thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Viết và đọc trên Internet

Cả năm 1989, có khoảng 12 triệu mẩu tin lưu hành trên mạng lưới thông tin toàn cầu Internet (dịch tắt là liên mạng). Đến năm 1992, chỉ riêng vào tháng cuối năm, đã có 25 tỉ mẩu tin được cho đi trên liên mạng. Mấy năm sau đó thì người ta không còn có thể tính trên mẩu tin nữa vì con số quá lớn; họ chỉ tính đến số máy được nối vào Internet và sử dụng mạng nhện toàn cầu (WWW). Con số lên đến hàng chục rồi hàng trăm triệu. Trong những siêu xa lộ thông tin này có đủ bài viết về mọi lãnh vực của cuộc sống, từ tôn giáo, giáo dục đến cờ bạc, ma túy, kỹ nghệ tình dục, v.v... Văn học của thế giới nói chung, và của Việt Nam nói riêng cũng đã có mặt trên Internet ngay từ những ngày đầu. Hiện nay, có thể nói là Internet đã bắt đầu trở thành một môi trường thông tin và sáng tác đáng kể trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại.

Vấn đề chính mà bài viết nhỏ này muốn đề cập là: Đọc và viết văn trên liên mạng có gì khác lạ so với đọc và viết trên những bản in, chẳng hạn như sách báo hay không?

A. Đọc bài trên liên mạng (Internet)

Một số người cho rằng đọc bài trên liên mạng không còn có thể coi là đọc nữa, mà chỉ là "rà" (scan) để tìm dữ kiện qua những hình ảnh và những chữ lướt vội vàng qua khung hình, vì thời giờ thì giới hạn, mà tài liệu lại quá nhiều.

Nhận xét này có phần đúng, nhưng chưa đầy đủ. Sau khi tham khảo một số "hành giả" trên liên mạng (netter), theo thiển ý người viết có ít nhất 3 cách đọc bài trên Internet:

1/ Đọc phần liệt kê để tuyển bài. Độc giả loại này căn cứ vào "chủ đề" của từng bài hoặc tên của người viết, hay độc đáo hơn nữa là những tựa đề thật hấp dẫn để chọn bài muốn đọc, (chẳng hạn: Con gái độc thân trên 55 đừng nên đọc bài này...)

2/ Sau khi tuyển xong bài, độc giả sẽ dùng con chuột (mouse) hoặc bàn phím, để lướt hay rà bài viết trên màn hình để xem bài viết có hợp với sở thích mình hay không.

3/ Sau đó, nếu cảm thấy thích hợp, họ sẽ đọc kỹ hơn, hoặc có thể in ra giấy hay save (ghi trên đĩa) bài viết sau đó đọc lại.

Đọc theo kiểu thứ nhất đúng ra chỉ để tìm, y như ta đọc mục lục trên sách, báo. Tuy nhiên, nhờ vào kỹ thuật điện toán nên nhanh hơn, vì một số nhu liệu cho phép độc giả tìm, lọc (filter), và xếp (sort) các bản tin theo một thứ tự nào đó. Đọc kiểu thứ hai (hay đọc lướt) khác với đọc trên sách ở chỗ có thể nhẩy đoạn mau hơn, vì các trang bài hiện ra dưới mắt gần như chạy theo tầm nhìn. Đọc kiểu thứ ba gần giống như đọc trên giấy những bài viết đã được in rời.

Bây giờ đến câu hỏi là lối đọc trên liên mạng đã gây ảnh hưởng thế nào?

Nhờ liên mạng, một số người đã có cơ hội đọc nhiều hơn, như tác giả Nguyễn Vy Khanh ở Canada cho biết: "Đọc nét cho phép tôi đọc nhiều hơn và... hợp lý hơn. Nhiều vì tôi đọc hết những gì tôi thích hoặc muốn biết ít ra là lần đầu, sau đó tôi chỉ đọc những gì tôi thích và in hoặc save lại những gì tôi nghĩ tôi sẽ đọc hoặc sẽ cần một ngày kia. Hợp lý vì tôi đọc trước Thế Kỷ 21, Người Dân, v.v... trên net, nếu tạm đủ, tôi khỏi mua báo giấy." Khải Minh thì cho rằng: "Về kỹ thuật: Internet là một thư viện theo một nghĩa nào đó. Chúng ta có thể săn lùng nhiều tài liệu cũ mới liên quan đến đề tài tìm kiếm. Chúng ta có thể cắt dán, lưu trữ, so sánh, thống kê, trình bày văn bản theo sở thích. Mọi cách tìm kiếm và sử dụng tài liệu đều nhanh và chính xác." Một hành giả khác, anh Lương Thư Trung, lại nhấn mạnh: "Về việc đọc, trên Internet, người ta đọc nhanh và nhiều nhưng không kỹ bằng sách in; và chỉ đọc những bài viết mà mình thích."

B. Viết bài trên liên mạng (Internet)

Trên lãnh vực "viết", bài trên Internet có thể được xếp vào hai loại chính:

1/ Có bài được viết như trước đây, và chỉ mượn Internet làm phương tiện phổ biến. (Như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, thơ Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, hoặc thơ văn của một số tác giả đương đại.)

2/ Có bài được viết chỉ để đăng lên Internet dưới dạng ngắn và cho trình làng tức khắc ngay sau khi viết. Tác giả thường ở giữa khoảng 20-55 tuổi.

Văn phong của các bài loại thứ nhất dĩ nhiên không đổi. Riêng về cách viết của loại thứ hai thì có hai quan niệm khác nhau. Quan niệm thứ nhất là của anh Nguyễn Tiến Dzũng trên diễn đàn Ô-Thước: "Viết nhanh hơn vì trên computer, muốn sửa lỗi typo dễ dàng hơn. Có thể viết nhanh hơn vì không suy nghĩ chắc và sâu cho kịp tốc độ của modem gửi lên siêu không gian." Khải Minh cũng đồng ý như thế: "Viết trên máy thì rất nhanh và nhắm mắt viết cũng được." Quan niệm thứ hai cho là: viết trên Internet thì viết chậm hơn. Tiêu biểu cho quan niệm này là anh Trần Hoài Thư, trước đây là quân nhân và là một cây bút cũ đã có tiếng trên văn đàn miền Nam trước 1975. Anh cho biết như sau: "Khác với thời trước không? Khác. Về phương diện viết: Ngày xưa tôi luôn luôn bỏ trong túi áo trận một xấp giấy. Và gặp đâu viết đó. Vào quán cà phê, quán ăn, hứng lên rồi, thì mặc thiên hạ, hay viết trong poncho trùm kín mít, trong quân y viện, trên phi trường. Bây giờ thì viết trước computer. Trước đây tư tưởng trào dâng như ngọn thác. Đôi khi không thích nhưng lười viết lại, nên để nguyên gửi đi...Viết cũng chẳng cần coi lại. Bây giờ thì khác. Anh viết, anh đọc, anh có thể xóa, save, rồi sau đó đọc lại, sửa chữa, trau chuốt hơn... Bạn Dzũng cho là viết trên Internet nhanh hơn, tôi thì nghĩ khác. Viết chậm hơn. Tôi đã save cả mươi truyện chưa xong và thỉnh thoảng suy nghĩ chín chắn... Bởi lẽ, trước khi đưa lên Internet, anh phải ngồi trước máy và đọc và gõ..."

Tuy là còn rất nhiều điều liên quan đến Văn Học Nghệ Thuật trên Internet, nhưng vì bài viết được yêu cầu là phải thật ngắn, tác giả đành mượn lời nhà văn Trần Hoài Thư để tạm ngừng đề tài "Viết và đọc trên Internet" ở đây, xin cám ơn các văn-thi hữu trong diễn đàn Ô-Thước (do Phạm Chi Lan điều hợp) đã hợp tác trong bài viết này.

Giải thích vài chữ kỹ thuật trong bài:

- WWW (World Wide Web): Mạng Nhện Toàn Cầu là một giao điện bằng hình ảnh với người sử dụng máy (user interface). Muốn sử dụng WWW để đọc được hình ảnh và chữ, người sử dụng phải có máy được nối vào liên mạng, và một nhu liệu đặc biệt gọi là browser, chẳng hạn như Netscape, NCSA Mosaic, Internet Explorer...

- VIQR (Vietnamese Quoted-Readable): Tiêu chuẩn lập ra bởi một nhóm chuyên gia Việt Nam bên Mỹ, tên là Viet-Std Group để có thể viết và đọc chữ Việt dưới một dạng chỉ cần 7 bit (7 số hợp bởi 1 hay 0). Thí dụ: To^i ye^u tie^’ng nu+o+’c tôi.

- Modem (Modulation - Demodulation): Một thiết bị điện tử dùng để nối máy điện toán vào hệ thống đường dây điện thoại. Những tín hiệu sóng sẽ được chuyển qua dạng số và ngược lại.

- Net: "lưới", viết tắt của Internet (liên mạng thông tin thế giới, tắt là liên mạng.)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021