thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mark Frankland, cây bút kiệt xuất của tờ Observer, từ trần, hưởng thọ 77 tuổi

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
 
Chiều thứ Bảy 14/4/2012, tôi nhận được email của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường báo tin buồn: Mark Frankland vừa qua đời một cách nhanh chóng và êm ả tại London. Tin buồn đến thật bất ngờ, dù trong những năm gần đây tôi nghe nói Mark Frankland thường xuyên đau ốm. Tôi chưa từng gặp mặt ông, nhưng đã có những trao đổi thân ái với ông về văn chương và cuộc sống, qua email. Tôi bắt đầu làm quen với Mark Frankland từ năm 2007, khi nhận được những chương tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men của ông, qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường. Cuốn tiểu thuyết ấy đã đưa tôi trở lại những ký ức về đời sống ở Sài Gòn những năm trước 1975, và chính vì thế, tôi đã cảm mến tác giả và duy trì một tình bạn vong niên trong gần 5 năm qua. Tôi vẫn dự định sẽ bay sang London một chuyến để ghé thăm Mark Frankland, nhưng chưa thực hiện được dự định ấy thì ông đã ra đi vĩnh viễn.
 
Bản dịch này để tưởng niệm tiểu thuyết gia Mark Frankland, một người bạn văn khả kính.

__________

 

 

Mark Frankland, một trong những thông tín viên thường trực ở ngoại quốc xuất sắc nhất của tờ Observer, đã từ trần vào tuần trước, hưởng thọ 77 tuổi.

Frankland đã làm việc cho tờ báo này từ năm 1962 đến 1992, kể cả những nhiệm kỳ ngắn hạn ở Washington và Tokyo. Ông cũng đã phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách thông tín viên thường trực ở Moscow cho tờ Observer, nhiệm kỳ thứ nhì bắt đầu từ năm 1982 và chấm dứt năm 1985, khi ông bị trục xuất bởi nhà cầm quyền Moscow.

“Mark Frankland là một trong những nhà bình luận uyên bác nhất về Nga và Đông Âu, đặc biệt trong thời kỳ đế quốc Xô-viết đang tan rã,” Donald Trelford, chủ bút của tờ Observer từ năm 1975 đến 1993, đã nói như thế. “Mark cũng đã viết một cách sắc sảo về Nhật và Mỹ.”

“Bất cứ một đất nước nào ông đặt chân đến, ông cũng ngụp lặn vào trong sử ký và văn hoá của nó, và điều đó đã mang đến cho ngòi bút ký giả của ông một phẩm chất học thuật nhưng không bao giờ đánh mất đi niềm hứng thú nơi người đọc. Ông là một con người thanh lịch với khẩu vị tinh tế về âm nhạc và mỹ thuật, và một niềm khao khát cuồng nhiệt muốn tìm hiểu về mọi sự trên đời.”

William Keegan, người cựu đồng nghiệp của ông, nói thêm: “Ngoài việc chuyên viết những bài về các vấn đề ngoại giao, chính trị và chiến tranh (nóng và lạnh), ông còn là một bậc thầy trong việc cảm nhận tính chất đích thực của cuộc sống bên dưới cái bề mặt.”

Frankland cũng là tác giả của một số sách, trong đó có cuốn Child of My Time (Trẻ nhỏ trong thời của tôi). Trong cuốn sách ấy ông đã kể lại, với những chi tiết đau đớn nhưng lôi cuốn, thời tuổi thơ u ám của ông trong xã hội thượng lưu ở Anh quốc; ông mô tả cuộc hôn nhân của người mẹ nghiện rượu của ông như cuộc hôn nhân của một “người đàn bà đang chết đuối trông cậy vào sự cứu vớt của một người đàn ông mà chính ông ta cũng chỉ biết bơi chập chững”. Theo đúng kiểu phụ nữ quý phái, mẹ của ông chỉ mua rượu gin lưng nửa chai, nhưng lại mua từ nhiều tiệm “off-licence”[1] khác nhau.

 

 

Sau khi tốt nghiệp ở đại học Cambridge, Frankland gia nhập vào MI6[2] nhưng chỉ được một năm thì rời bỏ, sau khi trải qua khoá huấn luyện mà sau này ông đã mô tả bằng những từ ngữ chua cay, giễu cợt. Tuy vậy, cái quá khứ dính đến nghề tình báo ấy cứ trở lại để ám ông. Ở Nga, ông bị nghi là gián điệp của Anh, ở Việt Nam ông bị nghi là gián điệp của Xô-viết, trong khi ở Anh thì ông lại thường bị xem là còn dính dấp với tình báo.

Năm 1962, Frankland, người không bao giờ lập gia đình, phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách thông tín viên của tờ Observer tại Moscow nơi ông đã gặp các điệp viên Burgess, Maclean và Philby trước khi được gửi sang Đông Dương, nơi ông chuyên viết những bài báo về chiến tranh Việt Nam từ năm 1967 đến 1973. Sau đó ông làm việc tại Tokyo, rồi Washington, nơi ông nhận công tác một cách lưỡng lự vì ông chán ngán thái độ của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, mặc dù sau đó ông lại đâm ra yêu thích nước Mỹ. Ông phục vụ nhiệm kỳ thứ nhì ở Moscow, và nhiệm kỳ ấy chấm dứt vào năm 1985 khi ông bị trục xuất bởi nhà cầm quyền Xô-viết vì họ cáo buộc ông là gián điệp, nhằm trả đũa lại việc nước Anh tống cổ vài nhân viên ngoại giao của Nga.

Lối hành xử của ông nơi văn phòng thì luôn luôn ân cần, nhưng cẩn trọng. Peter Beaumont, biên tập viên cho trang tin tức ngoại quốc của tờ Observer, người đã làm việc với Frankland, mô tả ông như “một trong những kết hợp hiếm hoi, của một người thông minh, nhạy bén, khả ái và điềm tĩnh, một người luôn luôn dành thì giờ để giúp đỡ và khuyên bảo các phóng viên trẻ tuổi hơn.”

 

_____________________

Chú thích của người dịch:

[1]“Off-licence” là loại tiệm rượu bán lẻ để khách mua về nhà uống. Mẹ của Mark Frankland thuộc giai cấp thượng lưu, nên đã mua rượu gin lưng nửa chai để giữ phong cách của phụ nữ quý phái. Nhưng vì bà nghiện rượu, nên bà đã mua nhiều nửa chai ở nhiều tiệm khác nhau để mang về uống cho nhiều.

[2]MI6 là Secret Intelligence Service (SIS), cơ quan tình báo bí mật của Anh quốc, được thành lập từ năm 1909.

 

 

-------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Mark Frankland, Observer writer of distinction, dies aged 77” của Robin McKie, The Observer, Sunday 15 April 2012.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021