thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quê hương của nhạc sĩ

 

Hình: Chân dung Marcel Proust (1871-1922)

 

QUÊ HƯƠNG CỦA NHẠC SĨ

Cao Thanh Tùng

 

Dường như mỗi nghệ sĩ là công dân của một quê hương xa lạ, mà chính hắn cũng đã quên mất, một quê hương không giống như quê hương từ đó một nghệ sĩ lớn khác sẽ lên đường để đi tới quả đất. [*]

Cái “quê hương xa lạ” ấy nó hiện diện ở chỗ nào, bên ngoài hoặc bên trong? Và nếu quả như mỗi một “nghệ sĩ lớn” là công dân của một quê hương khác đang trên đường đi tới quả đất thì ở cái chặng đầu tiếp nhận các hành khách từ những hành tinh khác, các nghệ sĩ lớn này phải chịu những biện pháp lục soát, kiểm dịch, quan thuế, chu lưu... như thế nào bởi các viên chức của quả đất? (các viên chức không cần thiết phải “lớn lao” như các nghệ sĩ nhưng lại có đủ thẩm quyền giới hạn cái tự do lớn lao của mỗi người trong bọn họ).

Vinteuil-nhạc sĩ — cũng như Elstir-họa sĩ — trong tác phẩn văn chương của Proust đã được cố gắng tìm hiểu cùng với việc cố gắng chiếu rọi cái ý nghĩa vĩnh viễn của tác phẩm trên căn bản chuyển động bất diệt của thời gian. Người ta đã nói tới Vinteuil trong tác phẩm và đã không thể không nhắc Saint-Saens, Debussy, Fauré, César Frank... — các nhạc sĩ đồng thời với Proust —, hoặc Beethoven, Wagner... các nhạc sĩ khoảng đầu và khoảng giữa thời đại âm nhạc lãng mạn Đức. Người ta cũng đã nói tới khúc sonate và các tác phẩm kế tiếp của Vinteuil và đã không thể không nói tới những phiền muộn vĩnh viễn, những niềm vui đột khởi của chính tác giả được mô tả một cách dài dòng, ghi nhận lại bằng những hình ảnh chứa đầy nhạc tính của ngôn ngữ kỳ diệu: tiếng leng keng của cái muỗng gõ vào thành đĩa, tiếng búa đập vào bánh xe, tiếng bước chân trên sân nhà Guermantes, tiếng sột soạt của cái khăn vải hồ và tiếng nước rút trong ống thoát... Những tiếng động, cũng như những mùi vị, tuy tầm thường, đối với chúng ta đã trở thành quá quen thuộc bởi vì đó là những thứ sau cùng còn lại trong ta, những thứ đã từng hiện ra với chúng ta giữa nhiều cảnh ngộ trong đó những hoan lạc, thèm khát, những phẫn nộ, thất vọng... đều lần lượt tan rã trong thời gian.

Và người ta đã kết luận, sau những cố gắng tìm hiểu Vinteuil, rằng vũ trụ của Proust cũng có thể là vũ trụ của âm nhạc: tác phẩm văn chương của ông cũng như một tác phẩm giao hưởng lớn thành hình trên dòng chuyển động bất tận của thời gian, và cũng chính từ dòng nước luân lưu vĩnh viễn ấy, cũng giống như âm thanh thần thánh hãy còn vang dội bất tuyệt trong bản giao hưởng, vũ trụ ngôn ngữ và hình ảnh trong tác phẩm của “kẻ đi tìm thời gian đã mất”, và đã tìm lại được, quả đã hiện diện vĩnh cửu ở bên ngoài thời gian tàn phá.

Nguyên tắc căn bản của âm nhạc là sự lặp lại, sự biến điệu các vang dội tìm thấy. Cũng giống như việc nhạc sĩ đem đặt xuống quả đất một thế giới hài hoà, cắt xén không gian bằng các chuyển động đối âm và thu xếp thời gian bằng các trường độ của âm thanh họ chọn lựa, Proust đã gom góp các kỷ niệm, các thói quen, những cảm xúc tầm thường... làm nên những nhạc đề chánh cho tác phẩm giao hưởng lớn của ông. Ông đã đem dĩ vãng về hiện tại, biến nó thành một thực tại khả xúc. Và như vậy ông đã buông mình vào các tiết nhịp lôi cuốn của những phiền muộn ấu thơ, những mối tình khắc khoải kỳ lạ, những ghen tương, những cảm xúc nẩy nở xung quanh một xã hội màu mè... — những nhạc đề chính — để sau rốt tìm tới niềm vui cuối cùng như một bản ca mừng: Một phút đồng hồ vượt khỏi trật tự của thời gian đã tái tạo trong ta con người giải phóng khỏi trật tự của thời gian. Và con người ấy, chúng ta hiểu là có thể hắn rất tự tin trong niềm vui của hắn mặc dầu hương vị đơn sơ của cái bánh madeleine tuồng như không chứa đựng một cách hữu lý những nguyên do của niềm vui đó, người ta hiểu là tiếng “chết” có thể không có nghĩa lý gì với hắn. Ở bên ngoài thời gian, hắn còn có thể lo sợ gì cho tương lai.

Nhật ký của tôi hôm nay[**] cố gắng ghi chép lại các chi tiết về lý do hành trình và xuất xứ của các nhạc sĩ, căn cứ theo sổ thông hành mà Proust đã vô cớ cấp cho họ. Rất tiếc cùng với kết luận quen thuộc mà người ta xác nhận như trên đối với công trình sáng tác của Proust, chính Proust — nghệ sĩ của một quê hương xa lạ khác — lại ghi nhận rằng quê hương đó từ lâu đã bị các nhạc sĩ đánh mất!

Cái quê hương đã mất kia, các nhạc sĩ không nhớ lại được, nhưng mỗi người trong bọn họ đều vô tình vẫn đồng ý cần có một sự đồng hợp nào đó với nó, mỗi người đều vui mừng say mê khi họ hát theo quê hương họ, đôi khi họ phản lại quê hương vì quá thích danh vọng, nhưng trong khi họ kiếm tìm danh vọng thì chính họ đã trốn nó, và chỉ khi khinh thường danh vọng, họ mới tìm thấy được nó... [*]

Như vậy cái quê hương đã mất ấy, các nhạc sĩ đã chỉ “không nhớ lại được”, chớ không hoàn toàn lãng quên. Bởi lẽ họ đều nhận thấy chính họ “vui mừng say mê khi họ hát theo quê hương họ”, quê hương mà họ dễ dàng đồng ý “cần có một sự đồng hợp nào đó với nó” cũng như dễ dàng phản bội nó vì quá thích danh vọng.

Tôi nghĩ rằng thật khó mà xác nhận một quê hương của nhạc sĩ ở bên ngoài trái đất. Cái gì đã làm cho Shostakovitch viết nên Giao hưởng khúc 1 tháng 5, Bài Ngợi ca tháng 10, và Giao hưởng khúc thứ 7: Leningrad? Cái gì đã làm nên những hợp âm lung linh ở bàn tay trái trên dương cầm của Beethoven trong hành âm thứ nhất khúc “nguyệt cầm” Sonate cung Ut thăng thứ? Người ta có thể tìm thấy “con người chế độ” trong Shostakovitch hoặc tiếng chuông chiêu hồn ai (có người lại cho đó là các vang dội của ánh trăng trên nước) buông rời rạc theo nhịp adagio của bàn tay trái Beethoven trên dương cầm. Nhưng trước hết phải có cái cảm xúc của con người nhạc sĩ sáng tác. Cảm xúc đó phát khởi ngày hôm nay nhưng chính ra đã được sửa soạn từ đêm qua, từ năm ngoái, từ suốt cuộc đời riêng tư của mỗi người trong bọn họ, cuộc đời mà mỗi tiếng động tầm thường như cái muỗng gõ vào thành đĩa, tiếng chân bước trên sân nhà, mỗi mùi vị đơn sơ của một cái bánh, mỗi hình ảnh nhỏ mọn của quê nhà... tất cả những thứ trần tục linh tinh nhất mà sau những chặng đường tan rã của những nhiệt tình, đau khổ và hoan lạc, đã vĩnh viễn sống sót, đã kết lại thành những yếu tố tác thành tâm hồn họ.

Sống ở giữa những vật chất khả xúc vụn vặt và yêu dấu của quả đất, làm gì còn có thể có một quê hương khác để cho một nhạc sĩ lớn từ đó lên đường tới quả đất: quê hương của những than van loài người? Đối với một nhạc sĩ, hình ảnh một khoảng rừng vừa lớn lên, một chiếc lá úa trên viền môi hay một tiếng khua của kiểng tù, tiếng võng đầu hiên, tiếng động nghiền nát của nhà máy... cũng có thể là đầu mối của những cảm xúc lớn lao. Được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của quả đất, nhạc sĩ — cũng như những nghệ sĩ khác — đã được chính quả đất đặt nghệ thuật vào giữa bàn tay mình. Âm nhạc từ căn bản không phải là thứ xa xỉ của tâm hồn họ mà chính là sự hiện hữu, dưới hình thức khác, của tâm hồn. Phản lại quê hương tức là quay lưng lại những cảm xúc lớn lao mà quả đất đã dành sẵn cho họ, tức là họ đã tự phản bội. Một nhạc sĩ chỉ còn trông thấy có danh vọng và tự do của riêng mình để bằng mọi giá, miên man chạy theo sau những thứ đó một cách xuẩn động tức là đã bắt đầu lãng quên cái căn bản sự hiện hữu ở đời của họ giữa kẻ khác: sự hiện hữu của các cảm xúc nở hoa trên những thực tại vụn vặt và yêu dấu còn sót lại vĩnh viễn từ những tan rã của đời sống đang trôi đi biền biệt trên dòng thời gian bất tận. Họ phải thấy rằng chính việc giải phóng cho các cảm xúc kia mới là điều kiện đưa tới sự giải phóng cho tự do của tâm hồn họ. Những nhạc sĩ chỉ biết say mê danh vọng và quan niệm tự do một cách sai lầm làm gì còn có thể trông thấy chính họ được hoàn toàn giải phóng cùng với nghệ thuật giải phóng cảm xúc của họ ra khỏi sự khống chế nhục nhã của lịch sử và sự tàn phá lạnh lùng của thời gian!

Ngày 1 tháng 5, Cách mạng tháng 10, Leningrad, Stalingrad hay tiếng chuông chiêu hồn, ánh trăng trên nước... tất cả chỉ là những cái cớ để cho những cảm xúc nhân bản chất chứa một đời được đủ sức hiện hữu dưới một hình thức khác, làm say mê, quyến rũ chúng ta. Không phải những cái cớ này làm nên sức quyến rũ đó mà chính là nghệ thuật biểu lộ các cảm xúc xuyên qua những cái cớ đó. Quê hương của nhạc sĩ, của nghệ sĩ, chỉ có thể là quê hương của những cảm xúc và những thực tại vĩnh viễn — những chủ đề của họ — mãi mãi xô đẩy những cảm xúc ấy. Tất cả đã được nghệ thuật của chính họ làm cho xuất hiện dưới những bố cục thầm kín của tâm hồn họ, xuyên qua đó, chúng ta lại có thể tìm thấy được cái khía cạnh muôn thu của tâm hồn chúng ta. Âm nhạc là một khả năng không có những tiếp nối; nhân loại đã dấn thân vào những con đường khác, con đường của ngôn ngữ nói và viết. [*] Thế nhưng sự quay về với loại ngôn ngữ không phân tích kia — âm nhạc — tôi tự hỏi nếu từ trước tới nay người ta không phát minh ra ngôn ngữ, không sáng lập ra chữ viết, không phân tích những ý nghĩ... thì âm nhạc phải chăng là thí dụ độc nhất của một cái gì như thể là sự giao cảm giữa các tâm hồn.

Xét cho cùng, cái gọi là chủ đề của âm nhạc không phải là cái đề tài của mỗi bản nhạc, và như vậy, nhạc sĩ cũng không biết phải khai như thế nào với nhân viên quan thuế ở chặng đầu du nhập vào quả đất về các thứ hành lý họ mang theo. Lớn lên từ những vụn vặt của quả đất, quê hương của nhạc sĩ cũng là quê hương của đồng loại họ, của mọi người; nó chỉ lạ mặt ở bên ngoài đối với đám đông loài người chỉ biết chạy theo sau những lôi cuốn, biến động của những thứ lần lượt tan rã trong thời gian. Giải phóng cho tự do của nhạc sĩ tức là giải phóng nghệ thuật của họ bằng chính nghệ thuật của họ để cho sự xuất hiện của tâm hồn họ, qua nghệ thuật đó, sừng sững như một thực tại vĩnh cửu ở bên ngoài trật tự của thời gian. Thực tại đó không có một giá trị xa xỉ nào và thuế má đóng cho nhà nước vì vậy chỉ là sự dâng hiến đời sống của chính họ mà thôi.

Thật là kỳ diệu khi so sánh tác phẩm đồ sộ của Proust như một bản đại giao hưởng, một giáo đường hay một đại ca kịch của Wagner ở trong đó các nhạc đề chính không phải là các nhiệt tình, các hoan lạc các đam mê và ảo tưởng — những thứ dễ bị tan rã nhất trong thời gian — mà chính là vài ba tiếng động tầm thường được mô tả, “lặp lại”, “biến điệu” bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: tiếng muỗng gõ vào thành đĩa, tiếng bước chân trên sân nhà Guermantes, tiếng búa đập vào bánh xe, tiếng sột soạt của cái khăn vải hồ, tiếng nước chảy trong ống dẫn...

Phải chăng ở mỗi một nghệ sĩ, dù tài năng có biểu lộ ở trong các phương cách khác nhau tới đâu của việc sử dụng ngôn ngữ, đường nét, màu sắc hay âm thanh... chính những cái tầm thường vụn vặt đó mới thật là những chủ đề của nghệ thuật họ, của tâm hồn họ, tâm hồn không ngớt ngoi lên khỏi dòng nước đục ngầu làm ta rã mọi thứ tâm tình biểu hiện để nâng niu những thực tại tầm thường nhỏ mọn đã được kỷ niệm làm cho nặng trĩu, những thực tại tưởng chừng như đã mất trong thời gian nay tìm thấy được, những thực tại đã tác tạo thành tâm hồn họ, tâm hồn chúng ta?

Sagan viết: “Đó là một khúc andante đẹp đẽ của Mozart như mãi mãi gợi lên bình minh, cái chết, một nụ cười nào đó”. Một nụ cười! Còn gì vụn vặt hơn? Thế nhưng có phải nụ cười đó là đầu mối của tác phẩm của Mozart, của da Vinci? Hãy trông cái nụ cười “thiên thu” của nàng để tìm thấy cái quê hương vĩnh viễn của mỗi nghệ sĩ, mỗi nhạc sĩ — nó không cần thiết phải nguy nga tráng lệ — ở bên trong mỗi con người và bên ngoài sự tàn phá của thời gian.

 

Cao Thanh Tùng
Tháng 7.1971

 

_________________________

[*]Trích trong Marcel Proust, “Vũ trụ của Vinteuil”, bản dịch Hoàng Ngọc Biên.

[**]“Nhật ký tập thể” đăng trong tạp chí Trình bầy, số 27 ra ngày 01.09.1971.

 

 

 

-------------------

Bài liên quan:

... Proust, nhà văn của những khám phá mới mẻ về tâm lý phức tạp của con người, nhà văn đã sáng suốt dành trọn đời mình để đi sâu vào những ngõ ngách và hố thẳm của mọi tình yêu, tìm tòi những định luật chung về ái tình và con người, đã thẳng thắn mổ xẻ và đôi khi phóng đại cho chúng dễ được nhìn thấy hơn và có cơ hội thoát ra ngoài, những sự thật chung và những tình cảm bất ngờ ẩn núp ở những nơi thầm kín nhất bên trong chúng ta, nhà văn của bút pháp mới và hình thức mới cho tiểu thuyết... (...)
 
Đi tìm thời gian, một lần nữa  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc Biên
... Có điều là không ai chối cãi, cho đến bây giờ, là cuộc tìm kiếm của Proust quả có bắt nguồn từ một nỗ lực, một thúc đẩy nội tâm, từ nỗi thất vọng, lòng ghen tương, niềm xao xuyến trước tuổi già và cái chết đến gần. Nỗ lực đó là sáng tạo, như chính Deleuze cũng đã đồng ý: tìm lại kỷ niệm, tức là sáng tạo — và sáng tạo nơi Proust hướng về tương lai hay hướng về quá khứ không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là tác dụng của nó nơi người đọc... (...)
 
... Proust chưa vĩnh viễn chết, bởi vì cuốn sách của ông luôn luôn là “biểu tượng cho sự hồi sinh của ông”. Nhờ khám phá được sức mạnh của Thời gian và của Nghệ thuật, ông đã hoàn thành được tác phẩm của mình, một tác phẩm mà ông đã xây dựng như người ta xây dựng một ngôi giáo đường... (...)

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021