thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mới và chính thống

 

Mới lật mấy trang đầu của Từ điển từ mới tiếng Việt – xuất bản năm 2002, do Tiến sĩ Chu Bích Thu, nguyên là Trưởng phòng từ điển của Viện ngôn ngữ học, làm chủ biên – tôi, trong một thoáng ngỡ ngàng thảng thốt, cứ vội vã tự trách mình là hãy còn lạc hậu quá, hãy còn bảo thủ quá.[1]

Tôi lạc hậu với ý niệm “mới”, chẳng hạn. Cứ nghĩ rằng “mới” phải là những gì chưa từng có, hay có đó, đã thi thố với đời từ lâu nhưng nay mới trở mình với mấy ngữ nghĩa mới hay công dụng ngữ pháp mới thì – ngay trong bộ tự điển dành riêng cho “từ mới” – lại thấy hàng hàng lớp lớp những từ ngữ quá quen, ràng buộc trong những ngữ nghĩa quá quen nếu không nói là... quá cũ. Tôi bảo thủ với ý niệm “tương đối” khi mà, ngay trong lời nói đầu, đã thấy nhóm tác giả rào đón với sự “xem xét một cách tương đối” trước cái “mốc thời gian 1985 – 2000” thế mà, dễ thường, những từ gọi là “mới” kia đã từng xuất hiện cách đây ba tới phần tư thế kỷ trong Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, xuất bản vào năm 1931, và xuất hiện với những ngữ nghĩa chẳng hơn chẳng kém là bao nhiêu. Thế nhưng đấy, chẳng qua, chỉ là căn cứ vào cái tiêu chí sách vở thế thôi. Những từ ngữ như thế phải ra đời và phải được sử dụng trước đó một khoảng thời gian nào đó rồi mới được tác giả ghi nhận trong bộ sách của mình chứ?

Những “từ mới”, dù là xem xét một cách “tương đối” đi chăng nữa, mà lại có thể cũ tới non non một thế kỷ được sao?

Ngay từ “từ mới” đầu tiên, trong trang đầu tiên, là “á hậu”, đã thấy có gì đó lấn cấn. Gọi là từ mới thì cũng chẳng sao. Nếu ở nửa này đất nước một thời, trong cái cảnh gọi là phồn vinh giả tạo, người dân đã biết thế nào là hoa hậu và á hậu thì, với một nước Việt đã được thống nhất, những lớp trẻ sinh sau đẻ muộn hay lớp già bận bịu với cái sự làm điểm tựa thành đồng chưa hề biết thế nào là cái vương miện dành cho người đẹp nhất nước cũng phải cố chờ. Chờ cho đến lúc làn gió mệnh danh “The wind of change”, nói theo một bài hát của nhóm Scorpian, thổi từ Moscow thổi về Hà Nội rồi mới biết được, từ những con người xương thịt cùng thời với mình, thế nào hoa hậu, thế nào á hậu. Thế nhưng nếu “á hậu” đã là “từ mới” thì người chị em song sinh “hoa hậu” cũng phải là “từ mới” chứ? Vậy mà đóa hoa hạng nhất thì được xem như quen thuộc, được xem như thể là “ấy của cha ông mua để lại”, khác hẳn với đoá hoa xếp hạng hai. Cái sự phân biệt “cũ-mới” ở đây, như thế, hẳn phải có gì đó rất khác thường.

Cái sự khác thường này được tiếp nối, cũng ngay trong trang đầu tiên, với những “an lạc”, “an lành”, “an nguy”, vốn dĩ rất là quen thuộc, vốn dĩ đã thu hút sự chú ý của Đào Duy Anh hơn ba phần tư thế kỷ trước rồi những tác giả đời sau, tỷ như Lê Văn Đức, với Việt Nam tự điển, xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn. Lật tiếp trang hai, ngay từ vị trí đầu tiên, lại thấy “an nhiên”, cái từ mới đã xuất hiện ngay trong bộ sách cụ Đào từ lâu. Mà chúng ta cũng chẳng cần bám vào cái tiêu chí “tự điển bản vị”, chẳng phải mệt nhọc tra cứu để so sánh với những gì mà cụ Đào hay cụ Lê đã ghi nhận từ trước. Những “áo cưới”, “ăn liền”, “ăn nhanh”, “ăn theo”, “ẩn chứa”, “ẩn ức”, “bãi nại”, “bãi tắm”, “bàn thảo”, “bản quốc”, “bán dạo”, “bán quán”, “bảng hiệu”, “biến ảo”, “biến cải”, “biến dịch”, “biến chủng”, “biểu tượng”, “biệt lệ”, “biệt nhãn”, “bình xịt”, “bỏ mối”, “bố cáo” vân vân và vân vân mà – trong thời điểm năm 2002, với tính “tương đối” của “mốc thời gian 1985 – 2000” – được xem như là “từ mới” thì, có lẽ, nhóm tác giả cần phải đưa ý niệm “mới” và “tương đối” lạ lùng của mình vào bộ tự điển mới là phải phép. Thế nhưng, dẫu có chịu khó băng qua gần 300 trang giấy khổ lớn dằng dặc những từ “cũ cụ Đào cụ Lê - mới bà Chu” chẳng thể nào kể xiết thì cũng hoài công dã tràng xe cát thôi. Chẳng thấy đâu là “mới”. Cũng chẳng thấy đâu là “tương đối”. “Mới” và “tương đối” hiểu theo nghĩa... mới.

Nhưng, nghe ra lại thấy quen quen. Thứ ngôn ngữ quen quen của cái thời gọi là... quá độ. Nếu “mới”, một cách chính thức và thành văn, hằng là ngôn ngữ đầu môi của thời quá độ thì, hầu như, “tương đối” đã trở thành một thứ kinh nhật tụng của một xã hội đã được đoàn ngũ hoá. Mà thực. Ngoài những khẩu hiệu hay nghị quyết mang tên “trận địa mới”, “xã hội mới”, “văn hoá mới”, “dân chủ mới”, “truyền thống mới”, “thời đại mới” v.v... tính từ về cái sự không-phải-cũ ấy còn sáng choang trong mô thức về con người lý tưởng mà – nói theo nhà văn Thế Uyên trong tập bút ký Con đường qua mùa Đông – cứ là lòng vòng, trúc trắc và tối tăm như một câu thần chú: “Muốn xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ta phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chỉ có thể có con người mới xã hội chủ nghĩa với điều kiện là theo chủ nghĩa xã hội, thực hiện xã hội chủ nghĩa làm tiền đề cho việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Như vậy việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa có quan hệ qua lại biện chứng với nhau.” Rồi đến “tương đối”, thứ từ ngữ dường như mang tính gây nghiện trong không khí phê và tự phê, trong những lập ngôn kiểu “đánh giá tình hình chung” có thể tìm thấy ở bất cứ cơ quan và đoàn thể nào, thậm chí từ tận lớp học cấp “cơ sở”. Chẳng ra quái gì, thậm chí rất tệ thì “tương đối bình thường”. Nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt thì “tương đối tốt”. Mà, hễ đã kha khá chút đỉnh rồi thì lại, nhất định, phải là “tương đối xuất sắc”. Cứ như thế, như một nghịch lý, trong thời đại của sự tuyệt đối hóa, từ sự sáng suốt tuyệt đối của bậc lãnh đạo cho đến sự đúng đắn tuyệt đối của chủ nghĩa soi đường v.v..., cái ý niệm “tương đối” ấy lại được vận dụng đến là vô tội vạ, đến là bệnh hoạn. Cứ như thế, xin lỗi ông Albert Einstein, người người lớp lớp lại cặm cụi xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng... chủ nghĩa tương đối, cặm cụi mãi cho đến khi làn gió “Wind of change” thổi về thì mới giật bắn người kêu gào... đổi mới. Nào là: “Đổi mới hay là chết”. Nào là: “Đổi mới để tồn tại”. Đổi mới và đổi mới. Đổi mới như một “sự nghiệp” của toàn dân. Đổi mới từ trong tư duy. Dẫu vậy, dẫu ghê gớm là thế, dẫu khí thế và sinh tử là thế, cái “mới” ấy chẳng qua cũng chỉ là cái trò mượn màu trinh tiết, cái trò vỏ lựu máu mồng gà thế thôi. “Đổi mới” chỉ để đưa người nông dân về với ruộng đồng của họ, chỉ để đưa người tiểu thương về với hàng quán hay chợ búa của họ, để mời gọi ông Tây ông Tàu quay lại đầu tư y hệt bao nhiêu năm về trước v.v... thì có gì là... mới?

Đổi mới, như thế, chỉ là một sự mới tái chế. Đổi mới ngay trong tư duy nhưng vẫn cứ là lẩn quẩn, lòng vòng. Mới kiểu “cũ người mới ta”.

Thì, “cũ người mới ta”. Nhưng có gì là “người” hay “ta” trong cái chuyện ngôn ngữ chứ? Cũ với Pháp Lang Sa nhưng mới với An Nam của thế hệ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh – từ những “yên sĩ phi lý thuần”, “đức khắc mô lạp tư” đến “ti vi huyết quản” v.v... – thì chẳng có gì đáng nói, nhưng nếu “cũ cụ Đào cụ Lê mà mới bà tiến sĩ Chu” thì, sự thể, phải có cái gì đó rất đáng mổ xẻ.[2] Tại sao, tại sao cụ Đào – cụ Đào của năm 1931– và cụ Lê ở Sài Gòn năm 1970 nhất định là “người” trong khi bà Chu cùng nhóm cộng sự viên tại Viện ngôn ngữ học hôm nay lại là “ta”?

Trục trặc có lẽ xuất phát từ đây, từ cái nhìn chính thống. Trục trặc đã không nằm về khía cạnh phương pháp luận mà là ngay từ ý niệm xuất phát. Những nhà ngôn ngữ học, dù chuyên nghiệp và cần mẫn cách mấy đi nữa thì vẫn, nếu đã xuất phát với những khái niệm lấn cấn và một tư duy lấn cấn, cũng chỉ có thể đi đến những tìm tòi hay những kết luận lấn cấn.

Có lẽ thế thực. Có lẽ tư duy về cái mới đã bị trói buộc bởi cái nhìn chính thống. Cứ nghĩ: nếu “á” là một từ cũ, “hậu” là một từ cũ, và “hoa” cũng là từ cũ thì, tại sao, “á hậu” lại là từ mới trong khi “hoa hậu” lại là... di sản cha ông? “Bột ngọt” và “mì chính” cũng chỉ là hai từ ngữ song sinh, cũng cùng gọi tên một sản phẩm có gốc gác ngoại quốc thế thôi, vấn đề chỉ là cách biệt địa lý nam-bắc thế mà, trong khi “bột ngọt” được xem là từ mới thì “mì chính” nghiễm nhiên là... “ấy của cha ông mua để lại”. Rồi “tác quyền”, trong màu áo... “từ mới”. Cứ nhớ: ngay trong thời thuộc địa, nhà thơ Quách Tấn đã đại diện cho gia đình nhà thơ Hàn Mặc Tử đứng đơn đòi nhà phê bình Trần Thanh Mại bồi thường “tác quyền” rồi mà? Cứ nhớ, đâu trong những thập niên cuối 60 và đầu 70 ở Sài Gòn, Linh mục Thanh Lãng cũng đã đặt vấn đề đạo văn và tác quyền với hai ông Phan Canh và Nguyễn Tấn Long qua cuốn sách viết về thi ca bình dân rồi mà? Nhưng “tác quyền”, như là một khái niệm ngoại đạo giữa một thể chế xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa công hữu, lại bị nhấn chìm bởi cái nhìn chính thống. Và như thế, khi lý thuyết công hữu đó tan tành theo làn gió đổi mới, “tác quyền” chợt hiện ra như một cái gì đó thực.. mới.

Rõ ràng, cái nhìn chính thống đã can thiệp vào cả sự phân biệt từ mới và từ cũ. Như những “an lạc”, mà những kẻ ưa suy tư theo hơi hướng nhà Phật thường dùng với “cõi đời an lạc”. Như những “an nhiên” v.v... mà thiên hạ vẫn sử dụng tự thuở nảo, thuở nao. Trong cái thời mà thế gian này bị cái nhìn chính thống phân chia bạn thù rạch ròi như là “ba dòng thác cách mạng” đang ào ào chuyển động, thời của cái sự sôi sục đấu tranh – sôi sục đấu tranh trên hai, ba mặt trận đến độ cỏ cây cũng phải động tình... tranh đấu: “Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt / Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm” (Chế Lan Viên) – ắt hẳn bất cứ thứ gì liên quan đến một thái độ cầu an và phớt đời đều bị xem là thứ... tà ma ngoại đạo. Thậm chí, cả cái “áo cưới” cũng chẳng thoát khỏi cái số phận này. Chẳng lẽ, trong ngày cưới, những tiểu thư Hà thành cùng thời với cô Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh lại diện cái áo thường mặc lúc đi hóng mát bên bờ Hồ Tây? Chẳng lẽ, mấy chục năm sau đó, cô đào Thẩm Thúy Hằng lại diện cái áo thường mặc trên sân tennis bước lên xe hoa để bắt đầu cho cuộc đời của... bà Nguyễn Xuân Oánh? Có lẽ, trong suốt mấy mươi năm đề cao “đời sống văn hóa mới”, đề cao tập quán “đám cưới văn minh” vốn dĩ chỉ tốn kém dăm ba bịch bánh kẹo và dăm ba gói trà thế thôi, “áo cưới” đã trở thành cái gì rất là... ngoại đạo và phi chính thống. Và như thế, kể từ khi làn gió đổi mới thổi từ Moscow thổi về để người người – xin lỗi hương hồn nhà thơ Nguyễn Đình Thi – “rũ bùn đứng dậy”... sang cả và trưởng giả, cái mà mấy cô kia từng mặc ngày lên xe hoa chợt trở thành cái gì rất... mới.

Ý niệm “mới” ấy, như thế, đã đi quá cỡ... tương đối. Mà “tương đối” thì, trong một môi trường xã hội dựa trên sự tuyệt đối của những giáo điều, chỉ là thứ ngôn ngữ của cái sự an thần và sự bao biện. Sự đời đâu có luôn luôn cứng ngắt? Sự đời đâu có luôn luôn bất di bất dịch? Sự đời đâu có luôn luôn tuyệt đối như những công thức cộng trừ trong mấy bài toán tiểu học? Và như thế, khi cái gì đó đi chệch ra khỏi tiêu chí chính thống, vốn dĩ rất là tuyệt đối, người ta sẽ phải mượn đến ý niệm tương đối. Tần số lệch lạc càng cao, tần số vay mượn càng cao. Cao mãi cho đến lúc đại lạm phát, đến khi cái “tuyệt đối lý tưởng” chẳng thể nào chịu đựng nổi những “tình hình chung” toàn là “tương đối tốt” và “tương đối bình thường”. Và như thế, kết quả phải là những lời kêu gào “đổi mới”.

Tư duy về cái mới, trong chiều hướng đó, chẳng hề là một nỗ lực tự thân mà là sự bức bách của tình thế. Và đó chính là một thứ tư duy ăn sẵn. Mới, nhưng không ngụ ý cái sự phiêu lưu và tìm tòi. Mới, nhưng lại dựa trên những định chuẩn đã biết chắc. Mới, nhưng luôn ray rứt với sự bảo chứng của giá trị chính thống. Với một tư duy như thế thì những nỗ lực “đổi mới”, trên bất cứ phương diện nào, cũng chẳng đưa chúng ta đến đâu cả. Cùng lắm chỉ là đẩy chúng ta vào cái cảnh của Vân Tiên cõng mẹ trong một câu vè vui thế thôi: hết quay ra thì quay vô, hết quay vô thì quay ra.

Nếu cái nhìn chính thống đã đẻ ra sự đối lập rất là khập khiễng trong quan hệ cũ-mới thì, khái quát hơn, cái nhìn đó còn đưa đến những điều lấn cấn khác trong tư duy về sự đối lập.

Nếu tính đối lập biểu thị ở sự trái nghĩa hay phản nghĩa trong ngôn ngữ thì, nhớ, chỉ hai năm trước đây thôi, các em học sinh ở Cần Thơ đã lâm vào cảnh cứng đờ đầu óc khi bị nhà trường buộc phải tìm cho ra một sự trái nghĩa... không bao giờ có. Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ngày 21.5.2002 các em đã phải vắt óc tìm cho ra “từ trái nghĩa” với từ “bà ngoại” để rồi, đâu đó ở Việt Nam, lại nghe ngóng được những tiếng cười thầm chua chát. Cười, là cười cho cái tư duy trái/phản kỳ khôi của những nhà sư phạm miệt vườn. Chua chát, là chua chát trước sự ô nhiễm tình cảm của trẻ thơ khi chúng bị lôi tuột vào cái trò kỳ thị thân tộc, ngay với những hình bóng thân yêu nhất của mình. Mà cả những tác giả của đề thi kỳ dị ấy cũng thế. Họ chẳng thể quyết đoán rằng, trong cái trò kỳ thị “phản-bà ngoại” kia, đâu mới là đáp số. Họ chẳng thể quả quyết đó là “ông nội” hay đó là “bà nội”, cho dù, cuối cùng, cũng tạm thời ngã ngũ ở cái đáp án lâm thời với chọn lựa thứ hai. Họ, thầy và trò, cứ là lấn cấn không yên như thế cho đến khi một nhà ngôn ngữ học lên tiếng: Làm gì có từ trái nghĩa hay phản nghĩa với từ “bà ngoại”![3]

Trong ngôn ngữ thì, hiểu một cách tổng quát, tương quan “trái nghĩa” thường chỉ xuất hiện giữa những tính từ và động từ. Hoặc tương quan đó nói lên sự khác biệt về cấp độ như “rộng” và “hẹp”, “cao” và “thấp”, chẳng hạn. Hoặc tương quan đó nói lên mối quan hệ loại trừ, như, không “sống” thì “chết”, không “lỗi thời” thì “tân tiến”, chẳng hạn. Và tương quan đó còn nói lên mối quan hệ đối xứng hay đối nghịch, như, “ở trên” so với “ở dưới”, “cho” so với “nhận”, “mua” so với bán”, chẳng hạn. Thế mà, ngạc nhiên thay, trong một cuốn sách chẳng thể nào xếp hạng miệt vườn, thậm chí còn được xem là kim chỉ nam của cái sự trái nghĩa với ba lần tái bản, tính ở thời điểm năm 1999 là Từ điển trái nghĩa tiếng Việt, cái sự “trái nghĩa” ở đây cũng khập kha khập khiễng như thể cái sự “mới” trong cuốn từ điển về từ mới vậy.[4]

Như, ngoại–nội, ở trang 176, chẳng hạn. Giỏi lắm, như đã thấy, ngoại-nội có thể trái nghĩa nhau như những tính từ với hàm ý “ngoài” và “trong” nhưng làm sao, như những danh từ, lại có thể trái nghĩa nhau về mặt thân tộc? “Ngoại–nội” – trong “Cháu bà nội, tội bà ngoại” – làm sao có thể trái nghĩa nhau cho được? “Giống cái” trái nghĩa với “giống đực” nhưng khó mà nói rằng “người đàn ông” thì trái nghĩa với “người đàn bà”? Cứ như thế, trong cuốn từ điển mỏng manh với 270 trang chúng ta bắt gặp không ít những mối quan hệ trái nghĩa kỳ cục như thế. Nào là “đỏ - xanh”. Nào là “nếp - tẻ”. Nào là “thiên nhiên – xã hội” rồi “sản xuất – tiêu dùng” v.v... Thì, nói “khuôn mặt hồng hào” thì “hồng hào" có thể trái nghĩa với "xanh xao", nhưng, như là một cặp danh từ, làm sao “xanh” có thể xem là trái nghĩa với “đỏ”? Mà “xanh” là... xanh như thế nào? Của da trời và của biển cả hay của cây rừng? Rồi, “thiên nhiên”, chẳng hạn. “Thiên nhiên”, như trong "sản vật thiên nhiên", giỏi lắm, cũng chỉ có thể trái nghĩa với "sản vật nhân tạo" thế thôi. Còn trong vai trò của một danh từ, làm sao “thiên nhiên” có thể trái nghĩa với “xã hội”?

Sự thể, có lẽ, đã có sự can thiệp phần nào của cái nhìn chính thống. Khi xã hội rầm rộ tán dương cho cái sự “Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên” (Tố Hữu) thì, hẳn là, “thiên nhiên” phải bị xem là đối lập với “xã hội”. Khi xã hội cổ vũ cái sự thắt lưng buộc bụng và cái sự “mỗi người làm việc bằng hai” thì, hẳn nhiên, “tiêu dùng” bị xem là đối lập với “sản xuất”, cho dù, trong cái nhìn kinh tế học thuần túy, tiêu thụ lại là một yếu tố quan trọng có tác dụng kích thích nền sản xuất. Rồi còn dấu ấn nặng nề của của truyền thống với tệ kỳ thị giới tính và, thậm chí, phân biệt nội-ngoại. Như: nam thượng nữ hạ. Như: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Và như, nữ nhân ngoại tộc, chẳng hạn.

Nếu truyền thống ngụ ý một giá trị văn hoá thì, hẳn là, tư duy về sự phân cực và đối lập này phải thể hiện một dấu ấn văn hóa nào đó, rất riêng của chúng ta.

Mà thực. Như cách tư duy và liên tưởng của chúng ta về những gì liên quan đến hai bên trái-phải. Tôi không có đủ kiến thức về ngoại ngữ để kiểm tra tiếng nói của mọi dân tộc nhưng, hầu như, chỉ có chúng ta mới khắt khe với những gì không thuận và không hợp với mình. Thì “phải” của chúng ta – cùng với tiếng nói của bao nhiêu dân tộc khác – ngụ ý “bên phải”, ngụ ý cái gì đó thuận tình hợp lý, ngụ ý sự đúng đắn, ổn thoả, chỉ thiếu phần quyền hạn thế thôi. Thế nhưng khi đã xoay sang bên “trái” thì sự thể khác hẳn. “Trái” của chúng ta còn khắt khe hơn với “sai”, với “không hợp lẽ”, với “không ổn thỏa” và, thậm chí, vi phạm quy ước chung về trí hay về đức. “Right” của người Anh là “đúng” và xa hơn là “quyền hạn” nhưng “left” của họ không hề ngụ ý là “sai”. Người Pháp, với “droite” rồi “gauche” cũng vậy. Rồi, khi vay mượn tiếng của người Hán, chúng ta chỉ đồng tình là “hữu lý” và phản bác là “vô lý” chứ đâu có bác là “tả lý” bao giờ? Thuận với mình thì gọi là đúng thì kể cũng chẳng sao. Nhưng, khi xem cái gì “trái” với mình là “không đúng”, là “sai”, thậm chí “phản động” thì chúng ta đã thực sự tỏ ra khắt khe và cực đoan.

Cái tư duy về sự đối lập và “trái-sai” khắt khe và cực đoan ấy, có lẽ, chính là một sản phẩm văn hóa của thói quen nô lệ. Chúng ta nô lệ vào cái chính thống. Chúng ta nô lệ vào thế lực đang mạnh. Chúng ta nô lệ vào cái chắc ăn, vào cái mình đã thử nghiệm và đã biết chắc, và như thế, chúng ta bị trói buộc với những gì thuận và... phải với con mắt, với lỗ tai và nếp suy nghĩ đã thành quán tính của mình. Mà, khi đã cực đoan trong cái tư duy về sự đối lập mang tính “phải–trái” ấy, chúng ta càng cực đoan hơn trong viện nhận diện bạn-thù. Hễ chống một kẻ xem là thù, chúng ta chống tới cùng. Và chống “cả đường đi”. Rồi khi xem kẻ thù đó là bạn, chúng ta quay tung hê hết mình. Và tung hê “cả tông chi họ hàng”.[5]

Thay đổi quan niệm về bạn-thù, thực chất, lại là sự thay đổi của cái nhìn chính thống. Và khi hô hào “đổi mới” theo những mô hình mà, tự thâm tâm, vẫn chưa thực sự xem là “bạn”, cái tư duy về sự đổi mới kia sẽ còn lấn cấn hơn nữa. Tự thân tư duy về cái mới đã ở trong tình trạng lấn cấn. Trong cái cảnh lẩn quẩn bạn-thù, tư duy về sự đổi mới theo những giá trị chẳng rõ là bạn-hay-thù kia sẽ còn lẩn quẩn hơn nữa. Và như thế, dẫu đã kêu gào là đổi mới từ trong... tư duy, cái tư duy đổi mới kia vẫn rất là... lạc hậu. Đổi mới, như đã nói, mà cứ tựa vào cái chính thống. Đổi mới mà ngại cái sự phiên lưu. Đổi mới mà cứ đòi bảo chứng bằng những hệ giá trị đã nắm chắc.

Trong thời đại đa nguyên này thì mọi giá trị được xem là chính thống đều trở nên tương đối. Đổi mới mà vướng víu với cái cối xay chính thống ấy thì, giỏi lắm, chúng ta cũng chỉ lẩn quẩn như những con gà què. Ở trong bất cứ lĩnh vực nào, những nỗ lực đổi mới khập khiễng ấy cũng chẳng đưa chúng ta đến đâu xa mà chỉ lòng vòng từ “thời kỳ quá độ” để rồi đi đến một cái thời “quá” nào khác như, “quá tệ”, chẳng hạn.

Hẳn nhiên, ý niệm về tình trạng “quá tệ” ấy phải được đặt trên cái nhìn đồng đại...

28/4/2004

 

_________________________

Tài liệu & chú thích

[1]Viện Ngôn ngữ học, 2002, Từ điển từ mới tiếng Việt, Nhà xuất bản thành phố HCM. (Ban biên tập bao gồm: TS Chu Bích Thu (Chủ biên), PGS TS Nguyễn Ngọc Trâm, TS Nguyễn Thúy Khanh, TS Nguyễn Thanh Nga, TS Phạm Hùng Việt).

[2]“Yên sĩ phi lý thuần”, tức “cảm hứng” (inspiration), “đức khắc mô lạp tư” là “dân chủ” (democracy), hai khái niệm hoàn toàn mới với thời đó, người ta chưa biết dịch là gì nên phiên âm theo.

[3]Tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 23.5.2002. Xem thêm: http://www.talawas.org/ts/ts.html

[4]Dương Kỳ Đức, NguyễnVăn Dụng và Vũ Quang Hào, 1999, Từ điển trái nghĩa tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, in lần thứ tư (xuất bản lần đầu vào năm 1985).

[5]Ca dao: "Yêu người yêu cả đường đi / Ghét người ghét cả tông chi họ hàng".


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021