thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gabriel García Márquez và “Trăm năm cô đơn” ở Việt Nam

 

 

Nhà văn xứ Colombia Gabriel García Márquez (đoạt giải Nobel văn chương năm 1982) vừa qua đời ngày 17 tháng 4 năm 2014, thọ 87 tuổi. Về biến cố này, có lẽ không ai nói ngắn mà đầy đủ như nhà văn Peru Mario Vargas Llosa (Nobel Văn Chương 2010): “Một nhà văn vĩ đại đã qua đời. Tác phẩm của ông ấy đã giúp cho văn chương được quảng bá và sáng giá.” Tầm vóc và tên tuổi của Gabriel García Márquez gắn liền với phương pháp sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism) mà ở Việt Nam vài chục năm nay vẫn thường được gọi là hiện thực huyền ảo.

Có nhiều người sẽ hỏi, “Thực ra, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì?” (What is magical realism, really?). Đó chính là câu hỏi do chính nhà văn Mỹ Bruce Holland Rogers đặt ra và trả lời trong một bài tiểu luận đặc sắc của mình. Theo ông, nó là một nhánh của văn chương hư cấu, loại văn chương hư cấu nghiêm túc nhắm đến việc trình bày kinh nghiệm của một thế giới quan phi-khách quan. Và trong thế giới ấy, thời gian không được thể hiện theo mô hình đường thẳng, mối quan hệ nhân quả thì luôn luôn mang tính chủ quan, còn cái thần kỳ và cái bình thường thì lại là cùng một thứ như nhau.[1] Ba đặc trưng hay ba hiệu ứng đó được thể hiện tuyệt vời trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, một tiểu thuyết dòng họ (saga) đầy màu sắc huyền ảo về một ngôi làng Macondo và sự sinh - diệt của những người lập ra nó, gia đình Buendia, và là một ẩn dụ chính trị - xã hội muốn chuyên chở cái bi kịch cô đơn của những vùng đất bị đóng kín với thế giới bên ngoài. Với tư cách là một tác phẩm hiện thực thần kỳ, nó pha trộn cái lạ lẫm, cái dị thường, cái phản hiện thực vào trong cái phàm trần, cái bình dị cụ thể hàng ngày một cách tài tình mê ly khiến người đọc nhập vào một thực tại khác, cái thực tại phi-khách quan đó thật dễ dàng. Có thể nhắc đến những yếu tố thần kỳ trong tiểu thuyết này như: nàng Remedios xinh đẹp đến độ đi tới đâu cũng có một đàn mây bươm bướm bay theo... cuối cùng nàng bay lên trời cùng với những chiếc chăn thô trải giường; nhân vật Aureliano có một cái đuôi heo; khi một anh lính bị bắn vào đầu, máu từ thân thể anh ta chảy ra đường phố thành một vệt chạy dài mãi cho đến khi chạm đến chân bà nội anh; mưa hoa trong đám tang của một người đầy nghị lực; đại tá Aureliano Buendia cố tự sát bằng cách bắn vào ngực, nhưng viên đạn xuyên qua lưng mà không gây tổn thương bộ phận nào trong cơ thể; trận mưa bão kéo dài bốn năm, mười một tháng, hai ngày...

Trong Trăm năm cô đơn, Gabriel García Márquez mô tả một hiện thực không như nó được trải nghiệm bởi một người (dù ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba) mà bởi nhiều người từ những góc quan sát cá thể khác nhau. Cái điểm nhìn đa góc này đặc biệt thích hợp trước một hiện thực như châu Mỹ La-tinh, nơi bị kẹt giữa cái hiện đại và tiền hiện đại, bị xâu xé bởi nội chiến, và bị tàn phá bởi chủ nghĩa đế quốc. Gabriel García Márquez sẽ tiếp tục cái nhìn hiện thực này trong tiểu thuyết Mùa thu của vị trưởng lão. Nhân vật chính – vị trưởng lão là hình tượng tiêu biểu cho các nhà toàn trị và những kẻ cuồng tín tàn bạo nắm giữ quyền hành trong thế kỷ 20.

Từ những trang sách thấm đẫm hiện thực, chỉ còn một bước ngắn là Gabriel García Márquez đã đi sang địa hạt chính trị để trở thành khuôn mặt đại diện cho Colombia nói riêng và Mỹ La-tinh nói chung. Trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1982, ông nói: “Tôi dám nghĩ rằng chính cái thực tại quá cỡ này, chứ không hẳn là cách biểu đạt nó bằng văn chương, mới xứng đáng được sự quan tâm của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Một thực tại không phải từ trang giấy mà sống động giữa chúng tôi và định đoạt từng trường hợp một trong vô số những cái chết hàng ngày của chúng tôi...” Ta nghe âm vọng của Jean-Paul Sartre, Albert Camus về thái độ trí thức của các nhà văn trước hiện thực chính trị - xã hội của đất nước và thế giới mình đang sống. Và thái độ chính trị của ông phải “quyết liệt” đến độ nào đó mới dẫn ông... đến gần với Fidel Castro và Hugo Chávez, rồi bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nhiều năm, rồi dần dần bị nhiều người phản ứng. Năm 1990, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Paris Review, khi được hỏi về Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa (nhà văn được dẫn ở trên) nói: “Chúng tôi từng là bạn... Sau đó, chúng tôi xa rời nhau vừa vì lý do cá nhân vừa vì lý do chính trị...Tôi cho rằng văn chương của ông ấy và quan điểm chính trị của ông ấy không có cùng một giá trị... Hãy chỉ nói rằng tôi hết sức khâm phục tác phẩm của ông ấy như một nhà văn. Như tôi đã nói, tôi từng viết một cuốn sách dày 600 trang về tác phẩm của ông ấy. Nhưng tôi không tôn trọng ông ấy lắm, về tính cách cũng như về những niềm tin chính trị của ông ấy mà tôi thấy có vẻ như không nghiêm túc. Tôi nghĩ những thái độ chính trị của ông ấy mang tính cơ hội chủ nghĩa và cầu danh.” [2]

Tác phẩm của Gabriel García Márquez được dịch rất nhiều ở Việt Nam và được chào đón nồng nhiệt. Nhà nghiên cứu Nhị Linh nhận xét: “G. García Márquez là nhà văn nước ngoài hiện diện mạnh mẽ nhất ở Việt Nam trong vòng ba mươi năm qua”. Quả thật, cái tầm vóc văn chương của ông ở Việt Nam thật to lớn và nó che khuất nhiều thứ. Trước hết nó che mắt giới văn học nhìn vào các đỉnh cao văn chương khác của thế giới. Có rất nhiều đỉnh cao tương tự như Gabriel García Márquez (điều này là bình thường và khả dĩ trong nghệ thuật) nhưng các nhà phê bình và nhà văn Việt Nam chỉ loay hoay ngước nhìn một mình ông. Thật là đáng tiếc. Họ không còn thấy Vladimir Nabokov, Albert Camus, Virginia Woolf, James Joyce, Arthur Rimbaud, William Faulkner... Nhưng ngay cả khi “sùng bái” chỉ mình Gabriel García Márquez, thì vài chục năm qua, chúng ta vẫn chưa đóng góp vào kho tàng của chủ nghĩa hiện thực thần kỳ một tác phẩm nào xứng đáng, dù hiện thực Việt Nam có thể gọi là nằm ngoài dòng văn hóa chính mạch, rất thích hợp cho sự khai thác của một ngòi bút thần kỳ. Có thể nó đã bị hiểu sai, hoặc bị “thoái nghĩa” ở Việt Nam, hoặc đơn giản là nhà văn Việt Nam không có đủ tài năng kể chuyện theo phương pháp mà Gabriel García Márquez đã chọn làm người tiên phong. Hoặc do bị giam giữ quá lâu trong phương pháp hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên dù họ thấy chủ nghĩa hiện thực thần kỳ hiện ra thật quyến rũ, không khác gì nàng Remedios, nhưng để bay lên cùng “nàng” thì họ không đủ dũng cảm.

Thêm nữa, chính sự quảng cáo rầm rộ cho cái “huyền ảo” đã vô tình che khuất một mảng sáng tác hiện thực đơn thuần rất xuất sắc của ông.

 

_________________________

[1]Đọc “Thực ra, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì?” của Bruce Holland Rogers, bản dịch của Nguyễn Hoàng Văn, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

[2]Đọc “Nghệ thuật văn chương hư cấu [II]” của Mario Vargas Llosa, bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021