thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
... Trong một đời sống chưa có giá trị cá nhân

 

(phê bình tập thơ Nốt Sần của Lê Nguyên Vỹ)

 

Tập thơ 30 bài của Lê Nguyên Vỹ (văn bản đầy đủ của tác phẩm hiện có trên tienve.org và một số trang mạng ebook khác) đem lại cảm giác dễ chịu và tin cậy cho người đọc, trước hết ở thái độ của người làm thơ.

Không tự coi “cái tôi” của mình (bao gồm tâm thức, tâm trạng, học vấn, thói quen thẩm mỹ và những đặc điểm cá biệt về sinh học) là một hệ giá trị để nhận định, hay trầm trọng hơn, phán xét về cuộc đời, Lê Nguyên Vỹ coi thơ là nơi để tâm sự, bộc bạch thế giới riêng tư của chỉ một cá nhân. Bỏ qua sự nôn nóng và khoái thú khuyếch trương cảm xúc nhất thời của bản thân như một cách tạo vẻ hấp dẫn, thường thấy ở nhiều người mới tìm đến thơ ca, thơ Lê Nguyên Vỹ đơn giản là sự bóc trần của suy tưởng và lắng đọng của thân phận.

Không “vấp” phải những định hình sách vở như một số người viết chịu ảnh hưởng của trường ốc, Lê Nguyên Vỹ có những hình ảnh lạ, những kết hợp từ ngữ nhiều hướng, trùng điệp, đôi khi dư thừa, bộc lộ cảm thức khá tự do:

... Trên đỉnh trời em trôi như sương tựa loài yêu quái

nhận chìm tôi trong vô vàn khuyết tật của trái tim...

 

... Em và tôi là những trái cầu nhân tính lăn tròn trong biến đổi vô cùng tận của sự không thay đổi dù chỉ tí tẹo

Nhưng dù sao tôi vẫn đón nhận từ đôi môi em đã được chữ nghĩa giải phẫu thẩm mỹ trồi ra những lời phỉnh phờ dẫn em và tôi đi lòng vòng trong những giá trị ảo quý như dưỡng khí

Ôi cuộc sống bọc trong mặt nạ đáng yêu biết dường nào

(“Mặt nạ”)
 

Thái độ buồn rầu, mỉa mai, cay đắng không ngăn được người viết tìm đến những hình ảnh ngộ nghĩnh, hồn nhiên. Dường như ông vẫn còn nhiều yêu mến và tình cảm trong sáng với những gì ngây thơ, hồn hậu, tươi non, dù cho mặt bên kia của nó là sự lừa dối, trơ trẽn.

Có lẽ, Lê Nguyên Vỹ cũng không xa lạ với lối cảm nghĩ và hành ngôn đương đại. Trong hình dung của ông, mọi sự vật cũng “bạc phếch” hết ý nghĩa vốn có của nó, mọi ngôn từ đều dịch chuyển tới thái cực đối lập và toàn thể tồn tại sóng sánh trong những thứ giá trị hay biểu hiện tạm thời, tráo đổi cho nhau:

... Hun hút sâu thẳm tâm thức giấc mơ chợt nhận ra mình chỉ là một giấc mơ

Tôi đã đi qua nhiều con đường không có đường nhưng đêm nay tôi biết mình chạm vào một cái gì không thể nhận dạng vì hình như cái đó chưa hề tồn tại...

 

Đêm trải dài xa tít tắp

Nỗi buồn theo bàn chân đi suốt đời người

Năm tháng trở mình nhức nhối xác thân già cỗi trong khe hẹp mạch ngầm sinh diệt

Ngày trượt dài...

(“Sợi lông”)
 

... Có những điều em không thể hiểu chiếc lá vàng nói điều gì và cọng lau khô kia có bí mật nào lưu giữ trong chút bui bặm bám vào căn phòng của em...

 

Điều này ít nhiều đã tạo được tâm thái tự do và lối hành ngôn không lệ thuộc vào những quy luật cũ.

Có khi Lê Nguyên Vỹ còn đi xa hơn trong việc tạo ra những ranh giới mới của cảm giác. Ngôn từ bật nảy và biến hóa, với nguồn năng lượng kỳ lạ:

Một ngày

Không...

24 giờ

Tôi khó nhọc nhai một giây sượt qua thân thể để lại vết sướt mầm bệnh liệt kháng...

(“Một giây”)
 

Một chân lê từng bước về hướng mặt trời mọc

Một chân kia hối hả về nơi mặt trời đi ngủ

Từ sâu tít mù lớp lớp thời gian, những mảnh vỡ cuộc đời trồi dậy gặm nhấm cái đầu còn nằm lại trong cõi thiên đường lạnh lẽo...

(“Cuối năm”)
 

Điều đáng tiếc khi người viết chưa có ý thức tập trung khai thác sâu đậm và biến hóa hơn, để hình tượng thơ thực sự có bề dày về liên tưởng, tưởng tượng, cảm giác... cũng như có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn đến người đọc.

Tồn tại, trong cảm thức của Lê Nguyên Vỹ, là chịu đựng và đau khổ tột cùng. Trở đi trở lại trong hầu hết các bài thơ là trạng thái tâm lý đan xen với cảm xúc khủng khiếp, bị áp chế, phân rã, hủy hoại, đau đớn, tê liệt, hoảng sợ, hổ thẹn, giận dữ...

... Có những ngày là đêm, mộng mị từ dòng sống tứa ra các lỗ chân lông phố thị, lấp đầy các bộ não bé tí những cảm giác điên loạn lạnh ngắt bê tông

Đêm tĩnh lặng giấu kín trong các sợi thần kinh lớp lớp cuộn vòng bao con sóng dữ, liên miên bất tận va đập trùng trùng ảo vọng, đánh gãy từng tế bào cho đến ngày mọi thứ đổ sụp, nổ tung và tan biến...

(“Góc khuất”)
 

Giữa hằng hằng lớp lớp điên rồ giao hoan với vô số bẩn thỉu trong những tế bào thần kinh ăn nhịp trái tim phập phù ngắc ngoải trường tồn và hủy diệt; sinh ra những quái thú ăn thịt người trong những mâm đê tiện khảm đầy chữ nghĩa bằng vàng ròng...

 

Những cánh tay khẳng khiu nỗi buồn cơm áo hèn mọn làm dấu tai họa vô hình đâu đó bỗng rụt đầu vào cổ tưởng chừng chốn dung thân ngàn năm vĩnh biệt...

(“Mộng mị”)
 

Qua những hình ảnh mang tính huyền ảo, ít nhiều hoang tưởng, người đọc tiếp cận và chia sẻ được tâm thái đau khổ tới mức điên cuồng, bị hủy hoại, của con người trong thơ Lê Nguyên Vỹ. Tuy nhiên, con người đau khổ đó ý thức rất rõ về tình cảnh của mình, và tình cảnh ấy do từ đâu tới.

Cũng trong quá trình bộc lộ dòng cảm hứng này, Lê Nguyên Vỹ cho thấy những nhược điểm quan trọng của ông. Đó là trượt theo những thói quen từ ngữ, hình ảnh ẩn dụ cũ kỹ, ít sức sống, và đôi khi gây sự với chữ nghĩa một cách không cần thiết:

... Giấc mơ mắc kẹt giữa các tế bào thần kinh, bỗng nhiên thành những con chữ xinh xắn xúi giục sự sống ngâm mình trong những dung dịch mạnh hơn cường toan để thử thách lòng can đảm chẳng biết làm gì

Bầy sói lang thang điên dại chợt đứng thẳng người hô hào đám đông khờ khạo sung sướng chui tọt vào vùng ảo ảnh của những khái niệm mù tịt trước khi rơi tõm vào nanh vuốt của điên loạn...

(“Co giật”)
 

Một số bài thơ còn rườm rà thiếu chủ ý, lạm dụng chữ, chưa sáng tạo được hình ảnh gây chú ý và cảm xúc ở người đọc:

Gã đàn ông cười hô hố ném hắn lên trời cùng tờ báo có mẩu tin người phụ nữ địu con trầm mình tìm kiếm điều gì dưới đáy sông không rõ

Phía trên đường cầu vồng lộng lẫy cái bóng ném hắn rơi xuống máng ăn của heo

Tôi ngã chúi theo cái đẩy của một thằng nhóc đang cố cào vỏ trái đất với hy vọng để lại một vết sướt be bé...

 

Ngôn ngữ và cảm hứng hài hước, bỡn cợt xuất hiện như một nguồn năng lượng trẻ trung, hiệu quả xóc nảy trong thơ Lê Nguyên Vỹ, nhưng còn lẻ tẻ, ngẫu nhiên, chưa được khai thác đậm nét để tạo ra điệu thức rõ rệt:

... Đêm đen ngước mắt buồn thảm hy vọng mong manh bầy đom đóm túa ra từ những vết nứt thần thoại lạ hoắc...

(“Co giật”)
 

... Em hiện ra như nữ thần âm cung nghìn năm trước thổi phù mộng mị biến mất tăm

Thế giới chợt đổ xòa từng khối co rút hình hài quái dị

Tôi cúi gập người chui tọt vào cõi vô thường

(“Mộng mị”)
 

... Đã lâu, rất lâu tôi không gặp bầy chữ nghĩa từ các khu an dưỡng xôn xao chạy theo kết những tràng hoa đủ màu sắc vây quanh nụ cười ma mị của em...

 

Phong cách hài hước là một “quyền năng” cơ bản của thơ ca đương đại.

Cảm hứng quan trọng trong thơ Lê Nguyên Vỹ là tình cảm công dân. Một người yêu nước mình, bộc lộ tất cả những cảm xúc vốn dĩ, chân thành, thống thiết, về đất nước, quê hương, như một phần không tách rời của con người suy tưởng và cảm nghĩ về thân phận, nhân cách, nhân tính, là điều tự nhiên và bình thường đối với thơ ca. (Thơ chỉ xa lạ với những mục đích dối trá)

Người viết trực diện lên án những bất công, ung nhọt, không khoa học và thiếu nhân tính trong đời sống xã hội, mà một người trung thực, biết quan sát, có thể lập tức nhận ra:

... chúng nó thống trị muôn loài bằng luật rừng xơi tái bất cứ ai chống lại...

... Buổi sáng chúng nó ăn tô phở 35 USD gần bằng lương tháng công nhân may mặc...

(“Bất lực”)
 

... Tít đỉnh cao quyền lực những mệnh lệnh nhổ sạch lông cánh ước mơ tước đoạt quyền được sống bình thường trong thế giới văn minh của những con người lương thiện...

 

... Tít trên cao ngai vàng trống hoác trách nhiệm bỗng rộ lên tiếng kêu của bầy chuột dữ chí chóe chia phần biển bạc rừng vàng quanh tiếng cười hô hố của lũ sâu bọ ngợi ca quyền lợi đời đời bền vững...

 

Những câu thơ chưa phải là gây hứng thú về mặt nghệ thuật nhưng nói lên quan niệm, tình cảm độc lập, riêng biệt của một cá nhân, ở nơi chưa có giá trị cá nhân.

Lê Nguyên Vỹ còn có một số bài thơ nói lên nỗi tủi thẹn của kẻ thất phu khi đất nước lâm nguy, danh dự quốc gia bị xâm phạm, cảnh báo về thứ hào quang giả tạo, tự lừa mị trên chiến thắng, những tình cảm và trách nhiệm mà bất cứ một con dân Việt nào đều tất yếu phải có. Mỗi người Việt đều nhận được tâm thế đó, một cách riêng tư và cá nhân, kể từ khi được đọc bài Hịch tướng sĩ, áng văn chương yêu nước, kết tinh về nghệ thuật của Đức thánh Trần, Hưng Đạo Đại Vương trong lòng người dân.

Lê Nguyên Vỹ không viết “thơ tình”, theo nghĩa, dòng thơ lấy cảm hứng trực tiếp từ chuyện luyến ái. Ông chỉ viện tới đối tượng “em” như một sự chia sẻ, vừa đồng nhất vừa khác biệt, về bản thể và tồn tại trong nhân sinh khổ đau, trôi dạt, kinh hoàng. Đôi khi, cũng để trìu mến và đùa nghịch...

Viết tập thơ đầu tay trong khoảng 5 năm gần đây, Lê Nguyên Vỹ lựa chọn khuynh hướng thẩm mỹ của cái xấu xí, nghịch dị, hoại tử và cấm kỵ. Đây không phải điều gì xa lạ, ngược lại, nó là một khuynh hướng đang mạnh dần lên với nhiều biến hóa lý thú.

Có lẽ, không cố gắng để làm một nhà thơ theo đúng nghĩa, Lê Nguyên Vỹ chỉ thành thực mà có thơ như một “nốt sần” hay “khối u” trên thân thể vốn dĩ bất an mà thôi. Nhưng, bên cạnh đó, nếu như thơ lại thực sự là sống, một cách trung thực, sâu sắc, và hạnh phúc hơn, thì tại sao không?

 

Giác Lâm

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021