thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn học hải ngoại nhìn từ trong nước

Khi đặt bút viết bài này, trong tôi xuất hiện một cảm giác hình như mình đang bước vào lãnh địa thuộc chủ quyền của người khác. Cái mặc cảm đó là hệ quả của những kinh nghiệm văn hoá trong quá trình tiếp xúc, nhận biết và tiếp cận văn học hải ngoại của cá nhân tôi với tư cách một người viết, một độc giả trong nước. Nhưng bản thân sự hiện diện của nó đã phát lộ tình trạng bị chiếm hữu, bị dán nhãn của văn học hải ngoại. Nó tạo ra những người sở hữu khác nhau: ghẻ lạnh, hắt hủi hoặc mơn trớn, a dua. Nó cũng tạo ra những vùng cấm trong nhận thức và tiếp xúc. Hệ quả của tất cả những cái đó là, nó đã từng trở thành ốc đảo xa vời, nó tạo ra cái cảm giác ngoại đạo cho nhiều người trong nước, kể cả những người muốn quan tâm đến nó.

Trên tủ sách của tôi hiện nay có các tạp chí Việt số 1, Văn Học số 109, 137, 141 & 142, 144, Hợp Lưu số 28, 29 & 30, ba số Tạp chí Thơ năm 1997, sách Lính thợ ONS của Đặng Văn Long, Cuộc cách mạng bị phản bội của Trotsky do Hoàng Hoa Khôi dịch, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Thơ thẩn của Võ Phiến, Thần và người đất Việt của Tạ Chí Đại Trường,Vẫy gọi nhau làm người của Phan Huy Đường, Ký sự đi Tây và hai tập thơ của Đỗ Kh., Thơ v.v. và v.v...Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc. Gia tài sách báo hải ngoại mà tôi có được ở Việt Nam chỉ vẻn vẹn có thế. Về toàn cảnh của văn học hải ngoại tôi cũng nắm được phần nào qua bài viết của Mai Kim Ngọc, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Đại Lãng, Nguyễn Thị Sông Hương trên Văn Học số 109 - số chuyên đề về 20 năm văn học hải ngoại và bài viết rất sâu sắc của giáo sư Nguyễn Văn Trung in trên Văn Học số 112 mà tôi được đọc qua bản photocopy chuyền tay. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại những điều mà mọi người đã biết mà chỉ muốn kể lại kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp của bản thân trong hành trình đến với văn học hải ngoại trong mười năm qua, qua đó rút ra vài suy nghĩ về bản thân cái hành trình không thuận chiều, không êm ả ấy.

Thực ra thì từ cuối thập niên 70 tôi đã được đọc khá nhiều tác phẩm các loại của các nhà văn trong chế độ Sài Gòn cũ trong các thư viện Quốc Gia, thư viện Khoa học xã hội và thư viện Quân đội. Nhưng tôi không có cơ hội đọc những tác phẩm mới của họ viết khi đã định cư ở nước ngoài vì nguồn tài liệu hầu như không có. Mãi đến cuối thập kỷ 80 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới tôi mới được tiếp xúc trực tiếp với một tác phẩm do người Việt hải ngoại viết, nhưng lại là tác phẩm phê bình văn học in lại trên một tờ báo chuyên ngành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là bài viết "Tướng về hưu một truyện ngắn có giá trị văn học" của tác giả Trần Đạo được tờ thông tin của Ban tư tưởng văn hoá Trung ương in lại. Bài viết sắc sảo đó đem đến cho tôi nhiều hứng thú trí tuệ và có nhu cầu tìm hiểu văn chương, học thuật của người Việt lưu vong. Nhưng không có cơ hội. Tôi cũng có nghe nói đến tạp chí Hợp Lưu, biết loáng thoáng về một đường dây gửi bài sang đó và nhận tạp chí về, nhưng không có cơ hội tham dự, dù vẫn tiếp xúc thường xuyên với những người trong "đường dây" đó. Lúc đó chưa rộ lên phong trào "chuyển lửa về quê hương" và báo chí hải ngoại cũng chưa bị điểm mặt chỉ tên trong những bài phê phán trên báo chí trong nước thường là rất hùng hồn, quyết liệt và ký những bút danh lạ hoắc như những năm sau đó. Song, cái ấn tượng vừa hấp dẫn, vừa xa lạ, vừa ngoại đạo đã dần dà xuất hiện trong tâm trí, lâu ngày không được xem xét lại, thành ra một ấn tượng dai dẳng có vẻ như một định kiến, thực ra là một ấn tượng lưu kho. Nó không được kiểm nghiệm lại trong cuộc sống sinh động, hoặc nếu có chỉ được khẳng định thêm bởi những cứ liệu văn hoá và tâm thức phần lớn vô hình, nên nó trở nên một thực thể ngày càng trừu tượng.

Mãi đến cuối năm 1989, tôi mới có dịp tiếp xúc một cách chính thức và khá sâu sắc với báo chí sách vở của người Việt hải ngoại nói chung và văn học hải ngoại nói riêng. Đó là dịp tôi được anh Bạch Thái Quốc Giám đốc Nhà Việt Nam và Hội những người Việt Nam ở Pháp tổ chức cho đi Pháp 2 tháng để tham dự các Liên hoan phim Cannes, Belfort, Nantes với hai bộ phim truyện Ngọn đèn trong mơDịch cười của tôi được các Liên hoan phim này chọn. Trong thời gian hai tháng ở Pháp, được tham dự nhiều sinh hoạt của Nhà Việt Nam, được tiếp xúc với nhiều kiều bào, đọc nhiều sách báo hải ngoại và chứng kiến không khí Paris từng ngày trong thời điểm Đông Âu sụp đổ, tôi đã có một hiểu biết cụ thể và một ấn tượng rõ rệt về văn

chương hải ngoại. Lúc đó, ấn tượng nặng về tình cảm dân tộc, nhân văn. Khi về nước tôi đã viết lại những ấn tượng, những nhận thức và những kỷ niệm đẹp đó trong loạt bài bút ký "Nước Pháp mắt bồ câu" (Báo Người Hà Nội ) và "Người Việt ở Paris, những ảnh hình sống lại trong mưa" (Tạp chí Tác phẩm mới ). Nhưng trong hai bài bút ký dài đó, những vấn đề văn học hải ngoại cũng không được đề cập tới. Điều đó không hề do tính chất và qui mô của nền văn học này mà do mối quan tâm của tôi hướng về một vấn đề khác lớn hơn, day dứt hơn là vấn đề số phận kẻ tha hương. Kể cả sự kiện Đông Âu cũng không hiện diện trong bài ký của tôi, không phải vì chủ tâm mà thực sự quên! Tất cả bị chìm đi trong cái ấn tượng về con người, cuộc sống, tâm tư và số phận con người xa xứ với những góc nhìn triết học và văn hoá học đại loại: "Những người bị nghi kị từ tứ phía đó họ sẽ sống ở đâu trong cái thế giới nham nhở bị xé vụn bởi những định kiến chính trị này?"

Vậy là con mắt của nhà thơ đã thủ tiêu hình hài của văn học hải ngoại ngay từ khi tiếp xúc. Giờ đây đọc lại những điều mình viết tôi cũng không hiểu vì sao một sự tiếp xúc có qui mô như thế lại không để lại dấu vết cụ thể trong những bài bút ký dài về cả chuyến đi.

Trong thời gian ở Paris, tôi cũng đã được gặp Trần Đạo (Phan Huy Đường) khá dài thời gian, nhưng không phải là tiếp xúc với nhà phê bình Trần Đạo mà là tiếp xúc với triết gia Trần Đạo. Trong hai đêm trắng ở Paris và ở Nantes (Trần Đạo cùng gia đình xuống Nantes xem phim Dịch cười của tôi) câu chuyện của hai người bị sa lầy trong những tranh cãi triết học về Marx, Lenin và Stalin. J.P. Sartre, v.v... Mấy ông này đã nuốt chửng cả văn học hải ngoại và nhà phê bình văn học Trần Đạo mà tôi mong gặp từ trong nước. Sau này, cuối năm 1996 khi tôi từ Liên hoan phim Namur (Bỉ) sang Paris chiếu phim Hoa của trời tại trung tâm UNESCO, Trần Đạo có đi xem phim của tôi và sau đó hai người lại mất một đêm trắng bàn về ngôn ngữ và văn hoá - nhưng lại vẫn không có cơ hội nhắc đến văn học hải ngoại, dù lần đi này tôi đã đọc nhiều hơn các tác phẩm của các nhà văn lưu vong. Vậy là, kinh nghiệm tiếp xúc với Trần Đạo (Phan Huy Đường) cho thấy văn học hải ngoại không chỉ bị kiểm duyệt bởi công an văn hoá như ta hằng nghĩ, nó còn bị lãng quên bởi những quan tâm nhân bản và những đam mê văn hoá bao trùm.

Song, những tiếp xúc ở cấp độ tư tưởng văn hoá và nhân văn như thế lại tạo nên tâm thế cho những tiếp xúc và kiến giải sau này. Sau những tiếp xúc trao đổi, tự nhiên thấy gần gũi hơn, trân trọng hơn khi bắt gặp một cuốn sách của người Việt hải ngoại viết ra. Mặt khác nó cũng giúp tôi hiểu sâu cơ sở văn hoá triết học đằng sau những thái độ của người Pháp với văn nghệ Việt Nam vốn lâu nay bị người trong nước coi là phách lối, thích làm lén chính trị qua văn hoá nên chỉ đề cao những văn nô của mình và trong những văn nô lại chỉ đề cao những chiến sĩ xuống đường, không thích những người quá tự do và quá suy tư.

Kinh nghiệm tiếp xúc thứ hai là một kinh nghiệm hoàn toàn ngược lại, đó là kinh nghiệm tiếp xúc với một cây viết, một dịch giả người Việt hải ngoại, chỉ toàn bàn về văn chương và công việc giới thiệu văn chương, quan hệ rất lịch sự không một lần tranh cãi, nhưng sau đó lại không dẫn đến sự gắn bó với văn chương hải ngoại. Đó là quan hệ với bà Kim Lefevre.

Vào khoảng cuối năm 1991, tôi không nhớ chính xác thời gian, khi Dương Thu Hương đang ở tình trạng bị quản thúc, trong nước ít người dám tiếp xúc, Kim Lefevre từ Paris sang đem theo lời giới thiệu của Bạch Thái Quốc nhờ tôi giúp dẫn bà tới gặp Dương Thu Hương để thảo luận về việc dịch sách của nhà văn này ra tiếng Pháp. Vốn là chỗ thân tình với Dương Thu Hương, lại từng được anh Bạch Thái Quốc tận tình giúp đỡ trong đợt đi Paris dự các Liên hoan phim nên tôi và vợ tôi đã phân công kế hoạch để cố gắng tìm cách an toàn nhất đưa Dương Thu Hương đến khách sạn Hoà Bình gặp Kim Lefevre và người bạn Pháp của bà. Hôm đó có cả ông tuỳ viên văn hoá của Đại sứ quán Pháp. Sau đó, tôi cùng các bạn bè tôi đã có vài lần gặp gỡ bà và ông bạn người Pháp của bà - một nhà văn chuyên viết nghiên cứu về chiến tranh. Việc tuy nhỏ, gặp nhau tuy không nhiều nhưng trong tôi cũng hình thành một kỷ niệm, một tự hào đã có quan hệ với một nhà văn người Pháp gốc Việt. Năm sau đó, được biết bà về nước tôi rất mừng, nhưng bà không liên hệ nên tôi không được gặp lại ở Hà Nội. Đến tháng 7.1994 khi sang Paris chiếu phim và triển lãm hội hoạ cá nhân tại Trung tâm văn hoá Pháp Việt, tôi cũng thầm mong sẽ có dịp được gặp lại bà. Tôi rất mừng khi thấy bà tới dự buổi lễ khai mạc, nhưng lại cảm nhận được trong thái độ của bà có gì đó không gần gũi, ấm áp như tôi đợi. Có lẽ vì tâm trạng của bà lúc ấy có những lo toan hay mệt mỏi mà tôi không hiểu hết. Nhưng cái ấn tượng hẫng hụt, xa lạ trong quan hệ với bà cộng hưởng với thái độ lạnh nhạt ra mặt của ông Nguyễn Ngọc Giao khi thấy tôi khác ý, khiến tôi bằng trực giác nhận ra thực chất của cái gọi là tự do dân chủ trong một số người Việt hải ngoại và tự thấy mình vô duyên trong sự nâng niu những kỷ niệm thoáng qua với bà ở Hà Nội năm xưa. Đó là cảm thức về sự khác kênh. Ấn tượng về sự xa lạ, khác kênh ấy chi phối con người độc giả trong tôi, và khi về trong nước bắt gặp truyện của bà in trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn tôi đã nhìn lướt qua như nhìn một người xa lạ, cũng định bụng có lúc nào đó rỗi rãi sẽ đọc, nhưng rồi thời gian trôi đi, tôi chẳng còn có cơ hội nào đọc được tác phẩm ấy nữa. Nó đã đến tay trong một khoảnh khắc có duyên theo quan niệm nhà Phật, nhưng tôi đã không đủ nồng nhiệt để chộp lấy nó, và nó đã bay biến đi khỏi tầm mắt tôi như một con chim. Có lúc nghe người ta kể lại những ý của Kim Lefevre trong một buổi nói chuyện ở Paris, lúc tôi còn ở đó, rằng bà tự nhìn nhận số phận con lai của mình như một tia lửa toé ra trong sự va đập giữa hai hòn cuội, tôi thấy rất xúc động, thú vị và những tình cảm gần gũi ngày xưa lại thức dậy thôi thúc tôi tìm lại cuốn tạp chí đó để đọc truyện của bà, nhưng không thể giành thời gian để bới cả tủ tài liệu bề bộn tìm tờ báo đó nên vẫn chưa được đọc cuốn truyện này. Trong khi đó, tôi giành nhiều thời gian để đọc rất kỹ sách của Phan Huy Đường và Nguyễn Hưng Quốc là hai người mà lịch sử quan hệ đồng nghĩa với lịch sử cãi nhau.

Trong dịp trở lại Paris hai tháng vào cuối năm 1994, tôi thường xuyên trực ở Trung tâm văn hoá Pháp Việt (24 rue des Ecoles) nên có điều kiện đọc thêm nhiều sách báo hải ngoại, nhưng phần lớn đọc báo và các sách khảo cứu, các sách hồi ký chính trị. Về văn chương, tôi đọc kỹ sách của Võ Phiến, Đỗ Kh., các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học, Đối Thoại. Sách của các tác giả khác hoặc không thấy ở quầy, hoặc có thấy nhưng không có điều kiện đọc hết, một số cuốn đọc nhảy cóc vì bận hoặc vì ấn tượng về nội dung chính trị và mỹ cảm tiền chiến. Thấy cuốn Vô đề của Dương Thu Hương tôi cũng xem lướt vài trang, định bụng sẽ đem về nước đọc, nhưng sau đó ngại nặng (vì đã mang nhiều sách báo và tạp chí khác) và cũng ngại bị xuyên tạc là mang sách của người trong nước in ở ngoài về để báo cáo công an, nên lại không mua nữa, rút cục, vẫn chưa đọc. Đợt đi này sự tiếp xúc của tôi văn học hải ngoại có sâu hơn, rộng hơn, cụ thể hơn song trong ấn tượng chung vẫn là một nền văn học tự do, phong phú và giàu trí tuệ nhưng còn nặng ám ảnh chính trị, còn nhiều mỹ cảm tiền chiến và chưa nhiều diện mạo riêng gây ấn tượng.

Trong đợt này có hai tiếp xúc quan trọng với hai cây bút hải ngoại là Đặng Tiến và Đỗ Kh.. Qua sự giới thiệu của bà Lâm Ngọc Bình ở Trung tâm văn hoá Pháp Việt và các ông Hoàng Hoa Khôi, Đặng Văn Long, tôi được biết và tiếp xúc thường xuyên với hai cây bút mà tôi đã biết tiếng từ trong nước. Với không ít người viết trong nước thì được Đặng Tiến khen là một điều vinh hạnh. Thậm chí có giáo sư đã nói: "Đừng có coi Đặng Tiến như Tiên ông cầm đũa thần chấm vào đầu nhà thơ nào là người đó thành công." Chính vì cái ấn tượng mang theo từ trong nước đó, nên khi biết Đặng Tiến đã có buổi giới thiệu thơ tôi tại Trung tâm văn hoá Pháp Việt, đọc cả thơ tôi qua bản dịch tiếp Pháp của anh, tôi rất lấy làm hãnh diện. Vậy mà quan hệ với anh cũng trải qua nhiều thăng trầm sóng gió, trước hết từ hai người với hai tâm cảm, hai nỗi ám ảnh chính trị và hai môi trường xã hội với những đòi hỏi vô hình, sau nữa là từ những thành viên của một xã hội loạn thông tin. Trong đợt tôi ở Paris hai người cũng đã có quan hệ thân tình, tương kính, nhưng cũng đã hai lần xung đột về quan niệm, tất nhiên, xung đột trong sự thân tình. Lần thứ nhất là vào dịp Đặng Tiến mời vợ chồng tôi lên thăm nhà anh. Hôm đó có mặt cả chị Lâm Ngọc Bích, giám đốc Trung tâm văn hoá Pháp Việt và anh Jacques chồng chị, ông Hoàng Hoa Khôi, chị Hạnh mẹ Trần Nữ Yên Khê, vợ chồng ông Thọ, bố đẻ đạo diễn Trần Anh Hùng[1], gia đình nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến từ cách đó 300km cũng tới để cùng gặp gỡ tôi. Trong mấy tiếng đồng hồ, chuyện về văn học nghệ thuật với anh Đặng Tiến và với mọi người đều vui vẻ, tâm đắc. Nhưng khi bắt đầu dính đến chuyện chính trị thì xảy ra tranh cãi xung quanh vấn đề Việt Nam có độc tài không. Tôi thì cho rằng Việt Nam chỉ có gia trưởng phong kiến chưa đạt đến trình độ độc tài. Dù là tranh luận thân mật, nhưng Đặng Tiến là chủ nhà đi lại bên ngoài phục vụ nghe tôi nói ngang làm không khí sa lầy vào chuyện tranh cãi không đâu, mất cả nửa giờ, có vẻ hơi bực, anh đỏ mặt nói rằng tôi gàn. Khi về vợ tôi trách tôi độc chiếm thời gian của mọi người trong những chuyện tranh cãi chính trị. Lúc đó tôi chưa nhận ra hết cái gàn dở của mình. Sau này, khi phát ngôn một số quan điểm cởi mở về văn hoá, văn học trên báo Văn Nghệ, bị mấy người đeo lon sĩ quan đánh đòn hội chợ trên ba bốn tờ báo, qui tội "phản bội quá khứ oanh liệt của dân tộc" tôi bỗng nhớ lại những cuộc tranh cãi ngu xuẩn ở Paris và thấy ân hận vì khi bạn văn hải ngoại tụ hội đón mình, mình không tập trung vào chuyện văn chương lại mải mê lao theo những ý tưởng xa lạ, vừa làm căng thẳng cuộc vui, vừa vô tình bênh vực không công cho nhiều kẻ có tội, trong đó có những kẻ xấu chơi cả với mình. Dĩ nhiên, đến nay nhiều quan niệm của tôi vẫn không hề thay đổi, chẳng hạn quan niệm coi xã hội Việt Nam chưa đạt đến trình độ độc tài mà chỉ mới ở trình độ hoang dã, bầy đàn, gia trưởng. Song, nếu có ai đó nói trong những cuộc vui ở Paris hay đâu đó rằng Việt Nam là độc tài, tôi cũng chẳng hơi đâu mất thời gian và trí tuệ để bảo vệ sự công bằng cho những người không cần sự công bằng để rốt cục, chỉ làm mất n ềm vui, mất bạn. Điều đó hoàn toàn không phải là một sự đối phó, thủ tiêu đối thoại - tôi vẫn đối thoại trên diễn đàn bằng văn bản hay đối thoại tay đôi cả đêm với những người như anh Phan Huy Đường để cọ xát, va đập, kích thích cùng đi đến những vùng suy nghĩ mới làm tiền đề cho những khoảnh khắc mỗi người đối diện với chân lý trong cô độc, trong sáng tạo, nghiệm sinh. Nhưng tôi đã biết giành thời gian để tạo lập với người khác một không gian nhân bản, tình người, không bị độc chiếm và đầu độc bởi các dị biệt chính trị, ở đó con người có thể lắng nghe những nỗi niềm trong tâm cảm của nhau, cảm thông với những ám ảnh chính trị và triết học không thể tranh cãi mà xua đi ngay được. Đó là một giác ngộ quan trọng trong tâm hồn khiến tôi có thể tiếp cận văn chương hải ngoại sâu sát hơn, đồng cảm nhiều hơn. Kinh nghiệm của lần va đập thứ nhất trong quan hệ với Đặng Tiến mang lại là một khoản "tạm ứng" của chân lý. Lần va chạm thứ hai xảy ra khi đọc bài Đặng Tiến giới thiệu về triển lãm của tôi trên Diễn Đàn trong đó có câu đại ý: Tranh của Tuấn đẹp nhưng nhiều bóng tối u uẩn, hoang mang, bộc lộ tâm trạng của một người sống trong một xã hội bế tắc. Tôi đã nói với Đặng Tiến rằng: "Bản chất của nghệ sĩ là hoang mang. Lên đến thiên đường nó vẫn hoang mang. Còn những nghệ sĩ sang đến Paris hay New York mà đã hết hoang mang là nghệ sĩ không đích thực. Vì thế, anh đừng qui nguyên nhân về xã hội và chính trị. Đó là cách suy luận maoit ở Việt Nam đã vượt qua." Tôi hơi bực và nói có phần hơi quyết liệt, nhưng đó là phản ứng tự vệ cho nhân cách nghệ sĩ của mình chứ không phải bảo vệ cho tư cách ngoại phạm của xã hội Việt Nam. Anh Đặng Tiến im, anh nhường hoặc thông cảm với tôi. Tuy nhiên, cái xung đột đó phát sinh từ sâu thẳm tâm hồn chứ không phải từ khái niệm trong suy lý, nên nó cũng ám ảnh nặng nề mất một thời gian. Sau này về nước có thời gian đọc hết mấy bài anh viết trên Hợp Lưu tôi thấy hiểu anh hơn và tiếc những ngày ở Paris mình đã sa lầy ở bên ngoài văn chương, chưa khai thác hết cõi thơ của nhà phê bình Đặng Tiến.

Kinh nghiệm tiếp xúc với Đặng Tiến cho tôi thấy rõ những vấn đề chính trị dù ở phía nào dù hiện ra tinh tế đến đâu vẫn có hiệu quả xấu lũng đoạn quan hệ giữa những người viết trong và ngoài nước, đầu độc cách nhìn và chỉ đi đến chỗ ngày càng xa nhau. Dù một trong hai bên có xã giao, nhường nhịn hay a dua quan điểm của bên kia thì đó chỉ dẫn đến biến quan hệ thành con nợ khổng lồ của sự tế nhị. Hãy để các nhà chính trị đối thoại chính trị với nhau. Những người làm văn chương chỉ nên nói những chuyện văn chương, học thuật và xử lý một cách khoa học, bình tĩnh, lịch sự, với tri thức văn hoá và thông tin cụ thể những vấn đề chính trị, tư tưởng tiềm ẩn hay liên quan đến các lĩnh vực văn chương, học thuật này.

Vào đầu năm 96, khi Đặng Tiến có bài viết dài về thơ Lê Đạt in hai kỳ trên báo Người Hà Nội, tôi đã có bài "Sự lễ độ của chữ" đối thoại lại từ góc độ học thuật. Tôi đã gửi hai lần cho anh, nhưng đều không đến. Khi về nước Đặng Tiến không liên hệ với tôi. Tôi chủ động tìm đến anh và đưa anh ra sân bay. Khi về Pháp anh viết thư cho tôi nói rằng gửi lại cho anh bài viết đó để anh đọc vì về nước anh nghe nhiều chuyện bực mình liên quan đến nó. Tôi gửi lại cho anh, lần này thì anh nhận được và trả lời tôi ngay bằng một lá thư dài rằng bài viết rất hay, anh rất thích, không có gì là xúc phạm, trái lại, bổ sung thêm cho ý kiến của anh, hoàn toàn khác với dư luận anh nghe được từ những người trong nước. Anh cũng thanh minh vài điều về việc không đánh giá đúng một số bài thơ hay của Lê Đạt mà tôi dẫn ra chỉ vì anh bị những ám ảnh chính trị vớ vẩn. Sau đó, quan hệ của tôi và Đặng Tiến trở lại thân tình như xưa và hơn xưa. Anh đã cung cấp cho tôi khá nhiều sách báo hải ngoại: tạp chí Văn Học, tạp chí Hợp Lưu, báo Văn Hoá, Tạp chí Thơ, thơ Võ Phiến... qua đó, tôi hiểu biết thêm nhiều về đời sống văn chương của người Việt hải ngoại. Và cũng qua anh, tôi có được quan hệ với các anh Nguyễn Hưng Quốc và Nguyễn Mộng Giác, từ đó lại nối lại với anh Khánh Trường là người tôi đã liên hệ qua điện thoại ở Paris và gặp gỡ ở Hà Nội, nhưng chưa có duyên...

Kinh nghiệm tiếp xúc với Đặng Tiến cũng đã khẳng định rõ trong tôi cái ý tưởng về tình trạng văn chương hải ngoại bị vây bọc bởi một số người độc quyền trong nước, tạo ra mạng thông tin một chiều và không đầy đủ về xã hội Việt Nam và nhà văn Việt Nam, do đó nhiều khi nó chỉ là sự nối dài của các phe cánh văn chương trong nước dưới hình thức khác. Giống như tu hú đẻ nhờ, một số người viết trong nước với những động cơ khác nhau đã đẻ trứng cũ hoặc chuẩn bị đẻ trứng cũ vào cái tổ của văn chương hải ngoại, tạo ra những ngăn cách và ô nhiễm về chính trị. Phép cộng của văn chương Sài Gòn và văn chương đổi mới, dù chỉ là trong dự định, cũng chưa phải là phương án tối ưu cho sự phát triển của văn chương hải ngoại. Dù sống ở hải ngoại hay sống tại nội, dù ảnh hưởng quốc gia hay cộng sản thì vẫn chỉ là một thân phận con người Việt Nam. Thân phận người Việt trong thế giới hiện đại có cái gì tương tự như số phận của người Do Thái, cảm hứng về thân phận đó là một cảm hứng có tầm thời đại, có khả năng tạo ra những tác phẩm lớn và tạo ra sự đồng cảm chung cho cả văn học trong nước và văn học hải ngoại. Vì, trong rất nhiều dân tộc có số phận bất hạnh, thì hình như dân tộc Việt Nam của chúng ta có một bất hạnh sâu sắc gắn liền với nhân cách dân tộc và có thể là bất hạnh muôn thuở nếu chúng ta không cùng nhau nhìn nhận, giải mã và khắc phục những căn bệnh trầm kha trong cấu trúc nhân cách văn hoá Việt Nam.

Trở lại chuyện về lần sang Paris năm 1994, ông Hoàng Hoa Khôi giới thiệu với tôi anh Đỗ Kh. Ông nói: "Nhất định phải bố trí cho anh gặp anh ấy. Anh ấy viết rất khiêu khích." Sau đó chúng tôi thường gặp nhau ở nhà ông Đặng Văn Long. Tôi thấy Đỗ Kh. lặng lẽ, kín đáo, ngược hẳn với thơ của anh ấy. Tôi mê thơ Đỗ Kh. từ khi đọc hai tập thơ của anh tại Trung tâm văn hoá Pháp Việt. Thơ Đỗ Kh. rất mới nhưng cũng rất dân tộc, tạo thành một hướng độc đáo với cả trong và ngoài nước, nó rắn như kim cương, cái rắn của cốt lõi. Tôi không rõ thơ Đỗ Kh, có gây được ảnh hưởng thành một dòng thơ ở hải ngoại không (tôi chỉ mới thấy ảnh hưởng đó nơi Nguyễn Hoàng Nam trong bài ‘Gia tài’- các bài khác của Nguyễn Hoàng Nam mà tôi đã đọc được lại gây ấn tượng khác hẳn, có chất trí tuệ và thâm thuý theo một cách khác,) nhưng chắc chắn nó đối trọng với mỹ cảm tiền chiến và giọng thơ dịch khá nổi bật trong một số bài thơ hải ngoại mà tôi đã đọc. Tôi có mang thơ Đỗ Kh về cho một số anh em trong nước đọc, anh em rất khoái. Quả thực, thơ Đỗ Kh. đưa chủ nghĩa trữ tình cổ điển trong ta lên vành móng ngựa; nó đòi hỏi ở cái Thiện một trình độ sống đối diện với cái thực giống như bản lĩnh của người canh đền chùa lật cả đít tượng Phật lên mà lau chùi, leo cả lên bệ thờ, vượt qua mọi tấm màn che và hương khói vẫn làm nên thấp thoáng và huyền bí. Trong nước nhiều người bị ảm ảnh bởi câu thơ cầm kéo cắt sao vàng trên cờ đỏ trong một bài thơ của Đỗ Kh., nhưng tôi cho rằng đó là câu thơ xoàng, một thứ tem nhãn dễ dán dễ bong giống như tem vẫn dán trên hàng hoá đã đóng thuế, không phản ánh đúng thế giới thơ Đỗ Kh. vốn là thứ thơ không thèm có bao bì chứ đừng nói đến thứ tem nhãn vớ vẩn như cái câu thơ về cái lưỡi kéo kia.

Thỉnh thoảng Đỗ Kh. có viết thư cho tôi, vài chữ, có khi gửi kèm một bài thơ chú thích nhiều như "Truyện Kiều" mà Đỗ Kh. viết tại Lào. Nhưng về Hà Nội thì hẹn gặp mà mất hút. Trước kia tôi cũng nghĩ ngợi, cho đó là nghịch lý của nền dân chủ - ở xa viết thư, về gần không gặp, có vấn đề liên quan đến bà Hannah Arendt người sáng tạo ra khái niệm " chế độ toàn trị ". Nhưng khi đọc Tạp chí Thơ trong bài "Vần là chuyện vớ vẩn" có hai câu:

Đêm Hà Nội phủ váy chùng
Anh con cu ngỏng ấm cùng đít em.

tôi bỗng hiểu rằng mình đã bắt nền dân chủ gánh tội của "con cu"! Rõ ràng là văn chương hải ngoại với hai câu có vẻ tục tĩu lại có tác dụng gớm ghê giải nghi hoặc trọng tâm cảm và truy lĩnh hào quang cho nền dân chủ. Giá mà cái câu cầm kéo cắt sao vàng viết trong đợt sai hẹn ở Hà Nội, hẳn tôi sẽ nghĩ ngay mình là một cánh sao và quan hệ dễ trở thành nghiêm trọng. Thế thì, rõ ràng "con cu ngỏng" có một thông điệp siêu hạng, nó là thầy cãi cho văn học hải ngoại, bạn văn hải ngoại. Nói to tát, "con cu" ấy nó hàn gắn rạn nứt dân tộc sau khi nó hàn gắn những vết nứt của tạo hoá. Không biết tôi có coi Đỗ Kh. là một Hồ Xuân Hương mới và bắt anh ta chống phong kiến như nữ thi sĩ thời xưa vẫn bị các nhà nghiên cứu xung vào đội quân tóc dài của cách mạng không?

Trong lần sang Pháp năm 1994, qua giới thiệu của ông Hoàng Hoa Khôi và ông Đặng Văn Long tôi được gặp Trần Ngọc Tuấn, một đại diện của Diễn đàn (Praha) và qua anh tiếp xúc trên điện thoại với anh Khánh Trường bàn về việc xuất bản một tập truyện ngắn của các cây bút hải ngoại trong nước trong tình thế công việc đang làm với người khác bị hỏng và anh đang bị một số người xuyên tạc về chính trị. Sau đó, Trần Ngọc Tuấn có nhân danh Hợp Lưu phỏng vấn tôi. Khi về nước tôi cũng quan tâm tới quan hệ này, nhưng không có thông tin và tiến triển gì, cả bài phỏng vấn và chuyện xuất bản sách đều chìm trong hư vô. Khi anh Khánh Trường về Hà Nội, tôi chủ động tìm gặp anh ở khách sạn Việt Mỹ và nói với anh rằng nên biến Hợp Lưu thành tờ báo của đông đảo người đọc trong nước, không nên để nó ở tình trạng chỉ hợp lưu với một vài người như hiện nay. Anh Khánh Trường cũng tỏ vẻ đồng ý, nhưng lúc đó anh đang ở trong tâm trạng nặng nề vì ấn tượng bị công an vây hãm nên chắc là chỉ đón nhận điều tâm huyết của tôi một cách xã giao, qua quýt.

Một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với văn học hải ngoại bắt đầu manh nha từ cuối năm 1996 khi tôi từ Bỉ sang Paris chiếu phim Hoa của trời gặp Đặng Tiến. Nhân trao đổi về bài viết tranh luận với anh trong đó tôi làm một hư chiêu chứng minh thơ con cóc là hay, Anh Đặng Tiến có giới thiệu về Nguyễn Hưng Quốc với tôi. Thực ra thì tên tuổi Nguyễn Hưng Quốc tôi đã nghe từ trong nước do anh Phạm Quang Long, hiệu phó trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, giới thiệu khi nghe tôi trình bày ý tưởng về giá trị Truyện Kiều phụ thuộc vào tâm thức, giá trị ấy có thể tiêu vong trong một tâm thức mới xa dần tâm thức đồng điệu với Truyện Kiều là tâm thức hình thành từ thế kỷ 18 lại đây với nhiều biến động lịch sử đặc thù. Tôi cũng không để ý đến lời giới thiệu của Phạm Quang Long lắm, nhưng Đặng Tiến giới thiệu thì tôi tin. Sau khi về nước, tôi tìm bài của Nguyễn Hưng Quốc nhưng lại được Nguyễn Hữu Sơn cho mượn cuốn Thơ v.v. và v.v... bản Nguyễn Hưng Quốc tặng Phạm Xuân Nguyên. Tôi đọc cuốn sách một mạch, hấp dẫn như đọc chưởng. Tôi photocopy cho nhiều người đọc. Sau đó, nảy ra hứng thú trao đổi với Nguyễn Hưng Quốc trên cái tứ đưa Thị Nở thành hoa hậu bỏ qua vòng sơ khảo, chỉ thi ứng xử. Những dòng đầu tiên của bài viết khen công trình của Nguyễn Hưng Quốc với hàng loạt tên tuổi vốn bị coi là cấm kỵ ở trong nước như Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác và tạp chí Hợp Lưu (có báo nêu một tên thôi đã bị khiển trách) sở dĩ ra được là vì tôi không chấp nhận cắt bỏ. Nói được những điều phức tạp lịch sự, làm được chút gì khách quan sang trọng cho khoa học và danh dự - đó là thứ "lộc" duy nhất mà tôi được đền bù cho sự ngang tàng, vất vả và thua thiệt. Thế cũng là đủ. Tôi nghĩ nếu không có được sự khách quan công bằng này thì chưa chắc tôi đã nhận được sự đối thoại của Nguyễn Hưng Quốc sau đó - sự đối thoại dẫn đến cuộc trao đổi thú vị về thơ con cóc trên Văn Học giúp tôi phát huy tầm độ tư duy của mình qua ba bài viết đã in, mở ra một kiểu quan hệ trao đổi học thuật giữa người cầm bút trong nước và người cầm bút hải ngoại mà trước đây chưa có. Nguyễn Hưng Quốc gửi thư kèm bài trả lời cho tôi, tôi đã thúc tờ Văn Nghệ trong nước in nhưng không được. Tôi phải gửi bài "Về cái bẫy văn hoá của Nguyễn Hưng Quốc" sang Australia để Nguyễn Hưng Quốc in trên Văn Học cùng bài của anh ấy. Có thể nói, Nguyễn Hưng Quốc đã bắc một nhịp cầu cho tôi tiếp xúc với tờ Văn Học và với anh Nguyễn Mộng Giác mà tôi đã được biết từ lâu.

Trong dịp trao đổi về thơ con cóc lại được đọc bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác qua bản copy chuyền tay của một người bạn cho mượn. Bộ tiểu thuyết đã khiến tôi khâm phục nội lực tinh thần, sự hiểu biết về lịch sử và văn hoá, ngòi bút mô tả tâm lý tính cách sắc sảo và tinh tế và đặc biệt là cảm hứng nhân văn, cảm hứng khám phá cốt lõi văn hoá của người nông dân Việt Nam trước khi, trong khi và sau khi có quyền lực, làm nổi bật lên một chìa khoá quan trọng để cắt nghĩa hành vi và cách ứng xử của người anh hùng nông dân Việt Nam. Bộ tiểu thuyết là một thách thức với người viết trong nước cả về văn hoá và bút lực. Trong lúc đang giới thiệu Sông Côn mùa lũ với một số bạn bè văn chương thì lại được anh Đặng Tiến cho email của Văn Học nên có điều kiện liên lạc với anh Nguyễn Mộng Giác để gửi bài trong nước sang tham gia trao đổi học thuật với các bạn văn hải ngoại. Nhưng rất tiếc, các số báo Văn HọcHợp Lưu do anh Nguyễn Mộng Giác và anh Khánh Trường gửi về không đến tay tôi. Những người ngăn cản sự liên hệ của tôi với Văn HọcHợp Lưu đã làm một công việc rất ngớ ngẩn vì nếu họ sợ tôi bị ảnh hưởng chính trị thì những tài liệu chống cộng trong "Thông điệp xanh" tôi lấy từ Internet lúc nào cũng được. Vậy là họ chỉ quản lý những sách báo đi theo đường bưu điện, còn chính những thông tin tài liệu ấy được bắn lên mạng thì họ thả nổi. Đó là cách quản lý cảm tính và hình thức, nhiều khi dẫn đến phá hoại sự nghiệp hoà hợp hoà giải dân tộc và cản trở quá trình hoà nhập vào đời sống nhân loại. Thực chất cách quản lý đó là chỉ đủ trình độ quản lý những người tốt và những người nghèo. Hàng ngày, các bác xích lô, các anh thợ cắt tóc và các bà già buôn thúng bán mẹt để kiếm vài đồng sống qua ngày (trong đó các anh hùng và mẹ các anh hùng) vẫn phải cong đít chạy công an và các nhân viên trật tự đi giữ sạch đẹp đường phố, trong khi đó, nhiều kẻ có tiền và có quyền vẫn xả rác vào lịch sử dân tộc, buôn bán quyền lực, bán lẻ đất nước thì vẫn sống nhởn nhơ có bị ai quản lý đâu? Với cung cách quản lý vớ vẩn như thế thì việc văn học hải ngoại gửi về theo đường bưu điện, máy bay không tới tay nhiều người trong nước cũng dễ hiểu thôi. Nhưng nếu bắn lên Internet thì có thể in ra chuyền tay mà không ai để ý vì trong nước chỉ săn lùng những tài liệu có nội dung chính trị kêu gọi lật đổ, còn văn nghệ thì thậm chí nhà nước còn bỏ tiền ra để làm phim sám hối về cuộc chống Mỹ, ai hơi đâu mà đi săn lùng văn chương hải ngoại. Người ta chỉ ngăn cản nó hay bôi nhọ nó. Ngay bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ viết về Quang Trung hay như thế, có giáo sư đánh giá đây là bộ Chiến tranh và hoà bình của Việt Nam và đề nghị nhà xuất bản Văn Học tái bản trong nước. Nhà xuất bản cũng rất muốn in, vậy mà đã hàng năm nay, xin ý kiến đi xin ý kiến lại mà vẫn chưa đâu vào đâu cả nên chưa dám in ra vì ngay trong các ông lớn cũng không có cái gọi là "định hướng" thống n ất, mà luôn tồn tại hai thái độ khác nhau, bên cạnh ý kiến ủng hộ cũng có những ý kiến cho rằng Nguyễn Mộng Giác còn là tác giả của những cuốn tiểu thuyết có nội dung không tốt như bộ tiểu thuyết viết về phong trào sinh viên! Ngay đến vua Quang Trung hồi hương còn khó vậy, những nhân vật bình thường khác như những "con cu ngỏng" của Đỗ Kh. chắc là khó khăn hơn. Với một cơ chế quản lý như thế thì việc trong nước ít biết đến văn chương hải ngoại là một hệ quả tất yếu. Dù sao, bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ đã gây được trong tôi một niềm tin vào sự đứng đắn và lịch lãm của tác giả, qua đó tin tưởng tờ Văn Học. Niềm tin đó cho phép tôi chọn diễn đàn này để phát ngôn một cách cởi mở và thành thực những quan điểm và suy tư sâu kín của mình mà không thấy e dè ngần ngại về hậu quả chính trị sẽ xảy ra, hơn thế nữa còn vận động các cây bút trong nước tham gia trao đổi học thuật trên Văn Học. Tôi cũng rất muốn làm như vậy với Hợp Lưu vì cũng rất thích tờ báo này và vì anh Khánh Trường cũng để lại trong tôi ấn tượng về một nghệ sĩ cởi mở, dễ gần và cũng rất đáng tin. Song có lẽ vì tôi chưa có duyên với Hợp Lưu như với Văn Học nên gần đây mới lại có cơ hội liên hệ lại với anh Khánh Trường và gửi bài cho báo.

Nghĩa là, xuất phát tự sự giới thiệu của Đặng Tiến và sự chuyển thư của Đặng Tiến (tôi nhờ anh gửi bài trao đổi về cuốn Thơ v.v. và v.v... cho Nguyễn Hưng Quốc) mà tôi có quan hệ với Nguyễn Hưng Quốc và Nguyễn Mộng Giác, do đó, tôi thầm cám ơn Đặng Tiến và Nguyễn Hưng Quốc đã mở thêm cho tôi một khung cửa sổ. Qua khung cửa đó tôi tiếp nhận thêm những làn gió mát từ bạn bè hải ngoại qua các tập sách và tạp chí do Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc gửi về. Công trình nghiên cứu về Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc cũng có nhiều phát hiện rất thú vị, giúp tôi hiểu sâu thêm ông nhà văn uyên bác, sâu sắc và độc đáo này. Khi sang Paris tôi đã đọc khá say mê tập tuỳ bút mới của ông, thậm chí nhớ kỹ một số tri thức mà sau này khi viết bài tiểu luận "Thơ ca trong niềm say mê côn trùng và thú vật" tôi đã huy động lại nhưng không tiện chú giải xuất xứ tư liệu đó. Đọc sách nghiên cứu Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc, ngoài ấn tượng về bút lực và trình độ nghề nghiệp của người nghiên cứu tôi còn có thêm một góc nhìn mới với Võ Phiến và xuất hiện thêm ý tưởng đưa những cuốn sách của các cây bút hải ngoại vào thư viện cho nhiều người đọc. Tôi đã trao đổi với các bạn bè ở thư viện quốc gia và được đồng tình. Song, tôi cũng lường trước được rằng sách báo gửi về không phải dễ dàng nhận được, sách có nội dung chính trị thì lại càng nhiều khả năng bị công an mượn dài hạn để lưu hồ sơ. Một hệ quả rất thú vị nữa là đọc các bài viết trên các tạp chí văn chương hải ngoại mà Đặng Tiến và Nguyễn Hưng Quốc gửi về cho tôi, tôi không chỉ biết thêm nhiều về đời sống tâm tưởng và tác phẩm của người Việt hải ngoại, mà còn được kích thích sáng tạo. Đọc tờ Việt số 1 tôi thấy có hứng viết về một bài thơ trong đó. Và bài viết bình thơ "Đọc bài Con cò mà đi ăn đêm" của Trần Lộc Bình là một ngày hội của tư duy phê bình văn học. Tờ Tạp chí Thơ cung cấp tư liệu và gợi hứng cho tôi viết bài bình "Thơ trắng" của Ernest Hemingway và bình "Bài ca của con quái vật hồ Loch Ness" của Edwin Morgan. Không thể không ghi nhận tác dụng gợi hứng, kích thích sáng tạo và giải phóng tư duy của một số bài viết trên báo chí văn học hải ngoại. Và nếu như Đặng Tiến gây ảnh hưởng ở cách thẩm thơ tinh tế, tài hoa, hướng liên tưởng giàu nội dung tâm linh, nhân văn, thì Phan Huy Đường, Đỗ Kh., Nguyễn Hưng Quốc gây ảnh hưởng ở cái nhìn khoẻ khoắn, khát vọng giải thoát khỏi định kiến và xu hướng tìm đến những vẻ đẹp gai góc, trần trụi. Ngẫu nhiên, Phan Huy Đường, Đỗ Kh., Nguyễn Hưng Quốc hình thành trong tôi một bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa văn chương để giải phóng đám tù nhân trọc đầu bị giam trong mỹ học truyền thống.Và, tôi có cái hứng thú tấn công vào bộ tham mưu khởi nghĩa này để đòi hỏi họ hoàn chỉnh các cương lĩnh mỹ học mà trong đó tôi cảm thấy tiềm ẩn cái nguy cơ biến sự trần trụi thành kẻ độc tài.

Vậy là, với một người có không ít những điều kiện tiếp xúc trực tiếp với văn học hải ngoại với thái độ phiêu lưu và thiện chí như tôi mà cũng phải trải qua một chặng đường gần mười năm với bao nhiêu va đập và nỗ lực mới có thể có được chút hiểu biết và gần gũi, đồng cảm và giao lưu với một số tác phẩm và một vài tác giả của nền văn học ấy. Nếu quả thật có một dự định "chuyển lửa về quê hương" qua nền văn học này thì thật khó cắt nghĩa vì sao có lúc lửa đã cháy trên tay tôi mà chính những người đốt cháy lên lửa ấy lại dập tắt đi? Kinh nghiệm tiếp xúc của tôi trong mười năm qua cho thấy chính trị không phải là cái barie duy nhất và có hiệu lực nhất ngáng trở sự hiểu biết và nhìn nhận văn chương hải ngoại. Văn học hải ngoại không đến được với nhiều độc giả trong nước vì nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân văn hoá tâm lý xã hội cũng đã có vai trò khá quan trọng tạo nên những vạch cấm, những barie từ trong tâm thức. Và không phải không có nguyên nhân từ sự đóng cửa của bản thân nền văn học đó. Khi sách báo hải ngoại về nước nhỏ giọt không công khai, thì muốn tiếp xúc với nó, người ta phải có hào hứng săn tìm và phổ biến. Nhưng sự hào hứng săn tìm của các độc giả trong nước luôn bị vấp phải "sự đóng cửa của bên ngoài" ở ngay trong nước tạo bởi tính khép kín phe nhóm là sản phẩm hợp thành của tính cách dân tộc và tập quán chính trị lâu năm. Khi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm thì con người lại bị chi phối bởi bao nhiêu công việc, bao nhiêu phức cảm, khiến cho không phải lúc nào cũng vồ vập lấy nó như gặp lại người thân, nghiền ngẫm nó, sao chép và lưu truyền nó. Vì thế sự thiếu hiểu biết, thiếu gắn bó của người trong nước với văn học hải ngoại là một tất yếu. Muốn thay đổi nó, không phải chỉ có tấn công vào cơ chế, cái cốt lõi nhất, cái sâu thẳm nhất là tình người, tình dồng nghiệp, tình tri âm tri kỷ - khi không có tình thì dù chế độ có dí súng bắt ta đọc văn chương hải ngoại hay tung tiền thuê ta tung hô nó ta cũng dửng dưng, còn khi có tình thì dù chế độ có cấm đoán ta, ta vẫn tìm đến nó, chia xẻ nó, tự nguyện tìm mọi cách để phổ biến nó, lăng xê nó. Không biết đối với văn chương hải ngoại của các dân tộc khác điều đó có đúng không, nhưng chắc chắn với văn chương của người Việt hải ngoại thì tình trạng đó dường như có tính quy luật và định mệnh, vì một trong những yếu tố nền tảng của văn hoá Việt là cái Tình độc đáo và rắc rối - cái sức mạnh vượt trên mọi cường quyền và huỷ hoại mọi luật tắc, cái tiếng gọi đàn nguyên thuỷ mang trong mình thông điệp của tương lai...

Hà Nội, 7.5.1998

_________________________

[1]Tôi gặp Trần Anh Hùng lần đầu năm 1989 ở Paris khi Hùng vừa tốt nghiệp trường điện ảnh. Trần Anh Hùng nói rằng sẽ rất khó tìm được nhà sản xuất ở Pháp đầu tư cho mình làm phim vì sinh viên nhiều lắm. Tôi gợi ý cho Hùng viết scenario về Việt Nam, tôi hứa sẽ tổ chức cho Hùng làm phim trong nước bằng tiền của nhà nước. Hùng viết ngay đề cương Mùi đu đủ xanh. Tôi thấy hay, động viên Hùng viết và về nước đặt vấn đề với Hãng phim truyện Việt Nam về việc này. Hãng đã đưa vào kế hoạch. Hùng viết thư thường xuyên thông báo tiến độ kịch bản, nhưng khi Hùng viết xong kịch bản bằng tiếng Pháp chưa kịp dịch ra tiếng Việt thì tìm được nhà sản xuất người Pháp đầu tư. Sau đó Hùng theo một đường dây khác mang tiền về Hãng phim Giải phóng làm phim này và gặt hái nhiều thành công. Trong dịp Hùng ra Hà Nội chiếu phim, tôi có gặp lại Hùng và Yên Khê. Nhưng sau đó, mấy năm nay tôi chưa có dịp gặp lại Hùng - khi về nước thì Hùng bận làm phim Xích lô, khi tôi sang Pháp thì Hùng đang đi Mỹ giới thiệu phim này. Tôi vẫn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về Hùng và tự hào vì ngay từ khi Hùng là một sinh viên vừa tốt nghiệp, tôi đã viết về Hùng trên báo chí trong nước như một tài năng đầy hứa hẹn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021