thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài viết cũ [9]: Cái riêng và cái chung trong thơ (a)

 

Lời tác giả:
Hai cuốn sách đầu tay của tôi, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989), hiện nay đã tuyệt bản. Mười mấy năm, quan niệm về văn học đã đổi, cách viết cũng đã khác, tôi không còn hứng thú lắm để in lại. Tuy vậy, vẫn có một số bạn đọc xa gần thỉnh thoảng hỏi thăm về chúng. Thôi thì, thay vì tái bản thành sách, tôi chọn một số đoạn để đăng lại trên Tiền Vệ, như một món quà tặng cho một số tri âm, nếu có, đâu đó.

 

Hình ảnh của nhà thơ, dưới ngòi bút Xuân Diệu ngày trước, là hình ảnh của người vẽ chân dung những hồn người khốn khổ:

Nghiệp tài tử xưa nay đông lắm chắc
Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên
Cảm nếp trán của người lo sáu khắc
Thương năm canh nước mắt những ai phiền.

Quách Thoại cũng nghĩ tương tự:

Nói lời thơ đời nhân loại đau thương.

Nhưng thơ không phải chỉ có cái chung. Chỉ là cái chung cho tất cả mọi người, thơ sẽ bị chìm lẫn trong vô số những tiếng động hoặc lặng lẽ hoặc ồn ào của cuộc sống. Thơ phải thể hiện cái chung ấy một cách rất riêng tây, qua cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm và cách viết của một người. Trong bài Thi sĩ, Tô Thuỳ Yên nhấn mạnh đến tính chất độc đáo của thơ:

bằng mỗi lời độc nhất
tôi kề tai tiết lộ với từng người
những điều không lặp lại
bài thơ như lá sâm.

Thanh Tâm Tuyền gọi một bài thơ độc đáo là "bài thơ tháng giêng":

Con đường chưa ai tới
Màu hoa nào chưa ai trao
Những nghĩa chữ còn hoang
Câu thề thốt lạ thường
Nơi không gian còn tiết trinh.

Chính vì mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung như thế, chúng ta thường bắt gặp ở các nhà thơ những lời phát biểu thoạt nghe dễ ngỡ là mâu thuẫn. Một mặt, ai cũng muốn khẳng định mình là một cái gì thật độc đáo, thật cá biệt, thật riêng tây. Vũ Hoàng Chương: "Tôi: thù nhân của Số Nhiều". Trần Huyền Trân: "Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân". Xuân Diệu: "Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất". Huy Cận: "Suốt một đời như núi đứng riêng tây". Tô Thuỳ Yên: "Ta lớn lao và ta cô đơn". Nhưng mặt khác, ngược lại, hầu như nhà thơ nào cũng muốn tự nhận thơ mình là tiếng nói của mọi người, là tâm sự của mọi người. Xuân Diệu: "Buồn thế hệ ta cũng đang u uất", "Nghìn trái tim mang trong một trái tim". Tô Thuỳ Yên: "Chúng ta cười trên môi bằng hữu". Thanh Tâm Tuyền: "Hãy cho anh khóc bằng mắt em". Chế Vũ: "Ta nằm trong lòng thế hệ". Tô Thuỳ Yên giải quyết cái mâu thuẫn biểu kiến ấy bằng một cách diễn tả tuyệt vời:

Tôi là một người, là một đám đông.

Vâng, nhà thơ vừa là một người vừa là một đám đông. Thơ vừa là cái gì riêng, rất riêng, trong nghệ thuật, vừa là cái gì chung, rất chung, trong cảm xúc. Tầm vóc của một nhà thơ không định hình từ cái riêng; cũng không định hình từ những cái chung. Tầm vóc của một nhà thơ được định hình trên cơ sở sự kết hợp hài hoà giữa cái riêng và cái chung. Nói cách khác, một nhà thơ lớn là một nhà thơ có tính chất cá thể đồng thời phải có tính chất nhân loại. Tính chất cá thể phải được nhân loại hoá. Tính chất nhân loại phải được cá thể hoá. Nhà thơ lớn là một chiếc lá ngô đồng. Lá là lá. Nhưng lá cũng là mùa:

Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ cộng tri thu.
(Ngô đồng một lá rụng,
Người biết mùa thu về)

 

(Trích từ cuốn Nghĩ về thơ, Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1989)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021