thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [1] BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA NGHỆ THUẬT
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch

 

Giới thiệu tác phẩm:
         Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn là một tập hợp những câu hỏi và trả lời. Những câu hỏi này được đặt ra cho tác giả, một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, từ những độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Mỹ muốn tìm hiểu về đủ loại vấn đề. Nhìn chung, đông đảo độc giả đều muốn biết các nhà tư tưởng trong quá khứ suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Họ không mưu tìm một câu trả lời dứt khoát, một giải pháp rốt ráo, mà thường họ muốn hiểu rõ vấn đề và muốn rút được bài học từ các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống triết học phương Tây.
         Những câu hỏi này được tác giả trả lời trong một chuyên mục của ông, ban đầu chỉ được đăng tải trên tờ Chicago Sun-TimesChicago Daily News. Trong vòng một năm sau khi ra đời, đã có tới 28 tờ báo mua bản quyền để đăng tải chuyên mục này (trong đó có tờ Kenkyu Sha ở Tokyo). Sự thành công của chuyên mục đã đưa tới việc tập hợp những câu hỏi và trả lời thành một cuốn sách.
         Đó là hoàn cảnh hình thành tác phẩm này trong lòng xã hội Mỹ.
         Dĩ nhiên đối với người Việt, văn minh phương Tây nói chung, và triết học của nó nói riêng, không phải là đề tài học tập bắt buộc, và cũng không phải là nguồn cội tư tưởng giúp chúng ta định hướng cuộc sống và giải quyết những vấn đề của mình. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận sự kiện rằng truyền thống triết học phương Tây đã có ảnh hưởng quyết định đối với nền văn minh phương Tây vốn đã đạt nhiều giá trị mà hiện đã trở thành phổ quát đối với phần còn lại của thế giới, nên triết học phương Tây thực sự xứng đáng được chúng ta quan tâm đúng mức.
         Như đã nói trên, khi trả lời các câu hỏi, tác giả không đưa ra, hay áp đặt, một câu trả lời dứt khoát hay một giải pháp tối hậu. Ông chỉ trình bày các nhà tư tưởng lớn đã nói gì trong các tác phẩm của họ về các vấn đề được độc giả nêu ra. Các nhà tư tưởng này thường có những ý kiến khác nhau, thậm chí xung khắc nhau, tuy họ đều dựa trên cơ sở lý luận nào đó, và ý kiến của họ luôn là thành quả của nhiều năm tháng suy nghĩ và chiêm nghiệm. Cách trình bày này giúp độc giả có cơ hội nhìn và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, tự rút ra bài học cho mình và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây cũng chính là cốt tủy của cái mà tác giả trình bày như một “nền giáo dục khai phóng”, một nền giáo dục - hình thành từ thời cổ đại ở Hy Lạp và La Mã - nhằm vào việc đào tạo những con người tự do, hiểu theo nghĩa là một con người biết tư duy rốt ráo về từng vấn đề, biết tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Mẫu người tự do này khác hẳn mẫu người nô lệ, chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, và dĩ nhiên, họ không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng họ đã hành động theo những quyết định đó.
         Một quan điểm đáng lưu ý nữa của tác giả là ở chỗ ông luôn trích dẫn ý kiến của những tác gia kinh điển của từng lãnh vực, ngay cả khi lý thuyết của những tác gia này đã bị vượt qua, hay thậm chí bị phi bác, bởi những nhà tư tưởng và thành quả khoa học của thời hiện đại. Ông biện minh rằng chúng ta không học tập hay tiếp nhận những tri thức của các nhà tư tưởng đó, vì có thể nó đã bị vượt qua hoặc không còn đúng nữa dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, mà chúng ta học tập phương pháp tư duy của họ, hiểu ra con đường và cách đi của họ để tiếp cận với chân lý, tuy họ sống trong những thời kỳ mà khoa học và kinh tế còn phôi thai, chưa phát triển. Đó mới thực sự là điều mà triết học mang lại cho con người và cũng là điều bổ ích của tác phẩm này.
         Như các bạn sẽ thấy, các câu hỏi trong sách này trải rộng trên nhiều lãnh vực, từ đạo đức, chính trị, xã hội đến kinh tế và nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống (như mỹ học, nghệ thuật, giáo dục, quan hệ nhân sinh…). Như thế không có nghĩa rằng các nhà tư tưởng phương Tây chỉ bàn về những chuyện ấy, mà chẳng qua là vì câu hỏi từ các độc giả thường chỉ xoay quanh những vấn đề gần gũi ấy và ít có người quan tâm đến những lý thuyết phức tạp hơn vốn để lý giải bản chất của hữu thể và cấu trúc của thực tại. Chúng tôi muốn nói rõ điều này để các bạn hiểu sách này không bao quát toàn bộ triết học phương Tây, mà chỉ xoay quanh những vấn đề được nhiều con người bình thường quan tâm. Cũng chính vì thế mà chúng tôi tin tác phẩm này bổ ích cho tuyệt đại đa số chúng ta - những người không chuyên nghiên cứu triết học.
         Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn thưa cùng bạn đọc là, do tác phẩm này bao trùm nhiều lãnh vực học thuật khác nhau, đòi hỏi người dịch phải có một kiến thức cơ bản nào đó ở mọi lãnh vực, mà điều đó chúng tôi tự xét là mình chưa đạt được, nên việc dịch và chú giải sách này – tuy chúng tôi đã làm hết sức trong khả năng có hạn của mình – chắc chắn vẫn còn nhiều sai sót. Chúng tôi thực sự rất mong nhận được ý kiến chỉ giáo của bạn đọc.
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn
-----------------------------------------

 

Thưa tiến sĩ Adler,

Tôi có nghiên cứu nhiều cuộc thảo luận về nghệ thuật, nhưng nó gần như luôn luôn xoay quanh những chuyện như hội họa, điêu khắc, và âm nhạc. Tôi tự hỏi chúng ta có thể mở rộng từ “nghệ thuật” để bao hàm một phạm vi rộng hơn nhiều không. Chẳng hạn, tôi thấy có những cuốn sách viết về “nghệ thuật nấu ăn”. Đó có phải là một cách dùng từ chính xác không? Gọi một người thợ mộc hạng nhất là “nghệ sĩ” có đúng không?

J.V.G.

 

J.V.G. thân mến,

Cho đến cuối thế kỷ 18, chữ “nghệ thuật” được dùng rất rộng rãi để bao hàm mọi hình thức kỹ năng con người và tất cả những gì mà con người có thể tạo ra bằng tài nghệ khéo léo.

Chính trong ý nghĩa này của từ ngữ mà Plato và Aristotle nói về các nghệ thuật, rồi nhà thơ La Mã Lucretius[1] nói tới những kỹ năng mà Prometheus[2] trao cho con người, cho phép con người cải thiện những điều kiện vật chất của cuộc sống. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà Rousseau, nhiều thế kỷ sau, nói về nghề luyện kim và nghề nông như hai nghệ thuật dẫn đến sự tiến bộ từ đời sống sơ khai đến đời sống văn minh. Tương tự, Adam Smith, nhà kinh tế học vĩ đại của thế kỷ 18, trao cho chúng ta một danh sách dài các nghệ thuật có dính dáng đến việc sản xuất của cải vật chất.

Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người. Khái niệm nghệ thuật của họ bao gồm mọi thứ mà con người có kỹ năng hay bí quyết chế tác ra.

Ngày nay đa số chúng ta dùng từ này với nghĩa rất hạn hẹp. Trước hết, chúng ta thường quên rằng nghệ thuật liên hệ chủ yếu đến kỹ năng mà một người có và chỉ liên hệ chủ yếu đến các tác phẩm nghệ thuật – những sản phẩm của công việc khéo léo. Thứ hai, chúng ta thường đồng nhất nghệ thuật với người “nghệ sĩ” và người có óc thẩm mỹ. Thỉnh thoảng, bắt đầu với nghệ thuật tạo hình, chúng ta tính đến thi ca và âm nhạc, nhưng thỉnh thoảng chúng ta dùng từ “nghệ thuật” với nghĩa thậm chí hẹp hơn để chỉ những gì chúng ta nhìn thấy trong các viện bảo tàng – các họa phẩm và tượng điêu khắc.

Mặt khác, chúng ta vẫn thừa nhận ý nghĩa rộng hơn của từ này. Chúng ta nói về “mỹ thuật công nghiệp” (industrial arts), và chúng ta ca tụng một người thợ thủ công giỏi bằng cách nói rằng ông ta là một nghệ nhân. Chúng ta ngụ ý rằng chúng ta hiểu nghệ thuật là kỹ năng khi chúng ta liên hệ tới nghệ thuật đọc truyện, nghệ thuật dạy dỗ, nghệ thuật chữa bệnh, mặc dù trong những trường hợp này không có sản phẩm vật chất nào để chúng ta gọi là tác phẩm nghệ thuật. Và khi chúng ta phân biệt giữa cái nhân tạo và cái thiên nhiên, chúng ta vạch một đường ranh giữa những sự vật mà con người sử dụng kỹ năng của mình để chế tác ra và mọi thứ khác trong thế gian.

Tôi nghĩ chúng ta sẽ khôn ngoan hơn khi quay trở lại với cách dùng truyền thống và rộng rãi của từ “nghệ thuật” để bao hàm mọi hình thức kỹ năng con người và mọi thứ mà con người có thể đem lại bằng các phương tiện của kỹ năng. Thế thì, trong nghĩa rộng này, chúng ta có thể phân biệt những loại nghệ thuật khác nhau và đồng thời nhận ra cái gì chung cho tất cả. Bất chấp sự khác biệt của chúng về tính chất và sự phức tạp, chúng ta vẫn sẽ thấy nghệ thuật trong việc nấu ăn và nghề thợ mộc cũng như trong thi ca và hội họa.

Có nhiều cách phân loại các nghệ thuật, nhưng tôi sẽ chỉ đề cập đến những loại cơ bản nhất.

Những nghệ thuật như nấu ăn và nghề thợ mộc được gọi là “hữu ích” bởi vì chúng tạo ra những thứ mà chúng ta sử dụng và tiêu dùng. Trái lại, những nghệ thuật như thi ca và hội họa, mà chúng ta gọi là “tinh tế” (tức mỹ thuật), tạo ra những đối tượng mang lại cho chúng ta niềm vui được hiểu biết hoặc thưởng ngoạn. Người Pháp có một tên gọi hay hơn cho những nghệ thuật này. Họ gọi chúng là “beaux-arts”, có nghĩa là chúng tạo ra những sự vật của cái đẹp để người ta vui hưởng.

Hồi ấy có những cái gọi là “nghệ thuật khai phóng”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại coi một số nghệ thuật là lao dịch và một số khác là khai phóng, tùy theo tác phẩm được tạo ra chủ yếu là vật chất hay tinh thần. Do đó một ngôi nhà là một tác phẩm của nghệ thuật lao dịch, trong khi bài thơ là tác phẩm của nghệ thuật khai phóng. Nhưng khoa học cũng là tác phẩm của nghệ thuật khai phóng. Đó là lý do tại sao những kỹ năng như kỹ năng ngữ pháp, luận lý, và toán học được gọi là những môn nghệ thuật khai phóng.

Cuối cùng, có ba nghệ thuật rất đặc biệt – nghệ thuật của người trồng trọt, người chữa bệnh, và người dạy dỗ. Những nghệ thuật này được để riêng ra dưới tên gọi “những nghệ thuật hợp tác”, bởi vì ở đây người nghệ sĩ chỉ đơn thuần hỗ trợ tự nhiên trong tiến trình phát triển của nó. Sẽ không có đôi giày nếu không có những người thợ giày, nhưng sẽ có cây trái và ngũ cốc mà không cần những người trồng trọt. Đây căn bản là những tạo vật của thiên nhiên, mà người trồng trọt cố gắng chỉ hỗ trợ tự nhiên trong tiến trình sản xuất của nó.

 

Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch từ cuốn Great Ideas from the Great Books của Dr. Mortimer J. Adler.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

-------------------------------

MORTIMER JEROME ADLER (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, sinh tại New York City, tốt nghiệp Đại học Columbia.

Ông giảng dạy tâm lý học tại Đại học Columbia (1923 – 1929) và dạy triết học về luật tại Đại học Chicago (1930 – 1952). Từ 1945 đến 1952, ông cùng với nhà giáo dục Robert Hutchins biên soạn một công trình đồ sộ gồm 52 tập, Great Books of the Western World. Năm 1952 ông thôi giảng dạy tại Đại học Chicago để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Triết học mới thành lập tại San Francisco.

Các tác phẩm quan trọng của ông có thể kể: How to Read a Book (1940), The Difference of Man and the Difference It Makes (1967), Philosopher at Large: An Intellectual Autobiography (1977)...

Ông là chủ biên công trình biên niên sử The Annals of America (20 tập; 1969) và là chủ biên ấn bản thứ 15 bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, xuất bản năm 1974.

 

_________________________

[1]Lucretius (94? – 55? tr. CN): triết gia và nhà thơ La Mã.

[2]Prometheus: trong thần thoại Hy Lạp là người khổng lồ ăn cắp lửa của thánh thần đem về cho con người, bị trời phạt trói vào một tảng đá cho kên kên hàng ngày tới moi gan ra ăn, và gan của ông cứ mọc lại mỗi ngày.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021