thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người ơi người ở dài dài

 

Gần đây nhiều lần nghe những trao đổi tưng bừng về các hướng thơ văn cũ mới, bị không khí sôi nổi lôi cuốn mạnh, tôi xun xoe nhấp nhỏm. Bỗng chợt buồn, tặc luỡi: Mình còn được bao nhiêu ngày tháng? Những chuyện... như thế... trên đời... ối dào!

Tặc lưỡi, bề ngoài là nỗi lo ngắn ngày. Nhưng bên trong không chừng có ngầm cái ý coi thường chuyện nhỏ. Ngầm cho rằng lúc này hãy nên quan tâm đến những cái lớn lao (!) Lớn như vận nước chẳng hạn: Nước mình đang đi về đâu? Dân mình bao giờ thì tự do, sung sướng? Phần mình nên có vai trò gì, có bổn phận gì? v.v...

Như vậy nên suy nghĩ về vận nước? Nhưng dừng ở đấy ít lâu, lại tặc lưỡi: Còn được bao nhiêu ngày tháng?

Có phải đó là lý do thực sự? Hay cũng lại ngầm một thái độ hỗn láo? Nếu có thế, là quá trớn. Vận mệnh dân tộc mà cũng xem là chuyện tế toái, thì cái gì là đủ “lớn”, đáng nghĩ ngợi?

— Đề tài vận mệnh loài người có thể là một thí dụ chăng? Chuyện ấy khẩn cấp, những kẻ còn ít ngày tháng nếu không bắt vào e không còn có dịp suy nghĩ nữa. Vận mệnh loài người, lúc này, đáng lo quá.

***

Loài người là loài sinh vật giết nhau hăng say nhất. Từ thuở xuất thế đến giờ không lúc nào người ngưng giết người. Phương tiện mỗi thời mỗi thay đổi, nhưng mục đích không thay đổi: Đích cuối cùng là địch thủ đồng loại phải chết kỹ. Phương tiện bắt đầu từ những nắm tay, hàm răng, tiến tới gậy gộc, rồi dao búa, súng đạn, rồi quả bom. Năm 1945 xuất hiện thứ bom nguyên tử. Một cặp bom lịch sử này đáp xuống đất Nhật, làm nhân loại sững sờ, và chấm dứt tức khắc cuộc thế giới đại chiến.

Bom nguyên tử bấy giờ chỉ vừa đúng một cặp. Tức hai quả. Ông Truman có nói đến quả thứ ba; đó là ông phịa ra để dọa (và sự dọa dẫm có kết quả như ý).

Từ ấy đến nay, tình hình vũ khí biến chuyển nhanh chóng. Từ bom nguyên tử nhảy vọt một cái tới bom khinh khí. Một quả bom H gấp nghìn quả bom A. Và về sự sản xuất bom thì thời bình lại ráo riết gấp mấy thời chiến. Nga không đếm kịp số bom chất chứa trên đất Mỹ, Mỹ cũng không đếm nổi số bom lũ lượt ra đời trên đất Nga (và, sau đó, trên một số các nước khác).

Số lượng với hiệu năng là một phương diện của vấn đề. Chuyện bom còn dính líu đến những cái khác. Chẳng hạn việc đưa bom tới đích. Ngót sáu mươi năm trước, một tòa phi cơ khổng lồ bay ầm ĩ qua nửa vòng trái đất, cố gắng cẩn thận, thật cẩn thận, vượt qua mọi trắc trở dọc đường, để gieo bom cho đúng địa chỉ. Như thế vất vả. Từ ấy đến nay, lắm cách “giao hàng” tân kỳ, nhanh chóng, chính xác, tiếp nhau ra đời. Hoặc tàu ngầm trốn kỹ dưới đáy biển, di chuyển âm thầm, lúc cần bỗng dưng xuất hiện sát bờ đất địch, đưa lẹ vào mấy quả bom H: trở tay sao kịp? Hoặc bom từ trời phóng xuống, hoặc từ đất phóng lên, từ hang hốc bí hiểm phóng ra, hoặc từ đâu đến chui lòn vào mọi ngóc ngách quanh co v.v...

***

Bom mà đến thế phải chịu là khó xài. Trong khoảng thời gian sáu chục năm qua xương thịt con người không thay đổi mấy. Bất chấp mọi cố gắng của luyện tập, của thuốc men, phải nhận rằng thịt xương không có cải tiến đáng kể. Bom lại tăng sức nghìn lần. Vậy thì nỗ lực lớn cần hướng vào việc ngăn bom, không phải vào sức chịu đựng của con người.

Vấn đề đâm rắc rối: Ngăn bom, phải dùng luật pháp cấm chỉ chăng? Phải dùng kỹ thuật chế ngự chăng?

Luật của Liên Hiệp Quốc đã cấm từ khuya việc chơi bom dữ (sau vụ Hiroshima) và cả việc chuyên chở lang thang các chất liệu chế biến để làm ra bom dữ. Nhưng luật mặc luật, ông Khruschev cứ cho tàu chở bom hạt nhân sang Cuba. Nếu bấy giờ ông Kennedy không quyết liệt hay ông Khruschev táo tợn hơn nữa, chắc chắn cảnh tan nát lớn lao đã xảy ra rồi. Lần nọ thoát hiểm không do ở luật, mà do nơi sự lượng sức, sự tính toán của hai tay đô vật đáo để thôi. Sau đấy Nga xô đổ vỡ, nhưng các nước có khả năng kỹ thuật cao vẫn tiếp tục chở uranium chế biến kỹ, đi đây đó đều đều, trao tận tay các khách hàng còn kém mà ham.

Vả lại phàm có luật, tất có ngay sự trốn luật... Vụng trộm, âm thầm, là sở trường của hoạt động khoa học ở lắm nước. Khoa học gia Nga xô quanh năm suốt tháng tìm tòi những gì, đố ai biết. Năm 1957 vệ tinh Spoutnik vọt lên, người Mỹ ngơ ngác: Nga đã chinh phục không gian, êm ru bà rù. Sau này Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên v.v... tiếp tục những nghiên cứu giấu giếm. Đối phương lo lắng cho sinh mệnh mình, bèn phát minh ra lối đánh phủ đầu. Mất tiêu cả luật pháp luôn.

Còn như phép dùng kỹ thuật lập hàng rào chắn bom dữ, thì tất nhiên đã được lo ráo riết. Năm 1983 ông Reagan nêu ra sáng kiến phòng thủ chiến lược. Reagan xướng lên, tức thì dư luận rùm beng tố cáo tai họa “chiến tranh không gian”. Nga xô bấy giờ la ó lớn tiếng nhất. Ít ai biết Nga xô đã bắt tay vào việc này từ đầu thập kỷ sáu mươi. Họ làm việc lặng lẽ. Trong không khí yên lặng ở quốc nội lẫn quốc tế, bấy giờ hệ thống phòng vệ chống hỏa tiễn của họ đã được thực hiện đến mức có thể ngăn chận được chín chục phần trăm các hỏa tiễn mang bom tiến vào Mạc-tư-khoa. “Bấy giờ” là lúc ông Teller kể chuyện với ông Guy Sorman, để ông này thuật lại trong một cuốn sách xuất bản năm 1989. Cách đây đã ngót 15 năm.

Kỹ thuật dùng hỏa tiễn chống hỏa tiễn rồi bị vượt. Dùng tia laser tốt hơn nhiều. Chờ bom được đưa lên trời, chờ nó hướng thẳng về mình, mới phóng tên lửa lên đón chận nó: trễ quá. Laser can thiệp ngay từ phút giây đầu tiên. Khi ông Reagan nêu ra ý kiến và bị phản đối về “chiến tranh không gian” thì ở Nga-xô đã có ước chừng một vạn người — từ các nhà bác học đến các kỹ sư — đang chăm chú tiến hành công việc nghiên cứu về laser. Trong kế hoạch chiến tranh không gian, Nga xô đi trước Mỹ độ mười năm, Edward Teller nghĩ rằng không chắc Mỹ sẽ bắt kịp khoảng cách ấy. Edward Teller là một trong nhóm mấy nhà bác học Los Alamos (Oppenheimer, Fermi, Einstein và Teller) đã cùng làm việc để chế ra quả bom nguyên tử đầu tiên hồi 1945. Các vị kia qua đời trước, Teller sống đến tháng 9 năm 2003 mới qui tiên. Ông còn nói về chuyện tia laser phá bom trên đường bay, chuyện rải những đám “sạn” long lanh (brillants pebbles) quanh địa cầu để phát giác ra hỏa tiễn địch ngay từ lúc chớm cất mình... Nhưng chúng ta bất tất tò mò về những chuyện xa xôi...

***

Luật pháp ngăn không nổi, kỹ thuật chận chưa xong. Mà vũ khí thì nó không ngừng phát triển, mà tình hình thì nảy sinh thêm nhiều bất trắc.

Về vũ khí, có thể có những món độc còn được giữ kín. Riêng một thứ bom H, vừa rồi nhân cha đẻ của nó là Edward Teller qua đời, ông Nguyễn Đức Tường có bài trên báo Thế Kỷ 21 (số 174, tháng 10-2003) nói về nhà bác học này và về “tác phẩm” của ông. Nguyên một món ấy, chỉ nghe qua đôi điều sơ lược đã khiếp. Ngày 31 tháng 10 năm 1952 Mỹ cho nổ thử trên đảo Elugelab ngoài khơi Thái Bình Dương một “bản nháp” sơ khởi của bom khinh khí. Nổ xong, đảo Elugelab biến mất tiêu. Bản nháp bom H ấy mang tên là Mike. Ông Nguyễn bảo “Mike có sức mạnh chừng 3 triệu tấn TNT. Thật ra Mike chưa thể gọi là một quả bom, vì nó như một nhà máy làm lạnh nhỏ để giữ tritium (...). Trong khi các chuyên gia hãy còn đang cấp tốc làm một quả bom “thật”, một loại bom “khô”, dùng chất đồng vị lithium thay vì tritium (...)”. Thứ bom “khô” quí báu ấy, Nga xô cho nổ một quả vào tháng 8-1953. Sang năm sau Hoa Kỳ cho nổ thử một quả bom “thật” chừng 20 triệu tấn TNT. Rồi Nga xô lại cho nổ bom 50 triệu tấn...

Ông Nguyễn nghĩ thế giới ngày nay đang sở hữu hơn ba mươi ngàn vũ khí nguyên tử, trong số đó “có những quả bom có thể mạnh tới 5000 lần quả bom ném xuống Hisroshima”. Ông suy đoán: “Cho nổ một quả bom ở thành phố Nữu Ước dù chỉ mạnh bằng một phần mười cũng thừa đủ để khiến cho bán đảo Manhattan cùng các vùng phụ cận biến khỏi mặt đất.”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tường là người am tường vấn đề, các suy tưởng và suy đoán của ông trình bày rành rẽ. Nghe tới đâu khiếp tới đó.

Xưa nay, người đánh nhau cứ đánh, đất vẫn tỉnh bơ. Chiến tranh dứt, Xích Bích vẫn còn Xích Bích, Đống Đa vẫn Đống Đa. Giành qua giật lại, đất dù có khi đổi chủ vẫn nằm đấy, nguyên vẹn. Bây giờ đổi đời: Bom mà gầm lên tức thì chỗ này mất biệt một hòn cù lao, chỗ kia đi đời một bán đảo. Ấy là bom nhỏ. Còn như chơi nhau bằng bom cỡ phải chăng thì còn gì các lục địa?

Thế đã nguy. Vũ khí lại mang tật bất trị: tật lén lút lang thang. Bom độc, thoạt tiên chỉ hai nước lớn chế tạo được. Rồi năm nước lớn. Dần dần lắm nước chưa lớn cũng có nó. Sau đấy các nước bé cũng có luôn. Bắc Hàn, Thổ-nhĩ-kỳ, Iran, Iraq, Syria, Libya v.v... tí toáy. Rồi nước Úc hiền khô, một mình nằm biệt ra một cõi lục địa, cũng ngứa ngáy tay chân. Không khéo đến lượt Congo, Ai-lao ... Cuối tháng 10-2003, theo cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) thì độ 40 quốc gia có khả năng làm bom nguyên tử. E đến một giai đoạn nào đó, mỗi lần họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong số 151 quốc gia, lỡ nước nào chưa kịp sắm bom nguyên tử nước ấy sẽ lo ngay ngáy bị mất thẻ hội viên chăng?

Chuyện vệ tinh lên không gian lăm le nối tiếp chuyện bom dữ. Thoạt đầu vài nước phóng vệ tinh. Rồi Trung Hoa là nước thứ ba. Ấn Độ, Nhật Bản đòi làm những nước thứ tư, thứ năm. Cứ thế rụp rụp.

Con người sống chung với nhau trên mặt đất vốn đã lục đục không ngớt. Thời đại mới lại phát sinh những bất trắc mới.

Người sinh sản nhanh thêm, sống lâu thêm. Chen chúc nhau, tất nhiên va chạm nhau. Va chạm vì tôn giáo, vì chủng tộc, vì chính trị, vì kinh tế v.v... Các phương tiện truyền thông rút ngắn sự giao tiếp, thu hẹp không gian: quả đất đâm ra chật chội, va chạm đâm ra thường xuyên. Trước chạm nhẹ, sau va mạnh, rồi đụng nhau đổ lửa.

Tất nhiên, để tránh đụng có cố gắng kềm giữ. Nhưng kềm giữ cách nào? Cứ xem năm sáu nước lớn mạnh xúm nhau kèm Bắc Triều Tiên đủ thấy khó khăn tới đâu. Lại xem cảnh nước Mỹ với Liên Hiệp Quốc cùng tra vấn Iraq, rồi Iran, rắc rối đến chừng nào. Kiểm soát không kỹ không xong; kiểm soát mà kỹ quá lại là lý do bùng nổ.

Chen chúc trong cảnh chật chội đã bất trắc. Người lại mỗi lúc một táo tợn, càng thêm bất trắc.

Liều mình, thí mạng mình để giết kẻ thù, từ trước vẫn có nhưng hiếm. Cho nên người can đảm được ghi danh vào sử sách. Bây giờ chuyện giấu bom vào người, thản nhiên đi vào đám đông để nổ bom, chuyện ấy xảy ra hàng ngày, ở mọi nơi bên Trung Đông: chợ búa, trường học, bến xe... đàn bà, trẻ con làm việc ấy đều đều. Áo với dây để buộc bom vào người được sản xuất sẵn sàng hàng mớ cho kịp cung ứng đầy đủ trên thị trường. Rất tiện xài.

Giết nhau hăng đến thế, thường xuyên đến thế, ngừa sao nổi. Cơ hội bùng nổ quá nhiều. Mà bùng nổ thì chí mạng.

Ngày trước nước nào bất ngờ bị một vố Trân Châu cảng có thể cố gắng phục hồi, rồi phục thù. Ngày nay, nếu lỡ hớ hênh sai sẩy, để bom H nó quầy cho một phen, thì không chìm mất dưới lòng biển cũng bò lê bò càng ra thôi, còn đánh đấm ai được nữa. Cho nên kẻ yêu đời (trong cái nghĩa đơn giản là còn thấy đời đáng sống, người đáng được tiếp tục thở), kẻ ấy lúc nào cũng lom lom rình rập dấu hiệu khả nghi, và lăm lăm một kế họach: tiên hạ thủ. Đánh phủ đầu không nhất thiết là phép đánh của nước lớn, của phía mạnh. Trận oanh kích ào ạt ở Trân Châu cảng trước kia là một trận phủ đầu. Vụ 9-11 hai năm trước đây - cùng lúc nhằm vào cả các trung tâm đầu não của chính quyền, quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ - cũng là một trận phủ đầu nữa, ngoạn mục ra gì. May cho Mỹ ở chỗ phía địch đánh trượt mất vài mục tiêu.

Đánh phủ đầu. Ra tay trước: Tức cốt thật nhanh. Tức có thể lầm, có thể sai quấy. Nguy hại biết chừng nào. Trong thời đại bom H, đó là cái nguy cho cả-và-thiên-hạ!

Edward Teller bảo rằng tổng thống Truman của Mỹ quyết định cho nghiên cứu về bom H và giao việc ấy cho ông (Teller) vào năm 1949, thì lúc bấy giờ ở Nga xô nhóm Andrei Sakharov đã tiến hành công việc được mười tám tháng. Nga đi trước Mỹ một năm rưỡi.

Vẫn Edward Teller, ông nghĩ về chuyện cũ: nhóm Los Alamos (có ông) loay hoay tìm cách làm bom A vào cuối đệ nhị thế chiến, còn Đức đã bắt tay nghiên cứu từ 1938, trước khi chiến cuộc bắt đầu. Giả sử lần ấy không phải Mỹ, mà là Nga xô-viết hay Đức quốc xã chế được bom nguyên tử trước tiên thì có phải là chế độ dân chủ đã đi đời, đã vắng bóng luôn trên mặt đất này rồi chăng?

Lần này, bom dữ không quyết định số mệnh một chế độ nào. Nó đòi quyết định số mệnh của loài người.

***

—Vậy thì loài người tận số tới nơi?

— Có sinh có diệt. Tận số, thì loài người cũng không thua kém bất cứ loài nào. Duy hai tiếng “tới nơi” nghe có rùng mình.

— Đừng qui cái lỗi cho lời lẽ. Không phải vì hai tiếng “tới nơi” mà rùng mình. Hãy trông vào sự kiện cụ thể: Một bên bom hung dữ; một bên người táo tợn. Từ bom A thoắt cái đã tới bom H; ai mà ngăn được: bom X, rồi bom Y, rồi bom Z xuất hiện mấy hồi. Còn nguời thì bâygiờ đi đâu cũng gặp Triệu Tử Long quấn chất nổ đầy người: gan cùng mình, “nhất thân đô thị đảm”. Quả đất mang đủ hai món nguy hiểm ấy mà quay vù vù như điên! Ai dám tưởng tượng cảnh ấy tiếp tục kéo dài được? Bác sống chừng ấy, tạm xem là phải chăng. Còn tôi, đang tuổi xuân xanh ... Ôi, tức tưởi.

— Yên trí. Ai dám chắc bạn ra đi lúc nào. Anh bạn có thể sống đủ số tuổi của ông Bành Tổ. Không chừng các con, rồi cháu của bạn cũng theo kịp Bành Tổ. Nói chuyện tận thế hãy đặt trong khung cảnh vũ trụ, hãy dùng lời lẽ với kích thước thích hợp. “Tới nơi” không có nghĩa đích xác là thập kỷ này hay thế kỷ tới. Biết đâu vào giữa thiên niên kỷ sau khắp bầu trời các làn sóng truyền thanh còn vang vang tiếng hát quan họ con cò bay lả bay la...

— Chao ôi! “Biết đâu”, “có thể”..., tiên tri mà chính xác đến thế...

— Là rất chính xác. Là hiếm có. Đối với những biến cố lớn, dù chuyện đã xảy ra trong tầm vóc quốc gia, cũng từng có những sai biệt hàng thế kỷ; huống hồ chuyện chưa xảy ra trong khung cảnh vũ trụ mà dám đòi chính xác hơn sao? Loài khủng long đã diệt chủng rồi, đố ai biết đúng thời điểm qua đời của con khủng long cuối cùng. Từng có thuyết cho rằng loài ấy mất tích cách đây 65 triệu năm. Lỡ có kẻ cao hứng bảo theo một cách tính mới mẻ của mình thì khủng long chỉ diệt chủng trước đây 64 triệu năm thôi, dễ gì bác bỏ? “Tiên tri” về loài người, có sai ngàn năm hay vạn năm, không ngại đâu.

— Một loài sinh vật nết hay gây gổ đến thế, tính tình táo tợn đến thế, nắm trong tay những kỹ thuật sát hại khủng khiếp đến thế... Mà đòi tiếp tục sống thêm cả trăm năm, cả ngàn năm?

— Không tưởng tượng nổi!

— Tưởng tượng là khả năng riêng của loài sinh vật người. Con ong, cái kiến, con cọp, con voi..., muôn loài sống theo cái mật mã gửi nơi mỗi di truyền tử. Trong di truyền tử mật mã (code génétique) Tạo Hóa đã có lệnh đặt ra để điều khiển cuộc sống các loài hết đời này đến đời khác. Riêng loài sinh vật người thì chọn tự do: Nó được trang bị cho khối óc để tự hướng dẫn lấy cuộc sống của mình. Nếu có sự hướng lầm về cửa tử: trách nhiệm thuộc về nó thôi.

Mình nó tự do, mình nó có trí thông minh, có suy tưởng, loài người hả hê: trong vũ trụ chỉ mình nó cất tiếng cười. Trong vũ trụ im lìm, trái đất đến đâu tiếng cười nổi lên inh ỏi tới đó: Nó đấy. Người đấy.

— Tính ra sinh vật người nào đã tồn tại được bao lâu?

— Chừng vài triệu năm chứ mấy? Hồi giống Homo erectus mới lom khom đứng dậy, chưa kịp thành hẳn ra con người, thời ấy cách đây mới hai triệu năm.

Nghe nói mấy chục năm trước một cậu bé ở Alabama thường lúi húi với lũ kiến, tò mò theo dõi kiến một cách thích thú. Lớn lên Edward O. Wilson thành một nhà sinh vật học nổi tiếng. Về già ông vẫn còn khoái kiến. Trong một chiếc hộp giấy ông cất giữ một viên mã nảo thật xinh, trong đó có con kiến nhỏ xíu đã hóa thạch. Ông khoe bắt gặp nó ở đảo Saint Domingue: con kiến ấy sống cách đây bốn triệu năm. Thuở Homo erectus loạng choạng cố tập đứng để làm người thì cụ kiến nọ đã thành hẳn ra kiến được vài triệu năm. Ngày nay loài người đứng mé bờ vực cheo leo, kiến vẫn an nhiên tự tại. Con sâu cái kiến vững chải quá, thấy mà ham. Mai kia, trái đất sứt mẻ tiếp tục cuộc hành trình — âm thầm, thui thủi — trong vũ trụ vắng tanh, không một tiếng cười, khi ấy kiến vẫn thong thả bò.

Khối óc thông minh của sinh vật người làm việc nhanh quá lắm. Có nhà khoa học (ông Motoo Kimura bên Nhật) đã thu dọn lịch sử vào một thí dụ cho dễ hiểu. Giả sử từ khi quả đất ra đời tới nay dài đúng một năm, thì quả đất xuất hiện ngày 1 tháng 1, sự sống bắt đầu vào giữa tháng 2, loài khủng long có mặt hôm 11 và mất tích vào ngày 26 tháng 12. Mãi tới 8 giờ tối hôm 31 tháng 12 mới thấy con người ló mặt ra. Thành tích mới mẻ của loài người là nền khoa học hiện tại vừa mới nẩy sinh ra vào 2 giây đồng hồ sau cùng.

Trong hai giây đồng hồ đã nên cơ sự thế này; khoa học phát triển độ một giờ thì sự thể biết đâu mà lường. Không chừng giống sinh vật người dám hoán dịch cả vị trí các tinh cầu, thu nhỏ cái này khuếch đại cái kia, đổi màu trời sắc nước, đổi cái nắng cái mưa... Vũ trụ lộn xộn hết trơn, vạn vật biến dạng biến tính ráo trọi; đấng Tạo Hóa sẽ rối trí biết chừng nào!

“Thông minh vốn sẵn tính trời”. Nói thế e sai. Óc thông minh quả là của Trời ban cho, nhưng đó không phải là tính nết gì cả. Cái nết gây gổ táo tợn là của loài người, nó gây tác hại lớn, gây khó cho Trời. Vì vậy có sự giới hạn số kiếp sinh vật người, hòng chận đứng cảnh đảo điên.

Thôi thì con người nên tự bảo: Nó vắn số không thọ bằng con kiến, nhưng trong kiếp sống ngắn ngủi nó được uống rượu, được ăn kem, ... là được hưởng những cái do trí óc người làm ra, không từng có sẵn trong thiên nhiên; nó lại được nhảy nhót trên mặt trăng, là chỗ do trí óc người chọn lựa, không phải do Trời chọn thả nó xuống. — Nó nên lấy thế làm an ủi. Làm hãnh diện cũng được luôn.

***

— Chúng ta táo bạo một cách lố lăng. Biết hẹp, nghĩ cạn, mà tham lam. Tôi chưa từng nghe nói có sự nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về ngày cuối cùng của loài người. Phải không? Nếu có xin mách nhau để tham khảo.

— Không biết. Cũng không cần biết. Chuyện chúng ta “tiến hành” đây không phải là nghiên cứu, là khảo, là học gì ráo. Đây là chuyện hoang tưởng của ngành sáng tác. Cốt tân kỳ, cốt tự do...

— Không chừng đó cũng là những nét cốt yếu của ngành tiếu lâm.

— Ơ hơ! Tiếng cười là riêng cho con người mà.

11-2003

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021