thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thiên hạ

 

Cuốn phim Hoàng Đế và Thích Khách kể chuyện một thích khách đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng nhưng lại buông kiếm không giết. Một người bạn hỏi tại sao có cơ hội đâm chết bạo chúa mà lại không đâm? Chàng thích khách dùng thanh kiếm viết trên cát hai chữ: “Thiên Hạ” (Dưới Bầu Trời). Một ngọn gió thổi qua, cát bay mù mịt, trong chốc lát xoá mờ hai chữ Thiên Hạ! Nhưng khán giả hiểu. Câu trả lời là: Vì Thiên Hạ! Một bạo chúa này chết đi thì chư hầu bốn cõi lại nổi lên chém giết lẫn nhau, thiên hạ sẽ đại loạn nữa như suốt mấy trăm năm trước. Rồi một tên bạo chúa mới lại xuất hiện, có khác gì!

Người coi phim có thể tưởng rằng khi viết hai chữ Thiên Hạ chàng thích khách muốn nói đến tất cả nước Tầu. Nhưng lúc đó chưa có nước Tầu. Nước Tần mạnh, đánh chiếm và xoá bỏ các nước khác, bảo ông vua nước Chu thôi không làm Thiên Tử nữa, tất cả sẽ thuộc vào tay nước Tần. Thiên Hạ không phải là một nước, một quốc gia. Nó bao gồm mọi thứ ở dưới bầu trời. Hiểu đúng, nó là thế giới.

Tần Thuỷ Hoàng bị các sử gia sau này chỉ trích về các chính sách hà khắc tàn bạo, nhưng ai cũng công nhận thành tích lớn của ông: Thống nhất Thiên hạ. Coi như cai trị tất cả các thứ dưới bầu trời. Sử Ký Tư Mã Thiên, Quyển 6, “Tần Thuỷ Hoàng Bản Kỷ”, viết rằng lãnh thổ của ông bao gồm bốn phương Tây, Nam, Đông, Bắc, “Đi tới bất cứ nơi nào có dấu người ở; không ai không phải là thần dân.” [Nhân tích sở chí, vô bất thần giả] (史記 /秦始皇本紀: “西渉流沙, 南盡北戸, 東有東海, 北過大夏, 人迹所至, 無不臣者”). Các triều đại sau này thừa hưởng di sản nước Trung Hoa thống nhất, thừa hưởng một danh hiệu ghép các vị vua huyền thoại Tam Hoàng và Ngũ Đế lại, gọi là Hoàng Đế.

Nhưng lãnh thổ mà Tần Thuỷ Hoàng Đế thống trị thực ra rất nhỏ; chỉ bằng một nửa diện tích nước Trung Hoa bây giờ, theo nghiên cứu của các sử gia Trung Hoa gần đây. Triều đại nhà Hán theo sau đã mở rộng cương giới ra gần gấp đôi, bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc nước Việt Nam ta. Đời nhà Đường bành trướng thêm nữa, sang các vùng ở phía Tây. Tên gọi Trung Quốc đã được sử dụng từ các văn bản rất cổ đời Xuân Thu, Chiến Quốc (771 đến 221 trước Công nguyên). Nhưng khi Mạnh Tử (372–289) viết tên “Trung Quốc” chẳng hạn, thì vùng đất mà ông nghĩ tới chắc chỉ bao gồm những nước chư hầu phía Bắc Trường Giang (sông Dương Tử); vì có khi ông coi một người từ nước Sở (ở phía Nam sông) là di, một người “ngoại quốc.” Nhà địa dư Trâu Diễn (邹衍, 305BC-240) đời Tiền Hán khiêm tốn cho là Thiên Hạ gồm có tới 81 châu mà trong đó Trung Quốc chỉ là một mà thôi.

Các hoàng đế Trung Hoa đặt tên lãnh thổ họ cai trị như nước Hán, nước Đường bao gồm những vùng rộng hơn Trung Quốc; người Trung Hoa bây giờ còn hay tự nhận là dân Hán, dân Đường (như Đường Sơn đại huynh). Họ coi các xứ ngoài Trung Quốc đều là man rợ hết. Bên trong, chính quyền được củng cố với một nền luân lý (Khổng Giáo) và một chế độ chính trị tập quyền do Tần Thuỷ Hoàng thiết lập. Từ đời Hán về sau, tuy các triều đại vẫn bài xích Tần Thuỷ Hoàng (trừ Mao Trạch Đông) nhưng trong thực tế họ vẫn sử dụng các thuật trị quốc của Pháp Gia (Gọi là Nội Nho, Ngoại Pháp, hoặc nói ngược lại cũng được!)

Nhiều giống người từ bên ngoài vào cai trị Trung Quốc cũng nhân danh quan niệm Thiên Hạ. Năm 947, một vị vua giống Khiết Đan tự đặt tên lãnh thổ dưới quyền mình là Đại Liêu, và phong vương hiệu cho ông vua nhà Hậu Đường. Đây là một vị vua Trung Hoa chịu thần phục một hoàng đế thuộc giống dân khác, trong quan niệm Thiên Hạ là của chung. Khi Hốt Tất Liệt người Mông Cổ xưng hoàng đế ở Bắc Kinh năm 1271, ông đặt tên lãnh thổ mình thống trị là Đại Nguyên, có nghĩa giống như Đại Liêu, là gồm trọn cả thiên hạ. Nhà Đại Minh thừa hưởng gia tài đế quốc do các con cháu Thành Cát Tư Hãn lập ra. Vị vua nhà Thanh tuyên chiến với vua nhà Minh cũng nhân danh khái niệm Thiên Hạ; ông nói rằng trong thiên hạ từ các loài côn trùng đến con người đều là do trời đất sinh ra, không phải của riêng ông vua Minh. Vua Ung Chính nhà Thanh muốn bác bỏ “óc kỳ thị” của những “người Hán yêu nước quá khích” đã từng viện dẫn những khái niệm Mệnh Trời, Thiên Hạ, để biện minh cho việc người Mãn cai trị tất cả năm sắc dân, không riêng gì người Hán. Và người Hán chịu phục tùng triều đại Mãn thanh trong ba thế kỷ! Khi sử dụng khái niệm Thiên Hạ, các ông vua Mông Cổ, Mãn Thanh đã xoá bỏ luôn biên giới đất nước của chính tổ tiên của họ!

Thiên Hạ là một khái niệm chính trị độc đáo của người Trung Hoa; khác hai chữ Đế quốc dịch từ chữ Empire trong tiếng Anh. Theo nghĩa thông thường, đế quốc là một nước mạnh chỉ huy những nước yếu hơn, chiếm đoạt nhiều quyền hành đáng lẽ thuộc chủ quyền của các nước nhỏ đó. Các Đế quốc La Mã, Đế quốc Ottoman, hay Đế quốc Anh sau này, từng đóng vai chủ nhân trên các dân tộc khác. Nhưng không đế quốc nào có hoài bão làm chủ tất cả mọi thứ dưới bầu trời! Các hoàng đế nước Tầu trong hai ngàn năm vẫn nghĩ họ làm chủ thiên hạ! Thiên Hạ bao gồm đất đai, dân cư, sản vật kinh tế, và các đơn vị xã hội trong đó.

Trong cách người Trung Hoa nhìn cả vũ trụ, chỗ nào cũng có trật tự trên dưới. Trên Trời (Thiên) thì Ngọc Hoàng Thượng đế cai quản, có Nam Tào, Bắc Đẩu lo việc sổ sách. Dưới đất (Địa) là phạm vi quyền hạn của Diêm Vương. Ở dưới nước cũng có vua Thuỷ Tề. Còn trong cõi người ta, cũng phải có một vị chủ quản thiên hạ. Tất nhiên, vị hoàng đế Trung Hoa phải gánh trách nhiệm đó.

Một học giả thuộc Viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, Trung Hoa, Triệu Đinh Dương (Zhao, Tingyang 赵汀阳), 50 tuổi, đã giải thích khá đầy đủ về khái niệm Thiên Hạ trong tư tưởng nước ông. Ông nói người Trung Hoa không có khái niệm Đế Quốc hiểu theo nghĩa chữ Empire của Tây phương. Nghĩa gốc chữ đế (帝) là ông vua, quốc (国) là nước. Chính người Nhật đã dùng từ này để dịch chữ Empire, rồi người Tầu dùng theo. Triệu Đinh Dương thấy hai chữ Đế quốc được dùng lần đầu ở nước Tầu trong thơ Vương Bột đời Đường, chỉ có nghĩa là “lãnh thổ của hoàng đế.” Khi thua trận Nhật Bản năm 1895, ký hiệp ước Mã Quan, hai chữ Đế quốc mới được nhà Thanh chính thức sử dụng (nói đến Đại Thanh Đế quốc đại hoàng đế, Đại Nhật Bản Đế quốc đại hoàng đế), hai chữ Đế quốc gần giống như nghĩa Tây phương bây giờ. Đến khi Cộng sản Trung Hoa phổ biến lý thuyết của Lenin, danh từ đế quốc mới mang ý nghĩa chính trị giống lối Tây phương.

Triệu Đinh Dương nhận xét người Trung Hoa vốn không có khái niệm về quốc gia, dân tộc. Về điểm này họ khác hẳn người Việt Nam, một dân tộc nhỏ hơn, yếu hơn. Ông cho biết những nhân vật lịch sử như Vua Thuấn, Chu Văn Vương, Đường Thái Tông đều là người gốc ở ngoài lên cai trị Trung Quốc. Mãi đến khi bị thua Đế quốc Anh trong trận Chiến tranh Nha phiến (1840) tinh thần Dân tộc của người Trung Hoa mới bồng bột phát sinh. Và họ chỉ tái lập ý niệm về quốc gia (nation-state) sau cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911. Trước đó, ba đơn vị xã hội chính trong truyền thống Trung Hoa là Gia, Quốc, và Thiên Hạ. Chữ “quốc” (国, state) trong bộ ba này, như Tề quốc, Sở quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc, được so sánh với các “thành thị quốc gia, city-state” Hy Lạp cổ. Nghĩa chữ Quốc đó cũng không giống như hai chữ “quốc gia” bây giờ, vì các nước chư hầu đời Chu không xác định “chủ quyền quốc gia” như đời nay quan niệm.

Theo Triệu Đinh Dương thì yếu tố quan trọng nhất trong khái niệm Thiên Hạ là con người và văn hoá. Ông đã dẫn chứng từ Kinh Dịch, “Thoán Truyện”: “Quan sát trên trời để thấy thời biến; quan sát nhân văn để hoá thành thiên hạ” (Quán hồ thiên văn dĩ sát thời biến; quán hồ nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ, 觀乎天文,以察時變,觀乎人文,以化成天下). Ông dẫn Sái Ung (132–192), “Thiên tử không coi cái gì là ở ngoài quyền hạn của mình; coi Thiên hạ là nhà mình” (Thiên tử vô ngoại, dĩ thiên hạ vi gia, 天子無外,以天下爲家). Trong khái niệm này, giaquốc là các định chế trung gian trong một định chế lớn bao gồm toàn thế giới, giữ cho thiên hạ bình trị. Đây là một quan niệm về “Trật tự thế giới” trong truyền thống Trung Hoa; trong đó họ đứng ở địa vị trung tâm, Trung Quốc. Trong truyền thống đó, các hoàng đế là trung tâm của Thiên Hạ; Thiên Hạ không phải chỉ là mặt đất mà là mặt đất với người.

Triệu Đinh Dương cho là hai chữ Thiên Hạ không gọi một đế quốc thực mà chỉ diễn tả một lý tưởng, theo nghĩa chữ Hy Lạp eidos trong tư tưởng Platon. Thiên hạ là một đế quốc lý tưởng, bao gồm tất cả mọi thứ dưới bầu trời. Hai chữ đó cho thấy người Trung Hoa từ ba ngàn năm trước đã đưa ra khái niệm về một xã hội loài người lý tưởng, trong thực thể chính trị Thiên Hạ. Ông giải thích quan niệm Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) cho thấy người Trung Hoa nhìn cả vũ trụ như là một vũ trụ liên hệ đến con người, ông viết: “Theo chữ Thiên hạ chúng ta thấy một dự phóng văn hoá trong đó cả thế giới nằm trong một định chế. Nó bao hàm ý tưởng phải có một định chế chung, nếu không thì không gọi là thế giới mà chỉ là đất đai hoang dã xa vời.”

Những điều kiện nào cần có để cho thực thể chính trị đó phù hợp với lý tưởng? Vì Thiên Hạ là đất cộng với người, cho nên, Triệu Đinh Dương giải thích, người Trung Hoa quan niệm chỉ có thiên hạ khi lòng người quy phục. Ông dẫn lời Mạnh Tử (孟子, 372-289TCN), “Dân là quý, xã tắc đứng sau, vua là nhẹ. Cho nên được dân là điều kiện để được thiên hạ.” (孟子/民爲貴章: “民爲貴,社稷次之,君爲輕。是故得乎丘民而爲天子”). Mạnh Tử nói rõ hơn: “Hai vua Kiệt, Trụ mất thiên hạ là vì mất dân, mất dân là vì mất lòng dân.” (孟子/失天下也章: “桀紂之失天下也,失其民也,失其民也,失其心也”). Trong sách “Đại Học”, rút ra từ Lễ Ký, cũng viết: “Được dân chúng là được nước, mất dân chúng là mất nước.” (禮記/大學: “得衆則得國失衆則失國”). Ngoài ra, sách Tuân Tử (Xun zi, 荀子, 313-238 TCN), thiên “Vương Bá” viết, “Được thiên hạ không nghĩa là nhận được đất đai người ta bắt buộc phải dâng cho, mà khi theo đúng đạo thì mọi người đều theo.” (荀子/王霸: “取天下者,非負其土地 而從之之謂,道足以壹人而已矣”).

Các vị hoàng đế Trung Hoa trong lịch sử có “được thiên hạ” theo những điều kiện như trên hay không? Chúng ta biết trong lịch sử xã hội cổ truyền người Trung Hoa vẫn chưa thiết lập được những định chế để bảo đảm các ông vua làm theo đúng “lòng dân.” Các nền văn minh khác trên thế giới phần lớn cũng vậy, phải đợi tới thế kỷ 18, 19, loài người mới biết đặt ra các định chế bảo đảm có những “chính phủ của dân, do dân và vì dân;” những định chế như phổ thông đầu phiếu, phân tản quyền hành, bảo đảm quyền công dân và quyền con người được luật pháp tôn trọng, vân vân. Thời xưa, muốn thể hiện đúng lòng dân một nước như nước Trung Hoa đã khó. Làm sao biết lòng tất cả mọi người trong thiên hạ muốn gì? Trong chế độ quân chủ, dân chúng phải “tham dự một cuộc xổ số,” mà kết quả do một hiện tượng sinh học quyết định. Nếu cha mẹ ông vua truyền cho ông ta những hạt giống tốt thì dân trúng số! Nếu không, thì may nhờ, rủi chịu! Mục tiêu “bình thiên hạ!” càng khó khăn hơn!

Tuy vậy, các vị hoàng đế Trung Hoa trong hơn 2000 năm vẫn dùng khái niệm Thiên Hạ khi tiếp xúc với lân bang, các dân tộc sống chung quanh Trung Quốc. Dân Việt Nam đã được đặt trong hệ thống này từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên; gỡ mãi mới thoát ra khỏi! Khi một vị vua Việt Nam dùng hai chữ Thiên Hạ thì chỉ nói về dân chúng nước mình chứ không phải là tất cả thế giới. Như Trần Thái Tông, thuật lời Quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử khuyên vua: “Hãy lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình,” ý nói đến lòng người dân lúc đó. Vua chúa người Việt ít dùng hai chữ Thiên Hạ theo nghĩa lớn rộng khi nói đến quyền hành của mình; chắc vì không muốn cạnh tranh với ông Con Trời ở bên Tầu, có thể nguy hiểm! Nhưng trong dân gian hai chữ đó còn hay được dùng với nghĩa là “người ta,” “người khác,” lại dùng để nói những thứ không liên can gì đến mình. Ai rảnh mà đi bàn chuyện thiên hạ? Việc thiên hạ đã có thiên hạ lo, mình lo làm gì? Trong lối nói đó, có chứa đựng một thái độ từ chối, muốn tránh xa Thiên Hạ của người phương Bắc hay không?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021