thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lòng say mê: Động lực riêng tư

 

Tham luận tại cuộc tọa đàm “Lòng say mê: Động lực riêng tư”,
L’ Espace, cuối tháng 2 năm 2012.

 

 

Nếu như có điều gì gắn bó tôi với việc viết, cho đến bây giờ, thì đó là lòng say mê. Cuộc sống, ở trong tác phẩm văn học, khác với cuộc đời thường, ở chỗ nó được tạo dựng nhờ lòng say mê, từ sự bị quyến rũ một cách khủng khiếp của người viết. Người viết bị quyến rũ bởi vẻ đẹp, hiểu theo nghĩa rộng là những thang bậc mang tính chất cá nhân một cách tuyệt đối, nhưng cũng mang những dáng vẻ chắt lọc từ quan niệm bình thường, vốn có về cái đẹp, người viết bị quyến rũ bởi khả năng tự mình tạo ra những vẻ đẹp chưa bao giờ xuất hiện. Bị quyến rũ để tạo ra một thế giới của sự sống mới, mà trong đó tính chân thực được hiểu là cái thích đáng, làm lay động trái tim, khiến lòng ta được thuyết phục, làm xoay chuyển về suy tưởng, khai mở sự lý thú và những cảm xúc sâu sắc không dễ có. Tính chân thực không phải là những logic của cuộc đời thường.

Lòng say mê sẵn có trong mỗi người. Đó là khả năng tìm thấy những gì vốn có tự sâu thẳm bên trong bản thân, được phản ánh, bộc lộ bằng những điều vui thích, lý thú, vẻ đẹp, sự phong phú và sâu sắc từ những biểu hiện của thế giới bên ngoài bản thân. Chàng trai say mê một cô gái, vì cô ấy dịu hiền, dễ thương, tràn đầy sức sống, chính cô gái ấy là sự bộc lộ những phẩm chất sẵn có trong tâm hồn chàng trai: sự dịu dàng, dễ thương, và sức sống.

Đồng cảm là bước khởi đầu của lòng say mê. Khả năng tự đặt bản thân vào những trạng thái, hoàn cảnh, phẩm chất của thiên nhiên, sự sống, con người xung quanh mình, đó là đồng cảm. Đồng cảm giúp con người thoát khỏi sự tồn tại chật hẹp của một cá nhân. Sinh ra, lớn lên, tiếp thu những quan niệm được định hình về thế giới xung quanh, hành động như những quan niệm đó mong muốn và chỉ giáo, con người dễ rơi vào sự khô cứng, thiệt thòi, nghèo nàn, nếu ít lòng đồng cảm. Có lòng đồng cảm, con người có nhiều cảm xúc hơn, nhiều phẩm chất hơn, và hạnh phúc trong một tồn tại rộng lớn hơn nhiều so với một cá nhân.

Lòng say mê chính là đồng cảm, mà mặt bên kia của nó là sự tỉnh thức. Tỉnh thức giúp ta luôn phát hiện những điều mới mẻ, kỳ lạ, khác biệt, có sự khác biệt và tỉnh thức mới có lòng say mê. Đồng cảm và tỉnh thức chính là bộc lộ của nguồn năng lượng hoạt năng thuần tuý, như cách gọi của F. Nietzsche, (chống lại định kiến, giáo điều của tính phản ứng thuần tuý, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn dịch khái niệm), làm trong lành, tươi trẻ cuộc sống của mỗi con người trong xã hội hiện đại và đương đại.

Thế giới là của những điều khác biệt, mỗi người chúng ta tồn tại cùng với tất cả những gì còn lại của thế giới. Khác biệt, độc đáo, và duy nhất. Nhưng, sự khác biệt, đa dạng của thế giới bên ngoài, lại chính là những điều vốn có trong bản thân mỗi con người mà chưa được nhận ra, biết tới cũng như tích nạp. Khác biệt, chính là bản thể.

Lòng say mê, hay con đường của văn học chính là con đường băng qua trở ngại để kiếm tìm những bản thể của sự khác biệt. Bản thể khác.

Lòng say mê đã bao gồm vẻ đẹp và tinh thần cống hiến. Lòng say mê cũng cần được khơi gợi và trau dồi thường xuyên nhờ tri thức cũng như những năng lượng cá nhân.

Ý nghĩa “riêng tư” của lòng say mê càng đáng được suy ngẫm nhiều hơn, khi có những biến đổi trong phạm vi sáng tạo của tác phẩm văn chương.

Trải qua chủ nghĩa Cổ điển, qua văn chương Phục Hưng cho đến trào lưu Ánh sáng của thế kỷ XIX ở Tây phương, hầu hết tác phẩm văn học vẫn được hiểu như sự tương tác, giữa người viết, tác phẩm, bạn đọc, và hiện thực đời sống, thông qua một thứ ngôn ngữ khái niệm, làm lan truyền đến đông đảo mọi người những thông điệp, cách hình dung về thế giới, về con người như những câu chuyện lớn, nhất quán, những vấn đề của luận lý, logic, những diễn biến mang tính thuận lý, tư biện. Ngay cả những cảm xúc, hứng khởi, khoái thú... mà tác phẩm văn chương làm lan truyền đi, cũng được nhìn nhận, bình giá như những sản phẩm của của logic lý tính và tư biện. Ví dụ cảm hứng anh hùng ca, cảm hứng phê phán...

Câu chuyện của Thánh kinh và Chúa Kitô, đức hy sinh, trật tự xã hội, người anh hùng của thành bang, xung đột giữa quyền tư hữu, hạnh phúc cá nhân và vận mệnh của cộng đồng, dục vọng chinh phục trong đời sống tư bản... đó là những câu chuyện lớn.

Ngôn ngữ, với tính chất định danh, định tính, định vị, thông báo, ghi nhận... của mình, là công cụ để phản ánh những câu chuyện lớn.

Thế kỷ XX là cuộc “nổi dậy” của ngôn ngữ. Giống như một hệ thống ký hiệu có quyền mã hoá tất cả lĩnh vực đời sống, ngôn ngữ không còn là “công cụ của tư duy” hay phương tiện để truyền thông, trao đổi tình cảm, mà nó trở thành chính tư duy cũng như tâm thức. Bản thân ngôn ngữ là tâm thức, là sự sống, và là nghệ thuật. Ngôn ngữ quy định chặt chẽ chứng nghiệm sống cũng như sự sống của con người.

Tác phẩm văn chương trở thành một tổ chức nghệ thuật mở của ngôn ngữ, nơi có thể tiếp cận tâm thức của người viết bằng nhiều con đường khác nhau, qua nhiều hệ thống mã hoá khác nhau. Tâm thức của người viết cũng không còn bó hẹp trong những ý tưởng và cảm xúc chủ quan của một cá nhân, mà nó là sự tích nạp, tiếp biến, của những cảm giác, trực giác, linh cảm... tới tận những tầng sâu của tinh thần con người, như tiềm thức hay vô thức.

Cảm giác, linh cảm, sự tổng hoà của giác quan, giấc mơ, tưởng tượng, tiềm thức... của mỗi con người là thế giới duy nhất, riêng tư, không lặp lại, nhưng cũng đồng thời rộng lớn, bao hàm vũ trụ, không biên giới...

Với sự bùng nổ này, bản chất của văn chương trở nên tiếp biến và đồng nhất với bản chất của mỹ thuật hay âm nhạc cũng như một số hình thái nghệ thuật khác. Đó là nghệ thuật xuất phát từ những vấn đề thực thể con người, đến với những nguồn tri thức tổng quan khác, thông qua ngôn ngữ (của thực thể) tràn đầy cảm giác, linh cảm, trò chơi và sự bí ẩn. Bí ẩn là một trong những điều hấp dẫn nhất của trò chơi.

Lòng say mê tràn đầy tính thực thể và bí ẩn.

Riêng tôi, vẫn yêu thích Những người khốn khổ của V. Hugo hơn Tấn trò đời của H. de Balzac, bởi vì Những người khốn khổ tràn đầy lòng say mê hơn. Đó là say mê suy gẫm về những đường biên trong cuộc sống của con người, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa nhân tính và phi nhân tính. Là tinh thần lãng mạn vượt lên những đau thương, rách nát của thực tại. Đối với tôi, điều đó hấp dẫn hơn việc nhìn nhận đời sống như một cơ chế bất an, sai lầm của dục vọng.

Lãng mạn cũng là biểu hiện của lòng say mê và là một bản chất không thể di dời của văn chương. Tinh thần lãng mạn là khao khát cái rộng lớn vượt khỏi tồn tại trong khắc giây bé nhỏ.

Ý nghĩa “riêng tư” khi nhìn nhận, đánh giá một nền văn học đắm mình và vượt thoát từ một thứ ngôn ngữ, ví dụ, tiếng Việt, được đặt ra từ góc độ tính chất kỳ dị, độc đáo nhưng đồng thời mang phẩm chất mãnh liệt, năng lượng thâm sâu của từng tác giả, từng hiện tượng, được chứng nghiệm lại qua con mắt sáng tạo của người thẩm định và nghiên cứu.

Chúng tôi không muốn nhìn nhận văn học như một dòng chảy lệ thuộc chặt chẽ vào dòng chảy lịch sử. Một phái sinh của hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Mặc dầu với một nền văn học nhỏ của một ngôn ngữ nhỏ như tiếng Việt, người viết văn rõ ràng chịu tác động của những giao lưu lịch sử, xã hội, văn hoá, một cách dễ nhận thấy hơn. Dấu vết một cuộc xâm chiếm về xã hội và lịch sử, văn hoá, trong một nền văn học nhỏ, dễ dàng được nhận ra. Nhưng rốt ráo văn chương vẫn không phải là sự lệ thuộc và hệ quả của hoàn cảnh lịch sử. Văn chương là một dòng chảy nhiều khi không có thứ tự, phương chiều tuyến tính, của những lối viết khác nhau và những bước tiến hoá khác nhau của quan niệm về ngôn ngữ văn chương.

Vì thế, lối chọn lọc tác giả theo sự phân kỳ thời gian, giai đoạn văn chương, tới thời điểm này chỉ có tính chất tương đối, không quyết định. Điều đáng quan tâm, đó là cùng đắm đuối trong tiếng Việt, những tác giả và khuynh hướng sáng tạo nào giàu ý nghĩa khai phá nhất, mang lại nhiều sức hấp dẫn mà thôi...

 

Khánh Phương

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021