thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cách ngôn
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Nhà văn Marcel Benabou thuộc nhóm OuLiPo[1] đã nghĩ ra một cái máy chế tạo cách ngôn. Nó gồm hai phần: văn phạm và từ vựng.

Phần văn phạm liệt kê một số lượng nào đó của những công thức thường được sử dụng trong đa số cách ngôn. Ví dụ: A là đường ngắn nhất từ B đến C. A là sự tiếp tục của B bằng những phương tiện khác. Một ít A mang chúng ta ra khỏi B, nhiều A mang chúng ta đến gần B hơn. Những cái A nhỏ làm nên những cái B lớn. A sẽ không là A nếu nó đã chẳng là B. A là một căn bệnh mà B là phương thuốc của nó. Vân vân.

Phần từ vựng liệt kê những cặp chữ (hay bộ tam, bộ tứ). Chúng có thể là những từ tương cận nhưng không phải đồng nghĩa (tình cảm/cảm nghĩ; kiến thức/khoa học), những từ phản nghĩa (sinh/tử; hình thức/nội dung; nhớ/quên), những từ gần như đồng âm (tình yêu/tinh yếu; tài hoa/tai hoạ), những từ thường được dùng kèm với nhau (tội ác/trừng phạt; búa/liềm; khoa học/cuộc sống). Vân vân.

Việc đưa phần từ vựng vào phần văn phạm, theo kiểu ad lib,[2] tạo nên gần như vô hạn những câu cách ngôn, mỗi câu lại có thêm nhiều ý nghĩa hơn câu trước. Theo nguyên tắc đó, nhà toán học Paul Braffort thiết kế một chương trình vi tính có khả năng chế tạo cách ngôn theo yêu cầu. Trong vài giây đồng hồ, hàng tá cách ngôn có thể được tạo ra:

Nhớ là một căn bệnh mà quên là phương thuốc của nó

Nhớ sẽ không là nhớ nếu nó đã chẳng là quên

Cái gì đến bằng sự nhớ nhung, sẽ ra đi bằng sự quên lãng

Những nỗi quên nho nhỏ làm nên những nỗi nhớ to lớn

Nỗi nhớ làm tăng niềm đau đớn, nỗi quên làm tăng niềm hoan lạc

Nỗi nhớ mang ta ra khỏi nỗi quên, nhưng ai sẽ mang ta ra khỏi nỗi nhớ?

Niềm vui nằm trong nỗi quên, chứ không phải trong nỗi nhớ

Niềm vui nằm trong nỗi nhớ, chứ không phải trong nỗi quên

Một ít cái quên mang chúng ta ra khỏi cái nhớ, nhiều cái quên mang chúng ta đến gần cái nhớ hơn

Cái quên làm con người đoàn kết, cái nhớ làm con người chia rẽ

Cái nhớ thường đánh lừa ta nhiều hơn cái quên

Vân vân.

 

Vậy thì tư duy nằm ở đâu? Trong cái công thức? Trong bộ từ vựng? Trong cái cơ tác làm hai phần ấy kết hôn với nhau chăng?

Trích dịch từ tiểu luận "Penser/Classer" của Georges Perec,
trong tập Penser/Classer (Paris: Hachette [collection "Textes du XXe siècle"], 1985).

 

_________________________

[1]OuLiPo (tên gọi tắt của "Ouvroir de Littérature Potentielle") là một nhóm gồm những nhà văn và nhà toán học, chuyên nghiên cứu, thí nghiệm, và sáng tạo những cấu trúc và phong cách văn chương mới. Trong số những thành viên cột trụ có những cây bút lừng danh thế giới như Raymond Queneau, François Le Lionnais, Claude Berge, Georges Perec, và Italo Calvino. [chú thích của người dịch]

[2]ad lib (viết tắt từ "ad libitum") là một thuật ngữ thường dùng trong âm nhạc, chỉ sự diễn tả tự do. [chú thích của người dịch]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021