thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ trữ tình còn có thể được chăng? (La poésie lyrique est-elle encore possible?)
(Diễm Châu dịch)

 

Người ta có thể tự hỏi phải chăng vấn nạn này lại không xưa như chính thơ trữ tình. Chúng ta hãy nhớ lại Platon, người đã không muốn có nhà thơ, nhà thơ trữ tình?, trong đô thị lý tưởng của mình.

Gần chúng ta hơn, sau chiến tranh, một lời tuyên bố của một triết gia khác, người trước hết là một nhà xã hội học, đã trút nước vào cái cối xay của những kẻ miệt thị thơ trữ tình: đó là lời tuyên bố thời danh của Adorno, mà người ta thấy trong nhiều bài tiểu luận về thơ, trong nhiều bài tựa, một câu nói được nhắc tới trong nhiều dịp. Và từ đấy, người ta có cảm tưởng rằng một lớp màn nghi hoặc bao phủ trọn vẹn thơ, và đặc biệt là thơ trữ tình, là vì ấy chính thơ trữ tình là thứ mà Adorno nhắm tới, thơ trữ tình Đức (và do truyền nhiễm, tất cả thơ trữ tình Tây phương).

«Sau Auschwitz, không còn có thể viết những bài thơ nữa», ông nói.

Câu này, chúng ta gặp trong tác phẩm của ông năm 1955, tựa là Lăng kính.

Năm 1951, trong một hội nghị với đề tài: Phê bình văn hóa và xã hội, ông nói : «... sau Auschwitz, viết một bài thơ là mọi rợ» (Nach Auschwitz, ein Gedicht zu schreiben ist barbarisch...)

Ông, Adorno, lại chẳng muốn nói đấy sao, rằng đối với thơ, đối với sáng tác văn chương nói chung, cũng như đối với nhiều địa hạt khác, có một tiền-Auschwitz và một hậu-Auschwitz? Rằng sự ghê rợn, rằng điều không thể gọi tên đã xảy ra và rằng người ta không thể không lưu ý tới điều đó?

Dầu sao, câu này chất vấn thơ, buộc thơ phải tự biện minh. Nếu không «sứ mệnh khai hóa», «nhân đạo hóa» của thơ sẽ mất hết tín nhiệm.

Heckmann nhớ tới một cuộc hội thảo về triết học năm 1954, trong đó Adorno tuyên bố rằng câu nói nổi tiếng của ông đã bị hiểu lầm. Heckmann, tiểu thuyết gia, người viết tiểu luận, chủ tịch Hàn lâm viện Đức về ngôn ngữ và văn chương cho tới mãi năm 96. Trong một bài báo xuất hiện vào năm 97, Heckmann tuyên bố rằng nếu người ta đẩy tới tận cùng câu nói của Adorno, thời hẳn là người ta đã chẳng còn nên viết những bài thơ, trước Auschwitz nhiều, những bài thơ đã biến tâm hồn người Đức (die deutsche Seele) thành một «hầm, mỏ» khai thác những kẻ giết người.

Adorno, trong hội nghị ấy đã soi sáng lời lẽ của mình: Sở dĩ lúc trước ông đã nói rằng sau Auschwitz, người ta không còn có thể viết những bài thơ, là vì ông muốn nhấn mạnh về sự không thể viết những bài thơ trong cùng một thứ ngôn ngữ mà với ngôn ngữ ấy, người ta đã lảng tránh, vào thời quốc xã, không đề cập tới sự khủng bố và sự bất công. Và ông thêm: «Cái ngôn ngữ này, cái ngôn ngữ đã phát biểu với biết bao là hăng say và cảm kích về bản thể (Pathos des Wesentlichen: dịch sát là 'cảm kích của bản thể'), đến khinh suất cái nhân tính, đã mất quyền ta thán về số phận của người Do-thái.»

Và Heckmann kết thúc bài báo của mình bằng cách nói đến việc người La-mã tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem, cuộc tàn phá này đã để người Do-thái lại trong một nỗi buồn câm nín sâu xa. Ông trích lời Michael Sachs, tác giả một tuyển tập thơ tôn giáo của người Do-thái Tây-ban-nha xuất bản vào năm 1848 : Kẻ vừa bị một tai họa giáng xuống người không thi vị hóa, không triết lý, khi nỗi đau như một sự thật tràn đầy trọn vẹn mình; kẻ ấy tự lấy làm đủ về điều đó, (kẻ ấy mãn nguyện về điều đó: befriedigt), tự thích nghi với điều đó.»

Ấy đó là điều, có lẽ, có thể soi sáng ý nghĩa câu nói kia của Adorno.

Trong tuyển tập Feuerharfe (Cây đàn lửa) của Joseph Billen, phụ đề: Những bài thơ bằng tiếng Đức của các tác giả Do-thái, nhà Reclam xuất bản năm 97, một tác giả như Hans Sahl, một người sống sót từ các trại tập trung, đã bác bỏ lời tuyên bố của Adorno, trong một bài thơ :

Chúng tôi nghĩ rằng những bài thơ
lúc này đã trở thành có thể được
trong chừng mực mà duy
bài thơ mới cho phép nói
những gì biến thành diễu cợt
mọi điều miêu tả.        (dịch sát)

Và Rose Ausländer :

Tôi kẻ sống sót
từ kinh hoàng
viết ra bằng từ ngữ
sự sống

Joseph Billen thêm: «Đó là làm một điều bất công đối với các nạn nhân khi qui chiếu vào sự tàn nhẫn không thể tả xiết của bọn tra tấn ác độc mà nói về sự chấm dứt cái nhân tính nơi từng cá nhân (die individuelle Humanität), một cái nhân tính mà họ bênh vực.»

Trong cuốn Biện chứng pháp tiêu cực năm 1966, Adorno thay đổi ý kiến về câu nói của ông và nói như sau: «Rất có thể là đã sai lầm khi quả quyết rằng sau Auschwitz, không còn có thể viết những bài thơ nữa.» Trước đấy ông đã gặp tác phẩm của Celan (trích một bài của Martine Broda: «Paul Celan, thái độ của một nhà thơ sau Auschwitz» -- trong La Politique des poètes, A. Michel). Người ta có thể nghĩ rằng Celan cũng đã trả lời Adorno bằng những bài thơ của mình. Rằng ông đã trả lời, trong số những bài khác, bằng bài "Todesfuge" bao gồm câu thơ này: «Der Tot ist ein Meister aus Deutschland, sein Auge ist blau.» (Cái chết là một chủ nhân ông đến từ nước Đức, con mắt hắn xanh.) Bài thơ này viết trong ngôn ngữ của những kẻ hành hình, bài thơ trữ tình này, theo ý tôi, là bài thơ đẹp nhất (nhưng tính từ đẹp không thích hợp ở đây), bài thơ làm đau buốt nhất của tiếng Đức.

 

Tới đây, tôi không thể không nói tới một nhà tư tưởng Đức khác, rất nổi tiếng ở Pháp, người cũng đã để tâm tới thơ trữ tình, để tâm tới một vài nhà thơ Đức. Đó là Heidegger, người đã để tâm tới Hölderlin và Trakl (và Georg, Rilke). Với sự sâu sắc thông thường của ông, ông đã nói những điều ngày nay vẫn còn làm thán phục các đệ tử và kẻ xông hương cho ông người Pháp. Ông đã lôi kéo nhất là thơ Trakl, tới một thứ thần bí khả nghi, tới việc thánh thiêng hóa sự hiện diện (M. Broda). Có cái gì đó khiến ta nghi ngờ khi chính Heidegger là người thu tất cả cái lợi về mình. Có lẽ thật tế nhị khi nói tới triết gia này, ở đây, ở kế cận Isle-sur-Sorgue: nhưng người ta lại chẳng lấy làm ngạc nhiên sao về cuộc gặp gỡ của René Char, con người kháng chiến, kẻ đối kháng sự man rợ, con người ở thế đất quen thuộc này, kẻ đã liều mạng, với một triết nhân ở vị thế dễ chịu, tiện lợi, người đã tuyên bố ngày 27 tháng Năm 1933 trước các sinh viên Fribourg của mình ở Forêt-Noire: «Aber wir wollen, daß unser Volk seinen geschichtlichen Auftrag erfϋllt» (Nhưng chúng ta muốn rằng dân tộc chúng ta hoàn thành định mệnh lịch sử của mình). Lời kêu gọi tới dân tộc, dân tộc kẻ cứu chuộc, sự thánh thiêng hóa dân tộc. Người ta biết chuyện đó đã dẫn tới đâu. Người ta biết chuyện đó ngày nay còn dẫn tới đâu nữa.

Nhưng đã rõ là các triết gia, trong các dịp lớn, lầm lẫn thường hơn là các nhà thơ.

Sau đó, người ta cũng có thể tự hỏi các triết gia (thế nhưng quả là bất công khi tổng quát hóa) có cân nhắc hay chăng tầm mức của những lời họ nói, những lời đôi khi chỉ là những cuộc phiêu diêu bay bổng, thuộc loại trữ tình giá hạ, hay một cách đơn giản hơn, họ có biết hay chăng ý nghĩa của từ ngữ. Quả thật là họ thường ẩn núp một cách sẵn sàng hơn vào những ý niệm, ưa hơn cả là vào những ý niệm mịt mù để người ta khỏi thấy họ.

Heidegger cũng mang một phần trách nhiệm về sự nghi ngờ bao quanh thơ trữ tình hôm nay. Nhưng có lẽ đó hãy còn là phần trách nhiệm kém quan trọng hơn cả.

Các triết gia đã khiến Thomas Bernhard cười nhiều: Kant, con người nghiêm nghị, cứng nhắc – Schopenhauer, kẻ hay gắt gỏng, cau có, cáu kỉnh; Heidegger mà ông «lúc nào cũng thấy ngồi trên một cái ghế dài trước nhà ở Forêt-Noire, bên cạnh bà vợ là người, trong nhiệt tình hồ hởi phấn khởi kỳ quái đối với việc đan, không ngừng đan cho ông ta những chiếc vớ ngắn bằng thứ len, do chính bà gọt, từ chính những con cừu Heidegger của họ.»

Ông cũng thấy triết gia thức giấc, vận quần xà-lỏn, xỏ vớ, uống một ngụm rượu vang mới, ra khỏi cái lô-cốt và nhìn ngắm chân trời. (Maîtres anciens)

Nếu quý vị cho phép tôi được bày tỏ với quý vị cảm tưởng riêng của tôi, thời tôi xin nói với quý vị rằng Heidegger, đối với tôi, không phải là một triết gia để cười, mà là một triết gia để khóc.

Sau đó, tôi biết, người ta có thể nói rằng phải đọc Heidegger, trọn vẹn Heidegger, rằng người ta không thể tóm lược ông vào một câu, vào một lời tuyên bố, rằng ông rất phức tạp, mâu thuẫn, sâu xa, rằng ông là triết gia của thế kỷ, rằng ông khép lại, đóng lại triết lý Tây phương, rằng ông, tóm lại, là «không-thể-đảo-ngược-được». Tôi đã đọc những bài nghị luận của ông về thơ và diễn từ khoa trưởng đại học của ông. Tôi thấy thế đủ rồi.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với thơ, với Celan, người đã bị tổn thương sâu xa vì sự câm nín của Heidegger về tội diệt chủng, Heidegger người mà ông đã gặp trong căn chòi ở Todnauberg.

Celan là một nhà thơ đã làm thơ trữ tình nếu tôi bằng vào định nghĩa của từ điển:

 

trữ tình: nói về một thứ thơ, dù không được ca lên, có liên hệ thân thiết, do hình thức phân đoạn và tính cách chủ quan của nó, với thơ trữ tình thời xưa (odes, hymnes, choeurs, v.v. : những bài ca thi, thánh thi hay hùng thi, đồng ca, v.v. )

lại nữa:

trữ tình: thơ trữ tình có thể bao gồm những yếu tố hùng ca, miêu tả hay một luận cứ, nhưng bao giờ cũng có tính cách trội vượt hơn cả của biểu hiện chủ quan... vẫn nổi bật cái tương quan chủ yếu giữa thể trữ tình và âm nhạc, nó khiến ngôn từ và âm luật không thể tách rời nhau

 

Thơ trữ tình đã trải qua nhiều thế kỷ.

Ở thời Thượng cổ và thời Trung cổ, ấy là một thứ thơ được ca lên với sự hòa điệu của đàn lya (lyre hay những nhạc cụ khác).

Chúng ta hãy nghĩ tới những nhà thơ ở các thế kỷ thứ 12, 13 và 14 (les troubadours), các nhà thơ trữ tình này soạn những ca khúc của họ bằng một trong những ngôn ngữ oc (thổ ngữ ở các vùng về phía nam sông Loire, nơi người ta nói chữ oui như oc. [người dịch]) - Bernard de Ventadour (thế kỷ thứ 12), nhà thơ «troubadour» ở vùng Limousin

-- những nhà thơ Minnesänger trong phạm vi Đức chịu ảnh hưởng những nhà thơ «troubadours», cũng như những nhà thơ «trouvères» thuộc ngôn ngữ oïl (thổ ngữ ở các vùng về phía bắc sông Loire... [người dịch]) - Chrétien de Troyes (thế kỷ thứ 12)

-- sau đó, thể trữ tình thời Trung cổ (ballade, rondeau, virelai) với François Villon (1431-1463)

-- và tại sao lại không nói tới Pétrarque, ở đây, nhà thơ được nhiều người coi như «thủy tổ» của thơ trữ tình hiện đại, kẻ đã kết hợp khuynh hướng thần bí với kinh nghiệm sâu kín

-- ở thế kỷ 16, trường phái Lyon (Maurice Scève, môn đệ của Pétrarque, Louise Labé), các nhà thơ thuộc hội thơ «La Pléiade»

-- ở thế kỷ 17: Và Malherbe tới... nét trữ tình của ông

                                                     được kiềm chế

                                       La Fontaine, cũng là một thi sĩ bi ca

-- ở thế kỷ 18, khi người ta thường hay nói tới sự thụt lùi của thể thơ trữ tình. Có những người nói tới cuộc khủng hoảng thơ và chỉ giữ lại có nhà thơ Chénier (Delille)

-- thế kỷ 19, thế kỷ trữ tình trên hết

Lamartine, Musset, Vigny, Hugo và những người báo trước Thời mới: Verlaine, Rimbaud, Mallarmé, Baudelaire, Lautréamont...

Chưa nói tới thế kỷ 20, với vô số các thi nhân nở rộ.

 

Chúng ta hãy trở lại với từ điển, từ điển còn nói điều này:

Thời kỳ hiện đại lấy lại những điểm chủ yếu lãng mạn để sắp xếp chúng với sự hiển nhiên của một cuộc hủy hoại lịch sử và chủ thể: kết quả do đó mà ra là một cuộc trở lại có tính cách nghịch thường, cuộc trở lại với một mối liên hệ giữa cái trữ tình và anh hùng ca (epos, nguyên nghĩa theo gốc tiếng Hy-lạp là lời nói. [người dịch]), đáp trả điều này là một thứ trữ tình theo chủ nghĩa khách quan (thứ trữ tình này cho những dữ kiện chủ quan là đáng ngờ).

Nước Đức có lẽ đã khai sáng thơ trữ tình hiện đại, với Goethe và Schiller, và Villon có lẽ đã đề khởi nguồn cảm hứng hiện đại, theo từ điển.

Ngày nay, tôi cho là người ta có thể nói rằng thơ trữ tình đã thoát khỏi một thứ âm luật cứng nhắc (thế nhưng thứ âm luật ấy dường như lại trở lại, những năm sau này) và rằng nó không phải vì thế mà tự cắt rời khỏi ca khúc, chắc chắn là với những tiết điệu phức tạp hơn (thế nhưng thơ trữ tình Hy-lạp cũng đã rất phức tạp -- các bài ca thi, của Pindare --), những tiết điệu khó tìm ra hơn, ít máy móc hơn.

Có lẽ người ta có thể nói được rằng chính là theo sự hiểu biết của kẻ có liên can mà nó bẻ gãy tiết điệu, cái thứ sắp xếp đặc biệt không còn hợp thời kia, mà nó bác khước âm vận, mà nó nghi ngờ cái cân đối du dương (phối hợp hài hòa của các âm) và, sự thuận âm (tính cách của các âm thanh nghe êm ái và dễ đọc), mà nó xáp lại gần một thứ văn xuôi cắt thành những câu thơ và những đoạn thơ, mà nó trở thành thơ xuôi, mà nó trở thành, theo định nghĩa của Octavio Paz «một đối tượng ngôn từ, chứa đựng một chất không thể sờ mó, cưỡng lại mọi định nghĩa và người ta gọi là thơ.»

Để tóm lại, ngày nay, người ta có thể gọi thơ trữ tình là gì? Tôi xin đề nghị với quý vị một điều chắc chắn là không đầy đủ:

một văn bản được cắt thành những dòng thơ, có thể thành những đoạn thơ, hay một văn bản ngắn bằng văn xuôi, không phải chỉ là một diễn từ đơn giản, mà ý nghĩa không phải lúc nào cũng tức khắc, ít nhiều tập hợp những hình ảnh, những ẩn dụ hoặc biểu tượng... (tropes), thường dùng các từ theo nghĩa đen, đích xác của chúng, ít nhiều kêu gọi tới những nguồn tài nguyên nhịp nhàng, êm ái của ngôn ngữ, ít nhiều vuột thoát khỏi tác giả, đòi hỏi một nỗ lực khi đọc, một sự tham gia tích cực của người đọc, mà các đề tài thay đổi và có thể nói là muôn thủa: tình yêu, cái chết, sự hiện diện của chúng ta ở đời, bí ẩn sự hiện diện của chúng ta, của thực tại, tương quan của chúng ta với thực tại, tương quan của chúng ta với người khác...

Thứ thơ trữ tình này đã bị một đòn nặng trong những năm 60-70 do các môn đồ của trường phái cấu trúc về ngôn ngữ, do các nhà duy thức của nhóm Tel Quel và các đồng minh của họ gây nên. Người ta đã bắt tay vào việc hủy hoại các văn bản, các bài thơ và dò xét chúng qua mắt kính cấu trúc luận. Người ta đã trút cạn nhựa sống, máu, sự sống của bài thơ. Người ta đã biến bài thơ thành một đồ vật giữa những đồ vật khác. Người ta đã tống khứ tác giả, nhà thi sĩ (một từ ghê tởm vào thời kỳ ấy) -- nhà văn trở thành kẻ viết lách -- : ngôn ngữ nói qua y, có thế thôi.

Điều mà người ta lúc ấy đã giả bộ không biết tới, hay điều mà người ta lúc ấy đã không muốn biết tới, đó là mỗi một nhà văn, và nhất là mỗi một nhà thơ thường đem lại một lối tô màu đặc biệt cho những từ mà ông sử dụng, cho các từ thuộc về hết mọi người, dĩ nhiên. Ông truyền vào các từ ấy sự sống của ông, kinh nghiệm của ông; một cách nào đó ông cư ngụ các từ ấy. Từ một nhà thơ này tới một nhà thơ khác cùng một từ có những phản hưởng khác nhau. Điều đó lúc ấy người ta không còn để ý tới nữa.

Việc các nhà ngôn ngữ học lo về tính cách chung giữa các nguyên bản, về ngữ thái và ngữ ý, cho biết các hệ thống, các tương quan, so sánh, nghiền tán, phá hủy, đi tìm xem cái đó hoạt động ra sao, còn có gì tự nhiên hơn, đó là vai trò của họ. Nhưng chuyện một vài người chụp lấy các lý thuyết của họ, tạo ra những văn bản không còn liên hệ với sự sống và thực tại, ấy đó chắc chắn là điều đã khiến các nhà ngữ học chuyên nghiệp phải mỉm cười. Có những nhà xuất bản đã tiếp đón các thi sĩ-ngữ học gia này. Và cái công chúng nhỏ bé của thơ đã chưng hửng. Cái công chúng ấy co lại như một tấm da sần. Người ta có thể tự hỏi phải chăng những tác dụng tai hại của thứ thơ bị cạn kiệt sự sống, bị mất máu này, vẫn còn khiến người ta cảm thấy ngày nay.

Một số nhà xuất bản đã gặp phải cơn lốc này nhưng giữ vững được, cần phải nói ra điều ấy, bằng cách bênh vực, bằng cách tiếp tục bênh vực một thứ thơ trữ tình có tính cách «đòi hỏi nhiều», một thứ thơ trữ tình dường như đang trở lại mạnh mẽ hôm nay, với những người mà người ta kêu bằng «các nhà thơ trữ tình mới». Những người ấy lại khám phá thơ trữ tình, chủ thể, không còn sợ phải xưng tôi. Nhưng không may, đôi khi họ quên mất một sự đòi hỏi nào đó, một sự tỉnh thức nào đó, những thứ có lẽ sẽ ngăn cản họ khỏi sa vào những lề lối cũ, những ý sáo và tính cách đưa đẩy. Khiến ta muốn, gần như muốn, đọc lại một văn bản này khác của một kẻ hủy hoại triệt để và cứng rắn nào đó.

Trong số «các nhà thơ trữ tình mới» này, có những người tìm lại được những đề tài tôn giáo, dường như càng ngày càng có thêm. Cả đến những gì có lẽ đã có thể làm lợi cho những kẻ hủy hoại, hay cho ảnh hưởng của những kẻ đó thì đúng hơn, như một thứ hoài nghi nào đó trước những sự dễ dãi, những khuôn sáo, những đưa đẩy, tiếng rù rì, cả đến những điều đó cũng bị quên đi. Và tôi cho rằng ta có thể coi chuyện đó là đáng tiếc.

Thứ thơ này, thứ thơ muốn là «tức khắc» và «dễ dàng» hơn, thứ thơ kìm hãm, trấn áp trí thông minh, tinh thần phê phán, liệu có nhờ thế mà tìm được công chúng của nó? Người ta có thể nghi ngờ điều đó.

Từ đã quá lâu, một thứ thơ nọ, đa cảm, đã ẩn núp trong ca khúc - với những lời ca có thể hiểu ngay tức khắc, những lời không vướng bận bất cứ một sự tra vấn nào về chính mình, và lải nhải mãi không ngừng vẫn những điệp khúc ấy. Thứ thơ ấy trước hết đã tìm được nơi trú ẩn trong ca khúc của Anh, trong những lời của các bài ca, mà thêm nữa người ta gọi là lyrics trong tiếng Anh.

Vậy thời nó nói gì, thơ trữ tình, thứ thơ trữ tình có lẽ không còn có thể được lắng nghe nữa? Một thứ thơ trữ tình có lẽ muốn «đòi hỏi nhiều»? Phải chăng nó sẽ suy yếu, bị vượt qua, lỗi thời?

Nó «nói» về những gì khiến chúng ta hết thảy đều bận tâm, như ta đã thấy. Thế thì làm sao người ta lại ít lắng nghe nó? Người ta lại lắng nghe nó có lẽ ngày càng ít đi?

Trước hết, mọi lời nói được sự tán thành của số đông có thể bị coi như đáng ngờ. Một lời nói lôi cuốn theo một sự nhận biết (có lẽ có thể thêm: tức thời) thường bị coi như, có thể bị coi như đáng ngờ nếu không phải là vô ích. Lời nói ấy đem lại gì, nếu không phải sự dễ dãi, sự thoải mái? Một lời nói phỉnh phờ, một lời nói-gương soi? Như có thể bị coi như đáng ngờ mọi lời nói cố tình tối tăm, bị ngờ là ngụy mạo.

Tôi không tin rằng cần phải mở lại cuộc tranh luận về sự cạnh tranh của hình ảnh (gia dĩ nếu có sự cạnh tranh), của truyền hình, của những phương tiện truyền thông mới. Nhưng có một thực chứng mà người ta không thể nín lặng.

Ngày nay người ta có cảm tưởng rằng thứ thơ trữ tình này, thứ thơ vận dụng một ngôn ngữ khêu gợi, thường là tinh vi, tế nhị, thường là phức tạp, một ngôn ngữ cũng thường dùng các từ theo nghĩa đen, đích xác (trái với mọi hình thức của «ngôn ngữ gỗ»), một thứ thơ coi trọng các từ, người ta có cảm tưởng rằng nó được nhận biết một cách khó khăn và càng ngày càng khó khăn thêm. Rằng nó đòi hỏi những điều kiện nghe, đọc, rằng việc tập hợp ngày nay mỗi lúc một trở thành khó khăn hơn: một hiểu biết nào đó về thơ trong quá khứ đồng thời với sự thinh lặng (có thể nói là nội tâm), một sự sẵn sàng đáp ứng, một sự tham dự tích cực của người đọc. Một cách đọc sinh động tích cực, tích cực-hỗ tương như bây giờ người ta thường nói.

Người ta có thể tự an ủi với Octavio Paz, người đã nói trong cuốn sách nào tôi không còn nhớ nữa* rằng sự trường tồn của các nghệ thuật -- cũng như của triết lý và các khoa học -- bao giờ cũng được theo đuổi qua một thiểu số và rằng vấn đề số lượng: có một số lớn hay một số nhỏ người đọc là vô nghĩa. Ông nói thêm rằng dựa trên những con số, các vị giáo sư, các nhà xã hội học và các nhà báo quả quyết rằng thơ là một nghệ thuật bị bắt buộc phải mất đi hoặc biến thành một thứ của lạ cho các hàng bán đồ cổ. Ông trích lời một ông Donald Hall nọ, là người đề tựa cho một tuyển tập thơ Hoa-kỳ, vào năm 89, và là người cho biết sự hồi sinh của một thói quen cũ, tục lệ này là đọc thơ lớn tiếng trước một đám công chúng. Ông nọ thêm rằng tập tục này nẩy sinh vào năm 1950 ở Hoa-kỳ và rằng nó ngày càng bành trướng, rằng công chúng đây thường thường gồm những người trẻ. Ông ta, Donald Hall, kết luận rằng trong ba mươi năm gần đây, con số người đọc thơ đã gia tăng gấp 10 lần ở Hoa-kỳ. Ở Nhật-bản người ta cũng nhận thấy cùng một khuynh hướng ấy. Ở Âu châu, khuynh hướng ấy được nhận thấy ở Anh, ở các nước Bắc Âu, ở Ba-lan và Hung-ga-ri. Hiện tượng này có lẽ sẽ ảnh hưởng tới nước Pháp !

Điều mà người ta có thể nhận thấy ở nước ta, đó là nó vắng mặt trong các phương tiện truyền thông lớn: truyền hình và báo chí. Phần dành cho thơ trên các trang văn nghệ của những tờ báo lớn thật nhỏ nhoi. Vẫn Paz nghĩ rằng thơ không thể chơi cái trò truyền thông hóa trên các phương tiện lớn hiện nay mà không bỏ mất hồn mình. Rằng nó bác điều khẳng định của lý luận thị trường, rằng nó không phải là một món hàng tiêu thụ hay cả đến một món xài-rồi-có-thể-vứt-đi.

Vào thời buổi mà mọi thứ đều phải qui thuận các quyết lệnh kinh tế, thơ có cơ nguy tự đặt mình ra ngoài lề. Cái ý muốn giữ mình cho thanh khiết này, (cái ý muốn của thiểu số mà nhà thơ kiêm nhà phê bình Tây-ban-nha Gimferrer nói tới này), lại chẳng có cơ nguy đặt nó ra ngoài lề, lại chẳng có cơ nguy đưa nó tới chỗ mất đi đó sao Vấn nạn này tôi nghĩ, Yvon Belaval cũng đã từng đặt ra trong những năm 50.

Phải chăng thơ không thể thay thế được?

Triết lý và tôn giáo đề nghị một nhãn quan về thế giới thường là thỏa đáng đối với nhiều người. Triết lý sản sinh ý niệm, thường là mịt mù, chứ không phải thực tại. Tôn giáo sản sinh điều thánh thiêng, chứ không phải thực tại. Triết lý và tôn giáo đề nghị những mạng đọc thế giới (grilles de lecture...: những mạng lưới, ô vuông, để dò xét, tìm hiểu...).

Khoa học. Khoa học chính xác: vật lý học, sinh vật học,... Dường như là các nhà khoa học ngày nay, các nhà khoa học suy nghĩ chín chắn, ý thức sự bấp bênh, nhất thời của những lời «giải thích» của họ, ý thức tính cách phần, mảnh của những lời giải thích của họ. Họ biết rằng không một nhãn quan nào về thế giới lại có thể rút ra từ khoa học.

Còn thơ, thơ có khả năng gì?

Thơ đặt con người trong thế giới không được giải thích này. Thơ có thể biến cái «thế giới kỳ dị và không quen biết» này, cái thế giới mà khoa học nghiên cứu, biến cái thế giới chia mảnh này, thành một thế giới có thể ở được. Thơ thắp lên một ánh sáng «chủ quan», biến những vật thể này, thế giới này và những thực tại của thế giới, thành những sự hiện diện, những biến cố. Thơ bao gồm chúng ta trong huyền nhiệm và sáng tạo lại thực tế. Chúng ta là tác nhân của chính sự huyền nhiệm của chúng ta, chúng ta sống tự do của huyền nhiệm chúng ta - mà không tự mãn ở đó. Chúng ta sống thân phận chúng ta, ở giữa cõi bên trong và lút tận cổ.

«Thơ là cách diễn tả bằng ngôn ngữ loài người được thu về cái tiết điệu chủ yếu của lẽ huyền bí nơi mọi phương diện của sinh tồn» dường như Mallarmé có nói.

Có lẽ thơ không còn tính cách thời sự, thơ đang hấp hối? Nếu thế thời cũng hấp hối nhân loại, tính người nơi chúng ta. Nếu thế thời cũng hấp hối tự do, ở bên ngoài mọi giáo điều, mọi nhà thờ, mọi tín ngưỡng, mọi đức tin (siêu hình, chính trị, tôn giáo). Bài thơ không che chở, bài thơ tự phơi bày, bài thơ phơi bày sự trần truồng của con người chúng ta, của cuộc sinh tồn của chúng ta. Chính trong bài thơ chúng ta gặp thực tại. Chính bài thơ gia tăng cảm giác sống. Bài thơ là một lời hằng sống, chia sẻ được, một lời của sự sống chung, trong tự do, phiêu bạt và vẻ đẹp của cử chỉ.

 

______
*L'autre voix, poésie et fin de siècle. (Ghi chú của R.R.)

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

ROLAND REUTENAUER là một nhà thơ Pháp kiệt xuất hiện đại với khoảng mười lăm thi phẩm có thể tìm thấy nơi các nhà xuất bản P. J. Oswald, Saint-Germain-des-Prés, Rougerie (Pháp) và Tetras Lyre (Bỉ). Ông sinh năm 1943 tại Wingen-sur-Moder, Yên-sa (Alsace). Thơ ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, như Đức, Ý, Ru-ma-ni, và Việt Nam, được trích đăng và được phổ biến ở một số nước châu Âu cũng như ở Bắc Mỹ (Canada). Hơn 200 trang thơ và tham luận về thơ của ông đã được dịch sang tiếng Việt trong Roland Reutenauer, Tuyển tập thơ, Trình Bầy, 2001. Roland Reutenauer đã được mời đi trình bày thơ của ông ở nhiều nước, kể cả In-đô-nê-xi-a trong năm nay (2004). Một tập thơ mới của ông, tựa là La rivière, le chêne, sẽ được nhà xuất bản Rougerie, Pháp, ấn hành vào mùa Thu này, có lẽ với những minh họa đặc biệt của một họa sĩ Á-đông.

«Thơ trữ tình còn có thể được chăng?» nguyên là lời phát biểu của Roland Reutenauer tại «Những cuộc gặp gỡ về thơ» được tổ chức ở Lascours (Gard), Pháp, từ 19 đến 21-5-1998.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021