thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chữ dâm

 

Không ai biết chắc giữa hai câu thơ:

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

của Nguyễn Công Trứ và:

Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều

của một tác giả dân gian nào đó, câu nào có trước, câu nào có sau. Chỉ biết chắc một điều là, hết thảy, đều ló mặt với đời sau khi Bà Banh đã bị thay tên: thời nào Bà từng nô nức khói hương, thế rồi, từ một ngày nào đó, đã lặng lẽ sân chùa: Vắng như chùa Bà Đanh...

Bà Banh, vị nữ dâm thần đứng... banh chân tớ hớ tênh hênh cho khách thập phương chọc gậy vờ vịt làm cuộc âm dương, cái cuộc âm dương của trận mây mưa có bốn lứa đôi trần trụi nồng nàn quấn quýt vào nhau trên thạp đồng Đào Thịnh, thứ thạp nghe đâu đã có từ thời kỳ Đông Sơn.[1]

Ngày nay những điều như thế -- cái dáng đứng banh ra mời mọc cho đời chọc vào hay bữa tiệc orgy tưng bừng khói lửa trên cái thạp đồng khởi đầu văn hiến -- được chúng ta gọi chung là tín ngưỡng phồn thực, tức niềm tin hướng về cội nguồn của sự sinh sôi nẩy nở thời tiền sử, cái thời mà Thượng Đế hãy còn là đàn bà và cái sự dâm, nếu có thể tạm gọi như thế, chưa... tà.

Trong suy niệm hồn nhiên của con người tiền sử thì thân thể của người phụ nữ có cái gì đó bí ẩn: qua những hiện tượng như kinh nguyệt chẳng hạn, họ thấy cả một dấu tích huyền hoặc của thiên nhiên, cứ như là chu kỳ trăng mọc rồi trăng lặn. Cứ như thế suy rộng ra: nếu người đàn bà có thể khai sinh những mầm sống thì một đấng nữ thiêng liêng nào đó cũng khai sinh ra vũ trụ muôn loài này, và nếu người đàn bà có thể tiết dòng sữa ngọt giữ gìn mầm sống thì muôn loài cũng được nuôi dưỡng bằng sản vật thiên nhiên của bà mẹ lớn nào đó!

Bài thơ được xem là cổ nhất của nhân loại, sáng tác vào khoảng 2300 B.C., là tác phẩm của một nữ pháp sư, sáng tác để ca ngợi một nữ thần. Thời đó, cái nghề pháp sư, như là dấu gạnh nối giữa thế giới siêu nhiên và thế giới phàm tục, đều do nữ giới đảm nhận và tín ngưỡng tôn sùng Thượng Đế nữ này kéo dài từ khoảng 25,000 B.C cho đến 500 A.D., tức lúc những ông vua chọn niềm tin Thiên Chúa ra tay cấm đoán.[2]

Dâm hãy chưa... tà, nên cái sự động tình mây mưa của những đấng thiêng liêng cứ là nô nức. Cứ nghĩ: nếu người trần thế mây mưa để đời sống này tiếp diễn thì thần thánh cũng nên mây mưa để thiên nhiên, như một nguồn dưỡng chất nuôi sống con người, tràn trề nẩy nở chứ? Đam mê dục lạc, như thế, không những chỉ là một nhu cầu tự nhiên mà còn là một bổn phận và do đó bà mẹ thần thánh của thời mẫu hệ lại là một thứ phụ nữ hoàn toàn... giải phóng. Khác xa với tính chung thuỷ, tiết liệt và, nhất là, tính thụ động và an phận trước sự chọn lựa hay sự tuỳ tiện ban ơn mưa móc của nam giới qua hình ảnh bà mẹ lý tưởng của nền văn minh phụ hệ; bà không bị trói buộc bởi những xiềng xích hôn nhân và một ràng buộc đạo lý nào. Dâm chưa tà nên bà thoải mái luyến ái và lang chạ, thay người tình mà cứ như là thay áo.[3]

Dâm chưa tà và nữ giới còn là đấng bề trên nên sự lấn lướt chăn chiếu của người đàn bà cũng được thần thoại hoá. Người Ai Cập đã diễn tả rất cô đọng tương quan bất bình đẳng đó qua dáng dấp loã thể của nữ thần Osiri, thực hiện đâu vào khoảng năm 1,000 B.C: thần đứng xoạc chân như thể bao trùm cả cõi nhân gian và từ bên dưới, gã đàn ông chĩa thẳng dương vật của mình lên trời, một dương vật mà, dù đã cố tỏ ra hùng dũng và đã phóng đại nhiều lần, trông vẫn có vẻ gì đó nhược tiểu và tuyệt vọng làm sao. Tượng thần còn được phụ nữ đeo toòng teng trên cổ như một thứ bùa chú có kèm theo một hình tượng dương vật với kích thước rất là khiêm nhường.[4]

Đó còn là sự rẻ rúng và coi thường, xem nam giới như một thứ đồ chơi, thích vứt đi lúc nào thì vứt. Hầu như ở mọi nền văn hoá, nữ thần nào cũng lắm tình nhân, những người tình mà, sau những cuộc mây mưa, sẽ bị những nữ thần vứt bỏ không chút tiếc nuối. Ám ảnh thần thoại này còn kết tụ ở tập quán xã hội và dai dẳng sống đến tận thế kỷ 19 tại nhiều vùng đất bán khai: Nữ vương xứ Baidu ở Phi Châu thường bắt những người tình một đêm ra tra tấn trước khi chặt đầu; và, trong một bản phúc trình, những viên chức Anh đã ghi nhận tập quán thay chồng của nữ vương xứ Ashanti: thủ tiêu hàng tá tình nhân sau những thời hạn định kỳ để thay đổi bằng hàng tá khuôn mặt mới![5]

Khi trật tự mẫu quyền lung lay để nhường dần chỗ cho hình thái phụ quyền thì nam giới mới bắt đầu thoát khỏi thân phận rẻ rúng ấy, và từ đấy, trong các nghi lễ tôn giáo, dương vật của họ, hay nói một cách bình dân là con cu, mới bắt đầu... to ra.

Tiến trình này khởi sự từ những giai đoạn đầu của thời đại đồ sắt sớm, khi nam giới ý thức được vai trò quan trọng ở cái bắp thịt của mình trong nỗ lực sinh tồn. Mạnh hơn, họ càn lấn lướt hơn và rồi, càng tự tin hơn về sự dự phần của mình trong chức năng sáng tạo: không có họ thì người đàn bà chẳng thể nào tự mình... làm mẹ, và như thế, cơ thể người phụ nữ bỗng dưng đánh mất vẻ huyền bí nguyên thuỷ. Để lật ngược thế cờ, điều đầu tiên là phải lật ngược cái mặc cảm nhược tiểu chim cu, cái thân phận nhỏ nhoi của gã đàn ông Ai Cập từng ngậm ngùi trước dáng đứng bao trùm cả cõi nhân gian của nữ thần Osiri.[6]

Nhưng to ra không thôi, vẫn chưa đủ. Họ phải dựng nó dậy ngạo nghễ, thiêng liêng: cội nguồn sáng tạo phải chuyển từ nơi sâu kín trên thân thể người phụ nữ sang cái bộ phận vừa dài vừa tròn, hứng cứng buồn mềm của gã đàn ông.

Như thế, cái hình tượng dài tròn ấy bắt đầu chế ngự trong các đền đài hay nghi lễ. Trước, nó vẫn xuất hiện trong các nghi lễ đấy nhưng khi nam giới hãy còn yên phận tôi đòi, cùng lắm nó xuất hiện như những phẩm vật hiến tế thế thôi. Người Hy Lạp có thể rườm rà với những nghi thức ở đó hình tượng dương vật có thể xoay xoay động đậy hay ngỏng lên ngỏng xuống giống như trò múa rối, họ có thể rườm rà với những nghi lễ đón rước ở đó hình tượng dương vật được vinh danh bằng những vòng hoa hay những cái hôn làm phép từ những phụ nữ có điạ vị cao trọng, nhưng dù sao đó vẫn chỉ là một thứ dương vật để tế thần, để hiến cho các nữ thần tuỳ nghi tiện dụng. Chỉ khi nam giới đã có quyền rẻ rúng nữ giới -- chẳng hạn như ô uế hoá hiện tượng kinh nguyệt mà trước đây xem là bí ẩn và huyền nhiệm -- bộ phận sinh dục của họ mới thực sự trở thành thần: thần dương vật.[7]

Khi vị thần đó đã có thể an hưởng sự khẩn cầu, thí dụ như những phụ nữ hiếm muộn với nghi thức ôm hôn hay leo trèo nựng nọt, thì hình tượng của nó càng lan tràn trong đời sống xã hội và trong thần thoại. Vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, hình tượng dương vật đã tràn ngập những đô thị Hy Lạp với những phù điêu chạm trổ cho đến những “cột dương vật” đứng dọc theo đường phố: cứ theo những trước tác của Delos thì người Hy Lạp đã xây dựng một đại lộ với những cột dương vật lớn dương thẳng lên trời, như thể là nòng đại bác. Người Ấn Độ cũng mê say dương vật không kém với truyền thuyết về con cu lớn nhất thế giới, gọi là “gậy trời” của nữ thần Shiva: từ cõi trần, con cu này vươn mãi lên cao cho đến khi bị bầu trời ngăn lại.

Điều đó, thậm chí, còn gắn bó với cả những thói tục man rợ thời chiến. Chúng ta đã nghe nói đến tập quán bêu thủ cấp, cắt tai hay lột da đầu kẻ thù như là biểu tượng chiến thắng của những bộ lạc hay sắc tộc đó đây; khi mà chim cu của người đàn ông được xem là thiêng liêng, nó cũng từng là biểu tượng của chiến thắng. Bức phù điêu chạm quanh ngẫu tượng dương vật tại Karnak, Ai Cập, dựng vào năm 1300 B.C. còn kể lại đời sau một chiến công lẫy lừng của hoàng đế Meneptha: cắt được 13,240 con cu của đối phương![8]

Nó, hình tượng con cu, còn thâm nhập vào phong tục và ngôn ngữ. Trong Anh ngữ, bên cạnh nhiều ý nghĩa khác nhau, chúng ta đã quen với “testament” như một lời tuyên bố, một lời xác nhận về một sự thật nào đó, hay tên của một bộ thánh thư, là một từ ngữ có gốc gác La Mã: testes. Testes, cũng trong tiếng Anh, là hai khối tinh hoàn, hay nói một cách bình dân là hai hòn dái, nhưng sao lại lạc bước vào đây?[9]

Thì đại loại nó thiêng như thể Trời thiêng Đất thiêng trong mấy lời thề thốt bình dân hôm nay. Người nay thề Trời thề Đất thì người xưa, như người Ả Rập chẳng hạn, lại trịnh trọng thề cu thề buồi và nhờ cậy chúng đứng ra làm chứng: "Ơi hỡi Đức Thánh Cha của Dương Vật, hãy chứng giám cho lời thề của con!" [10] Mà không chỉ là lời thề suông: họ còn sờ mó của nhau để biểu lộ lòng thành thật, thậm chí còn xoa vò hay vuốt ve để kích thích cho cu của mình cương cứng lên, như một cách để long trọng hoá cái sự ăn thề. Cứ như vậy, hễ ngày nào con người còn vinh quang cắt cu thù làm biểu tượng chiến thắng và còn trịnh trọng sờ cu mó dái nhau ăn thề thì ngày đó cái sự “dâm” vẫn còn loạn xạ một cách hồn nhiên.[11]

Dâm chỉ... tà khi quan hệ nam nữ trở nên phức tạp hơn với những ràng buộc trinh tiết, vốn là sản phẩm của ý niệm sở hữu, nền tảng của trật tự phụ quyền. Đó là lúc gã đàn ông muốn chiếm đoạt người phụ nữ như thể chiếm đoạt một thứ tài sản riêng: chưa là của ai và phải thuộc về mỗi một mình mình, quyết không bị sây sớt ra ngoài. Ý niệm chưa thuộc về ai là trinh, ý niệm không sây sớt ra ngoài là tiết và những ý niệm như thế được lồng ghép vào khuôn khổ đạo lý, làm thành một thứ nền tảng tinh thần của trật tự xã hội mới. Trật tự đó bao gồm những lề luật định chế và những khuôn khổ luân lý, thuận theo là “chính”, ngược lại là... tà.

Dâm mà xâm phạm vào tiết và trinh, như một dấu hiệu của quyền sở hữu thiêng liêng, sẽ trở thành tà.[12]

Riêng tư là một khía cạnh khác của tinh thần sở hữu và ý niệm trinh tiết cũng không phải là ngoại lệ. Trong khuôn khổ của trật tự phụ quyền, ý niệm đó lại được quy phạm hoá thành một thứ lề luật khe khắc. Kín đáo là đòi hỏi đầu tiên của người phụ nữ, và nếu người phụ nữ không thể tự nhiên phô bày cái xuân thì phơi phới thì những nghệ sĩ cũng phải đoạn tuyệt với truyền thống của các hoạ sĩ hang động thời tiền sử: có diễn tả thân thể của người đàn bà, họ cũng phải vẽ thêm cánh lá nho che đậy.

Cứ thế loài người dệt hay vẽ lá nho che đậy mãi. Che đậy cho đến khi ngộp thở, không thể ngủ yên trong khuôn khổ cứng nhắc của đạo lý rồi bùng ra, vỡ oà, như cuộc cách mạng tình dục, sôi nổi ở những năm kéo dài từ thập niên 60 đến thập niên 70 chẳng hạn. Sôi nổi đến độ hầu như bội thực.

Cái dâm trong văn chương cũng ví như màu sắc đậm nhạt của chiếc lá nho mà người hoạ sĩ thời nào đã vẽ nên che đậy: thoạt tiên lá chỉ trơ cành, lá mọc đậm đà, lá trong dần rồi lá rơi dần. Lá trơ cành như cái ngày Em van mà nó chẳng tha / Nó đem nó đút thằng cha nó vào. Lá mong mỏng he hé như khi Nguyễn Du Xem trong âu yếm có chiều lả lơi... Lá đùng đục cau có đáng kiếp tà dâm hay mô phạm chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều... Rồi lá rơi rụng, rơi rụng như những trang giấy rướn cong hơi thở dục tình, sang cả hay dơ dáy rẻ tiền và lạm phát, đến độ ê hề.

Vậy thì biết làm như thế nào đây? Cúi nhặt dăm ba cánh lá rụng rơi hay yên lòng với những gì lá đã để lại đằng sau? Cái đó thì tuỳ. Vẽ chiếc lá che đậy cũng là một nghệ thuật mà ngắt chiếc lá vứt đi, phơi bày lồ lộ cũng là một nghệ thuật. Cái ấy, cái ở đằng sau chiếc lá, không thành vấn đề, vấn đề là vẽ hay xoá chiếc lá đi như thế nào.

Thế thôi, cái quan trọng là cái cách, là nghệ thuật. Còn như chỉ muốn trần trụi cái ấy thì chỉ cần đơn giản nhập vai Tràng Khanh, Tống Ngọc: biết bao là kẻ sớm đưa tối tìm, vừa tiện, vừa nhanh, sao lại phải mất thì giờ để loay hoay vạch lá?

 

_________________________

[1]Thạp đồng Đào Thịnh tìm thấy ở làng Đào Thịnh, Yên Bái, có niên đại khoảng năm 500 B.C. Giữa thạp là hình mặt trời giống mặt trống đồng, chung quanh có chạm hình bốn đôi nam nữ đang giao hợp. Tập tục thờ các dâm thần bị chính thức cấm đoán từ thời nhà Lý.

[2]Rosalind Miles (1990), The Women’s History of the World, Paladin Grafton Book, London, trang 36-45.

[3]Rosalind Miles, Sđd, trang 41.

[4]Sđd, trang 57-67

[5]Sđd, trang 44

[6]Tiến trình thay đổi này có thể nhìn qua sự thay đổi giới tính của... thượng đế. Các nhà nhân chủng học cho là có bốn giai đoạn. 1/ Khi thượng đế còn là phái nữ, nhân vật đó được đồng nhất với vũ trụ, hay, chí ít, được ca tụng là đã sinh ra vũ trụ. Thỉnh thoảng, một cách ngẫu nhiên và tuỳ hứng, họ cũng có những quan hệ luyến ái với nam giới. 2/ Khi quyền uy tối thượng đã hơi hơi giảm sút, sự “phụ thuộc” đàn ông của họ lại gia tăng: nữ thượng đế đã biết công khai tuyển mộ những “cung nam”, những kẻ có khi chính là anh em hay con cái, để thoả mãn dục vọng. 3/ Nam thần xuất hiện và quyền lực ngang ngửa với những nữ thần. 4/ Nam đẩy nữ giới ra khỏi ngai vàng của thượng đế.

[7]Sđd, trang 110

[8]Sđd, trang 63

[9]Trong tiếng Anh testes là số nhiều của testis, từ đồng nghĩa là testicle.

[10]Nguyên lời thề trong bản tiếng Anh là "O Father of Virile Organ, bear witness to my oath!"

[11]Sđd, trang 62

[12]Tuy vậy, thoạt đầu, thí dụ như phong tục cổ của người Ai Cập, trước khi lấy chồng cô gái nào cũng bị buộc phải làm tình với một ngẫu tượng dương vật bằng vàng tại đền thờ; và chỉ những ai, qua nghi lễ này, chứng tỏ được rằng mình vẫn còn là trinh nữ mới được coi trọng và được hoan hỉ đón nhận như những người vợ. Xem bài “Văn chương và lý thuyết mất trinh”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021