thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về Szymborska
(Diễm Châu dịch)

 

Lời người dịch:
Nhà thơ, nhà văn kiêm nhà phê bình Ba-lan Czesław Miłosz, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1980, là một trong những người đầu tiên giới thiệu thơ Wislawa Szymborska với thế giới qua bản dịch Anh văn của ông in trong tuyển tập Polish Post-war Poetry (Thơ hậu chiến Ba-lan). Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách này (1965) và lần in thứ nhì (1970) Milosz đã trích dịch một bài duy nhất của bà: «Tôi quá gần» và có vài dòng nhận định về tác giả. Cái nhìn của Milosz dường như có phần nào «khe khắt». Khi cuốn sách trên được tái bản lần thứ ba (1983), Milosz không những đã sửa lại nhận định của mình mà còn bổ sung bảy bài thơ Wisława Szymborska... Khi hay tin bà được tặng giải Nobel Văn chương (1996), Milosz đã phát biểu trước báo chí thế giới niềm vui mừng của ông và viết một bài với tựa đề «Về Szymborska» đăng trên tờ The New York Review of Books, số đề ngày 14-11-1996.

 

1. Trong các nhà thơ Ba-lan thời hậu chiến có nhiều phụ nữ. Tôi cảm thấy Szymborska là thí dụ hay nhất về những cái hay và cái dở của họ. Bà rất sắc sảo, táo bạo, tài tình nhưng thường quá ưa chuộng những câu hóm hỉnh, duyên dáng. Từ trước tới nay thơ Ba-lan vẫn thường bị những hình ảnh baroque về ngôn từ quyến rũ; sự đùa bỡn lúc này với những ý tưởng mượn từ nhân chủng học và triết học tán trợ khuynh hướng ấy. Khi Szymborska nói:

Trên một dòng sông Héraclite
Một con cá đánh cá
một con cá xẻ một con cá với một con cá mài sắc
một con cá xây dựng một con cá, sống trong một con cá
một con cá thoát khỏi một con cá bị bao vây

thoạt đầu chúng ta bị chinh phục, nhưng cái hình ảnh kia kéo dài qua nhiều đoạn thơ phát sinh cái tác dụng máy móc. Tôi nghi rằng những thái độ của giới trí thức tiến bộ giả tạo khuyến khích sự kiểu cách, cầu kỳ và quá lệ thuộc vào những kiểu thời thượng để có thể hay cho thi ca. Thế tuy nhiên những bài thơ của Szymborska thường rất chân thực. Chúng nói về những đam mê và những nỗi khốn cùng của xác thịt với một sự trắng trợn buồn rầu. Nỗi cay đắng sắc bén, tinh tuyền của bà được tượng trưng bằng tựa đề của tập thơ ý nghĩa nhất: Muối. (Thơ hậu chiến Ba-lan, 1965, 1970)

 

2. Trong ấn bản trước đây của cuốn sách này tôi có bày tỏ một số nghi ngại về chuyện Szymborska « đùa bỡn với những ý tưởng mượn từ nhân chủng học và triết học » mà tôi đã cho rằng có thể dễ khiến thi ca lệ thuộc những kiểu thời thượng trí thức và khuyến khích sự cầu kỳ, kiểu cách. Có lẽ điều này đúng với những bài yếu hơn cả trong thơ bà, nhưng những bài hay của bà thật không đáng bị trách móc như thế, và sự tiến triển kế tiếp của bà như một nhà thơ đã thật chính đáng đặt bà vào vị trí rất cao trong số những người đồng thời với bà. Tôi thích nhiều bài thơ cay đắng, hoài nghi, và sắc sảo của bà và sự ngay thẳng của bà khi nói lên cái nhìn khá tuyệt vọng của mình. Tôi hy vọng những bản dịch mới tôi thêm vô không phải là công lao uổng phí biểu lộ một tấm lòng yêu mến. (Thơ hậu chiến Ba-lan, 1983)

 

3. Tôi vẫn nói rằng thơ Ba-lan mạnh và trổi bật trên nền thơ thế giới bằng nhiều nét. Những nét ấy có thể tìm thấy trong những bài thơ của một vài nhà thơ lớn Ba-lan, trong đó có Wisława Szymborska. Giải Nobel của bà là thắng lợi riêng của bà nhưng đồng thời nó cũng xác nhận vị trí của «Trường thơ Ba-lan». Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng ngôn ngữ của thứ thơ ấy là ngôn ngữ của một xứ từng bị nạn diệt chủng trên quy mô lớn. Những nối kết giữa ngôn từ và các kinh nghiệm lịch sử có thể thuộc nhiều loại khác nhau, và không có cái quan hệ giản đơn của nguyên nhân và hậu quả. Thế tuy nhiên một sự kiện nọ không phải là vô nghĩa: Szymborska, cũng như Tadeusz Różewicz và Zbigniew Herbert, viết thay cho thế hệ các nhà thơ đã khởi nghiệp trong chiến tranh và không còn sống sót sau chiến tranh đó.

Thơ Szymborska, như được đánh dấu bằng một nét nhẹ nhàng như thế, tươi cười một cách hoài nghi, đùa bỡn, có liên hệ gì với lịch sử của thế kỷ hai mươi, hay bất cứ thế kỷ nào khác? Trong những thời kỳ khởi sự, nó đã có nhiều liên hệ với lịch sử, nhưng giai đoạn trưởng thành của nó rời xa những hình ảnh thuộc thời gian thẳng tuột ào tới không tưởng hoặc một thảm họa kiểu ngày tận thế trong thiên mặc thị, như thế kỷ vừa chấm dứt lúc đó thích tin. Kích thước của bà là riêng tư, của một người phản ánh phận người. Quả thực là phản ánh của bà đi cùng với một sự bỏ lửng rất đáng chú ý, như thể nhà thơ ở trên một sân khấu với trang cảnh của một vở kịch đã có trước, một vở kịch đã biến đổi cá nhân thành không gì hết, một mã số vô danh, và trong những hoàn cảnh như thế nói về bản thân là không cần thiết.

Những bài thơ của Szymborska thăm dò những hoàn cảnh riêng tư, thế nhưng chúng cũng được tổng quát hóa đủ, khiến bà có thể tránh được những chuyện tự thú. Trong bài thơ được biết tới nhiều của bà về một con mèo trong gian nhà trống không, thay vì lời than phiền về chuyện một người bạn mất chồng, chúng ta nghe: «Chết/ không ai lại làm một chuyện như thế đối với một con mèo.» Sự bỏ lửng và một khoảng cách hài hước đối với chính bà có thể làm bằng chứng cho những điều ưa thích đặc biệt của nhà thơ; tuy nhiên, bởi lẽ trong chuyện này bà cũng tương tự một vài người Ba-lan đồng thời của bà, ta có thể bảo vệ thành công cái luận đề cho ràng đường nét chung của họ là toan tính khử tà quá khứ. Trong trách vụ này họ thực hành một thứ chưng cất đặc biệt, và nguyên liệu họ dùng thường khó mà dò tìm ra.

Đối với tôi, Szymborska trước hết là một nhà thơ của ý thức. Điều này có nghĩa là bà nói với chúng ta, sống cùng thời, như một người trong chúng ta, dành những chuyện riêng cho bản thân bà, hoạt động ở một mức độ cách biệt nào đó, nhưng cũng quy chiếu về những gì mọi người đều biết từ chính cuộc đời của mình. Là vì chúng ta lại chẳng nhớ sao chúng ta đã từng cởi áo quần trước một cuộc khám bệnh, hoặc ngỡ ngàng trước những sự trùng hợp, hoặc đọc những lá thư của những người không còn nữa? Bởi đó, như thể trong những bức tranh ghi lại cảnh những sự việc xẩy ra thường ngày quen thuộc, chúng ta nhận ra mình trong những bài thơ ấy như những người gần gụi với nhau, với một sự chủ quan khác nhau nơi từng người và hiện hữu như thể ở trong ngoặc. Chúng ta cũng liên hệ vì chúng ta là những người sống cùng thời, và như thế tùy thuộc cùng một mạch thông tin. Các từ – những ký hiệu định hướng – ít nhiều gì cũng cùng nghĩa đối với chúng ta: thuyết tiến hóa, những con tàu không gian, Hiroshima, nhưng cả Homer, Vermeer, hay nguyên lý bất định nữa, nghĩa là cả một loạt những ý niệm chúng ta thâu nhận được trong nhà, ở trường học, nơi các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các bài thơ của Szymborska được xây dựng theo thủ thuật tung hứng, như thể với những trái bóng màu, những thành phần hiểu biết chung của chúng ta; chúng làm chúng ta ngạc nhiên với những nghịch lý của hiểu biết ấy và phô bày thế giới của con người như có tính cách bi-hài. Sự ý thức được diễn tả trong đó là một sự ý thức sau – sau Darwin, sau Einstein, sau nhiều người khác – là vì rút cuộc thời nền văn minh nơi chúng ta sống chìm ngập vẫn bảo tồn các dấu vết của họ. Đứng trước thơ nhảy múa thật vô tư như thế, như thể đã được viết ra không chút khó khăn vất vả nào, chúng ta ngại ngần, không muốn nhắc tới những khám phá nổi bật của khoa học, thế tuy nhiên là vì chúng đã hiện hữu. Suy tưởng của Szymborska và suy tưởng của chúng ta, dù chúng ta muốn thế hay không, vẫn phức tạp và quanh co. Điều này không thấy ở đâu rõ cho bằng ở nơi bà chất vấn cái vị trí của con người trong chuỗi tiến hóa. Và như thế, bài thơ «Bốn giờ sáng» chẳng hạn đối lập nỗi âu lo của chúng ta, nỗi âu lo khiến chúng ta mất ngủ, với cái bận rộn máy móc của loài kiến. Không ai cảm thấy được dễ chịu vào bốn giờ sáng.

Nếu loài kiến cảm thấy được dễ chịu vào bốn giờ sáng
– ba lần hoan hô kiến. Và năm giờ hãy tới
nếu chúng ta phải tiếp tục sống.

Một bài thơ khác, «Ca ngợi chuyện thấy mình tồi tệ» phân chia rõ cái lương tâm thanh thản tiêu biểu cho mọi vật sống với những nỗi dày vò khổ sở về đạo lý là phần vụ của chúng ta:

Con chó rừng ăn xác thối mà tự kiểm là không có.
Con cào cào, con cá sấu, con sán kim, con ruồi trâu
sống như chúng vẫn sống và hạnh phúc vì thế.

Bài thơ «Phân đôi»* bắt đầu:

Khi lâm nguy con hải sâm tự chia mình ra làm hai

và lý luận kế tiếp lại đòi lại đặc quyền của con người, quyền sáng tạo nghệ thuật – bất chấp và chống lại cái chết:

Chúng ta biết cách phân xẻ bản thân chúng ta,
thật vậy, cả chúng ta nữa.
Nhưng chỉ thành một thân xác và một tiếng thở dài
đứt đoạn.
Thành thân xác và thơ.

Có lẽ Szymborska đã chẳng phải là một nhà thơ của thời kỳ những nghi hoặc lớn nếu như bà đã không viện dẫn sự giải thoát qua nghệ thuật. «Sự phục thù của một bàn tay phải chết» xuất hiện trong các bài thơ của bà dưới nhiều hình thức khác nhau kể cả hài hước bất lợi đối với chính bà.

Một vài năm trước đây, khi đọc bản dịch Anh văn những bài thơ của bà trước công chúng, tôi nhận thấy rằng vẻ sáng rỡ về trí thức của chúng che dấu cái nội dung thật nghiêm trang đã được một lớp khán giả phần lớn còn trẻ hiểu rõ và hoan nghênh. Tôi cần phải tiết lộ cái gì là cái họ thích nhất. Những người nghe thuộc cả hai phái đã cười nhiều (và tôi cùng với họ) khi nghe bài thơ «Ca ngợi em gái tôi»:

Em gái tôi không làm thơ
và không có gì chắc chắn là cô sẽ đột nhiên
khởi sự làm thơ.

Tôi đã nghĩ rằng có ít nhất là một nửa số những người hiện diện ấy hẳn đã tự trách mình về chuyện làm thơ, và đó là lý do khiến họ đã thấy bài thơ ấy thật ngộ.

(«On Szymborska», The New York Review of Books, số đề ngày 14-11-1996.)

 

----------------------------

* Tờ The New York Review of Books in là «Autonomy», thực ra đây là một bài nổi tiếng, vốn được dịch là «Autotomy». (người dịch)

Tất cả các đoạn thơ trong bài này đều trích (và dịch) theo bản Anh văn của Magnus J. Krynski và Robert A. Maguire trong Sounds, Feelings, Thoughts (Princeton University Press, 1981).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021