thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? [kỳ I]

 

(Bản cập nhật và bổ sung của bài tham luận
đọc tại Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ,
Omni Dallas Hotel, tháng 9/2011)

 

Rồi vẫn nghe lại ở đâu đó những tra hỏi, những tiếng kêu khá sửng sốt gây tác dụng hoặc phản tác dụng, bày tỏ về thi ca. Vào những lúc chừng như trái đất và mùa hè xứ sở đang nóng dần lên, thế giới như bị bủa vây quá nhiều điều chưa tìm ra phương hướng và những tiên đoán về một ngày mai tận thế, tôi bỗng tự hỏi có hay không về một ngày mai như thế với thơ Việt. Ờ nhỉ, làm thế nào chúng ta có thể tin nổi trận bão từ mặt trời sẽ quét sạch mặt đất năm 2012 chứ. Vậy giờ đây, vào khoảng thời gian tôi vẫn còn ngổn ngang viết, ngổn ngang suy nghĩ, tôi tự hỏi phải yêu thơ cách nào, thể hiện thơ ra sao, hoặc bạn đang tỏ tình, nghĩ về thơ như thế nào (?!).

Trước hết, điều gì chắc hẳn không vui sẽ phải xảy ra, khi thế giới bỗng một hôm không còn bóng dáng của những thi sĩ lai vãng? Lẽ nào chúng ta đang ở trong một thời đại mà thi ca bị đời sống có quá nhiều thứ náo động vây khổn đến mức chỉ còn như để trám vào khoảng trống lấp liếm? Lẽ nào những tiếng hú, tiếng tru, tiếng hét, tiếng thét, tiếng hát... của cả một hiện tượng thi ca phản kháng lại không đánh thức hoặc “đánh phá” nổi giấc ngủ an lành của quý vị đang nằm “run” với gió, “rụng” với lá cây...?

Với tôi, thi ca vẫn thiêng liêng vời vợi. Và cũng có thể vì thiêng liêng vời vợi nên sự chiếm lĩnh cũng vời vợi cao. Bạn nhớ giùm hai chữ thiêng liêng tôi vừa dùng, bởi có thể tôi vẫn còn muốn nhắc nghĩ về nó khi nói về thi ca. Nhìn quanh quẩn mà xem, để thấy rằng không phải thi ca mang đến cho chúng ta niềm hy vọng vô căn cứ. Khuôn mặt thơ của Thụy Điển, Tomas Tranströmer, vừa trở thành một thủ lĩnh của văn đàn thế giới, với giải Nobel Văn Chương 2011, đã làm cho những người vinh danh ông muốn khẳng định một cách tiếp nhận MỚI MẺ với hiện thực. Mặc dù kết quả hơi bất ngờ cho cuộc thăm dò ý kiến có tới 87% chưa từng đọc thơ ông trước giờ công bố, khi cũng một khuôn mặt thơ khác hẳn, chỉ hụt sau ông, là Adonis, nhà thơ của nước Syria thuộc khu vực Trung Đông, người đã từng bị cầm tù vì những quan điểm đối lập chính trị, vừa đoạt giải vinh dự quốc tế Goethe của Đức vào tháng 6/2011, và trước Tomas Tranströmer là chiến thắng văn học của tiểu thuyết gia người Peru, Maria Vargas Llosa, với giải Nobel năm ngoái, vẫn được xem là khuôn mặt lớn luôn gắn liền với cuộc sống và nêu cao sự thật để vạch ra con đường của những ý thức xã hội. Ở đây, tổng thống Mỹ sắp đến mùa bầu cử và lại có dịp mời một khuôn mặt thi ca đến góp mặt trong ngày nhậm chức, như thể sự cao đẹp và tự do của ngôn ngữ thi ca sẽ góp phần hối cải nhiệm mầu trên những nguy cơ có khi còn kéo dài của nền kinh tế suy thoái, của nạn khủng bố, chiến tranh, hạt nhân...

Ở bên nhà thì như chúng ta đã biết, ban tuyên huấn của Cộng sản Việt Nam đã có lúc phải hoạt động ráo riết để mang thi ca ra làm công cụ, đỡ đòn cho những âm mưu chính trị. Một ví dụ hoàn hảo nhưng bất hảo cho dòng thơ chính trị ấy là những câu đại loại như “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” của Sóng Hồng, hoặc ngay cả của những tay thơ cỡ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu... đi nữa, thì cầm bằng cũng tan tác theo lá thu vàng, mùa thu cách mạng. Thơ một khi không xuất phát từ tim, từ óc và từ những tìm tòi chọn lựa như những giá trị trí tuệ, mà chỉ cốt lợi dụng những sự kiện làm mồi giả, thì hẳn nhiên chỉ sản xuất được những câu vần vè rặc mùi khẩu hiệu, lải nhải như những điệp khúc ba xu, chỉ giỏi chỉ huy sai khiến. Tính phi nhân bản của những câu thơ đẫm máu, nhưng không phải là huyết lệ của thi sĩ, sẽ gây ra cuộc đụng độ sống còn giữa thi ca và chính trị. Một khi người ta chỉ muốn dùng thi ca để ra lệnh và phục vụ cái ác, phục vụ chính quyền trong những chế độ toàn trị, như câu thơ của Tố Hữu: “Gọi nó về, bắt lấy nó” trong vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc như những câu vè lục bát: “Chúng bay chỉ một đường ra / Một là tiêu diệt hai là tù binh”, vừa đọc lên là con nhà thơ đã giẫy chết đành đạch. Giẫy chết và đào thải là thứ vần vè lười “động não” nàyl Những chiếc vòng kim cô cũng đã bóp nát thi ca vỡ vụn từ trong trứng nước của hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng như đã giết chết cả một thế hệ tài hoa hiếm hoi của Nhân Văn Giai Phẩm. Theo nhà văn dịch giả Hiếu Tân, ngay cả những thời gian gần đây, trong bất cứ những phim lịch sử của Tàu, chúng ta đều bắt gặp thường xuyên như một thứ đầu độc rằng phải yêu vua, yêu quân vương, và mở miệng là chỉ biết “bệ hạ vạn tuế”. Điều đáng nói là tuyệt nhiên chưa hề có phim nào dựng nên hình ảnh một thi sĩ nho phong hay một kẻ sĩ. Một dân tộc vắng thơ, rẻ rúng thi nhân, hẳn chỉ xuất hiện ở những chế độ độc tài, những chế độ không tim.

Văn học, đặc biệt là thứ tinh ròng tinh túy của thi ca, thì đồng hành với tính chất dấn thân hết mình. Nếu chúng ta không bắt gặp được tinh thần dấn thân thì sẽ khó lòng làm nên thứ trò trống gì, huống hồ là làm văn học, một cách chơi phải tới bến tới bờ trong nghĩa phụng sự nghệ thuật cao đẹp.

Dấn thân theo nghĩa “vô đam mê bất thành đại sự”, và lặng thầm khép cửa cuộc đời huyên náo ngoài kia để viết và viết như Marcel Proust, hay dấn thân theo nghĩa phản kháng chính trị để bằng chính tác phẩm, nhà thơ tự bày tỏ, khai báo với đời sống sức ma sát với xã hội con người và gắn bó thiết tha trong những tương quan đó, như Mario Vargas Llosa của Peru, hay Adonis của Syria.

Điều tối cần là trong tác phẩm của mình, thi sĩ bằng mọi cách phải biết vượt ra khỏi “mớ bòng bong” xã hội mà hắn đang có mặt. Không vượt ra được, chúng ta sẽ có những bài thơ sớm nở tối tàn như một cảnh báo của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường. Điều mà nhà thơ cũng tiên cảm được cuộc đọ sức chóng vánh của chính trị thời cuộc, với những giá trị lâu dài của thi ca.

Cách bay lên tuyệt vời nhất là chính bằng đôi cánh thi ca, và ở trong ý tưởng chỉ muốn tôn thờ cái Đẹp duy nhất, như Xuân Diệu thời còn bay được và đôi cánh thi nhân chưa bị rách bươm: “Tôi là con chim đến từ núi lạ. Ngứa cổ hót chơi.” Đây là hình ảnh nhàn nhã của một thi sĩ, như một người đi phất phơ từ bên kia núi và chẳng cần hay biết cuộc sống đang lềnh bềnh trôi ở bên này ra sao. Ở bên này đời, ờ nhỉ, ở nơi khác thì có khi thi sĩ không “hót”, không còn buồn “hót”, mà lại “hét” như những tiếng thét phẫn nộ, mang ý nghĩa của một lên tiếng đối thoại. Theo nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, đó là những tiếng hú, những “góp hú thành tru”... Với nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải thì là tiếng hát, và cũng chỉ muốn có đôi cánh như chim, để “vượt qua giai đoạn thành kiến” nào đó: “Tôi chỉ là chim sâu nhỏ nhoi giọng hát giữ dân tộc / hay hát tự thuyết minh cho đồng lúa, rừng hoang, người thổ dân vui ca hành trình / vượt qua giai đoạn thành kiến...” Khi thi sĩ “hát giữ dân tộc” thì tôi đoán chính là lúc “giấc mơ tự do” được mê mải tụng ca, như một định nghĩa không hời hợt của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh: “Thi sĩ là tên tông đồ luôn xưng tụng về giấc mơ tự do. Vì là tông đồ nên hắn phải trầm luân để đồng loại / ý thức về giấc mơ mà hắn lưu giữ”. Cuộc trầm luân với đồng loại để viết với một ý thức tự do là sự nhập cuộc, dấn thân. Và có phải vì không thể biểu tỏ được tự do như đường chân trời trong sáng tác, nên Trần Dần của Nhân Văn Giai Phẩm cũng phải nhỏ lệ cho đôi cánh gãy của thi sĩ: “Tôi khóc... những người bay không có chân trời”?

Thêm một tự vấn “phân trần” hay “phân thây” nữa, để nhận rõ rằng chẳng mấy khi thi sĩ lãnh nhận một lúc hai vai, để vừa cả là chiến sĩ, như một thi sĩ đã từng xông pha, vô tù và “ta về”, nhưng cuối cùng cũng chỉ dám xin được “đổ máu” với những con chữ. Trong bài “Thi sĩ”, Tô Thụy Yên hoàn toàn chiến đấu với một-tôi-thơ: “Cuộc đời như thế đấy. Vẫn cặp mắt phô trần. Không mang kính sậm. Vẫn thứ mực thông dụng. Không phải cường toan. Tôi giựt giành đổ máu với tôi. Từng chữ một”.

Một số câu tôi trích đem ra bày biện cho có vẻ đi vào không gian thơ, và có lẽ tôi chỉ cốt mang mang con chữ khi đụng tới thi ca, vì đã đành không ai muốn bảo đảm nói rốt ráo tận cùng với thơ. Giải mã thơ hay giải mã giấc-mơ-tự-do của một thi sĩ là đối diện với khá nhiều bất lực không trọn vẹn. Chế Lan Viên quả thật không sai khi nói: “Thi sĩ là người điên người say. Thi sĩ nói những điều vô nghĩa nhưng là vô nghĩa hợp lý.” Những nhà phê bình vốn thích đeo kính râm trí thức đọc rộng biết nhiều và hay giấu trong cây bút một loạt kính hiển vi suy gẫm vẫn không muốn chuốc lấy những thất bại nên thường thì họ cố tình bỏ quên thơ hoặc không dám “đụng”, nhất là những câu thơ có tính cách lập dị hoặc bí hiểm hoặc quá vần vè khẩu hiệu, vần vè ca dao... Những câu thơ dở, hoặc như “bài thơ con cóc” thì chắc chỉ có nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc dám thách thức “tán thưởng” nó, và khá thuyết phục. Phê bình thi ca sẽ là một đắc tội khi nhà phê bình chỉ phô trương những lộng ngôn, dàn binh bố trận những “biện thuyết” thật ghê hồn, nhưng kỳ thực đối tượng phê bình cũng không hiểu được cô/bà/ông đang nói gì về thơ. Còn nhà thơ thường chỉ thích sáng tác và để sáng tác của mình nói thay nhiều hơn là phải phát biểu điều gì có vẻ nghiêm trọng. Bài viết tản mạn này liệu có phí phạm khi phải bàn tiếp về thơ? Một phí phạm bổ ích chăng? Và xin các bạn cũng hãy đọc trong tinh thần... thơ.

Của không tội nếu có một nhà phê bình nào lảng vảng đâu đây, chắc tôi sẽ không đứng dậy bỏ ra khỏi phòng như một thi sĩ giàu cá tính kia, mà có lẽ tôi ước gì được níu áo cô/anh/ông/bà kia lại để coi họ sẽ lý luận, “định hướng” thế nào về những tranh cãi, ý kiến từ lâu vẫn xung đột: tỷ như nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Hoặc thi ca dấn thân hay dấn thân vị thi ca? Ờ nhỉ, không lẽ thi ca chỉ vị thi ca hay chỉ vị cho một thứ nhân sinh vốn hạn hẹp nào đó, trong khi “Con Người là một cây sậy biết tư duy”?

Có phải nhà thơ Việt hôm nay không hẳn đa phần chỉ muốn làm thi si theo kiểu “ru với gió” hoặc “mơ theo trăng”? Thứ thi ca “vơ vẩn cùng mây” vị thi ca này có lẽ thường thấy ở những thi sĩ không còn trẻ nữa hay vẫn xảy ra ở những vị trẻ tuổi đời nhưng lại xơ cứng tuổi già trong thơ, nên dấn thân là một điều cấm kỵ như chính trị, tình dục..., thuộc loại đề tài bất khả.

Một cách đặt vấn đề không khác, mà có khi còn phù hợp với chuyện thơ thời đại bây giờ, đó là: thi ca nhập cuộc, hay nhập cuộc thuần túy với thi ca? Thời đại, trong đó có thời cuộc và những sự kiện chính trị lịch sử nhân văn... sẽ gây ảnh hưởng như thế nào với tâm thức của nhà thơ? Và nếu thi ca phản ảnh thời đại để mỗi thi sĩ có khi là mỗi nhân chứng của thời đại mình đang sống, thì liệu chúng ta có oằn lên tâm tư của thi sĩ cái sứ mệnh, chức năng hay vai trò quá tải không? Nếu đào sâu vấn đề thêm tí nữa: biến cố lịch sử sẽ dẫn đến biến cố văn học hay ngược lại chính ra văn học mới là cứu cánh? Biến cố lịch sử 75 dẫn đến văn học di tản di dân hay liệu tác động nào gây ảnh hưởng tác động nào?

Thật ra hơn bao giờ hết, câu hỏi mà mọi người vẫn thường đặt ra lại có dịp trở về: Viết, viết và chúng ta vẫn viết, vẫn làm thơ. Vậy tại sao viết, tại sao thơ vẫn mọc lên như nấm sau cơn mưa? Viết như thế nào, làm thơ ra sao để được lại gần với người đọc và tâm tư của thời đại? Nhà thơ nào, người viết nào chắc chắn cũng tự ý thức được lương tâm và cách viết của mình, vậy đằng sau những con chữ, những toa rập ẩn dụ hay hệ tu từ gì đó, có hay không những ý thức chính trị? Chính trị ở đây đương nhiên là phân biệt rành mạch với chính trị “cách mạng”, chính trị tuyên truyền, xôi thịt, hoạt đầu...

Có quá nhiều câu hỏi vồ chụp lấy chúng ta lúc này. Trả lời câu hỏi này chưa xong thì chừng như lại hiện lên câu hỏi khác, như những cánh cửa mở ra và đụng những cánh cửa khác... Và như thế nói về thi ca là nói về những bất định. Thật ra tất cả cũng đã có những câu trả lời mổ xẻ đâu đó và dĩ nhiên cũng chỉ có tính cách ước lệ. Nào là tiêu chuẩn của những thước đo mỹ cảm trật đường rầy, cái nhìn của thời đại tính, rồi thì quan niệm, khuynh hướng, xu hướng, khung cảnh, ngữ cảnh, hoàn cảnh sáng tác...

Một trong những yếu tính của văn học là sinh động và thoát ra càng nhanh càng tốt những ù lì không thay đổi, trong đó thi ca tự thân là những tiếp nhận khám phá và khai phá, những gợi mở chân trời và những cánh cửa bỏ ngỏ tự do, mời gọi... Một người có thể là cô độc giữa những âm thanh sóng xô đẩy miệt mài. Từng đợt sóng, những đợt sóng nối đuôi nhau chạy đuổi có khi ngoạn mục, có khi gợn những lăn tăn buồn rầu. Một người vẫn ở giữa những trang giấy trắng, chụp bắt từng cảm xúc, mà chính ra là gõ xuống bàn phím như gõ vào tơ lòng tâm tư mình, trong đó xã hội ngoài kia cũng thật xa mà cũng thật gần, nhưng cũng có thể là những khủng hoảng, bế tắc, và những cú nhấn nút cho xong một hư không... Một người sao chừng như cô độc quá, vẫn sửa soạn cho những cuộc thám hiểm leo núi với sợi dây an toàn. Giữa đỉnh núi bao la của đất trời là sức cản của gió từ bốn phương muôn trùng. Một người cũng cô độc không kém, nhưng không thấy cần thiết có một sợi dây an toàn, mà chỉ muốn cỡi băng băng qua những vực thẳm gió, và cảm giác rợn ngợp của riêng mình không đến từ những đỉnh núi choáng ngợp xung quanh. Thôi thì vẫn cứ lắng nghe đi, âm thanh im lặng không cùng của vũ trụ... thơ. Khi cuộc đời vẫn sấn tới, hung hãn sấn tới. Vây khổn. Liệu thi sĩ có tài nào yên nguôi?

Không. Thi sĩ làm sao yên nguôi, và cơ hồ không muốn yên nguôi, và không thể yên nguôi được. Mọi sự đang thực sự dấy động ngoài kia. Ở bất cứ lúc nào cũng có những người liều lĩnh thích leo núi, nhưng trong cuộc thể hiện “dấn thân” này, nếu thi sĩ có thể phẳng lặng yên nguôi được thì đừng hòng còn có Thơ. Khi tâm hồn thi sĩ không bị gợn sóng, thì cảm hứng thơ cũng sẽ không bị khuấy động và vì thế thơ sẽ không được tuôn trào. Nếu thơ “phải” viết ra lúc này thì chúng ta sẽ không có được những bài thơ mang tâm hồn bão nổi của thi ca.

Tôi vừa nói đến hình ảnh của một người leo núi, như một ám chỉ về những mạo hiểm thử nghiệm. Điều nảy ngoài những trân quí vốn dĩ, chúng ta lại có dịp quay lại một vài lấn cấn, có khi là cốt lõi của thơ, cho một “phong trào” biết đâu sẽ được trỗi dậy, theo nghĩa mở ra những suy nghĩ, những tiếng nói khác lạ về thơ.

Vấn đề đặt ra, theo tôi, là cách nói “huề vốn” mắc tính giáo điều của khá nhiều vị làm thơ: “Thơ nào chả được. Cũ, mới không cần. Miễn là hay.”

Dĩ nhiên ở bất cứ một lãnh vực nào, tài năng vẫn là điều đáng nói đương nhiên. Vậy thì vấn đề tài năng để làm được một bài thơ hay có cần đặt ra như một nòng cốt, nhất là thẩm mỹ quan có thể khác biệt? Và rồi chúng ta chỉ đưa ra một lối nói cho sự giải quyết chung chung. Rồi cứ thế, để cho cảm tính của mỗi người tôn vinh bài thơ ấy, theo cách thế của riêng mình.

Mới đây nhà thơ Vương Ngọc Minh muốn “tống táng” thi hào Nguyễn Du, thì cũng là một thái độ lên đường, hoặc xuống đường cách mạng thi ca. Một khuôn mặt thơ có lẽ cách tân nhất của Việt Nam là Trần Dần, cũng đã “phải chôn Thơ Mới” và chôn luôn cả Nguyễn Du và nhiều thi hào khác: “Với Du (Nguyễn Du) Hương (Hồ Xuân Hương) Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Quát (Cao Bá Quát) hay Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương là thầy. Nhưng học trò phải ‘chôn’ thầy” (Sổ Bụi, 1979).

Trong Di Cảo Thơ, Chế Lan Viên cũng phải than thở: “Vẫn đau đáu muốn khám phá đến tận cùng bí ẩn của thơ”. Vậy thế nào là một bài thơ hay, bạn định nghĩa về thơ ra sao, khi thi ca bao trùm quá nhiều “bí ẩn”?

Người ta chỉ có thể đưa ra một số tiêu chuẩn đại khái cho một bài thơ hay, và may ra có thể đưa ra một bài thơ hay để phân biệt với một bài thơ dở vậy thôi. Lý do là chúng ta rất dễ đồng ý về một bài thơ dở, vì với một bài thơ dở, chúng ta không cần phải nhọc công phân tích và có chịu khó kiếm tìm đến khuya cũng không vắt được một giọt khen. Với một bài thơ hay, chúng ta lại càng không thể giải thích trọn vẹn, tại sao nó hay và hay ra làm sao, nên cũng khó thuyết phục để người ta cùng đồng tình với bạn. Như thể, viên ngọc của thi ca vốn có nhiều mặt. Và thật khó để phân tích một mùi hương, một tình yêu, một nụ cười... thấu đáo. Dù vậy, tôi vẫn thấy chúng ta khó có thể đồng cảm với thái độ giải quyết mà không giải quyết gì ở trên. Điều này khiến một số độc giả dám quả quyết “tự mình thôi” là có thể thẩm thấu được giá trị của một bài thơ hay. Đó là chưa kể được định vị theo kiểu “thơ tôi, tôi khen hay” của nhiều thi sĩ “văn mình vợ người” thì cái hay cũng quả thật là “huề tiền”. Và tình trạng lạm phát thơ Việt là điều quá dễ hiểu.

Với nhà phiếm luận Trương Đức: “Thơ, nhất là thơ hay, phải là những bản tình ca của tự do.” Tự do trong nghĩa ngữ sáng tạo và tự do như một tụng ca của quyền làm người, thì ở đây thi sĩ là người sáng tạo ra những câu thơ hay trước hết cũng phải là một người được chọn lựa tự do, và ý thức được tự do của mình.

Vậy thì điều mà thi sĩ hôm nay chọn lựa là gì? Những nhà thơ trẻ lẽ nào muốn ngồi lại trong thứ văn chương tháp ngà ru ngủ, hay đã đến lúc họ buộc phải thay phiên nhau chạy tiếp sức cho những xu thế mới của nhân quần xã hội? Thơ cũ hay thơ mới? Thơ cũ như thơ tiền chiến, Thơ Mới, hay lục bát Nguyễn Du...? Và không lẽ chúng ta đều phải dựa đầu vào những cái bóng khệnh khạng nhưng đã cũ thì mới làm ra được thơ hay? Hoặc ngay cả thơ tự do, thơ xuôi, thơ giễu nhại vỉa hè... liệu chúng ta có cần phải thay máu, thay tên đổi họ để đỡ lập lại những nhàm chán chẳng hay ho gì? Một ví dụ về thơ lục bát Nguyễn Du. Có người cho rằng sau Nguyễn Du, không ai có thể làm lục bát được nữa. Rồi thì chúng ta có thứ lục bát gọi là lục bát tân kỳ của những Viên Linh, Cung Trầm Tưởng... Và cho dù ngay cả thứ lục bát được coi là cách tân nhất của Bùi Giáng, thử hỏi chúng ta đã “chôn” được Nguyễn Du chưa? Và không lẽ chỉ khi đi trên một lối mòn, mới khiến bạn yên tâm hơn sao?

Có một định nghĩa mà chúng ta có thể tâm đắc được của nhà phê bình Đặng Tiến: Thơ là gì? Là con chuột bạch cho nhiều bộ môn khoa học nhân văn hiện đại và “đương đại”.

Tính chất hiện đại và đương đại là điều không thể chối cãi, là những khao khát cần thiết cho thi ca hôm nay, dĩ nhiên với thái độ vươn lên đổi mới, nhưng không đạp đổ truyền thống vì những giá trị cố hữu của nó vẫn phải còn đi kèm với một tài năng thi ca xuất chúng, để từ đó chúng ta có thể có được những bài thơ hay - mà-mới. Còn những bài thơ hay mà cũ, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên coi là kỷ niệm của một thời như thế. Chữ “cũ” có nhiều yếu tố và ở đây chúng ta không có nhiều thời giờ để đi sâu vào, nhưng bất cứ một yếu tố nào thì với một bài thơ hay tưởng là vượt qua được thử thách thời gian rồi cũng chỉ còn là những ấn tượng âm vang! Ấn tượng ban đầu cũng đã bị đánh mất và vì thế thật khó mà có một điều gì bất biến ở cuộc đời này, nhất là trong lãnh vực thao tác nghệ thuật. Thử hỏi trong khung cảnh thời đại bây giờ, làm thế nào chúng ta có thể thưởng thức được ngôn ngữ thi ca đượm mùi điển tích Hán Nôm?

Nói về thơ cũ, thơ mới, thơ hay, thơ dở mà chúng ta quên chưa bàn tới nội dung chất liệu, đề tài sáng tác hoặc ý trước hay lời trước, hay ý quan trọng hơn lời và ngược lại... Một ghi nhận rất thơ của nhà thơ tài hoa Trần Dần, mà có lẽ chúng ta cần suy nghĩ: “Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa: ‘Mai sau dù có bao giờ’ là con chữ. ‘Chữ tài liền với chữ tai một vần’ là đặt nghĩa” (Sổ Bụi, 1979).Bởi vì ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một cái nhìn không khoan nhượng. Thơ cần phải lột xác, phải đeo một lăng kính khác cho những khủng hoảng của thời đại. “Thi tại ngôn ngoại bất tại ý trung”, nên điều mà chúng ta kiếm tìm cho thơ nằm ở ngoài lời mà cũng không hẳn nằm ở trong ý.

Thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa thời chiến-tranh-chiến-thắng hay hậu-chiến-tranh-hòa-bình-thất-bại, hoặc tân hiện thực VNCH, rồi thì cả siêu thực, tượng trưng, ấn tượng, tiền phong, hiện sinh, hiện đại hay hậu hiện đại... thì nhà thơ cũng phải tìm cách vượt qua những cái bóng hù dọa để bay lên. Về “vấn nạn” đề tài chất xúc tác, thi sĩ tha hồ chọn lựa từ ái tình “taboo”, cho đến cái chết, cái sống, cái thương tâm nghèo giàu, thiên nhiên, số phận, và cả chính trị thời sự... Điều quan trọng là cách thể hiện sáng tác của mỗi nhà thơ, và làm thế nào để vẫn giữ được “chất thơ” tối đa.

“Chất thơ” là một điều rất khó đạt tới trong những bài thơ chính trị. Vậy thì điều muốn nói ở đây về thi ca phản kháng chính trị là sự khô khan nhưng đầy tính chất thời thế, một rừng chất liệu sống, với trăm ngàn sự kiện cần được đãi lọc tinh vi. Điều cần thiết vẫn là sự chắt chiu và sắp xếp hình tượng của mỗi nhà thơ, khi mà thi ca có một lợi điểm là đa tầng, nói một hiểu mười, và tính chất hàm ngôn, súc tích, ngắn hơi nên dễ gây tác động mạnh, trực nhận nhanh mà không phải tốn thời giờ, và đi thẳng vào trái tim của mỗi người đọc mặc dù chưa hiểu thấu những ẩn giấu sau những con chữ.

Có lẽ đó là những nguyên nhân khiến thi ca được mùa, và những lúc như thế thì tiểu thuyết, truyện ngắn dường như bị khựng lại. Thế giới cũng lại đang có quá nhiều tất bật giải tỏa máy móc, dường như chúng ta đã đánh mất cảm giác nhẩn nha với tiều thuyết dài dòng. Truyện ngắn thì có khi cũng phải là truyện cực ngắn. Nhưng truyện ngắn vừa phải nói chung vẫn chưa đến nỗi bị mất đất bằng tiểu thuyết.

Nhà thơ Thường Quán vừa tỏ ý tán đồng vừa cảnh giác: “Để phản kháng, người ta có thể làm thơ, nhưng thơ phản kháng để đời được thì cũng hiếm.” Dĩ nhiên “hiếm” nhưng không phải là không có. Nhất là theo tôi, một khi các nhà thơ trẻ trong thời đại này còn mang theo mình một cái nhìn mới, cách tiếp nhận mới và khẳng định mới. “Của hiếm” chính là sự thử thách và bất cứ một cuộc dấn thân nào thì sự thử thách cũng đi đôi với những kích thích tố. Mà kích thích tố lớn nhất phải chăng là thứ hiện thực thô nhám sống động mà chúng ta đang đối diện và cần sống thật, xúc cảm thật mỗi ngày?

 

[Còn tiếp]

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021