thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chờ

Ai theo đọc văn học Việt Nam đều được ít nhất một an ủi, rằng văn học ấy không bao giờ phản bội độc giả. Bạn văn có thể bỏ đi đâu, lâu cả đời cũng được, hễ về là nhận ra chỗ thân thuộc cũ trong văn chương nhà mình. Vẫn nguyên như thuở bạn bước chân ra đi, không khác gì đáng kể. Tâm tính vẫn thế, diện mạo vẫn thế, tư cách vẫn muôn phần như xưa. Bao nhiêu cố gắng làm cái văn học ấy khác đi cuối cùng đều thất bại. Như vậy là phải. Phái 'cấp tiến' ưa thay đổi rõ ràng thiếu năng lực. Song có thừa năng lực chăng nữa cũng thất bại. Vì sao?

Họ không có đối thủ, nếu đối thủ của cái mới chỉ là cái cũ. Cuộc cọ sát tưởng tượng với một phái 'bảo thủ' không hề tồn tại khiến những người 'cấp tiến' tự thấy mình như đấm mãi vào khoảng trống, như chọc lỗ vào chỗ thủng, chẳng có gì vô duyên cho bằng. So với nó thì sự cô đơn buồn nản của lớp người đến sau khi không phải nhảy qua bức tường nào của những người đi trước, như Nguyên Sa từng than cho văn nghệ miền Nam một thuở, còn có duyên lắm. Giờ đây những người đến sau chẳng có lý do gì để đòi nhảy qua những người đi trước. Khi gió đổi mới bắt đầu thổi mười năm trước ở trong nước, kẻ tiên phong chưa đi xong nửa bước đã thấy lạc. Không phải lạc trong cái mới, tức chốn vô danh. Mà lạc trong chốn hữu danh của cái không cũ. Không ngã ở đầu ngọn gió, mà đổ bởi hụt chân vào khoảng vắng sức cản. Tấm bình phong ngăn giữa một nhóm 'mới' xung quanh diễn đàn này và một nhóm 'cũ' tề tựu ở diễn đàn kia sớm thành vô dụng, đơn giản vì những tiêu chuẩn phân loại nào đó bỗng mất ý nghĩa. Hãy lấy tiêu chuẩn nổi tiếng nhất làm ví dụ: sự thật. Ở một xứ như Việt Nam thì bạn văn quả nhiên sẽ còn khao khát lâu sự thật trên trang sách. Như thể sách thật có thể lật đời gian. Như thể những áng văn chương bất hủ của nhân loại xưa nay đều nhằm thẳng vào sự thật: niêu cơm của Thạch Sanh dọn cho quân tướng mười tám nước chư hầu, nước Hoàng Hà của Lý Bạch từ trên trời đổ xuống, những con hồ ly của Bồ Tùng Linh,chàng Don Quichotte của Cervantes, gã Mephisto của Goethe, "dấu giày từng bước in rêu rành rành" của Đạm Tiên, miếng da lừa của Balzac, hoàng tử bé của Saint-Exupéry, con bọ Gregor Samsa của Kafka, hầu hết các truyện của Marquez... hết thảy đều là người thật việc thật cả! Song tư biện như vậy hoàn toàn xa lạ với tinh thần Việt, vả lại hai tiếng sự thật đủ choáng ngợp, để không ai phải nghĩ trộm, rằng có lẽ sự thật trú ở chỗ khác thì an toàn cho chính nó và cho ai yêu nó hơn là trú trong văn chương. Số phận của sự thật trước đổi mới và sau đổi mới quả có khác: lúc trước không ai biết mặt mũi nó, vì chưa bao giờ gặp, lúc sau vẫn không biết, nhưng vì một lý do khác, vì cứ ra ngõ là gặp hoài. Chúng ta đã biết một tình trạng tương tự: anh hùng biến mất, khi ra ngõ là gặp anh hùng. Dăm ba người từng 'mở đường cho sự thật', đi đầu trong công cuộc đổi mới văn chương, bỗng thấy mình đang chở củi về rừng. Cái giá để lập ranh giới giữa tác phẩm văn học và tờ truyền đơn là xoá ranh giới giữa văn chương và báo chí. Nếu có thể hoá thì một nền văn học tuyên truyền dễ hoá thành một nền văn học phóng sự. Kiếp văn học trước đeo nợ như thế vào kiếp văn học sau. Chữ nghĩa đời trước ăn mặn thì chữ nghĩa đời sau không thể không khát nước. Nhưng đáng bàng hoàng nhất là các sự thật đang tiến mạnh vào văn chương Việt Nam đều hao hao giống nhau. Như thể bản chất của sự thật là sự đơn điệu vậy. Như thể sự thật sở dĩ là một tiêu chuẩn nổi tiếng vì nó thành vô nghĩa nhanh hơn mọi sự khác trên đời. Vô nghĩa có một lợi thế hơn hẳn nghĩa, là chen vào đâu cũng được. Nó khỏi cần thận trọng, nonsense không có gì để mất, nhưng có thể được một quyền lực vô tክn, quyền lực của sự trống rỗng. Ở đấy cái cũ tàng hình đã đành, mà cái mới cũng chỉ có thể là một bóng ảo. Văn học Việt Nam đương đại làm sao đi đường mới được, nếu nó không hề đi đường cũ. Nếu muốn có một đối thủ tinh thần xứng đáng, có lẽ những người 'cấp tiến' chỉ còn cách liều một phen, thay vì yểm trợ sự thật hãy tuyên chiến với nó chẳng hạn. Nhưng đấy là điều tối kỵ trong văn chương Việt Nam.

Song cái mới không chỉ hoài công đi tìm một đối thủ. Nếu đấy là tất cả sự bi đát thì vẫn còn một chút hy vọng: nó có thể lấy chính mình để cọ sát, rốt cuộc thì chẳng ai ngoan cố với mình như mình. Nhưng cả chút hy vọng này cũng sớm tan, khi sự tự đối đầu ấy thành lố bịch, như những cơn bão trong chiếc chậu ngà của bản thân giữa cơn đại phong cuốn cả làng văn vào những cuộc tân tiến. Ở trong nước, người ta làm một cuộc như vậy nhanh hơn AQ và dân làng y cuốn bím tóc lên để trình bày một cái gáy nhẵn nhụi. Lúc nào đó thả bím tóc xuống, ấy lại là một cải cách mới, một cách mạng qua đêm. Hãy lấy cái mới triệt để nhất làm ví dụ: Những nhân vật điển hình mà bạn văn đã tin yêu lắm, bỗng thưa hẳn, có lẽ sắp tuyệt chủng, họ ra đi khẩn cấp, đem tuốt cả những hoàn cảnh điển hình vô cùng thân thiết ra khỏi trang văn. Ngôi nhà của nghệ thuật không thể một ngày để hoang, vậy bất chấp bạn văn ngỡ ngàng, những chủ nhân mới dọn đến ngay lập tức. Song cư dân văn chương của chúng ta - xin nhắc lại rằng đấy là một nền văn chương xoay quanh sự thật và chưa bao giờ nhúng chàm viễn tưởng - đương nhiên không thể từ sao Hoả rơi xuống. Chẳng mấy chốc bạn văn sẽ nhận ra những người quen cũ trong đám ấy, chỉ có điều kiếp hiện thực mới của họ khiến chỗ tình thân xưa ắt thành tình dưng. Văn tình nào khác nhân tình, một đảo lộn như thế trong thái độ với các nhân vật từ hiện thực bước vào văn chương đáng gọi là triệt để. Văn học Việt Nam lại không khác một cái hom giỏ, các nhân vật từ hiện thực đã chui vào đó thì ở hẳn trong đó, không thể bước trở lại hiện thực nữa. Thế là rủi hay là may cho hiện thực?

Ở Việt Nam hải ngoại, văn chương lại sẵn mới. Cứ đổi từ cái mới này sang cái mới kia đã đủ lắm. Tóc tai mỗi người tuỳ ý để một kiểu, vấn đề bím tóc của AQ đâm thừa. Hai nguồn khổng lồ: tình yêu với văn chương và tự do, sinh ra đều đều nơi đây: một bút pháp mới, một ngôn ngữ mới, một thể nghiệm mới, một cách nhìn mới, một thế hệ mới, một đề tài mới, một tâm sự mới... và ít nhất là một gương mặt mới. Ở những xứ dư thừa người ta không dè sẻn với những danh hiệu. Văn giới hải ngoại hẳn có nhiều ngón tự an ủi đáng xúc động, song thuốc tiên có thể ngấm thật, mãi cũng thấy mình như tiên. Mặt khác, xã hội hiện đại phương Tây chuộng cách tân thế nào thì cũng kích thích như vậy lòng bảo thủ sâu xa. Ở các cộng đồng thiểu số điều có rất thường là tinh thần hoài cổ.

Vậy là văn học Việt Nam đương đại ở cả trong lẫn ngoài nước không cần thêm một cách tân nào. Nó không thể mới, vì đã mới tới giới hạn cuối cùng của nó. Những người 'cấp tiến' có quá nhiều đối thủ, nếu đối thủ của cái mới là quá nhiều cái mới.

Nhưng sự thể còn có thêm một khía cạnh khác: trước khi bão hoà cái mới của chính mình, văn học của chúng ta đã chán ngấy những cách tân của văn chương thiên hạ, như thể chỉ hít khói bếp nhà hàng xóm mà no và chẳng thiết tự nấu nướng nữa. Thiên hạ thật đáng giận. Bếp nhà họ cứ um khói. Cách nửa vòng trái đất mà ta vẫn điếc mũi, mới ngửi Sartre đã đủ bội thực Sartre, thiết gì tự bày thêm một Sartre của mình nữa! Không có gì thiên hạ chưa thử. Phúc cho Nguyễn Huy Thiệp không biết không nghe không nhìn, một mình tiến vào đặt chảo lớn. Song bếp của ông vừa đượm thì nền văn học sành khói của chúng ta đã la hoảng: Giời ơi! Tưởng gì chứ món Dostoevsky này chúng tôi biết tỏng! Xã hội Việt Nam có quan điểm riêng về tự trọng. Nó thoải mái cóp lại sản phẩm mọi lĩnh vực của những xã hội khác, riêng trong văn học nghệ thuật thì nó nhất định dè bỉu những cố gắng "cũ người mới ta". Thà bão hoà, không còn ham hố gì, hơn là sinh ra chẳng hạn một Shakespeare nữa. Tưởng gì chứ Shakespeare! Quả là không nên giống hệt thiên hạ, nhưng tưởng giống mà lại không giống thì nên lắm. Tiếc rằng cho đến nay chỉ có một tác phẩm duy nhất của chúng ta được như vậy: Ngục trung nhật ký. Bài "Nguyên tiêu" ở đó với bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế, rồi một tứ trong bài "Thượng sơn" và một tứ trong bài "Vọng nguyệt" ở đó với hai tứ trong bài "Tĩnh dạ tư" của Lý Bạch chẳng hạn, và vô số liên hệ khác, khiến thơ Hồ Chủ Tịch thoạt đọc lên tưởng giống thơ Đường, nhưng thật khác thơ Đường lắm thay! Bài "Khán thiên gia thi hữu cảm" với hai câu kết nổi tiếng cho thấy rõ sự khác biệt đó. Tưởng gì chứ thơ Đường chúng ta cũng đã quá biết!

Nhưng khói bếp nhà hàng xóm muốn thế nào cũng chỉ là khói, không có mặt mũi và danh hiệu cụ thể. Nhầm lẫn là chuyện xưa nay vẫn từng. Không nhầm mới thật đáng nghi vấn. Sành là ngửi ra Đốt, Xếch, Xác... như nêu trên. Khói Rút Đi (Salman Rushdi) với khói Mắc Kẹt (Marquez) đều cuồn cuộn thơm lừng, mùi Văng (Boris Vian) sấn sổ có thể lẫn vào mùi Bret Easton Ellis ngập ngụa. Gần đây lại có người thạo, quả quyết Cáp Ca (Kafka) tin ở thượng đế, thật có lý chẳng khác một người nữa, tiết lộ rằng Ca ấy thực ra rất thân với quỷ sứ. Các chuyên gia của chúng ta đều sành sỏi, bảo cái này là món phi lý, cái kia là món hiện sinh, cái kia nữa là món tân tiểu thuyết, rồi tân hiện thực, rồi hậu hiện đại, rồi vị lai chủ nghĩa, vân vân. Nếu có người chơi khăm, lấy một bản thảo tưởng đã thất lạc của Aristotle dịch sang tiếng Anh không chấm phẩy, ký tắt bên dưới là J.J., chắc sẽ được các chuyên gia uyên bác ấy xếp ngay vào phong cách tự sự với kỹ thuật dòng chảy ý thức. Chà, ông tổ của kỷ luật có thể thành cha đẻ của vô tổ chức, không có gì là bất khả trong biện chứng của phương Đông. Vả lại nhầm còn hơn sót. Thuở nhỏ lũ trẻ chúng tôi từng ê thói tờ-rốt-kít, tức thói mách lẻo. Ông Trotsky không phản đối. Các ông bà khác cũng sẽ không phản đối. Đốt, Xếch, Xác, Rút, Mắc, Văng... thế nào cũng được, miễn là các nhà văn Việt chớ lặp lại những thử nghiệm ngoại quốc ấy, chúng phần lớn là bế tắc, hoặc không thể áp dụng vào ta, và nhất là chúng đã cũ rích! Ở trần đương nhiên hơn mặc lại một cái áo đã hết mốt. Thất học dễ thương hơn học mót, học đòi. Và tất nhiên lấy chính mình làm thầy vinh dự hơn làm học trò hạng bét của thiên hạ. Nhưng có một món mà thiên hạ đã nấu chán chê và bỏ hẳn, còn văn giới Việt Nam ở trong nước vẫn tiếp tục hâm đi hâm lại, càng hâm càng ngon hơn: văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khi thất thế ở Pháp, tân tiểu thuyết không rút về 'tị nạn' ở Việt Nam. Vì sao khi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phá sản ở Nga, nó có thể củng cố cơ đồ trên đất Việt?

Phải may mắn lắm những người 'cấp tiến' mới vượt qua được những trở ngại nêu trên, mà vận may lại hiếm rơi vào lòng một nhà văn Việt. Nhưng chưa hết. Cái mới còn một đối thủ nữa, một đối thủ khổng lồ: cái muôn thuở, tối hậu thư đầy uy quyền cho những cách tân ngoan cố nào đó. Cái muôn thuở, giá trị vĩnh hằng, không bao giờ phải sa vào luận lý. Nó lấy nó làm điều kiện bất khả tranh biện. Ta hãy xem văn học Việt Nam đương đại sử dụng cái phương tiện thần kỳ này như thế nào:

Một độc giả chất phác thường đứng ngoài mọi biến động văn học. Văn chương thay đổi là chuyện của văn chương, miễn sao người đọc vẫn được phục vụ tận tình. Vẫn được khen những gì đáng khen, chê những gì đáng phê phán. Vẫn yên tâm rằng thế gian này đáng sống. Đều bắt chuột thì văn-mèo-đen hay văn-mèo-trắng đều hay. Quan điểm giản dị và thực tế này có thể đánh đổ hầu hết các tham vọng tiền phong chủ nghĩa. Xem ra những thử nghiệm tân kỳ đều có ý đẩy con mèo văn đến chỗ thoái hoá chức năng vĩnh cửu của nó là bắt chuột. Thậm chí khiến nó không còn giống một con mèo. Nó có vẻ muốn làm một con hổ thì phải! Tôi không nghĩ là độc giả ở một số nền văn học khác thiếu óc thực tế hơn. Song có lẽ ở những nơi ấy người ta có nhiều phương tiện hiệu nghiệm khác để bắt chuột. Văn chương của họ có thể thử mình ở những lĩnh vực lạ lẫm. Nếu thất bại thì quay lại với chức năng cố hữu lúc nào cũng chưa muộn gì. Người ta chỉ hay đến quá sớm, chứ không thể lỡ hẹn với cái cố hữu.

Một nhà phê bình lại khác. Nghỉ (tôi xin dùng lại đại từ nhân xưng cổ này để tránh phải chọn giữa y, hắn, ông ta, bà ấy...) cũng ham bàn chuyện chức năng chẳng kém, nhưng còn có cái thú triển khai cái muôn thuở thành: những chủ đề vĩnh cửu, những khát vọng vĩnh hằng, những giá trị muôn đời, những vấn nạn ngàn năm, những truyền thống của cha ông..., tóm lại là tất cả những gì đã được thời gian thử thách. Là một kho tàng vô tận. Muốn tìm một cái gì thật bé nhỏ trong đó có thể mất cả đời không xong. Lỗ Tấn, trong bài "Văn học và mồ hôi" năm 1927, từng vất vả đi tìm mồ hôi trong rừng giá trị nhân bản vĩnh cửu như vậy. Ông chỉ có thể phỏng đoán rằng giọt mồ hôi rịn ra trên trán các bà các cô quý phái ở Anh quốc không giống gì giọt mồ hôi rơi từ nách anh cu ly Trung Hoa, vậy nhân loại thật khó có chung một thứ mồ hôi vĩnh cửu. Nhưng ông cho rằng, ở nước ông nếu nghe một đạo sĩ nói về Đạo giáo hoặc một nhà phê bình văn học nói về văn học, người ta có thể sởn gai ốc, không són ra nổi một giọt mồ hôi nào. Ông tự hỏi, phải chăng hãm mồ hôi mới thật là một trong những giá trị vĩnh cửu của người Trung Quốc?

Ở Việt Nam người ta, một lần nữa, không tư biện như vậy. Hễ nhắc tới những giá trị muôn thuở là lập tức chân lý, thậm chí công lý nữa, ở trong tay nhà phê bình rồi. Nếu nghỉ bảo tác phẩm nọ đã đi vào lòng người Việt Nam tự bao đời thì bạn văn hãy mau mở lòng ra đón nhận. Còn tiêu chuẩn nào xứng đáng hơn? Nghỉ lại có thể thủng thẳng nhận xét rằng, hiện tượng văn chương này có vẻ lạ nhưng chẳng qua là một cái mốt thời thượng. Cổ hủ vẫn hơn đứt ăn diện nhất thời. Rằng hiện tượng văn chương kia chẳng qua dựa trên xảo thuật, dễ gây chú ý nhưng nhanh chán. Chẳng có thuật gì xảo, không có gì đáng chú ý còn hơn: ít ra không ai có thể nhanh chán một cái gì ngay từ đầu đã ngấy đến cổ, không ai có thể nói xấu một cái gì ngay từ đầu đã chẳng có gì đáng nói. Hay tôi nên tự hỏi, phải chăng chính cái không-có-gì-đáng-chú-ý, cái không-có-gì-đáng-nói mới chính là một trong những giá trị muôn đời bất biến của văn học Việt Nam? Và nhất là khi nghỉ phán rằng, tác phẩm này xa rời những khát khao nhân bản vĩnh cửu, tác phẩm kia đi ngược với bản chất hằng tồn của con người, vâng, tác phẩm kia nữa nhất định sẽ bị thời gian đào thải, thì gã văn sĩ 'cấp tiến' ưa thay đổi hãy mau thành khẩn nhận là đã vi phạm. Vi phạm cái muôn thuở. Sartre từng vi phạm như vậy. Lẽ nào nhân loại lại khao khát nôn? Lý Bạch từng vi phạm. Say sưa bí tỉ là giá trị chân chính muôn đời của con người chăng? Mà ông, "thiên thượng trích tiên nhân", thực ra đâu có thuộc cõi người mà thấu hiểu nhân bản! Nguyễn Du cũng vi phạm. Dám viết văn mua vui vài trống canh mà thôi! Lỗ Tấn, trong bài đã dẫn, cho biết: Có vị giáo sư nọ ở Thượng Hải bảo, văn chương phải miêu tả những giá trị nhân bản vĩnh cửu, nếu không thì chính nó chẳng trụ lại mãi được. Thí dụ Shakespeare và một số văn hào khác ở nước Anh đã viết như vậy, nên ngày nay chúng ta vẫn đọc họ, trong khi những nhà văn bỏ qua điều đó thì bị lãng quên. Lỗ Tấn công nhận là nhiều tác phẩm của văn học Anh thời trước có thể đã bị thất lạc, nhưng ông chưa được hân hạnh biết rằng, chúng bị quên lãng chỉ vì không miêu tả các giá trị nhân bản vĩnh cửu. Bây giờ nghe giải thích vậy thì ông biết vậy. Chỉ có điều đáng thắc mắc, là nếu các tác phẩm ấy đã bị quên lãng, không ai biết tới nữa, tức đã bị chôn vùi, thì vị giáo sư nọ làm sao biết được chúng miêu tả hay không miêu tả cái gì?

Nhưng luận lý không giúp gì gã văn sĩ 'cấp tiến' ưa thay đổi. Gã đã sợ hãi lắm. Còn có gì đáng sợ hơn thời gian? Một dòng chưa viết ra đã e bị thời gian vùi đi mất. Vậy thay vì những dòng riêng tư đầy nguy cơ bị đào thải, hãy viết những dòng như mọi đồng nghiệp, rốt cuộc thì thời gian muốn ủi trắng cả một tập thể sẽ phải dày công hơn. Còn gì đáng sợ hơn nhân loại vĩnh hằng? Trong số 1.000 độc giả hôm nay còn đọc văn và ngày mai có thể biến mất, không ai có vẻ đại diện cho nhân loại ấy. Vậy hãy chờ ngày mai bất hạnh qua đi, để hôm qua trở lại. Hôm qua nhất định sẽ trở lại. Hãy gắng đợi, và đợi, và đợi. Đợi nhất định là một trong những giá trị muôn thuở của con người.

Đúng như thế. Chờ đợi là giải pháp duy nhất của những kẻ ưa cải tiến. Chờ cho lỗ thủng hết thủng rồi hãy chọc. Chờ cho AQ hết tóc rồi hãy chải đầu. Chờ cho thiên hạ dẹp bếp rồi hãy đói. Chờ cho hôm qua vinh quy...

Trong khi chờ cái mới, vị khách văn chẳng bao giờ tới, văn giới Việt Nam có thể tranh thủ làm những việc khác. Có thể đánh cuộc với nhau rằng khách sẽ tới hay không tới. Có thể phỏng đoán khách là người thế nào. Có thể tung hoả mù. Có thể mạo danh khách. Có thể kịch liệt lên án kẻ lỗi hẹn. Có thể phá đám, bỏ cuộc...Và có thể đóng hẳn cửa lại, để phạt vị khách văn không bao giờ tới ấy phải đứng ngoài.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021