thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Diễn từ Templeton

 

Giải thưởng Templeton do Sir John Templeton (1912-2008) — một doanh nhân người Anh sinh tại Mĩ, được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ năm 1987 — lập ra vào năm 1972 và hiện nay do quỹ Templeton bảo trợ. Giải thưởng hàng năm được trao cho cá nhân có những đóng góp xuất sắc vào sự tiến bộ của tôn giáo và những thành quả trong lĩnh vực nghiên cứu và khám phá về tôn giáo và tâm linh. Đây là giải thưởng đi kèm với tiền thưởng rất lớn (1 triệu bảng Anh). Người đầu tiên được trao giải vào năm 1973 là Mẹ Teresa từ Calcuta, Ấn Độ.
 
Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn đã được trao tặng giải thưởng này vào năm 1983. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Diễn từ của ông tại buổi lễ trao giải, một bài tiểu luận gây rất nhiều tranh cãi.
 
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.

 

 

 

DIỄN TỪ TEMPLETON

Guildhall, London, 10-3-1983

 

Hơn nửa thế kỉ trước đây, khi còn là một đứa trẻ, tôi từng nghe nhiều người lớn tuổi giải thích nguyên nhân của những chấn động khủng khiếp đã giáng xuống nước Nga: “Con người đã quên Chúa, duyên do chỉ thế thôi”.

Kể từ đó, miệt mài gần nửa thế kỉ nghiên cứu lịch sử cuộc cách mạng của đất nước chúng tôi, đọc hàng trăm quyển sách, thu thập hàng trăm lời chứng, và cá nhân đã đóng góp 8 tập sách vào công cuộc dọn dẹp đống đổ nát tang thương ấy, hôm nay nếu được yêu cầu trình bày một cách cô đọng nhất nguyên nhân chính của cuộc cách mạng huỷ diệt, đã nuốt chửng khoảng 60 triệu người dân chúng tôi, tôi không cách nào diễn đạt chính xác hơn là lặp lại câu nói: “Con người đã quên Chúa, duyên do chỉ thế thôi”.

Hơn nữa, vào cuối thế kỉ này, những sự kiện của cuộc cách mạng Nga chỉ có thể hiểu được dựa trên bối cảnh của những gì đã diễn ra tại phần còn lại của thế giới từ thời đó. Ở đây một quá trình chung được sáng tỏ. Nếu như có ai yêu cầu tôi gọi đích danh vắn tắt một nét đặc trưng của thế kỉ XX, thì tôi cũng không thể tìm được lời nào chính xác và cô đọng hơn là: “Con-người-đã-quên-Chúa”.

Toàn bộ tội ác chủ yếu của thế kỉ này được xác định là do những thói tệ hại của í thức con người, thiếu đỉnh cao đức tin tôn giáo. Tội ác đầu tiên — đó là cuộc Thế chiến thứ nhất, và nhiều tội ác của chúng ta ngày nay — cũng từ đó mà ra. Một châu Âu rực rỡ, thịnh vượng, tràn trề nhựa sống điên cuồng lao vào cuộc chiến mà giờ đây kí ức về nó dường như đã mờ nhạt, tự cắn xé, tự huỷ diệt bản thân, có lẽ còn tàn khốc hơn cả trăm năm phá hoại, mà có khi còn bằng cả thiên thu — chẳng có lời giải thích nào khác hơn cho cuộc chiến này là sự mê muội hoàn toàn í chí của giới lãnh đạo, do đánh mất í thức về một đấng Tối cao hiện hữu bên trên. Chỉ có sự căm hận vô đạo mới có thể xô đẩy các nước bề ngoài theo Thiên Chúa giáo dùng đến hơi độc hoá học, một thứ vũ khí rõ ràng đã nằm ngoài giới hạn nhân tính.

Vẫn cái thói tệ hại của í thức thiếu đỉnh cao đức tin tôn giáo, bộc lộ sau Thế chiến thứ hai, khi buông mình theo cám dỗ của quỷ Sa-tăng - “đám mây nấm hạt nhân”. Có nghĩa là: ta hãy vứt bỏ mối quan tâm, hãy vứt bỏ bổn phận và trách nhiệm của thế hệ trẻ, hãy thôi cố gắng bảo vệ chính mình hoặc kẻ khác - hãy bịt tai trước tiếng rên siết từ phương Đông, và hãy sống để theo đuổi hạnh phúc, nếu có nguy cơ đe doạ chúng ta - đã có bom hạt nhân bảo vệ, còn không - thì mặc xác thế giới này ra tro trong biển lửa! Tình trạng bất lực đáng thương kia mà phương Tây ngày nay phải đối mặt phần lớn là do sai lầm chết người ấy: niềm tin bảo vệ thế giới không phải là những trái tim quả cảm, không phải là những con người bất khuất, mà lại chính là bom hạt nhân. Chỉ khi đánh mất í thức về đức tin tôn giáo, sau Thế chiến thứ nhất phương Tây mới có thể thờ ơ với nước Nga nhiều năm đau thương chết chóc, bị bè lũ khát máu giày vò, còn sau Thế chiến thứ hai - cũng thái độ i như vậy đối với Đông Âu. Và bắt đầu quá trình trăm năm chết chóc của cả thế giới - phương Tây không chỉ khoanh tay đứng nhìn mà thậm chí còn tiếp tay cho việc đó. Suốt thế kỉ chỉ một lần duy nhất phương Tây tập trung sức lực cho cuộc chiến chống lại Hitler. Song thành quả đã tan biến lâu rồi. Đã tìm được phương thuốc gây mê để chống lại lũ quỷ dữ ăn thịt người trong thế kỉ vô đạo này - mua bán mặc cả với chúng. Đỉnh cao trí tuệ của ngày nay là thế đấy. Thế giới ngày nay đang tiến đến một giới hạn mà nếu mô tả ra cho những người của thế kỉ trước, thì chắc chắn được nghe một giọng thốt lên: “Tận thế rồi còn gì!”

Tuy nhiên chúng ta đã quen với nó, thậm chí còn thoải mái sống trong đó.

Dostoevsky đã cảnh báo: “Những sự kiện khủng khiếp có thể xảy đến và bất thình lình đổ ập lên lực lượng trí thức.” Việc ấy quả đã xảy ra. Ông tiên đoán: “Thế giới sẽ được cứu rỗi chỉ sau khi xuất hiện quỷ dữ tàn phá.” Thế giới có thật sự được cứu rỗi hay không? — ta còn phải chờ xem: điều này phụ thuộc vào lương tâm, vào sự toả sáng, vào nỗ lực của từng cá nhân và tập thể chúng ta khi đối mặt với thảm hoạ. Nhưng chuyện đã rồi là quỷ dữ đã ngạo nghễ thổi trận cuồng phong trên khắp năm châu lục. Chúng ta đã chứng kiến, có nơi bị tàn phá ngoài í muốn, có nơi thì cố tình tàn phá thế giới này. Thế kỉ XX bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa vô thần và tự huỷ diệt. Và không còn nghi ngờ gì, tồn tại những nét đặc trưng có tính toàn cầu trong việc thế giới bị rơi xuống vực thẳm không đáy, không phụ thuộc vào hệ thống chính trị của những quốc gia, vào mức phát triển kinh tế và văn hoá, vào đặc điểm dân tộc. Và châu Âu ngày nay, gần như ít nhiều tương tự nước Nga vào năm 1913 — đang đứng trước sự suy thoái, mặc dù xảy ra theo cách khác. Những phần khác nhau của thế giới đi theo những con đường khác nhau — nhưng hôm nay tất cả đều tiến đến bờ vực chết chóc duy nhất.

Nước Nga đã từng biết đến những thế kỉ huy hoàng trong lịch sử của mình, khi lí tưởng xã hội không phải là tiếng tăm, sự giàu có, phồn vinh vật chất, mà là nếp sống của đức tin thiêng liêng. Thời đó nước Nga thấm đẫm tinh thần Chính thống giáo, vốn trung thành với Giáo hội nguyên thuỷ của những thế kỉ đầu tiên. Chính thống giáo cổ xưa ấy đã biết bảo vệ dân tộc mình dưới ách ngoại xâm kéo dài hai ba thế kỉ, đồng thời cũng chống lại những nhát gươm tàn bạo của đội quân Thập tự chinh phương Tây. Trong suốt những thế kỉ này, đức tin Chính thống giáo đã trở thành nếp nghĩ và tính cách của người dân chúng tôi, thành kiểu mẫu đức hạnh, thành xây dựng gia đình, thành nề nếp sinh hoạt, thành lịch lao động, thành thứ tự công việc hàng tuần, hàng năm. Đức tin đã là nguồn lực thống nhất và củng cố dân tộc.

Nhưng vào thế kỉ XVII, Chính thống giáo Nga bị tàn phá vì sự phân rã nội bộ nghiêm trọng. Đến thế kỉ XVIII, nước Nga lại rung chuyển dưới một loạt cải cách do Piotr đại đế dùng vũ lực áp đặt, chú trọng về kinh tế, nhà nước và chiến tranh nhưng lại trấn áp tinh thần tôn giáo và đời sống dân tộc. Cùng với sự khai sáng thiên lệch này, một làn gió tẩm độc của chủ nghĩa thế tục thổi đến nước Nga, ngấm dần vào tầng lớp có học suốt thế kỉ XIX để dọn sẵn một con đường thênh thang đến chủ nghĩa Marx. Đức tin hầu như đã biến mất trong giới có học Nga vào thời điểm trước cách mạng. Trong giới thất học thì đức tin cũng bị lâm nguy.

Lại chính Dostoevsky, từ thực tiễn cuộc cách mạng Pháp sục sôi căm thù với Giáo hội, đã kết luận: “Cách mạng nhất thiết phải bắt đầu từ chủ nghĩa vô thần.” Quả là như thế. Nhưng trước đây thế giới chưa từng biết đến một sự vô đạo nào có tổ chức, được vũ trang, và hiểm ác như trong chủ nghĩa Marx. Trong hệ thống triết học của Marx và Lenin, và trong cốt lõi tâm lí của họ, ác cảm với Thiên Chúa là động lực chính, còn cơ bản hơn tất cả các tuyên bố sai lầm của họ về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa vô thần hiếu chiến — không phải là bộ phận, không phải ngoại vi, không phải hậu quả thứ yếu của chính sách cộng sản, mà chính là trọng tâm cốt lõi. Để đạt được mục đích quỷ dữ của nó, cần phải cai trị dân chúng vô thần, vô dân tộc, huỷ diệt đức tin và dân tộc — khắp nơi những người cộng sản tuyên bố hoàn toàn công khai cả điều này lẫn điều kia và cũng công khai thực hiện chúng. Thế giới vô thần cần cắt cổ, cần huỷ diệt tôn giáo đến mức nào — có thể thấy ở cái mạng lưới nhền nhện mưu sát Đức Giáo hoàng cách nay chưa lâu.

Thập niên 20 ở Liên Xô đã chứng kiến những chuỗi dài dằng dặc giới tu sĩ Chính thống giáo tử vì đạo. Hai vị đại giáo chủ bị hành quyết, trong đó có ngài Veniamin thuộc giáo phận Petrograd, được toàn thể giáo dân bầu chọn. Chính đức Tổng Giám mục Tikhon đã trải qua màn thẩm vấn điều tra của Cheka-GPU, để rồi sau đó chết trong hoàn cảnh đáng ngờ. Hàng chục tổng giám mục và giám mục. Hàng chục ngàn giáo sĩ, tu sĩ và nữ tu, bị Chekist ép phải chối bỏ Lời Chúa, bị tra tấn, bị hành quyết dưới các tầng hầm, bị tống vào trại cải tạo, bị đày đến vùng thảo nguyên hoang vu cực Bắc, đến lúc tuổi già thì bị quẳng ra đường trong cảnh đói khát, không nơi nương tựa. Tất cả những vị tử vì đạo này, vì đức tin sẵn sàng chấp nhận cái chết, rất hiếm trường hợp run sợ và chối bỏ đạo. Con đường đến với nhà thờ của hàng chục triệu giáo dân bị ngăn chặn, họ bị cấm dạy dỗ đức tin cho con trẻ, những bậc cha mẹ có đức tin đã bị đưa vào tù ngục để chia lìa với con trẻ, còn con trẻ thì bị sự dối trá và doạ dẫm khiến phải xa lánh đức tin.

Có thể khẳng định, sự tàn phá vô nghĩa kinh tế nông thôn Nga những năm 30, trong cái chiêu bài đánh địa chủ, tập thể hoá nông nghiệp, giết hại 15 triệu nông dân và không có một í tưởng quản lí kinh tế nào, được thực hiện một cách tàn độc chỉ với một mục đích chính — phá vỡ nếp sống dân tộc và xoá bỏ tôn giáo khỏi thôn quê. Và âm mưu đày đoạ tinh thần đó lan toả trong quần đảo GULAG thú dữ, nơi con người tồn tại bằng cái chết của người khác. Ngày nay chỉ những kẻ vô đạo không gì cứu vãn mới có thể rắp tâm thực hiện tại Liên Xô sự tận diệt thiên nhiên: nhấn chìm phương Bắc nước Nga, thay đổi dòng chảy các con sông phía Bắc, phá vỡ sinh thái Bắc băng dương và dẫn nước về phương Nam, nơi trước kia đã bị huỷ hoại bởi những thứ vớ vẩn được mệnh danh là “các công trình vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản”. Chỉ trong một giai đoạn ngắn, khi cần tập hợp mọi nguồn lực chống lại Hitler, Stalin đã bày trò vô sỉ với Giáo hội — trò lừa đảo này, sau đó lại được Brezhnev tô phết lại bằng các ấn phẩm quảng cáo,— chẳng may lại làm cho phương Tây tưởng thật. Tuy nhiên sự căm ghét tôn giáo vốn có sẵn trong gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản đến mức nào, có thể luận ra từ Khrushyov, nhà lãnh đạo cấp tiến nhất của bọn họ, dù rằng ông ta có thực hiện một số bước đáng kể để nới rộng tự do. Cùng với những cải cách đó, Khrushyov đồng thời làm sống lại ngòi nổ của chủ nghĩa Lenin trong việc tiêu diệt tôn giáo.

Nhưng có điều họ không ngờ: chính tại nơi nhà thờ bị san bằng, nơi chủ nghĩa vô thần ăn mừng chiến thắng và mặc sức hoành hành trong hai phần ba thế kỉ, nơi giới tu sĩ bị lăng nhục, bị tước mất tự do, và những gì còn sót lại trong lớp vỏ bề ngoài của Giáo hội, được chấp nhận duy nhất cho mục đich tuyên truyền nhắm vào phương Tây, nơi đến tận hôm nay vẫn còn có người bị tống vào trại cải tạo vì đức tin, và ngay cả bên trong các trại này, những ai tụ họp lại để cầu nguyện vào dịp lễ Phục sinh cũng bị nhốt vào xà lim biệt giam — dưới cỗ máy ủi cộng sản ấy, truyền thống Thiên Chúa giáo ở Nga vẫn sống sót! Đành rằng hàng triệu đồng bào chúng tôi đã bị suy sụp và sa đoạ về đức tin do chính quyền gây nên, song vẫn còn có hàng triệu tín hữu khác, chỉ vì bị đàn áp mà không dám công khai bày tỏ chính kiến, nhưng cũng giống như trong thời kì truy bức và khổ nạn, í thức về Chúa ở nước tôi đã đạt đến mức độ sâu sắc tinh tế hơn nhiều.

Chính ở đây chúng ta nhìn thấy ánh bình minh hi vọng: vì cho dù chủ nghĩa cộng sản có dựng tua tủa hoả tiễn và xe tăng lên, cho dù nó có thành công trong việc chiếm được hành tinh này, nhất định không bao giờ nó khuất phục được Thiên Chúa giáo. Phương Tây chưa trải nghiệm hoạ cộng sản xâm lăng, tôn giáo ở đây vẫn còn tự do. Nhưng chính con đường lịch sử của phương Tây cũng dẫn đến sự cạn kiệt về í thức tôn giáo. Phương Tây đã từng chứng kiến sự li giáo đau thương, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, và hận thù chồng chất. Rồi còn từ thời hậu Trung cổ, cơn sóng của chủ nghĩa thế tục đã tràn ngập phương Tây, sự khoét ruỗng sức mạnh nội tại còn nguy hiểm hơn bất kì sự đốt phá nào bên ngoài, đã là hiểm hoạ to lớn đối với đức tin.

Qua hàng chục năm bị xói mòn, khó còn nhận ra khái niệm í nghĩa cuộc sống ở phương Tây dần dần bị đánh mất, giờ đây chẳng còn gì cao quý hơn là “mưu cầu hạnh phúc”, một mục tiêu thậm chí được khẳng định trân trọng trong các hiến pháp. Những khái niệm về cái Thiện và cái Ác đã bị giễu cợt suốt vài thế kỉ, và hoàn toàn bị loại khỏi hội thoại thông thường, bị thay thế bằng những khái niệm chính trị và giai cấp, vốn yểu mệnh về giá trị. Ta đâm ra xấu hổ khi viện dẫn những khái niệm đã có từ lâu đời, ta thấy ngượng khi nói rằng cái Ác ngự trị trong trái tim con người trước khi len lỏi vào hệ thống chính trị, ấy vậy mà tuyệt nhiên không thấy xấu hổ khi nhượng bộ cái Ác tích tụ mỗi ngày — và theo cái đà sụt lở của những nhượng bộ ấy, sờ sờ trước mắt thế hệ chúng ta, lẽ tất yếu là phương Tây đang trôi dần đến vực thẳm. Xã hội phương Tây ngày càng đánh mất dần cốt lõi tôn giáo và vô tư buông xuôi thế hệ trẻ cho chủ nghĩa vô thần. Có cần thêm bằng chứng về sự vô đạo nữa hay chăng, nếu như một cuốn phim báng bổ Chúa Jesus được chiếu rộng rãi khắp Hoa Kì, một quốc gia được xem là sùng đạo nhất thế giới? Hay như một tờ báo thủ đô đăng một biếm hoạ trơ trẽn về Đức Mẹ đồng trinh? Khi những quyền bên ngoài được mở rộng, vì sao phải cố nhủ trong lòng tránh làm điều xấu xa?

Hay vì sao phải kìm nén căm hờn nung nấu trong tim, dù là hận thù chủng tộc, hận thù giai cấp hay í thức hệ đi chăng nữa? Ngày nay lòng hận thù đang gặm nhấm tâm hồn nhiều con người. Những bậc thầy vô thần đang dạy dỗ thế hệ trẻ lòng hận thù với xã hội của chính họ. Trong những lời công kích ấy đã bỏ sót một điều, thói hư tật xấu của chủ nghĩa tư bản chính là các thói tật gốc rễ trong bản chất con người, được tự do không giới hạn cùng với nhiều quyền con người khác; trong chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa cộng sản thấp thoáng đằng sau tất cả các hình thức trung dung của chủ nghĩa xã hội, những hình thức ấy không ổn định) vẫn các thói tật hệt như vậy đầy rẫy ở những kẻ có chút quyền lực; còn mọi người khác thật sự đạt được “bình đẳng” — thứ bình đẳng của lũ nô lệ bần cùng. Ngọn lửa hận thù được thổi bùng đang trở thành bầu không khí của thế giới tự do hôm nay, và tự do cá nhân càng mở rộng hơn, sự sung túc và thậm chí mức độ tiện nghi của xã hội càng cao hơn, thì nghịch lí thay, lòng hận thù mù quáng càng sâu sắc hơn. Như vậy, một phương Tây phát triển của hôm nay rõ ràng đã minh chứng sự cứu rỗi loài người không phải ở sung túc vật chất hay ở kinh doanh thành đạt.

Ngọn lửa hận thù đang lan toả đến tất cả những gì hiện hữu, đến chính cuộc sống, đến thế giới muôn vẻ, muôn thanh sắc, đến thân xác con người — cái nghệ thuật tàn nhẫn của thế kỉ XX đang lụi tàn vì lòng hận thù quái gở này — vì lẽ nghệ thuật chỉ là vô ích nếu thiếu tình yêu. Ở phương Đông, nghệ thuật suy tàn vì nó bị hạ gục và bị chà đạp; còn ở phương Tây, sự sa ngã có tính chất tự nguyện, trong sự tìm tòi hợm hĩnh hoang tưởng của người nghệ sĩ, thay vì thể hiện í tưởng của Thiên Chúa, lại cố đặt mình thay địa vị của Chúa.

Ở đây, một lần nữa, kết cục duy nhất của một quá trình, trùng hợp giữa phương Tây và phương Đông, xuất phát từ một nguyên do duy nhất: Con-người-đã-quên-Chúa.

Trước sự tấn công ồ ạt của chủ nghĩa vô thần, các tín hữu bị phân tán và mất dần. Tuy thế, vẫn có cộng đồng Thiên Chúa giáo — cựu giáo dân — không hề xao nhãng, chẳng hạn như miền Viễn Đông. Cách đây không lâu, tôi có dịp quan sát ở Nhật Bản và Đài Loan — dường như trong một mức độ ít rõ ràng nhất của những đại diện tôn giáo, cũng trong tinh thần “tự do tín ngưỡng” như ở phương Tây — cả xã hội, cả giới trẻ vẫn còn giữ gìn được tinh thần đạo đức luân lí hơn ở phương Tây, ít bị tác hại hơn bởi chủ nghĩa thế tục. Biết nói gì về sự phân rã của các tôn giáo khác nhau, nếu tự thân Thiên Chúa giáo cũng phân li như thế?

Trong những năm gần đây, giữa các Giáo hội Thiên Chúa giáo đã tiến hành những bước hoà giải. Song hành động quá chậm chạp, trong khi thế giới suy tàn nhanh hơn gấp trăm lần. Không trông mong vào sự hợp nhất các Giáo hội, không phải thay đổi giáo lí, mà chỉ cần cùng siết tay nhau chống lại chủ nghĩa vô thần — những bước hành động tỏ ra quá chậm chạp. Cũng tồn tại phong trào có tổ chức nhằm liên kết các Giáo hội, song rất lạ lùng. Hội đồng Giáo hội thế giới, vị tất đã đạt được thắng lợi của phong trào cách mạng tại các nước thuộc thế giới thứ ba, tuy nhiên lại mù tịt về vấn đề đàn áp tôn giáo ở nơi được thực hiện triệt để nhất — cụ thể là tại Liên Xô. Không thể không thấy được điều đó — nghĩa là vẫn còn chuộng kiểu chính trị: không biết và không can thiệp? Vậy khi đó thì Thiên Chúa giáo còn gì?

Với niềm cay đắng sâu sắc, tôi phải nói ra ở đây, vì không dám im lặng, người giành được giải thưởng này trước tôi vào năm ngoái, và thậm chí vào chính những tháng nhận giải thưởng, đã công khai ủng hộ sự dối trá của chủ nghĩa cộng sản, khi tuyên bố một cách đáng công phẫn là không thấy hiện tượng đàn áp tôn giáo tại Liên Xô. Hãy để đấng Bề trên phán xét sự lăng nhục ấy đối với tất cả những con người đã hi sinh và bị đàn áp.

Ngày nay chúng ta càng thấy trên bình diện rộng lớn hơn, trong những hành xử tuỳ cơ ứng biến tinh vi mang màu sắc chính trị — chiếc thòng lọng tròng vào cổ nhân loại cứ mỗi một thập niên lại càng được siết chặt hơn và khó bề cứu vãn, và không có lối thoát, kể cả hạt nhân, cả chính trị, cả kinh tế, cả sinh thái, cho bất cứ ai và bất cứ ở đâu. Phải, rất giống như vậy. Và trước hàng núi, hàng đống sự kiện thế giới như thế, dường như không thích hợp, không đúng chỗ, khiến ta nhớ lại rằng vấn đề mấu chốt cho sự tồn tại và không tồn tại của chúng ta — chính là ở trong trái tim mỗi con người, trong sự hướng về cái Thiện hay cái Ác cụ thể. Điều này đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: đó là chìa khoá đáng tin cậy nhất. Các lí thuyết xã hội đầy hứa hẹn đã phá sản, đưa chúng ta vào ngõ cụt. Người dân tự do phương Tây có thể nhận thức một cách tự nhiên là không ít những điều dối trá được tự do nuôi dưỡng vây quanh họ, và không cho phép gỡ bỏ chúng một cách dễ dàng. Mọi cố gắng để tìm lối thoát khỏi tình trạng thế giới ngày nay đều vô ích, nếu như không chuyển hướng í thức sám hối của chúng ta đến đấng Tạo hoá: chẳng có lối thoát nào được soi sáng, chúng ta sẽ tìm kiếm trong vô vọng — gia tài chúng ta còn lại cho mình quá nghèo nàn.

Trước tiên cần phải nhìn nhận nỗi kinh hoàng ấy không phải do thế lực bên ngoài nào đó gây ra, không phải do kẻ thù dân tộc hay giai cấp, mà trong từng mỗi cá nhân chúng ta, trong mỗi xã hội, thậm chí trong một xã hội tự do và phát triển cao, đặc biệt vì lẽ ở đây, chúng ta tự tạo ra mọi thứ bằng í chí tự do. Chính chúng ta, với sự ích kỉ vô tâm hàng ngày, đang siết chặt thêm cái thòng lọng đó. Chúng ta tự hỏi: phải chăng lí tưởng của thế kỉ này quá ư giả dối? Và thuật ngữ thời thượng của chúng ta quá đỗi tự tin? Và với cái toa thuốc hời hợt ấy, làm thế nào mà cứu vãn được tình hình? Cho đến khi còn chưa muộn, cần phải xem xét lại bằng cái nhìn trong sáng từng lĩnh vực hoạt động. Giải quyết khủng hoảng không nằm trong phương cách của những í niệm lĩnh hội được hàng ngày.

Cuộc sống chúng ta không gói gọn trong việc mưu cầu những thành công vật chất, mà trong việc tìm kiếm sự phát triển tinh thần xứng đáng. Toàn bộ kiếp sống trần thế của chúng ta chẳng qua chỉ là một nấc thang chuyển tiếp, để hướng tới một nấc cao hơn, và không được vấp ngã khỏi nấc thang ấy, cũng không được đứng giậm chân vô ích ở đó. Chỉ mỗi quy luật vật chất thì chẳng thể nào lí giải được và định hướng được cuộc sống chúng ta. Từ những định luật vật lí và sinh lí chẳng đời nào hé mở một điều gì chắc chắn mà đấng Tạo hoá đã liên tục hàng ngày tham dự vào đời sống của mỗi một người trong chúng ta, luôn ban cho chúng ta năng lượng để tồn tại, mà khi ân huệ này không còn nữa — chúng ta sẽ chết. Và Tạo hoá cũng tác động lên cuộc sống của toàn bộ hành tinh này không kém phần mạnh mẽ — phải cảm nhận điều này trong thời khắc tăm tối và hãi hùng của ta.

Chúng ta có thể đối phó với hi vọng hão huyền của hai thế kỉ vừa qua, đã đưa chúng ta đến diệt vong và đến bờ vực thẳm của cái chết hạt nhân cũng như không phải do hạt nhân, chỉ bằng cách bền bỉ tìm kiếm bàn tay ấm áp của Chúa, thứ mà chúng ta đã chối bỏ một cách quá vô tư và quá tự tin. Khi đó chúng ta mới sáng mắt trước những sai lầm của thế kỉ XX bất hạnh này và chung tay hướng đến sửa chữa sai lầm. Ngoài điều đó ra, chúng ta chẳng còn gì để bám víu trong cơn đất lở này, chẳng còn trông mong gì vào hết thảy các nhà tư tưởng Khai sáng.

Năm châu lục đang trong trận cuồng phong. Song chính qua những thử thách như thế, khả năng cao quý của tâm hồn con người mới được thể hiện. Nếu như chúng ta bị huỷ diệt và mất đi thế giới này — lỗi lầm ấy dứt khoát thuộc về chúng ta.

 

 

-----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021