thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gìn giữ cho trái đất này có thể sống được
(Thủy Trúc dịch)

 

Tôi sinh trong một gia đình Hồi giáo thủ cựu, nơi thông thường những người con gái không được học hành, không được ra khỏi nhà, không được để cho những người đàn ông không phải họ hàng thân cận nhìn mặt. Tôi đã phải lớn lên giữa tất cả những điều cấm đoán ấy. Và chính là từ sau tấm màn của xã hội Hồi giáo thủ cựu tôi đã bắt đầu viết.

Sau vụ những người Ấn giáo toàn thủ hủy hoại ngôi đền Hồi Babri ở Ấn vào tháng chạp 1992, những người Hồi giáo toàn thủ đã phát động một chiến dịch sách nhiễu chống những người Ấn giáo ở Bangladesh. [...]

Để phản đối những sự sách nhiễu này, tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết-tư liệu, đặt tựa là Lajja (Hổ nhục), cuốn sách này đã gây nên sự cuồng nộ của những người toàn thủ. Tại hội chợ sách ở Dhaka, một nhóm nọ được thành lập, lấy tên là « Ủy ban thanh trừng Taslima Nasreen ». [...] Tại nhiều nơi khác nhau, những người toàn thủ cực đoan ấy đốt các sách của tôi, và chính quyền rút giấy thông hành của tôi và cấm tôi không được ra nước ngoài viện cớ tôi là công chức... Đáp lại biện pháp ấy, tôi đã từ nhiệm. [...] Để thỏa mãn những người cực đoan toàn thủ, chính quyền đã khởi phát một hình sự tố tụng chống lại tôi chiếu theo một đạo luật xưa đã cả một trăm năm mươi năm do người Anh thiết lập, quy định rằng mọi cá nhân phạm tới tình cảm tôn giáo sẽ bị phạt hai năm tù cùng với khổ sai và một khoản bồi thường... Những người toàn thủ lúc này đòi đạo luật kia phải bao gồm cả án tử hình.[...] Pháp đình sẽ phải ra một trát câu lưu, loại bỏ mọi sự tự do với tiền thế chân. Bởi không ai có thể đảm bảo sự an toàn của tôi trong tù, các trạng sư của tôi đã khuyên tôi bỏ trốn... Trong hai tháng tôi đã phải lánh mặt.

Tôi không có đủ khả năng để diễn tả cho các bạn hai tháng ấy thật khủng khiếp đến thế nào. Trong toàn xứ, những người toàn thủ lớn tiếng hăm dọa, họ công khai tuyên cáo ở khắp nơi rằng chiếu theo đạo Hồi họ sẽ hạ sát tôi bằng bất cứ cách nào; mỗi ngày, trong toàn xứ, có những cuộc diễu hành từ 50 000, 80 000 và còn tới cả 100 000, 200 000 người, trong đó những kẻ mọi rợ kia cho thấy những dao găm, dùi cui, những thanh sắt, vv. Có một lần họ đã tổ chức một cuộc biểu tình với rắn: nếu chống lại cuộc tổng đình công để đòi hành quyết tôi, họ sẽ thả 100.000 con rắn trong thành phố Dhaka - họ hăm dọa như thế đó!

Lời kêu gọi tổng đình công trong toàn xứ của những người toàn thủ đã được tuân theo rộng rãi. Tình hình ngày càng khẩn trương.[...] Mười bốn tổ chức chính trị toàn thủ hợp nhất lại để đòi xử tử tôi và tuyên cáo lời kêu gọi giết người của họ trong toàn xứ. Họ tổ chức những cuộc diễu hành trưng hình nộm tôi lủng lẳng trên một sợi giây của người bị treo cổ. Ngày mà báo chí viết rằng chính phủ Hoa kỳ yểm trợ tôi, cả ngàn những người toàn thủ bao vây tòa đại sứ Hoa kỳ. Đằng khác, công an sách nhiễu gia đình tôi để biết tôi ở đâu; nhưng không một người nào trong gia đình tôi biết. Tôi phải trốn từ nhà nọ qua nhà kia. Mọi người đều tìm kiếm một cách tuyệt vọng xem tôi đã chết hay còn sống. Công an cho người theo dõi họ và khởi sự đe dọa họ về thể chất tại nhà. Về phía những người toàn thủ, những người này phá phách nhà riêng và văn phòng của cha tôi; tiếp theo đó, bị đe dọa về tính mạng, đến lượt họ, cha tôi và anh tôi cũng phải trốn tránh. Thế tuy nhiên, trên trái đất vẫn có những người khá rộng lượng đã giúp tôi đi từ nơi ẩn núp này tới nơi ẩn núp khác. Họ liều mạng sống mình khi làm như thế. Giữa đêm tối, người ta đã đưa tôi từ một ngôi nhà này tới một ngôi nhà khác, người ta đặt tôi nằm trên băng sau một chiếc xe hơi và phủ vải vóc lên để không ai có thể nghi ngờ tôi có mặt. Ngoài đường phố, công an cũng đáng ngại như những người toàn thủ - một tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nhưng dù thế người ta vẫn liều mạng sống vì tôi. Vào các tháng sáu và bảy 1994, tôi đã phải lẩn tránh để sống còn: ấy là một tình trạng khủng khiếp, một tình thế hoàn toàn bấp bênh. Tôi sẽ luôn luôn phải giữ kín tên những người cho tôi trú ngụ; họ đã cho tôi ẩn tránh với điều kiện ấy. Đó là những ca sĩ, những người hoạt động xã hội, những

người bênh vực nữ quyền, những nhà văn quan trọng trong xứ.

Tôi không được gọi điện thoại từ những căn nhà nơi tôi lánh nạn; người ta đã phải giấu kín tôi trong những chỗ tối tăm nhỏ hẹp, tới mức độ ngoài một người trong nhà, không ai khác hay biết gì về sự có mặt của một bị cáo tại đào. Tôi không ngủ được, ăn uống kém cỏi; người biết tôi có mặt trong nhà phải chờ một cơ hội thuận tiện để chuyền cho tôi đôi chút đồ ăn bằng cách hé cửa mà không ai nghe một tiếng động nhỏ nhất; tôi đã phải sống trong im lặng tuyệt đối. Tôi không còn hy vọng sống còn, là vì, từ nơi sâu thẳm của chỗ ẩn nấp, ngày ngày tôi vẫn nghe tiếng ồn ào của những cuộc biểu tình chống lại tôi, quy tụ ngoài đường phố cả ngàn những người toàn thủ lớn tiếng đòi lấy đầu tôi. Lúc ấy cũng có một vài cuộc biểu tình chống-những-người-toàn-thủ, người ta in một vài cái truyền đơn ủng hộ tôi, nhưng không có một phong trào thật mạnh mẽ để bảo vệ quyền tự do của nhà văn và nhà xuất bản chống lại những mưu mô mà chính quyền và những người toàn thủ đeo đuổi. Vì sự sợ hãi ở chung quanh - sự sợ hãi đã ngăn chận mọi người phản kháng. Những người toàn thủ đã tổ chức những cuộc tổng đình công, những cuộc « tuần hành trường kỳ », vv. để đòi xử tử tôi, họ đã không ngần ngại ám sát sáu người trong một cuộc tổng đình công. Các đảng phái đối lập với những người toàn thủ lúc đó đã bắt đầu lui bước. Cả đến đảng chính trị chính yếu chống đối những người toàn thủ cũng đã bắt đầu rút khỏi cuộc chiến đấu. Chính quyền vẫn im lặng. Và không chỉ im lặng! Họ còn đi tới chỗ khích động các đối thủ của tôi. Ở Nghị viện, đảng chính trị toàn thủ Jamaat-Islami đưa ra một đề án nhằm tổ chức việc hành quyết tôi, và các thành viên đảng cầm quyền ủng hộ đề án này bằng cách nhiệt liệt hoan hô.

Chính quyền tuyên bố đóng cửa biên giới để ngăn cản tôi bỏ trốn khỏi xứ. Và những lời kêu gọi tôi nạp mình liên tiếp gia tăng. Trong lúc đó vị trạng sư của tôi lại coi việc bí mật bỏ trốn ra khỏi xứ đối với tôi an toàn hơn là nằm trong một nhà tù của Bangladesh. Nhưng việc bỏ trốn cũng mạo hiểm; nếu bị bắt lại, tôi không thể nào thoát chết. Mà ở lại trong xứ thời càng ngày càng nguy nan. Tìm được những nơi trú ẩn lúc đó thật hết sức khó khăn, hết mọi người đều lo sợ cho tính mạng của mình; ai dám nhận lãnh những chuyện mạo hiểm đến như thế trong lúc tình hình trong xứ ngày một tệ hơn? Vị trạng sư của tôi đã hết sức cố gắng để cho tôi được tự do với tiền thế chân, nhưng tòa vẫn khước từ ông. Bởi thế chính ông cũng mất hy vọng. Trong những ngày hiểm nguy này, những tổ chức nhân quyền khác nhau, các nhóm nhà văn, các phong trào phụ nữ ở nước ngoài đã gửi những lời yêu cầu tới chính quyền Bangladesh để đòi trả tự do cho tôi và ủng hộ quyền tự do diễn tả và xuất bản. Chính quyền không buồn đếm xỉa; tuy nhiên, khi có nhiều chính phủ nước ngoài khác nhau lên tiếng bênh vực tôi, khi bộ trưởng bộ Ngoại giao Đức tuyên bố rằng các nước thuộc Liên hiệp Âu châu sẵn sàng cho tôi tỵ nạn, khi các nước như Na-uy, Thụy-điển, vv. làm áp lực với Bangladesh để giành được một thỏa thuận đưa tới việc để tôi được tự do, các nhà chức trách (Bangladesh) rốt cuộc đã chấp thuận trả tự do cho tôi với tiền thế chân. Tuy nhiên, chính việc mang thân tới trình diện trước tòa để giành tự do với tiền thế chân tự nó cũng cực kỳ hiểm nghèo.

Cuối cùng tôi đã thoát chết bằng cách đi Thụy-điển, là vì ở Bangladesh không còn chút an toàn nào đối với tôi. [...]

Hôm nay, tôi ở Berlin, một trong những thành phố tỵ nạn của Nghị hội quốc tế các nhà văn, và tôi biết ơn những đầu óc tự do của toàn thế giới đã cho phép tôi bảo toàn tính mạng. Nhờ kinh nghiệm đã sống trải, tôi hiểu rằng được thông cảm ở Tây phương, bước lên một sân khấu và được hoan hô nồng nhiệt vì sự mạnh dạn của mình thật là dễ dàng; mặc dù điều ấy không có nghĩa là đời sống không còn gì là khó khăn; rất ít người giúp đỡ ta thực sự, là vì sự kỳ thị chủng tộc và sự hẹp hòi, thiếu khoan dung cũng bành trướng ở các nước Tây phương. Chính bởi thế mà trách vụ của chúng ta, trách vụ của tôi, trách vụ của các bạn, trách nhiệm của hết mọi con người có ý thức là phải gìn giữ cho trái đất này có thể sống được.

 

 

-----------------------------------------

TASLIMA NASREEN là một nữ bác sĩ (phụ khoa) sinh năm 1962, nạn nhân của trật tự an bài (gồm bằng đàn ông và những kẻ buôn thần thánh) ở Bangladesh. Tác giả cuốn tiểu thuyết-tư liệu Lajja viết bằng tiếng bengali, thuật lại thảm cảnh của một gia đình thiểu số Ấn giáo ở xứ bà. Vì cuốn sách này, bà đã bị những người Hồi giáo toàn thủ đòi treo cổ. Phải sống lưu vong ở Thụy-điển rồi Berlin...

Bài dịch trích từ diễn từ của bà ở Berlin, bản Pháp văn và Anh văn đăng trên Littératures, tạp chí của Nghị hội quốc tế các nhà văn, số mùa thu 1995.

Xin xem thêm thơ của Taslima Nasreen, bản dịch Thủy Trúc, và bài giới thiệu của Diễm Châu, nhan đề "Taslima Nasreen: Một Nhà Văn Chống Áp Bức", trong phần tiểu sử Taslima Nasreen.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021