thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn chương là chính trị

 

Nhập

Dân quê biểu tình đòi trả lại ruộng đất hay bồi thường xứng đáng. Trí thức sinh viên học sinh xuống đường hô to những khẩu hiệu yêu nước, chủ quyền Việt Nam về biển, đảo. Rừng núi bị san bằng để xây cất sân gôn, khách sạn, resort năm sao cho du khách và quan lớn phè phỡn, trong khi trẻ con, người già không nơi nương tựa. Linh mục, trạng sư, blogger, công dân yêu nước bị đánh đập, bắt bớ, tra khảo, hạ ngục. Nhà văn, trí thức của ta, những kẻ có chút ít tiếng nói ― nhứt là tiếng nói của lương tâm ― trong lúc đất nước lâm nguy, dân trí còn thấp kém, xã hội tha hoá, đạo đức suy đồi, nên làm gì? Ngoảnh mặt làm ngơ trước những cảnh đói khổ? Tránh “chính trị hoá” ngòi bút và “hướng đến cái đẹp” để mơ tiên nữ Thiên Thai, khóc thương cho những mối tình Trương-Mỵ, ôm cành hoa trắng tả tơi trở về trong đêm tối? Hoặc hướng đến những cuộc thi hoa hậu rình rang với sự đóng góp của các tiên nữ dương thế, hướng về những bộ sưu tập áo dài thiết kế mỗi chiếc cả ngàn đô, chợ hoa, pháo bông, lễ hội huy hoàng lộng lẫy dỏm để che đậy những cái xấu xa bỉ ổi trước mắt vì chúng sẽ... vĩnh hằng?

Đặt ra câu hỏi về lựa chọn cho “vui” thôi. Chứ thực ra văn chương của ta bây giờ đều đang hướng đến “cái đẹp”, cái đẹp xã hội chủ nghĩa của Hội Nhà Văn-Nhà Nước. Hướng đến cái đẹp kiểu đó, là vì nhà văn không được phép hướng tới một cái gì khác hơn, chí ít là do áp lực của chế độ hay vì chuyện cơm áo. Câu hỏi tiếp, là, nếu không hướng tới cái đẹp được cho phép, nhà văn trong nước có được tự do hướng tới những cái đẹp khác hay không? Kế đến là đa số thi nhân hôm nay, trong lẫn ngoài, vẫn còn ru với gió đấy chớ. Vào mạng lưới gõ “thơ tình”, nhấn chuột, nó sẽ cho “vườn thơ tình lãng mạn”, “nhớ thương anh”, “hương xưa”, “tương tư khúc”, “con đường mây”, “tình thơ như làn gió”: “Thuyền Trăng chở Gió đi chơi / Ngân nga ru giấc mơ đời nghìn năm / Tôi Như làn Gió xa xăm... / Gom bao câu chữ âm thầm dệt thơ”... Thi nhân vẫn “viết trên cổng trời”, vẫn “tình tự chậm”, và vân vân. Không chỉ thế, thi nhân còn biết triết lý dỏm “nhường nhịn chưa chắc đã thiệt thòi”, chìa mông phải ra đón bàn chân khựa? Và, ba phải: “Đất khiêm nhường màu xanh lay động / Là thắm sâu lặng lẽ sinh đôi / Trên mặt đất chính là cuộc sống / Có cần chi biện bạch nhiều lời”. Xin thưa: Cần lắm chớ. Vì trên mặt đất hôm nay là cõi chết. Vậy thời la ó “văn học không nên chính trị” để làm gì? Vì, như đã cho thấy sơ qua, văn học ta hôm nay, tuy không chính trị mà lại chính trị, dù là chính trị dẫu không chính trị.

Tôi dùng “văn chương” thay cho “văn học”. Lẽ thứ nhứt là vì từ văn học quá tổng quát. Lẽ thứ hai vì là từ ngày “giải phóng”, ngôn ngữ Bắc Kỳ lan tràn trấn áp khắp nơi, từ “văn chương” (như trong cụm từ “giải Nobel Văn Chương” của Nam Kỳ trước 75) hình như cũng đã được giải toả san bằng luôn. Kế đến, là vì văn học nói chung không thể tách rời văn hoá. Mà văn hoá thì luôn luôn là chính trị, nhứt là dưới một chế độ độc tài chuyên chế. Nói khác đi, nếu đuổi chính trị ra cửa trước nó sẽ trở lộn vô ngay, bằng cửa hậu. Bởi lẽ, mọi quốc gia, mọi xã hội đều nằm trong một hệ thống chính trị nào đó. Tôn giáo cũng là chính trị. Đạo Chúa ra đời để chống đối Đế Quốc La Mã, nên Chúa bị đóng đinh. Hồi Giáo ra đời để phản đối Thiên Chúa Giáo, nên có Thánh Chiến. Phật Giáo ra đời để dạy bảo con người cứ an phận thủ thường, chấp nhận mọi khổ đau, chuẩn bị cho kiếp sau và Miền Cực Lạc, nên chuông vẫn ngân nga... lời uỷ mị. Đó là chưa kể Phật Giáo xuống đường, nhà sư tự thiêu với mục đích chính trị. Và hôm nay, có thêm Buddha Spa ở Hà Nội với mục đích tham T[h]iền bằng cách xoa bóp tay chân, chỗ kín của khách. Hồ Xuân Hương đã làm thơ chế giễu thầy chùa. Vậy thời, người cầm bút nếu có/còn chút lương tâm hôm nay nên viết về những cảnh đời trước mắt, hay lại tiếp tục suy luận về triết lý Phật Giáo trong... Truyện Kiều?

 

Văn chương & chính trị

Nếu văn chương không chính trị và nằm trong một hệ thống văn hoá phi chính trị, thì “Hồ Chí Minh nhà văn hoá lớn” như “tuyên dương” (!) của UNESCO năm 1987[*] (?) ― theo lời kể của Thạc sĩ Trần Nguyên Hào ― không chỉ lớn, không chỉ to cho riêng cái dải đất hình chữ S mà thôi, mà lại còn cho cả nhân loại. Hãy nghe Thạc sĩ Trần Nguyên Hào ca tụng họ Hồ trên mạng (không nhớ tên): “Hồ Chí Minh được [UNESCO] thừa nhận là nhà văn hoá lớn vì trước hết Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập tự do cho các dân tộc bị bóc lột, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hoá cao cả.” Xin độc giả để ý đến “các dân tộc bị bóc lột”, “hạnh phúc cho muôn người”. Hồ Chí Minh, như vậy, rất xứng đáng với cả hai giải Nobel: Nobel Hoà Bình và Nobel Văn Chương!

“Sự nghiệp văn hoá” của họ Hồ như vậy có “tay trong tay” với sự nghiệp chính trị hay không? Muôn người của Đảng Cộng Sản hôm nay nhờ một Người đứng ra tranh đấu nên đã được hạnh phúc ấm no tràn trề rồi. Nhưng than ôi, triệu triệu dân đen của ta vẫn bị bóc lột tận xương tuỷ. Vẫn rách rưới, vẫn đói nghèo. Vẫn phải ăn xin, làm gái, bán vé số, đánh giày. Cả trăm người lớn bé chen lấn nhau, chờ giành giựt một nải chuối con con, vài trái cây, mấy chiếc bánh cúng cô hồn trong khi người giàu đốt vàng mã, xe hơi, nhà lầu, quần áo, tiền đô, điện thoại di động... cho người chết khỏi thiếu thốn món nào cả, dù ở Thiên Đường hay dưới Địa Ngục. Đạo Khổng cầm tay Đạo Phật gieo rắc mê tín dị đoan đã hằng bao thế kỷ. Nay, với Phật Giáo Quốc Doanh, chùa chiền là những Buddhaland loè loẹt hệt như Disneyland làm nơi giải trí, mê tín dị đoan đã lên tới đỉnh cao trí trá, trí mạng.

Hãy nghe tâm sự của một chị bán quần áo bành: “Áo quần bành, trước đây còn gọi là đồ SIDA, trong cuộc chiến tranh năm 1978-1979 tại Cambodia, người dân đói khổ, nên các tổ chức quốc tế xin áo quần cũ của các nước phương Tây sang viện trợ... Mình luôn nghe đài, báo nói lung tung lên rằng Việt Nam đứng đầu khu vực Ðông Dương, giàu mạnh, tiến bộ... Nhưng thực ra, trong chuyện áo quần bành, cũng cho thấy dân mình còn quá nghèo, quá lạc hậu so với họ [người Campuchia]. Họ chê không thèm mặc, mình mua về bán lại, có người [mình] còn mua trả góp nữa kia!”.

Và một chị khác: “Năm ngoái, tôi gom gần 9 bành áo quần, chừng 4,000 chiếc, nói chung không còn tốt cho lắm, vì những cái 'xịn' tôi đã bán lấy vốn, mang ra cứu trợ cho bà con vùng lũ lụt ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Trời ạ, khi ra đó mới biết, bà con có người nghe tôi nói là áo quần này gốc từ áo quần SIDA, họ cởi phăng ra ngay, họ sợ lây bệnh... Nói chung là dân mình còn nghèo và không có kiến thức, buồn thật! Buồn cười nhất là mình đi cứu trợ theo diện cá nhân, từ Quảng Ngãi ra tới Quảng Bình, cả phí xe cộ, ăn ở và chuyên chở vẫn không tới ba triệu đồng, trong khi đó những đoàn cứu trợ nhà nước thì rình rang bầu đoàn thê tử, kèn trống lung tung, người này đón, người kia đãi... Cuối cùng cho mấy gói mì tôm, vài ba cái áo bỏ đi, rồi vài ba cái quần may lỗi... Buồn cười thật, con số tính lên cả trăm triệu, thậm chí hơn vậy cho mỗi chuyến cứu trợ của đám này!” (Trích dẫn từ “Ðời sống Việt, nhìn từ những người bán quần áo bành”, 24.10.2001, Người Việt Online).

 

Hướng đến cái đẹp & hướng đến cái lợi

Giới trẻ “làm văn nghệ” hôm nay, trong lẫn ngoài, có vài ý niệm mơ hồ rất chủ quan về cái đẹp và chính trị, nên đâm ra dị ứng chính trị trong văn chương ta, vì liên kết nó với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa, hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, các tình huống bịa đặt xa rời thực tế, các nhân vật chỉ là những con rối để chứng minh cho cái nọ cái kia. Họ ― số người trẻ quan tâm đến văn nghệ ― muốn loại bỏ chính trị trong văn chương để “hướng đến cái đẹp”. Họ “muốn quên chiến tranh” vì họ chào đời khi khói lửa đã tắt. Làm như vậy, họ tưởng lầm rằng họ có đầu óc cởi mở, phóng khoáng, tự do, mà không biết rằng họ đã bị tẩy não từ lúc còn ngồi trên băng ghế nhà trường và trong sinh hoạt hàng ngày, vì đường lối chính trị của Đảng đã xâm nhập, ăn sâu vào tiềm thức họ mà họ không biết.

Nói theo nhà thơ Milosz thì suy tưởng của họ là “suy tưởng bị cầm giữ” từ khi mới lọt lòng. Trong công cuộc “trồng người mới” ― những con người xã hội chủ nghĩa chỉ biết cúi đầu vâng dạ hệt nhau tựa những người máy ― Đảng đã cấy những cái “giên” vào tâm thức họ. Trong thời chiến, Đảng sử dụng triệt để chính trị, buộc mọi người phải trực tiếp tham gia chính trị theo đường lối của Đảng trong mọi lĩnh vực. Xin trích dẫn vài câu thơ của một nữ thi sĩ trẻ miền Bắc trong thời chiến, hệt như thơ Tố Hữu: “Làng con nghèo, ở ngoại ô / Một chiều vui được Bác Hồ tới thăm / Bác xem chỗ ở chỗ ăn / Đến bên giếng đất ân cần Bác khuyên / Làng ta rồi phải sạch hơn / Giữ cho đôi mắt như gương trong ngần...” Vào thời bình, Đảng vẫn sử dụng triệt để chính trị, nhưng bằng cách ngược lại, nghĩa là cấm dân chúng tham gia chính trị (phản kháng) và phải ngoan ngoãn nghe lời Bác và Đảng.

Một tác giả trẻ viết: “Tôi cũng muốn phân biệt văn học và chính trị như hai lãnh vực độc lập dù có những quan hệ tương liên chặt chẽ. Trong khi văn học hướng đến cái đẹp, chính trị hướng đến cái lợi. Trong khi văn học là chuyện lâu dài, chính trị là chuyện trước mắt.” (Phan Quỳnh Trâm, “Văn học và chính trị”)

Nếu “văn học và chính trị có những quan hệ tương liên chặt chẽ” thì không thể là “hai lãnh vực độc lập”, chí ít là trong trường hợp của ta. Theo tôi, lý luận như vậy là mâu thuẫn. Tất nhiên độc giả cũng có thể nói: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước độc lâp tuy có những quan hệ tương liên chặt chẽ.” Ðiều này có thể đúng trên lý thuyết nhưng sai trên thực tế, nên tôi không cần chứng minh. Cứ hỏi sinh viên, trí thức xuống đường đòi Trung Quốc trả chủ quyền biển đảo lại cho Việt Nam bị đàn áp dã man và nghe họ trả lời. Mặt khác, người cầm bút làm sao mà “hướng đến cái đẹp” dưới một chế độ không tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền, một thể chế độc đảng toàn trị “bắt vô tù phải vô tù, cho đi tu mới được về quy y”? Các blogger hướng tới “cái đẹp dân chủ” thì đang ngồi tù, những trang web, báo chí lề phải thì cứ hả hê đăng ảnh siêu mẫu, hoa hậu. Thi sĩ hướng về “cái đẹp tình tự chậm” thì có thi tập “đẹp nhất đắt giá nhất” từ cổ chí kim, được gởi sang Paris để trình diễn thơ ở sứ quán và ê a ca hát “Hướng về Hà Nội” cho quan lớn giải trí.

Hơn nữa, quan niệm về cái đẹp thay đổi trong không gian, thời gian. Nghĩa là không chỉ có một, mà có nhiều quan niệm về cái đẹp, nhiều hệ mỹ học, thẩm mỹ: Cái đẹp truyền thống, cái đẹp tân thời, cái đẹp Á đông, cái đẹp Tây phương, cái đẹp theo Chủ Nghĩa Hiện Đại, và cái đẹp theo Chủ Nghĩa Hậu-Hiện Đại phủ nhận cái đẹp của Chủ Nghĩa Hiện Đại. Chủ nghĩa hiện đại ― lạc quan, đặt trọn niềm tin vào những khám phá mới của khoa học, kỹ thuật, tâm lý, không gian và thời gian ― ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20, muốn kiến tạo cái đẹp mới và một con người hoàn toàn mới để hưởng thụ tự do, dân chủ, hoà bình, thịnh vượng khắp nơi trên thế giới. Nhưng chẳng bao lâu nó bị phá sản ngay vì con người mới vẫn chém giết nhau, cách mạng chỉ sinh ra các chế độ độc tài ở Nga, Đức, Ý, Nhật... biến thế kỷ 20 thành cái thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, với các cuộc “chiến tranh toàn diện” (Raymond Aron) vì các vũ khí tối tân, hạt nhân, đã thay thế cung tên, thanh kiếm. Ở Nga, chủ nghĩa hiện đại trong văn chương nghệ thuật sinh ra cùng lúc với Cách mạng tháng Mười, nhưng chẳng mấy chốc sẽ bị/được văn nghệ xã hội chủ nghĩa thay thế, với lý do là “nghệ thuật hiện đại là sản phẩm của giai cấp tiểu tư sản, khó hiểu đối với quần chúng”. Ở Đức, dưới thời Hiler, văn chương nghệ thuật mới (văn chương tiểu thuyết, hội hoạ biểu hiện) bị cho là đồi trụy, không lành mạnh, nên nó bị thiêu huỷ.

Văn chương, có thể ― hay trước khi ― hướng đến cái đẹp hiểu theo nghĩa rộng, còn khá nhiều mục tiêu khác nữa, tuỳ ở mỗi cá nhân người sử dụng ngòi bút. Khi viết Những kẻ khốn khổ hay khi viết Căn lều Bác Tom mục tiêu chính của Victor Hugo và Harriet Beecher Stowe hẳn không là để hướng tới cái đẹp. Chủ nghĩa hiện thực và hiện thực phê phán cũng vậy. Lão Goriot của Balzac, Quán rượu của Zola, Giông tố của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao là cốt để cho thấy cái đẹp, hay là để phơi bày cái xấu, cái mặt trái của xã hội đương thời? Nếu hướng tới cái đẹp thì câu hỏi cần đặt ra, là: Cái đẹp nào? Và để cho ai? Nó ở đâu, để cho nhà văn hướng tới nó? Trong thơ ca, đó có phải là cái đẹp (tôi chưa đọc) trong “Bốn bài thơ của Hữu Thỉnh đã được chuyển ngữ ra nước ngoài năm 2001 đã được rất nhiều người hâm mộ...” (CAND Online, 25.08.2009). Hữu Thỉnh có phải là một nhà thơ phi chính trị hay không? Nếu có, thì ai đã “kêu gọi” ông... không chính trị? Phải chăng “cái đẹp phi chính trị” trong thơ Hữu Thỉnh đã khiến nhà thơ này được tái đắc cử Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam? Hoa hậu, siêu mẫu Việt hôm nay có thể tuyệt xinh. Nhưng để cho ai? Và để làm gì? Khi dân chúng còn đói khổ lầm than? Đó là cái đẹp “xỉn”. Chính trị, cho dù có hướng đến cái lợi, nhưng nếu để cho toàn dân được chung hưởng thì đó là cái lợi “tốt”.

 

Văn học là lâu dài & chính trị là trước mắt?

Không. Thực ra, chính trị phải là chuyện lâu dài, văn chương mới là chuyện tạm bợ. Chế độ quân chủ đã “lâu dài” qua nhiều triều đại. Chế độ cộng sản sẽ “lâu bền” mãi mãi nếu không được thay thế. Các chủ nghĩa, trường phái văn học sẽ tiếp tục ra đời để phủ nhận lẫn nhau. Văn chương thường là một cái mốt thời thượng, như thơ mới (thơ lãng mạn của ta), như tiểu thuyết mới (của Pháp nay đã cũ), như chủ nghĩa hiện thực thần kỳ (đã hết linh thiêng). Lý thuyết luôn luôn phải có tác phẩm để chứng minh, yểm trợ. Một trường phái sẽ mai một nếu không còn tác giả, tác phẩm. Một thể chế chính trị có thể cha truyền con nối, như dưới một chế độ quân chủ, hay trong một thể chế độc tài. Kêu gọi nhà văn hãy lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn, cái đẹp như một giá trị vĩnh cửu, thì phải chứng minh bằng những tác phẩm, những thí dụ cụ thể, chớ không thể lý luân “khơi khơi”. Nước Mỹ dân chủ, các quốc gia Tây phương dân chủ thì khác với nước Việt Nam độc tài, không thể để cạnh nhau để suy luận. Borges, Vargas Llosa là hai trường hợp riêng lẻ không thể làm “đại diện” cho văn chương phi chính trị. Châu Mỹ La-tinh ắt phải có không ít những nhà văn đã thành công với những tác phẩm có nội dung chính trị. Trước khi khẳng định vì trăm phần trăm tin lời phát biểu về văn chương không chính trị của Vargas LLosa, người viết cần đọc trước và phân tích xem tiểu thuyết của nhà văn Pêru có nội dung chính trị lộ liễu hoặc ngấm ngầm hay không.

Cái “đẹp thực sự” chỉ có thể nẩy nở và vươn tới ánh sáng mặt trời dưới một chế độ dân chủ. Văn nghệ Nam Hàn ắt phải phong phú hơn văn nghệ Bắc Hàn. Trung Quốc, Việt Nam đang chính trị hoá tối đa văn học, văn hoá, sử dụng đại tự sự để viết lại, viết tiếp lịch sử Trung Hoa và Việt Nam theo hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Do vậy, văn nghệ đích thực ở hai quốc gia này phải là văn nghệ chống đối, phản kháng, chính trị lề trái, như ở Nga và các nước Âu châu dưới chế độ cộng sản trước đây. Nghệ thuật của Ngải Vị Vị hôm nay là nghệ thật chính trị. Tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương lúc đầu... là chính trị. Không cần hiểu theo nghĩa rộng, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên cũng là chính trị. Văn chương “tải đạo”, dù đạo Khổng hay đạo Hồ là chính trị, vì như đã nói, mọi xã hội đều phải tuân theo một đường lối chính trị nào đó. Tác giả “Tướng về hưu”, từ một nhà văn lề trái với những tác phẩm tả chân kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe, về sau tiếng tăm và tiền bạc đã hoá kiếp Nguyễn Huy Thiệp thành một tác giả lề phải, tương tợ các đạo diễn điện ảnh Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca bây giờ, dàn dựng những cuốn phim vĩ đại, bóp méo lịch sử để ca tụng Đế Quốc Trung Hoa. Nguyễn Huy Thiệp viết bài ca tụng “hiện tượng” Vi Thuỳ Linh là tự đâm ngòi bút vào chân mình. Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm hãy ra chỗ khác mà phe phẩy quạt. Thời đồ đểu đã đẻ ra nhà thơ của nó. Ê, bạn nói, chớ đánh mỹ nhân dù chỉ với một cành hoa. Vâng, nhưng đây không phải là “cành lan trong gió bão” mà là đoá hoa bê-tông đang trấn át (hay đang “welcome-chào mừng du khách?) trước cổng Làng Vũ Đại là Việt Nam của Thế kỷ 21. Nguyễn Huy Thiêp, do vậy, sẽ không bao giờ có tầm vóc của một Pasternak, Solzenitsyn, Havel, Kundera...

Chính trị đã không làm hỏng tài năng của Pablo Neruda hay Thanh Tâm Tuyền. Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải Nobel văn chương cho Neruda và Garcia Marquez, không trao cho Borges, mặc dù cái giải thưởng sáng giá này không hẳn luôn luôn chọn đúng người. Sau Thế chiến 2, giải Nobel văn chương thường được trao tặng với mục đích chính trị, hệt như giải Nobel hoà bình. Thật ra, không phải các nhà văn của ta đã kể trên (Thiệp, Hương... hay Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài...) đã chọn tư cách chính trị hay phi chính trị trước khi họ đặt bút viết. Nói cách khác, trước khi viết họ đã không thầm bảo “ta sẽ viết một cuốn tiểu thuyết chính trị”. Họ viết, trước tiên là vì họ cần, họ phải viết, và viết để thể hiện, để phơi bày ra ánh sáng một xã hội, một đất nước, một dân tộc đã bị chính trị hoá mức tối đa. Họ chỉ cần tả chân, tả lại những nếp sống trước mắt họ, như tất cả những nhà văn chân chính. Để tránh dài dòng và chứng minh thêm về “văn chương là chính trị”, tôi chỉ xin kể tên vài cuốn sách nhận định phê bình:

- The political novels of Joseph Conrad (Eloise Knapp)
 
- Paradies of Snakes: An Archetypal Analysis of Conrad's Political Novels (Claire Rosenfield)
 
- Trollope's Politicals Novels (Arthur Pollard)
 
- The Feminine Political Novel in Victoria England (Barbara Leah Harman)
 
- Redefining the Political Novel: American Women Writers, 1797-1901 (Sharon M. Harris)
 
- Atrocity and Amnesia: The Political Novel since 1945 (Robert Boyers phân tích các tác phẩm của Kundera, Naipaul, Solzhenitsyn, Gordimer, Garcia Marquez, Carpentier, Greene, Grass, Steiner, Semprun, Asturias).
 
- The Political Novel: Re-Imaging the 20th Century: Re-Imaging the Twentieth Century (Stuart A. Scheingold)
 
- Corruption and Realism in Late Socialist China: The Return of the Political Novel (Jeffrey C. Kinlkley)

Và đó là chưa kể rất nhiều tiểu thuyết hôm nay không hổ thẹn che mặt mà mang cái nhãn chính trị trong nhan đề như:

- The Band-Wagon: A Political Novel of Middle-America (Franklin Ellsworth, 2007)
 
- Counterstrike: A Shocking Political Novel on an International Scale (Richard Trewen-Taylor, 1996)
 
- The Demagogue: A Political Novel (David Ross Locke, 2009)

 

Nếu văn thi sĩ, trí thức, sinh viên, học sinh hôm nay...

Nếu như văn nghệ sĩ và trí thức (bao gồm sinh viên học sinh) trong nước, giờ đây, thay vì xuống đường phô trương lực lượng, tinh thần đoàn kết, bày tỏ nguyện vọng... họ, mỗi sáng chủ nhựt, chỉ vào rừng hái mơ, ngắt hoa bên suối, nhìn dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng, ngó con nai vàng ngơ ngác để “hướng đến cái đẹp” mà sáng tạo, dẹp tất qua một bên các vấn đề xã hội, chính trị, tự do, dân chủ, nhân quyền... thì Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ an vị vững bền trên ngai vàng mãi mãi cho tới ngày tận thế. Chính trị như vậy thì đâu có phải là chuyện trước mắt, tạm bợ.

Hơn nữa, nếu không có tự do ngôn luận, tự do sáng tạo thì làm sao có được những tác phẩm lớn, tiền vệ, khai phóng, hướng tới những cái đẹp mới, như văn nghệ Tây phương? Quan niệm cho rằng văn nghệ phi chính trị thì mới có giá trị là tự bịt mắt. Không phải tấm bích chương chính trị, hay thương mại nào cũng thiếu tính nghệ thuật (nghệ thuât hiện đại của Nga trên các poster tuyên truyền cho Cách Mạng ― trước thời Xô-viết ― nay vẫn là tuyệt tác). Không phải tấm tranh trừu tượng bôi bết màu sắc loạn xạ nào cũng là nghệ thuật đúng nghĩa. Không phải bài thơ chính trị nào của Tố Hữu, của Trần Dần, Nguyễn Chí Thiện, Thanh Tâm Tuyền cũng nên vứt sọt rác. Và không phải mọi câu thơ, mọi bài thơ lãng mạn của Thế Lữ, Xuân Diệu, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, thảy đều tuyệt vời cả. Trần Dần, khi viết “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” chỉ tả chân, nói lên sự thật, nên gây ấn tượng nơi người đọc. Thơ tuyên truyền cho chế độ, cho “cách mạng” lúc đó vì láo khoét nên không gây xúc cảm, nên không “hay”, không “đẹp”.

Tố Hữu cũng là một thi nhân lãng mạn trữ tình. Vâng ạ. Nhưng thay vì ru với Gió, mơ theo Trăng, và vơ vẩn cùng Mây, Tố Hữu đã ru với Bác, mơ theo Lênin, và vơ vẩn cùng Stalin. Cái bất hạnh cho thi nhân miền Bắc đồng thời với ông “trùm văn nghệ” là vì ông ta có quyền bính (chính trị) trong tay. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm lúc ấy không có quyền hướng đến cái đẹp theo quan niệm riêng của họ. Họ cũng chẳng được quyền hướng đến cái lợi trước mắt (của chính trị). Trước tiên là để bày tỏ những nguyện vọng chính trị khác hơn Chủ Nghĩa Xã Hội. Không có trong tay cái “quyền chính trị” (tự do dân chủ), nhà thơ, nhà văn dưới chế độ Cộng Sản chỉ trắng tay, chẳng có gì cả chẳng là gì cả.

Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là hai nhà chí sĩ, hai nhà trí thức cách mạng làm thơ để nói lên ý chí bất khuất của họ. Thơ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nếu chưa “hay” là vì hai cụ chỉ là thi sĩ nghiệp dư, chứ không do nội dung chính trị của bài thơ. Mười bài thơ đối đáp chính trị của Tôn Thọ Tường - Phan Văn Trị là kiệt tác. Hồi tôi còn nhỏ, ở đầu đường Trần Hưng Đạo gần chợ Sài Gòn có hai ngôi trường tiểu học đối diện nhau, Trường Tôn Thọ Tường (nữ sinh) và Phan Văn Trị (nam sinh). Mười bài thơ chính trị chớ không phải sự nghiệp chính trị đã khiến người đời sau còn nhớ tới hai cụ. Bảo rằng “chúng ta” chỉ nhớ tác giả của câu “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió” chứ “không mấy ai nhớ đến tác giả của câu 'Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ'” là suy bụng ta ra bụng chúng ta chăng? Vì những ai quan tâm đến văn học đều biết rõ Sóng Hồng (Trường Chinh) là tác giả câu “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ / Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”, nổi tiếng. Hai câu thơ Sóng Hồng tự chúng cũng không “đến nỗi nào”, thậm chí khá “hay” vì cách sử dụng hình ảnh, ẩn dụ, vần điệu. Tuy nhiên, chúng khiến người đọc hôm nay rùng mình chỉ vì cái chế độ ác ôn mà ngòi bút của nhà thơ lãnh tụ muốn xoay để mang lại cho dân chúng đã trở thành sự thật. Mấy câu thơ kể trên thật ra chỉ là những khẩu hiệu tiêu biểu cho hai trường phái nên dễ nhớ, chớ không phải vì chúng “đẹp” hay “dở”. Cuối cùng, chúng có thể trở thành một câu “châm ngôn” (tạm gọi) không cần nhớ tên tác giả, tương tợ như... “uống nước nhớ nguồn” (tạm kể).

 

James Joyce & chính trị

Tôi nghĩ rằng việc nhà văn Ái Nhĩ Lan bỏ quê hương ra đi tự nó đã là một thái độ chính trị rồi. Và tất nhiên hành động này đã phản ánh trong văn, thơ của ông. Chí ít, thì cũng là chống đối những giáo lệnh khắt khe của Thiên Chúa Giáo đương thời. Kế đến là chống đối kẻ thống trị, vì Ireland lúc ấy còn là thuộc địa Anh. Theo nhà phê bình Andrew Gibson trong cuốn Joyce's Revenge thì (tạm dịch): “Ulysses là một tác phẩm lớn để giải phóng và cũng để trả thù văn hoá của bọn thực dân bằng hình thức khá phức tạp” (a great work of liberation that also takes a complex form of revenge on the colonizer's culture). Joyce, chẳng hạn, đã nhại các bút pháp của văn chương Anh đương thời để châm biếm, chọc quê mẫu quốc. Đừng quên: châm biếm là một vũ khí của những kẻ cô thế, một vũ khí luôn luôn sắc bén nên bọn độc tài rất sợ. Trong Thế chiến 2, túng bấn, gần hay đã mù loà, Joyce chạy sang Thụy Sĩ khi tuổi đã xế chiều. Joyce lúc đó viết thư cho em trai tâm sự nọ kia không có nghĩa là văn chương của Joyce (Ulysses, Dubliners) phi chính trị. Mặt khác, ta vẫn có thể nói một đằng làm một nẻo, như các lãnh tụ Hà Nội bây giờ. Nói rằng: “Ở Việt Nam hay ở nhiều nơi khác có lẽ ít có nhà văn nào có thể ung dung viết như James Joyce” (Phan Quỳnh Trâm) là lý tưởng hoá cuộc đời xa tổ quốc nhiền gian truân của nhà văn. Joyce luôn luôn phải vật lộn với các vấn đề tiền bạc, gia đình, vợ con, viết lách, sáng tạo. Joyce không yêu quê hương. Joyce phải bỏ quê hương ra đi từ thời rất trẻ chỉ vì ở quê nhà không có tự do để viết.

Viết: “Ở Tây phương, vì nhận ra vai trò tương đối của nhà văn đối với dư luận xã hội nên người ta ít khi đòi hỏi nhà văn phải dấn thân như ở các nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin”. Lại nói ngược. Voltaire, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau, các nhà văn của Thế kỷ Khai Sáng của Anh Quốc (Thế kỷ 18) đã ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận và xã hội, đưa đến hai cuộc cách mạng dân chủ ở Mỹ rồi Pháp. Thế kỷ 19, vai trò của Victor Hugo (Những người khốn khổ), Emile Zola (Tôi buộc tội) đối với dư luận không thể nhỏ. Tây phương đã có truyền thống văn chương chính trị từ thời Cổ Đại (Homer, Euripide, Sophocle...), Trung Đại (các thi sĩ lữ hành “troubadour” của Pháp, Shakespeare của Anh...). Tác phẩm đầu tay của Lawrence Sterne nhà văn Anh gốc Ireland có nhan đề là A Political Novel (1759) dù chỉ là các lá thư để phản kháng Giáo Hội.

 

Chính trị & chính trị

Đại khái, ở một xã hội, nhứt là một xã hội chuyên chế độc tài và nhìn từ phía chủ quyền, thì chỉ có một loại chính trị duy nhứt: chính trị lề phải mà mọi công dân “tốt” phải tuân theo. Nhưng trong thực tế thì có những công dân (đại đa số) không chấp nhận chính trị lề phải. Dưới mắt chính quyền, họ là những công dân “xấu”. Sự phân chia này cũng có thể áp dụng cho một gia đình với một ông bố nghiêm khắc: đứa con “tốt” là đứa con “đặt đâu ngồi đấy”, đứa con “bất hiếu” là đứa con không vâng lời cha mẹ. Tất nhiên cũng có những trường hợp “trung lập”, không chính trị. Nhưng “không chính trị” bằng tư cách “không phản đối” hay chỉ “phản đối ngầm” là chấp nhận chính trị lề phải chính thống. Do vậy, một nhà văn “không chính trị” thực ra chỉ một nhà văn đã thoả thuận với chế độ, với chính trị lề phải. Đảng Cộng Sản đang vơ vét tận đáy văn hoá Việt với mục đích chính trị và thương mại, thì nhà văn phải lấy độc (chính trị) để trị độc, dù chính trị không nhất thiết phải là độc dược.

Sự phân chia rạch ròi giữa “tư cách công dân” (có thể chính trị) và “tư cách nhà văn” (luôn luôn phi chính trị) trong một cá nhân là quá lý tưởng, không thực tế, để tránh nói là rất gượng ép. Hai tư cách đó như hai mặt của một đồng tiền, hay như “nhị trùng bản ngã” trong cuốn truyện Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde (Trường hợp lạ kỳ của Bác sĩ Jekyll và Ông Hyde). Cuối cùng cái phần “tốt” (bác sĩ Jekyll) sẽ bị cái phần “xấu” (ông Hyde-Hide, kẻ lẩn trốn) ảnh hưởng. Nói cách khác, một nhà văn Việt Nam có lương tâm trước hiện tình đất nước và chỉ làm chính trị với tư cách một công dân, buổi sáng xuống đường tranh đấu đời chủ quyền biển đảo, nhưng buổi tối khi ngồi vào bàn viết để “hướng đến cái đẹp” (phi chính trị) sẽ đặt bút viết ra những thứ gì? Những cảnh công an trấn áp người biểu tình, bạn bè trên đường phố buổi sáng có ám ảnh nhà văn hay không? Và nếu chính cá nhân nhà văn cũng bị đánh đập, bắt bớ thì sao? Nhà văn có nên kể lại những tình huống ấy trong tác phẩm hay chỉ cần hướng tới cái đẹp... chưn dài của một siêu mẫu vừa xuất hiện trên màn hình ti vi để tìm hứng?

Khi đặt bút viết “tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” nhà thơ Trần Dần không hướng đến cái đẹp, không làm chính trị, mà chỉ tả chân, thấy sao nói vậy. Câu thơ gây xúc động mạnh, ấn tượng sâu sắc nơi người đọc, khó quên. Cái đẹp, cái hay trong trường hợp này đã đến từ cái thật, và cho thấy “chân-thiện-mỹ” không thể tách rời nhau. Nếu là một nhà thơ lề phải như phần lớn các nhà thơ đồng thời, Trần Dần sẽ viết: “tôi bước đi chỉ thấy phố chỉ thấy nhà / và nghe tiếng mưa ca trên màu cờ đỏ”, chẳng hạn. Trong hai thí dụ vừa kể, câu thơ nguyên tác của Trần Dần và câu thơ nhại lại đều gần hệt nhau trên bình diện văn chương, nhưng câu thơ nhại vì không nói lên sự thật, vì không tả chân, nên nó chỉ là một câu thơ sáo, một câu thơ tuyên truyền, người đọc (dân Hà Nội đương thời và không chỉ riêng họ mà thôi) sẽ thấy ngay. Câu thơ Trần Dần đã trở thành một câu thơ “chính trị” vì muốn nói lên sự thật.

 

Kết

Chuyện “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay chuyện “nhà văn phải dấn thân” theo nghĩa của Sartre là những chuyện đã cũ mèm, giữa các văn nghệ sĩ với nhau, đã được văn nghệ sĩ lựa chọn, giải quyết từ lâu rồi. Thực ra, không “ai” (độc giả) đòi hỏi nhà văn phải thế này thế nọ vì trong địa hạt văn chương. Cung có trước cầu, mặc dù hôm nay có sự đòi hỏi của thị trường. Một cuốn truyện được viết ra, in ấn phát hành để đến tay người đọc, nếu “hay” (chính trị hay phi chính trị) thì sẽ có kẻ mua người đọc. Sartre viết tiểu thuyết Buồn Nôn (1938) để minh hoạ cho triết lý hiện sinh, nhưng sau Thế chiến 2 và sự phát hiện các phòng hơi ngạt, lò thiêu xác, mộ tập thể, Sartre bàn chuyện dấn thân (tất nhiên là thiên tả, hướng về Mạc Tư Khoa) nhưng sau một thời gian hồ hởi, đã có phản ứng phi chính trị của nhóm Tiểu Thuyết Mới muốn nối gót Joyce, Proust, Stein, Virginia Wolf... tiếp tục những tìm tòi của chủ nghĩa hiện đại, cho ra đời những tác phẩm mới, nhưng nội dung không phản ánh thời cuộc nên đã không tồn tại. Tất nhiên ảnh hưởng vẫn còn, nhưng chỉ ở bình diện hình thức mà thôi.

Do vậy và dựa trên các lý lẽ thượng kể, một tác giả Việt nếu muốn viết về “văn học” cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đặt bút viết. Chỉ dựa trên cảm nghĩ chủ quan của mình rồi tìm tòi trích dẫn hai nhà văn Nam Mỹ để chứng minh, để làm hậu thuẫn là làm chuyện... dế mèn phiêu lưu ký. Nhứt là khi muốn tổng quát hoá thành một lý thuyết về “văn học” cho các nhà văn noi theo. Trách “người ta” đòi hỏi nhà văn phải dấn thân là chạm tới nhân quyền, nhưng “chính mình” lại tuyên bố nhà văn phải phi chính trị là hành động mâu thuẫn, vì cũng chạm tới “văn quyền” của nhà văn. Hô hào nhà văn không nên chính trị (“hướng đến cái đẹp”) khi hầu hết những người cầm bút trong nước đều đang lặn hụp trong cái đẹp (“phi chính trị”), thay vì đòi hỏi “nhà văn ta phải chính trị “ để hướng tới một ngày mai sáng tươi hơn, là không hợp thời hợp lúc. Victor Hugo: “Những người sống là những người tranh đấu” (“ceux qui vivent, ce sont ceux qui luttent”). Sống là tranh đấu. Cho cá nhân mình và cho đồng bào, với phương tiện riêng của mỗi người. Nếu tất cả nhà văn của ta đều hướng đến cái đẹp thuần túy và thành công (tìm được), thì đó sẽ là thảm hoạ vì cái đẹp sẽ bị dư thừa.

Chủ nghĩa siêu thực, chí ít là lúc mới ra đời, có mục tiêu chính trị rõ ràng: chống chủ nghĩa tư bản, đòi tiêu diệt văn minh Tây phương, và sùng bái văn minh, triết lý Á châu (Breton). Chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn là nâng cao dân trí, cải tiến xã hội, chống mê tín dị đoan chốn “bùn lầy nước đọng”, nhưng tiếc thay nay đã hoá ra công dã tràng chỉ vì chính trị lề phải muốn sử dụng sự mê tín để mê muội dân chúng. Lãnh tụ luân phiên nhau đứng ra làm chủ tế trong những buổi lễ, nhang đèn, thi đua chắp tay vờ vĩnh vái lạy trước bàn thờ nọ, trước tượng Phật kia, nhưng ngoài đời thì không trân trọng công lý, đạo đức. Xin giới trẻ chớ có mơ mộng hão huyền rằng thái độ phi chính trị sẽ giúp họ sáng tạo ra những kiệt tác. Picasso đã có hai tác phẩm chính trị với đề tài chiến tranh, nhưng nếu bức Guernica (1937) tuyệt đẹp là một kiệt tác, thì bức Massacre in Korea (1951) xấu xí là một thất bại, tuy cả hai đều sử dụng bút pháp lập thể. Nói tóm lại văn nghệ sĩ vẫn có thể vươn tới cái đẹp mà không cần phải xa lánh chính trị. Một chính thể độc tài, nếu muốn, có thể cấm đoán, huỷ diệt, bất cứ tác phẩm nào, chính trị hay phi chính trị.

Mục tiêu của bài viết này không ngoài ý muốn cho thấy rằng quan niệm “vị nghệ thuật, vị văn chương” đã lỗi thời và không còn là một “vấn đề” để thắc mắc hay trăn trở nữa, vì hầu hết văn chương nói chung và tiểu thuyết thế kỷ 20 nói riêng, nếu không chính trị “ra mặt” thì cũng có “dính líu” xa gần tới chính trị. Và chuyện lựa chọn, như đã nói ở trên, đến lương tâm của từng người, là một quyết định riêng tư. Nhưng tốt hơn ta “nên chọn” thay vì để “bị chọn”. Và như vậy, tất nhiên là tôi không cổ xúy nhà văn, nhà thơ phải thế nọ thế kia, chính trị hay phi chính trị.

 

 

_________________________

[*]Cái gọi là “năm 1987 UNESCO tuyên dương Hồ Chí Minh như một danh nhân văn hoá của thế giới” thật ra chỉ là một trò “hoax” (lừa bịp) của Nhà nước CHXHCNVN. Sự thật là UNESCO chưa từng bao giờ tuyên dương Hồ Chí Minh như một “danh nhân văn hoá của thế giới”. Trước cuộc họp thường niên của UNESCO năm 1987, đại diện của Nhà nước CHXHCNVN đã đệ trình một văn bản đề nghị tuyên dương Hồ Chí Minh như một danh nhân văn hoá, và đề nghị này sau đó được ghi vào nghị trình của cuộc họp ấy. Thế rồi, vì rất nhiều tiếng nói trung thực trên thế giới đã vạch ra tất cả thực chất của Hồ Chí Minh, cho nên UNESCO đã không hề tổ chức bất cứ một lễ tuyên dương nào nhân dịp sinh nhật 100 năm của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, Nhà nước CHXHCNVN vẫn tiếp tục rêu rao rằng UNESCO đã tuyên dương Hồ Chí Minh! Những lời mà họ trích đi trích lại, cho là lời tuyên dương của UNESCO thì, kỳ thực, chỉ là những lời trích nguyên văn từ cái văn bản đề nghị tuyên dương Hồ Chí Minh do chính đại diện của Nhà nước CHXHCNVN viết ra! Chúng tôi đã sưu tập đầy đủ tài liệu và bằng chứng về trò “hoax” này, và sẽ tường trình cùng độc giả trong một bài viết sắp tới. [Phụ chú của Nguyễn Tôn Hiệt].


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021