thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn học hypertext: phác hoạ về một thể loại văn học mới

Trong cuốn Hyper/Text/Theory xuất bản năm 1994, George Landow định nghĩa hypertex là “một kỹ thuật thông tin bao gồm nhiều khối chữ, hay từ vựng, và những nối kết điện tử ráp chúng lại” (Landow, 1). Thật vậy, ở một hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, nhân loại có thể nói là đã bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thông tin. Cùng với nhu cầu đòi hỏi của con người và sự phát triển tất yếu của khoa học kỹ thuật, nhiều ngành khoa học, nhất là ngành tin học, đã có những bước đi dài đáng kể. Từ hệ điều hành Dos, công ty nhu liệu Microsoft đã đơn giản hoá việc sử dụng máy vi tính cá nhân khi tung ra nhu liệu Window 3.1 vào những năm 80, và sau đó càng ngày càng hoàn thiện nó với những thế hệ nhu liệu Window tiếp nối như Window 95, Window 98, và bây giờ là Window 2000. Cùng thời gian đó, một biến chuyển khá nổi bật khác cũng khiến nhiều người chú ý: mạng lưới thông tin toàn cầu với những trang nhà giới thiệu đủ mọi thành phần văn hoá, xã hội, thương mại, sắc tộc, tư tưởng, giới tính, nghệ thuật…

Nhìn dưới khía cạnh kỹ thuật, các trang nhà chúng ta đang xem hoặc theo dõi hàng ngày chính là những văn kiện HTML (Hypertext Markup Language) – một ngôn ngữ được dùng để viết các trang nhà trên mạng lưới toàn cầu. Những văn kiện này, sau đó, được đọc bởi một trình duyệt (browser) đã cài đặt sẵn trong máy của độc giả như Netscape hay Internet Explorer. Những trình duyệt này có nhiệm vụ chuyển đổi các dữ kiện vi tính thành các dữ kiện có thể nhìn, đọc và hiểu bởi một người bình thường. Trong bài viết này, nói về vai trò của hypertext trong tất cả mọi lãnh vực là chuyện ngoài khả năng của tôi, vì vậy tôi chỉ soi rọi về một lãnh vực duy nhất – đó là văn học.

Trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi muốn nói đôi chút về thuật ngữ “hypertext”. Cho đến khi tôi viết những dòng này, vấn đề gọi tên cho những tác phẩm sáng tạo của mình như thế nào vẫn còn đang là đề tài tranh cãi gay gắt của nhiều nghệ sĩ tiên phong đang thử nghiệm loại hình văn chương còn mới mẻ này. Có người thì dùng từ “hypertext” để chỉ các sáng tác của mình. Có người lại bảo đấy không phải là “hypertext” mà là “hypermedia”. Có người dùng chữ “e” (dạng viết tắt của từ “electronic”) như một tiếp đầu ngữ, ví dụ “E-poetry”, “E-short story”, “E-literature”. Có người lại cho là “Mixed literature”… Và cũng có không ít tác giả dễ dãi, không xem trọng việc đặt tên, ai muốn gọi sao cũng được: họ xem việc đặt tên cho thể loại văn học này là chuyện của giới nghiên cứu, phê bình. Riêng tôi, để tạo tính nhất quán xuyên suốt bài viết này, tôi chọn thuật ngữ “hypertext” để gọi chung cho tất cả những sáng tác có sự tham gia của các ngôn ngữ thảo trình như HyperTalk, HTML, Java, Perl, Visual Basic…, không cần biết tác phẩm ấy phần lớn dùng kỹ thuật, ngôn ngữ vi tính, loại hình ảnh, âm thanh nào để thể hiện.

Thuật ngữ “hypertext” lần đầu tiên được đặt bởi Vannevar Bush và Theodore Nelson vào năm 1965. Những năm sau đó là thời gian bắt đầu xuất hiện những tác phẩm thử nghiệm đầu tiên của các nhà văn như Julio Cortázar (Hopscotch, 1966), Italo Calvino (The Castle of Crossed Destinies, 1976)… khai thác ý tưởng hypertext với nhiều cách đọc nhẩy đoạn, trang trong một quyển sách; độc giả được hoàn toàn tự do lựa chọn cách đọc – hoặc là theo thứ tự thông thường từ trang đầu đến trang cuối sách như ta vẫn thấy, hoặc là theo sự hướng dẫn của tác giả đọc nhảy từ đoạn này đến đoạn kia hay từ trang này bắc sang trang kia. Nhìn chung, có thể xem đây là một bước tiến bộ khác của văn chương thế giới hậu bán thế kỷ 20, đặc biệt là trong tiểu thuyết và truyện ngắn. Song, hình như chúng vẫn còn hạn chế vì cái khuôn khổ cho phép của một cuốn sách và các nhà văn còn dừng lại ở điểm khai thác ý tưởng hơn là khai triển kỹ thuật hypertext: độc giả vẫn còn phải lật tới lật lui khi chuyển nhảy từ trang đang đọc tới trang kế tiếp hoặc đoạn kế tiếp theo sự dẫn dắt của tác giả. Hơn nữa, xem những hình ảnh động trên trang sách là chuyện bất khả. Chẳng hạn sự phát triển của một đoá hoa hồng từ phút giây mới hé nụ cho đến khi nở bung thì độc giả không thể nào chứng kiến được trên trang sách đang đọc. Nhưng họ có thể làm điều này trên trình duyệt. Ngoài ra, âm thanh cũng là một vấn đề tương tự khác. Những bản nhạc hay một tiếng động tác giả muốn sử dụng ở một đoạn nhất định nào đó trong tác phẩm là các ví dụ cho thấy sự hạn chế của một trang sách.

Chỉ đến khi kỹ thuật vi tính phát triển mạnh mẽ ở những năm cuối thế kỷ trước, văn chương hypertext mới thực sự như nhà lý thuyết, nhà thơ tiền phong Carolyn Guertin nhận xét là “uyển chuyển, đa chiều, biểu đạt và đại chúng” (Guertin). Lối viết không liên tục và dạng thức kết thúc mở của hypertext cho phép nhà văn tạo được tính đa tầng, đa chiều, đa ngữ, đa tuyến tính trong sáng tác. Hypertext bắc một nhịp cầu nối giữa tác giả và độc giả; họ tác động qua lại, hỗ trợ nhau. Độc giả của một tác phẩm hypertext cũng là người đồng sáng tạo ra tác phẩm đó. Sự tác động qua lại giữa tác giả và độc giả trong một hiện thực ảo tạo bởi máy vi tính sẽ gây ra sự cuốn hút mà Kendall Walton từng mô tả là “cột trụ trong một trò chơi làm cho tin là thật” (11). Một điểm thú vị khác của hypertext là nó có thể cho phép nhà văn xây dựng một câu truyện không có điểm bắt đầu, điểm giữa và điểm dừng. Tiếp cận một tác phẩm hypertext, độc giả không biết phải bắt đầu từ đâu, điểm mà anh/cô ta khởi đầu đơn thuần chỉ là một chọn lựa không mang tính thứ tự và không thể tiên đoán trước. Anh/cô ta tự tìm cho mình con đường riêng xuyên qua tác phẩm. Người độc giả này có thể bắt đầu và đọc truyện theo cái thứ tự hoàn toàn khác với độc giả kia, và ngay cả sự khác biệt thứ tự cũng xảy ra với từng độc giả ở hai thời điểm đọc khác nhau. Nó là “một cấu trúc của những cấu trúc có thể xảy ra” (Bolter, 144), hay như Michael Joyce viết: “một cấu trúc cho cái chưa tồn tại” (Joyce, 235).

Vào thời kỳ đầu tiên của hypertext, những nghệ sĩ thảo trình còn dùng những HyperCard để sáng tác. HyperCard có thể hiểu như là một tập hợp bao gồm nhiều cái thẻ cho phép người sử dụng có thể “chuyện trò” với máy vi tính mà hãng Apple đã bán kèm theo với mỗi chiếc vi tính cá nhân vào những năm 80. Một HyperCard có thể chứa đựng chữ viết, hình ảnh, âm thanh… Dùng ngôn ngữ HyperTalk – một ngôn ngữ lập trình gần giống với ngôn ngữ Pascal về phương diện cú pháp – người nghệ sĩ có thể dựng lên một thế giới hypertext với các nối kết mà không cần trình duyệt (lúc này trình duyệt chưa ra đời), và nếu muốn, họ cũng có khả năng sáng tạo luôn phần âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động một cách dễ dàng. Thế hệ này là thế hệ những nhà thám hiểm trong việc dùng kỹ thuật tin học sáng tạo tác phẩm văn học và đồng thời góp phần mở đường cho việc tìm tòi khái niệm của các nối kết trong một văn bản HTML sau này. Song, máy vi tính cá nhân thời này còn chưa phổ biến mạnh mẽ vì thứ nhất là giá thành, không những tác giả, mà độc giả muốn đọc các tác phẩm bắt buộc phải có máy, chưa kể số tiền bỏ ra mua một tác phẩm hypertext cũng đắt hơn mua một quyển sách, thứ hai là khả năng cho phép người nghệ sĩ tạo hình ảnh cũng như cách sử dụng còn khá rối rắm, nó đòi hỏi tác giả phải có một trình độ chuyên môn nhất định nào đó về ngôn ngữ lập trình lẫn kiến thức vi tính. Bài thơ hypertext Everglade (1990) của Rod Willmot là một ví dụ cụ thể. Khi viết bài thơ này, ông đã phải tự viết luôn một phần mềm nhỏ chạy trong môi trường DOS. Phần mềm này chính là cái nền hypertext (và cũng là cái sườn) của bài thơ. Bài thơ chỉ có ý nghĩa khi có sự hiện diện của nó. Ngoài ra vai trò của các nối kết trong tác phẩm hypertext cũng được tác giả xem trọng, ông xem chúng như những ô cửa và đã thể hiện ý tưởng này như một ẩn dụ ngay ở đầu bài thơ:

Những ô cửa mở ra,
tới các ao hồ
với thêm nhiều ô cửa,
các dòng chảy cuộn sóng
vào nhau

trong khi rõ ràng đang đổ về nơi khác…

Đây là bài thơ Rod Willmot kể lại thời ấu thơ qua những hồi tưởng. Ông đã dùng lối thể hiện hypertext, xây dựng lại những mạch hồi tưởng đa diện, đa tầng về ký ức tuổi thơ ông.

Bên văn xuôi, tiểu thuyết hypertext đầu tiên là Uncle Roger (1986) của Judy Malloy. Uncle Roger, như hầu hết mọi tác phẩm hypertext thế hệ đầu, cũng được sáng tác trong hình thức một phần mềm vi tính. Nó không mang nhiều hình ảnh, những dòng chữ vẫn là công cụ chính được tác giả sử dụng trong suốt tác phẩm, nhưng bù lại nó chứa đựng nhiều thông tin, chi tiết mà12 năm sau, tác giả của nó, khi nhìn lại tác phẩm hypertext đầu tiên của mình, đã nhìn nhận rằng nó được mường tượng như là “một hồ thông tin mà độc giả ngụp lặn trong đó nhiều lần” (Malloy)

Từ năm 1989 cho đến khoảng 1997 – thời điểm hình ảnh và màu sắc trở nên phổ biến và mạng lưới thông tin toàn cầu đang dần phát triển, – các tác phẩm hypertext cũng có sự thay đổi với nhiều hình ảnh hơn, màu sắc hơn ở con chữ. Song song việc sáng tác cả hai, tác phẩm và phần mềm, các nhà thơ, nhà văn tiền phong bắt đầu chuyển hướng nhắm vào mạng thông tin toàn cầu cũng như sử dụng chủ yếu trình duyệt như một “sân chơi” tiêu chuẩn cho hypertext với mục đích phổ biến các sáng tác một cách rộng rãi hơn. Đây chính là thời kỳ thứ hai của hypertext và cũng là thời gian nhiều nghệ sĩ tiên phong bắt đầu suy tư về vấn đề gọi tên các sáng tác mới của mình. Họ cảm thấy thuật ngữ “hypertext” đã mất dần đi tính miêu tả cụ thể những gì họ đang sáng tạo. Những tác giả thuộc thế hệ này đã đưa rất nhiều nối kết, màu sắc, thiết kế kiểu chữ với hình ảnh, yếu tố lộn xộn, hỗn mang vào trong sáng tác. Đặc điểm này càng rõ nét thì cái thế giới ảo họ đang bày ra trước mắt độc giả càng có sức lôi cuốn chừng ấy. Tác phẩm tiêu biểu nhất của thời kỳ này có lẽ là truyện Afternoon, a story (1989) của Michael Joyce. Tác phẩm này được sáng tác cùng với một phần mềm có tên là Storyspace để hỗ trợ việc viết cũng như đọc tác phẩm. Chính tác giả Michael Joyce đã viết chung phần mềm đó với hai giáo sư Jay David Bolter và John B. Smith. Tiếp cận với Afternoon, a story lần đầu, độc giả lần mò qua những điểm nối kết, tìm hiểu tất cả những mối quan hệ của nhân vật chính xưng tôi. Trở lại câu truyện lần thứ hai, độc giả bất ngờ nhận thấy sự thay đổi ở các nhân vật quen thuộc bằng nhiều chi tiết phụ, hành động phụ có nhiệm vụ khắc hoạ đậm nét nhân vật đứa con và người vợ. Có khi trở về cùng một điểm không gian nối kết lần thứ hai, tác phẩm như đang mở ra một đoạn hồi tưởng, mang ý nghĩa một sự chuyển động hay một cái móc xích kết nối với những cảnh đoạn khác, cho phép độc giả nhìn rõ hơn về các nhân vật, đặc biệt là nhân vật đứa con trai mà anh ta bảo rằng anh có thể đã thấy nó chết vào buổi sáng hôm ấy. Có lẽ vì vậy tác phẩm hơi bị chông chênh giữa một bên là lối kể thuyền thống và một bên là cái khung hypertext tròng vào tác phẩm. Song, sự thành công của Michael Joyce, nếu có, là ở chỗ ông ta đã không ngần ngại kết hợp kỹ thuật và lối kể chuyện truyền thống với một phương tiện tuy nhiều tiềm năng nhưng còn xa lạ với ông và nhiều người…

Những nhà văn, nhà thơ đang sáng tác văn học hypertext của ngày hôm nay có thể liệt kê vào thời kỳ thứ ba của hypertext. Trong thế hệ những nghệ sĩ sáng tạo này, các tác phẩm của họ gắn liền với việc giới thiệu những kỹ thuật vi tính mới: VRML, phim ảnh, âm thanh, Javascript cũng như những gì mà kỹ thuật hiện tại cho phép. VRML (Virtual Reality Modeling Language) là một ngôn ngữ dùng để mô tả một cảnh tượng trong không gian ba chiều. Giữa không gian ba chiều, một sự việc sẽ được nhìn thấy dưới tất cả mọi góc độ. Tất cả được phô bày một cách cụ thể có nghĩa là sự ảnh hưởng qua lại giữa tác phẩm (nghệ sĩ) với độc giả càng lớn, dẫn tới sự chìm đắm trong một hiện thực tưởng thật. Điều này trước đây đã từng xảy ra nhiều trong thể loại văn học in trên giấy khi chúng ta bắt gặp mình vừa đọc vừa đang rơi nước mắt thương cảm cho số phận của nhân vật chính trong một câu truyện tình không may nào đó. Cái thành công là quyển sách đó đã tạo ra được một hiện thực ảo nơi người đọc. Thưởng thức một tác phẩm văn học, bất cứ thể loại gì, là chúng ta đang can dự vào cái thế giới, cái hiện thực ảo mà tác giả của nó đang giăng ra. Hiện thực ảo tạo ra từ một cuốn sách và một chiếc máy vi tính rất khác nhau. Và đây chính là đặc điểm cũng như mục đích của một tác phẩm hypertext. Các nghệ sĩ không chỉ đơn thuần dùng hình ảnh trong không gian hai, ba chiều theo ý định thông thường mà hoà quyện chúng vào với ngôn ngữ để tạo ấn tượng và tăng hiệu quả thể hiện mạnh mẽ trong tác phẩm. Thuật ngữ “hypertext”, một lần nữa – ít nhất là từ khoảng 5 năm trở lại đây – càng mất đi tính miêu tả cụ thể những sáng tác của thời kỳ này, bởi vì các tác phẩm như Red Mona (1995) của Christy Sheffield Sanford hay The Lacemaker (1996) của M.D. Coverley đều không hẳn là “một kỹ thuật thông tin bao gồm nhiều khối chữ, hay từ vựng, và những nối kết điện tử” (Landow, 1). Đây là lý do gây tranh cãi giữa những nhà văn, nhà thơ tiền phong của thể loại văn học hypertext trong việc đi tìm một thuật ngữ thích hợp hơn cho các tác phẩm họ đang sáng tác mà tôi đã có dịp đề cập ở phần đầu bài viết. Trong các tác phẩm của những nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ ba này bắt đầu có sự xoá mờ dần biên giới của một người hoạ sĩ, nhạc sĩ, một thảo trình viên với một nhà văn, nhà thơ bởi họ vừa sáng tác nội dung (chữ viết), họ cũng lo luôn việc xây dựng hình ảnh và những kỹ thuật thảo trình đặc biệt tạo hiệu quả truyền đạt như một phần không thể thiếu của nội dung tác phẩm. Chẳng hạn trong “The Roots of Nonlinearity: Toward a Theory of Web-Specific Art-Writing” (2000), một luận văn sáng tác mới nhất của Christy Sheffield Sanford, bà kết hợp nhiều kiểu chữ với nhiều màu sắc khác nhau trên những mảng nền nhỏ (hiệu quả Javascript) chồng lên nhau mà độc giả có thể di chuyển cũng như sắp xếp thứ tự các mảng nền này một cách tuỳ ý trên màn ảnh. Đây được xem là một ví dụ về tính đa tầng và bão hoà thông tin của hypertext.

Nghệ thuật, ngôn ngữ trong thế giới hôm nay đang đòi hỏi một sự thay đổi để thích nghi với môi trường chung. Ngày nay con người ngày càng trở nên quen thuộc với thứ ngôn ngữ ký hiệu và mật mã hơn là ngôn từ thông thường trước đây chúng ta vẫn sử dụng. Mọi giây mọi phút, chúng ta đều không ngớt tiếp xúc với một khối lượng khổng lồ hình ảnh, ký hiệu. Buổi sáng, bước ra khỏi nhà tới sở làm, đi trên đường tôi đã gặp không biết bao nhiêu cái đèn xanh đỏ, bảng “Stop”, “One Way”, “Do Not Enter”, “Detour”, “Speed Limit”, “Entrance”, “Exit”… Xuống khu trung tâm thành phố nơi sở làm lại gặp nhiều bảng hiệu quảng cáo hơn nữa; ở các trạm xe buýt, xe điện cũng thế. Một lần tôi thử đếm nhưng không xuể. Buổi chiều trên đường về nhà (cùng con đường buổi sáng), cũng gặp lại những thứ mình đã thấy đến độ đâm ra thuộc, mặc dù không buồn nhớ chúng làm gì. Bước vào nhà bật cái ti vi, bật cái đài nghe ngóng tin tức, cũng không thoát. Chúng tầng tầng lớp lớp vây bủa chúng ta khắp mọi chốn. Riết rồi tôi bắt đầu có cái thói quen là hay nhìn hay nghe bất cứ cái gì trong cùng một lúc. Ngôn ngữ chính là hình ảnh. Từng nét chữ, con chữ chúng ta viết hàng ngày đây không khác gì hơn một tổng hợp hình ảnh, tuy rằng là những hình ảnh có quy ước để hiểu để giao tiếp giữa hai cá nhân (hay nhiều hơn) trong cộng đồng loài người, nhưng nguyên sơ chúng vẫn là những hình ảnh. Mà là những hình ảnh trừu tượng. Loại hình ảnh này, theo thời gian, càng mất đi sức thu hút và nhường chỗ cho loại hình ảnh cụ thể hơn. Ngành hội hoạ và điện ảnh là hai ví dụ. Nhà thơ Mỹ Jim Andrews trong một lá thư gửi tôi, ông tâm sự rằng càng ngày ông càng trở nên ít đọc sách và mua sách. Ông xem chữ viết không là phương tiện, công cụ duy nhất để thể hiện một tác phẩm văn học mà bên cạnh đó cũng cần phải có sự hiện diện của các dạng hình ảnh khác và âm thanh (gồm vừa ngôn ngữ nói, âm nhạc và các tiếng động thiên nhiên, chứ không chỉ đơn thuần là diễn ngâm một bài thơ như chúng ta vẫn thường nghe). Cảm giác của ông thấy thích thú khi ngắm một bài thơ hypertext trên mạng lưới thông tin hơn là đọc một bài thơ truyền thống trên mặt giấy. Cũng vì cái cảm giác ấy mà ông gọi các sáng tác hypertext của ông là “langu(im)age” chăng? Trong tiểu luận mới nhất với nhan đề “Digital Langu(im)age – language and image as objects in a field” (1999), ông viết: “…Khi tôi nghĩ đến langu(im)age, là tôi nghĩ tới sự tổng hợp nghệ thuật đang thực hiện lời tiên tri của Apollinaire” (Andrews). Đó chính là cái ngôn ngữ mà giáo sư Marshall McLuhan, cha đẻ của tư tưởng truyền thông đại chúng vào những năm 60 của thế kỷ 20, đã viết trong đoạn văn sau:

Những mô hình cảm giác được nới rộng trong những ngôn ngữ khác nhau, thay đổi như là quần áo và nghệ thuật. Mỗi ngôn ngữ mẹ đẻ dạy cho người ta một cách thế khá riêng biệt trong việc nhìn nhận, cảm nhận về thế giới và hành động trong thế giới này. Kỹ thuật điện tử mới, mở rộng cảm giác và thần kinh của chúng ta trong bao quát toàn cầu, mang nhiều ngụ ý rộng lớn cho tương lai của ngôn ngữ. Kỹ thuật điện tử không còn cần từ ngữ hơn là chiếc máy vi tính cần các con số. Điện tử đã vạch ra một con đường mở rộng quá trình của chính ý thức, trên tỉ lệ thế giới, và không có một sự phát biểu bằng lời nói nào cả. Một ý thức chung như thế có thể đã là điều kiện tiền ngôn từ của con người (McLuhan, 83).

Có lẽ nhà thơ Ted Warnell là người sáng tác nhiều bài thơ mật mã và ký hiệu nhất. Có khi đó là những hàng số nhị phân, có khi lại là những chuỗi mật mã, ngôn ngữ vi tính chi chít. Ngôn ngữ vi tính, nhất là những ngôn ngữ gần với ngôn ngữ tự nhiên của con người, là miền đất có thể khai thác, thám hiểm của nhiều nghệ sĩ hypertext. HyperTalk là một ngôn ngữ vi tính rất gần gũi với Anh ngữ. Trong luận văn “Toward a Paradigm for Reading Hypertexts: Making Nothing Happen in Hypermedia Fiction”, tác giả Stuart Moulthrop khi đề cập tới tác phẩm hypertext Uncle Buddy's Phantom Funhouse của John McDaid, ông có trích ra một đoạn tác giả dùng ngôn ngữ lập trình sau đây:

mở conchớpBêntrên
ChiếntranhHạchtâmnhiệt Toàn cầu
đặt bản văn của tôi vào Quỹđạohẹp
đặt Quỹđạohẹp vào Tầngsựkiện
bỏ trống hàng đầu tiên của Tầngsựkiện
bỏ trống hàng cuối cùng của Tầngsựkiện
đặt Tầngsựkiện sau hàng ChiếntranhHạchtâmnhiệt của Quỹđạohẹp
bố trí bản văn của tôi tới Quỹđạohẹp
đặt ChiếntranhHạchtâmnhiệt + 10 vào ChiếntranhHạchtâmnhiệt
nhấn chuột ngay Nơinhấn
hết conchớpBêntrên (67)

Những dòng trên rõ ràng là các mệnh lệnh của ngôn ngữ lập trình HyperTalk. Nhưng bên cạnh đó nó cũng được xem như một bài thơ trừu tượng mà theo Stuart Moulthrop thì đây là một “sự thăm dò những giọng thấp sẫm màu của ngữ vựng vị lợi HyperTalk” (72). Bài thơ 404 Not Found (1997) là một trong những bài như thế của nhà thơ Ted Warnell, trong đó người đọc chỉ thấy những dữ kiện, mật mã về một trang nhà nào đó không còn tồn tại ở máy chủ trên mạng lưới thông tin. Bên dưới là những dòng chữ li ti dính liền nhau (chỉ cách quãng sau dấu phẩy hoặc dấu chấm), ghi địa chỉ của trang nhà đó, họ tên người chủ, số nhà, địa chỉ, hộp thư… Những dòng chữ nhỏ cũng như những dòng mật mã của bài thơ gợi cảm giác tò mò nơi độc giả: nó chứa đựng không ít thông tin, tạo một không-thời gian chìm đắm mơ màng trong dòng suy tưởng chợt đến và cứ thế cuốn đi mãi không bao giờ có điểm kết thúc. Ý nghĩa của bài thơ còn đang nằm trong sự thực hiện, sự vận hành đi tới cái ý nghĩa cuối cùng nó muốn vươn tới, bởi mật mã, ngôn ngữ vi tính là thứ luôn chuyển động không ngừng – nó là một biến số vô tận, đi mãi. Trong Acid (1998) – một bài thơ khác cũng của ông, toàn bài là những hàng công thức hoá học, công thức của tất cả các loại acid (một thứ mật mã khoa học) và tên đọc từng loại một (ngôn ngữ thông thường của con người). Phía bên trái là tấm hình một đứa bé gái với hai nửa mặt khác nhau và cái trán nhô cao quá thể. Phải chăng đây là một biến dạng, một sự hoá thân, một “Gregory Samsa” thời đại trong sự vận hành không ngừng nghỉ của phản ứng hoá học nói riêng và khoa học nhân loại ngày nay nói chung?

Chất liệu mới trong một tác phẩm văn học thường là vấn đề khó tìm hơn là kỹ thuật. Điều này không là ngoại lệ với các nhà văn hypertext. Nhưng chất liệu của những tác phẩm văn học trước đây được họ sử dụng lại dưới một môi trường kỹ thuật khéo léo hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, khai sinh thêm tầng nghệ thuật mới cho chất liệu đó, tác phẩm đó. Trong tác phẩm Patchwork Girl or A Modern Monster (1995), nhà văn Shelley Jackson đã dựng lên một chuỗi giả thuyết với tác phẩm cổ điển Frankenstein của Mary Shelley rồi pha trộn, đan dệt những yếu tố trong tác phẩm này với cái nhìn hoàn toàn mới mẻ của thời đại ngày nay. Christy Sheffield Sanford, trong tác phẩm Red Mona (1995), xây dựng nhân vật Mona từ nhân vật nữ không tên trong truyện ngắn Petit Soldat (Two Little Soldiers) của Guy de Maupassant, tạo ra ba người lính. Sanford đã thành công trong việc biến hoá nhân vật nữ từ một cô gái (là đối tượng) được hai chàng lính trẻ tương tư thành nhân vật tương tư hai chàng lính trẻ kia. Nhân vật thụ động của Maupassant, qua ngòi bút Sanford, đã trở thành nhân vật chủ động. Một điểm hay trong kỹ thuật là Sanford đã viết thêm một bản thảo trình CGI ngắn (viết bằng ngôn ngữ Perl) dùng để tự động chọn phần đọc cho độc giả; điều này tạo ra những thứ tự đọc hoàn toàn lộn xộn, khác nhau. Nhưng sáng tạo khá độc đáo hơn nữa có lẽ phải kể Petra Mueller khi cô thể hiện lý thuyết hỗn mang trong tác phẩm The Love Money and Weather Project (1996). Tuy sự thiết kế của tác phẩm chỉ đơn giản thôi, khá sơ sài, song điểm chính của nó nằm ở chỗ là việc tạo nối kết với một vệ tinh dự báo thời tiết tự động trên trời, từ đó cứ mỗi giờ đồng hồ độc giả vào đến điểm kết nối đó đều thấy một bản báo cáo khác nhau về thời tiết, không biết trước, không thể đoán trước. Kết quả của hỗn mang là tạo ra “một cảm giác của sự biến vị trong không gian, thời gian và ngôn ngữ” (Guertin). Có thể xem đó là một ngôn ngữ mới sinh trưởng từ sự giao thoa giữa hình ảnh và con chữ mà Marshall McLuhan đã từng gọi là “bước lôgic kế tiếp: không chuyển dịch mà vượt qua ngôn ngữ” để tiến tới trạng thái “vô ngôn” (84).

Văn học hypertext ngày càng thu hút khát vọng sáng tạo của nghệ sĩ nhiều quốc gia trên hành tinh chúng ta như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Uruguay, Mexico, Argentina... Nhiều nhà văn nhà thơ tạo sẵn cho mình một trang nhà để việc phổ biến ra thế giới bên ngoài thêm dễ dàng. Giới thương mại cũng như các nhóm văn nghệ sĩ đã nhận thấy nguồn lợi nhuận ở tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tiền phong đang thử nghiệm thể loại văn học còn khá mới này. Từ đó, vài nhà xuất bản bắt đầu mọc lên như Eastgate, Cyclops… Họ chỉ chủ yếu giới thiệu và bán những tiểu thuyết, các tập thơ hypertext của một hay nhiều tác giả trong các đĩa nhựa floppy hay Compact Disc. Thêm vào đó, sự xuất hiện của nhiều tạp chí về văn học hypertext trên mạng lưới thông tin do dăm ba người bạn văn nghệ ngoại quốc của tôi coi sóc cũng góp một sân chơi cho những nghệ sĩ thử nghiệm quốc tế. Có thể nêu tên một vài tạp chí điển hình có uy tín: BeeHive, Riding the Meridian, Cauldron & Net…

Văn học hypertext sẽ còn tiếp tục phát triển rộng và vươn xa. Tôi thật sự tin tưởng ở thể loại văn học này, tuy mới mẻ nhưng chắc chắn nó sẽ là một vết dầu loang từ cái giếng dầu vô tận của hôm nay và những buổi sắp tới.

San Jose, California; May 14, 2000

Tài liệu tham khảo:

Andrews, Jim. “Digital Langu(im)age – language and image as objects in a field.” Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.vispo.com/writings/essays/jimarticle.htm (1999).

Bolter, Jay David. Writing Space. The Computer, Hypertext, and the History of Writing. Hillsdale, NJ: Nhà xuất bản Lawrence Erlbaum, 1991.

Calvino, Italo. The Castle of Crossed Destinies. Trans. William Weaver. New York: Nhà xuất bản Harcourt Brace Jovanovich, 1976.

Cortázar, Julio. Hopscotch. Trans. Gregory Rabassa. 1966. New York: Nhà xuất bản Pantheon-Random House, 1987.

Coverley, M.D. The Lacemaker (từ The Book of Hours, 4:00 a.m.). Mạng thông tin. Địa chỉ: http://gnv.fdt.net/~christys/Coverley/elys_1.html (1996).

De Maupassant, Guy. “Two Little Soldiers.” The Best Stories of Guy De Maupassant. Saxe Commins, dịch thuật. New York: Nhà xuất bản Thư Viện Hiện Đại, 1945. 456-464.

Guertin, Carolyn. “Queen Bees and the Hum of the Hive.” Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.temporalimage.com/beehive/archive/12arc.html (1999).

Jackson, Shelley. Patchwork Girl or a Modern Monster. Phần mềm vi tính. Watertown, MA: Eastgate Systems, 1995.

Joyce, Michael. Afternoon, A Story. Phần mềm vi tính. Cambridge, MA: Eastgate Systems, 1989.

Joyce, Michael. Of Two Minds: Hypertext Pedagogy and Poetics. Ann Arbor: Nhà xuất bản đại học Michigan, 1995.

Landow, George. Hyper/Text/Theory. Baltimore, MD: Nhà xuất bản đại học Johns Hopkins, 1994.

Malloy, Judy. “Hypernarrative in the Age of the Web.” Mạng thông tin. Địa chỉ: http://arts.endow.gov/Community/Features25/Malloy.html (1998).

Malloy, Judy. Uncle Roger. Phần mềm vi tính. Berkeley: Bad Information, 1991.

McDaid, John. Uncle Buddy's Phantom Funhouse. Phần mềm vi tính. Watertown, MA: Eastgate Systems, 1993. HyperCard.

McLuhan, Marshall. Understanding Media: The Extensions of Man. New York và Toronto: Nhà xuất bản Signet, 1964.

Moulthrop, Stuart. “Toward a Paradigm for Reading Hypertexts: Making Nothing Happen in Hypermedia Fiction.” Hypertext/Hypermedia Handbook. Emily Berk và Joseph Devlin, Eds. New York: Nhà xuất bản McGraw-Hill, 1991. 65-78.

Mueller, Petra. The Love Money and Weather Project. Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.studioxx.org/night_light/petra/home2.htm (1996).

Sanford, Christy Sheffield. Red Mona. Mạng thông tin. Địa chỉ: http://web.purplefrog.com/~christy/red-mona/ (1995).

Sanford, Christy Sheffield. “The Roots of Nonlinearity: Toward a Theory of Web-Specific Art-Writing”. Tạp chí BeeHive (3/2000). Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.temporalimage.com/beehive/content_apps31/app_a.html

Shelley, Mary. Frankenstein. New York: Barnes & Noble Books, 1993.

Walton, Kendall. Mimesis as Make-Believe. On the Foundations of the Representational Arts. Cambridge, London: Nhà xuất bản đại học Harvard, 1990.

Warnell, Ted. Acid. Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.warnell.com/real/acid.htm (1998).

Warnell, Ted. 404 Not Found. Mạng thông tin. Địa chỉ: http://www.warnell.com/real/four04.htm (1997).

Willmot, Rod. Everglade. Phần mềm vi tính. Sherbrooke, PQ: công ty Hyperion Softword xuất bản, 1990.

Nguyên bản 2 đoạn thơ đã trích dẫn bên trên:

1. Everglade (Rod Willmot).

Doorways open,
to ponds
with more doorways,
the currents curling
among themselves
while apparently flowing elsewhere…

2. Uncle Buddy’s Phantom Funhouse (John McDaid).

on mouseUp
Global thermoNuclearWar
put the script of me into tightOrbit
put tightOrbit into eventHorizon
put empty into first line of eventHorizon
put empty into last line of eventHorizon
put eventHorizon after line thermoNuclearWar of tightOrbit
set the script of me to tightOrbit
put thermoNuclearWar + 10 into thermoNuclearWar
click at the clickLoc
end mouseUp

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021