thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mỗi kỳ một bài thơ: nắng chia nửa bãi chiều rồi
cái lo
nó lãng mạn thôi
nhẹ nhàng
cái lười
nó cố lấn
cái dâm
cái dâm
nó bự gấp trăm cái lười
(không thấy trong sách "học làm người"
bắc thang lên hỏi ông trời ổng cũng chịu thua)
yêu rồi mà
khỏi phân bua
nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms

(Nguyễn Hoàng Nam)

Bài ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ của Nguyễn Hoàng Nam - vốn đăng trên Tạp chí Thơ số 7 - gợi cho tôi một số suy nghĩ về thơ và việc đọc thơ.

1. Trước hết, về vai trò của tựa đề. Thường, trong quan niệm của chúng ta, nhiệm vụ của tựa đề là tóm tắt ý chính hay nguồn cảm hứng chính của bài thơ. Vì là một sự tóm tắt, nó nằm ngoài bài thơ, như phần mục lục nằm ngoài nội dung chính của một cuốn sách. Nó hiện diện hay không hiện diện, thật ra, cũng không có gì quan trọng. Có lẽ đó là một trong những lý do chính khiến các nhà thơ xưa thường hờ hững với công việc đặt tựa. Cứ ‘Xuân vịnh’, ‘xuân cảm’, ‘xuân ý’, ‘Thu vịnh’, ‘thu cảm’, ‘thu ý’, v.v... Cứ đọc lại các tuyển tập thơ Nôm cổ, chúng ta sẽ thấy ngay, các kiểu đặt tựa thường khá nghèo nàn và hay trùng lặp. Tác giả hờ hững, người đọc cũng hờ hững theo: trong bài thơ, tựa là cái dễ quên nhất. Phần lớn các bài thơ Nôm của Việt Nam, khi được sưu tập lại từ trí nhớ của dân gian, đều không có tựa: các tựa đề in trong sách hiện nay thường là do những người sưu tập đặt ra. Do đó có hiện tượng một bài thơ có thể có hai ba tựa đề khác nhau ở hai ba tuyển tập khác nhau. Sau này, khi báo chí và xuất bản phát triển mạnh, hiện tượng lộn xộn ấy không còn nữa, mỗi bài thơ gắn liền với một cái tựa nhất định. Tuy nhiên, đó là một kết hợp không bình đẳng. Ví dụ như bài thơ bắt đầu bằng câu "Là thi sĩ nghĩa là ru với gió" của Xuân Diệu, thay vì mang tựa là ‘Cảm xúc’, tác giả đặt ‘Là thi sĩ’ hay ‘Thi sĩ’ thì cũng vậy; hay tựa bài thơ bắt đầu bằng câu "Sóng gợn tràng gian buồn điệp điệp’ của Huy Cận, thay vì là ‘Tràng giang’, nó cũng có thể là ‘Khói sóng’, là ‘Nhớ nhà’, là ‘Hoài hương’; tựa bài thơ bắt đầu bằng câu "Sao anh không về chơi thôn Vĩ" của Hàn Mặc Tử thay vì là ‘Đây thôn Vĩ Dạ’, có thể là ‘Vĩ Dạ’ hay ‘Thôn Vĩ’ hay ‘Tình thầm’ hay ‘Tình xa’ hay ‘Áo trắng’, v.v... Tôi không nghĩ là những sự thay đổi ấy sẽ có ảnh hưởng gì đáng kể đến ý nghĩa hay giá trị của bài thơ.

Tựa đề bài thơ ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ của Nguyễn Hoàng Nam thì khác hẳn. Nó không nằm ngoài. Nó là một bộ phận bên trong của bài thơ. Không thể thay đổi cái tựa mà không thay đổi ý nghĩa bài thơ được. Giả dụ tác giả đặt tựa bài thơ là ‘yêu’ là ‘dâm’ hay là ‘condoms’ chẳng hạn, ý nghĩa bài thơ sẽ hoàn toàn khác hẳn cái bài thơ mà chúng ta đang đọc.

2. Tác dụng chính của tựa đề ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ là nhắc người đọc liên tưởng đến bài ‘Ngậm ngùi’ rất nổi tiếng của Huy Cận. Như vậy, bài thơ buộc người đọc phải đọc nó trong sự đối chiếu không ngừng với bài ‘Ngậm ngùi’ ấy. Hậu quả là bài ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ biến thành một bài thơ kép: thực chất đó là hai bài thơ lồng vào nhau: ở bên này, mặt nổi, là bài thơ của Nguyễn Hoàng Nam; ở bên kia, mặt chìm, là bài thơ của Huy Cận.

Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ.
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Lòng anh đã chín mấy mùa thương đau.
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

3. Khi bài ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ được đọc như một bài thơ kép, ý nghĩa của nó sẽ khác hẳn: nó không phải chỉ là những lời triết lý suông về bản năng tình dục của con người, về một lối yêu đương hồn nhiên, say đắm và cuồng nhiệt của thế hệ trẻ hiện nay, mà còn là, chủ yếu là một sự cãi cọ, một lời gây gổ với những tình cảm nhẹ nhàng, thơ mộng đầy tính chất lãng mạn chủ nghĩa trong bài ‘Ngậm ngùi’. Những tình cảm ấy giống như hồi quang của một giấc mơ. Cái anh thanh niên ru người yêu mình ngủ chỉ là một ý niệm chứ không phải là một hiện thực. Nó được đúc từ khuôn mẫu của những cuốn sách "học làm người". Nó lười biếng. Nó mệt mỏi. Nó bất lực. Nó bất túc. Nói tóm, nó là thế giới của ‘thơ’.

‘Cãi’ lại Huy Cận, thực chất Nguyễn Hoàng Nam muốn gây hấn với cái thế giới ‘thơ’ đầy những ‘trái sầu’, những ‘mùa thương đau’, những ‘mộng bình thường’. Trong ý nghĩa này, tựa đề ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ không phải chỉ là lời nhắc nhở đến bài ‘Ngậm ngùi’ của Huy Cận như một sự đối sánh mà còn gợi ra hình ảnh một cái gì đã nắng xế, đã về chiều, đã tàn phai, hay nói cách khác: cái thế giới ‘thơ’ ấy đã thuộc về quá khứ.

Nói một cách hơi lên gân một tí, ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ là một bài thơ được sáng tác trong cảm hứng phản-lãng mạn và phản-Thơ Mới.

Thật ra, chuyện chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và Thơ Mới không phải là điều gì mới lạ. Ngay từ những năm 45, 46, trong không khí bừng bừng của cách mạng và sau đó, của kháng chiến, nhiều nhà thơ đã khắc khoải tìm cách thoát ra khỏi từ trường của Thơ Mới và của chủ nghĩa lãng mạn để tạo nên một dòng thơ khác khoẻ khoắn hơn, có ‘lửa’ hơn, ấm nồng hơi thở của cuộc đời hơn. Sau hiệp định Genève, ở miền Bắc, nhóm Nhân văn - Giai phẩm đòi ‘chôn’ Thơ Mới; ở miền Nam, nhóm Sáng Tạo cũng đòi từ bỏ cái bến Thơ Mới cũ kỹ để ra khơi tìm kiếm những trời biển khác cho mình. Gần đây, nhiều người, cả trong lẫn ngoài nước, cũng lại lớn tiếng phê phán những ảnh hưởng rơi rớt của Thơ Mới. Chắc chắn Nguyễn Hoàng Nam không phải là người đầu tiên và có lẽ cũng không phải là người cuối cùng kêu gào vượt thoát ra ngoài quỹ đạo của một nền thơ có sức cuốn hút mãnh liệt thời 30-45. Có điều, hình như duy chỉ có ông là chống lại Thơ Mới bằng một bài thơ... mới.

4. Mới, trước hết, ở cái giọng. Bài thơ có thật nhiều khẩu ngữ, ‘bự’ rồi ‘ổng’ rồi ‘chịu thua’, nhưng đáng chú ý nhất là hai chữ ‘cái’ và ‘nó’: một mặt, chúng thực thể hoá những ‘lo’, những ‘lười’, những ‘dâm’ như những tồn tại độc lập ngoài ý muốn của con người, mặt khác, chúng khiến hơi thơ trở thành vừa nghịch ngợm vừa lừng khừng, dúng dẳng, day dưa. Nhưng lạ hơn cả vẫn là ở cái giọng lục bát. Rõ ràng bài ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ được nhại theo thể lục bát. Vần điệu ấy, trên căn bản, là vần điệu lục bát. Là lục bát, nhưng nó lại cứ ngang ngang như không phải là lục bát. Nó khác cái ngang ngang trong những bài lục bát phá thể. Lục bát phá thể vẫn là lục bát. ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ lại không muốn là lục bát: nó không những tìm cách ngắt câu khác hay kéo câu thơ dài hơn mức qui định bình thường, mà còn, quan trọng hơn, muốn bỏ cái luật về thanh điệu ở câu cuối: đáng lẽ chữ ‘mua’ và âm ‘doms’ trong ‘condoms’, tuy cũng là thanh bằng cả, phải khác dấu nhau, một chữ không dấu và một chữ phải là dấu huyền.

‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ là bài thơ có nhiều nghịch âm.

Những nghịch âm ấy, thành thật mà nói, không phải là quá táo bạo. Tuy nhiên, vì đây là một bài thơ kép, luôn luôn được đọc trong thế đối sánh với bài ‘Ngậm ngùi’ của Huy Cận, những nghịch âm ấy bỗng nổi bật hẳn lên, chói gắt hẳn lên. Trong tương quan với một ‘Ngậm ngùi’ đầy nhạc tính, những nghịch âm trong bài ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ tự nhiên trở thành một thái độ hục hặc, gây gổ, phá phách, ít nhất là gây gổ, phá phách với một truyền thống thơ kéo dài đã quá lâu, gần ngót cả thế kỷ nay, một truyền thống khăng khăng đề cao tính chất ngân nga, du dương, trầm bổng, nhẹ nhàng của ngôn ngữ thơ. Hậu quả là ngôn ngữ thơ biến thành một thứ ngôn ngữ riêng với lãnh thổ riêng và biên giới riêng. Càng ngày nó càng xa lạ với ngôn ngữ đời thường. Ở phương diện này, có thể nói, ‘Nắng chia nửa bãi chiều rồi’ là một nỗ lực kéo cái ngôn ngữ ‘thơ’ của lục bát lại gần hơn cái ngôn ngữ đời thường, nó là nỗ lực biến một điệu múa cũ thành một điệu đi bằng cách cương quyết... buông thõng hai tay xuống chứ nhất định không chịu uốn éo theo thói quen.

5. Điều khá thú vị là gần đây, thái độ ‘gây gổ’ với thể lục bát như thế xuất hiện ở khá nhiều người. Trước, nhiều người đã tránh né thể lục bát. Nhưng đó là sự tránh né lặng lẽ, mang tính chất cá nhân, như người ta không muốn sử dụng một sở đoản của mình, sau khi cái thể thơ ấy đã gắn liền với những tên tuổi lớn và có bản sắc quá mạnh: Nguyễn Du, Huy Cận, Nguyễn Bính và Bùi Giáng. Thế thôi. Gần đây, sự tránh né ấy biến thành một sự đập phá. Trong bài ‘Mừng thọ lục bát’ đăng trên Tạp chí Thơ số 3, Chân Phương chế diễu những người quá say mê thể thơ này:

buồn tình lấy giấy bút ra
điệu quen lục bát ngâm nga giải sầu
sáo ngôn mai phục đầy đầu
chẳng cần động não đã ào ào tuôn
lối mòn sẵn trớn phóng luôn
còn hơn nước lũ trên nguồn chảy ra
tràn trề lênh láng chan hoà
trên dưới sáu tám ê a nỗi lòng
[...]

Trong bài ‘Nhật thực lục bát’ đăng trên Tạp chí Thơ số 5, Đỗ Kh. cũng lại gây gổ với thể lục bát, kể cả kiểu lục bát có vẻ ‘hiện đại’ và gần gũi với thơ tự do là thích xuống dòng, thích ngắt câu thơ ra thành nhiều mảnh. Đồng thời, ông cũng giễu cợt những tình cảm sướt mướt, ướt sũng, đầy tính chất lãng mạn chủ nghĩa tràn ngập không những trong thơ, văn mà còn cả trong âm nhạc của ta lâu nay.

Nàng đứng dậy bỏ ổ bánh
Mì kẹp - cùng mọi người trên bãi
Biển khi mặt trời vừa biến
Sau đường kính của mặt trăng và trái
 
Đất trên chiếu nàng trang nghiêm
"gió biển mặn nuôi lớn thân tôi" Ôi
Phan Thiết tôi vội đưa một
Ngón tay ngọ nguậy vào miệng nàng ướt
 
Nhẹp đang
Dở chừng nhóp nhép
Chạm vào êm
Miếng chả cá rất mềm.

 

6. Có thể nói chưa bao giờ việc chống lại ảnh hưởng của Thơ Mới, của chủ nghĩa lãng mạn và thói uốn éo, ê a, vần vè lại bùng nổ một cách gay gắt và nhất là, tự giác như hiện nay. Thái độ chống đối ấy, đặc biệt là tính chất tự giác trong việc chống đối ấy, theo tôi, là một trong vài đặc điểm nổi bật nhất của văn học hải ngoại vài năm gần đây: nếu về phương diện sáng tác, các nhà thơ vẫn còn khá lúng túng (mà biết bao giờ mới hết lúng túng?) thì ít nhất về phương diện ý thức, khá nhiều người trong họ đã cương quyết dứt bỏ những quan điểm thẩm mỹ đã quá cũ để lên đường tìm kiếm một cái gì mới. Sự tìm kiếm ấy chắc chắn còn kéo dài, dài dài, vô tận, nhưng cho đến nay, ít nhất cũng đã có hai kết quả lớn: thứ nhất, nó tạo nên khá nhiều những bài viết đặc sắc về thơ. Có thể nói, những bài viết đáng chú ý nhất hiện nay chưa phải là thơ mà là những bài viết về thơ, nhất là của chính các nhà thơ. Đem so sánh những bài viết về thơ hiện nay với những bài viết về thơ cách đây mười năm, chẳng hạn, người ta sẽ thấy ngay một sự nhảy vọt về trình độ kiến thức, tư duy và cảm thụ. Rõ ràng là các nhà thơ hiện nay đang ở trong tâm thế sẵn sàng đối thoại với thế giới thay vì chỉ một mực hướng nội và hồi cố như trước: trên các tạp chí văn học, càng ngày lượng bài dịch về lý luận văn học càng nhiều. Thứ hai, nếu các bài thơ được xem là mới hiện nay chưa định hình hẳn một bản sắc tân kỳ và độc đáo rõ rệt và cũng chưa được nhiều người chấp nhận thì ít nhất, chúng cũng làm cho các bài thơ cũ trở thành cũ một cách thảm hại, làm cho những cái sáo trở thành kệch cỡm, lố bịch.

Với hai thành tựu ban đầu ấy, tôi tin là thơ Việt Nam ở hải ngoại hiện nay đang ở trong tình trạng chuyển mình hơn là bế tắc.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021