thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sim và nho đều tím ngắt như nhau?

Sống? Thì từ lúc khóc choé chào đời cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng ai mà chẳng sống. Viết? Thì cũng từ lúc mới tập nắn nót bằng bút chì hay ngòi bút lá tre ai mà không viết, chí ít giờ đây cũng phải viết... bill hàng tháng!

Nhưng để sống thực sự một đời sống, con người đâu chỉ đơn giản tiêu hoá và hô hấp, hay nói như các nhà sinh học là "duy trì những khả năng trao đổi chất với môi trường bên ngoài." Tôi vẫn sống vẫn ăn vẫn thở, nhưng có bao giờ tôi nói thật những điều tôi ước mơ. Cuộc sống con người phải ướt đẫm những ước mơ nếu muốn vượt khỏi những giới hạn thấp bé của những phản ứng sinh hoá trong cơ thể. Tuy nhiên những đời sống đó lại bị rắc rối với những ước mơ có bao giờ nói thật đó, những ước mơ không bao giờ toại nguyện; và khi cây bút - như một thứ phất trần của tiên ông - biết chắp cánh cho những ước mơ, họ mới thực sự viết những gì đáng gọi là viết.

Vậy mà vấn đề vẫn chưa ra môn ra khoai, sống như thế nào và viết như thế nào; từ lâu người ta vẫn loay hoay bàn tới bàn lui. Sự thể lại rắc rối thêm khi với những niềm ước mơ, với những gì cần viết ra; con người lại phải chật vật trong những nỗ lực duy trì những khả năng "trao đổi chất" ở một môi trường mới lạ. Khi những niềm mơ ước không còn hô hấp trong bầu không khí quen thuộc, cây bút phải trở nên xa lạ, ngỡ ngàng, thậm chí đâm ra hụt hẫng và lúng túng.

Không phải là người viết văn theo đúng nghĩa của nó, ngòi bút của tôi lâu nay quen viết về bất cứ những gì chợt hiện lên trong ý nghĩ của mình, bất cứ những gì gợi nhắc đến nó; cố chắp nối để tìm nên những sợi dây liên lạc vô hình giữa những sự kiện xã hội, hay chính trị rời rạc, chỉ đôi lúc mới có chút đỉnh... văn chương. Tôi lại càng không có sự từng trải để chính mình thể nghiệm sự khác biệt trong việc "trao đổi chất" bằng ngọn bút giữa nơi mình sinh ra lớn lên và nơi mình đang... sống. Với tôi, những trớ trêu của sống-và-viết-bên-này-và-bên-kia, từ một kinh nghiệm nhỏ, chỉ được nhìn thấy qua chính những khác biệt giữa màu tím của sim và màu tím của nho!

Màu tím hoa sim thì ai cũng nghe đến. Màu tím có thể đã trở nên lãng mạn ngay từ thời Pháp thuộc với hình ảnh những tà áo tím của nữ sinh trường Gia Long, nơi quy tụ những thiếu nữ xinh đẹp con nhà trưởng giả; nhưng phải đợi đến khi màu tím tang tóc của ‘chuyện tình màu hoa sim’ được ca hát khắp nơi, nó mới trở nên quen thuộc. Thơ Hữu Loan rồi nhạc của hàng tá nhạc sĩ lớn bé khác nhau, màu tím hoa sim thậm chí còn đâm ra thê lương gấp bội khi những ca sĩ hát rong gân cổ xuống sề câu vọng cổ đoái xin khách bộ hành rủ lòng thương; sang hải ngoại những cô cậu choai choai nói ngoại ngữ giỏi hơn tiếng mẹ đẻ cũng ư ử bên dàn máy karaoke về "chuyện tình đẹp nhất chuyện hoa sim".

Và có lần tôi phải khan cổ tìm cách giải thích cho cô bạn gái, người tuy cảm cái "chuyện tình đẹp nhất" kia lắm lắm nhưng không biết thế nào là đồi tím hoa sim. Hoa sim có năm cánh, nhỏ, phơn phớt tím như hoa cà. (Lại một thứ hoa được các ca sĩ hạng tư rền rĩ!) Nhưng thế nào là hoa cà? Hoa cà là loại hoa có màu tím nhạt nhạt như hoa... sim! Bối rối nhìn quanh, xứ sở này có loài hoa nào tím như vậy chăng? Rồi đến quả sim, những quả sim trên "những đồi sim không đủ quả nuôi người", những thứ trái dại khi chín tới có màu tím thẫm, khi chín mọng đen tuyền. Tím thẫm và đen mọng. Sim và nho. Tôi chịu. Không thể diễn tả, không thể so sánh với những thứ trái chín sẵn có để hoàn thiện khả năng tưởng tượng của cô bạn. Rồi vị ngọt của sim, làm sao có thể sánh được với vị của nho? Mà cả tôi dường như tôi cũng đã quên hẳn vị ngọt của thứ trái chín quê nhà ấy rồi! Cứ vậy loay hoay, loay hoay mãi. Và cô bạn tôi không thể nào tưởng tượng cảnh đồi sim hoa nở nơi có người về sụt sùi bên mộ vợ; cảnh đồi sim trái chín cho chàng thi sĩ mơ mộng lùa bò vào nằm xuống nhìn lên.

Làm sao cô bạn tôi có thể mùi mẫn mãi về "chuyện tình đẹp nhất màu hoa sim" trong khi không làm sao tưởng tượng nổi màu tím ấy? Làm sao tôi có thể giúp cho những đầu lưỡi đã quá quen với vị ngọt của táo và lê có thể hình dung nên vị ngọt của sim, vị ngọt mà ngay cả tôi dường như cũng đã quên rồi? Sống trên đất lạ, lẽ nào chúng ta cứ ôm ấp mãi những kỷ niệm, những hình ảnh cũ lập đi lập lại đến sáo rỗng? Cứ phải mối tình nào cũng đẹp như màu tím, cứ phải chỉ những đồi sim quê hương mới là nơi bắt nguồn những gì lãng mạn nhất? Nếu cuộc sống đã bắt rễ trên đất lạ, phải chăng chúng ta phải biết "trao đổi chất" với chính mảnh đất đó để duy trì sự sống, sự sống với cả những niềm mơ ước "có bao giờ nói thật"?

Tự dưng tôi nhớ lại hàng ghế dưới những bóng cây với tàn lá úa vàng và thẫm màu đỏ gạch mình vẫn thường ngồi hàng giờ xem sách. Có người bảo là cây phong, có người bảo chỉ là một thứ cùng loài. Tôi không cần biết. Chỉ biết những bóng cây ấy vẫn đủ để gợi nhắc tôi những gì tương tự màu quan san mà mùa thu đang vẫy gọi. Dưới những tàn cây phong này hay bên những vườn nho, nếu một cái gì đó bất ngờ bắt nguồn; tôi nghĩ nó vẫn đẹp và lãng mạn như bất cứ chuyện tình nào khác trên đời này; thậm chí còn đẹp hơn cả những "chuyện tình đẹp nhất" mà mấy bạn trẻ thường ê a bên dàn máy karaoke dầu không hiểu thế nào là màu tím hoa sim.

Em làm hỏng một bài thơ, liễu hồ xưa úa theo tà áo xưa. Liễu Chương Đài, lơ thơ tơ liễu buông mành... Ở Việt Nam tôi chưa bao giờ biết thế nào là liễu, liễu buông mành nhẹ như làn khói, liễu Chương Đài với những hẹn hò thề thốt. Liễu đất Úc này cũng từng lay động hồn tôi trong một chiều nhạt nắng, nhành liễu đang rũ xuống mà như đang khóc; những hàngweeping willow đứng ven bờ hồ trong cơn gió nhẹ như gợi nhắc những tan vỡ của quá khứ, gợi nhắc những lần làm hỏng một bài thơ, rồi làm hỏng một đời nhau để cho rêu phong nét đá dàu dàu trăng soi.[1]

Uớc mơ làm con người vươn cao khỏi đời sống sinh học thuần túy, làm con người viết những dòng chữ khác hẳn những dòng chữ lạnh lùng trong một hoá đơn hay một contract làm ăn. Phải chăng điều này lại khiến họ thường viết về những gì mà mình đang thiếu? Ngày xưa có người chuyên viết về những thành phần trưởng giả với những tiệc tùng linh đình nhưng lại chết non vì bệnh tật và suy dinh dưỡng; có những người lính dữ dằn khi xung trận nhưng lại thích viết về mấy mối tình nữ sinh vv... Sống-và-viết-bên-này-và-bên-kia cũng có những oái ăm như vậy. Có những cây bút bên này thích viết về bên kia, cũng có những cây bút bên kia thích viết về bên này; nhưng khi loay hoay một hồi với những gì không thực của mình cả hai đều đâm ra giả tạo và khuôn sáo.

Liễu Úc có khác gì liễu trong thơ văn chúng ta? Cũng như nho và sim đều tím thẫm như nhau, tại sao cứ mãi vô tình với màu tím của nho mà lập đi lập lại đến sáo mòn màu tím của sim?

_________________________

[1]Thơ Tường Linh


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021