thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba cách nói về sự im lặng

 

Để tưởng niệm

 

Bài thơ “Ba từ lạ nhất” của nhà thơ Ba Lan Wisława Szymborska (1923-2012) có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt, một của Nguyễn Thái Linh, một của Hoàng Ngọc-Tuấn. Đây là một bài thơ ngắn, gồm ba khổ, mỗi khổ gồm hai câu, trình bày một cách tinh tế mối tương quan lạ lùng của việc phát âm ra một chữ và ý nghĩa của nó. Ở khổ giữa, nhà thơ nói đến chữ im lặng. Hai câu sau đây lấy từ bản dịch tiếng Anh “Three Oddest Words”:

When I pronounce the word Silence,
I destroy it.

Nguyễn Thái Linh dịch từ nguyên tác:

Khi tôi phát âm từ “im lặng”
tôi tàn phá nó.

Và Hoàng Ngọc-Tuấn dịch từ bản Anh văn của Vuyelwa Carlin, “Three words most strange”:

Ngay khi tôi nói Im Lặng,
tôi đánh vỡ nó.

Lần đầu tiên đọc bản dịch của Nguyễn Thái Linh, tôi đã có ấn tượng rất mạnh với chữ tàn phá. Và chính nhờ ấn tượng này, tôi phát hiện rằng nó không thật trùng khớp với cảm nhận của mình. Tôi tự hỏi xem mình sẽ chọn chữ nào, và nhanh chóng nhận ra đó phải là chữ phá huỷ. Tôi phá huỷ nó.

Không biết trong nguyên tác chữ gốc của tàn phá/đánh vỡ/phá huỷ là gì, nhưng chọn lựa những lối dịch khác nhau chắc không thể đơn giản chỉ là cuộc bốc thăm ngẫu nhiên trước những từ gần nghĩa. Tôi nghĩ về mỗi chọn lựa để rồi khám phá ra chúng đã tạo nên những sắc thái rất riêng của sự im lặng.

 

Chữ tàn phá cho tôi cảm giác hữu thể bị tàn phá có tính chất mênh mông.

Chữ đánh vỡ cho tôi cảm giác hữu thể bị đánh vỡ có tính chất mỏng mảnh.

Chữ phá huỷ cho tôi cảm giác hữu thể bị phá huỷ có tính chất bảo bọc.

Cái bị tàn phá thường trừu tượng, không sở hữu một biên giới cụ thể, và do đó sự tàn phá không có tính toàn triệt. Thiên tai tàn phá mùa màng, chiến tranh tàn phá kinh tế, là những sự tàn phá khiến cho cái bị tàn phá suy yếu, kiệt quệ, nhưng không hoàn toàn bị tiêu diệt. Cái tổng thể làm nên nó vẫn hiện hữu dù sứt mẻ.

Cái bị đánh vỡ, vật chất hay phi vật chất, thường thuộc về cá nhân, chẳng hạn một kỷ vật, một món đồ dùng, một mối quan hệ sâu sắc, những thứ cần được giữ gìn cẩn thận. Sự đánh vỡ, vì vậy, nhuốm màu cảm tính và riêng tư. Bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” của T.T.Kh. đã dùng chữ vỡ trong ý niệm tương tự:

Bảo rằng hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Dưới con mắt lãng mạn, cái bị đánh vỡ vĩnh viễn mất đi cùng nội hàm của nó.

Cái bị phá huỷ ở đâu đó giữa cái bị tàn phácái bị đánh vỡ. Nó thường là điều gì cụ thể nhưng vượt khỏi giới hạn cá nhân. Nó gần gũi như một ngôi nhà. Khác với cái bị tàn phá, nó có thể bị làm cho biến mất tuyệt đối. Khác với cái bị đánh vỡ, nó mang những giá trị phổ quát và do vậy có thể được tái tạo. Bom đạn phá huỷ trường học, chùa chiền, thành phố, nhưng rồi trường học, chùa chiền, thành phố, sẽ được xây dựng trở lại.

Khi sự im lặng bị tàn phá nó đã mang âm điệu của hư vô. Tôi im lặng và mọi người im lặng. Sự tàn phá dù dữ dội bao nhiêu cũng chỉ đẩy lùi sự im lặng tạm thời. Sự im lặng vẫn trùm khắp. Cuộc sống sẽ tiếp tục trong không gian im lặng.

Khi sự im lặng bị đánh vỡ nó đã là một viên ngọc. Tôi im lặng nhưng không ai khác im lặng. Sự đánh vỡ mãi mãi mang nó ra khỏi thế giới. Thoả hiệp với ngôn từ hay chấp nhận trở thành một kẻ lưu vong?

Khi sự im lặng bị phá huỷ nó đã là một trú xứ. Tôi im lặng và một số người im lặng, dù đôi khi chỉ có hai trên một nghìn.[*] Sự phá huỷ bắt buộc tôi vượt khỏi trú xứ này để đi tìm hoặc tạo tác một trú xứ khác. Để làm chi? Để sáng tạo? Để thấy mọi trú xứ đều có cùng dáng dấp? Hay để, như nhà thơ đã viết trong câu cuối, “tạo tác điều chẳng hư không nào chứa nổi”?

 

Ba chọn lựa khác nhau đưa ra ba con đường đi ngang qua chữ im lặng. Những chọn lựa trên của ý thức hay của vô thức? Tôi thực sự không biết. Tại sao lại đi ngang mà không đi vào? Bởi vì, tôi đã không đi theo lối xông thẳng đến những hình thức, ý nghĩa, hay nhạc điệu của bài thơ. Tôi chỉ âm thầm đi ngang những chữ. Ngang qua những chữ của tiếng nước tôi, có lẽ để nhớ tới những điều thân thuộc.

 

5/2/2012

 

_________________________

[*]Bài thơ “Một số người thích thơ” cũng của Szymborska, bản dịch của Tạ Minh Châu, có những câu như sau:

 
Một số người
 
có nghĩa không phải là tất cả
thậm chí không phải là số đông
mà chỉ là thiểu số
không kể các trường, nơi người ta phải học
không kể chính các nhà thơ
có lẽ những người đam mê
chỉ có hai trên một nghìn

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021