thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ [I]

 

Tháng trước, Nguyễn Hưng Quốc gửi tặng tôi hai cuốn sách, trong đó có cuốn The Poets Laureate Anthology (Elizabeth Hun Schmidt biên tập & giới thiệu, với lời tựa của thi sĩ công huân Hoa-kỳ Billy Collins, do W.W. Norton & Company và Library of Congress hợp tác xuất bản vào năm 2010). Sách dày hơn 750 trang, chứa đựng hàng trăm bài thơ và lời phát biểu của 43 thi sĩ công huân Hoa-kỳ. Từ khi nhận được cuốn sách này, hàng ngày tôi nhẩn nha đọc, một cách ngẫu nhiên, không theo một thứ tự nào, khi thì đọc nguyên một chùm thơ của một thi sĩ, khi thì đọc những lời phát biểu của dăm ba thi sĩ, khi thì đọc những lời giới thiệu về tiểu sử và thơ của vài thi sĩ khác. Chỗ nào thú vị hay đáng suy gẫm thì tôi dùng viết chì đánh dấu.
 
Hôm nay, 28/9, sinh nhật tôi, tôi giở cuốn sách này ra và dịch một vài nhận định ngắn của một vài nhà thơ. Xin chia sẻ cùng bạn thơ và bạn đọc.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn

 

 

NHÀ THƠ NÓI VỀ THƠ

 

M.S. MERWIN (1927~):

Văn xuôi nói về điều này điều khác, nhưng thơ thì nói về cái không thể nói. Tại sao người ta tìm đến thơ khi hai toà nhà chọc trời ở New York thình lình bị đánh sập, hay khi cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ, hay khi người họ yêu thương nhất trên đời bỗng chết đi trong căn phòng của chính họ? Bởi vì họ không thể nói nên lời. Họ hoàn toàn không thể nói, và họ muốn một cái gì đó nói lên những gì họ không thể nói.

 

CHARLES SIMIC (1938~):

Tôi nhớ có một lần — trong thời gian tôi dạy tại các trường ở El Paso — một học sinh đã hỏi tôi... thơ thì tốt cho điều gì. Và tôi sửng sốt, vì đó quả là một câu hỏi nghiêm trọng. Đó là một câu hỏi khó. Rồi thình lình một bàn tay giơ lên. Đó là một cô gái. Và tôi hỏi... “Cô nghĩ thế nào?” Và cô nói, “Để nhắc nhở cho người ta về chính cái cuộc nhân sinh của họ.” Câu nói ấy chạm vào cảm thức của tôi như một điều đầy ý nghĩa, đầy cảm xúc, đầy xót xa... Các bạn biết đấy, tôi sinh ra rồi sẽ chết đi, tôi hiện hữu, tôi có lương tâm của tôi, tôi có bản thể của tôi, chính tôi. Tôi ở đây với vũ trụ này. Có lẽ có một đấng Thượng Đế; có lẽ không có đấng Thượng Đế nào cả. Đây là thân phận của tôi, thân phận làm người của tôi. Thơ nhắc nhở cho độc giả về điều đó.

 

BILLY COLLINS (1941~):

Thời gian không chỉ là tiền bạc — xin lỗi nhé, Ben Franklin — thời gian là một phương thức để chúng ta nhận ra phải chăng mình đang di chuyển đúng nhịp xuyên qua cái cuộc sống mà mình đã được trao cho. Một trong những điều thú vị căn bản nhất của thơ là cái cách nó làm cho chúng ta chậm lại. Sự chủ tâm của ngôn ngữ thơ khiến chúng ta dừng bước. Sự bài trí trong hình thức của nó ngăn chặn sự hối hả của chúng ta.

 

JOSEPH BRODSKY (1940-1996):

Ngôn ngữ và, có lẽ, văn học là những điều xa xưa hơn, thiết yếu hơn, trường cửu hơn mọi hình thức tổ chức xã hội. Thái độ kinh tởm, chua chát, hay lãnh đạm mà văn chương thường bày tỏ đối với nhà nước thì chủ yếu là một phản ứng của cái thường hằng — đúng hơn nữa, cái vô hạn — chống lại cái tạm thời, chống lại cái hữu hạn. Ít nhất, cho đến chừng nào nhà nước còn tự cho phép nó can thiệp vào những công việc của văn chương, thì đến chừng ấy văn chương có quyền can thiệp vào công việc của nhà nước.

 

HOWARD NEMEROV (1920-1999):

Ồ, bạn cần lời ca tụng, cần sự công nhận và, trên hết, cần tiền. Nhưng nếu đó chính là động cơ của bạn, thì đáng lẽ bạn nên làm một việc gì khác (thay vì làm thơ). Tất cả các thứ danh tiếng và vinh dự này đều rất dễ thương, miễn là bạn không tin vào chúng.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------
Trích dịch từ cuốn The Poets Laureate Anthology, Elizabeth Hun Schmidt biên tập & giới thiệu, với lời tựa của thi sĩ công huân Hoa-kỳ Billy Collins, do W.W. Norton & Company và Library of Congress hợp tác xuất bản vào năm 2010.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021