thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ðà viết văn nước nhà thế kỷ 20 lao sang thế kỷ 21 thế nào?
Lời toà soạn: Nói một cách thành thực, có một số điểm trong bài viết dưới đây chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, trong đó, quan trọng nhất là một điểm có tính chất phương pháp luận: tác giả nhận xét về văn học Việt Nam trên cơ sở đối chiếu với văn học, hơn nữa, văn hoá Tây phương; xem văn học và văn hoá Tây phương như một thứ chuẩn mực. Một quan điểm có tính chất dĩ Âu vi trung (Eurocentrism) như thế từ lâu đã bị nhiều học giả đả kích trên khắp thế giới. Theo chúng tôi, văn học Việt Nam có vô số khuyết điểm nhưng nguyên nhân làm nảy sinh những khuyết điểm đó không phải là vì nó không giống Âu châu. Tuy vậy, bạn đọc sẽ thấy, trong bài viết dưới đây, Nguyễn Hoàng Đức, một tác giả hiện đang sống trong nước, ở nhiều nhận xét cụ thể, tỏ ra là một cây bút sắc sảo, đầy nhiệt tình và nhất là táo bạo, dám nói thẳng nhiều điều không phải ai cũng dám bộc lộ.

Việt

Lớn lao thay, danh dự cho chúng ta, những người cầm bút đang sửa soạn đón chào biên giới vĩ đại của thời gian: giờ phút lật trang thế kỷ 21, cũng chính là lúc khai mở vào chương Thiên niên kỷ thứ ba.

"Y phục xứng kỳ đức", đứng trước thời điểm trọng đại nghìn năm có một này mà không sửa soạn một tâm thế tương xứng thì thật uổng phí! Đằng sau chúng ta đã có những gì? Hơn hai nghìn năm lịch sử văn minh nhân loại: tinh hoa triết học thời cổ đại với Socrates, Plato, và Aristotle: với lịch trình tiến bộ của loài người đã dâng những mùa gặt lớn: Phục hưng, thế kỷ duy lý và ánh sáng; những cuộc cách mạng về con người, công nghệ, và quan hệ; những cuộc hành trình truyền giáo từ "hạt giống" đến vụ mùa của tâm linh: Ki-tô-giáo, Phật giáo, Hồi giáo... Còn văn chương?

Sau đại tiệc IliadOdyssée của Homère, giới văn bút liệt ngủ cả nghìn năm cho đến khi choàng thức với: Thần khúc của Dante, Le Cid của Corneille, Faust của Goethe... Nhưng đó không phải là giấc ngủ đông tiêu mỡ của loài gấu mà là một giấc ngủ có vận trình, tiếng Latin trên các nẻo đường thăng trầm gian nan của nhân loại đã đúc khuôn thành các thứ tiếng để sửa soạn cho cuộc bội thu trên những cánh đồng văn học lớn ở Pháp, ở Đức, ở Tây Ban Nha, và ở Anh... vào thời Phục Hưng.

Văn chương Việt Nam thì sao? Thời trung cổ, dùng chữ Hán - Nôm được vài tác phẩm thơ "lay lắt" - chủ yếu "ăn theo tem phiếu của Tầu" còn văn học hiện đại? Đến thế kỷ 17, sau khi Alexandre de Rhodes sáng chế quốc ngữ theo mẫu tự Latin, tiếng Việt mới manh nha hình thành. Nhìn lại thời điểm khai sinh đó, để chúng ta thấy bề dày cũng như chiều dài của cuộc hành trình văn học nước nhà. Nói chung, văn học của chúng ta mới đẻ, nhưng không phải từ một bầu thai vật vã những vấn đề "văn tự lịch sử" mà từ một bầu thai mới chế tác vừa nhẹ nhàng vừa tiện lợi vừa thích hợp. Văn học của chúng ta còn trẻ con. Và nó đã lớn chưa? Muốn biết đã dậy thì chưa, thì phải nhìn tình trạng khủng hoảng nội tiết từ ấu niên chuyển tiếp qua thành niên. Chúng ta chưa có cuộc khủng hoảng đó, vậy văn học của chúng ta chưa dậy thì (công bằng mà nói, chúng ta đã có cuộc khủng hoảng thời Thơ Mới, nhưng đó là cuộc khai sinh chứ không phải trưởng thành). Trừ khúc gợn lên thời Thơ Mới, còn lại nói chung, nền văn của chúng ta mới chỉ là cuộc thừa hưởng trôi chảy êm đềm, thiếu vật vã, thiếu trăn trở, thiếu sám hối, thiếu vùng mình bứt phá, từ dăm câu ba chữ thơ Đường đến vài luồng thơ Pháp và láng cháng qua chút vần thơ Nga và Mỹ. Chủ yếu, chúng ta mới chỉ có thơ. Thơ sản xuất la liệt, chi chít, bé như tờ rơi sẵn lòng tháo khoán ở khắp nơi. Còn, các nhà phê bình văn học thì đếm trên đầu ngón tay. Các nhà văn thì không bằng số dôi của các nhà thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một thứ "trứng nước" của văn học nước nhà trong cuốn Chân dung và đối thoại đã thống thiết kêu lên : Một nền văn học muốn lớn phải có tác phẩm đồ sộ. Nhưng chúng ta chưa có. Đó cũng chính là nhận định của Uỷ ban trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam rằng : Nền văn học Việt Nam mới chỉ có tác phẩm bé và vừa. Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 50 báo Văn Nghệ, nhiều tác giả đã nhóm họp trong hai cuộc hội thảo để bàn về tầm vóc của tiểu thuyết Việt Nam, đã nhận định và đánh giá vài khuyết điểm sau:

1. Hiện tình là, năm năm mà không đọc tiểu thuyết cũng không sợ lạc hậu. Thật đáng lo vì lâu lắm trong khu vực chữ nghĩa không thấy hiện tượng nào nổi trội lên...

2. Tiểu thuyết hôm nay không hấp dẫn bạn đọc vì rơi vào mòn, cũ, né tránh các vấn đề gay cấn, chỉ có những gay cấn tình dục, phục vụ cho các thị hiếu tầm thường...

3. Vấn đề của tiểu thuyết là sự hoàn thiện nhân cách của con người, nhưng tiểu thuyết của ta hiện thời đã bỏ qua.

4. Hiện thực hôm nay là mảnh đất mầu mỡ của tiểu thuyết. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng của tiểu thuyết phụ thuộc vào tầm văn hoá, triết học và tài năng sự kết tinh của nhà văn. (Báo Văn Nghệ số 17/1997).

Không thể nào chối cãi, trong đời sống chính trị, xã hội cũng như nghệ thuật, nhận ra cái yếu, cái rủi, cái thấp kém, cũng có ích chẳng kém gì cái mạnh, cái may, và cái cao siêu, bởi lẽ tránh khuyết điểm chính là cách gặt lấy ưu điểm, và là đường để đi lên. Thử xem, dù thủ đô Paris có được mệnh danh là "thủ đô ánh sáng" hay "thủ đô của thế giới" đi nữa, thì các nhà văn Pháp cũng đua nhau dè bỉu Paris là "vũng bùn", "xã hội tiếng lóng", và "mảnh đất hoa lệ bên dòng sống Seine ô uế"... Họ dè bỉu nhưng chẳng kém yêu mến thành phố của họ, nhưng đó là cách họ muốn thành phố của họ hoàn hảo. Trong khi đó, nhìn nền văn học của chúng ta, rõ ràng mọi người đều thấy là "rất bé - rất vừa" thì lại đầy ắp những tiếng tụng ca. Nào là Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng kém gì trường ca IliatOdyseé của Homère. Thật thiếu sở cứ, trường ca theo ý nghĩa thống soái phải là "anh hùng ca", ở đó nó diễn tả chủ thể tính của những người hùng trong cuộc hành trình gặt hái ý nghĩa bi hùng của cuộc sống. Đằng này, Truyện Kiều lại lấy Thuý Kiều làm nhân vật chính phó mình cho cuộc thăng trầm đem chỗ nọ bỏ chỗ kia của thân phận bèo dạt mây trôi, làm sao có thể trở thành một "đấng danh dự bi hùng" được. Thêm nữa đó là một chế biến thêm thắt tỉ lệ nhiều lắm là 100% - 110% của Kim Vân Kiều Truyện, thứ "tem phiếu" hạng hai của Tầu, thì làm sao có thể xem tác phẩm như là một con đẻ "toàn-sáng" (the perfect creation) được ?(!) Và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một thí dụ điển hình cho việc luôn sẵn lòng đăng quang tột đỉnh mà không cần đưa ra sở cứ của nền văn học chúng ta: nào là "bà chúa thơ nôm", nào "cuộc cách tân độc nhất vô nhị của hành tinh", nào "giải sex - giải cả Freud - trước cả Freud"... Vậy mà thơ của bà đã văng được bao xa khỏi biên giới thân xác của mình.

Này, này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay

Hồ Xuân Hương, cũng giống hầu trọn các "nhà thơ tài tử" chúng ta, lấy thơ làm thú chơi, đem thơ ra nhắm, và cư xử giao đãi chữ nghĩa qua lại cùng nhau. Đây là một đặc điểm đầu tiên cốt tử: nó vừa là bầu không khí thơ văn chung của người Việt vừa là tiềm năng vừa là tầm cao vừa là phong cách vừa là bút pháp vừa là mối ưu tư vừa là khởi đầu vừa là cứu cánh của cuộc hành trình "Chịu chơi". Giới nghệ thuật nước nhà đã lột tả "con đường nghệ thuật" đặc trưng của các nghệ sĩ chúng ta như sau: giống một diễn viên điện ảnh cố gắng cho đến khi thành công ở phim đầu tiên, thì ngay phim thứ hai liền đóng trễ nải, chểnh mảng; và ông kễnh, làm sao tiết kiệm càng nhiều "tài năng", diễn càng ít càng tốt. Hoạ sĩ cũng vậy, ngay khi có thành công thì lập tức sản xuất đại trà, bán lấy tiền. Còn các nhà thơ, chẳng khác là bao! Kìa xem vô khối những người chỉ thành công ở bài thơ đầu tay, tập thơ đầu tay, vậy mà họ cứ nhắm cả đời không hết. Còn với nhiều nhà văn, đời có một cuốn "vang danh", thì nghĩa là "một lần cho tất cả"...

Nghệ thuật là con đường vác thập giá còn chẳng dễ ăn ai, lại chỉ là thú nhâm nhi, ẵm nựng, thù tạc, vui vầy "khi chén rượu khi cuộc cờ/khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì làm sao vĩ đại? Theo các nhà mỹ học, trình độ đầu tiên của nghệ thuật phụ thuộc vào "độ rắn - độ khổ ải" của nguyên liệu. Tác giả điêu khắc trên đá sẽ vĩ đại hơn tác giả đắp tuyết thành tượng. Nếu vậy, một nền thi ca chỉ dựa trên nền tảng "giải chiếu bình thơ", uống rượu làm thơ/thơ chẳng ra thơ làm tội rượu, thì làm sao mong có ngày từ giữa chiếu đó mọc lên một lâu đài nghệ thuật bằng đá tảng thấm đẫm mồ hôi thiết kế và lao tác? Xét kỹ đây là căn bệnh cố hữu truyền kiếp của người Trung Hoa mà chúng ta đã nhiễm. Xưa kia, người Trung Hoa dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử để có ngày đỗ đạt làm quan. Học thì vất vả nhưng khi làm quan thì chỉ còn việc "thanh liêm"hưởng phúc triều đình. Còn đường văn thơ với nhiều người cũng vậy, vất vả "xếp chữ" cho đến khi thành công "qua khỏi tuần sấm đất tan bia... đặng hưởng gió thần đưa gác" là bắt đầu an nhiên lạc hưởng trái đầu mùa một lần vĩnh cửu. Với người phương Tây, sở dĩ nghệ thuật của họ trở thành cuộc hành trình đồ sộ, là bởi, họ coi học xong, cũng như thành công đầu tay, chỉ là bước khởi đầu cho con đường phiêu lưu "sáng thế" của mình. Họ lấy vốn kiến thức làm phương tiện để đi xa. Trong khi đó, chúng ta lại lấy kiến thức là "tấm bằng mục đích" mong được hưởng một cuộc đời dễ thở hơn.

Chúng ta có một nền văn học nhỏ bé và yếu ớt đến mức nào? Có lẽ ít ai trong chúng ta dò đến đáy của nó, hoặc giả chúng ta chỉ phiên phiến lượng giá như một "an bài" tất định:"bé và vừa". Kỳ thực, nhìn kỹ lại, chưa chắc đã có "vừa"; còn "bé" thì đến đâu? Ngẫm một chút, chúng ta sẽ gặp một hiện thực vô cùng nhức nhối. Hiện nay, có rất nhiều tác giả sau khi có bài-truyện hay thơ đăng trên báo, đi gõ cửa khắp nơi xin một lời nhận xét mà không gặp. Tình trạng các nhà văn, nhà thơ ngồi bên nhau không đưa ra nổi bất kỳ lời nhận định nào về tác phẩm của người khác, là một tình trạng phổ biến. Hơn cả thế, có rất nhiều tác giả đạt nhiều giải thưởng song càng đạt càng hoang mang, không hiểu ta viết hay cái gì, còn nền văn học nói chung cũng không đếm ra nổi thành tựu của tác giả đó. Hiện trạng này đã phản ánh quyết liệt một sự thật rằng: chưa nói đến việc chúng ta có viết được tác phẩm hay, mà, ngay đến cả việc "đọc" tác phẩm, hầu hết chúng ta cũng chưa biết đọc. Vì không biết đọc, người ta cứ ào ào khen thơ Đường hay, Leon Tolstoi giỏi, và Hàn Mặc Tử phi phàm. Kỳ thực người ta chỉ biết và khen theo sự nổi tiếng của họ mà thôi. Nền văn chỉ có thể đào luyện các nhà văn trưởng thành nhờ môi trường sinh hoạt của nó. Vậy sinh hoạt đó thế nào? Nói một cách hình ảnh, nhiều cây bút chẳng những không biết nấu món nào ra món ấy, nhưng khi có người nấu sẵn cho ăn, cũng không biết "nếm thử" xem đó là món gì?

Tài sản văn học quá khứ của chúng ta có những gì? Hầu như chưa có vụ bội thu, chỉ lẻ tẻ những "cuộc mót lúa" rải rác lúc này lúc khác... Vậy bằng vốn hạt giống đó, chúng ta sẽ ươm vụ mùa đại vận lớn ở tương lai như thế nào? Người Nga có câu: "không sợ dốt chỉ sợ không muốn học". Cũng vậy, cái nền văn học "bé - vừa" của chúng ta không đáng ngại bằng việc chúng ta không biết nhìn nhận ra tầm vóc của nó, và còn đáng sợ hơn nhiều nếu chúng ta biến "sở đoản" đó thành niềm tự hào truyền kiếp của mình. "Nhìn người mà ngẫm đến ta". Trên căn bản nhìn nhận văn học bản địa và tham chiếu giá trị văn học nhân loại, tôi xin nêu lên mấy phương cách sau:

1. Con đường sáng tạo là con đường vác thập giá đau đớn, trăn trở trường kỳ nhất, chứ không phải con đường du hí, chơi tài tử, hay thưởng thức thù tạc.

Có thể nói, sau thời Phục Hưng, loài người đã sáng tạo ra số lượng tác phẩm bằng cả thời gian lịch sử trước đó cộng lại. Nhờ vào cái gì cốt tứ? Đó là "Tự do"! Bởi chính tự do chứ không phải cái gì khác đã tấn phong ngôi vị tự tạo của tác giả, và là phương tiện giúp tác giả tháo cởi mọi ràng buộc cổ hủ, để sáng tạo và đặt tên tác phẩm là cái "Mới" - cái "Của Mình". Nhưng người ta không dùng tự do như là phương tiện để theo đuôi người khác. Hãy xem, có phải cho đến bây giờ còn khá đông tác giả vẫn còn đằm mình trên chiếu thơ với những giá trị xuýt xoa nào: thơ Đường tuyệt vời, Lục Bát bất tử, Nguyễn Du có một không hai, Nguyễn Khuyến tao nhã chẳng ai bì, và Hồ Xuân Hương là "khăn yếm" đã vọt bay trước hành tinh... Giả sử, cứ cho như vậy là đúng, nhưng đó là họ, không phải là chúng ta, họ đã sáng tạo hoàn tất để làm rạng rỡ tên tuổi của họ - cho họ - chứ không phải cho chúng ta. Vậy là tác giả hiện đại chúng ta sẽ dùng tự do để làm gì? Hiển nhiên là để chọn một con đường dấn thân sáng tạo rồi! Chúng ta sẽ chọn cách nào? Cách, theo những quan lại Tầu, học xong - vinh quy bái tổ - nhận chức, rồi thi thoảng làm thơ như một tao nhân mặc khách, giao đãi thù tạc bạn bè, khoe mẽ ta là người có chữ chăng? Không! nếu vậy chúng ta sẽ tiếp tục quay lại vụ mùa cũ của mình để gặt hái một mùa văn học "thú chơi" đây là một vấn nạn không đơn giản chút nào giữa một văn trường có đến hơn 90% tác giả xác định viết để chơi, viết cho vui. Theo Sartre: Việc cuốn sách được tán thưởng như một thú thưởng thức không thể quan trọng như việc nó gây nên niềm tin cậy chắc chắn. Chính vì các thú chơi, thú kiêu hãnh bồng bột được độc giả tấm tắc công kênh "thích quá!" "hay nhỉ!" "sao giống thế"... nên nền văn học chúng ta tràn ngập các tác phẩm ăn xổi ở thì đòi "đánh nhanh thắng nhanh" lội thẳng qua kênh rạch nhão nhoẹt của cảm xúc gây mủi lòng bạn đọc.

Để có một nền văn học lớn không thể không đặt một tâm thức trọng đại trước khi dấn thân chọn con đường sáng tạo. Văn học Tây Âu sở dĩ có nổi một tầm vóc vĩ đại như ngày nay, bởi trước hết nó thừa hưởng ý nghĩa trọng đại từ cuộc hiến tế dấn thân của những bi kịch Hy Lạp, sau đó trên các nẻo đường tranh chiến lập quốc, đổ máu truyền giáo, tương tranh kinh bang tế thế, và khắc khổ hình thành ngôn ngữ từ tiếng Latin... nó đã lần đường hành hương khắc khổ để lột tả mọi nỗi cam go của hiện thực hình thành nhân loại, ở đó nó gạt bỏ mọi thứ chơi vui, thưởng thức, thù tạc... từ chối con đường hoa cỏ để đắp lên con đường đá tảng thấm đẫm máu thịt, tâm hồn các dự phóng, các công trình của tinh thần, và cuộc hiến tế không biết mỏi của linh hồn. Đó vừa là con đường, vừa là kinh nghiệm tất yếu của nhân loại đã trải qua, nền văn học Việt Nam không thể nào lớn mạnh nếu không bước theo lộ trình đó. Vậy thì, cho đến bao giờ chúng ta chưa khước từ nổi văn học vui vầy của mình, để chọn con đường thập giá trọng đại cho tâm hồn, thì hiển nhiên chưa thể hy vọng vào bất kỳ một mùa bội thu giá trị nào.

2. Cần cây bút có chuyên môn chứ không phải tài tử, tác giả chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư.

Một nền văn học thù tạc tất yếu dẫn dến một lối viết "tài tử" "du hí", "chơi ngông"... và hình thành những cây bút "tay chơi". Nói một cách nghiêm túc, phổ biến, và chính thức, đa số cây bút cho rằng: nền văn học của chúng ta mới có các cây bút nghiệp dư chứ chưa có tác giả chuyên nghiệp (các cây bút đa số làm biên tập viên ở các báo hay nhà xuất bản, tranh thủ viết tay trái, rồi thành tác giả). Để lý giải cho tình trạng thiếu chuyên môn cũng như thiếu đầu tư toàn tâm, toàn sức, toàn trí cho văn chương này, đa số các tác giả đều bảo: "đó là vì hoàn cảnh kinh tế ở ta khó khăn "cơm áo không đùa với khách thơ" nên mọi người cực chẳng đã mới phải viết bằng tay trái".

Đây là cách biện hộ vô cùng ngây ngô, chúng ta hãy nhớ, chẳng có nơi nào trên thế giới mà kế sinh nhai không trở thành một cố gắng cam go cả. Xa xưa, Homère cùng những thi sĩ Hy Lạp phải ôm đàn lang thang kiếm sống từ nguồn bố thí, thử hỏi tại sao trường ca Iliad và Odysée bất hủ lại ra đời? Không! Chính nỗi khó khăn của cuộc sống xét một khía khác lại chính là vận may và cơ hội để các tác giả làm nên "trình độ vĩ đại của mình". Hegel nói: "Cái thước đo chân chính về trình độ vĩ đại và sức mạnh của con người là ở sự đối lập mà tinh thần phải khắc phục để tìm lại được tính thống nhất bên trong của mình là to lớn mạnh mẽ như thế nào?" Chẳng lẽ vì sự mưu sinh khó khăn của chiếc dạ dầy mà chúng ta tự thoả hiệp đổi ngòi bút từ tay phải qua tay trái? Con đường sáng tạo đâu có dễ dàng! Chẳng lẽ chúng ta được quyền hy vọng: sự nghiệp vĩ đại, tác phẩm đồ sộ có thể được sinh thành một cách dễ dãi? Cũng chính Hegel xác định con người chỉ vĩ đại khi mà: chính trong tình trạng khổ ải, sức mạnh của ý niệm được khẳng định, đó là, "mình vẫn cứ là mình ở trong hoàn cảnh chống lại mình" [1]

Nền văn học của chúng ta còn bé, vì nó vẫn đem văn ra đổi lấy "đời", mà "đời" trong trường hợp này là cuộc mưu sinh. Bởi thế, so với các nền văn học khác, văn học của chúng ta mới chỉ dừng ở "thức nhắm" vui vẻ, chứ chưa biến thành lẽ sống khiến mọi người trăn trở kiếm tìm và học làm theo. Hy vọng, sắp tới giới văn bút chúng ta sẽ đem đời đổi lấy văn. Lúc đó hẳn mùa bội thu của tâm hồn sẽ thay thế chiếc dạ dầy khốn khổ. Đời, mới là con người thứ nhất, nhưng văn là cách học làm người.

3. Đào luyện trí tuệ và tư tưởng.

Đây là tiềm năng tất yếu của văn học, tuy nhiên, lại rất bị xem nhẹ trong nền văn học của chúng ta. Tại sao vậy? Vì chỉ đủ sức chí thú cũng như chỉ muốn vui vầy cùng văn học thù tạc, nhiều tác giả, thậm chí trong đại hội những cây bút trẻ vừa qua hơn 160 đại biểu chưa muốn hay chưa sẵn sàng chuẩn bị cho mình một ý thức: bước vào văn chương là bước vào con đường của trí tuệ và tư tưởng. Có nhiều quốc gia nhỏ lại sản sinh những cây bút lớn, trái lại có rất nhiều nước lớn, đầy ắp những biến cố lớn, lại sản sinh những nhà văn rất bé. Tại sao? Tại tầm tri thức cũng như tư tưởng của nhà văn! Tư tưởng có bằng cách nào? Không những chỉ bằng cách thu nạp tri thức, mà còn phải cọ sát bằng đối thoại không ngừng. Bởi lẽ, ngôn ngữ chính là phương tiện của trí tuệ. Hiện nay, tình trạng trống rỗng nội dung của nền văn học chúng ta rất đại trà, để hiểu chỉ cần xem kịch bản phim truyện, phim truyền hình, và các hình thức khác, thì thấy: mò được một câu thoại văn học hiếm như đãi được một hạt tấm vàng giữa sa mạc. Có thể nói một cách không ngoa: lời thoại có tính văn học của chúng ta còn ít hơn con số các nhà văn. Đó là một kết quả cũng khá lôgic, khi chính những chủ nhân ông tác giả còn không có khả năng đối thoại cùng nhau, thì làm sao những nhân vật do anh ta sáng chế có thể mấp máy nội dung đối thoại. Có một sự thực khá phổ biến rằng: Các loại hình tác phẩm văn học của chúng ta vẫn đang là thứ bệ nguyên cuộc đời "biên tập bé đi" thành văn học.

Không còn cách nào khác, đối thoại sẽ nuôi dưỡng trí tuệ, nâng cao khả năng thẩm định, và nhào nặn những nhân vật có nội dung của nền văn học chúng ta.

4. Tu dưỡng mỹ học.

Mới đây, sinh hoạt văn học của Trung Quốc đã có một phát kiến rất lớn: Trung Quốc lớn, lịch sử lâu đời, văn hoá phong phú, song nền văn học hiện đại của Trung Quốc yếu kém, là vì các tác giả thiếu tu dưỡng mỹ học.

Tu dưỡng mỹ học đối với người làm nghệ thuật chẳng khác gì tu dưỡng đạo đức với mỗi công dân. Không giống hội hoạ và kiến trúc lấy hình thức làm "nội dung" của cái đẹp. Văn học lấy chính tâm hồn con người làm cái đẹp, cũng như làm hạt nhân cái đẹp cho mọi vẻ đẹp biểu hiện ra ngoài. Cái gì là vẻ đẹp nhất của tâm hồn? Đức công chính và danh dự. Đó cũng chính là con đường chính lộ của văn học nhân loại từ Homère đến Dante, Goethe, rồi Dostoevski... Đặc biệt với văn học cận đại, danh dự xuất hiện với những cuộc đấu gươm, đấu súng... đã trở thành nội dung sáng tạo cốt yếu. Nhìn lại nền văn học chúng ta? Hỏi có mấy nhân vật trăn trở tìm kiếm chân lý hay đức công chính, có mấy con người cố gắng đến vong thân trong những vấn nạn tìm danh dự? Hay chúng ta mới chỉ có những nhân vật bò quanh khuôn viên quan tâm của chiếc dạ dầy, hay đang tắm táp thiếu nước trong những bồn tắm còn ám ảnh những cơn mơ gối - chăn - giường - chiếu?

Hạnh phúc xiết bao khi chúng ta được ngắm nhìn những kỳ tích của văn học! Và trách nhiệm nhường bao khi chúng ta phải nhận ra những yếu kém của mình! Những điều tôi nêu trên hy vọng, ít hay nhiều, đáp ứng mối quan tâm của những ai muốn trông đợi vào mùa gieo hạt thiên niên kỷ mới trên cánh đồng văn học của quê hương.

_________________________

[1]Theo Mỹ học Heghen, NXB văn học 1999, tr. 309.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021