thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hài kịch ở khắp nơi [kỳ 1]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm.
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính.

 

MILAN KUNDERA

(1929~)

 

 

Lời giới thiệu:
 
Milan Kundera là nhà văn nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc (bây giờ có tên chính thức là Cộng hòa Séc, Czech Republic). Thời trẻ, ông học piano từ bố; sau, lớn lên, ông tiếp tục nghiên cứu về nhạc học và có kiến thức sâu rộng trong lãnh vực này. Lên đại học, ông học về văn chương, rồi chuyển sang điện ảnh. Tốt nghiệp năm 1952, ông được giữ lại trường làm giảng viên văn học thế giới trong Khoa Điện ảnh. Dần dần ông đi vào con đường sáng tác, lúc đầu bằng thơ và tiểu luận, sau đó, sang kịch và cuối cùng, thể loại làm ông nổi tiếng nhất là tiểu thuyết. Vở kịch đầu tay của ông, Các chủ nhân của những chiếc chìa khóa, công diễn tại Tiệp năm 1963, nhận giải thưởng quốc gia, và được xem là một thành công vang dội của nền kịch nghệ hiện đại của Tiệp. Mấy năm sau, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Trò đùa, được tái bản ngay trong vòng mấy tháng, trở thành một tác phẩm rất ăn khách thời ấy. Nhà thơ Aragon của Pháp cho đó là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ.
 
Cũng như phần lớn giới cầm bút và trí thức Tiệp thời bấy giờ, ông tham gia vào cuộc nổi dậy mùa xuân 1968, lên tiếng đòi hỏi tự do và dân chủ. Phong trào ấy bị Nga xua quân dẹp tan. Sau đó, Kundera bị đuổi ra khỏi trường đại học; tất cả sách của ông đều bị loại trừ ra khỏi các thư viện; và ông không còn được phép xuất bản bất cứ thứ gì trong nước nữa. Năm 1975, Kundera được trường Đại học Rennes ở Pháp mời dạy. Năm 1979, chính quyền Tiệp tước quyền công dân của ông. Hai năm sau, 1981, ông xin vào quốc tịch Pháp.
 
Lúc đầu, Kundera sáng tác bằng tiếng Tiệp. Từ năm 1985, sau khi sống ở Pháp được 10 năm, ông bắt đầu tự tin đủ để tự hiệu đính lại tất cả các tác phẩm được người khác dịch ra tiếng Pháp trước đó. Từ năm 1993 trở đi thì ông viết thẳng bằng tiếng Pháp.
 
Hiện nay, Kundera không những nổi tiếng tại Tiệp hay tại Pháp mà còn khắp thế giới. Một số tác phẩm của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt và tên tuổi của ông cũng trở thành rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ngoài việc ngưỡng mộ tài năng của ông, chúng ta còn có thể chia sẻ với ông nhiều quan điểm về việc viết lách, về văn chương, về thân phận của các dân tộc nhỏ và khép kín với thế giới bên ngoài, do đó, hầu như lúc nào cũng bị ngộ nhận.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

_________

 

HÀI KỊCH Ở KHẮP NƠI

[kỳ 1]

 

Viết cho dịch giả

Hẳn tôi ở trong một tình thế khá oái oăm. Tôi viết tiểu thuyết bằng tiếng Tiệp. Nhưng từ năm 1970 tôi không được phép xuất bản sách trong nước tôi, và vì vậy không có ai đọc tôi bằng ngôn ngữ ấy cả. Sách của tôi trước hết được dịch sang tiếng Pháp, được xuất bản tại Pháp, rồi tại các quốc gia khác, nhưng bản gốc vẫn còn nằm lại trong ngăn kéo của tôi như một thứ ma trận.

Vào mùa thu năm 1968 tại Vienna tôi gặp một người đồng hương, vốn là một nhà văn, người đã quyết định vĩnh viễn rời bỏ Czechoslovakia. Ông biết điều ấy có nghĩa là sách của ông sẽ không còn được xuất bản ở đó nữa. Tôi nghĩ ông ấy đang tự tử dưới một hình thức nào đó, và tôi hỏi liệu ông có sẵn sàng để chỉ viết cho các dịch giả trong tương lai, liệu vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ không còn có ý nghĩa gì với ông nữa chăng. Khi tôi trở lại Prague, tôi có hai điều ngạc nhiên chờ sẵn: ngay cả khi tôi không hề ra nước ngoài sinh sống, tôi cũng đã bị buộc, từ lúc ấy trở đi, chỉ viết cho các dịch giả. Và, có vẻ như nghịch lý, tôi cảm thấy chính điều đó đã mang lại cho tiếng mẹ đẻ của tôi thật nhiều điều tốt đẹp.

Với tôi, sự cô đọng và trong sáng là những gì làm cho ngôn ngữ trở thành đẹp đẽ. Tiếng Tiệp là một ngôn ngữ sống động, nhiều hàm ý và giàu cảm giác, nhưng để được như thế, đôi khi nó phải đánh mất sự khúc chiết, sự mạch lạc và chính xác hợp lý. Nó giàu chất thơ, nhưng khó chuyển tải tất cả ý nghĩa của nó đến một độc giả ngoại quốc. Tôi rất lo không biết tôi có được dịch một cách trung thực hay không. Khi viết hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng, tôi đã có sẵn một dịch giả tiếng Pháp trong đầu. Tôi đã buộc mình — thoạt đầu một cách tự phát — viết những câu văn tỉnh táo hơn và dễ hiểu hơn. Một cuộc tẩy trần của ngôn ngữ. Tôi rất mê thế kỷ thứ 18. Vậy thì càng tốt hơn nữa nếu những câu văn tiếng Tiệp của tôi phải soi chiếu một cách cẩn thận vào tấm kính trong sáng của ngôn ngữ Diderot.[1]

Goethe có lần đã nói với Eckermann là họ đang chứng kiến ngày tàn của nền văn học quốc gia và sự khai sinh của một nền văn học thế giới. Tôi tin rằng, từ thời của Goethe trở đi, một nền văn học chỉ nhắm đến độc giả ở trong nước là đã lỗi thời và không thể hoàn thành chức năng căn bản của nó được. Mô tả thân phận con người trong một cách thế khiến chúng trở thành bất khả tri nhận ở ngoài biên giới của bất cứ riêng một đất nước nào thì cũng là một cách chơi khăm độc giả của chính nước ấy. Làm như vậy, chúng ta không cho họ nhìn xa hơn mảnh vườn sau nhà của họ, chúng ta trói họ vào một chiếc áo chật chội và hẹp hòi của tính chất địa phương. Không được xuất bản tác phẩm của mình trong đất nước của mình là một bài học tàn nhẫn; nhưng tôi nghĩ, đó cũng là một bài học hữu ích. Trong thời đại này, cuốn sách nào mà không thể trở thành một phần của nền văn học thế giới thì chúng ta phải xem nó là không hiện hữu...

 

Trung Âu

Với tư cách một nhà văn Tiệp Khắc tôi không thích bị đóng khung trong nền văn học của Đông Âu. Đông Âu chỉ là một thuật ngữ chính trị thuần tuý được sử dụng chưa tới ba mươi năm. Xét trên truyền thống văn hoá, thì Đông Âu là Nga, trong khi Prague lại thuộc về Trung Âu. Rủi thay, những người Tây Âu lại không biết về địa lý của chính họ. Sự thiếu hiểu biết này có thể là một tai hoạ nghiêm trọng, như nó đã từng được chứng minh trong quá khứ. Hãy nhớ đến Chamberlain vào năm 1938 và những lời phát biểu của ông về “một quốc gia nhỏ bé mà chúng ta biết rất ít”.

Các quốc gia ở Trung Âu đều nhỏ và quá khép kín đằng sau hàng rào của những ngôn ngữ không ai biết và ít người nghiên cứu. Và dù vậy, chính phần lãnh thổ đó ở Châu Âu, trên năm mươi năm qua, đã trở thành một thứ trọng điểm nơi lịch sử đã tiến hành những cuộc thí nghiệm lạ thường, đối với cả mỗi con người cho đến các quốc gia. Và sự kiện những người sống ở Tây Âu vốn chỉ có những quan niệm cực kỳ đơn giản, chưa bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách đúng mực để nghiên cứu những gì đang diễn ra cách những mái nhà êm đềm của mình vài trăm cây số, tôi xin lặp lại, có thể là tai hoạ nghiêm trọng đối với họ.

Từ vùng Trung Âu này đã nẩy sinh một vài xung động văn hoá quan trọng, mà nếu không có chúng, thì chúng ta không thể hình dung được thế kỷ của mình: phân tâm học của Freud; nhạc phi cung thể của Schönberg; tiểu thuyết của Kafka và Hašek, vốn đã khám phá ra một thế giới văn học tân kỳ và cái thi tính mới mẻ của loại tiểu thuyết phi tâm lý; cuối cùng, là cấu trúc luận, vốn được khai sinh và phát triển tại Praque trong thập kỷ 20 để rồi trở thành một thứ thời thượng ở Tây Âu ba mươi năm sau đó. Tôi lớn lên với những truyền thống này và có rất ít điểm chung với Đông Âu. Xin thứ lỗi nếu như tôi day đi day lại mãi với những chi tiết địa lý buồn cười này.

 

Những quốc gia nhỏ

Những quốc gia lớn đang bị ám ảnh với ý tưởng về sự thống nhất. Họ thấy sự tiến bộ trong sự thống nhất. Ngay cả thông điệp của Tổng thống Carter đến với những cư dân ngoài hành tinh cũng chứa đựng một đoạn văn bày tỏ sự hối tiếc là thế giới đã được chia thành nhiều quốc gia và niềm hy vọng là nó sẽ kết hợp lại trong một nền văn minh duy nhất. Như thể sự thống nhất là phương cách chữa trị mọi bệnh tật. Một quốc gia nhỏ, trong nỗ lực duy trì chính sự tồn tại của nó, đấu tranh cho quyền được khác biệt. Nếu sự thống nhất chính là sự tiến bộ, thì những quốc gia nhỏ, tự bản chất, phản-tiến bộ trong ý nghĩa tinh tế nhất của từ này.

Các quốc gia lớn làm nên lịch sử, các quốc gia nhỏ nhận được những ơn phước của nó. Các quốc gia lớn tự xem mình là chủ nhân của lịch sử và vì thế không thể làm gì khác ngoài cách đối xử nghiêm túc với lịch sử, và với chính họ. Một quốc gia nhỏ không nhìn thấy lịch sử như sở hữu của mình và có quyền không đối xử nghiêm túc với nó.

Frank Kafka là một người Do Thái, Jaroslav Hašek là người Tiệp — cả hai đều là thành viên của một dân tộc thiểu số. Khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra, Châu Âu bị phủ chụp bằng một cơn bộc phát của chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, vốn không tha cả Thomas Mann và Apollinarie. Chúng ta có thể đọc thấy trong nhật ký của Kafka: Đức đã tuyên chiến với Nga. Đi bơi vào buổi chiều. Và đến khi, vào năm 1914, nhân vật Schweik[2] của Hašek nghe nói Ferdinand đã bị giết, ông hỏi Ferdinand nào — là người thợ học việc ở tiệm cắt tóc kẻ có lần đã uống dầu xức tóc, hay là Ferdinand, người chuyên thu gom cứt chó trên vỉa hè?

Người ta nói rằng sự vĩ đại của cuộc sống chỉ được tìm thấy khi cuộc sống tự vượt qua chính nó. Nhưng nếu toàn bộ cuộc sống thăng hoa đó là lịch sử — mà lịch sử lại chẳng thuộc về chúng ta — thì sao? Chẳng lẽ chỉ còn cái công sở phi lý của Kafka? Chỉ còn sự điên rồ trong quân đội của Hašek? Như vậy thì cái vĩ đại, cái trọng lực, và cái ý nghĩa của tất cả những điều đó nằm ở đâu? Nhà văn thiên tài của những dân tộc thiểu số đã khám phá ra một thế giới không có trọng lực và sự vĩ đại. Ông đã khám phá sự kỳ dị (grotesqueness) của nó. Ý niệm của Hegel về lịch sử — khôn ngoan và thăng tiến, như những nữ sinh chuyên cần, càng ngày càng ở cao hơn trên nấc thang của sự tiến bộ — đã bị Hašek và Kafka chôn vùi một cách kín đáo. Trong ý nghĩa đó, chúng ta là những kẻ thừa kế của họ.

Sự hài hước của người Prague chúng tôi thường khó hiểu. Milos Forman bị những nhà phê bình chỉ trích vì trong một bộ phim của ông, ông đã khiến cho khán giả cười ở chỗ họ không nên cười. Cười không đúng chỗ. Nhưng chẳng phải nó chính là ý nghĩa của mọi thứ? Hài kịch ở đây không phải chỉ để đơn giản nằm ngoan ngoãn trong ngăn kéo được dành riêng cho những vở hài kịch, những trò giễu và những màn giải trí, nơi những “tinh thần nghiêm túc” sẽ giam hãm nó. Hài kịch ở mọi nơi, trong mỗi chúng ta, nó đồng hành cùng chúng ta như cái bóng của chúng ta, nó ở ngay cả trong sự bất hạnh, nằm chờ chúng ta như một vực thẳm. Nhân vật Joseph K.[3] mang tính khôi hài vì sự vâng lời có kỷ luật của anh ta, và câu chuyện của anh lại càng thêm bi thảm vì điều đó. Hašek cười ngay giữa những cuộc tàn sát khủng khiếp, và do đó những cuộc tàn sát ấy lại càng trở nên không thể chịu đựng được. Bạn thấy đó, có một sự an ủi trong bi kịch. Bi kịch cho chúng ta một ảo tưởng về sự vĩ đại và ý nghĩa. Những người đã trải qua những cuộc đời bi thảm có thể nói về nó với niềm tự hào. Những người không có chiều hướng bi thảm, những người chỉ biết đến những hài kịch của cuộc sống, thì không thể có ảo tưởng về bản thân họ.

Khi tôi đến Pháp, điều khiến tôi kinh ngạc nhất là sự khác biệt trong tính hài hước của mỗi nước. Người Pháp vô cùng hài hước, dí dỏm và vui vẻ. Nhưng họ nghiêm túc đối với bản thân và thế giới. Chúng tôi buồn hơn nhiều, nhưng chẳng nghiêm túc đối với bất cứ điều gì cả.

 

[còn tiếp]

 

--------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Comedy is everywhere”, trong Index on Censorship (1977) 6:3.
 

_________________________

[1]Denis Diderot (1713-1784) là nhà văn và triết gia Pháp, chủ biên bộ Bách khoa toàn thư và là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của thời Khai sáng. Ông nổi tiếng về sự uyên bác trong kiến thức, sự sâu sắc trong tư tưởng và sự trong sáng ở lời văn. {PQT}

[2]Schwejk là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết khôi hài Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války (“Những cuộc phiêu lưu định mệnh của người lính gương mẫu Schwejk trong Thế Chiến”) của Jaroslav Hašek. Ông dự định viết bộ tiểu thuyết này thành 6 cuốn, nhưng ông mất vì bệnh ho lao vào năm 1923 và chỉ viết được 4 cuốn. {HN-T}

[3]Josef K. là tên của nhân vật chính trong tiểu thuyết Der Prozeß (“Cuộc xử án”) của Kafka. {HN-T}

 

 

-----------

Đã đăng:

Dẫn nhập cho một biến trạng  (tiểu luận / nhận định) 
... “Cầu cho chết tiệt hết những kẻ nào tự cho phép mình viết lại những gì đã được viết! Cầu cho chúng bị thiến và cầu cho người ta cắt đứt hai tai của chúng đi!” ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một bài học lịch sử nho nhỏ  (tiểu luận / nhận định) 
[Nhận định của Milan Kundera về Jaroslav Seifert] ... Cái quốc gia nhỏ bé, bị chà đạp và tàn hại này - làm sao nó còn có thể chứng tỏ sự hiện hữu của mình? Sự chứng tỏ ấy ở đó ngay trước mắt chúng tôi: đó là nhà thơ, biểu hiện rõ ràng của tinh thần một nước, vinh quang duy nhất của những kẻ không quyền lực... [Bản dịch Diễm Châu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021