thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tiếp cận cái gì?
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Điều chúng ta thấy đáng lưu ý, dường như, luôn luôn là một biến cố lớn, một sự rủi ro, một chuyện lạ thường nào đó: cái đầu đề giật gân ở trang nhất, hàng tít in chữ to tướng. Xe lửa chỉ bắt đầu hiện hữu khi chúng trật ra khỏi đường ray, và càng nhiều hành khách tử nạn chừng nào thì xe lửa càng hiện hữu chừng ấy. Máy bay chỉ đạt sự hiện hữu khi chúng bị không tặc. Định phận duy nhất của xe hơi là tông vào gốc cây. Năm mươi hai ngày cuối tuần trong một năm, năm mươi hai danh sách người chết vì tai nạn giao thông: quá nhiều người chết, và càng tốt hơn nữa cho giới truyền thông nếu con số càng lúc càng tăng! Đằng sau một biến cố phải có một điều nhục nhã, một chuyện éo le, một sự nguy hiểm, như thể cuộc sống chỉ biểu lộ ý nghĩa bằng những hình ảnh khiến ta phải há hốc, như thể cái gì đáng lưu ý, cái gì quan trọng, thì luôn luôn dị thường: những vụ thiên tai hay những trận đảo lộn lịch sử, những cuộc nhiễu loạn xã hội, những trò chính trị đê hèn.

Trong khi nôn nóng đo lường những cái mang tính lịch sử, những cái trọng đại và những cái nhiều ý nghĩa, chúng ta hãy đừng gạt đi những gì cốt yếu: những gì chúng ta thật sự không chịu đựng nổi, những gì chúng ta thật sự không chấp nhận được. Cái ghê tởm không phải là sự kiện hầm mỏ nổ tung, mà chính là điều kiện làm việc hằng ngày ở mỏ than. “Những vấn đề xã hội” không phải chỉ trở thành “một việc đáng lưu tâm” mỗi khi có một cuộc đình công, mà chúng chính là thực trạng hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn, ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm, không thể chịu đựng nổi.

Những cơn sóng thần, những cuộc phún xuất của hoả sơn, những toà cao ốc sụp đổ, những trận cháy rừng, những xa lộ dưới lòng đất bị chôn vùi, dược phòng ở Champs-Elysées cháy rụi. Khủng khiếp! Kinh hoàng! Quái đản! Ghê tởm! Nhưng cái ghê tởm nằm chỗ nào? Cái ghê tởm thực sự? Phải chăng nhật báo kể cho chúng ta mọi sự, ngoại trừ: đừng lo, như bạn thấy đấy, cuộc sống tồn tại với những thăng trầm, mọi sự xảy ra, như bạn thấy đấy.

Những tờ nhật báo nói về mọi sự, ngoại trừ cuộc sống thường ngày. Báo chí làm tôi bực mình, chúng chẳng dạy tôi được điều gì cả. Những điều chúng thuật lại chẳng làm tôi quan tâm; chúng chẳng đặt vấn đề nào cho tôi, và cũng chẳng trả lời những vấn đề tôi thắc mắc hay muốn đặt câu hỏi.

Cái đang thực sự diễn ra, cái mà chúng ta đang trải qua, cái mà báo chí không nói đến, toàn bộ cái đó, nó ở đâu? Làm thế nào chúng ta ghi nhận, tra vấn, mô tả cái xảy ra hằng ngày và tái diễn hằng ngày: cái mà ai cũng biết, cái thường nhật, cái hiển nhiên, cái phổ cập, cái bình thường, cái thấp hơn bình thường, cái tiếng động rì rào bên dưới mọi sự, cái quen thuộc?

Hãy tra vấn cái quen thuộc. Nhưng nó chỉ có thế, chúng ta đã quen thuộc với nó. Chúng ta không tra vấn nó, nó không tra vấn chúng ta, dường như nó không tạo nên vấn đề nào cả, chúng ta sống với nó và không cần suy nghĩ, tưởng như nó không chứa đựng bất cứ câu hỏi nào hay lới giải đáp nào, tưởng như nó không chuyên chở bất cứ điều gì đáng biết. Ðây không còn là tình trạng phản xạ có điều kiện, mà là tình trạng ngủ mê. Chúng ta ngủ suốt đời trong một giấc ngủ không mộng mị. Nhưng cuộc sống của chúng ta ở đâu? Thân xác của chúng ta ở đâu? Không gian của chúng ta ở đâu?

Làm thế nào chúng ta nói về “những cái mà ai cũng biết” này, làm thế nào để truy tầm chúng, hơn thế nữa, xô chúng ra, lôi chúng ra khỏi chỗ rác rưởi nơi chúng bị lún ngập, làm thế nào ban cho chúng một ý nghĩa, một cái lưỡi, để cuối cùng chúng phát ngôn về ý nghĩa của sự vật, về bản chất của chúng ta?

Có lẽ điều cần thiết là rốt cuộc chúng ta phải thành lập một cuộc nghiên cứu nhân chủng về chính mình, một thứ nhân chủng học sẽ nói về con người của mình, sẽ nhìn vào trong chính mình để tìm thấy những gì từ quá lâu mình đã cướp đoạt từ những người khác. Không còn là thứ nhân chủng học với mục đích dị lãm, mà là thứ nhân chủng học với mục đích tự tri.

Hãy tra vấn cái dường như quá hiển nhiên đến độ chúng ta không còn nhớ nguồn gốc của nó nữa. Hãy tái phát hiện sự kinh ngạc giống như Jules Verne hoặc độc giả của ông hẳn đã cảm thấy khi chạm trán với một dụng cụ có khả năng tái sinh và truyền tải âm thanh. Bởi sự kinh ngạc ấy đã xảy ra, cùng với hàng ngàn sự kinh ngạc khác, và chính chúng đã hình thành con người chúng ta hôm nay.

Ðối tượng tra vấn của chúng ta là những viên gạch, bê tông, kính, lối ăn uống của chúng ta, những đồ dùng trong nhà, những khí cụ, cách chúng ta tiêu thì giờ, những chuyển động lúc nhặt lúc khoan của chúng ta. Hãy tra vấn cái tưởng như vĩnh viễn không còn làm chúng ta kinh ngạc nữa. Chúng ta sống, thật vậy; chúng ta thở, thật vậy; chúng ta bước, chúng ta mở cửa, chúng ta đi xuống thang lầu, chúng ta ngồi vào bàn để ăn, chúng ta nằm trên giường để ngủ. Thế nào? Ở đâu? Lúc nào? Tại sao?

Hãy mô tả đường phố của bạn. Hãy mô tả một đường phố khác. Hãy so sánh.

Hãy lập một danh mục cho những thứ bạn đang có trong túi áo, túi quần, giỏ xách. Hãy tự hỏi về nguồn gốc, về công dụng, về những gì sẻ xảy đến cho từng vật thể bạn lôi ra.

Hãy tra vấn những chiếc muỗng uống trà của bạn.

Cái gì bên dưới lớp giấy dán tường?

Bao nhiêu động tác xảy ra khi bạn quay số điện thoại? Tại sao vậy?

Tại sao bạn không tìm thấy thuốc lá trong tiệm tạp hoá? Sao lại không?

Chẳng hề gì mấy đối với tôi nếu những câu hỏi có vẻ tủn mủn, chỉ đủ gợi ý đến một phương pháp, cùng lắm là một dự án. Ðiều tôi lưu tâm rất nhiều là những câu hỏi nên có vẻ hời hợt và phù phiếm: đó mới thật đúng là những gì làm chúng trở nên có tầm quan trọng ngang hàng với, nếu không nói là còn hơn, những câu hỏi mà chúng ta đã cố gắng vô ích bám vào để hòng nắm được sự thật của mình.

 

Nguyên tác: “Approches de quoi?”, trong Georges Perec, L’Infra-ordinaire (Paris: Editions du Seuil, 1989).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021