thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Sự tùy tiện” phá phách, đầy thách đố trong cách ứng xử với đề tài lịch sử ở các sáng tác của Trần Vũ

 

Nhiều truyện ngắn của Trần Vũ được dựng trên các sự kiện, và tên tuổi của nhiều nhân vật lịch sử. Nhưng chưa khi nào nhà văn phải nỗ lực dựng hình ảnh của các sự thật lịch sử và các nhân vật lịch sử như một kiểu chân dung truyền thần theo đúng những gì mà sử quan đã vẽ trong các bộ sử của nước Việt. Bởi “tôi không viết truyện lịch sử”. [1] Chính vì thế Trần Vũ không chịu bất cứ gánh nặng, hay ràng buộc nào với các “bản gốc” được lưu trong chính sử, và đồng thời nhà văn không ngần ngại tháo tung cương cho trí tưởng tượng của mình, cho phép nó được quyền hư cấu thẳng tay, được quyền lựa chọn góc độ tiếp cận lịch sử theo cách nhìn nhận của mình. Những gì được thể hiện trong tác phẩm của Trần Vũ là sự hiện thực hóa cho chính quan điểm nhà văn chủ trương — “lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức” (tên một tiểu luận của tác giả). Chỉ có điều trong tác phẩm của nhà văn, sự tùy tiện trong cách ứng xử với đề tài này là một tùy tiện táo bạo, “xấc xược” đến mức phá phách. Thậm chí, nó trở thành một khiêu khích, một thách đố với những cách ứng xử quen thuộc trong truyền thống văn học Việt Nam.

Trần Vũ quan niệm cách viết về những nhân vật lịch sử: “Trong hình học không gian, đường cong khi cắt ra làm trăm triệu đoạn nhỏ, mỗi đoạn sẽ là một đường thẳng, và trên đường thẳng đó các giá trị không ứng nghiệm trên các mặt phẳng khác, sẽ có nghiệm số ở mặt phẳng tí teo này. Định lý toán học trên cũng có thể hỗ trợ cho các nhà văn đem nhân vật lịch sử ra cắt làm trăm triệu khúc và khảo sát phần nhỏ nhất”. [2] Dấn thêm một bước, trong tác phẩm của mình, Trần Vũ khi “khảo sát phần nhỏ nhất” ấy, đã cho mình quyền “hư cấu tùy tiện” và thậm chí “phóng đại” nó tới mức “tiểu thuyết”.[3] Do đó, như một tất nhiên, các nhân vật lịch sử ở đây “bắt buộc phải biến dạng”.[4] Có điều phần nhỏ nhất ở mỗi nhân vật lịch sử mà Trần Vũ tiếp cận, khảo sát và “phóng đại” sẽ là phần u tối, ác độc, thậm chí “thú tính” trong con người họ. Dựng chân dung nhân vật lịch sử trên “bóng đêm” của nhân cách con người, Trần Vũ đã đập phá đến mảnh vỡ cuối cùng diện mạo anh hùng, tài đức, hiền hậu, nết na của những nhân vật vẫn được coi là đẹp nhất, “toàn diện” nhất trong tập thể chân dung anh hùng liệt nữ của lịch sử Việt Nam. Do đó các nhân vật lịch sử trong tác phẩm Trần Vũ “biến dạng” tới mức không mong chờ, thậm chí “không thể tưởng tượng nổi” trong quan niệm của nhiều người tiếp nhận. Hai tác phẩm Mùa mưa gai sắcGia phả [*] là nơi người ta có thể kiểm chứng rõ nhất cho cách ứng xử hết sức tùy tiện với lịch sử của nhà văn.

Nhân vật chính của Mùa mưa gai sắc là đôi uyên ương mà sử sách đã không hết lời ca ngợi công lao, tinh thần “xả thân” phục vụ tổ quốc, và nhất là tình yêu “cao đẹp và thắm thiết” của họ, hoàng đế Quang Trung và công chúa Lê Ngọc Hân. Vây quanh hai tên tuổi ấy không chỉ là không khí oai hùng mà còn là làn mây trắng của mộng mơ. Cuộc hôn nhân dàn xếp của họ được coi là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa chính trị, quyền lực và tình yêu. Mối tình ấy đẹp đến mức, chẳng ai lỡ hoài nghi. Nếu chúng ta “tỉnh” hơn một chút, nếu chúng ta không để cho những lãng mạn, mộng mơ đánh lạc hướng. Chúng ta sẽ không khó nhận ra thế “rất chênh vênh” của mối tình huyền thoại này. Bởi thật khó để tình yêu — thứ tình cảm bản năng, hồn nhiên, dị ứng với tất cả những gian dối, lừa lọc và không quy hàng, khiếp phục bất cứ sức mạnh nào, có thể díu đôi cùng với quyền lực và chính trị — hai thứ muôn đời được xây bằng máu me, bạo tàn, tội ác và phản trắc.

Trần Vũ không biết có “tỉnh” hơn chúng ta? Nhưng ngay từ đầu nhà văn đã không tin, hay đúng hơn không muốn tin giữa hai nhân vật ở hai bên chiến tuyến này có thể nảy sinh một thứ tình yêu “tinh chất”, nguyên khôi, không có điều kiện “... tôi không tin Lê Ngọc Hân có thể yêu Nguyễn Huệ ngay phút đầu tiên, dễ dàng và say đắm. Khác biệt giai cấp, văn hóa, tâm lý quá lớn. Chưa nói đến thù cha, thù nhà, nợ nước, khiến Ngọc Hân khó mà... vô tư[5] (chữ in đậm do nhà văn nhấn mạnh). Vứt bỏ lòng tin đó, Trần Vũ xua tan hết thảy những huyền thoại, mộng mơ, oai hùng quanh họ và cuộc hôn nhân của họ, thay vào đó là một không khí đùng đục, ám khói và lúc nào cũng vẩn lên những dự cảm giết chóc mơ hồ. Trong Mùa mưa gai sắc, chưa khi nào quanh Nguyễn Huệ, người ta thấy những hào quang thường toát lên từ các vĩ nhân hoặc chí ít chỉ là thứ ánh sáng rực rỡ, chói chang của một ngày nắng đẹp. Ngược lại, nơi ấy lúc nào cũng là một bầu trời đầy mây xám, lúc nào cũng nghèn nghẹn trong không khí u uất, chẳng thể thấy thấp thoáng dấu vết của nắng dù chỉ là một giọt nắng nhạt. Lần đầu tiên Huệ xuất hiện trong truyện là lần Huệ tới đầm Thị Nại. Chuyến đi ấy của Huệ vào một ngày xấu trời: “hôm ấy ám trời, cả đầm gợn sắc mây, mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì vẩn vơ trên mặt nước”. Cảnh vật xung quanh cũng không hề khá hơn, không thứ gì có thể nhấc mình khỏi không gian rêu mốc, tù đọng: “những cánh bèo nổi lặng lờ như không muốn trôi (...). Những đám lau lác đác, già nua, xanh điệp (...) Đầm Thị Nại không biết tự thuở nào mang tâm trạng u uất ui ui trên mặt nước, ngay dưới mưa cũng phẳng lì không gợn sóng (...) Nước ở đầm này bao nhiêu đời không thay, vừa đục, vừa tanh”. Lần tiếp sau là lần ra Phú Xuân của Huệ. Phú Xuân đón Huệ vẫn bằng những lộng lẫy kinh thành, thứ lộng lẫy chỉ có thể “tìm thấy trên yếm gấm viền thêu mà những người con gái ấp Tây Sơn, huyện Phù Lý không có để mặc trên mình”. Nhưng sắc đẹp kinh thành xa lạ, đài các ấy dù có phủ lên mình gấm thêu lộng lẫy, hay “những váng mưa ngà ngọc, buông như buông trướng, kiêu sa đổ đều lên mái tường thành cung điện của Nguyễn Vương”, thậm chí có phơi ra “vẻ lẳng lơ lộ liễu, da thịt mời gọi”, cũng không giấu nổi vẻ “ủ ê, bệ rạc” của một nhan sắc “cực kỳ sắc sảo, nhưng đã chung chạ quá nhiều”. Như thế Phú Xuân đô hội là nơi cho Huệ lần đầu được tận mắt nhìn thấy những “ngọc ngà kinh kì”. Tiếc rằng những ngọc ngà đó thực chất chỉ là thứ ngọc ngà đã được dồi phấn tô son trên da thịt già nua của một người đàn bà đã phung phí hết son sắc của mình. Gột sạch tất cả son phấn, không còn gì có thể che đậy những mòn mỏi, bệ rạc và khô đét sức sống của đất kinh kì. Chính vì thế, Phú Xuân chẳng hơn Thị Nại. Vẫn thứ không khí ám khói, tù đọng, rêu phong. Những u ám của hai buổi đi chơi “xa Tây Sơn” duy nhất “suốt quãng đời thiếu niên” của Huệ đã ám vào cả cuộc đời nhân vật này. Không khí quanh Huệ chưa bao giờ có thể bật lên những hình sắc tươi vui, những sức sống rạng ngời. Càng về sau thứ không khí đó càng lợm mùi máu của bạo lực và sát sinh. Nên, với kinh thành Thăng Long, ngày Huệ kéo quân ra cũng có nghĩa là ngày tận thế, “Tháng sáu năm Bính ngọ 1786, Thăng Long như bầy heo nái nằm đợi người tới giết”. Trong khi đáng ra nó phải là ngày cả kinh thàn thấy như vừa hồi sinh, và triều Lê sẽ thấy như vừa trút được cái ách chúa Trịnh. Nhưng “tâm trạng của vua Lê Hiển Tông trong cung Vạn Thọ là tâm trạng của con heo nái xề (...) bất an, hoang mang, cực kỳ lo lắng”. Ngọc Hân, người sau này mãi mãi sẽ gắn chặt với tên của Huệ, cũng đang bồn chồn đợi Huệ, nhưng không phải chờ đợi trong hạnh phúc được sánh vai cùng bậc anh hùng, không phải chờ đợi để trao cho Huệ tấm thân trinh trắng của sắc đẹp “mang tất cả nhan sắc của Bắc Hà” mà đợi Huệ để nhìn thấy tận mắt kẻ, mình quyết phải giết, để thực hiện khát vọng diệt Tây Sơn, phục Lê, khát vọng mà cả triều Lê đang hấp hối đặt lên vai nàng.

Bước đi trong một bầu không khí cực thực đến tàn nhẫn ấy, Nguyễn Huệ của Mùa mưa gai sắc hiện lên trong chân dung uy dũng, hung hãn, tàn bạo của một mãnh chúa. Nhân vật này có chất hào hùng, bạo liệt của một Thành Cát Tư Hãn “vó ngựa trường trinh, bách chiến bách thắng” [6] vừa mang chất hung bạo, man rợ của một tên thổ phỉ. Những man rợ, bạo liệt đó hiện lên ngay ở vẻ ngoài của Huệ từ thân hình: “vai to bè hơn vai tê giác, mặt vuông ván gỗ”, đến giọng nói “ồ ề vỡ ra như tiếng thác đổ giữa khuya”, và thói quen cùng cách hành xử võ biền, “trong phủ Chúa, chốn sang trọng lộng lẫy nhất Thăng Long từng mảng da beo lớn trải làm thảm lót chân. Huệ đi lại trên đó và khạc nhổ cũng trên đó (...) Huệ dùng đoản đao bổ đôi quả cau, quẹt vôi rồi ăn sống”, “Huệ (...) ngồi uống với bọn Chỉnh, Nhậm. Uống theo kiểu Tây Sơn, từng cối, từng thau, khi uống vục mặt vào chậu cho ướt hết tóc tai”. Đặc biệt, chúng “kết tinh” đậm đặc và rõ nét nơi con mắt của người “anh hùng áo vải”. Không cần phải trong cơn nguy biến, chỉ ngày thường người ta đã có thể đọc từ đôi mắt Huệ sự kiên định sắt đá của một tinh thần mạnh mẽ và thẳng băng như thép: “Tôi ngắm những bắp cơ trên cánh tay của Huệ thong thả nhịp nhàng dầm mái, rồi vạc nước về phía sau, nhấc lên rồi lại hạ xuống, cử động thuần nhất đến độ trông như Huệ không hề chú tâm đến việc bơi xuồng. Nhưng có nhìn vào đôi mắt Huệ thì mới biết Huệ tập trung lắm. Hướng xuồng đi không chệch, không lệch về trái, không thả sang phải, thẳng tắp theo một hướng đi mà Huệ tự chọn lấy”. Còn những lúc bất thường khác, nó là nơi chứa tất cả những dữ dội trong con người Huệ. Khi giận, bao tức tối đều dồn cả lên mắt Huệ, “hai tròng đỏ trong mắt Huệ lập lòe lửa, tất cả thần khí dữ dội hiện lên trong đồng tử”, như thể bao nhiêu lửa giận ngùn ngụt tận gan ruột Huệ bốc lên đôi mắt ấy và có thể táp thẳng vào mặt kẻ đối diện, sẵn sàng thiêu kẻ đó thành tro bằng tất cả sức thiêu nóng dữ dội của nó. Nên Nhạc bị Huệ bỉ vào mộng đế vương của mình, “sống chỉ ao ước như Nguyễn Vương là một kiếp sống ngu xuẩn”, cũng không dám phát điên vì bị xúc phạm, khi chạm phải “ngọn lửa nóng bỏng ở đôi mắt Huệ”. Bằng lửa từ đôi mắt, Huệ uy hiếp kẻ đối diện. Cũng từ đôi mắt ấy những tham vọng lớn và chưa bao giờ có điểm dừng cũng lần lượt cháy, cháy lan từ Phú Xuân đến hết Bắc Hà, Nam Hà thậm chí cháy đến tận Lưỡng Quảng. Lửa lan đến đâu nghĩa là Huệ sẽ kiên quyết giành bằng được làm sở hữu dù phải đổ và đổi bằng rất nhiều máu và xác chết của kẻ khác. Trong đôi mắt chứa lửa đó, còn ánh lên thứ sát khí của pháp trường và đoạn đầu đài, nó có đủ sức giết người đến mức, Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ thoáng thấy trong mắt Lê Ngọc Hân một phiên bản khác đôi mắt hiếu sát của Huệ đã sững sờ, chùn tay không dám tiến tới, đụng chạm hơn nữa đến tấm thân ngọc ngà mà chưa bao giờ hắn thôi thèm khát.

Huệ của Mùa mưa gai sắc, có thể được phác họa bằng hai nét đặc điểm chính: tham vọngcô độc. Hai điều đó có thể là đặc điểm chung của bất cứ vĩ nhân, bất cứ người anh hùng nào. Chúng như điều kiện để thành công, cũng lại là cái giá của thành công. Nhưng ở Huệ, cả hai (tham vọng và cô độc) cực đoan đến tuyệt đối. Ngay từ rất sớm Huệ hiểu, thực hiện giấc mộng đế vương là cách để “khỏi sống kiếp người ngu xuẩn” và cũng rất sớm Huệ đã kiên quyết kẻ “dẹp Nguyễn, diệt Trịnh xưng Đế phải là mình”. Giấc mộng Huệ mang là một giấc mộng lớn, giấc mộng mà chỉ có những bậc hào kiệt mới dám nuôi dưỡng và trọn đời theo đuổi. Các vương triều gần như đều khởi nghiệp từ những giấc mộng lớn như thế. Huệ ôm giấc mộng đó vào đời, chưa bao giờ có ý niệm sẽ chùn tay trước những ngáng trở, cũng chưa bao giờ ngần ngại gạt phăng những rào cản, chưa bao giờ sợ hãi vì bàn tay mình đã vấy quá nhiều máu. Tất cả với Huệ không khi nào thực sự là ghê gớm bởi “Huệ chỉ nghĩ tới việc giết người để lấy phần của người chết”. Hiếu sát thành mục đích và là vũ khí “bất khả chiến bại” trên bất cứ chiến trường nào. Qua năm tháng nó thành thói quen, thậm chí “đặc điểm tính cách” của Huệ. Do đó khi Huệ nóng nảy, mất kiểm soát, nó sẽ tự động thay Huệ xử lý mọi việc và tất nhiên hành xử theo cách làm “đầu rơi máu chảy” — “Lễ Thành Phục Huệ đưa Ngọc Hân về lãnh tang trước linh sàng Hiển Tông, Huệ nóng nảy sai Nhậm chém một viên Tả Phiên triều Lê chỉ bởi hắn dám cười cách đọc điếu văn của Huệ (...) Thủ cấp Huệ sai bỏ trên mâm bạc đặt lên áo quan vua làm kinh động khắp kinh thành. Thân nhân người có tội biết, chạy đến cửa cung kêu khóc. Huệ cũng sai chém. Tính ra lúc động quan chém cả thảy mười bảy người”. Lá phướn dài luôn được cất giữ trong rương lớn Huệ ngồi là chứng tích của cuộc đời kẻ lấy chém giết là mục đích, là vũ khí — “lá phướn dài dằng dặc chép đen nghịt tên tuổi những người Huệ đã đích thân sai chém. Có đến cả trăm, nghìn tên, đó là chưa kể những người do quan lính Tây Sơn tự ý giết”. Nhưng lúc “lập” “lá phướn” này, Huệ hơn ai hết biết “sổ tử” này sẽ vẫn tiếp tục được kéo dài, khi ngọn lửa “tham vọng đã vượt xa ngày đầu tiên lên Phú Xuân”. Bắc Hà, Nam Hà không còn là cái đích duy nhất, “bây giờ ngọn lửa trong đôi mắt Huệ cháy lan đến những vùng khác”. Giờ với Huệ, “nơi nào có đất, có người coi như của Huệ”. Có nghĩa, tên người sẽ tiếp tục chen chân đen đặc nơi tờ phướn của Huệ. Hiểu mình hơn bất cứ ai, “Huệ đã nối sẵn, dài gấp năm sáu lần lá phướn đã chép”. Tận cùng tờ phướn là nơi tham vọng của Huệ đang mài sẵn dao để chuẩn bị gạt bỏ nốt những ngáng trở cuối cùng trên con đường thực hiện mộng vương đế — “và cái tên cuối cùng được ghi sẵn là hai chữ rắn rỏi: Nguyễn Nhạc” — thực hiện nốt nhiệm vụ lấy dao đâm thẳng vào tim ngưỊi ruột thịt của mình, tham vọng của Huệ chứng tỏ không gì là nó không dám làm, miễn đạt được mục đích “giết người để lấy phần của người chết”. “Ở khía cạnh đó thì Huệ mãi mãi là Huệ”.

Huệ còn là kẻ cô đơn tuyệt đối trong cả cuộc đời mình. Trong truyện chỉ có hai lần Huệ thổ lộ tâm sự của mình. Lần đầu ở đầm Thị Nại và lần cuối ở phủ Chúa, nơi Huệ soi ngắm lá phướn cất kĩ trong gương. Cả hai lần Huệ nói rất ít. Nhưng thế cũng là quá nhiều với kẻ luôn chôn chặt tâm tư trong những rương hòm khóa kín. Huệ chống trả với cô đơn tuyệt đối, không thể trốn chạy của bản thân, bằng bạo dâm. Nên, đêm động phòng của Huệ - Hân vừa như một cuộc cưỡng hiếp man rợ vừa như một trận hành xác tàn bạo, “Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Hân xé toạc (...) Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quất xối xả lên tấm lưng mảnh dẻ (...) Huệ quất như thúc roi, thúc ngựa (...) Đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn được, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết”. Từ đó, “Huệ bị ràng buộc vào người đàn bà mà mãi mãi từ đây, hằng đêm Huệ phải tìm đến”, không phải vì tình yêu, mà vì nhu cầu được hành xác kẻ khác của “kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì”. Chỉ với nó Huệ mới tìm được những phút giây tạm quên và tìm được một góc để trốn tránh nỗi cô đơn ngút ngàn trong mình.

Trong các nhân vật lịch sử có mặt trong sáng tác của Trần Vũ, Nguyễn Huệ gây được những quan tâm đặc biệt. Phần nhiều là bởi chất “kì hình dị tướng” quá đỗi đến “không thể chấp nhận được”. Tuy vậy, trong văn học Việt Nam, Trần Vũ không phải người lần đầu tiên “liều lĩnh hư cấu quá tay” trên tên tuổi của nhân vật này. Theo Trần Hữu Thục sau 1975, có 4 tác phẩm chọn Nguyễn Huệ làm nhân vật: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ, Gió lửa của Nam Dao. Ngoài Quang Trung hoàng đế “hiền hòa”, “trong sáng”, “vô cùng lành với chư tướng, do dự và nhút nhát trước phái yếu”, “có mỗi bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn của An mà cũng không dám nắm” [7] của Sông Côn mùa lũ, cả ba Nguyễn Huệ của các tác phẩm còn lại đều hoặc là hình mẫu phản-Nguyễn Huệ (trong Phẩm tiếtMùa mưa gai sắc), hoặc là tổng hợp của cả hai chân dung Nguyễn Huệ lịch sử và phản-Nguyễn Huệ (trong Gió lửa) (xem “Nhân vật Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác”, nguồn: damau.org). Nhưng ngay giữa ba chân dung Nguyễn Huệ ấy, Nguyễn Huệ của Trần Vũ cũng tự tách mình ra ngoài như một khác biệt. Bởi chỉ Trần Vũ mới liều lĩnh đẩy những nét dữ dằn, hung bạo trong nhân vật của mình đến cực đại, cũng chỉ Trần Vũ mới liều lĩnh phóng đại những dữ dội, bạo liệt đến mức cuồng điên, “thú tính”. Chân dung Nguyễn Huệ của Mùa mưa gai sắc, vì thế đã chẳng còn mấy liên quan đến hình ảnh truyền thống của môn lịch sử học đường, có chăng chỉ ở tên người và những chiến công. Nó cũng hoàn toàn xa lạ với những hình dung người ta đã vẽ sẵn hình ảnh nhân vật này trong tưởng tượng của cộng đồng. Do đó, sự hiện diện của Nguyễn Huệ trong Mùa mưa gai sắc thực sự là một khiêu khích, thách đố đến mức phá phách, và liều lĩnh.

Trong Mùa mưa gai sắc, Lê Ngọc Hân là một hình ảnh độc đáo khác. Một chân dung cũng được dựng bằng những phóng đại cực đoan, tàn nhẫn. Ngọc Hân trước hết là một nhan sắc. Thứ nữa, cũng như Huệ, Hân là kẻ hiếu sát. Chứng cuồng sát ở con người này không kém Huệ về sự tàn bạo và dữ dội. Nguyễn Hữu Chỉnh là người “may mắn” được chiêm ngưỡng và “chịu trận” trước những tia lửa sát nhân từ đôi mắt của nhan sắc lộng lẫy nhất Bắc Hà. “Tia mắt Hân dữ dội đến độ, đương suồng sã, Chỉnh lặng đi, choáng người, phải rút vội tay. Ngọn lửa đằng đằng sát khí trong mắt Ngọc Hân, Chỉnh đã trông thấy nhiều lần trong đôi mắt Huệ. Đôi mắt của kẻ hiếu sát, đã quả quyết làm gì là làm cho đến cùng. Châu thân Chỉnh lạnh toát, mồ hôi bất ngờ vả ra ở sống lưng. Ánh nhìn đương cháy lập lòe của Ngọc Hân rõ ràng là ánh mắt của Huệ, cái nhìn của Huệ trước cảnh hành quyết”. Dù Hân “không được” như Huệ, có thể tận tay tàn sát, giết chóc để trả thù, để thỏa căm hờn những kẻ làm nhục nhà Lê, làm nhục đức vua, và xúc phạm đến bản thân mình. Nhưng Hân có cách riêng để ít nhiều làm vợi ngọn lửa căm thù đang thiêu đốt tâm can mình, cách chiêm ngưỡng, “phẫu thuật” các xác chết bằng mắt. Bởi vậy khi không còn cơ hội tự tay giết chết Trịnh Khải, và cũng không có cách gì ngay lập tức đâm thẳng dao vào tim Nguyễn Hữu Chỉnh, Hân đã “mượn” đến xác Trịnh Khải đang bêu ở cửa Tuyên Vũ. “Tất cả những uất ức của Ngọc Hân như được trút ra khi trông thấy thủ cấp nhà Chúa. Đầu mắc một nơi, xác phanh một góc (...) Ngọc Hân nhìn ngắm chăm chăm từng nét mặt của Trịnh Khải, từ cặp mắt trợn ngược, nốt ruồi dư mà lúc sinh tiền Khải thường hay vân vê, đến lỗ dao sâu hoắm ở cổ họng và những sợi gân còn vướng mắc đong đưa lòng thòng bên dưới”. Xác chết ấy không những giúp khuây những căm phẫn, mà với Hân nó còn mang đến những khoái cảm cực độ, “Ngọc Hân cảm thấy hả dạ, cúi xuống lần lần khăn san cầm ở tay ra vẻ xúc động, nhưng kỳ thực là để che dấu nụ cười nụ cười thỏa mãn, cực sung sướng”. Đó cũng là “lần đầu tiên nàng khám phá ra hiệu quả của những xác chết có thể giải bày mọi uất ức trong người mình”. Sau “lần đầu tiên” đó, hơn một lần Hân bắt gặp mình mơ thấy thủ cấp của Huệ, của Chỉnh bêu ở Tuyên Vũ. Bởi Hân thấu hơn ai “thói đời phong kiến, nợ máu phải trả bằng máu (...) máu của họ Lê phải trả bằng máu của Tây Sơn”. Để thực hiện tham vọng “lấy máu Tây Sơn”, Hân dựa vào hai thứ vũ khí mình có. Thứ nhất, nhan sắc, Hân biết nó là vũ khí sắc bén nhất của người đàn bà. Với vũ khí ấy Hân tô chuốt nó đến bén ngọt, sắc cạnh đủ khiến kẻ nào lỡ tay “chạm hờ” đến cũng phải “đổ máu”. Nhìn Hân “dồi phấn lên mặt, chăm chỉ chuốt lông mày (...) tỉ mỉ kẻ viền mắt, đánh thật sắc khóe mắt vốn đã sắc lịm bén như nước lam nhìn ai thường hớp hồn kẻ đó”, người ta ngỡ Hân chuẩn bị đi giết người. Bởi nó “không phải hìn ảnh điểm trang thông thường, mà là cái cảnh của một người con gái sắp thành đàn bà ngồi đánh mắt như đang mài dao, mải miết cho đến lúc bản thép nhọn, bén ngời”. Vũ khí thứ hai là những ràng buộc mà Huệ không thể dứt bỏ trong quan hệ chăn gối với Hân, thứ quan hệ chăn gối mà hành xác kẻ khác là phương thức và cũng là mục đích. Có lẽ trong thiên hạ chỉ có Hân đủ sức chịu đựng thứ tình dục điên cuồng, hung bạo ấy. Hân chịu đựng trong kiêu hãnh và đắc thắng, vì Hân biết kẻ này càng ràng buộc với mình, cơ hội để diệt Tây Sơn, báo thù cho nhà Lê càng lớn. Nhưng chịu đựng gánh nặng tinh thần quá lớn, Hân “sống như người mang bệnh trí”. Bệnh tật hiện lên trên da thịt nàng “những đường gân xanh đã lờ mờ nổi lên trên bàn tay mảnh khảnh, những đường gân của nặng nhọc tinh thần”. Nó khiến cuộc sống của nàng luôn gắn với những cơn mơ hoang tưởng. Khi đang tâm sự cùng người hầu cận, đột nhiên Hân thay đổi ánh nhìn “như thể đang nói chuyện với Huệ”, rỗi bỗng “giọng trong trẻo tỉnh táo quá độ và ánh mắt khô ráo”, ngay sau đó “Hân lồng lên. Nhưng rồi lại đổ rũ người ra khóc nức nở”. Như vậy rồi Hân cũng như Huệ, hay đúng hơn Hân là một phiên bản khác của Huệ, những kẻ trọn đời phải chung thân tù đầy trong những tham vọng ghê gớm, và cùng những cô đơn tột cùng của bản thân.

Trần Thủ Độ là một nhân vật tiếp theo được Trần Vũ cho vào “phòng thí nghiệm” của mình và tiếp tục “khảo sát từng phần nhỏ nhất” trong con người này. Thủ Độ của Gia phả “chưa phải” là chân dung anh hùng uy dũng, bạo liệt kiểu Thành Cát Tư Hãn như Huệ. Nhưng về trí lực và sự hung bạo, Độ chẳng kém ai. Độ là kẻ “vô thần”, “vô đạo”. Chẳng có thứ chữ nghĩa, đạo đức nào có thể khuất phục, lôi kéo nổi Độ. Với Độ, “chữ Thánh Hiền lúc đó chỉ còn là một mớ hình dáng tạp nham làm bẩn óc Độ”. Độ chỉ hành xử theo cách của mình — lối hành xử chỉ nghe theo dục vọng bản thân. Bởi thế, Độ sẵn sàng làm bất kể điều gì thỏa mãn ham muốn, không sợ trái đạo, không sợ trừng phạt “Độ sớm phát triển cơ thể. Bắp tay nở nang, bả vai đồ sộ (...) Sức phát triển của cơ thể chỉ đưa đến gia tăng tính dục. Độ mạnh về đường sinh lí, những chiều đi tập võ về, Độ thường cởi trần trùng trục, đứng trần truồng khoe thân trước đám thôn nữ. Ai không muốn xem, Độ cho tiền bắt xem. Ai bỏ chạy, Độ rượt theo đánh”. Đồng thời, Độ chỉ tin vào cơ trí và sức mạnh của mình, Độ tin vào chân lý của riêng mình “ở đời không mưu, không đạt việc lớn”. Với những điều đó, ở Độ toát lên một thứ lửa dữ dằn, bạo liệt. Nó đủ sức làm ấm lại giọt nắng hấp hối cuối triều Lê, nhưng không bằng hơi ấm của sự sống mà bằng sức nóng hung hãn, thô bạo như thể nó được đúc từ hàng trăm nghìn ngọn lửa mặt trời dữ dội. Nó uy hiếp và khuất phục không trừ một kẻ nào của tộc Trần. Từ Trần Lý, kẻ biết mình “bản chất yếu đuối, trí não không hơn một kẻ đánh cá, (...) không sao trấn áp, tranh được với trí xảo của Độ” đến cả vong linh những kẻ đứng đầu của cả gia tộc nhà Trần cũng khiếp hãi trước con người ấy “cả một gian nhà thờ vụt kinh hãi cung kính phủ phục đợi Độ. Đôi mắt Trần Kính sợ sệt trốn tránh. Cặp mắt Trần Hấp nhợt nhạt nhìn lảng vu vơ. Cả một dãy chân dung cúi gầm mặt không dám ngẩng lên. Anh ruột Trần Thị là Trần Tự Khánh trông thấy Độ cũng vội vã bỏ trốn”. Sợ hãi không phải chỉ bởi “tất cả kẻ sống và kẻ chết trong gia tộc Trần đều biết” “Độ không chỉ mưu mà còn có cả sức lực”, mà còn bởi họ được chứng kiến cảnh chém ngựa, tắm máu man rợ, cuồng điên của Độ vào buổi chiều “bầu trời bẩn lắm”, “có nắng, nhưng cũng nhiều mây, thứ mây đen tối bao phủ trên nền trời đất nước”. Họ biết rõ Độ sẽ là người làm nên nghiệp lớn của họ Trần, và họ cũng biết không ai trong gia tộc này đủ sức thách thức và chống đối trước sức mạnh, và những ham muốn của Độ. Tất cả chỉ dám nhìn Độ bằng đôi mắt “mở căng khiếp đảm” của Trần Thị hay đáng thương hơn, bằng đôi mắt của “Lý Huệ Tông sau này ở chùa Chân Giáo”. Như thế, Trần Thủ Độ hoàn toàn không phải là bản sao của chân dung Nguyễn Huệ trong Mùa mưa gai sắc, dù cũng hung tàn, bạo ngược, cơ mưu nhưng Độ là một diện mạo khác, với những tham vọng, mưu đồ, số phận lịch sử của riêng mình.

Như vậy, cả ba chân dung Nguyễn Huệ, Ngọc Hân, Trần Thủ Độ đều được xây dựng bằng những nét sắc, đậm, ác và tàn bạo. Tất cả như kết quả của “sự tùy tiện” phá phách của Trần Vũ trong thái độ, trong các tiếp cận và trong cách “xử lí” đề tài lịch sử. Bản thân sự tùy tiện ấy là một phản ứng. Phản ứng trước thói quen và cách ứng xử “lành vô cùng” với đề tài lịch sử của các nhà văn Việt. Phản ứng trước niềm tin và sự ngưỡng vọng vẫn tồn tại như một tín ngưỡng trong tâm thức cả cộng đồng. Và thứ nữa chúng là sự hiện thực hóa cho một ước muốn, “ước muốn tân tạo hình ảnh” những nhân vật lịch sử “trong đầu mình, như mình muốn, trong tự do tuyệt đối”. [8] Tất cả những “phản ứng nổi loạn” trong ứng xử với đề tài “thiêng liêng”, cùng khát vọng quyết liệt được viết “trong tự do tuyệt đối” là điều không thể tìm thấy trong cách ứng xử, trong thái độ của hầu hết các nhà văn “thuần” hiện thực. Nó đáng được xem và cần được nhìn nhận như dấu hiệu đậm nét và tiêu biểu của thái độ “phản động” đầy ý thức và vô cùng kiên quyết của nhà văn với truyền thống văn học hiện thực Việt Nam.

Trong văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp và Trần Vũ là hai nhà văn ứng xử với đề tài lịch sử táo bạo và “liều lĩnh” nhất. Nhiều người thường cho rằng, cách ứng xử táo bạo ấy là Trần Vũ “học đòi” Nguyễn Huy Thiệp. Điều này, thực ra rất khó khẳng định dứt khoát. Ngay cả chính người cầm bút cũng không thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác. Có trường hợp nhà văn khăng khăng khẳng định mình không chịu chút ảnh hưởng nào của nhà văn nào đó, nhưng người ta lại có thể chỉ ra những dấu ấn rõ nét của những ảnh hưởng trong tác phẩm của anh ta. Do đó, trong những trường hợp như thế này cần phải tính đến sự can thiệp của vô thức. Có thể ở một thời điểm nào đó, những ấn tượng vô tình để lại dấu ấn ở vô thức của nhà văn, mà chính anh ta cũng không nhận biết. Do đó chúng tôi đồng ý với nhận định, có vẻ rất “nước đôi” của nhà phê bình Thụy Khuê, khi nói về sự ảnh hưởng này: “người cho rằng Trần Vũ bắt chước Nguyễn Huy Thiệp. Rất có thể. Mà lại không chắc đúng”. [9]

Tuy nhiên, nếu nhìn trực diện vào trong tác phẩm có thể thấy, dù cả hai đều dùng “lịch sử làm tay sai cho những điều muốn nói”, nhưng họ không cùng chung mục đích. Nói như tác giả tiểu luận Sóng từ trường, nếu “Nguyễn Huy Thiệp đánh đổ thần tượng quá khứ” như một cách “dùng chổi quá khứ để quét hiện tại và dọn tương lai”. [10] Như thế, Nguyễn Huy Thiệp “dùng lịch sử với chủ đích nhân bản, cải tiến xã hội. Nguyễn Huy Thiệp tin vào con người”. [11] Nhưng Trần Vũ thì khác. Với những phân tích trên đây của chúng tôi, có thể thấy rằng, phần nhiều những bịa tạc, thậm chí “xuyên tạc” sự thật lịch sử ở nhà văn này không nhằm vào chủ định “kiến thiết”, hay tạo dựng. Chủ định lớn nhất ở cây bút này là “đập phá” và “tiêu diệt”, mà cái nhà văn muốn đập phá ở đây là “những ảo tưởng tốt đẹp” về “nhân vật lịch sử”, ảo tưởng về “một thứ phụ nữ nết na, hiền hậu, đẹp và sang, phục vụ tổ quốc như Ngọc Hân công chúa”. [12] Người đọc ngỡ, qua những dòng chữ của mình trong trang văn của mình, Trần Vũ như đang kiên quyết khẳng định với họ rằng: “Làm gì có thế? Đằng sau bộ mặt đẹp hẳn phải có một “thú tính” nào đó — hoặc đanh ác, chua ngoa, hoặc lừa lọc, dâm đãng — nếu không xuất đầu lộ diện trong cách xử sự, thì cũng sống ngầm trong tiềm thức, trong vô thức”. [13] Viết như thế, trước hết nhà văn muốn đập phá những ảo tưởng, những giả dối con người tự phủ lên mình để che giấu cái tàn độc, cái phần ác ngầm của mình. Đồng thời, nó giúp nhà văn trình bày “một hiện thực không giả” — “sự tàn bạo trong chiến tranh, trong các nhân vật lịch sử, trong thiên nhiên, vạn vật và con người”. [14] Với việc đả phá cái cao đẹp từ những chân dung của nhân vật lịch sử, Trần Vũ giúp người ta hiểu: “diện mạo anh hùng của các nhân vật lịch sử mà người ta thần tượng hóa, tiếc rằng chỉ mới có một nửa: Phơi ra áo gấm trạng nguyên rực rỡ huy hoàng và cất đi bộ mặt sát nhân tàn ác”. [15] Dường như Trần Vũ không cô đơn trong khát vọng và chủ đích này của mình. Trước đó, Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Mùa trái cóc ở miền Nam — viết về những người lính ngay sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, ra đời năm 1987, từng cho nhân vật của mình lên tiếng trước sự “sạch sẽ” đầy giả dối của lịch sử chính thống, thứ lịch sử đã được “gọt rũa”, được biên tập — “Nhờ nghe hóng tôi biết được ối chuyện, tôi biết cả trong và sau trận đánh lịch sử cuối cùng ấy đã chứa đựng biết bao chuyện thật và chuyện giả dối đến mức đau lòng. Cái nghiệt ngã sẽ lắng đọng mãi mãi trong trí nhớ những thằng lính đang ngồi với tôi đây nhưng nay mai mỗi đứa một ngả, còn lịch sử viết thành văn bao giờ cũng trang trọng và sạch sẽ”. [16] Khi từ chối viết về lịch sử như những gì được chép trong chính sử, và như những gì cộng đồng vẫn hiểu và tin, Trần Vũ và những nhà văn “cùng chí hướng với mình”, không những đã công khai từ chối làm tên “tuyên truyền viên” cho niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng, (dù cách ứng xử ấy ở nhà văn này nhiều khi quá cực đoan và dữ dội, thậm chí dữ dằn) mà còn cho thấy, họ — những người viết nên “bộ mặt tàn bạo của lịch sử” — đã “đi xa hơn lịch sử, để xâm nhập vào lãnh vực con người”. [17]

 

Hà Nội, 13/01/2012

 

-------------------
[*] Những trích đoạn trong hai tác phẩm Mùa mưa gai sắcGia phả, được lấy từ trang mạng www.tranvu.free.fr
[1][5][6][7][8] “Phỏng vấn Trần Vũ”, Lê Quỳnh Mai thực hiện, nguồn: www.tranvu.free.fr
[2][3][4] “Lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức”, Trần Vũ, nguồn: www.tranvu.free.fr
[9][10][11][12][13][14][15][17] “Về trường hợp Trần Vũ”, Thụy Khuê, nguồn: www.thuykhue.free.fr
[16] Tuyển tập truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu, NXB Văn học, 2000, trang 524-525.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021