thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Viết

Viết là ghi vào giấy một tiếng nói, với một người, không ai đặc biệt cả. Viết là tìm một chỗ trống, một khoảng trống rồi lấp đầy khoảng trống ấy bằng tiếng nói bị cưỡng bức phải nói. Viết là tìm một bước cho cuộc nhảy múa tự biên đạo lấy, trong bóng tối. Viết là đối mặt với những cuốn sách nghiêm nghị, giễu cợt nhìn ta. Viết là tưởng tượng đi một đoạn đường với một tác giả đã chết, hay ở xa, không bao giờ gặp. Viết là mò mẫm cào xới trong chiếc giếng cạn, biết đâu một mạch nước. Viết là đi ngủ vào lúc bốn giờ sáng, bảy giờ sáng đuổi một con tàu tới sở, tới hãng. Viết là tìm một tờ giấy (tấm vé tàu, tờ bill, thư của sở thuế, giấy phạt...) ghi xuống một câu, hai câu, ba câu. Viết là vừa hình dung vừa xa cách vừa mời gọi (không được quá tha thiết) một người đọc. Viết là không đồng ý với ai hết. Viết là bất đồng với cái tôi trong bọc điều. Viết là thách thức và chống kháng. Viết là không tin vào hệ thống/system. Viết là viết một công thức (chẳng hạn Art = Capital (J. Beuys)) rồi đấu kiếm với công thức ấy. Viết là ngó ngược vào những vật, những người. Viết là nhìn nghiêng vào những người, những vật. Viết là tìm kiếm một chữ chính xác, một câu chính xác cho một thực tại (vốn bấp bênh). Viết là chịu đưa thân cho một võ sĩ hạng nặng giáng cho một trận. Viết là làm vơi dần những trang trắng một cuốn sổ tay. Viết là nhảy qua những dấu phẩy. Viết là đi tới một dấu chấm. Viết là tin tưởng chưa hết. Viết là không quá tin tưởng. Viết là không quá hy vọng. Viết là hoạt động ở nhiệt độ hầm lạnh. Viết là vì bầu trời quá rộng, quá sức. Viết là nằm trên những biên giới. Viết là tạo một năng lượng vừa đủ, cho một người, hai người. Viết là hy vọng có đối thoại, có tiếng cười (trước khi gấp lại). Viết là tình yêu không bạo hành. Viết là ở trong căn phòng của Bà Woolf mà vẫn bước vào the Enormous Room của e.e. cummings cùng lúc đi trên phố Hà Nội thời mở cửa với Mr. Lê Đạt. Viết là im lặng nói và nói trong im lặng. Viết là cực đoan, to your face mà vẫn lễ độ. Viết là vì những kiến trúc quá đẹp, âm nhạc quá diệu kỳ. Viết là vì những vật thể chung quanh một hôm đều sáng lên khác thường. Viết vì cuộc sống quá bí mật. Viết vì cuộc sống quá tầm thường vô vị. Viết vì đời sống vô nghĩa. Viết trong khi chờ đợi (Beckett). Viết là lập lại rồi vượt quá sự lập lại. Viết là sinh nở. Viết là sống thơ trẻ khi người ta không còn. Viết là mang một dạng thể, khi hư vô tới gần bên. Viết là vì biết đang trong một chuyến đi. Viết là đi (dù lê lết). Viết là hiện hữu. Viết là vì biết khi một kẻ chết hắn không thể viết. Viết là viết là viết là viết là viết là viết (Gertrude Stein), vân vân.

Những định nghĩa về Viết ở trên đều tránh né một chuyện: thực tại bàn viết, tức là chỗ một người ngồi, với trang giấy, hay một màn máy word processor ; xích ra một chút là cái kệ bán sách, và xích vào bên trong một chút là cái câu hỏi: những gì chị và anh viết ra có đem lại miếng ăn không? Viết không chỉ là một tiến trình: viết, như mọi nghề phải đi tới sự hoàn mỹ của công việc, tới một mục tiêu cụ thể: người thợ mộc đóng cái bàn, nhà văn viết nên tác phẩm. Nên phải thêm: Viết thực sự là đánh cận chiến với con-người-kinh-tế để tiếp tục được viết. Những chữ con-người-kinh-tế tôi mượn của nhà thơ W.H.Auden, người đã viết:

All I have is a voice
To undo the folded lie,
The romantic lie in the brain
Of the sensual man-in-the-street
And the lie of Authority
Whose buildings grope the sky
There is no such thing as the State
And no one exists alone;
Hunger allows no choice
To the citizen or the police;
We must love one another or die.
                                        (September 1, 1939)
Tất cả những gì tôi có là một tiếng nói
Để tháo gỡ điều dối trá xếp gấp,
Cái dối trá lãng mạn bên trong bộ não
Của con người nhục cảm trên đường phố
Và cái dối trá của Cơ Quan Thẩm Quyền
Những lầu đài của nó sờ soạng bầu trời
Không có cái gì gọi là Nhà Nước
Và không ai tồn tại một mình;
Cái đói chẳng cho phép ai chọn lựa
Dù kẻ đó là dân thường hay cảnh sát;
Chúng ta phải yêu nhau hay là chết.
                                        (1 tháng 9, 1939)

Thực tại bàn viết không phải chỉ là câu chuyện cũ bánh mì hay hoa hồng? Sự chế ngự sau cùng của con-người-kinh-tế - lãng mạn bên trong bộ não, nhưng toàn bộ hoạt động xoay quanh một trục đôla - chỉ là một mặt trong thực tại ấy. Cuộc phá huỷ môi trường sống. Cuộc chạy đua ráo riết của khuynh hướng sống duy vật, sống kinh tế. Ép bức và kỳ thị. Chủ nghĩa Nazi mới. Độc tài và nhũng lạm ở giới cầm quyền thủ lợi. Chủ trương vị lợi kinh tế bất kể thiệt hại an sinh. Bạo hành và cưỡng hiếp tấn công vào nữ phái và trẻ thơ. Kỹ nghệ chiến tranh đi liền với kỳ thị chủng tộc, tôn giáo. Kỹ thuật vị kỹ thuật, mê tín và giáo điều. Sự thắng thế của hệ thống và hệ thống, của Máy Tự Động, của Cặp Mắt Trung Ương soi vào mọi hồ sơ cá nhân từ sinh ra tới chết. Globalisation / toàn cầu hóa (nghĩa là cái yếu cái nhỏ không có cơ tồn tại). Economic rationalism / Duy lý kinh tế (có nghĩa cái gì không ra tiền thì chết), vân vân. Tất cả đều nằm trong cái thực tại bàn viết. Nhà văn, dù là ở đâu, đều phải trực diện với thực tại ấy. Tôi không muốn nói người cầm bút hôm nay bị buộc phải đau đáu kéo cái thực tại ấy vào trong tác phẩm, hay tệ hơn, cả tin vào tác phẩm như những giải đáp. Nhưng rõ ràng là bằng những nỗ lực đơn lẻ, mỗi người cầm bút, để cho ngòi viết có được sự tự do và tính chân thật, phải đánh một trận chiến với thực tại bàn viết tới nơi tới chốn, bắt đầu với thực tại sinh tồn kinh tế. Điều ấy người đọc không biết (không cần biết). Thêm, ở trong những tình thế mà tôi thấy được, dù trong hay ngoài, thì văn học tiếng Việt cũng đang đi từ chỗ mất dần người đọc tới một tình trạng không độc giả (khác với sự không thể hình dung độc giả - một thực trạng khác nữa.) Sự trạng mất dần người đọc sách có nơi là hệ quả của thực tại nghèo đói, có nơi là hệ quả của thực tại sống co rút âu lo sợ hãi trước ông thần kinh tế - ngay các nước sách còn bán được thì những đổi thay nhanh chóng cuối thế kỷ cũng đang đòi hỏi mỗi con người một khả năng thích ứng nhanh chóng, buộc họ phải tự định nghĩa lại nhiều thứ, trước khi có thể trở về với một cuốn sách - nếu sách còn là chọn lựa (Sách nằm ở đâu bên cạnh Microsoft, IBM, Internet, CD-ROM, digital info?) Khuynh hướng toàn cầu hoá cũng đưa đến hệ quả là ngôn ngữ và văn học của nền kinh tế mạnh vốn đã chiếm ưu thế sẽ hoàn toàn thắng lướt ngôn ngữ và văn học của các nền kinh tế nhỏ, yếu, dẫn tới tình trạng nguy hiểm: càng yếu càng nhỏ lại càng bảo thủ.

Tôi tình thực vẫn không giảm bớt chút nào tình mình trước thơ ca của Auden, lời báo động trước ngưỡng cửa xám của cuộc Thế chiến thứ hai của nhà thơ cho tới nay vẫn tức thời hợp cảnh, chỉ một lời kêu cầu tới universal love "Chúng ta phải yêu nhau hay là chết" của ông hôm nay sao nghe như một thứ lý tưởng đẹp và xa xôi. Có thể nào viết không giả định một cái gì cả không? Viết trong một thời đại đen trắng lý tưởng, văn hoá thuần chất, không lai, chữ rạch ròi nghĩa, viết là kêu đòi đáp ứng, và được phép như thế. Tôi không biết có ai nghĩ rằng chúng ta còn ở trong thời đại ấy? Và có gọi được "chúng ta" không - những con người rất chung nhau (trong cấu thành gen tố chủng loại) lại rất đỗi xa nhau? Chỉ một thực tế: thời đại di dân và mở cửa biên giới, cross-cultural, đang đem những con người xa nhau đặt kề bên nhau, và chính vì thế nó sẽ thử thách. Nó sẽ thử thách xem có tình yêu con người / universal love thực hay không; nó thử thách xem công bằng băng qua màu da hay cơn bệnh kỳ thị chủng tộc sẽ thắng; nó thử thách xem văn hoá thuần / monoculture hay đa văn hóa / cross-cultural sẽ là nền tảng của xã hội tương lai; sẽ thử thách xem con người tiếp nhận ra sao kẻ khác. Con người cứ dang dở và còn đang hoàn thành. Con người đang hoàn thành ấy viết cái gì, viết ra sao? Không có một lý do chung cho sự viết. Cuộc cận chiến không được kêu cầu tới tình yêu. Những gì thu nhập hôm qua không nên là của cải. Những giả định, những nguỵ tín văn hóa đóng khuôn và thu hẹp cũng nguy hiểm như sự từ khước nhìn thấy những vấn đề đang nằm trong thực tại bàn viết, hay sự từ khước những nguồn chất liệu quá mới, quá lạ, những tiếng nói chưa quen thuộc, tới từ những chiếc cửa dị dạng, thách thức. Có lẽ rồi sẽ không còn bao nhiêu người đọc. Người viết như thế sẽ viết, cho chính hắn, cho mưu cầu nằm bên trong bản thể của hắn. Nếu thế, viết cũng là trung thực nhìn vào dở dang và rách nát của mình, và đi tiếp - vào một thế giới ngoài tất cả mọi tiên liệu.

30/5/1998

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021