thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Abdul Wahab Al-Bayati: tình yêu, sự chết và lưu vong

 

Abdul Wahab Al-Bayati là một nhà thơ hiện đại lừng danh trong thế giới Ả-Rập và đồng thời lãnh đạo phong trào thơ tự do khởi nguyên tại Iraq năm 1948. Cùng với Nazik Al-Mala’ika và Badr Shair Al-Sayyab. Al-Bayati đưa thơ Ả-Rập vượt ra ngoài những hạn hẹp công ước của các hình thức thi ca Ả-Rập cổ điển, thoát khỏi các khuôn mẫu vần điệu thể cách đã chế ngự hơn mười lăm thế kỷ. Ngay trong các nhà thơ tiên phong của thi ca Ả-Rập hiện đại, Al-Bayati được xem là một nhà sáng tạo, bởi vì thơ của ông vượt ngoài thi ca Ả-Rập cổ điển từ cả cấu trúc cho đến nội dung.

Sinh ngày 19 tháng 12, 1926 tại Iraq, Al-Bayati tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ở Baghdad năm hai mươi bốn tuổi, ngành ngôn ngữ và văn chương Ả-Rập. Cũng năm ấy (1950), ông nhận một chân dạy học và xuất bản tập thơ đầu tiên với tựa đề Mala’ika wa shayantin (Thiên Thần và Ác Quỷ). Năm 1953 đánh dấu quan trọng trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của Al-Bayati. Với tư cách là chủ bút-cộng tác cho tạp chí mới xuất bản ở Iraq là tờ Al-Thaqafa al-jadida (Văn Hóa Mới), Al-Bayati in một số thơ cũng như viết bài chỉ trích vương quyền Iraq. Giọng văn thẳng thắn gay gắt của ông khiến tạp chí bị đóng cửa và Al-Bayati bị đuổi việc. Cùng với một số trí thức lãnh đạo khác, Al-Bayati bị tù. Ngay cả sau khi được thả, ông vẫn tiếp tục bị săn đuổi, sách nhiễu và đe dọa tống giam trở lại.

Mặc dù phải viết trong bí mật, tác phẩm thứ nhì của Al-Bayati được xem là một đóng góp mới mẻ bạo dạn cho thi ca Ả-Rập hiện đại và thách thức đòi hỏi những thay đổi chính trị. Tập thơ thứ nhì này có tựa đề là Abariq Muhashshamah (Bình Vỡ, 1954) đích thực là đầy tính chất cách mạng kể cả hình thức lẫn nội dung. Mặc dù tập thơ được giới văn chương ca ngợi, Al-Bayati phải trả một giá rất đắt. Ông bị bó buộc phải trốn khỏi Iraq năm 1955, bỏ lại gia đìh. Cuộc đời lang thanh của ông sau đó đã đưa ông đến Syria, rồi thì Lebanon và Ai-Cập. Trong khi lưu vong, Al-Bayati cho ra tập thơ thứ ba của ông, Al-Majdlil-Atfal wa al-Zaytun (Vinh Quang cho Trẻ Con và Trái Ô-Liu, 1956), và tập thơ thứ tư, Ash’ar fi al-Manfa (Thơ Lưu Vong, 1957).

Trong thời gian xa gia đình và xứ sở, al-Bayati ít nhất cũng gặp được một may mắn. Ông được Hội Nhà Văn của Liên Bang Sô Viết mời sang Moscow. Ở đó Al-Bayati gặp Nazim Hikmet, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong nổi tiếng. Hikmet rất phục Al-Bayati và chẳng bao lâu họ trở thành bạn thân.

Sau cuộc cách mạng 14 tháng 7, 1958 lật đổ vương quyền Iraq, Al-Bayati trở về Baghdad và được bổ nhiệm làm giám đốc của ban phiên dịch và nghiên cứu trong Bộ Giáo Dục. Năm sau ông được bổ nhiệm làm tùy viên văn hóa của Iraq tại Moscow. Hai năm sau, ông từ chức để giảng dạy tại Đại Học Asian People ở Moscow, chức vụ mà ông giữ cho đến 1964. Sau đó Al-Bayati dọn về Cairo, sống ở đó vài năm trước khi ông nhậm chức tùy viên văn hóa ở Madrid. Ông qua đời năm 1999.

Thơ của Al-Bayati luôn luôn tràn đầy tình cảm và tư lự rút tỉa từ những kinh nghiệm cá nhân của ông. Đọc kỹ thơ Al-Bayati người ta nhận thấy rõ ràng đối với nhà thơ này, có lẽ nhiều hơn đối với nhiều nhà thơ khác, là nghệ thuật và đời sống của nghệ sĩ liên hệ mật thiết với nhau. Al-Bayati luôn luôn cảm nghiệm sâu xa những đau khổ của những người Ả-Rập khác. Hơn nữa, chính ông cũng đã từng nạn nhân của những bất công đầy rẫy trong cơ cấu chính trị của các xứ Ả-Rập. Cho nên không có gì xa lạ, bởi Al-Bayati xem nhiệm vụ của nhà thơ là phải chống lại sự đè nén và tham dự một cách tích cực trong sự đấu tranh cho tự do chính trị và công bằng xã hội. Vì thế, đối với al-Bayati, thơ mà tách rời khỏi đời sống là ủy mị; nghệ thuật phải là một sứ mệnh chính trị và xã hội.

 

------------------------------------

Những bài thơ tuyển dịch sau đây được trích từ tập Abdul Wahab Al-Bayati: Love, Death & Exile [Poems translated from Arabic by Bassam K. Frangieh (Washington, D.C.: Georgetown University Press)].

 

(Lê Thị Thấm Vân dịch)

Người Tình

 

I

Với đôi mắt của nàng

Và tất cả linh hồn nàng

Nàng lắng nghe âm nhạc tà giáo,

Nghe dòng sông thở dài trong những khu rừng của Rặng Atlas,

Nghe những thành phố truyền kỳ,

Nghe những giờ trống không, mất mát,

Nghe những trái vàng của đêm tối trên chiếc giường của mưa

Trong vòng tay của người chồng ngái ngủ

Nàng là trinh nữ,

chơi với mặt trăng, đi chân không trên những ngọn cây

Theo sự tử vong của những con bướm của một mùa xuân chết

Trên những mặt bàn trong quán cà-phê

Nàng van nài bằng đôi tay

Giờ hẹn hò đã qua

Đêm với đôi mắt sốt nóng đang đổ xuống

Trên những bao lơn của biển Trắng.

 

II

Vào đêm này Beirut bị hãm hiếp trong những quán rượu.

 

III

Nàng đang lắng nghe, nhưng người tình đã chết

Trong quán cà-phê, đợi người mệnh phụ của bảy mặt trăng

Trong âm nhạc của Bach

Và trong những bài thơ của Eluard

Vào tuần thứ tư của tháng chạp

Vào Giáng Sinh

Nàng ước rằng thế gian đã chết,

Rằng nàng bò như một con chó dưới mưa,

Rằng nàng bị đánh bởi những ngọn roi của lửa,

Rằng nàng được khiêng như một vật hi sinh ra biển trải dài

dưới những bao lơn

nhưng giờ hẹn đã qua.

 

IV

Hãy tách rời nàng khỏi tôi:

Những năm du hành / những thế hệ.

Những sông ngòi / những lục địa,

Những sách vở / thành phố / vách tường.

Nhưng mà tôi luôn luôn canh giữ nàng

Từ khe hở nơi cánh cửa.

 

 

Đọc Tập Al-tawasin Của Al-hallaj (1)

 

I

Tôi khóc trong đêm tối của sáu lục địa. Tôi áp mặt sát vào Vạn Lý Trường Thành của Trung quốc. Trong dòng Nile tôi chết đuối, đem theo tất cả những ghi khắc trong các Kim Tự Tháp và tất cả những sầu ca của những người đàn bà thương mến. Tôi chết và tôi trôi dạt: chờ đợi cát trong chiếc đồng hồ thủy tinh chảy xuống trong ngôi tháp cao vợi của đêm tối. Tôi xây dựng một quốc gia cho thi ca. Tôi áp mặt sát vào người thợ nề vĩ đại. Tôi rơi vào chiếc bẫy làm bằng ngôn ngữ. Một bức tường được dựng lên chung quanh tôi, cao dần cao dần: sách vở và giáo lệnh cuộn chung quanh tôi như những sợi dây. Tôi gào thét, kinh hoàng, dưới chân tường. Tại sao, hỡi Thượng Đế, tôi lại bị lưu đày trong vương quốc này?

 

Tại sao những con mèo của những đêm tối tê liệt bao phủ nửa hành tinh này của chúng ta lại ngốn nuốt da thịt tôi? Và tại sao lại có sự im lặng của biển cả kia? Tại sao con người lại bị nhồi nhét với sự chết trong cơn lưu đày này? Đây là thời đại của những nhân chứng giả dối, thời đại của những bia đá của những nhà vua Ả-Rập bị thiến. Tôi áp xát mặt vào quốc gia của thi ca. Tôi thấy hàng ngàn người bị gạt bỏ, tuyệt vọng phía sau những tường đá. Nửa đêm sao đẩu biến mất. Một con chó sủa lên mặt trăng chết người. Tại sao, hỡi Thượng Đế, lại có sự im lặng này của loài người?

 

II

Từ phía dưới những bia đá của các nhà độc tài trên thế giới này,

Từ phía dưới những tro tàn của các thế kỷ,

Từ phía sau những chấn song,

Tôi trao tình yêu của mình như một dâng hiến

Cho con dã thú đợi ở tất cả mọi cánh cửa.

 

III

Những thế hệ và những đoàn lữ hành

Những quốc gia và vương quốc

Tàn lụi trong cơn hồng thủy.

 

IV

Tiếp nối nhau, những cánh tay giơ lên trước bạo quyền

song những thanh kiếm của lãnh chúa

Lần lượt chặt đứt chúng

Ở khắp mọi nơi.

 

V

Vậy thì, tại sao, hỡi Thượng Đế, ngài lại không dơ

Cánh tay độ lượng của ngài lên?

 

VI

Những kẻ trộm các cuộc cách mạng

Đánh cắp những cuộc cách mạng của người nghèo

Ở tất cả mọi thời đại.

 

VII

Zapata (2) là một ví dụ của trăm ngàn tên tuổi khác

Trong sổ bộ của các thánh nhân và các bậc tử đạo.

 

VIII

Tại sao, hỡi Thượng Đế, Al-Hallaj lại bị đóng đinh?

 

IX

Trong những khóm hoa trong các khu rừng của tuổi thơ của người tình tôi, Al-Hallaj là bạn đồng hành của tôi trong tất cả các chuyến du hành, chúng tôi chia xẻ cơm áo và làm thơ về những hình ảnh của những người nghèo đói, bị bỏ rơi, trong vương quốc của tay thợ nề vĩ đại, về sự bí mật của cuộc nổi loạn của con người khao khát ánh sáng này, đầu gục xuống trước bạo chúa. Al-Hallaj trở về bệnh hoạn, ngủ hàng năm dài, chết bao nhiêu lần, và làm rung chuyển các chấn song đá trong tất cả các ngục tù trên thế gian. Al-Hallaj nói, “Xin tạm biệt,” và những khóm hoa biến mất. Tạm biệt! Những khu rừng của tuổi thơ của người tình tôi! Nước sẽ biến thành lệ, sự chết thành chuyến ra đi vào lưu đày. Đây là thời đại của những nhân chứng giả dối, đây là thời đại của những bia đá của những nhà vua Ả-Rập bị thiến / những quyền lực lớn / các tướng lãnh / các máy móc. Tại sao, hỡi Thượng Đế, ngài lại không giơ cánh tay độ lượng của ngài lên trước mặt những tà ác đang đến từ tất cả mọi cánh cửa?

Tại sao ngôn ngữ lại bị lưu đày? Tại sao tình yêu biến thành khổ đau?

Im lặng thành một sự tra tấn trong cuộc lưu đày này, và

ngôn ngữ

thành những chiếc phao

cho những kẻ bị đắm chìm bởi ngọn sóng đầy nhiễu loạn của những sự vật này!

 

X

Tất cả những người nghèo tụ tập chung quanh Al-Hallaj,

Chung quanh ngọn lửa

Trong đêm này ám ảnh bởi cơn sốt của một cái gì đó

Có thể mà cũng chưa chắc

Đến từ phía sau những bức tường.

 

--------------

Chú thích:

(1) Al-Hallaj tên thật là Al Husayn Ibn Mansour (858–922), một triết gia và thi sĩ thuộc phái Abbasid Sufi, đã từng sống đơn độc trầm tư nhiều năm và sau đó đi khắp nơi ca tụng đức hạnh của sự khổ hạnh. Ông lập nên một dòng Sufi và thu hút được rất nhiều đồ đệ. Hallaj bị tố cáo là giảng dạy tà giáo, sau đó bị đóng đinh, chặt đầu và đốt. Ông là tác giả của tập Al-Tawasin.
(2) Zapata, Emiliano (1879–1919), nhà cách mạng và chính trị Mễ Tây Cơ kêu gọi cải cách canh nông. Sau ông bị ám sát.

--------------

 

 

Thành Phố

 

I

Khi thành phố cởi quần áo của nàng

Tôi thấy trong đôi mắt buồn của nàng:

Sự ti tiện của những nhà lãnh đạo, kẻ trộm, và sự cầm cố.

Tôi thấy trong đôi mắt của nàng:

Những đoạn đầu đài, những ngục tù, những lò hỏa thiêu,

Nỗi buồn, sự lúng túng, và khói.

Tôi thấy trong đôi mắt của nàng:

Tất cả mọi người

Dán như những con tem

Lên mọi vật.

Tôi thấy:

Máu và tội ác

Và những hộp diêm quẹt và những lon thịt.

Tôi thấy trong đôi mắt của nàng:

Tuổi nhỏ mồi côi

Lang thang, tìm kiếm trong những đống rác

Một miếng xương

Một mặt trăng đang hấp hối

Trên những xác chết của những ngôi nhà.

Tôi thấy: con người của ngày mai

Phô bày trước những cửa tiệm,

Trên những đồng tiền cắc và trong những ống khói,

Gói trong khổ đau và đen tối

Những cảnh sát, những kẻ bạo dâm, và những tên ma cô

Nhổ vào mặt hắn

Trong khi hắn nằm đó trong xiềng xích.

Tôi thấy trong đôi mắt buồn của nàng:

Những khu vườn của tro tàn

chìm đắm trong bóng tối và sự tĩnh lặng.

 

II

Khi buổi chiều che phủ sự trần truồng

Và sự im lặng bao trùm những ngôi nhà đui mù của nàng,

Nàng thở dài,

Và mỉm cười trong cái xanh xao của cơn bệnh.

Đôi mắt đen của nàng sáng chói với sự thiện và thanh tịnh.

 

 

Đôi Điều Về Sự Hạnh Phúc

 

Họ dối trá.

Hạnh phúc,

Hỡi Muhammed,

Không để rao bán.

Báo chí viết bằng trời

Mưa ếch đêm qua.

Hỡi bạn tôi,

Họ đánh cắp hạnh phúc khỏi bạn

Họ lừa dối bạn,

Tra tấn bạn

Đóng đinh bạn

Trong bẫy của ngôn ngữ

Để nói rằng:

Người ấy chết

Để bán cho bạn một chỗ trên trời.

A, khóc lóc thì vô ích

Tôi xấu hổ, Muhammed,

Những con ếch,

Đánh cắp hạnh phúc khỏi chúng ta,,

Song bất chấp khổ đau, tôi

Đang trên đường đến mắt trời, bước đi.

 

*

 

Họ trồng đêm tối với những dao găm

Và chó.

 

*

 

Nóc của đêm tối xập lên họ

Cho nên, hãy nổi loạn!

Hỡi Muhammed

Nổi loạn!

Nhưng đừng phản bội.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021