thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"TÔI ỦNG HỘ THI CA DẤN THÂN..." [Nói chuyện với František Hrubín]
(Diễm Châu dịch)

 

«Hãy mở cửa cho người đọc, kế đó chọn lối đi sẽ là việc của người ấy một khi đã bước vào.» Ấy là đại khái -- tôi trích lời rất «rộng rãi» -- điều mà nhà thơ Léon-Paul Fargue đã phát biểu. Những người khác lại chủ trì rằng người đọc không quan trọng và nhà thơ rất có thể để người ấy mỏi mòn chờ đợi trước một cánh cửa đóng. Ý kiến của ông ra thế nào?

Chuyện đó khiến tôi nghĩ tới F.X. Salda1. Tôi không còn biết chính xác ở đâu, nhưng ở một trong những văn bản của ông ta, ông ta đã nói về sứ mạng và vị trí của nhà thơ trong lòng dân tộc, và ông ta đã phê phán nhà thơ, cũng như những người khác, theo ảnh hưởng thơ của người ấy có đối với đông đảo người đọc, theo ngọn sóng quan tâm mà tiếng nói của nhà thơ đã xô lên và chuyển động. Không bao giờ nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của tầng lớp trí thức. Dĩ nhiên ta cũng không thể không nhìn nhận nỗ lực của những người hôm nay đang cố gắng -- đôi khi với đôi chút thiếu khoan dung, nhưng hoàn toàn hiểu rõ việc họ làm -- tìm ra một hình thức mới và chinh phục những vùng đất mới cho công cuộc sáng tạo của họ. Những phản ứng đầu tiên của công chúng đối với sách vở của Vancura2 không đặc biệt hào hứng. Có lẽ tôi tán thành ý kiến của Teige3 cho rằng chỉ có một thi ca duy nhất và thi ca đó chỉ có thể là có tính cách mạng. Cả Neruda4 nữa cũng là một nhà thơ cách mạng trên hết, trong Hoa nghĩa trang cũng như trong Những tiếng hát đau thương. Dẫu như chóng vánh và giới hạn vào một số người đọc thu hẹp, không một phát triển mới nào -- ở đây tôi chỉ nói về văn chương -- lại không có ý nghĩa đối với tương lai của thơ. Còn về hiện tại, thời chính những phẩm chất sẽ định đoạt điều đó ngay từ lúc này. Nhưng ấy là những sự thật đã hiển nhiên.

Tính hiện đại trong thơ là gì? Có lẽ tôi sẽ định nghĩa nó như cái gì, vào bất cứ lúc nào, vang lên, như một hình thức mới, hòa điệu với thực tại mới mà chúng ta đang sống, cái gì toan tính bao hàm thực tại ấy, khiến nó chuyển dịch hoặc biến đổi nó. Nhưng làm chuyện ấy chỉ bằng những phương tiện thuộc riêng về thơ mà thôi. Tôi nhớ tới câu ngạn ngữ thường được trích dẫn một thời: thơ luận đề hay khi đó là thơ hay. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là trọn vẹn thơ phải minh họa một luận đề, dẫu rằng sự thật vẫn là, ít nhất là theo ý tôi, được sử dụng đúng lúc, loại thơ này có thể có một sức mạnh khôn lường.Ta hãy nhớ tới Những ca khúc ở Silésie 5! Nói về việc lạm dụng thơ để phục vụ những khuynh hướng ý thức hệ, Viktor Chklovski nói: Người ta cũng có thể đóng một cây đinh bằng một ấm đun trà của Nga (samovar), nhưng tại sao lại đúng là bằng một ấm đun trà của Nga?

Không ai là không biết rằng đông đảo người đọc nghiêng về khuynh hướng bảo thủ và sự tiện nghi đã được chứng tỏ của những hình thức truyền thống. Vậy thời không hiếm hoi gì nếu một nhà thơ đi bên cạnh công chúng của mình, hoặc xô ngay mặt công chúng. Trong trường hợp này, nhà thơ lại cần phải, không tự hạ, không nhượng bộ, luôn luôn tìm cách thuyết phục người đọc mình. Làm sao nhà thơ lại có thể không quan tâm đến điều đó trong lúc ông biết rằng tác phẩm của ông chỉ có thể sống nhờ họ? Viết cho những đám mây bay qua, viết bằng mực đen trên giấy đen, không có nghĩa.

Tôi tin rằng khi đem vào đôi chút sửa đổi nho nhỏ, chúng ta cũng có thể chấp thuận cho thi ca cái định nghĩa về lịch sử con người mà Russell đã bày tỏ. Lịch sử thi ca, ấy là lịch sử của những nhà sáng tạo lớn, những kẻ tạo ra tác phẩm ngược lại ý muốn của đại đa số rộng lớn những người đọc. Nhưng luôn luôn có lợi cho thi ca trong tương lai -- với giả thiết là họ bằng những nỗ lực không biết mỏi mệt, khiến được những người đọc này ngả theo những ý tưởng mới. Tất nhiên không một tác phẩm nào chinh phục được hết mọi đầu óc bao giờ. Thế nhưng có điều chắc chắn không kém là, nếu như người đọc mãi mãi ở lại trước một cánh cửa đóng, thời đó không phải là lỗi ở họ.

Mỗi nhà thơ, ngay cả người chuyên thuộc nhất, đều muốn được nghe biết.

Tôi ủng hộ thi ca dấn thân, với điều kiện là người viết phải có trọn vẹn tự do. Không một nhà thơ nào có thể dửng dưng với những công chuyện của dân tộc và quốc gia nói chung. Càng không thể dửng dưng kẻ thuộc về một quốc gia nhỏ bé như của chúng ta, mà sự tồn tại thường bị đe dọa. Cố nhiên, sự dấn thân như tôi quan niệm không phải là một sự gia nhập thụ động. Thơ là một cuộc đối thoại về sự thật, một cuộc đối thoại chắc hẳn là cuốn hút và say mê.

 

-------------------
Chú thích:
Trích đoạn trên đây dịch theo bản Pháp văn của Erika Abrams. Các ghi chú sau là của bản Pháp văn:
1. nhà phê bình Tiệp; 2. Vladislav Vancura, tiểu thuyết gia; 3. Karel Teige (1900-1951), nhà thơ; 4. Jan Neruda (1834-1891), nhà thơ, nhà phê bình Tiệp; 5. thơ của Petr Bezruc (1867-1958), về thợ mỏ vùng Silésie.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021