữa thanh thiên bạch nhật, tiết lộ. Bởi đó mà lúc nào cũng có sự đòi hỏi dai dẳng, như bị ám ảnh, phải đọc hiểu, phải trong sáng.

Quả thật Primo Levi không phải là không biết rằng sự sáng sủa trong cách diễn tả không phải là chuyện hiển nhiên dễ dàng, rằng điều ấy không phải là một dữ kiện trực tiếp của công việc viết lách. Sáng sủa là một sự chinh phục.

«Một lối viết hoàn toàn sáng sủa,» ông viết trong bài báo năm 1976 mà tôi đã nói tới, «giả thiết trước một nguồn xuất phát hoàn toàn ý thức, và ấy là một điều không phù hợp với thực tế. Chúng ta làm bằng cái Tôi và cái Ấy, bằng xác thịt và tinh thần, và cũng bằng những a-xít hạch nhân, những truyền thống, toàn bộ những chấn động xúc cảm đã qua và mới đây: bởi vậy chúng ta bắt buộc phải kéo lê sau mình, từ lúc lọt lòng cho tới khi xuống mộ, một thứ Doppelgänger (song hình: giống mình như đúc), kẻ tuy thế lại chia sẻ với chúng ta trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta, và do đó về những trang sách của chúng ta...»

Doppelgänger: có thể nói là cái song hình ma quái; cái song hình của chính bóng mình. Thật là có ý nghĩa khi Primo Levi tìm tới tiếng Đức để diễn tả cái sắc dị hay Schattierung này, một chữ gốc từ Schatten, nghĩà là cái bóng.

Wahr spricht, wer Schatten spricht: «Kẻ nói bóng nói thật.»

Câu thơ này của Paul Celan dẫu sao đi nữa cũng nói thật về nghệ thuật thi ca của ông. Về sự thật cái bóng của ông và về cái bóng sự thật của ông.

Câu thơ dưới dạng châm ngôn này gốc từ một bài thơ trong đó Celan ngỏ lời với chúng ta, kêu gọi chúng ta. Khi hướng tới từ «mi» giả định nghĩa là mọi người đọc có thể có: bất kỳ ai. Nhưng kẻ đó sẽ trở thành khác – nghĩa là, Tôi, ta: ấy là điều không phải là không thể tưởng tới được – khi người đọc tiếp nhận cái mệnh lệnh trong bài thơ thúc giục y suy tưởng. Từ đó có thể xuất hiện những lời nói. Những hành động, ai biết được?

Celan ngỏ lời với người đọc ông, ra sức thuyết phục người đó. Cả mi nữa, hãy nói, ông bảo người đọc trong bài thơ này. Nhưng đừng tách cái có với cái không. Hãy cho cả lời mi nói nữa mọi sắc dị của ý nghĩa: cái bóng của ý nghĩa, cái ý nghĩa của bóng.

Hãy cho nó hết thảy ngần ấy bóng mà mi biết, được phân phối giữa nửa khuya và đúng ngọ và nửa khuya.

Cố nhiên là không thể nào giải mã được thơ Paul Celan mà không thăm dò khảo sát tiếng Đức, thứ ngôn ngữ mà đối với nhà thơ, cũng vì cùng một lý do như cái chết, chính là ein Meister aus Deutschland: một chủ nhân ông đến từ nước Đức. Chính là trong thứ ngôn ngữ giết người của các chủ nhân ông ấy mà Celan đã lựa chọn xác định tài năng thi ca của mình.

Cả mi nữa, hãy nói: đó là tựa đề bài thơ của Celan. Toàn bài xoay quanh, và nở ra, đậm đặc, tối lại, chung quanh câu thơ nghịch lý ấy: Wahr spricht, wer Schatten spricht: kẻ nói bóng nói thật.

Ấy chính là dựa trên phần tham dự hiển nhiên này của bóng tối, của điều phi lý, có ở trong mỗi chúng ta – một cách không thể chối cãi, không thể tránh – mà Primo Levi đã thảo ra một thứ quy tắc đạo đức và thẩm mỹ – còn có tính truyền thông nữa – về văn thể.

«Một bản văn càng có giá trị hơn,» ông viết, «và càng có thêm hy vọng truyền bá và sống động, nếu nó được hiểu rõ hơn và ít hỗ trợ những lối giải thích đối nghịch tối tăm.»

Sự thực phức tạp hơn, lẽ cố nhiên.

Chính Primo Levi cũng đã nhìn nhận điều ấy khi ông viết: «Cố nhiên, để cho điều nhắn gửi xứng với giá trị, sáng sủa là điều kiện cần nhưng không đủ: người ta có thể sáng sủa và chán ngấy, sáng sủa và vô ích, sáng sủa và láo khoét, sáng sủa và tầm thường thô lậu...»

Và phần kết luận trong văn bản của ông còn đem lại thêm cái sắc dị, cái bóng mờ – Schattierung – cho sự trong sáng quyết liệt của lời ông đưa ra lúc ban đầu.

Thật vậy, Primo Levi nói: «Khi ta viết, ta tự do lựa chọn ngôn ngữ hay cái phi-ngôn ngữ nào thích hợp hơn cả, và mọi sự đều có thể: có khi một bài viết tối tăm đối với tác giả lại sáng rỡ và rõ ràng đối với người đọc, và có khi một bài viết không được những người đồng thời thấu hiểu lại trở nên sáng sủa và thời danh hằng chục năm, hằng thế kỷ sau.»

Dù sao đi nữa, lúc này, tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh đến sự cách biệt giữa Paul Celan và Primo Levi. Giữa những quan niệm của họ về thi ca và về sự thật. Dichtung und Wahrheit, như đã nói Goethe, người có lẽ thiên về phía Ánh sáng hơn. Vậy thời, về phía Levi.

Nhấn mạnh sự cách biệt này để nắm rõ hơn ý nghĩa và yếu tính của thơ Primo Levi.

 

Chúng ta đứng trước hai truyền thống rất khác biệt về văn thể, nói chung. Về văn thể hiện đại, nói riêng.

Primo Levi, về phần ông, đã kiên quyết và kiên trì theo đuổi truyền thống Ánh sáng. Dù cho cái phần phi lý ông nhận thấy mà không chế ngự được có ra sao chăng nữa, trong cái thôi thúc viết lách đôi khi đã đẩy ông tới việc diễn tả dưới một hình thức thơ, Primo Levi bao giờ cũng cố du nhập vào đó sự sáng sủa, cái trật tự của lý trí.

«Nói rằng muốn diễn tả sự hỗn độn phải cần tới sự hỗn độn là không đúng. Rằng cái hỗn độn của trang viết là biểu trưng hay nhất của tình trạng hỗn loạn cuối cùng mà chúng ta nhắm tới là không đúng: tin ở điều ấy là cái thói xấu tiêu biểu của thế kỷ chúng ta, một thế kỷ không mấy tin ở mình.»

Và như thế, trong những bài thơ của ông, nảy sinh từ một nhu cầu chuyên biệt về truyền thông, biểu thị sự nắm bắt một giây lát trong đời hay thuộc về ký ức – những bài khiêm tốn ca tụng cái thật, cái sống, cái tưởng tượng –, người ta có thể thấy được thực thi cái ý muốn bền bỉ và kiên quyết đưa ra ánh sáng và trong trật tự. Cả đến sự nhắc nhở phải trật tự nữa.

Celan, về phía ông, thuộc về một truyền thống hiện đại hoàn toàn khác.

Cả ông nữa, ông cũng kiên quyết theo đuổi truyền thống ấy. Trước hết là trong việc, là một nhà thơ Ru-ma-ni, ông đã chọn tiếng Đức để biểu lộ sự già giặn chín chắn của mình như một nhà văn.

Cố nhiên, người ta rất có thể chú giải thật lâu. Đây không phải lúc. Có lẽ chỉ cần nhắc lại rằng cái từ trong tiếng Đức chỉ thơ, Dichtung, chính là cái danh từ do (động từ) dichten mà ra, động từ này không phải chỉ có nghĩa là làm thơ, thi vị hóa, mà còn là làm đậm đặc, cô đọng. Tóm lại, nếu cần phải so sánh bằng tiếng Đức giữa nghệ thuật thi ca của Celan và nghệ thuật thi ca của Primo Levi,chuyện đó có lẽ sẽ diễn ra giữa hai từ DichtungLichtung, từ sau này có nghĩa là khoảng trời quang đãng, lóe sáng, khoảng rừng thưa, và gốc từ chữ Licht, nghĩa là ánh sáng, cố nhiên.

Và như thế, người ta có thể thăm dò truyền thống này của thi ca Đức từ Celan ngược lên tới Trakl và Hölderlin. Ở đây tôi ưng theo một lối khác hơn trong cùng một khu rừng những ký hiệu tượng trưng ấy.

Trong tác phẩm của ông nhan đề là Nghiên cứu triết học về yếu tính của tự do con người, triết gia F.W.J. Schelling nói về thế giới, như thế giới mà chúng ta nhận thấy. «Ở đây tất cả đều là phép tắc, trật tự và hình trạng,» ông nói. Nhưng thêm: «Tuy nhiên tính chất thất thường bao giờ cũng vẫn ẩn bên dưới, như thể nó vẫn còn có thể trồi lên lại; và như thế dường như là trật tự và hình thể không biểu thị một điều gì độc sáng ở đâu hết, mà ấy chính là một sự thất thường khởi thủy đã được sắp đặt cho có thứ tự, phép tắc.»

Từ đó ông kết luận bằng một câu khủng khiếp, nhưng cũng có tính cách soi sáng: «Thiếu cái tăm tối đi trước ấy, tạo vật có lẽ sẽ không có một thực tại nào; bóng tối nhất thiết thuộc về tạo vật như một phần của nó.»

 

Thế nhưng, dầu hay đến đâu, trên bình diện phân tích văn chương và phê bình tỉ giảo, việc đặt các truyền thống thi ca đối nghịch vào phối cảnh này – tham chiếu: một truyền thống dưới bóng của «sự thất thường khởi thủy», vốn sẵn, của con người, và một truyền thống khác dưới ánh sáng của lý trí soi rọi vào đó để thiết lập ở đó một «trật tự» và một «hình thể» – có lẽ chỉ có một tầm mức học viện mà thôi nếu như, ở cái nền phía sau, đã không diễn ra thực tại của các trại tập trung; kinh nghiệm hủy diệt hoàn toàn của sự Dữ triệt để.

Paul Celan và Primo Levi quả thật đều là những nhà thơ viết sau Auschwitz. Lối viết của họ chỉ có thể giải thích, theo thể thức hiện sinh, bằng kinh nghiệm của việc tận diệt dân Do-thái ở Âu châu.

Chính là trong trạng huống lịch sử này mà ta cần phải trở lại với những điều khẳng định của Primo Levi trong bài báo năm 1976 mà tôi đã nói tới nhiều lần và tựa đề lại đúng là: Về lối viết tối tăm.

Trong bài báo này, sau khi đã khai triển những lý lẽ của mình – không phải là không có đôi chút gay gắt nhuốm màu ý thức hệ, đôi chút cứng nhắc về luân lý – chống lại sự tối tăm trong văn chương, Primo Levi đã trực tiếp bắt lỗi Paul Celan.

«Điều có thể diễn tả đáng ưa hơn là điều không thể diễn tả, lời nói của con người đáng ưa hơn tiếng gầm gừ của thú vật. Không phải là sự tình cờ khi hai nhà thơ Đức ít được hiểu nhất, Trakl và Celan, cả hai đều tự sát, cách nhau hai thế hệ. Số mệnh chung của họ khiến ta nghĩ tới sự tối tăm trong thi pháp của họ như một thứ sẵn-sàng-chết, một thứ không-muốn-sống, một thứ trốn-tránh-cõi đời mà cái chết tự ý tựa như thành tựu chót.»

Quả thật, Levi thêm, Paul Celan thật đáng kính, là vì «tiếng gầm gừ thú vật kia có nguyên cớ thật khủng khiếp.» (Người ta không thể không giật mình khi thấy Levi mệnh danh như «tiếng gầm gừ thú vật» một thứ ngôn ngữ, ngay trong tính cách bí hiểm của nó, vẫn là sản phẩm của một sự tác luyện cực kỳ tinh tế: có khi còn quá tinh tế nữa!)

Có nguyên cớ, dù thế nào chăng nữa, «đối với Celan, người Do-thái Đức thoát khỏi cảnh tàn sát của người Đức như nhờ phép mầu, nguyên cớ ấy là việc ông bị bứt ra khỏi cội rễ của mình và nỗi thống khổ vô phương chữa trị do sự toàn thắng của cái chết gây nên.»

Rốt cuộc, và dù thơ của Celan đáng tôn trọng thế nào chăng nữa, kết luận của Primo Levi là chung quyết:

«Về phần tôi,» ông viết, «tôi nghĩ rằng nhà thơ Celan cần phải được nghiền ngẫm và thương cảm hơn là bắt chước. Nếu tín điệp của ông là một tín điệp, thì tín điệp này bị lạc mất trong 'tiếng ồn': ấy không phải là một sự truyền thông, ấy không phải là một ngôn ngữ, cùng lắm ấy là một thứ ngôn ngữ bị trở ngại và què cụt, tựa như của kẻ sắp chết, đơn độc như chúng ta hết thảy sẽ trở thành khi hấp hối. Thế nhưng chính là vì chúng ta, những người còn sống, chúng ta không phải là đơn độc, chúng ta không nên viết như thể mình đơn độc...»

Ấy là sự sáng sủa mà Primo Levi đã đòi hỏi ở lối viết thi ca, đã đòi hỏi ở chính mình, vào năm 1976. Ông, người còn sống, mười một năm trước khi tới lượt ông cũng tự sát.

 

Hôm sau ngày hôm ấy, tức là ngày 12 tháng Tư 1987, điều đầu tiên tôi nghe thấy trên đài phát thanh, vào sáng sớm, là tin về cuộc tự sát ấy. Một cơn lốc những hình ảnh, những kỷ niệm, tràn ngập tôi lúc đó.

Và trước tiên là kỷ niệm của một vài trang thật đáng thán phục trong (tác phẩm của Primo Levi) Phải chăng đây là một người. Những trang thuộc chương «Tiếng hát của Ulysse». Chắc chắn là mọi người còn nhớ. Trong chương đó Primo Levi thuật lại một cuộc tạp dịch mang súp (cho tù) cùng với một chàng trai bị đầy người Alsace tên là Jean, biệt hiệu là chú Pikolo của phân đội*. Trong ánh ngày rực rỡ, dưới bầu trời tháng Sáu trong trẻo, Levi chợt nhớ tới một bãi biển mùa hè thời ông còn nhỏ. «Người ta thấy rặng Carpates tuyết phủ. Tôi hít thở khí mát, tôi cảm thấy mình nhẹ lạ lùng», ông viết.

(Quả thật: ta có thể thấy mình đột nhiên nhẹ lạ lùng, khi nhìn ngắm vẻ huy hoàng rực rỡ màu xanh lá của rừng cây dẻ, chung quanh Buchenwald. Những cây ấy sẽ tồn tại sau ta, ta tự nhủ, cái chết có thể thấy trước của ta sẽ không xóa đi vẻ đẹp của thế giới!)

Tại sao, trong lần đi với Jean, chú nhỏ của phân đội, Primo Levi lại nhớ tới những câu thơ của Dante? Ông không biết gì hết. Ông chỉ biết mình muốn chia sẻ với chàng thanh niên người Alsace kia những nét đẹp của tác phẩm Hài kịch thánh thiêng. Ông khởi sự đọc vài đoạn, vật lộn với quên lãng đang làm phai mờ một số câu, ông phiên dịch và giải thích cho người bạn tù.

Đối với ông, dường như đây là một vấn đề khẩn thiết, sống chết. Một vài câu thơ của Dante quan trọng sinh tử không kém gì lương thực. Phải chia sẻ như cơm bánh, hy vọng, tình anh em của những kẻ ở cùng nhau để chết. Cùng nhau chống lại cái chết, chắc chắn là đang gần kề, le lói.

Vào năm 1992, tức là năm năm sau ngày Primo Levi tự sát, trong một cuốn sách khá đặc sắc – than ôi, cho đến giờ phút mà tôi viết bài tựa này, vẫn chưa được dịch sang Pháp văn – nhan đề là Weiter leben eine Jugend (Sống còn, một thời thanh xuân), Ruth Kluger đã trở lại với sự quan trọng của thơ trong hoàn cảnh những kẻ phải lưu đày.

«Có nhiều người bị lưu đày, bà viết, đã được an ủi trong những vần thơ mà họ thuộc lòng.» Và bà thêm vào lời chứng nhận này một lời chú giải thật tế nhị.

Thật vậy, Ruth Kluger quả quyết rằng đây không phải chỉ liên hệ, hoặc ngay như liên hệ một cách chính yếu, tới cái phần nội dung – tôn giáo, ái quốc hoặc luân lý đạo đức – của những câu thơ được gợi ra. Cũng chẳng phải là chuyện những câu thơ đọc thuộc lòng kia có thể liên quan tới những kỷ niệm sinh động thời nhỏ. «Trước hết, bà viết, đó là chính cái hình thức, cái ngôn ngữ kiềm chế của thi ca nó cho chúng tôi chỗ tựa và sự can đảm.»

Tóm lại, ấy chính trật tự và sự sáng sủa là điều mà việc đọc thơ đã đưa vào cái hỗn loạn tối tăm và phi lý của trại tập trung.

Về phần tôi, tôi muốn thêm một yếu tố khác vào việc giải thích cái an ủi mà chuyện đọc âm thầm sâu kín kia có thể đem lại cho người bị lưu đày. Và đó là chính việc đọc thơ vừa kể trên đã tái tạo một không gian của đơn độc, của trở lại với bản thân, của tự chủ. Là vì trong mọi nỗi ghê rợn của đời sống hằng ngày trong một trại tù, một trong những điều nhục nhã nhất, ấy là sự chung đụng hỗn tạp không thể tránh: việc phải sống không ngừng hết mọi lúc của đời mình dưới mắt nhìn của những kẻ khác, trong sự nôn nao nhơ nhớp của tạng phủ, tiếng thì thào gây âu lo của những cơn ác mộng.

Nhưng tôi không trích dẫn Ruth Kluger chỉ vì cái ý kiến về chuyện đọc thơ này. Phải nhận rằng cả bà nữa, bà cũng làm thơ và đối với bà, cũng như đối với Primo Levi, đòi hỏi sáng sủa là điều thiết yếu trong công việc viết lách của bà.

Sinh tại Vienne, trong một gia đình Do-thái bậc thường, Ruth Kluger đã tới tuổi mà người ta bảo là khôn lớn vào lúc Hitler thôn tính xứ sở bà. Từ đó, câu chuyện thời thanh xuân mà bà thuật lại trong tác phẩm Weiter leben (Tiếp tục sống) – thật đặc sắc vì sự thanh thản trong sáng về ngôn ngữ và vì tỉ trọng ý thức hệ trong suy tư – chính là sự miêu tả cuộc chu du qua một chuỗi những trại tù của quốc xã, từ Theresienstadt tới Gross Rosen, qua Auschwitz-Birkenau.

Trong chương sách ngắn ngủi nơi bà gợi lại những câu thơ đọc thuộc lòng trong các trại tù, sự nâng đỡ tinh thần mà những vần thơ ấy đã đem lại cho bà, Ruth Kluger, sau khi đã bài bác ý kiến của Adorno về sự không thể được của mọi thứ thi ca sau Auschwitz, cũng bắt lỗi, theo một kiểu khá hài hước, sự tối tăm của Paul Celan.

«Người ta có thể châm biếm Thượng đế và Goethe,» bà nói, «nhưng tác giả bài Tẩu khúc của cái chết (Paul Celan) là người không ai được động tới. Và không phải chính là vì ông là một nhà thơ lớn lao đến thế, bởi lẽ Goethe cũng lớn.»

 

Tôi thấy rằng cuộc tranh luận dường như vẫn còn để ngỏ, rằng nó vẫn còn để ngỏ thế mãi. DichtungLichtung: thơ và sự thật của bóng tối, thơ và sự thật của ánh sáng.

Tôi lại muốn nhường lời cho Schelling, để tạm thời kết thúc chuyện trên. Không phải chỉ là vì ý nghĩa của những lời bày tỏ có tính triết lý của ông, mà còn là vì chính tại Buchenwald, một buổi chiều chủ nhật mùa thu 1944, quanh giường nằm hấp hối của Maurice Halbwachs, có một người tù Đức bị phát lưu với cái tam giác tím của giáo phái Tin lành Bibelforscher, một người chống đối việc đi lính với lý do đạo lý, tới nhập bọn với chúng tôi, tôi không nhớ tại sao nữa, đã nói với chúng tôi về tác phẩm Nghiên cứu của Schelling, nói với chúng tôi cái câu còn ghi dấu mãi: «Thiếu cái tối tăm đi trước, tạo vật có lẽ sẽ không có một thực tại nào; bóng tối nhất thiết thuộc về tạo vật như một phần của nó.»

Vậy thời tôi trở lại với triết gia Schelling để tạm thời kết luận.

«Tuy vậy chúng ta không biết một điều gì có thể khích giục con người vươn mọi sức lực của mình tới ánh sáng hơn là sự ý thức về đêm tối thẳm sâu từ đấy y xuất hiện để nâng mình lên cao tới thực thể-đó... Mọi sự sinh ra là sinh ra từ bóng tối tới ánh sáng; mầm hạt nhất thiết phải chìm đắm xuống đất và chết trong bóng tối để một khuôn mặt sáng rỡ có thể trỗi dậy...»

Dẫu cho những dè dặt mà Primo Levi, con người duy lý thực tiễn, đã có thể có trước cái rung động duy tâm và lãng mạn trong ngôn ngữ của Schelling, có ra sao chăng nữa, tôi thiết tưởng ấy chính khát vọng ánh sáng trong đêm tăm tối của kinh nghiệm trại tập trung đã gây cảm hứng cho lối viết của ông.

Ngày nay đọc lại những gì ông viết về thơ của Paul Celan, vào năm 1976, lại càng thấy xúc động hơn. Đối với ông thời một thi sĩ khó hiểu như thế mà tự sát không phải là một chuyện tình cờ. Sự tăm tối trong thi pháp của Celan, Levi thêm, tựa như một sự sẵn-sàng-chết, một thứ không-muốn-sống-nữa.

Ấy thế nhưng sự trong sáng trong việc làm thơ của Primo Levi đã không ngăn được cái chết và bóng tối bắt kịp ông, vào một ngày tháng Tư. Một ngày của tháng Tư khủng khiếp khi kỷ niệm về các trại tập trung trỗi dậy, hằng năm, như một cái bóng của tro than và khói, trên các nước Tây Âu.

Ở bên kia cái chết đó, ở bên kia mọi cái chết, ở bên kia chính cái Chết, câu thơ của Paul Celan lại âm âm vang động trong ký ức chúng ta.

Wahr spricht, wer Schatten spricht: Kẻ nói bóng nói thật.

 

----------------------------------------------------------------------------
* “Pikolo” tiếng Ý có nghĩa: nhỏ, chú nhỏ. Phân đội hóa chất số 98. (người dịch)

 

-------------------------------

Ghi chú của người dịch:

JORGE SEMPRUN là một nhà văn viết bằng tiếng Pháp, người hoạt động chính trị và nhà trí thức tên tuổi của Tây-ban-nha. Ông sinh tại Madrid ngày 10.12.1923. Trong thời nội chiến ở nước ông, gia đình ông chạy qua Pháp và ông tiếp tục học hành ở Paris và học triết lý tại Đại học Sorbonne.

Năm 1942, ông gia nhập đảng cộng sản Tây-ban-nha và năm 1943, bị Gestapo bắt và đày ở trại tập trung Buchenwald. Ông trở lại Paris năm 1945 và làm thông dịch viên cho Unesco tới 1952.

Từ 1953, ông phối hợp các hoạt động bí mật chống chế độ Franco nhân danh Ủy ban trung ương đảng rồi vào Ủy ban trung ương và Bộ chính trị. Từ 1957 đến 1962 ông hoạt động bí mật cho đảng ở trong nước với bí danh là Federico Sanchez.

Năm 1963, Jorge Semprun được tặng giải Formentor cho cuốn tiểu thuyết Le grand voyage. Năm sau ông bị trục xuất khỏi đảng vì bất đồng ý kiến với đường lối của đảng. Từ đấy chuyên chú viết văn. Và đến 1969 lại đoạt giải Fémina cho cuốn tiểu thuyết La deuxième mort de Ramon Mercader.

Từ 1988 đến 1991, Jorge Semprun làm bộ trưởng bộ Văn hóa trong chính phủ Tây-ban-nha.

Các tác phẩm của ông liên tiếp đem lại cho ông nhiều giải thưởng văn chương, như Giải Hòa bình của các nhà xuất bản và nhà sách Đức (1994), Giải Fémina Vacaresco (1994), Giải Văn chương Nhân quyền (1995), giải thưởng của thành phố Weimar (1995) và giải Nonino (Ý, 1999).

Ông đã viết hai cuốn sách về Federico Sanchez và đến năm 2003, Jorge Semprun trở lại với nhân vật này trong một cuốn sách viết bằng Tây-ban-ngữ: Veinte anos y un dia (Hai mươi năm lẻ một ngày), in tại Barcelone.

Ông được bầu vào Hàn lâm viện Goncourt và hiện sống tại Paris. (Các chi tiết trên viết theo tài liệu của Hàn lâm viện Goncourt).

 

Bài viết trên đây của Jorge Semprun, do Thủy Trúc dịch và đặt tựa, dựa theo bản Pháp văn của Louis Bonalumi trong Primo Levi, À une heure incertaine (Arcades, Gallimard, Paris, 1997). Bài này đã được dùng làm tựa cho bản Pháp văn dẫn trên. Xin mời bạn đọc xem thêm trên Tiền Vệ, phần trích thơ của Primo Levi: "Vào một giờ vô định" và những bài thơ khác .


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021