thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ tiên phong
Bài tham luận của nhà văn Ngự Thuyết
trong HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975,
tại California, ngày 7 tháng 12 năm 2014.

 

 

THANH TÂM TUYỀN, NHÀ THƠ TIÊN PHONG

 

Kính thưa quý vị, tôi rất hân hạnh trình bày đề tài “Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ Tiên Phong”.

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 / 3 / 1936 tại Vinh, Nghệ An, viết văn, làm thơ, thỉnh thoảng viết về phê bình, và lý luận văn học khi còn rất trẻ. Tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc, xuất bản năm 1956 tại Sài Gòn khi Thanh Tâm Tuyền mới 20 tuổi. Tám năm sau, năm 1964, liên đêm mặt trời tìm thấy ra đời. Theo lệnh động viên, ông nhập ngũ năm 1962, giải ngũ năm 1966. Năm 1968 tình hình chiến sự căng thẳng, ông tái ngũ và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Miền Nam thất thủ năm 1975. Ông ở tù bảy năm dưới chế độ Cộng Sản. Năm 1990, theo diện HO, ông sang định cư tại Hoa Kỳ, cho in tập thơ cuối cùng, Thơ Ở Đâu Xa. Từ đấy ít thấy ông xuất hiện trên các tạp chí văn học. Ông qua đời ngày 22 / 3 / 2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ.

Hôm nay tôi chỉ đề cập đến lãnh vực sở trường và độc đáo nhất của ông, đó là thơ.

Có người cho rằng Văn Học Miền Nam đột ngột chết, bị bức tử mà chết sau tháng 4/75. Tôi không đồng ý. Một nền Văn Học rực rỡ như thế không thể nào mai một, nó đã được kế tục và phát triển. Bằng chứng là trước đây và nhất là hôm nay, nền Văn Học ấy đã và đang được vinh danh. Cũng vì thế, ngoài phần trình bày Thơ Thanh Tâm Tuyền trước năm 1975 như đòi hỏi của cuộc Hội Thảo, tôi xin trích dẫn thêm một bài thơ trong tập Thơ Ở Đâu Xa in năm 1990 ở tại Mỹ.

Trước hết, tôi xin giới thuyết hai chữ “tiên phong” trong bối cảnh Văn Học Việt Nam. Nó không có nghĩa là “avant-garde” như trong thuật ngữ tiếng Pháp, mà là “xông xáo, đi trước” so với tính cách “dè dặt, thủ cựu.”

Kính thưa quý vị, từ năm 1954 đến năm 1975, chỉ 21 năm, văn học Miền Nam phát triển rầm rộ, nhanh chóng, đa dạng, nhất là thơ. Ngoài những nhà thơ đã nổi tiếng từ thời tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, rất nhiều nhà thơ lỗi lạc khác chen nhau xuất hiện như Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Nhã Ca, Trần Dạ Từ v.v..., trong đó một khuôn mặt độc đáo nhất, mạnh mẽ nhất, táo bạo nhất, sáng tạo nhất, cách tân nhất, đó là Thanh Tâm Tuyền.

Thử nhớ lại lúc Tôi Không Còn Cô Độc ra đời cách đây gần 60 năm. Đó là một chấn động lớn trong sinh hoạt văn học Miền Nam, nó tạo nên những tranh luận sôi nổi. Người thì cho rằng Thanh Tâm Tuyền điên rồ viết những câu thơ vô nghĩa, hoặc cố tình lập dị để được chú ý; kẻ thì hết lòng ca ngợi trên tờ Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương.

Thơ của Lê Thánh Tông (1442-1497) viết cách đây 500 năm:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
(“Đề Miếu Bà Trương”)

so với thơ tự do của Nguyễn Đình Thi bây giờ:

Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn em đây
Nhìn em nữa
Phút giây
Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy...
(“Không Nói”)

hay thơ Hoàng Cầm trong bài “Qua vườn ổi”:

Cách xa ba bước qua vườn ổi
Chị xoạc cành ngang em đứng trông
Xin chị một quả non
- Quả non còn xanh chát
Xin chị một quả ương
- Quả ương chim khoét thủng
Xin chị một quả chín
- Quả chín quá tầm tay.
Lẽo đẽo em đi đường, may sao
Cúi nhặt chiều sương dăm quả rụng

hay thơ Nguyên Sa:

Hãy đưa tôi ra bờ sông
Để tôi nhìn cho rõ
Tôi nhìn dòng nước chảy
Tôi nhìn tôi bơ vơ
Nhìn bờ sông tìm bờ sông bên kia
Khi lòng sông gặp biển...
(“Hãy Đưa Tôi Ra Bờ Sông”)

ta không thấy bỡ ngỡ. Xưa và nay đều quen thuộc, đều được hiểu trọn vẹn.

Thế thơ Thanh Tâm Tuyền? Nếu lấy bài “Chim” làm ví dụ, thì quả nó hoàn toàn xa lạ. Nó không phải là một tiếp nối quá khứ, mà là một đột phá tận cùng, một đoạn tuyệt với truyền thống. Xin trích dẫn toàn bài:

Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
chiến tranh còn những khoảng đất hoang
cửa sổ đập lên cao cánh chim én mùa xuân
ôm vào lòng bãi cỏ vườn hoa bầy sao rụng
 
ai hỏi anh ngoài hàng dậu
lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa
tôi mở những trái cây vườn nhà
cử chỉ trữ tình tinh khiết
những bước đi văn nghệ chim sẻ
mùa ngói nâu dựng vực mắt nâu
 
tôi ru chim ngủ trong cổ họng
mặt trời kêu xuống thái dương những màu ánh sáng thơm
tim kinh ngạc
đời tạo câu cười thiên nhiên mai
hy vọng đứng ra ngoài ô ngục ngực bâng khuâng lần gặp gỡ thứ nhất
 
rồi kỷ niềm kim khí thuỷ tinh hành hạ
đau xé trời đêm không sao bánh máy quay vũ khí
tôi từ chối giam cầm chim đẹp trong rừng tóc
dù tiếng hót đã chọn mấy hàm răng
người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường
về quá khứ
chim bay vào trận mưa sao

Nhưng thơ Thanh Tâm Tuyền có phải luôn luôn “xa lạ” như thế hay không? Câu trả lời là không. Trái lại là đằng khác. Có hai lý do chính.

Thứ nhất, có nhiều đoạn, nhiều bài vô cùng giản dị, không chút màu mè, không tô điểm, không tu từ, không thể nào đơn giản hơn nữa, nằm rải rác trong cả hai tập thơ đầu:

Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
(Đúng rồi những người thù ghét thơ tôi ơi)
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc...
("Bao Giờ”)

Hay:

Anh biết vì sao cộng sản thủ tiêu Khái Hưng
mỗi lần hoàng hôn tôi bước cùng đám đông
lòng khẩn cầu cách mạng
anh biết vì sao cộng sản thủ tiêu Phan-văn-Hùm
mỗi lần hoàng hôn tôi chạm mặt từng người
có phải chúng ta đang sửa soạn
anh biết vì sao cộng sản thủ tiêu Tạ-Thu-Thâu
mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều
các anh nhớ tôi còn sống
quờ quạng tay dan díu
cách mạng nổ trong sự nín thinh...
(“Trưởng Thành”)

Một số bài trọn vẹn cũng thế, rất đơn giản, như “Bằng Hữu”, “Một Lần Nữa”, “Hãy Cho Anh Khóc Bằng Mắt Em Những Cuộc Tình Duyên Budapest” ...

“Bình dị, đơn sơ” và “phức tạp, khó hiểu” chen lẫn nhau là một trong những phong cách của Thơ Thanh Tâm Tuyền. Tuy nhiên, ngay cả với những bài bình dị nhất, Thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn khác hẳn thơ của lớp người đi trước hoặc đồng thời.

Thứ hai, Thanh Tâm Tuyền không đả phá vần điệu. Nếu Thơ Lục Bát luôn luôn gieo vần âm bằng; Thơ 7 Chữ, Thơ Mới v.v... cũng thường gieo vần âm bằng, thì trong thơ Thanh Tâm Tuyền vần và nhịp điệu hết sức đa dạng, sáng tạo, kín đáo, bằng trắc đều có, và nhiều khi những chữ vần được đặt cách xa nhau. Vần âm bằng rất nhiều, âm trắc hoặc bằng trắc xen kẽ cũng thường gặp.

Vần âm bằng:

Mưa bẩn sân ga
Toa tầu hạng ba
Chuyến xe hàng ốm yếu
Thổ mộ con ngựa già
(“Sầu Khúc”)

Vần âm trắc:

Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
những ống khói tàu mệt lả
(“Bao Giờ”)

Vần âm bằng trắc xen kẽ:

Hồn thảo mộc giấc ngủ
Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng
lá đan mắt ngõ
hôn vào môi vào má vào răng
những lời thơ rất
gõ cửa trái tim nàng
(“Mai”)

Nhưng rất mới lạ, Thanh Tâm Tuyền còn cho bằng vần với trắc như trong bài “Tình Cờ” chẳng hạn:

Hai người yêu nhau rất tình cờ
như trên cùng một toa xe lửa
tàu chạy qua cầu nghe tiếng sắt và tiếng nước trôi mau
nhìn về đốm lửa yếu thành phố trên sông
thành phố trẻ thơ tiêu điều ru dưới những bầu trời xấu ...

Lại có loại vần của nhịp điệu, của hình ảnh, của ý tưởng trong những bài thơ rất dài như “Sầu Khúc”, “Đêm”, “Bài Ca Ngợi Tình Yêu”, “Mặt Trời Tìm Thấy”.

Cũng có nhiều đoạn thơ hoàn toàn không vần:

Khi mặt trời vừa thức
Đòi gặp mùa xuân
Cho làn mi lá ngủ
Cho khoé mắt biển sâu
Cho đồi hoa bát ngát...
(“Bài Thơ Của Tháng Giêng”)

hoặc thơ văn xuôi:

Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng.
 
Những chuyến đi xa theo mưa về ngủ mái rạ. Đem hiền lành, có lẽ từ một cửa bể bến sông quán rượu. Những người bạn hứng mưa vào lòng tay, gịot mưa đẹp như mắt ngủ, rất xa không hề cách. Tôi sẽ đưa em về ngủ bên sông, tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Tôi sẽ mời anh về nghe mưa trên vừng trán vô tư, giác quan mở từng ngõ lạ xuống linh hồn. Chúng ta ngủ ngoài mưa như mơ ngủ ...
(“Mưa Ngủ”)

Kính thưa quý vị, khác hẳn hầu hết những nhà thơ trước ông rất hạn chế về đề tài, thơ Thanh Tâm Tuyền mở rộng ra nhiều lãnh vực của cuộc sống. Ông đề cập đến tình yêu nam nữ; tình bằng hữu; tình yêu quê hương, đất nước; những khát vọng về tự do; những quan tâm đến cách mạng, đến tình hình ở nhiều nơi trên thế giới, đến những thành phố còn sống trong ngục tù Cộng Sản; những ưu tư về thân phận con người, những băn khoăn siêu hình; những truy lùng tiềm thức, vô thức.

Một điều đáng chú ý là Thanh Tâm Tuyền không tả cảnh. Thiên nhiên chỉ được nhắc đến rất vắn tắt khi cần minh họa cho những dòng ý thức. Nói cách khác, con người với tư duy của hắn được chú ý hơn ngoại cảnh. Mưa trong “Mưa Ngủ” vừa được trích dẫn đã biến thành con người rồi, nó về ngủ mái rạ, nó về rơi trên vừng trán vô tư,ngủ cùng những kẻ cô đơn. Điều này làm tôi nhớ trong cuốn The Brothers Karamazov của Dostoevksy, tác giả mà Thanh Tâm Tuyền rất mến mộ, gần 1000 trang mà chỉ có mấy dòng nhắc nhở đến thiên nhiên, thời tiết.

Hơn một lần Thanh Tâm Tuyền bày tỏ quan điểm của mình về thơ. Trong “Định Nghĩa Một Bài Thơ Hay”, ông viết: “một câu thơ hay tự nhiên như lời nói / bài thơ hay là cái chết cuối cùng”; trong “Chim” ông khước từ “lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa”; hay trong “Một Bài Thơ”: “không đa đa siêu thực / thẳng thắn / khởi từ ca dao sang tự do.” Tuy nhiên ngay khổ đầu của bài “Chim” được trích dẫn bên trên lại là những hình ảnh đột ngột xuất hiện bất thường đặt bên nhau không theo một thứ tự logic nào cả, những khơi dậy của tiềm thức, vô thức, những giấc mơ, vân vân, tức là những đặc trưng được André Breton trình bày trong Tuyên Ngôn của Trường Phái Siêu Thực (Manifestes du surréalisme) ra đời năm 1924.

Đúng ra bài “Chim” không xa Siêu Thực, không gần Ca Dao như tác giả của nó mong muốn.

Trong một thế giới vừa mới thoát khỏi thảm họa của tận diệt, nhưng những nước lớn, những siêu cường, vẫn không thôi tranh giành thế lực, ảnh hưởng, từ đó tạo nên hai khối Tư Bản và Cộng Sản, dẫn đến những cuộc đánh phá, chia cắt một số nước nhỏ mà Việt Nam ta là một. Hai Miền Nam Bắc Việt Nam mỗi bên theo một khối, trở thành thù nghịch lẫn nhau, giết nhau không nương tay, huynh đệ tương tàn, đất nước tan hoang, lòng người ly tán. Thử hỏi, trong hoàn cảnh đó, một nhà thơ còn lương tri và lương tâm, còn chút tự do hay dù sống trong kềm kẹp hoặc ngục tù của cường quyền, độc tài, có thể nào bình tâm “ngâm hoa vịnh nguyệt”. Hắn phẫn uất, hắn không thỏa hiệp, hắn biến thành kẻ nổi loạn ít nhất là trong lãnh vực thi ca, tư tưởng. Thanh Tâm Tuyền là trường hợp đó.

Thanh Tâm Tuyền cũng không chịu nép mình vào những luật lệ chật hẹp của các thể loại thơ cũ, Thơ Mới, mà theo ông là những ràng buộc đã lỗi thời không dung chứa nổi những bão tố, những nung nấu, trong lòng người. Ông mở rộng tầm mắt ra nhìn thế giới, nhìn thơ hiện đại phương Tây, ông mạnh dạn xông xáo tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Đọc lại thơ của ông trong trên 10 năm đầu tiên “vẫy vùng ngọn bút tinh anh”, ta không hề thấy một dấu vết nào của cả gần một ngàn năm thơ Việt Nam cũ cũng như mới kể từ lúc Hàn Thuyên đời nhà Trần khai phá thơ Nôm. Không một chút ảnh hưởng nào từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, đến phong trào Thơ Mới và sau đó. Và điều lạ lùng là ông đi một mình, không có người đồng hành. Ông đi trước thời đại không dưới nửa thế kỷ. Bùi Giáng rất nhạy bén, đã viết theo lối dí dỏm của ông:

Thanh Tâm Tuyền như một vị tướng gan lì, sử dụng một loại võ công chỉ riêng một mình ông đạt tới quai nhai cảnh giới. Mọi kẻ vể sau học tập võ công ấy đều thất bại. Công lực thâm hậu, Thanh Tâm Tuyền lại còn trẻ quá, do đó, ông bước đi trên trận địa một cách quá ngang nhiên, chả bao giờ bận tâm tới những môn võ công khác của những đối thủ, bất kể chúng là thiên tài hay là chẳng.
(Bùi Giáng, Đi Vào Cõi Thơ, Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 10/69, Saigon)

Những nhận xét trên đưa đến hệ luận rằng những yếu tố gây ảnh hưởng đến thơ ông, thứ nhất, lẽ dĩ nhiên, đó là tiếng nói từ thuở nằm nôi, và thứ nhì là những trào lưu hiện đại của phương Tây. Câu thơ ngắn ngủi ông viết để bày tỏ chủ trương của mình về thơ, “khởi từ ca dao sang tự do”, không phải là cường điệu. Nhà lập thuyết và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đi song song gắn bó với nhau trên con đường dài. Có thể nói rằng thơ Thanh Tâm Tuyền là phối hợp của Truyền Thống Dân Tộc (Ca Dao) với Chủ Nghĩa Hiện Đại Phương Tây.

Lúc chưa tới 20 tuổi, ông đã viết:

Tôi không ca ngợi tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc nghĩa là tất cả những thứ mà tình yêu loại trừ ...
(“Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, 1955)

Đấy chẳng qua là cái sôi nổi, bồng bột của tuổi trẻ. Thật trong Tôi Không Còn Cô Độc đã có một bài thơ tình rất dài, rất hay, một thứ tình yêu không nước mắt, không than thở, không bi lụy, nhưng đầy thương nhớ, trăn trở. Mỗi lời thơ là một khắc khoải, ray rứt. Yêu nhau như “nụ hôn đầu” thì tiếp theo ngay đó là “ôm mái tóc lang thang”. Xin trích dẫn ba đoạn trong bài ấy, “Liên Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách”:

Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng
(lần trở về anh ngồi xuống ghế dài
nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)
một phố bình dân có chợ và những quán ăn
giản dị như trang nhật ký của anh
ngày bắt đầu yêu em
...
Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông
thành phố đau từ mỗi cột đèn
mỗi bực thềm cửa đóng
em đi không nón không áo choàng
mưa tầm tã
những cửa sổ đêm muốn hé ra
nổi loạn
và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm
và rực rỡ nhớ thương
...
Nét cong môi hồng mắt tình cờ
ngực hoa yếu đuối
những miền không gian được gọi qua
tình yêu không thẹn thùng
đâu phải một thứ mưa ô buy vào thành phố
năm cửa ô hồi sinh trên xác năm cửa tù
mưa nắng cùng rủ nhau xuống Sinh Từ ngõ Hội Vũ
bao nhiêu đường tình tự ga hàng cỏ
nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang
tà áo bàn tay hương trẻ con
hoàng hôn tỉnh
kim khí khua trong bước trở về nhà cửa
sự vắng mặt không thể lâu hơn nữa
thù nghịch tan vào hơi thở
trong giấc hôn mê thôi tiếng khóc mèo đêm
tình yêu mầu nhiệm hoàn thành
vĩnh viễn ...

Ở tập thơ thứ hai, liên đêm mặt trời tìm thấy, tình yêu vẫn còn, khá tươi sáng, trong “Bài Ca Ngợi Tình Yêu”:

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khua thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là khói sóng
đêm màu hồng...

Tuy nhiên thường xuyên hơn, kể cả trong tình yêu, là những ám ảnh, trăn trở, những độc thoại nội tâm ảo não, những tiếng nói trong cơn mê:

Anh chìa hai bàn tay khô héo
Nỗi tự do buồn phiền
Hai bàn tay những con đường cỏ cháy
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em giữ lấy
Anh còn đâu ngoài nỗi chết ôm ghì
Trong bóng đen trơ trụi nơi vàm sông
Anh tìm kiếm
Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi
(“Sầu Khúc”)
 
Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu
Ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Đón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em
...
Những bài thơ tình không viết được
Những hồn ma hoang đầu ngọn cây
Xác chết rữa nát
Trong kẹt rừng khô
Đêm thức dậy mở mắt mắt đã mù
Hai con sâu nằm trên chân mày đang khoét lỗ
Con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên
Mỏ ngậm quả tim đựng hình ảnh đời người
Đời người thản nhiên như tên gọi ...
(“Đêm”)

hoặc những thao thức về thân phận con người khốn đốn, chỉ mong còn chút tự do:

Da trắng như tiếng hát ở trên trời
Anh cúi hôn cánh môi tím màu đêm mà thương nhớ
Từng chút một từng chút một
Em biến thành pho tượng rực rỡ
Anh biến thành thiên tài ngây thơ
Trong đầu là hư vô
Trong mắt là hoang đảo
Trên môi là thần chú
Trên tay là trống không
Cả đời là sa mạc
Cả tôi là tự do ...
(“Đêm”)

Nhưng có tự do hay không, hay là đi đâu nhà tù cũng đi theo vây hãm:

Phiêu lưu mãi là một nhà tù
Dãy tường câm chuyển động
Trên một triền vực sâu ...
(“Sầu Khúc”)

Nói chung, thơ Thanh Tâm Tuyền không dễ đọc. Trước hết, nếu thơ của ta từ xưa cho đến thời Thơ Mới và cả giai đoạn 1945–1954 là tiếng nói của tình cảm, của biểu đạt, nhằm gây xúc động – Xuân Diệu xôn xao trước thời gian: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!” (“Giục Giã”), Huy Cận bâng khuâng trước không gian: “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” (“Tràng Giang”) – thì thơ trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt thơ Thanh Tâm Tuyền, là những dòng ý thức, nhận thức, nhằm đặt vấn đề. Cũng không còn cả cái “Nao nao dòng nước uốn quanh” như trong Kiều mà là những thao thức, “dù tôi đang đứng bên bờ sông, nước đen sâu thao thức”.

Bài “Phục Sinh”, bài thơ đầu tiên trong Tôi Không Còn Cô Độc, là một ví dụ của những dòng ý thức, của những tra vấn, trăn trở về thân phận con người. Ta thử xem khổ thứ nhất:

Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa trẻ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức ...

Ba chữ đầu của bài thơ đầu trong tập thơ đầu của Thanh Tâm Tuyền xuất hiện mới lạ: “Tôi buồn khóc”. Xưa nay ta chỉ nói buồn cười, buồn ngủ, buồn mửa, vân vân. Và ta sẽ gặp trong hầu hết Thơ Thanh Tâm Tuyền rất nhiều sáng tạo chữ nghĩa như thế: hy vọng thổn thức, lòng tin phủ tro, quá khứ đăm đăm, buổi chiều vội vã đêm, mây đục đậu lên bờ cửa sổ, bước ai thánh thót, ngực gọi đêm về, mắt kín mưa đêm, trên chúm môi lá biếc / những chòm hôn vội vàng, v.v. Nhiều vô số kể. Chữ nghĩa mới lạ là một trong những đặc điểm nổi bật của thơ ông.

Xin trở lại với bài “Phục Sinh”. Câu đầu tiên đầy ray rức được nối tiếp bằng hai câu thật ngắn, thật đột ngột, “ngoài phố / nắng thủy tinh”, tạo nên sự đối nghịch lớn - tôi trong căn gác cô đơn khắc khoải, muốn tự hủy, tên tôi cũng sẽ chỉ còn là một nỗi nhớ, trong khi ngoài kia cuộc đời vẫn thản nhiên còn đó trong veo nắng.

Câu thứ sáu lại là chuyển biến mới mang nhiều hình ảnh, ẩn dụ, đa tầng, đa nghĩa:

buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

Sao trên trời là tướng tinh của con người, và một ngôi sao tắt có nghĩa là một người qua đời chăng? Vâng, chiều nay có một ngôi sao vỡ, giáo đường gióng lên tiếng chuông cầu hồn. Mà câu thơ ấy cũng gợi lên hình ảnh chiếc linh hồn nhỏ chạm vào chuông giáo đường làm toé ra những hình sao vỡ. Cho nên “đứa trẻ linh hồn” vội tìm chỗ ẩn nấp trốn tránh con chó dữ trong tôi đóng vai bà già đánh lừa em bé quàng khăn đỏ mà nhà thơ sẽ nhắc lại trong đoạn kế tiếp.

Trong suốt hai tập thơ Tôi Không Còn Cô Độcliên đêm mặt trời tìm thấy, cũng như khá nhiều bài thơ khác của ông đăng trên các báo, ta thường gặp những cách phô diễn đầy ẩn dụ và tra vấn như trên. Xin trích thêm vài đoạn trong bài thơ văn xuôi “Khúc Tháng Chạp” viết vào cuối năm 1969:

... Nội không quạnh quẽ như ngàn cõi chiêm bao vượt. Đập vỗ, đập vỗ hoài con mắt buốt, con mắt vi ty rụng trụi lớp mi che, không động thức. Con mắt khờ câm căng chống. Tưởng dáng mùa hè chín ối. Tưởng nét mùa thu lung linh. Đã bay qua, bay qua nghìn mệt mỏi. Như điệu ngân hụt hẫng. Mưa buông khít chân trời, mưa rũ liệt làm sao ngớt, mưa giả lả. Những huyệt trốt cuốn, vật nài chim ngây thơ khóa cánh, vùi dập chim mỏng mảnh trong khuất khúc giá băng. Đắp điếm những mai chiều như bao giờ xin cũ, những canh tàn giấu cất, những khuya lên rách rưới như bao giờ. Như bao giờ, hiểu không như bao giờ?
 
Ôi – Chim bé bỏng, chim bé bỏng hoài.
 
Và mùa đông thổi chuyến bay trong cõi rỗng.

Thơ Thanh Tâm Tuyền, do đó, đòi hỏi sự tham gia của người đọc. Martin McQuillan viết trong Literary Theories (New York University Press, Washington Square, 1999): “Một văn bản chỉ có ý nghĩa khi nó được đọc, khi một người đọc tương tác với những con chữ trên trang giấy để phát hiện ra ý nghĩa.” (A text only becomes meaningful when it is read, when a reader interacts with the words on the page to produce meaning.) Nói cách khác, sự tham gia của người đọc sẽ phát hiện ý nghĩa và giá trị của văn bản. Người đọc đến từ những nguồn gốc khác nhau, trình độ khác nhau, cảm thụ khác nhau, nhận thức khác nhau, do đó phát hiện cũng khác nhau.

Chẳng hạn trong bài “Dạ Khúc” khá đơn sơ, người thì cho rằng hai câu đầu, “Anh sợ những cột đèn đổ xuống / Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta”, là vớ vẩn, kẻ thì thích lối ẩn dụ ấy đã nói lên được một nhân sinh quan không bình yên trong một thế giới đổ vỡ. Franz Kafka cũng đã từng “vớ vẩn” hơn để nhân vật Gregor Samsa hóa thân thành con sâu gớm ghiếc (trong Metamorphosis) sau một đêm nằm ngủ đầy mộng mị. Hoặc với bốn câu thơ dưới đây, có người bảo thô tháp, thiếu trau chuốt, kẻ khác lại cho rằng viết như thế mới gây ấn tượng mạnh:

Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bày ...

Nhưng có lẽ ai cũng phải thừa nhận rằng “Dạ Khúc” là tiếng nói của tuổi trẻ cô đơn, bơ vơ, buồn chán, nổi loạn, tuổi trẻ của ai mà chả thế, trong một quê hương điêu linh, tương tàn, một đất nước quằn quại, tan tác!

Tôi xin đọc nguyên bài “Dạ Khúc”:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
 
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắt thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
 
Tiếng kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bày
 
Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những dày vò ngày mai

Đối với bài “Chim” mà ta đã trích dẫn trên đây chẳng hạn, việc tham gia của người đọc lại không dễ. Chữ nghĩa tinh khôi, hình ảnh dồn dập, lung linh, đa dạng, nhiều ẩn dụ, nhạc điệu phong phú, nhưng bài thơ muốn nói gì? Kiếp người ví như kiếp chim chăng? Con người trong cuộc lữ có khác gì cánh én cô đơn bay mải miết trong thời gian và không gian, thời gian là đêm giao thừa của thế kỷ, không gian là vô vàn hình ảnh, sự kiện, xuất hiện ngổn ngang, là bão tố, là “mưa rơi sao”. Và kết cục, như được mô tả trong dòng cuối cùng của bài thơ, “chim bay vào trận mưa sao”.

Về sau, khi cuộc chiến khốc liệt vượt lên trên mọi nỗi băn khoăn, khắc khoải của thời đại, thơ Thanh Tâm Tuyền lại chuyển biến:

Ta nhớ sau lưng núi thanh thản
Biếc mây như lệ của đêm điên
Ta nhớ rằng ta không nhớ nữa
Như cây trơ trụi mùa hưu miên
 
Như phiến gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi
Như lau lách mọc chen bờ bãi
Phất phơ tóc bạc lả theo trời
(“Đỉnh Non Xa”, Giai Phẩm Văn, 9/1974)

Phải chăng Thanh Tâm Tuyền đang “về xuôi”, về với các thể thơ dễ dãi đã có, về với những sôi nổi của tuổi trẻ đang lắng dần, những giấc mơ đang tan vỡ, về với đám đông lau lách dưới kia, khi mái tóc không còn xanh, khi “tóc bạc lả theo trời”. Nhưng dù với thể thơ nào, Thanh Tâm Tuyền vẫn tỏ ra có biệt tài. Xin dẫn hai đoạn ngắn của bài “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” thật dài làm ví dụ, trong đó những chấm câu bất ngờ, những ngôn từ quấy động, vần thì âm trắc, hình ảnh đa dạng, dữ dội, ý tứ cuồng nộ, khiến lời thơ trở nên dồn dập, khúc khuỷu, gắt gỏng. Thơ tự do đã nhập vào những câu tám chữ có vần:

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa.
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ.
Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi.
Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.
 
Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khỏa thân xanh mướt.

Sau Tháng tư 1975, trong nhà tù Cộng Sản, Thanh Tâm Tuyền vẫn làm thơ. Khi định cư tại Mỹ, ông gom góp những bài thơ làm trong tù in thành tập thơ cuối cùng, Thơ Ở Đâu Xa, rất giá trị.

Xin trích trong tập thơ cuối cùng ấy bài “Chiều Cuối Năm Qua Xóm Nghèo” viết vào năm 1978 mà bất cứ một ai từng ở tù cải tạo của Cộng Sản đều tìm thấy mình trong đó. Bài thơ hắt hiu, chữ nghĩa buồn tênh từ đầu đến cuối như một bức tranh sử dụng toàn gamme màu lạnh mà dưới lớp băng giá đó âm ỉ vài tia lửa ấm, vài giao thoa của đời sống tối tăm. Đây một chút nhớ, đâu lũ trẻ co ro đứng trông tù qua thôn; kia một chút thương, nhà ai lạnh lẽo khiến lòng ta ảm đạm. Vâng, lũ trẻ không theo lời xúi giục của người lớn ném đá vào đoàn tù đi qua như đã xẩy ra, mà đứng co ro nhìn; đoàn tù thì nhớ lũ trẻ cũng là nhớ lũ con của mình không biết hiện ở phương trời nào. Và nhà ai năm hết Tết đến tuy ở bên ngoài nhà tù cũng thê lương tăm tối không đèn lửa chẳng khác gì bên trong trại tù. Đây không phải so sánh để tự an ủi, mà là thương cảm. Bài thơ làm theo lối 7 chữ 8 câu, cách tân, chia thành hai đoạn:

Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng xem tù qua thôn
 
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm

Kính thưa quý vị, những đóng góp của Thanh Tâm Tuyền cho văn học Việt Nam thật lớn lao. Ông là nhà thơ tiên phong đầy sáng tạo đã mở ra những chân trời mới lạ cho thơ Việt Nam, mang lại nhiều khám phá độc đáo, và đạt được những thành quả ít ai sánh kịp. Cho đến nay, nói như báo mạng Tiền Vệ khi ông vừa qua đời (22-3-2006), thơ Thanh Tâm Tuyền “vẫn còn là một nguồn cảm hứng lớn đối với nhiều nhà thơ có khát vọng đổi mới”. Trong thời kỳ cực thịnh của văn học Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền vượt lên như một trong những đỉnh cao nhất. Có thể nói rằng Thanh Tâm Tuyền là một trong một số ít nhà thơ lớn nhất không phải chỉ riêng đối với Miền Nam mà cho cả nước.

 

 

______________________

Các bài tham luận khác:

[HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975] ... Xin được kết luận: Văn học miền Nam là văn học Việt Nam. Vì nó không những phát triển theo chiều hướng riêng của nó, mà còn bảo lưu văn học cổ điển, văn học tiền chiến, những tác phẩm văn học khác trước 1954 cũng như các tác phẩm của Nhân Văn Giai Phẩm! Có quý vị ngờ rằng tôi nói quá. Một cách nói thậm xưng. Không. Chỉ xin vận dụng một chút tưởng tượng, một chút thôi: giả sử như bây giờ đột nhiên văn học miền Nam biến mất, tất cả đều bốc thành khói bay vào hư không, thì sự nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung sẽ gặp khó khăn như thế nào... (...)
 
[HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975] ... Không biết quý vị nghĩ sao, riêng tôi thường nghĩ về Văn Học Miền Nam 54-75 như là một thực thể văn học bao gồm tất cả những gì bị nhà cầm quyền Cộng Sản chối bỏ, xua đuổi, thậm chí tìm mọi cách để hủy diệt. Nghĩ cho cùng, những điều bị chối bỏ này chính là những giá trị đáng ganh tị của Văn Học Miền Nam, không phải hay sao?... (...)
 
[HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975] ... Tháng 10 năm 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời, đóng góp vào sự phát triển của nền văn học miền Nam trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Trong suốt hơn 20 năm, từ 1954 đến 1975, có rất nhiều nỗ lực khác nhau, cá nhân hay tập thể, trong hay ngoài văn giới, đóng góp vào sự phát triển này. Thế nhưng, đóng góp của Sáng Tạo, như một tạp chí, một vận động văn học, và như một tập thể, vẫn có một tính cách đặc biệt, và giữ một vai trò quan trọng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021