thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ III]

 

(Bản cập nhật và bổ sung của bài tham luận
đọc tại Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ,
Omni Dallas Hotel, tháng 9/2011)

 

 

Có rất nhiều tác phẩm thi ca chính trị đi sâu vào lòng người và tôi nghĩ là sẽ ở lại rất lâu, nhưng tiếc là trong phạm vi bài viết ngắn này tôi không trích hết được. Chí ít là những cái tên tôi vừa nhắc ở trên. Tôi ước gì sẽ có những dịch giả để ý tới “hiện tượng thi ca” này, mặc dù dịch thơ là một công việc gian nan mà cũng chỉ giữ được khoảng 70% tổng thể của bài thơ. Phần còn lại chúng ta phải chịu đánh mất khá nhiều những tiết tấu, vần điệu, âm thanh và chất giọng tác giả... Dù sao tôi nghĩ thế giới rồi cũng sẽ tiếp nhận những thi sĩ Việt Nam. Một cách thú vị và bất ngờ! Với khả năng biết hài hoà chính trị thời sự nhuần nhuyễn vào thi ca, tôi nghĩ là ngay cả với những vị “dị ứng” với những từ này cũng phải công nhận sự dụng công phi thường của họ. Các nhà hiện sinh, và đặc biệt là Jean-Paul Sartre, đã cho rằng ngôn ngữ phản bội chúng ta. Vậy hơn ai hết, chúng ta là người làm văn chương chứ không làm chính trị, nên bất cứ một sự thao túng, đàn áp nào của ngôn ngữ, cũng chỉ cốt để ra lệnh nó nhận lãnh vai trò truyền đạt cảm xúc, chứ tuyệt nhiên không phải để chỉ huy nó như một thứ vũ khí lợi hại, một công cụ cho những ý đồ không thuộc phạm trù ngôn ngữ. Các nhà hiện sinh một khi xem ngôn ngữ là một mô tính siêu hình, thì cũng là muốn nêu ra sự bất lực của ngôn ngữ. Với chúng ta, sử dụng những ẩn dụ (metaphores) của tượng trưng là phương cách hay nhất để thi sĩ có thể giấu mình đằng sau những con chữ, và sự vật một khi đã không phải dùng như-cái-đang-là mà phải vận công suy nghĩ thì “thi ca” có lẽ cũng đỡ “khổ thân” vì bị trù dập. Điều này chắc hẳn những thi sĩ dấn thân ở quê nhà hẳn đã sử dụng thành công và điêu luyện nhất.

Có điều không phải lâu lâu chúng ta cũng nhớ đến những cúi xuống bụi bặm trân tráo vỉa hè? Những cách thế chửi thề lắm lúc cũng khá gây ấn tượng. Ví dụ hai câu thơ này tôi đọc lâu rồi mà chưa ra khỏi đầu mình. Và vẫn thấy bị tê tê đau đau: “Tao là cái thoi thóp chình ình trên thớt / Đụ má tụi mày cứ không ngớt mài dao.” Với nhà thơ nữ quyền Lê Thị Thấm Vân thì những tiếng “Fuck” dòn tan gợi lên sự bình đẳng nghe như thứ văn hoá chửi thề đang thịnh hành của phụ nữ Hà Thành bây giờ. Thấm Vân đem tiếng chửi thề vào thi ca một cách trần trụi như thế, để biểu tỏ một thái độ không khoan nhượng. Bài thơ viết trong một chuyến về lại Việt Nam vào “Hè 2010”: “... những niềm vui nho nhỏ vẫn không lau được mồ hôi lan chảy giữa rãnh ngực vì nắng vì nóng vì Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Fuck! Vì Hồ chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta! Fuck!”

Với nhà văn “ngoại biên” Inrasara, có lẽ chúng ta nên đọc thấy sự khích lệ trong tinh thần này: “Một tác phẩm văn chương nếu nó không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống thì nó khó nói được gì nhiều.” Khi nói đến yếu tố thời cuộc, hẳn nhiên chúng ta không thể tránh né chính trị. Chỉ có điều khi lồng chính trị vào thi ca, chúng ta cần những thi sĩ không những với trái tim thừa nhạy cảm mà còn phải nhạy bén, bản lĩnh trong cách viết. Một thử thách thường làm thi sĩ khựng lại suy nghĩ lâu la hơn, vì những điều viết xuống khi không bỗng trở nên quan trọng và trầm trọng không ngờ. Thật ra ý đồ của thi sĩ chẳng qua cũng chỉ là muốn được để lại một tiếng kêu, một phơi bày đối kháng nội tâm. Còn cái ý tưởng “cao siêu” của Sóng Hồng: “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” thì tôi tin chắc không một thi sĩ trẻ nào buồn nghĩ tới khi sáng tác. Và nghĩ tới mà làm gì, khi điều này không những là hoang tưởng, mà cũng có thể là thi sĩ vốn mắc bệnh hoang tưởng nhưng là những hoang tưởng trong thơ, khác hẳn với sự hoang tưởng của những nhà chính trị khăng khăng dẫn đến những hành động thực tế. Nỗi lo cuống cuồng và ra tay trù dập của ban huấn thị tư tưởng thật ra chỉ làm những nhà thơ chân chính có thêm chất xúc tác, và lý do để tiếp tục kêu, hú, tru, thét... và rồi sẽ đến tai những nhân loại yêu thơ. Bằng cách này cách khác. Khi mà sức hút và sự lan toả của internet quá vĩ đại. Vĩ đại như phép lạ thi ca!

Điều không lạ là người ta vẫn nhắc đến sức mạnh của ngòi bút như của cả một sư đoàn. Không ai muốn chối cãi về sự lợi hại của ngòi bút, nhưng thường thì những tác động nếu có trong quần chúng vẫn nằm ngoài những dự cảm hoặc “dự phóng mơ ước” của người viết. Dĩ nhiên tâm hồn thi sĩ là thứ tin khí tượng không một ai đoán nổi.

Có những người đã từng làm hỏng thi ca, chỉ vì họ đã một mực dùng thi ca làm khí giới, cho những ý đồ chính trị xảo trá. Trong khi đó ai cũng thừa biết, thứ khí giới tự vệ của một nhà thơ chính là sự đánh vật những con chữ của chính hắn, và dĩ nhiên ngay cả một thi sĩ có tài thì cũng đành bó tay nếu bị tước đoạt thứ quyền năng ấy. Ở trong một chế độ toàn trị thì quả thật có quá nhiều cách bị tước đoạt: Sự thoả hiệp dẫn đến nỗi sợ hãi tránh né. Nhưng rồi, con giun xéo quá cũng oằn, và thi sĩ vốn là người biết oằn sớm hơn ai cả. Có lẽ vì bản chất nhạy cảm, nên họ không thể không rung động cảm xúc trước những thực tại mất mát quá lớn lao của con người. Nhà thơ chấp nhận sự dấn thân như một cuộc chơi khá nhiều hấp lực và nhất là được hứa hẹn khá nhiều thử thách. Ai không vượt qua được thử thách, họ sẽ không dám chơi, đơn giản thế thôi.

Thật ra trong vai trò một thi sĩ, hắn cũng đâu cần phải nốc vài “doses” thuốc tăng ảo giác, thì mới có thể dám khuấy động tâm thức để dàn trải những vần thơ dữ dội. Dĩ nhiên chúng ta không cần sự kích động của một chiến sĩ, nhưng chúng ta cần sự kích động tối đa của cảm xúc, những cảm xúc được gợi hứng từ những biến cố, những sự kiện có thật. Với siêu xa lộ thông tin bây giờ, chúng ta có thể thu ngắn chiều dài lịch sử của đất nước trong nháy mắt. Chúng ta cho dẫu có muốn cũng đâu thể là nhà viết chính sử đúng nghĩa, cũng như không hẳn là người có ý đồ viết lịch sử bằng thi ca. Mà chỉ có thể với sự đóng góp của tất cả những nhà thơ từ một hiện tượng, trở thành một phong trào, một trào lưu mới, thi ca sẽ nở rộ như những bản ghi chép đầy những cảm tính mỹ học về lịch sử, chính trị, thời sự, tự do, nô lệ... cho một giai đoạn thăng trầm nào đó của thời cuộc, thời đại mà chúng ta và có-những-con-người-như-thế đã kinh qua.

Đi tìm một lãnh địa mới, một phong thổ mới cho thơ không phải là điều chúng ta mong mỏi để khỏi bị bế tắc sao? Những bất hạnh mà quê hương chúng ta đang đối diện từng ngày, liệu đó không phải là kho tàng của những xúc cảm khổ đau mà chúng ta cần khai thác? Và làm thế nào mà người viết trong thế kỷ 21 này lại không phải hoặc không thèm đoái hoài gì đến chính trị, và nhất là không phải mỗi khi đặt bút xuống là chúng ta đã viết trong một ý thức như thế?

Nhà thơ tiên phong của thi ca dấn thân Nguyễn Đăng Thường đã phải kêu lên, trong một bài phỏng vấn mới đây với nhà thơ Phan Nhiên Hạo: “Ôi biết bao nhiêu cái cối xay văn hoá trò hề kịch cỡm trên đất nước ta bây giờ, mà sao chẳng thấy bóng dáng một chàng Don Quixote nào cả trong cái Hội Nhà Văn kia nhỉ?”

Câu trả lời cũng không khó. Nhưng điều làm tôi hơi hoang mang bây giờ, trước hết là không biết có nên để nhà thơ Trần Nghi Hoàng mắc nợ chúng ta một lời giải thích. Nhà thơ với bút hiệu vốn xông xáo năm xưa, Thông Biện Tiên Sinh, bây giờ có thể là đã qui ẩn với cuộc đời. Và do đó, ông đã phải tìm cách tránh né để “thoát hiểm”. Lâu lắm mới đọc lại một hai bài thơ của ông, và tôi mừng là vẫn còn hơi hướm phong độ của Trần Nghi Hoàng. Điều tôi không mấy cả tin là một nhà thơ như ông có thể trở nên an phận, thu mình nhỏ bé và về khép kín ở Phố Cổ Hội An. Câu hỏi rất thú vị của nhà thơ Phan Nhiên Hạo trên “Litviet” được gởi tới nhà thơ Trần Nghi Hoàng như sau: “Từ góc độ một người viết văn, làm thơ, anh suy nghĩ gì về tình hình chính trị, thời sự ở Việt Nam hiện nay?” Câu trả lời của Trần Nghi Hoàng đối với một nhà thơ luôn quan tâm tới chính trị và biểu tỏ rất thẳng thừng như Phan Nhiên Hạo, có lẽ là một ngạc nhiên lớn, vì kỳ thực đây là một câu trả lời khó tin đối với một người thơ “cứng rựa” như Trần Nghi Hoàng: “Hạo tin không? Tôi giờ gần như không quan tâm đến tình hình chính trị, thời sự. Mà tôi quan tâm rất nhiều đến tình trạng giao thông trên đất nước Việt Nam...”

Dĩ nhiên tôi không dám nghĩ là có một thoả hiệp ngấm ngầm nào trong con người một thi sĩ, mà ở ông tôi đã có dịp tiếp xúc rất nhiều lần trong đời thật cũng như đời sống văn chương.

Sau câu hỏi ấy, chỉ tiếc đó là câu hỏi cuối nên nhà thơ Phan Nhiên Hạo chưa kịp biểu lộ một thắc mắc gì. Nêu lên thắc mắc này, tôi chỉ muốn chờ đợi ở tác phẩm mà ông hứa là sẽ để đời một góc cạnh khám phá đi xuống sâu hơn, với chất liệu sống mà chính thi sĩ đang có, hoặc vừa kịp chụp bắt nó nhưng không phải chối từ vì một lý do gì, ngoài văn chương.

Như tôi đã nói, để đi tìm giải đáp cho nhà thơ họ Nguyễn ở trên, thật tình trong câu hỏi với ba chữ Hội Nhà Văn cũng hàm ý đủ cho một câu trả lời “lấy liền”. Ở đây tôi thật khâm phục tài phiếm luận, biên cải của nhà thơ Thận Nhiên khi gọi là “Hội tương tế dưỡng sinh” thay vì cái tên đẹp mỹ miều của họ, Có thêm một người nữa là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, chắc chắn sẽ trả lời trung thực và dũng khí hơn ai cả. Ờ nhỉ, một nơi có tới trên 1000 hội viên nhà thơ, nhà văn, mỗi năm nghe nói “nướng” cả hàng chục tỷ tiền thuế, mà không hiểu sự bồi dưỡng (tâm thần) của những vị ấy như thế nào để đến tịnh như không có lấy một khuôn mặt “cứu nguy dân tộc” (?). Thiên tài văn học Việt Nam trốn tiệt đâu hết rồi. Không lẽ họ quá sợ thứ “chỉ thị mới” của chủ tịch Hữu Thỉnh. Chẳng hạn mới gần đây, cụm từ “Hội nghị Nhà Văn Trẻ” khi không bị xuống cấp “nhà văn” thành “Hội nghị viết văn trẻ”. Chữ nhà văn sao nghe “nhớn” quá,mà chẳng thấy tác phẩm lớn nào cho nở mặt Hội Nhà Văn. Cuỗm mất chữ nhà văn của đội ngũ sáng tác trẻ, coi chừng lại mang tiếng tranh giành không xứng đáng. Tuổi trẻ tài cao mà lị!

Thật ra chúng ta nên kỳ vọng vào những người viết trẻ, những người không cần danh xưng hoặc đến vỗ tay nghe diễn văn ở Tuyên Quang, để làm thế nào họ có thể “thoát ra khỏi dàn đồng ca mà tạo cho riêng mình một dấu ấn cá nhân” như mọi người và chính nhà thơ chủ tịch cũng tỏ ra mong mỏi. Về vấn đề “tác phẩm chưa để lại dấu ấn” thì xin mời đọc chơi mấy câu thơ của Nicanor Parra do Hoàng Ngọc-Tuấn dịch sau đây:

Những nhà thơ trẻ:
Hãy viết bất cứ cách nào bạn thích
Quá nhiều máu đã chảy dưới cầu
để còn tiếp tục tin
rằng chỉ có một con đường là đúng.
Trong thơ mọi sự đều được phép.
...

“Trong thơ mọi sự đều được phép”, tôi muốn lập lại câu thơ này như một đồng cảm, và tự vỗ về mình là không quá cao hứng cho một thái độ thi ca mà tôi thiết nghĩ là cần thiết cho thực trạng và thực tại bây giờ.

Khỏi nói, chúng ta cũng thừa biết chính trị và thời sự là những đề tài rất nhạy cảm ở Việt Nam. Trong khi chúng ta ở đây thì có thừa tự do để viết bất cứ điều gì mình muốn. Chúng ta không bị cấm đoán, kiểm duyệt, trù dập. Chúng ta không phải xuất bản chui... Và do đó, chúng ta tha hồ để sáng tạo bay bổng. Chúng ta có thể toa rập với những con chữ, mà không sợ bị ai giựt phăng cây bút, săm soi bàn phím... Thử tưởng tượng ngòi bút bất khuất của Phùng Quán: “Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” để thấy rằng một khi nguồn thơ của những nhà thơ tự do như chúng ta không bị ai bóp nghẹt, chúng ta không thể không đề cao vai trò của thi ca dấn thân và kêu gọi tự do đến tận chân trời.

Dù sao đây là một công việc cần có những đồng hành tri kỷ, một sự tiếp sức cần thiết, để những vần thơ tiếp nối những vần thơ, những bi ca tiếp nối những tráng ca. Và như cách nói của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, để không chỉ là “tiếng hú trong sa mạc”.

Một tiếng hú trong sa mạc. Một khẩu súng cắt xén nghệ thuật kê lên một cuốn sách màu đỏ như máu, hình bìa của số chuyên đề “Thơ và Thời Đại” của Da Màu. Tất cả thật gây ấn tượng.

Có thể nào hoạ sĩ và người viết đều muốn mách bảo về một thứ trách nhiệm nào đó, mạnh như khí giới khẩu súng trên sinh mệnh của cuốn sách là những người đọc nó? Trách nhiệm, hẳn nhiên là như thế, một khi chúng ta đã viết xuống và đã đến tay trao gởi cùng người đọc.

Tự nhiên lại... thơ. Kỳ thực tôi thích hai câu thơ lúc này của Thận Nhiên: “Ở thời niềm tin không thể đặt vào đâu. Anh chọn những câu thơ làm định mệnh.”

Ngoại trừ những câu thơ vô thưởng vô phạt, đại loại những câu thơ tán tỉnh trai gái vớ vẩn hoặc trên những chiếu rượu, đàn đúm bỏ túi, thì không nói làm gì, còn thì bất cứ một bài thơ nào đã tìm đến độc giả thì bài thơ đó mặc nhiên sẽ có định mệnh vui buồn của riêng nó.

Những bài thơ chính trị thì hoàn toàn khác. Ở đây bài thơ chính trị cũng đặt nặng tâm tư dành cho quê hương đất nước, nhưng không phải là những bài thơ viết theo kiểu “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, mà quê hương chỉ là cái cớ, để gợi hứng cho những thiết tha của người làm thơ, nhưng điều nhắm tới vẫn là sự phê phán và thái độ phản kháng đối với những thế lực chính trị đang dày xéo quê hương. Dĩ nhiên sự phản biện hay phản kháng vốn là thái độ của một kẻ sĩ, của một người trí thức, chính vì thế mà thơ chính trị không ít thì nhiều cũng “làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi”.

Bài thơ, sau khi đã ra đời, không còn thuộc về máu huyết của tác giả nữa. Nhà thơ chỉ có thể tự thấy mình có trách nhiệm trước đó hoặc chỉ trong lúc thai nghén sáng tác, nhưng khi đã đẩy nó ra khỏi mình, thì chính nó sẽ tạo ra hàng loạt những phiên bản trong những lãnh nhận của độc giả, mà hẳn nhiên là thi sĩ cũng chẳng dự đoán được.

Phiền một nỗi, dưới một chế độ độc tài, thì những bài thơ phản kháng hay phê phán thường mang đến những hệ luỵ cho nhà thơ và lắm khi dẫn đến bắt bớ tù đày. Những bài thơ lịch sử có hồn nhất của biến cố Thiên An Môn vẫn bị cấm ngặt, và nhiều tác giả vẫn còn bị giam cầm hay theo dõi.

Quyền lực chính trị có khả năng tiêu diệt hoặc gây tang thương cho cả một thế hệ tài hoa, như chúng ta đã từng chứng kiến qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Trong khi đó tác động của những bài thơ chỉ là những tiếng kêu được ví như sự tiếp sức, tiếp máu trong một giai đoạn nào đó, nên không đủ sức công phá những thành trì đã được dựng lên với đầy thủ đoạn, đầy công an, quân đội canh phòng.

Vì thế, “dấn thân” trong bất cứ một nghĩa nào cũng được hiểu như một sự tự nguyện, một sự chọn lựa tự mình đi đến, lao đầu vào ngọn lửa.

Thi ca đấu tranh chính trị có thể không lúc nào cũng như “dấn thân” vào chỗ chết, nhưng chắc hẳn cũng không tránh được những khó khăn mà người viết cần phải vượt qua.

Một điều có lẽ còn chắc chắn hơn thế, là chúng ta đều đang nhận ra là mình không thể viết như một phó bản của ngày hôm trước. Chúng ta nỗ lực tìm cách viết khác đi, và khác đi không có nghĩa chỉ làm mới hình thức, mà còn đào sâu một thứ ý nghĩa khác của thực tại. Tốt hơn nữa là biết tại sao chúng ta phải làm thơ, mà không thể làm một cái gì khác hơn trong lúc này. Khi trả lời được câu hỏi ấy, tức chúng ta đã tự chọn cho mình một đường hướng riêng và trong sâu thẳm thì ý thức chính trị cũng đã thành hình. Trên hết nữa, chúng ta vừa biết công việc mình đang làm cũng không đến nỗi phí phạm vô ích.

Nghĩ cho cùng, thi ca dấn thân phản kháng, hay thi ca thuần túy văn chương, thì cuối cùng, thi ca cũng vẫn phải phục vụ cho Con Người. Nghệ thuật sinh ra chính là để phục vụ Con Người, vì không có Con Người cũng sẽ không có nghệ thuật. Đơn giản thế thôi. Bất cứ một cuộc bùng vỡ cách mạng ý thức nào cũng là để tri ân và ngưỡng mộ Con Người.

Hình như có dạo những cây viết Việt Nam mơ màng sẽ có những nổ bùng cách mạng trên lưới. Điều gì đã làm những sự tiếp tay chừng như khựng lại, mặc dù những người quan tâm đến nó vẫn cảm thấy như đã có những khởi đầu tốt đẹp. Dĩ nhiên bất cứ một một phong trào phản kháng bền bỉ nào cũng sẽ có cơ may dẫn đến một cuộc cách mạng, ngoài tầm kiểm soát của mọi thế lực. Một cuộc tổng tấn công trên mạng ở những diễn đàn văn học tự do qua mạng lưới truyền thông báo chí? Lẽ nào lại không, khi những bất công khủng khiếp của xã hội đang tràn lan...

Dường như chúng ta đang định thần và định hướng cho từng tiến bước đến toàn cầu. Bạn bè cầu chúc cho nhau hãy cần thêm “băng giá” (như người viết Nhã Thuyên đã cố tìm một phương cách thổ lộ). Trong một cái nhìn ngỡ như thi sĩ, tôi nghĩ là mình cần lửa, và đã có đủ băng giá. Chúng ta hãy cùng nhau thử truyền một ít lửa cho thơ ca Việt Nam và những người viết trẻ.

Tôi biết, lửa để sưởi ấm nhưng cũng để đốt cho tàn rụi... Có phải?

 

 

------------

Đã đăng:

Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ I]  (tiểu luận / nhận định) 
... Lẽ nào chúng ta đang ở trong một thời đại mà thi ca bị đời sống có quá nhiều thứ náo động vây khổn đến mức chỉ còn như để trám vào khoảng trống lấp liếm? Lẽ nào những tiếng hú, tiếng tru, tiếng hét, tiếng thét, tiếng hát... của cả một hiện tượng thi ca phản kháng lại không đánh thức hoặc “đánh phá” nổi giấc ngủ an lành của quý vị đang nằm “run” với gió, “rụng” với lá cây...? ... (...)
 
Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ II]  (tiểu luận / nhận định) 
... Với thi ca dấn thân, tác phẩm luôn luôn biểu hiện được một thái độ, một tiếng nói mạnh mẽ đôi khi còn át luôn cả những tiếng động giấc ngủ mộng mị của đời sống. Và do đó có thể làm giật mình một số thi sĩ đang chỉ muốn nằm “run với gió”... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021